Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chuẩn bị chiến đấu

Tiểu thuyết gốc · 3708 chữ

Nắng đẹp.

Tầm tám giờ sáng, El Draque giong buồm thẳng về đảo Tartaruga. So với Naszeure, nơi đó gần hơn, tuy nhiên độ an toàn lại không bằng. Tartaruga, hay đảo Rùa, nằm trong quần đảo Bahámut, với địa hình tương đối hiểm trở, hình dạng như con rùa nằm. nên được chọn làm cứ điểm. Tuy nhiên, nơi ấy lại rất gần thuộc địa New Promise của Đế quốc Angland, cường quốc vùng phía Bắc, cũng như tỉnh lỵ Maracaibo của Iberia. Chỗ đó được dùng như trạm trung chuyển giữa các hải tặc, chứ hầu như không xem như căn cứ thực sự. Nếu cần một nơi đóng quân lâu dài, họ sẽ đến Naszeure, nằm xa hơn về phía Bắc, hay tới cảng Alaya ở đảo Madgaskr, những nơi phòng ngự và hậu cần tốt hơn.

Chạy hết tốc lực cũng chỉ vào khoảng năm, sáu hải lý mỗi giờ, con tàu này thực sự quá ì ạch cho việc làm cướp biển. Những người ở lâu đều biết El Draque vốn là tàu chở nô lệ, tải trọng lên đến hai ngàn tấn. Tuy không mang nhiều buồm, mỗi cánh của nó lại to gấp rưỡi tàu thường, còn dàn pháo ba mươi hai pao kia chưa bao giờ là thứ dễ chịu cho kẻ thù. Dẫu thế, tốc độ rùa bò này vẫn thường khiến họ phát điên. Các “đồng nghiệp” dùng sloop, schooner hay brig có thể di chuyển nhanh gấp đôi thế này, trong khi nó bơi hết sức khi gió tốt cũng chỉ cùng lắm vào tầm tám hải lý. Chỉ vừa đủ nhanh để tránh tàu chiến tuyến và truy đuổi con mồi, chứ đánh nhau với bọn tàu lùng hay hải quân nhỏ nhỏ thì không cách nào tránh nổi.

Ngồi thù lù trên “tổ quạ”, tức bục quan sát ở đỉnh cột buồm chính, Antonio ngáp ngắn ngáp dài, tay cầm ống nhòm dài quan sát xung quanh. Làm hoa tiêu thực sự khá nhàm chán, cả ngày chỉ có mỗi việc coi đường, thấy có gì không ổn thì báo cáo lại. Cũng nhờ thế mà luyện được cái phổi với thanh quản khỏe, hét từ trên này xuống mấy chục mét dưới kia nghe vẫn rõ. Áo sơ mi, quần lửng với cái khăn quấn đầu cho đỡ nắng, cu em cả ngày cả đêm chỉ có mỗi việc dán mắt vô ống nhòm coi đường. Họa may tới giờ cơm thì được thay ca, như cái hôm tàu nhận nuôi mèo, còn không thì cứ ở riết trên này thôi.

Chồm người qua lan can, Antonio khẽ liếc xuống dưới. Các thủy thủ làm việc liên tục, chăm chỉ cực kỳ. Không giao tranh, họ tranh thủ thời gian quý báu này bảo trì đại bác, lau chùi phần nòng, kiểm tra các thùng thuốc súng xem có bị vô nước không. Đại bác há họng chĩa thẳng ra ngoài nên dễ bị đóng cặn dơ, phải vệ sinh mỗi ngày. Công việc không mấy làm dễ chịu, nhưng ít ra còn có đứa mà tám cùng. Chẳng bù mình, một thân một cõi cao chót vót, chỉ biết tự kỷ với biển xanh mây trắng.

Dưới kia, đám Annatar’re đang tranh thủ học tiếng Iberia.

Ba ngày trên tàu, họ đã làm được điều mà hơn hai trăm thanh niên trai tráng bó tay: Diệt tận gốc cái ổ chuột đã luôn quấy phá giấc ngủ và nhà bếp. bắt tận nơi hơn bốn chục con, họ mượn bếp để “xử lý” lũ ấy luôn. Người Y’iukatan được trời phú cho năng lực của méo, thì cũng được “boa” thêm cái tính thèm ăn chuột với cá. Trên tàu,cá ướp muối và cá khô là lương thực dự trữ chung, nên thịt chuột chó thể coi là “cao lương mỹ vị” với mấy cô bé này.

Nhìn những đôi bàn tay bé xíu, với các ngón thuôn dài dễ thương ấy thoăn thoắt cắt tiết đám chuột to bằng cườm tay người lớn, nhúng nước sôi làm lông, rồi chế biến thành món thịt chuột nấu rong biển bốc khói hấp dẫn mà ngay cả người cứng như chú Silvers cũng thấy lưng áo mình ươn ướt. Khỏi nói Antonio đã mất ăn thế nào khi thấy cảnh mấy người da đỏ xơi chuột ngon lành, María chạy ngay tức khắc, tới cả đầu bếp cũng tái mét mặt mũi. Chỉ riêng lão thuyền trưởng lầy lội đám ngồi lại, khui rượu ra mời đám nhỏ uống ngon lành.

Lúc này, bữa tiệc thịt chuột đã xong xuôi. Chỉ uống vang nhẹ cho vui miệng, nên họ không say mấy. Annatar’re sau khi nhận nhiệm vụ dạy tiếng Iberia cho ba người bạn đã bắt tay ngay vào làm. Và không biết cô ta dạy thế nào, giờ họ đã bập bẹ được mấy từ đơn giản. Chưa thể nói hay hiểu câu dài, nhưng vài từ thì không khó. María đứng cạnh, óc ác vẫn còn nổi rần rần sau khi thấy những bé mèo xinh xắn đáng yêu xử chuột ngay trước mặt, nhưng phải cố bình tĩnh để còn lái nữa. Nuốt cái đống hổ lốn đang muốn trào ngược lên cổ họng xuống lại bao tử, cô nói:

- Mấy người… vẫn thường ăn thế à?

- Vâng. – Ku’inn gật đầu. – Chuột. Săn. Món chính!

- Món chính?

Được rồi, giờ thì tiểu thư chính thức muốn ói đấy! Thậm chí cướp biển cũng có giới hạn của nó, chứ không phải cái gì cũng xơi thế này!

- Khun tụi tôi sống lúc trước nhiều chuột lắm, nên cũng hay bắt về ăn. – Annatar’re nói – Cô có thể nấu, luộc hay nướng chúng nó tùy thích. Cũng có thể xẻ thịt phơi khô làm đồ ăn dần, đi săn xa thường mang thịt chuột khô ướp ớt theo…

- Rồi, rồi, dừng, được rồi!

Nói như mếu, María xin cô bé tai mèo kia dừng lại. Đủ chuột cho hôm nay rồi!

Thấy biểu hiện thế, mấy bé da đỏ ngồi lại, dùng tiếng bản địa nói với nhau cho không lộ. Vẫn còn vị rượu đăng đắng trong miệng, Ixhiucoalt nói trước:

- Hình như người mặt tái không quen ăn chuột nhỉ?

- Họ toàn ăn thịt heo mà nhỉ? – Antariix gật gù – Rồi nói gì đó…

- “Văn minh”, nhỉ? – Ku’inn bảo – Annatar’re từng bảo người mặt tái tự nhận mình ăn thịt heo là văn minh, còn tụi mình xơi chuột là man di, cần được khai hóa.

- Khác nhau mà, kệ đi! – Annatar’re nói – Mấy người mới bị bắt, chứ tui từ hồi tướng Cortex còn chỉ huy cũng xơi chuột hoài! Quan trọng là cái người ngồi trên đầu mình sao thôi! Với lại họ kêu tụi mình bắt chuột mà, bắt được rồi mình muốn làm gì thì là chuyện của mình chứ! Cứ ăn thôi!

- Oa, sống lâu năm với mặt tái có khác!

- Khịa nhau hả Ixhiucoalt?

- Thôi bỏ đi, mấy người. – Vẫn là Ku’inn lên tiếng – Giờ tụi mình phải tập trung đã, ráng học xong tiếng của họ rồi mới tính tiếp được!

- Ừ.

Đến thế, cuộc trò chuyện chấm dứt. Đứng bên cạnh, gần lan can tàu, Martin nghe hiểu rõ mồn một. Ông định sau này sẽ gạ đám nhỏ đem thêm mồi ra, ngồi nhậu tiếp. Cái kiểu uống rượu có mồi này học được khi chu du vòng quanh thế giới, tới cái xứ gọi là Chu hay gì đó, uống thứ rượu gạo cay xè lưỡi của họ. Người đứng đầu cướp biển bên ấy, phu nhân Zhao Shih, đã biếu ông khá nhiều thứ quý giá, coi như tình hảo hữu giữa các đồng nghiệp. Mấy món đồ ấy vẫn còn để trên tàu, đặc biệt là một “thứ” không thể để lọt vào tay đám quân đội.

Quay qua nói với đám trẻ nít bằng tiếng Y’iukatan, ông hỏi:

- Thấy cướp biển thế nào? Thoải mái chứ?

- Đồ ăn ngon, võng êm, rượu nhạt nhẽo!

Không chờ suy nghĩ, Antariix trả lời ngay, gương mặt vừa rạng ngời vừa thất vọng. Nửa cười nửa sụ, cô bé có vẻ vẫn muốn uống thêm. Nhưng nếu say bí tỷ giờ này thì Silvers sẽ cho cả bọn đi ngủ với cá. Từng có trường hợp cả thủy thủ đoàn nhậu say không biết trời trăng gì, bị hải quân đột kích tóm gọn cả lũ. Vì vậy trên tàu đã ra luật không được uống say khi chưa về cảng, đặc biệt những người trong ca trực. Đám trực tàu, kể cả đã buông neo, nếu bị phát hiện say xỉn, bỏ bê nhiệm vụ sẽ chịu phạt nặng. Ba mươi chín cú đánh roi vào lưng bằng cái roi da chín dây, một lần chịu là nhớ tới già.

Trong lúc đó, thuyền trưởng nói, làm cướp biển thực sự không phải chuyện dễ, nhất là với một chiếc galleon thế này.

- Là sao ạ?

Không nhịn được tò mò, Ixhiucoalt hỏi.

- Thế nào à? Nhiều lắm, như là tàu bè chẳng hạn.

- Tàu? – Annatar’re hỏi – Thuyền trưởng, hôm kia ông có nói chuyện rất ít người dùng galleon phải không? Ý ông khó là khó “kiểu đó”?

- Quả nhiên có nghề nó khác.

Quay lưng lại, dựa vào lan can, Martin bắt đầu nói. Đối với hầu hết cướp biển, xưa giờ vẫn vậy, họ chuộng loại tàu nhỏ, nhẹ, chạy nhanh và đáy nông hơn. Chiến thuật chủ yếu là bắn xong lượn, đi các chuyến ngắn ngày xung quanh một vùng biển đã quen thuộc và tấn công tàu buôn trên đó. Các loại tàu được ưa chuộng ở Keranean là sloop, schooner, brig với brigantine, với mạn tàu ít khi vượt quá mười mét, mớn nước tương đối nông và có sự cơ động đáng kể. Các tàu kiểu đó thường không có sàn pháo riêng, đại bác sẽ để trên boong lộ thiên luôn, và hỏa lực cũng không mạnh lắm. Từng có người cố nhét hàng chục khẩu thần công lên một chiếc brig, trang bị thêm mũi tông phía trước, cùng pháo cối và nhiều thứ linh tinh khác, nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ bớt vì quá tải.

Tàu nhỏ có cái lợi là dễ đánh thương thuyền, nhanh chóng lẩn trốn được khỏi các đợt truy quét của chính phủ, đi được trong luồn lạch nhỏ. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm, chính là không gian bị hạn chế nhiều. Tàu bé xíu như sloop chỉ chở được vài chục mạng là giỏi, trong khi brig cũng tầm trăm, trăm rưỡi. Dự trữ hành trình bị cắt giảm đồng nghĩa với việc di chuyển đường dài hoàn toàn bất khả thi, trừ khi vừa đi vừa đánh cướp. Không gian ít cũng khiến của cải cướp được bị giới hạn, không biết phải lấy thứ gì, bỏ cái nào lại. Trên hết, chúng rất dễ bị đám tàu lớn thổi tung. Một khi đã vào tầm, tàu chiến tuyến hay galleon vũ trang sẵn sàng quyết tử có thể đánh đắm chúng dễ như trở bàn tay.

Hiện khắp vùng Keraenean này chỉ có ba, bốn cướp biển dùng galleon làm phương tiện di chuyển chính. Dĩ nhiên đã tính El Draque, con tàu rùa hết phần thiên hạ, chỉ chạy nhanh hơn tàu chiến tuyến chút đỉnh. Tuy nhiên, vì galleon có sức tải lớn, lại rộng rãi nên không chỉ nhiều chỗ nhét hàng hơn, mà dàn vũ trang cũng tăng đáng kể. Con tàu này vốn là tàu chở nô lệ, lúc đỉnh điểm có thể nhét hơn sáu trăm người, tải trọng hai ngàn tấn. Bây giờ nó mang theo bốn mươi khẩu đại bác ba mươi hai pao, mười sáu cây mười hai pao ở boong trên, mũi với đuôi nữa, tổng hỏa lực có thể sánh ngang một chiếc chiến hạm cỡ vừa.

- Còn tàu khác ạ?

Ku’inn giơ tay hỏi, hệt như học sinh trong lớp.

- Theo ta nhớ là vậy.

Gật đầu, Martin trả lời:

- Nổi nhất là chiếc Wild Hunt’s Requiem của thằng Ed Thatcher, hai boong pháo, trang bị loại mười tám pao đồng nhất. Cũng là tàu chở nô lệ như bà già này đây, nhưng mới đóng, và cũng mới bị cướp!

Nói đoạn, ông vỗ vỗ tay lên lan can gỗ, khiến nó kêu ken két như phản ứng lại việc bị gọi bằng cái từ không mấy hay ho kia. Dù là tàu cướp biển đi nữa, chẳng người phụ nữ nào lại muốn bị kẻ khác kêu “già”, nhất là đàn ông, và người đàn ông của đời mình thì càng không.

Tiếp tục, Martin nói, kẻ thù của cướp biển rất nhiều. Đại dương khi nổi cơn tam bành thì tàu to thế nào cũng chết. Đám tàu buôn “cứng” sẵn sàng đánh trả tới cùng có thể khiến mình ôm cục u chạy về cảng. Những tên “đồng nghiệp” khốn nạn thấy mình cướp được nhiều quá nên đánh mình luôn, chuyện này hiếm nhưng không phải không có. Ngoài ra, hai kẻ thù chính thường thấy là những tàu lùng, dạng tàu tư nhân được cấp giấy phép tấn công và tàu biệt phái của chính quyền đi truy quét.

Đối với hai loại sau, Martin bảo mấy cô bé cần đặc biệt chú ý vào các tàu biệt phái. Khác với tàu lùng thường vũ trang tương đối gọn nhẹ, gần như không khác cướp biển thông thường là mấy, những đối thủ dưới cơ El Draque, thì tàu biệt phái thực sự là cái gai trong mắt. Vũ trang tận răng, kỹ năng chiến đấu tốt, lòng trung thành cao nên khó dụ hàng và trên hết là chúng nó rất khó chết. Những tàu dành riêng cho nhiệm vụ truy quét hay dược thiết kế với hai boong, số pháo dao động từ năm mươi tới bảy mươi tư, và thường có quân lính đi cùng. Những tàu này thường đánh rất tàn nhẫn, không chừa đường sống, nên một khi đã lọt vào tầm ngắm thì cứ xác định tử chiến thôi.

- Đáng… Đáng sợ vậy ạ?

Nghe kể thế, Antariix sợ tái mặt. Ku’inn run cầm cập đôi vai, nhưng Ixhiucoalt có vẻ không sợ lắm. Annatar’re thì hoàn toàn không tỏ vẻ gì, gương mặt tròn tròn, đáng yêu như mèo on đó vẫn tỉnh bơ như thường. Mười năm đi biển làm cô bé quen với mấy thứ thế rồi. Nhất là tàu biệt phái, rất ít khi chúng xuất hiện ở đây. Nhưng…

Đời ai đoán được chữ ngờ?

Từ nãy giờ, Antonio vẫn ngồi tự kỷ trên tổ quạ, mặc cho mấy người cười cười nói nói dưới kia. Khẩu súng kíp nòng dài để kê sát vào cột buồm, túi se đựng đạn với thuốc súng đeo bên hông, thường nhiệm vụ của cậu khi giáp chiến là bắn “tỉa” những tên cố leo qua cột buồm bên này. Mỗi bệ quan sát trên cột buồm đều có người làm việc đó: Dưới cùng ba thành viên, lên giữa còn hai, và trên đỉnh thì độc cô cầu bạn luôn. Cũng quen rồi, ít nhất trên này còn có gió mà hóng.

Lại đưa ống nhòm dài lên mắt, cậu xoay ngang xoay dọc mấy cái. Bỗng, thằng cu dừng ngay lại. Lông mày nhướng cao, và cái mồm ngoác rộng như bị gắn chì kéo xuống, Antonio nhoài người khỏi tổ quạ, hết sức bình sinh mà hét to xuống dưới:

- Mạn phải hướng một giờ, galleon vũ trang! Có cờ của gia tộc de Castello và “đuôi nheo vàng”!

- Cái gì? “Đuôi nheo vàng”?

- Nhóc con, không nhìn sai chứ?

- Không sai! – Antonio gào muốn đứt dây thanh quản – Đuôi nheo vàng trên cột buồm mũi! Hai sàn pháo và tháp cao giống lâu đài! Là nó! Thuyền trưởng!

Đứng trên khoảng sân đuôi tàu, gần tay lái, martin rút chiếc ống nhòm trong ngực áo ra. Kéo dài rồi đưa lên mắt nhìn, mặt ông lập tức tái xanh như mớ rong biển trôi dạt giữa sóng nước. Miệng nhăn xuống như khỉ phải ớt, răng nghiến ken két, thuyền trưởng khiến những người đúng cạnh thấy không thoải mái chút nào. Các thủy thủ khác chưa kịp hình dung ra điều gì thì đã thấy được con tàu mà thằng bé nói.

Cự ly khoảng hai hải lý, trong tầm này biển lặng có thể nhìn tương đối tốt. Mấp mô sau trùng trùng điệp điệp các lớp sóng cồn của đại dương, hình bóng chiếc galleon khổng lồ dần lộ ra. To hơn cả El Draque với hai boong pháo, các cửa đã mở toang, đẩy nòng thần công ra ngoài, xem ra nó sẵn sàng chiến tới nơi rồi.

Bốn cột buồm đứng, với ba chiếc trước mỗi cái ba buồm, cột thứ tư chỉ treo buồm chéo tam giác kiểu trước - sau, nó tiến đến nhanh phải ngang với một tàu không tải gì cả. Phía mũi trước xây rộng sang hai mạn, với hai tòa tháp thấp thấp, trong khi đằng đuôi có bốn tháp cao hơn, dường như thuộc về khu vực sĩ quan. Pháo hạm kềnh càng đầy vẻ uy hiếp, không có vẻ gì thứ này muốn đàm phán. Có vẻ cũng đã thấy El Draque, nó giương thêm buồm, bẻ lái hướng lại gần.

Cột buồm chéo trước mũi có phần làm thẳng đứng lên, thiết kế quen thuộc của galleon Iberia thời này, với bệ đứng quan sát cùng lá cờ hai đuôi vàng hoe bay phấp phới trong gió. Theo quy tắc đi biển, chỉ một số tàu biệt phái mới treo thứ cờ vừa dài vừa vướng này. Những chiến hạm chuyên nhiệm vụ đánh diệt cướp biển, được gọi chung là “thợ săn”.

Không phân biệt tàu chính quyền hay tư nhân, mọi chiến hạm treo thứ ấy đều được xem như kẻ tử thù của cướp biển, và một khi đã phát hiện nhau, nhất định sẽ là trận chiến tới chết. Một khi đã bị trông thấy, cướp biển chỉ có hai lựa chọn: Bỏ chạy hoặc chết. Thường họ sẽ chọn chạy, nhưng với El Draque, chính xác hơn là sự ì ạch không tả nổi của cái tàu này, chạy hoàn toàn bất khả thi. Chính vì vậy, Martin mới phải nghiến răng. Nhất là khi ông biết rõ con tàu đang tiến tới.

Từ trong bộ râu rậm rạp ấy, giọng nói như quỷ dữ đại dương ầm ầm dội lên, khiến những người ở gần không khỏi giật mình.

- La Maestro del Mar!

- Lại là nó!

Đứng cạnh thuyền trưởng, Silvers nhổ bãi nước bọt xuống biển, vẻ mặt đầy khinh bỉ. Chiếc rìu chiếc giắt bên hông quần đã sẵn sàng, cùng với thanh kiếm cong đeo bên kia. Cơ bắp cuồn cuộn nổi rõ từng khối to lớn, bộ râu quai nón vểnh lên như gấu dữ, xem ra ông đã sẵn sàng chiến đấu. María không nói gì, cô còn phải tập trung lái tàu, nhưng xem tình hình thì chắc ăn chuẩn bị lao vào đánh nhau tiếp. Dù gì thì, chạm trán “thợ săn” thế này cũng không phải hoàn toàn ngoài dự đoán.

Vẫn đang chồm người quan sát, Silvers hỏi:

- Lệnh, thuyền trưởng?

Đứng im một lát, Martin hít vào, rồi hét lớn:

- Tất cả thành viên tổ hỏa lực tập trung về vị trí! Bên dưới mở cửa pháo, nạp đạn thần công, chờ lệnh! Tổ chiến đấu tạo thành nhóm tác chiến năm người, làm như mọi khi! Lấy dây móc, leo sang chiếm tàu địch! Đánh chuông, và kéo cờ đỏ lên! Rồng sẽ không chịu chết ở chỗ này! Chuẩn bị chiến đấu!

- Rõ!

Hô vang đồng thanh đến mức biển cả phải dậy sóng, thủy thủ đoàn El Draque dù đang làm gì, nói chuyện dang dở ra sao cũng bỏ ngang, nhanh chóng nhào về vị trí của mình. Cửa hầm mở toang, hầu hết đều rút xuống dưới, chỉ còn lại chừng vài chục trên đây. Một tổ pháo cần bốn thành viên, bốn mươi cây lớn đã ngốn một trăm sáu rồi, chưa kể pháo nhỏ trên này. Những người thuộc nhóm chiến đấu nhanh chóng chia thành từng đội năm người, mang theo kiếm ngắn và rìu chiến. Ông nào ông nấy hừng hực khí thế, mắt trừng hướng thẳng qua phía kẻ thù. Cuộn dây thừng dài buộc móc bốn ngạnh quàng trên vai, sẵn sàng ném bất cứ khi nào.

Phía sau, lá cờ đỏ từ từ được kéo lên trên cột buồm chính, trong khi đó cờ hiệu của họ - đầu lâu trắng nhìn một bên với hai khẩu súng lục để chéo phía sau, phấp phới bay phía đuôi. Một khi đã kéo cờ đỏ, cướp biển tuyên bố không từ bi. Giết tất. Giết tới kẻ cuối cùng. Vì đối thủ trước mặt cũng hướng tới với tâm thế đó.

Nắm chặt tay lái, María bẻ mạnh sang trái, cho tàu rẽ đi một góc hai chục độ. Không phải bỏ chạy: Hướng chiếc galleon kia tới gần như song song với El Draque. Bẻ lái thế này giúp họ có ưu thế mạn hơn đối phương, tức pháo bên mạn phải có thể bắn toàn lực, trong khi đối phương chỉ có thể dùng đại bác mũi để đánh trả. Dĩ nhiên, như vậy khả năng bắn trúng thấp hơn, vì phần mũi dù sao cũng là mục tiêu bé xíu nếu so với cả chiều dài chiến hạm. Nhưng thế còn hơn bị thổi tung bởi hỏa lực đối địch.

Quay sang nhóm da đỏ, María nói:

- Cuộc chiến đầu tiên của các cô tới sớm nhỉ? Chuẩn bị tắm máu chưa?

- Bất cứ khi nào!

Trả lời với nụ cười đầy sát ý, bầy mèo tuốt kiếm khỏi bao.

Còn sáu phút đến lúc vào tầm bắn.

Bạn đang đọc Quỷ biển - Cộng hòa Tự do sáng tác bởi IvanDFakkov
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi IvanDFakkov
Thời gian
Lượt đọc 15

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.