Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

HỒI 174

Phiên bản Dịch · 2800 chữ

Tiêu Phong giơ tay chào lại đáp:

- Miễn lễ!

Ông thấy đội binh này chừng hơn tám trăm người, trên lưng ngựa chất đầy quần áo khí vật, số người bị bắt cũng phải đếm bảy tám trăm, phần lớn là đàn bà còn trẻ nhưng cũng có một số thanh niên, ăn mặc đều theo lối người Tống, người nào người nấy khóc khóc mếu mếu.

Gã đội trưởng nói:

- Hôm nay đến lượt đội Hắc Lạp Đốc chúng tôi "đi gặt", nhờ phúc đại vương nên thu được cũng kha khá.

Y quay lại quát:

- Các ngươi đem những thiếu nữ xinh đẹp nhất, vàng bạc châu báu quí giá nhất tất cả dâng lên, xin đại vương thiên tuế thu dụng.

Các quan binh cùng reo lên:

- Tuân lệnh!

Đem ra hơn hai chục cô gái đẩy đến trước đầu ngựa Tiêu Phong, lại lấy ra rất nhiều kim ngân trang sức bỏ đầy một tấm chăn da. Các quan binh chăm chú nhìn Tiêu Phong, ánh mắt đầy vẻ sùng kính trọng vọng, hiển nhiên nếu được Nam Viện Đại Vương thu dụng đám con gái và những món ngọc ngà này thì quả là vinh hạnh.

Hôm xưa Tiêu Phong ở ngoài Nhạn Môn Quan đã thấy quan binh nhà Đại Tống bắt người Khất Đan, lần này lại thấy người Khất Đan đi bắt người Đại Tống, những người bị giải đi ai nấy thê thảm khốn khổ chẳng khác gì nhau. Ông ở nước Liêu đã lâu, hiểu biết quân tình Liêu quốc. Triều đình nước Liêu không cấp lương cho lính, cũng chẳng trả tiền, quan binh cần gì đều phải sang đoạt của bên địch, mỗi ngày sai lính qua cướp của dân bên Đại Tống, Tây Hạ, Nữ Chân, Cao Ly các nước lân cận, gọi là "gặt hái", thực ra so với cường đạo cũng chẳng khác gì. Quan binh Tống triều cũng lại đi qua "gặt hái" của người Liêu để trả thù. Thành thử dân chúng ở vùng biên giới khốn khổ vô cùng, ngày nào cũng nơm nớp, sáng lo chiều lo. Tiêu Phong thấy phương thức đó tàn nhẫn vô đạo, có điều mình không tính chuyện lâu dài nên định bụng sẽ chỉ vờ vịt làm việc một thời gian rồi xin từ quan ẩn cư, thành thử các việc quân quốc đại sự không đưa ra chủ trương gì, bây giờ chính mắt thấy thảm trạng những người bị bắt, không khỏi chạnh lòng thương hại bèn hỏi gã đội trưởng:

- Các ngươi ở đâu… "gặt hái" ở đâu về thế?

Gã đội trưởng cung kính đáp:

- Bẩm cáo đại vương, chúng tôi "đi gặt" tại bên ngoài cảnh giới Trác Châu, phía bên Đại Tống. Từ khi đại vương tới đây, thuộc hạ không dám đi kiếm lương thực gần quanh bản châu nữa.

Tiêu Phong nghĩ thầm: "Nghe y nói, trước đây bọn họ đi cướp của người Tống ngay tại bản châu." Ông dùng tiếng Hán hỏi một thiếu nữ đang đứng trước đầu ngựa:

- Cô là người ở đâu?

Người con gái kia lập tức quì xuống, khóc nói:

- Tiểu nữ là người ở Trương gia thôn, cầu đại vương khai ân, thả cho tiểu nữ trở về đoàn tụ với cha mẹ.

Tiêu Phong quay đầu nhìn những người kia. Tất cả mấy trăm người bị bắt đều quì xuống nhưng trong đám người có một thanh niên đứng sừng sững không chịu quì.

Thanh niên đó trạc độ mười sáu, mười bảy, mặt dài mà gầy, cằm nhọn, đôi mắt láo liên bất định. Tiêu Phong liền hỏi:

- Cậu bé kia, nhà ngươi ở đâu?

Thanh niên kia đáp:

- Tiểu nhân có một bí mật đại sự, muốn bẩm riêng lên đại vương.

Tiêu Phong đáp:

- Được, ngươi lại đây!

Thanh niên đó hai tay bị dây thừng trói chặt, nói:

- Xin đại vương đứng xa bộ thuộc, việc này không thể để người khác nghe thấy được.

Tiêu Phong nổi bụng hiếu kỳ nghĩ thầm: "Một đứa bé thế này làm gì mà biết được chuyện cơ mật đại sự? Phải rồi, ngươi từ biên giới phía nam qua đây, chắc là biết chuyện gì về quân tình Đại Tống chăng?" Y là người Tống, đem chuyện cơ mật bẩm báo cho người Khất Đan, là loại Hán gian vô liêm sỉ nên ông đã có bụng khinh khi, nhưng y nói là có chuyện trọng đại, có nghe cũng không mất mát gì, bèn phóng ngựa ra cách khoảng chục trượng, giơ tay vẫy:

- Lại đây!

Gã thanh niên kia liền đi theo, giơ hai tay lên nói:

- Xin đại vương cắt dây trói, tiểu nhân có vật để trong túi muốn trình lên.

Tiêu Phong rút phắt yêu đao, giơ lên chém xuống, thế đao tưởng chừng chặt y ra làm đôi, nhưng lại thật chuẩn xác, chỉ cắt đúng sợi dây thừng trói hai tay. Gã thanh niên hoảng hốt, lùi lại hai bước, nhìn Tiêu Phong xuất thần. Tiêu Phong mỉm cười, tra đao vào vỏ hỏi:

- Ngươi có cái gì?

Gã thanh niên đưa tay vào túi, lấy một vật gì đó ra cầm trên tay nói:

- Đại vương xem thì biết.

Nói xong y đến trước đầu ngựa Tiêu Phong, ông liền đưa tay ra đón lấy. Đột nhiên, gã thanh niên cầm vật ở trong tay ném thẳng vào mặt Tiêu Phong, Tiêu Phong liền vung roi lên đánh văng vật đó ra ngoài, thì ra đó là một cái túi nhỏ. Cái túi đó rơi xuống đất, phấn trắng tung tóe khắp nơi, là một túi bột vôi sống, nếu trúng mặt vào mắt thì sẽ mù ngay. Đây là một vật thấp hèn mà bọn giang hồ hạng ba, trộm gà bắt chó thường dùng.

Tiêu Phong hừ một tiếng, nghĩ thầm: "Thằng bé này lớn mật, thì ra không phải là Hán gian." Ông gật đầu hỏi:

- Ngươi tên chi? Cớ sao lại có bụng hại ta?

Thanh niên đó mím chặt môi, không trả lời. Tiêu Phong dịu mặt nói:

- Ngươi mau nói ta nghe, ta sẽ tha mạng cho.

Thanh niên đáp:

- Ta báo thù cho cha mẹ không xong, còn gì để nói nữa.

Tiêu Phong hỏi:

- Cha mẹ ngươi là ai? Không lẽ bị ta giết sao?

Gã thanh niên bước tới hai bước, mặt đầy vẻ bi phẫn, chỉ vào mặt Tiêu Phong lớn tiếng nói:

- Kiều Phong, ngươi giết chết cha ta, mẹ ta, cả bác ta, ta… ta giận không được ăn thịt, rút gân lột da, băm vằm ngươi thành vạn mảnh.

Tiêu Phong nghe y gọi cái tên cũ ngày xưa của mình, lại bảo mình giết cha mẹ và bá phụ, ắt hẳn là kẻ thù ngày trước ở Trung Nguyên, bèn hỏi:

- Bá phụ ngươi là ai? Phụ thân là ai?

Thanh niên đáp:

- Ta chẳng muốn sống làm gì nên cũng cần cho ngươi biết, nam nhi họ Du ở Tụ Hiền Trang có phải là phường tham sống sợ chết đâu!

Tiêu Phong "à" lên một tiếng nói:

- Thì ra ngươi là con cháu của Du thị song hùng, lệnh tôn có phải là Du Câu Du nhị gia không?

Ông ngừng lại một chút nói tiếp:

- Hôm đó ta bị quần hùng Trung Nguyên vây đánh ở quí trang, bắt buộc phải ứng chiến, không thể làm cách nào khác hơn. Lệnh tôn và lệnh bá phụ đều tự vẫn mà chết.

Ông nói tới đây lắc đầu tiếp:

- Ôi, tự vẫn hay bị giết thì cũng vậy. Hôm đó ta đoạt binh khí của bá phụ và gia gia ngươi để đến nỗi ép họ phải tự vẫn. Tên ngươi là gì?

Gã thanh niên ưỡn ngực, lớn tiếng đáp:

- Ta tên là Du Thản Chi. Ta không cần ngươi phải giết, ta học được cái gương sáng của bá phụ và gia gia rồi.

Nói xong y thò tay vào ống quần, lấy ra một thanh đoản đao, giơ lên đâm luôn vào ngực. Roi ngựa của Tiêu Phong lại vung ra, cuốn lấy con dao, đoạt luôn. Du Thản Chi giận dữ, chửi liền:

- Ta muốn tự vẫn cũng không cho hay sao? Tên Liêu cẩu đáng chết kia, bụng dạ ngươi độc ác thật.

Lúc này A Tử đã giục ngựa chạy đến bên Tiêu Phong, quát lên:

- Thằng tiểu quỉ kia, sao dám mở miệng nhục mạ người khác? Ngươi muốn chết ư, ha ha, đâu có dễ thế.

Du Thản Chi đột nhiên nhìn thấy một cô gái xinh đẹp thanh tú, ngơ ngẩn nhìn, không nói ra lời. A Tử hỏi:

- Tiểu quỉ, cái cảnh mù lòa thật thích thú, rồi đây ngươi sẽ được nếm mùi.

Nàng quay lại nói với Tiêu Phong:

- Tỉ phu, tên tiểu tử này tàn độc quá, dám dùng vôi sống để hại anh, vậy mình lấy ngay vôi đó phế đôi mắt nó cho biết.

Tiêu Phong lắc đầu, quay sang nói với tên lãnh binh đội trưởng:

- Bọn người Tống đi gặt bắt được hôm nay, giao lại cho ta có được chăng?

Gã đội trưởng mừng rỡ không để đâu cho hết vội đáp:

- Được đại vương để mắt tới thì còn gì hơn, xin đa tạ ân điển đại vương.

Tiêu Phong nói:

- Những quan binh nào hiến tù binh bắt được cho ta, trở về nhớ đến vương phủ lãnh thưởng.

Các quan binh vui vẻ đáp:

- Chúng bộ thuộc thành tâm dâng lên đại vương, không cần phải thưởng.

Tiêu Phong nói:

- Các ngươi để những kẻ bắt được lại đây, về thành trước đi, nhớ đến lãnh thưởng.

Bọn quan binh khom lưng tạ ơn. Gã đội trưởng hỏi:

- Nơi đây dã thú không có bao nhiêu, chắc đại vương muốn dùng bọn Tống chư làm bia sống chứ gì? Trước đây Sở Vương vẫn thích trò này lắm. Chỉ tiếc hôm nay chúng tôi bắt được phần lớn là đàn bà, chạy không nhanh. Lần sau chúng tôi sẽ cố bắt những con lợn Tống khỏe mạnh.

Nói xong hành lễ dẫn binh đi. "Muốn dùng bọn Tống chư làm bia sống chứ gì", câu đó lọt vào tai, Tiêu Phong không khỏi rùng mình, trước mắt như hình dung ra cái cảnh tàn bạo của Sở Vương năm xưa, mấy trăm người Tống chạy thục mạng trên mặt tuyết chẳng khác gì dã thú, trong khi quí nhân người Khất Đan cười sằng sặc, giương cung lắp tên bắn chết từng người một. Nếu như có người Tống nào chạy được xa, người Khất Đan cưỡi ngựa rượt theo, chẳng khác gì săn nai, đuổi chồn, rồi thì ai ai cũng chết cả. Cái thảm cảnh đó, người Khất Đan thuận mồm nói ra, chẳng có gì là lạ, hẳn là trước đây đã quen. Ông đưa mắt nhìn qua bọn người bị bắt, thấy ai nấy mặt tái mét, run lẩy bẩy trong gió lạnh. Những người dân nơi biên tái này có kẻ biết tiếng Khất Đan, đã từng nghe chuyện "bắn bia sống", bây giờ sợ đến mất vía. truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y

Tiêu Phong thở dài nhìn xuống núi non trùng điệp ở phương Nam nghĩ thầm: "Nếu như không có người tiết lộ thân thế thì đến giờ này ta vẫn nghĩ mình là dân Đại Tống. Ta cùng bọn người này nói chung một thứ tiếng, ăn cùng một thứ cơm, có khác gì đâu? Vì sao ai cũng là người, lại phải gượng gạo chia ra nào là Khất Đan, Đại Tống, Nữ Chân, Cao Ly làm chi? Ngươi sang đất ta ngươi "gặt lúa", ta sang đất ngươi ta đốt nhà? Ngươi chủi ta là chó Liêu, ta mắng ngươi là lợn Tống?" Trong nhất thời, lòng ông cảm khái dạt dào như sóng biển.

Ông nhìn lại thấy đám quan binh đi kiếm lương kia đã khuất nẻo không còn đâu nữa bèn quay qua nói với đám nạn dân:

- Hôm nay ta thả các ngươi về, mau mau chạy đi thôi.

Bọn người bị bắt vẫn tưởng Tiêu Phong thả cho họ chạy, sau đó sẽ bắn chết nên vẫn chần chờ không chịu đi. Tiêu Phong lại tiếp:

- Các ngươi về rồi, tốt nhất rời xa biên giới, để khỏi bị người ta đi "gặt lúa" bắt lần nữa. Ta chỉ cứu các ngươi được một lần, không cứu được lần thứ hai đâu.

Những nạn nhân bây giờ mới tin là thật, vui mừng reo hò, tất cả cùng quì xuống khấu đầu nói:

- Đại vương ân đức tày non, tiểu dân về nhà khấn vái cầu cho đại vương sống lâu giầu bền, ngôi cao mãi mãi.

Bọn họ sớm biết người dân Tống bị bọn Liêu binh "gặt lúa" bắt được rồi, trừ người thật giàu có có tiền bạc gấm vóc đem ra chuộc mạng, còn không đều bỏ thân xứ người đến nắm xương cũng không mang được về nhà. Tống Liêu hai bên giao tranh lâu năm, người có tiền sớm chạy vào sâu nội địa rồi, còn lại sống nơi biên cảnh chỉ toàn là dân nghèo khổ, làm gì có ai giàu có mà đem tiền chuộc mạng? Ai cũng biết mình thật không bằng con cừu con ngựa, được vị đại vương nước Liêu tha cho về thật mừng rỡ không đâu kể xiết.

Tiêu Phong thấy những nạn dân mặt tươi rói, người nọ dìu người kia đi về hướng nam nghĩ thầm: "Người Khất Đan ta bắt họ tới đây, rồi lại thả cho về, trên đường đi kinh hoàng một phen, lại chịu biết bao khổ sở, ta nào có gì gọi là ân đức đối với họ?"

Ông thấy những người khốn khổ kia đi đã xa, còn Du Thản Chi vẫn đứng sừng sững tại chỗ, bèn nói:

- Sao ngươi không chạy đi? Ngươi trở về Trung Nguyên có tiền bạc gì không?

Ông vừa nói vừa thò tay vào túi, định cho y ít kim ngân, nhưng trong mình không mang theo tiền tài, mò vào chỉ thấy một cái bao giấy dầu nhỏ. Ông trong lòng chua xót, trong chiếc bao chỉ có một bộ Dịch Cân Kinh viết bằng chữ Phạn mà hôm trước A Châu ăn trộm được ở chùa Thiếu Lâm, ép mình phải cầm lấy, mà nay người mất kinh còn, làm sao không buồn bã? Ông tiện tay bỏ chiếc bao trở lại vào túi nói:

- Ta hôm nay đi săn, không mang theo tiền, nếu ngươi không có gì tiêu thì theo ta vào thành mà lấy.

Du Thản Chi lớn tiếng nói:

- Họ Kiều kia, ngươi muốn giết thì cứ giết, muốn lóc da xẻ thịt thì cứ việc chứ đừng dùng ngụy kế làm nhục ta? Họ Du này dù có chết đói cũng không thèm nhận một văn tiền của ngươi đâu!

Tiêu Phong nghĩ lại y nói không sai, mình là kẻ thù giết cha, mối thâm cừu bất cộng đái thiên kia làm sao hóa giải, có nói thêm cũng vô ích bèn bảo:

- Ta không giết ngươi đâu! Ngươi muốn báo thù thì lúc nào đến kiếm ta cũng được.

A Tử vội nói:

- Tỉ phu, thả y không được. Tên tiểu tử này báo thù không dùng cách thức đàng hoàng chân chính, chỉ dùng thủ đoạn hạ lưu hèn hạ. Chi bằng nhổ cỏ nhổ tận rễ để khỏi di họa về sau.

Tiêu Phong lắc đầu:

- Trên giang hồ đâu đâu cũng đầy chông gai, chỗ nào cũng toàn hung hiểm, ta đều đi qua cả rồi. Cỡ người như y không làm gì nổi ta đâu. Hôm xưa ta khiến cho bá phụ và cha y phải tự vẫn, quả thực không phải chủ mưu, nhưng món nợ máu đó ta thiếu đã lâu rồi, việc gì phải giết cả con cháu Du thị song hùng nữa làm chi?

Ông nói tới đây, thấy lòng nguội lạnh bèn bảo:

- Thôi mình đi về, hôm nay chẳng có gì mà săn nữa.

A Tử bĩu môi nói:

- Em thấy nếu như được bắt gã này về hành hạ một phen cho bõ ghét thì cũng thú vị! Anh thả y rồi, về thành còn có gì để vui đâu?

Thế nhưng nàng không dám cãi lời Tiêu Phong, đành quay đầu ngựa, cùng Tiêu Phong sóng cương trở về, đi được mấy trượng quay đầu nói:

- Tiểu tử kia, ngươi về luyện thêm một trăm năm nữa, lúc đó hãy kiếm tỉ phu ta báo thù.

Nói xong nàng cười khẩy, giơ roi quất ngựa chạy đi.

Bạn đang đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi thieuquocviet1999
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 63

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.