Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Lênh Đênh

Tiểu thuyết gốc · 2668 chữ

Đúng ba ngày sau, y như lời hứa của Trần Tứ, cả bốn người đã có mặt tại cảng Yokohama chuẩn bị lên tàu đi HongKong. Thằng béo đang khệ nệ tay xách nách mang đủ các thứ đồ cam thổ mã nhét lên khoang hành lý. Nghe Trần Tứ nói chuyến đi này có thể kéo dài lên đến cả tháng trời, bác Hải và thầy Dương đều đã gửi tiền mua khá khá vật dụng cá nhân. Con Tàu thoạt nhìn thì có vẻ cũ kỹ, thực chất là tàu chở đồ buôn lậu đội lốt tàu cá xa bờ, là loại thuyền Diezel đời cũ, nhưng nghe lão Tứ nói rằng máy móc đã được độ lại vô cùng tân tiến. Chuyến hải trình lần này khá lâu vì là tàu buôn lậu nên phải vừa đi vừa tránh tàu quân đội tuần tra ven biển. Thời buổi này rồng rắn hỗn tạp, nếu muốn vượt trùng dương chí ít phải thuê dăm ba con tàu đi theo bảo vệ. Tuy thế tay thuyền trưởng này là kẻ dạn dày kinh nghiệm, đã đi tuyến đường này không biết bao nhiêu lần, chưa có sóng to gió lớn nào là chưa từng trải qua. Mọi người gọi lão là chú Tư. Chú Tư là người miền Bắc, nhưng chẳng rõ quê gốc ở đâu, tuổi trạc ngoài năm mươi, cơ thể rắn rỏi như một cây tùng giữa biển khơi vậy. Trên gương mặt vuông chữ điền và bộ râu quai nón còn in hằn vài vết sẹo sâu hoắm, đủ thấy con người này đã từng trải như thế nào. Ba người còn lại, một là tay hoa tiêu người Thanh Hóa, được mọi người gọi là anh Sáu, người còn lại là lão thợ máy nói giọng miền Trung đặc sệt tên gọi là bác Cả. Người cuối cùng là cháu họ tay thuyền trưởng, tuổi tác cũng chưa đến ba mươi, biệt hiệu là thằng Út, vừa phụ lái vừa là chân chạy lăng xăng trên tàu.

Con tàu này chủ yếu chỉ dành để chở hàng lậu nên cũng không có nhiều khách. Ngoài bốn người bọn Đức thì còn có thêm một lão già cốc mõ đại vương lưng gù tưởng chừng như sắp chạm tới đất, một tay buôn quê gốc Nam Định đi theo trông chừng hàng và một gã bí bí ẩn ẩn giữa trời nóng như đổ lửa thế này mà cũng chùm áo khoác kín mít, vừa lên tàu đã chui tót vào một góc khoang mà ngồi thu lu chẳng thèm trò chuyện với ai.

Đúng sáu giờ tối ngày hôm đó tàu xuất hành ra khỏi cảng. Ngày đầu tiên hai thằng Toàn với Đức say sóng đến vàng cả mặt, cứ chốc chốc lại phải chạy ra thành tàu mà nôn ra cả mật xanh mật vàng. Bữa tối ăn được tý lương khô thì đã tống ra hết từ đời nào, hai thằng phải đến già nửa đêm mà bụng vẫn òng ọc không sao mà ngủ được. Sáng hôm sau dậy thì mặt trời đã lên bằng ba con sào rồi. Vừa mở mắt ra thì đã thấy lão già thần bí hôm qua đang ngồi xem bói cho thằng Út. Lão khọm này chắc cũng phải ngoài bảy mươi. Người chỉ có da bọc với xương nhìn như mới từ dưới mả bước lên nhưng đôi mắt vẫn còn hiển lộ ra sự quắc thước hiếm có. Lão để tóc dài vấn khăn, trên người là bộ áo dài đã sờn vai bạc phếch, nhưng lại vô cùng sạch sẽ, thẳng thớm. Người đời gọi lão là lão Thành gù. Chẳng phải vì lão bị gù mà chẳng qua là lão đã quá già, đi cứ phải còng rạp cái lưng xuống. Lão đang ngồi xem chỉ tay cho thằng Út:

- Để lão nói cho nhà cậu biết, cái mệnh của cậu mà cứ lênh đênh trên biển như thế này thì khó mà làm nên nghiệp lớn lắm, không những thế sắp tới có khi còn có một trận tai vạ giáng lên đầu cậu nữa kìa.

Bác Hùng đang đứng làm cá ở gần đó, nghe thấy thế liền chõ mồm vào trêu chọc:

- Thôi ông ơi, ông già rồi đừng có lừa trẻ con nữa, nó không làm nghề sông nước thì làm cái gì, mấy lão thầy bói các ông chỉ giỏi phỉnh người ta thôi.

Lão gù lập tức quay ngay sang mà cự lại

- Phỉ thui cái mồm nhà anh này, mà tôi coi tướng anh ấn đường đen sì thế kia kiểu gì không chóng thì chày cũng gặp họa sát thân cho mà xem, liệu hồn xin lỗi thì tôi còn làm lễ mà giải nghiệp đi cho!

Tay chủ hàng đứng đằng sau nghe thấy hai người một già một trung niên cãi nhau thế thì buồn cười lắm, chỉ nói

- Thôi thôi, cái nhà lão gù này, chưa gì đã toàn nói mấy cái chuyện gở mồm rồi.

Hóa ra tay buôn này trước khi lên tàu đã đánh hơi được rằng bạn đồng hành của mình trong chuyến ra khơi lần này có một đầu bếp xịn như bác Hùng. Tay này cũng thuộc loại hay ăn, nhưng cũng là một kẻ vô cùng hào phóng. Ngoài hàng hóa lậu thì hắn đem lên tàu đủ loại thực phẩm hảo hạng cùng các loại gia vị. Vừa lên tàu hắn đã lân la ra chỗ bác Hùng làm quen. Mấy người đi cùng cũng vì thế mà được mấy bữa ăn uống no say. Bữa trưa hôm đó cũng quả thực là phong phú, có cá sốt ngũ liễu, gỏi cá ngừ sống ăn kiểu người Nhật. Nem rán kiểu An Nam, súp vây cả nấu kiểu Phúc Kiển, gà hầm Ngũ quả, thịt bò ướp tương kiểu Cao Ly.... Mà cũng phải công nhận là tay nghề của bác Hùng phải thuộc loại cao thủ, bữa nào cũng đầy ngộn một bàn ăn đủ loại cao lương mĩ vị nhưng lại chưa từng lặp lại bao giờ. Lời nhất chắc chắn là mấy tay thủy thủ, trước đến nay toàn có cá khô với dưa muối, làm gì có khả nẳng để ăn mấy thứ nem công chả phượng như thế này, đương nhiên là một khi có cơ hội là phải chiến đấu hết mình. Thằng béo thì khỏi phải nói, vừa vào bữa là đã ôm ngay lấy cái chân giò hầm to tổ bố thằng ăn mày. Còn cái vị đạo sĩ gù kia, mồm miệng thì lúc nào cũng nói năng ra vẻ ta đây lắm, ấy thế mà ngồi vào bàn tiệc thì lại chẳng khác nào quỷ đói hiện hình.

Đang ăn uống vui vẻ dường như Đức phát giác ra được một điều gì không đúng cho lắm. Đúng rồi, còn gã đàn ông bí hiểm lúc nào cũng choàng sùm sụp áo khoác kia nữa, sao hắn lại không ra ăn cơm cùng với mọi người cho vui nhỉ. Nghĩ tới đó bèn đứng dậy định gọi hắn ra ngoài dùng bữa với mọi người. Nào ngờ vừa định đứng dậy thì tay buôn kia đã kéo cậu ngồi xuống rồi ghé miệng nói nhỏ vào tai cậu:

- Ấy ấy ấy, mặc kệ nó đi, thằng này không ăn mặn đâu, lúc nãy tao đưa cho nó một bát cơm trắng rồi!

- Tại sao vậy, hắn là thầy tu à?

- Có mà tu hú, thằng này tên gọi là Quỷ Kiếm Thất, trước giờ chỉ ăn chay không ăn mặn. Cậu đừng có lại gần hắn là tốt nhất.

Thì ra người đàn ông thần bí kia có tên là Quỷ Kiếm Thất. Hắn từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, được Kiếm Thánh nhặt về nuôi. Nói về Kiếm Thánh thì chẳng ai biết tên thật của ông ta là gì, nghe thiên hạ đồn đại thì quê gốc ở Thăng Long, là con trai út của một vị quan nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn. Kiếm Thánh này thiên tư thông minh khác thường, mới hai mươi mốt tuổi đã sáng tạo ra bảy mươi hai chiêu kiếm vô địch thiên hạ, đã đi thách đấu khắp nơi từ An Nam cho đến Trung Quốc, sang cả Miến Điện mà chưa gặp được địch thủ. Vì thế mà người đời đặt cho ông ta một cái biệt hiệu là Kiếm Thánh. Kiếm Thánh này tính tình lại vô cùng cổ quái, về già ông nhận bảy người đệ tử, nhưng lại chỉ truyền cho mỗi người mười chiêu trong số bảy mươi hai chiêu kiếm của mình, lại không cho người nọ được học từ người kia. Riêng hai chiêu thức cuối cùng được truyền cho người đệ tử nhỏ nhất, chính là Quỷ Kiếm Thất. Thế nhưng điều làm cho Quỷ Kiếm Thất vang danh thiên hạ không chỉ là mười hai chiêu kiếm nọ, mà còn phải kể tới thanh quỷ kiếm trong tay hắn. Nghe nói thanh quỷ kiếm này được đào ra từ trong mộ thi vương ngàn năm, sát khí rất nặng. Tuy vậy thanh kiếm này lại vô cùng cổ quái, nếu một trăm ngày kiếm không thấy máu thì sẽ nhanh chóng trở thành một thanh thép han gỉ vô dụng, mà còn kỳ lạ hơn nữa là mỗi khi rút kiếm ra khỏi vỏ thì kiếm cũng phải được uống máu, càng giết được nhiều mạng thì kiếm càng sắc bén, mà hễ rút kiếm ra mà không lấy mạng được kẻ địch thì thanh kiếm không chóng thì chày cũng sẽ trở thành một cái que cời lò mà thôi. Điều đáng ngạc nhiên ở hắn chính là tại sao một tên sát thủ máu lạnh như thế lại là một kẻ ăn chay mà thôi.

Sau giờ cơm, đã bắt đầu quen thuộc với sự lắc lư của con tàu, cơn say sóng cũng bớt đi phần nào, Đức bèn chui xuống một góc bí mật bàn tính kế hoạch sau khi về An Nam cùng với thầy Dương và bác Hùng. Bây giờ người biết rõ thông tin về Cửu Tử Lệnh kia chắc chắn chỉ có một người là Đỉnh Thiên Đạo Nhân. Nhưng ông ta suốt ngày vân du thiên hạ, khi trở về chưa chắc đã có thể gặp ngay được. Nếu tình huống như vậy thì đành phải về Hải Dương, nơi đó có nhà thờ tổ của họ Vũ, lục tìm trong những ghi chép trong gia phả biết đâu lại tìm thấy những manh mối hữu ích.

Thằng béo thì ngay lập tức kết bạn với thằng Út, đang tíu tít chỉ cho nhau cách câu cá ngoài đại dương xa khơi. Toàn béo thì từ lúc đẻ ra đã ở thành phố, làm gì động vào cái cần câu bao giờ, ấy thế mà nó lại là một tay sát cá bẩm sinh, mới thả câu một lúc đã được mấy con khá lớn rồi, lão gù ở bên cạnh thì luôn mồm khen hay.

Cuộc sống cứ thế diễn ra yên ổn cho đến tận vài ngày sau đó. Bác Hùng ngày nào cũng dùng đồ khô trong kho kết hợp với những tôm cá mà đám thằng béo câu được chế ra những món vô cùng kỳ lạ nhưng hương vị lại không hề tệ một chút nào. Đức với tay buôn người Nam Định kia đã sớm kết bạn thân, cho dù cậu chẳng hề có lấy một chút kinh nghiệm buôn bán gì, nhưng bao nhiêu năm theo ông nội và cha đi lấy hàng khắp nơi, con mắt nhìn hàng của cậu so với những tay buôn già dặn nhất cũng chẳng hề kém cạnh chút nào. Hóa ra tay buôn này sang Nhật Bản lấy hàng, nào ngờ lại vớ được trong tay một con ma cờ bạc người Pháp một lô đồ cổ An Nam. Thôi thì châu về hợp phố, đằng nào thì nó cũng là đồ của người An Nam, để vào tay mấy thằng mũi lõ thì chúng nó lại đem đi treo vào bảo tàng hết, có cả núi tiền cũng chẳng mua lại được. Nghĩ tới đó bèn rút cả mớ tiền ra mua về, bây giờ vừa hay gặp được người tuy tuổi tác không cao nhưng lại có mắt nhìn hàng tốt như Đức thì việc gì phải bỏ qua cơ hội, mời ngay cậu xuống kho mà xem hàng.

Cũng may lô đồ cổ của thằng cha này là đồ sứ, vì đồ sứ là mặt hàng Đức hiểu rất rõ. Chính cha cậu cũng chơi rất nhiều đồ sứ cổ. Phần vì đồ sứ cổ rất có giá, vớ được của tay mơ rồi sang tay cũng được khối tiền, phần vì đồ ngọc hay đồ kim khí vừa khó nhận định lại vừa khó bán. Ví như đồ ngọc thì chẳng cần phải là một tay lão làng, chỉ cần một thằng gà mờ cầm trong tay nó cũng biết đấy là ngọc thì làm sao mà ép giá được nó. Còn đồ đồng thì chẳng may vớ phải đồ quốc bảo thì mua vào rồi lại chẳng bán ra được, chưng ở nhà mà đến tai quan lớn thì lại phải đem nộp sung công... Còn về đồ sứ, Đức cũng nắm được đôi ba phần, để phân biệt thật giả phải nhìn vào nốt gỉ sắt trên thân bình sứ. Tại vì sao? Người xưa làm đồ sứ từ đất sét có chứa khoáng chất dưới dạng những hạt bụi li ti. Vì tính chất nguyên liệu từ thiên nhiên nên các loại đất đều có một số loại tạp chất nhất định. Ví như một cái bảo bình được làm giả từ đầu triều Nguyễn, phỏng theo mẫu mã của bình nhà Lý mà làm ra, tính đến giờ cũng hơn một trăm năm. Cũng có thể nói là đồ cổ, nhưng lại không phải bình nhà Lý cách nhau những tám trăm năm, chỉ cần nhìn những nốt gỉ sắt li ti trên thân bình là có thể nhận ra. Chưa kể vị trí địa lý, như là người Nhật Bản thời Yamato làm đồ sứ lại dùng loại đất sét khác với Đại Việt thời Trần. Chỉ cần nhìn những nốt nâu đen kia cũng có thể nhận ra. Thứ hai, lớp men bọc bên ngoài đồ sứ sau nhiều năm tháng cũng sẽ bị phai màu, giới chơi đồ cổ gọi là "lột men". Đồ sứ ở mỗi thời đều có sự lên men phai màu khác nhau. Đức chỉ cần nhìn ngó một lúc đã ném ra được vài cái đĩa giả cổ, rồi lại còn giúp tay buôn kia định giá mớ cổ vật kia nữa. Hắn vì thế mà quý Đức lắm, luôn miệng hứa hẹn về An Nam có điều kiện phải sang nhà hắn chơi, có gì hắn sẽ giúp đỡ hết mình...

Nói chuyện một hồi thì cũng xẩm tối, hai người vừa bước ra khỏi cửa khoang tàu đã thấy mấy người còn lại đã quây quần lố nhố quanh nồi lẩu cá của bác Hùng. Thằng Út mới uống được vài chén đã đỏ mặt tía tai, ngoác cái mồm lên mà ba hoa khoác lác với cả đám:

- Này nhá, nói cho các ông biết, làm cái nghề đi biển này nó gặp lắm chuyện ma quái lắm, như tôi đây này, mới chỉ có hai mươi nhăm cái xuân xanh thôi mà đã gặp ma đến mấy lần. Các ông muốn nghe thì phải ngồi cho vững vào, kẻo rơi xuống biển là không ai vớt các ông lên được đâu đấy!

.................

Kết thúc chương 1, vậy câu chuyện của Út đáng sợ đến mức như thế nào, mời các bạn đón đọc ở chương sau.

Bạn đang đọc Cửu Tử Lệnh sáng tác bởi Cyborg92
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Cyborg92
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.