Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

HỒI 173

Phiên bản Dịch · 3292 chữ

Tiêu Phong đưa mắt nhìn về hướng nam thấy nơi đất trời giao tiếp ở xa xa núi non trùng điệp nghĩ bụng: "Qua khỏi dãy núi kia là Trung Nguyên." Ông tuy là người Khất Đan nhưng từ nhỏ lớn lên tại phương nam, trong lòng quả là yêu Đại Tống rất nhiều mà yêu Đại Liêu chẳng bao nhiêu, nếu như Cái Bang cho ông làm một bang chúng vô danh không chức phận, không túi nào, e rằng còn sung sướng hơn là chức Nam Viện Đại Vương.

A Tử nói tiếp:

- Tỉ phu, em thấy hoàng thượng thật là thông minh nên mới phong anh làm Nam Viện Đại Vương. Từ nay về sau mỗi khi nước Liêu đánh với nước nào, anh đem quân xuất chinh thì thể nào cũng bách chiến bách thắng. Chỉ cần anh xông vào quân địch, đánh chết nguyên soái bên kia, đại đa số quân địch sẽ vứt đao thương, quì xuống đầu hàng, thế là mình chẳng thắng thì là gì?

Tiêu Phong mỉm cười nói:

- Bộ hạ của Hoàng thái thúc đều là quan binh người Liêu, xưa nay quen nghe lệnh hoàng thượng rồi thành thử một khi Sở Vương chết đi, Hoàng thái thúc bị bắt tất cả mới đầu hàng. Còn như hai nước giao tranh thì chuyện lại khác hẳn. Giết được nguyên soái thì có phó nguyên soái, giết được tướng này thì còn tướng kia, ai nấy hết sức tử chiến. Ta đơn thương độc mã xông vào chẳng đi đến đâu.

A Tử gật đầu nói:

- Ồ, thì ra là thế! Tỉ phu ơi, anh bảo là xông vào bên địch, bắn chết Sở Vương, bắt sống Hoàng thái thúc cũng chưa phải là dũng cảm, thế thì trong đời anh việc gì mới gọi là dũng cảm thực sự? Nói cho em nghe có được không?

Tiêu Phong xưa nay không thích kể lại cho người ta nghe những sự tích võ dũng của mình. Khi xưa còn ở trong Cái Bang ra tay tiêu diệt đại gian đại ác, dù cho kịch chiến ác đấu cỡ nào, quay trở về bang cũng chỉ nói gọn một câu: "Đã giết được những ai những ai…" còn như bao nhiêu gian hiểm từng trải qua, dù cho người khác vặn hỏi thế nào chăng nữa ông cũng không chịu nói. Lúc này nghe A Tử hỏi thế, nghĩ mình trong đởi trải qua hàng trăm trận, khi lâm địch chẳng lúc nào tính chuyện tháo lui, chuyện dũng cảm quả là chẳng cần nhắc nữa, bèn nói:

- Ta phải đấu với người phần lớn là bị người ta ép, không đấu không được chứ chẳng có gì gọi là dũng cảm.

A Tử nói:

- Thôi em biết rồi, trong đời anh dũng cảm nhất là trận ác đấu tại Tụ Hiền Trang.

Tiêu Phong ngạc nhiên hỏi lại:

- Làm sao cô biết?

A Tử đáp:

- Hôm trước nơi bờ hồ Tiểu Kính, anh đi một lúc rồi, cha em, mẹ em cùng các thủ hạ của cha em nói chuyện về anh, ai cũng bội phục võ công ghê gớm, một thân một mình dám đến đại hội ở Tụ Hiền Trang độc đấu quần hùng, chỉ cốt để trị thương cho một thiếu nữ. Thiếu nữ đó dĩ nhiên là chị em rồi. Lúc đó mọi người chưa biết A Châu chính là con ruột của cha mẹ em, nói anh đối với nghĩa phụ, nghĩa mẫu và thụ nghiệp ân sư cực kỳ tàn độc nhưng với đàn bà lại một mối tình trường, vong ân phụ nghĩa, tàn nhẫn hiếu sắc quả là một kẻ tệ hại xấu xa bất cận nhân tình.

Nói tới đây cô gái bật cười khanh khách. Tiêu Phong lẩm bẩm nhắc lại:

- Ôi, "vong ân phụ nghĩa, tàn nhẫn hiếu sắc", anh hùng hảo hán Trung Nguyên đã bình phẩm Tiêu Phong này tám chữ đó sao?

A Tử an ủi ông:

- Tỉ phu đừng tức tối làm chi. Riêng mẹ em hết lời ca tụng anh, nói là đàn ông miễn sao si tình đã đủ tốt rồi, còn ngoài ra không có gì quan trọng cả. Mẹ em bảo cha em cũng là loại "vong ân phụ nghĩa, tàn nhẫn hiếu sắc", nhưng đối với tình nhân thì lại cũng "phụ nghĩa hiếu sắc", đối với con cái thì "tàn nhẫn vô tình" chẳng sao bì kịp với đại ca. Tiểu muội đứng một bên vỗ tay tán thành.

Tiêu Phong gượng gạo cười lắc đầu.

Đại quân đi mấy ngày thì đến Thượng Kinh. Bách quan và dân chúng đã nghe tin rồi, đi ra tận xa nghinh tiếp. Lá cờ soái của Tiêu Phong đến đâu, bách tính thắp hương lạy phục xuống, ca tụng không ngớt lời. Ông ra tay bình được đại biến loạn khiến cho vô số quân sĩ nước Liêu bảo toàn tính mạng, tại Thượng Kinh gần nửa dân số là gia quyến của ngự doanh quân nên đối với ông xiết bao cảm kích. Ngựa Tiêu Phong đến đâu dân chúng tung hô đến đấy:

- Đa tạ Nam Viện Đại Vương cứu mạng.

- Cầu trời phù hộ cho Nam Viện Đại Vương sống lâu trăm tuổi, đại phú đại quí!

Tiêu Phong nghe những lời chúc tụng đó thấy dân chúng người nào người nấy mắt rưng rưng, quả thực thành tâm thành ý nghĩ thầm: "Kẻ ở trên ngôi cao, nhất cử nhất động đều liên quan đến họa phúc của muôn vạn người. Khi ta bắn chết Sở Vương, chẳng qua chỉ là sính cái dũng nhất thời, trước là cứu nghĩa huynh, sau là cứu mình, có ngờ đâu đối với bách tính lại tốt lành đến thế. Ôi, ở Trung Nguyên ta hết sức làm điều tốt, vậy mà người ta lại thù oán sàm báng biết bao nhiêu, thành kẻ đệ nhất đại gian đại ác trên giang hồ. Qua đến Bắc quốc, vô ý lại thành cứu tinh của muôn dân. Thị phi thiện ác quả là khó nói."

Ông lại nghĩ: "Nơi đây là đất nước cha mẹ ta, năm xưa cha mẹ chắc thường qua lại con đường này. Ôi, ta nào có biết hình dáng tướng mạo cha mẹ ta ra sao, hai ông bà cưỡi ngựa cùng nhau rong ruổi thế nào lại càng khó tưởng ra nổi."

Thượng Kinh là kinh đô của nước Liêu. Khi đó Liêu quốc là nước lớn nhất trong thiên hạ, so với Đại Tống cường thịnh hơn nhiều. Thế nhưng người Khất Đan du mục là chính, sống rày đây mai đó, tại Thượng Kinh dân cư, quán xá thật giản lậu thô sơ, so với Trung Nguyên còn kém xa.

Quan chức thuộc Nam Viện liền ra nghinh đón Tiêu Phong vào Sở Vương phủ, phủ đệ to lớn, bên trong trần thiết cực kỳ hoa lệ giàu sang. Tiêu Phong một đời nghèo khổ đã từng ở nơi sang trọng như thế bao giờ? Ông vào đi rảo một hồi bỗng thấy không quen liền sai quân sĩ thiết lập hai tòa doanh trướng ở ngay trong quân, ông và A Tử mỗi người ở một cái, sống thật giản phác chẳng khác gì khi trước.

Đến ngày thứ ba, Gia Luật Hồng Cơ và Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, tần phi, công chúa mọi người mới về đến Thượng Kinh, Tiêu Phong tất lãnh bách quan tiếp giá. Trong triều liên tiếp bận rộn luôn mấy ngày. Đầu tiên là lễ mừng bình được đại nạn, luận công thăng thưởng, phủ tuất các gia đình Bắc Viện Khu Mật Sứ và quan binh mới tử trận. Hoàng thái thúc tự thấy mình không còn mặt mũi nào nên trên đường về tự tử chết rồi.

Hồng Cơ tuy vậy vẫn giữ lời, đối với quan binh phản nghịch không hề truy cứu, chỉ tru sát hai mươi tên thuộc hạ của Sở Vương đầu sỏ mưu việc phản loạn. Trong hoàng cung mở tiệc khao thưởng công lao binh sĩ, đại yến liên tiếp ba ngày. Tiêu Phong trở nên anh hùng đệ nhất nơi bàn tiệc. Các món thưởng của Gia Luật Hồng Cơ, Hoàng thái hậu, hoàng hậu, các phi tần, công chúa kể cả tặng phẩm của văn võ bách quan, quả thật chất cao như núi. Bạn đang xem tại TruyệnYY - www.truyenyy_com

Khao thưởng xong rồi, Tiêu Phong mới đến Nam Viện xem xét công việc. Mấy chục tộc trưởng trong các bộ tộc nước Liêu đều đến tham kiến, nào là Ô Ngỗi, Bá Đức, Bắc Khắc, Nam Khắc, Thất Vi, Mai Cổ Tất, Ngũ Quốc, Ô Cổ Lạp… nhất thời không nhớ hết được. Sau đó là quan quân bì thất đại trướng của hoàng đế, san quân thuộc hoàng hậu, rồi các cấp Hoằng Ninh Cung, Trường Ninh Cung, Vĩnh Hưng Cung, Tích Khánh Cung, Diên Xương Cung lần lượt đến chào. Thuộc quốc của nước Liêu tổng cộng năm mươi chín nước, bao gồm Thổ Cốc Hỗn, Đột Quyết, Đảng Hạng, Sa Đà, Ba Tư, Đại Lương, Hồi Cốt, Thổ Phồn, Cao Xương, Cao Ly, Vu Khuých, Đôn Hoàng… Những nước đó đều có sứ thần tại Thượng Kinh, nghe tin Tiêu Phong nắm giữ quân quốc trọng quyền, đều đến tặng những món quí giá lạ lùng để lấy lòng làm quen.

Tiêu Phong ngày ngày khi thì tiếp khách, khi gặp bộ thuộc, mắt thấy toàn là vàng bạc châu báu, tai nghe những điều xưng tụng tán dương, không khỏi chán chường. Cứ như thế đến hơn một tháng Gia Luật Hồng Cơ mới vời vào điện, bảo:

- Huynh đệ, chức phận ngươi là Nam Viện Đại Vương nên tọa trấn Nam Kinh,(27.6) chờ thời tiến đánh Trung Nguyên. Người anh này tuy không muốn xa cách ngươi, nhưng để lập kỳ công thiên thu vạn thế, ngươi mau sớm đem binh xuống phía nam.

Tiêu Phong nghe hoàng thượng sai mình đem quân nam chinh, trong bụng kinh hoảng nói:

- Tâu bệ hạ, nam chinh là chuyện đại sự, cực kỳ quan trọng, thần Tiêu Phong chỉ là một võ dũng thất phu, quân lược quả không phải là sở trường.

Gia Luật Hồng Cơ cười nói:

- Nước ta vừa trải qua một cơn họa loạn, cần cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Ở Đại Tống hiện nay Thái hậu đang nắm quyền, trọng dụng Tư Mã Quang, cải cách triều chính không có sơ hở nào để khai thác, chúng ta chưa thể tính chuyện nam chinh được. Này huynh đệ, ngươi đến Nam Kinh, trong đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến việc thôn tính Nam triều. Chúng ta cần phải lựa gió phất cờ, hễ Nam triều có nội biến là lập tức đưa binh xuống phương nam. Còn như nội bộ họ tốt lành không có gì, nước Liêu đem binh đến đánh có phải là dùng sức nhiều mà thành công ít hay sao?

Tiêu Phong đáp:

- Vâng! Quả là như thế!

Hồng Cơ nói:

- Thế nhưng sao ta lại biết được Nam triều nội chính khéo léo, trăm họ nhân tâm qui phục?

Tiêu Phong đáp:

- Thần mong được bệ hạ chỉ điểm.

Hồng Cơ cười sằng sặc nói:

- Từ xưa đến nay cũng đều thế cả, cốt sao đem nhiều tiền bạc tài bạch mua kẻ gian tế gián điệp. Người nam tham tiền, bọn hèn hạ xấu xa đông lắm, ngươi hãy ra lệnh cho Nam Bộ Khu Mật Sứ đừng tiếc tài bảo, cố mua được càng nhiều càng tốt.

Tiêu Phong vâng lệnh từ biệt ra về, trong lòng buồn bã. Ông xưa nay chỉ kết giao anh hùng hào kiệt, tuy những chuyện lén hãm hại nhau, mai phục hạ độc chứng kiến đã nhiều, nhưng toàn là những việc giết người đốt nhà một cách sảng khoái chứ chưa từng đem tiền bạc đi mua chuộc người ngoài bao giờ. Hơn nữa tuy ông là người Liêu nhưng từ nhỏ lớn lên ở Nam triều, hoàng đế sai ông tính toán tiêu diệt nhà Đại Tống, trong lòng quả hết sức miễn cưỡng nghĩ thầm: "Ca ca có lòng tốt phong ta làm Nam Viện Đại Vương, nếu ta chỉ vì chuyện này từ quan, không khỏi phụ thịnh tình của anh ta, thương tổn nghĩa khí huynh đệ. Đợi ta xuống Nam Kinh, làm quan sáu tháng một năm, hãy xin từ chức cũng kịp. Khi đó nếu nghĩa huynh không chịu thì ta mới treo áo, buộc ấn bỏ đi anh ta không trách gì được." Nghĩ thế ông tất lãnh bộ thuộc, dắt A Tử xuống Nam Kinh.

Nam Kinh thời nhà Liêu tức là Bắc Kinh ngày nay, khi đó gọi là Yên Kinh, còn gọi là U Đô, là kinh đô của U Châu. Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn tự lập xưng đế được nước Liêu hết sức phù trì nên cắt Yên Vân mười sáu châu để đền ơn. Yên Vân mười sáu châu bao gồm U, Kế, Trác, Thuận, Đàn, Doanh, Mạc, Tân, Quy, Nho, Võ, Úy, Vân, Ứng, Hoàn, Sóc đều là những nơi quan trọng ở Ký Bắc, Tấn Bắc.

Từ khi cắt đất cho nước Liêu rồi, các đời Hậu Tấn, Hậu Chu, Đại Tống ba triều đại nhiều năm tranh đoạt nhưng vẫn không sao lấy lại được. Mười sáu châu Yên Vân địa thế hiểm yếu, nước Liêu trú đóng trọng binh, mỗi lần đem binh xuống đánh phương nam chạy thẳng một mạch, toàn là bình nguyên khiến Đại Tống không có cách gì thủ ngự. Tống Liêu giao binh hơn trăm năm qua, nhà Tống không thắng trận nào, dĩ nhiên chủ yếu là vì binh giáp không bằng nhưng người Liêu từ cao đánh xuống khống chế được chiến trường quả là đã chiếm được tiện nghi thật lớn.

Tiêu Phong vào thành rồi, thấy đường sá ở Nam Kinh rộng rãi, thị tứ phồn hoa hơn xa Thượng Kinh, người qua kẻ lại đều là dân chúng Nam triều, nghe toàn là tiếng nói Trung Nguyên, thật chẳng khác gì đã quay về Trung Thổ. Tiêu Phong và A Tử đều rất vui mừng, hôm sau liền ăn mặc giản dị, đi du ngoạn khắp các nơi.

Thành Yên Kinh vuông vức ba mươi sáu dặm, bao gồm tám cửa. Phía đông là cửa An Đông, cửa Nghinh Xuân; phía nam là cửa Khai Dương, cửa Đan Phượng; phía tây là cửa Hiển Tây, cửa Thanh Tấn; còn phía bắc là cửa Thông Thiên, cửa Củng Thần. Hai cửa phía bắc sở dĩ gọi là Thông Thiên, Củng Thần(27.7) ý nói thần phục, tuân theo thánh chỉ của hoàng đế. Vương phủ của Nam Viện Đại Vương ở phía tây nam. Tiêu Phong và A Tử du ngoạn hồi lâu, thấy phố chợ, công thự, chùa chiền, đạo quan san sát khắp nơi đi xem một lúc không hết được.

Khi đó Tiêu Phong giữ chức Nam Viện Đại Vương, Yên Vân mười sáu châu đều dưới quyền ông cai quản, cả phủ Đại Đồng ở Tây Kinh, phủ Đại Định ở Trung Kinh cũng đều phải nghe hiệu lệnh. Uy vọng lớn như thế không thể nào ở một chỗ doanh trướng bé nhỏ nên đành phải dọn vào vương phủ.

Ông coi việc mấy ngày đầu váng mắt hoa, thật là khổ sở thấy Nam Viện Khu Mật Sứ Gia Luật Mạc Ca tinh minh mẫn cán, quen thuộc chính vụ nên bao nhiêu việc giao cho y cả.

Thế nhưng làm quan to cũng có chỗ hay, trong vương phủ những dược phẩm quí giá nhiều không biết bao nhiêu mà kể, A Tử dùng làm thức ăn hàng ngày. Nhờ bổ dưỡng như thế, nội thương của nàng mỗi ngày một đỡ, đến đầu mùa đông đã có thể đi lại một mình. Nàng du ngoạn trong thành Yên Kinh đã nhiều, về sau lại bảo Thất Lý theo hầu, đưa đi chơi khắp các nơi chung quanh thành mười dặm.

Hôm đó tuyết đổ vừa ráo hạt, A Tử mặc điêu cừu, đến Tuyên Giáo Điện nơi Tiêu Phong cư ngụ nói:

- Tỉ phu ơi, em ở trong thành này chán muốn chết, anh đưa em đi săn nhé.

Tiêu Phong ở trong cung điện đã lâu, cũng thấy phiền muộn, nghe nàng nói thế, trong bụng cũng mừng bèn sai thuộc hạ chuẩn bị ngựa để ra ngoài săn bắn. Ông không muốn rềnh rang, chỉ đem theo vài tùy tòng phục thị A Tử, lại ngại bách tính dòm ngó nên thay áo lông cừu quân sĩ thường mặc, đem theo một cánh cung, một túi tên, nhảy lên ngựa cùng A Tử đi ra cửa Thanh Tấn ở phía tây.

Đoàn người ra khỏi thành hơn chục dặm, chỉ săn được vài con thỏ. Tiêu Phong nói:

- Bọn mình đến biên giới phía nam xem thế nào.

Ông chuyển đầu ngựa, quay sang hướng nam, lại đi hơn hai chục dặm, thấy một con cheo(27.8) từ trong bụi chạy ra. A Tử cầm mũi tên trên tay để vào dây, ngờ đâu cánh tay hoàn toàn không có chút hơi sức nào, cánh cung không giương lên được. Tiêu Phong đưa cánh tay trái từ phía sau nàng thò qua nắm thân cung, tay phải cầm tay nàng kéo dây, buông tay nghe vút một tiếng, vũ tiễn phóng ra, con cheo liền ngã ngay xuống. Những người đi theo reo ầm cả lên.

Tiêu Phong bỏ tay ra nhìn A Tử mỉm cười, thấy nàng mắt rưng rưng, lạ lùng hỏi:

- Sao thế? Không thích ta giúp em bắn dã thú ư?

A Tử nước mắt chảy dài xuống má thổn thức:

- Em… em thành phế nhân rồi, đến giương cung… mà cũng chẳng xong.

Tiêu Phong dỗ dành:

- Đừng có nóng ruột, từ từ rồi sẽ hồi phục lực khí. Nếu như quả là tương lai không khỏi, ta sẽ truyền cho cô cách tập nội công, thể nào cũng tăng gia sức khỏe.

A Tử đang khóc bật cười nói:

- Tỉ phu đã nói thế thì phải giữ lời, thể nào cũng dạy em nội công đấy nhé.

Tiêu Phong đáp:

- Được mà! Thể nào ta cũng dạy cho cô.

Trong khi đang nói chuyện, bỗng nghe từ phương nam có tiếng chân ngựa rầm rập, một đại đội nhân mã từ trên mặt tuyết chạy tới. Tiêu Phong đưa mắt nhìn về phía đó thấy đội này toàn là quan binh người Liêu nhưng không giương cờ. Bọn quan quân vừa đi vừa nói chuyện xôn xao, ca hát cực kỳ khoái trá, sau ngựa buộc khá nhiều tù binh, tưởng chừng như vừa thắng trận trở về. Tiêu Phong nghĩ thầm: "Mình làm gì có giao chiến với ai, những người này đánh trận ở đâu trở về thế này?" Ông thấy đoàn quan binh chuyển qua phía đông trở về thành liền quay sang nói với kẻ tùy tòng:

- Ngươi ra hỏi xem đội lính kia làm gì về thế?

Gã tùy tòng liền đáp "vâng" rồi hỏi:

- Có phải các anh em "đi gặt" về đấy chăng?

Y giục ngựa chạy thẳng đến chỗ bọn kia. Khi tới gần y nói mấy câu, bọn quan binh nghe thấy có Nam Viện Đại Vương đang ở tại đây liền lớn tiếng reo hò, lập tức nhảy xuống ngựa, dây cương cầm tay rảo bước đi tới trước Tiêu Phong, khom lưng hành lễ cùng nói:

- Đại vương thiên tuế!

Bạn đang đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi thieuquocviet1999
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 57

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.