Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Phần 28 chương 2

Phiên bản Dịch · 2402 chữ

Công đức viên mãn, chân ngộ thành Phật

Lại nói đến thầy trò Đường Tăng lấy được chân Kinh, quay về Trường An, rộng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sinh. Phật Như Lai ở Tây Thiên vẫn còn nhớ đến thầy trò họ, ngài bèn gọi Bát Đại Kim cương đến rồi nói:

- Công đức của bốn thầy trò Đường Tăng đã viên mãn, về lý nên phải trao cho họ Phật hiệu. Các người hãy đến Trường An đón họ về đây.

Bát đại Kim cương cưỡi gió bay đi, trong nháy mắt các vị ấy đã đến Trường An. Đường Tăng đang tụng kinh niệm Phật cùng các thiện nam, tín nữ ở chùa Nhạn Tháp, Bác Đại Kim cương liền cất tiếng gọi ngài:

- Người tụng kinh, hãy để quyển Kinh xuống cùng theo chúng ta về Tây Thiên nào!

Đường Tăng thong dong bỏ cuốn Kinh xuống rồi tỏ ý từ biệt các thiện nam, tín nữ đang nghe giảng bên dưới, sau đó ông cùng ba đồ đệ và Bạch Mã bay lên trời theo Bát đại Kim cương.

Thầy trò Đường Tăng lại theo thứ tự lên Linh Sơn, rồi thầy trò họ lại lên Phú Liên Hoa của Phật Như Lai để phong Phật hiệu. Đường Tăng được phong là Chiên Đàn Công Đức Phật, Tôn Ngộ Không được phong là Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới được phong là Tịnh Đàn Sứ Giả, Sa Tăng được phong là Kim Thân La Hán, đến cả ngựa Bạch Mã cũng được phong là Bát Bộ Thiên Long. Điển cố về việc Bạch Mã hóa rồng có lẽ là bắt nguồn từ đây.

Tại sao Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều có thể thành Phật mà Trư Bát Giới và Sa Tăng lại chỉ được làm sứ giả và La Hán? Thực ra điều này có liên quan đến tính cách của con người, bởi vì những phần tử ưu tú trong xã hội hầu như là những người thuộc mẫu tính cách cầu toàn và mạnh mẽ. Còn như kiểu người thuộc mẫu tính cách sôi nổi và ôn hòa thì cũng không tính toán hơn thiệt, chỉ cần công đức viên mãn thì mọi người đều có thể đứng vững trong lĩnh vực của mình, hưởng thụ niềm vui của cuộc sống.

Lúc đó, Tôn Ngộ Không bỗng nghĩ đến việc thỉnh cầu sư phụ hãy giúp y bỏ chiếc vòng kim cô trên đầu ra. Đường Tăng nói:

- Khi xưa chỉ vì con là người hay gây phiền phức khó quản lý cho nên ta mới dùng chiếc vòng kim cổ này để ràng buộc con. Bây giờ con đã thành Phật thì sao phải để cho con đội nó trên đầu nữa chứ?

Tôn Ngộ Không giơ tay sờ lên đầu thì quả nhiên không thấy chiếc vòng đâu nữa.

Hẳn chúng ta đã biết, vòng kim cô là hình tượng hóa của hành vi quy phạm đối với nhân viên. Giống như Tôn Ngộ Không, mỗi nhân vật gây phiền toái trong tập thể đều cần có một thời gian thử thách đội chiếc vòng kim cô trên đầu cho đến khi họ trở thành một người thực sự giác ngộ.

Tái bút: Giả như Tôn Ngộ Không là người lãnh đạo tập thể

Câu chuyện đi Tây Thiên lấy Kinh đã kết thúc một cách viên mãn, những câu chuyện có liên quan còn bàn mãi không bao giờ hết, vấn đề tranh cãi lớn nhất vẫn là: Tại sao phải là Đường Tăng làm lãnh đạo ? Ngoài Đường Tăng cầu toàn ra thì liệu Tôn Ngộ Không mạnh mẽ, Trư Bát Giới sôi nổi và Sa Tăng ôn hòa có làm lãnh đạo được hay không?

Cần phải thừa nhận rằng, trong môi trường công tác hiện thực, do rất nhiều những nhân duyên khác nhau nên đúng là có những người có tính cách khác nhau tham gia vào công tác quản lý. Nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề, tính cách của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa tổ chức. Nếu không phải là Đường Tăng làm lãnh đạo của một tập thể đi Tây Thiên lấy Kinh thì Tây du ký tất nhiên sẽ là một câu chuyện với những tình tiết khác, mà tập thể đó có thể kiên trì đến cùng được hay không thì e rằng đó cũng là những dấu hỏi lớn.

Lãnh đạo với tính cách khác nhau thì sự khác biệt về phong cách quản lý cũng rất lớn. Mà trong đó, tính sôi nổi và ôn hòa thường quen với việc lấy người làm trọng tâm, tính cầu toàn và mạnh mẽ thì thường sẽ lấy hiệu quả công việc làm trọng tâm. Xem con người là trọng tâm là chỉ một tổ chức coi trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, quan tâm đến tình cảm và phúc lợi của nhân viên. Còn xem hiệu quả công việc là trọng tâm là tổ chức mong muốn nhân viên dốc toàn tâm toàn lực, coi trọng trách nhiệm công việc, luôn luôn thể hiện ra năng lực có thể đảm nhiệm được công việc. Chính vì vậy, trong những tập đoàn công ty có thành tích cao thì hay có một vị lãnh đạo thuộc mẫu hình có tính cách cầu toàn.

Căn cứ vào hai phương diện hiệu quả công việc và con người để đánh giá về văn hóa tổ chức doanh nghiệp thì chúng ta có thể đưa ra bốn loại hình văn hóa tổ chức khác nhau:

Văn hóa tổ chức theo kiểu sa mạc: Loại tổ chức này vừa không quan tâm đến nhân viên, vừa không quan tâm đến công việc của họ. Toàn bộ tổ chức giống như một sa mạc, nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy sự hời hợt và chia rẽ đáng sợ. Nói chung nó sẽ không thi hành chế độ đánh giá hay quản lý hiệu quả công việc, cho dù có đúng là thi hành những chế độ này đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không thực sự quan tâm đến nhân viên và hiệu quả công tác của họ. Có thể người quản lý sẽ tỏ vẻ rất quan tâm đến nhân viên, nhưng phần lớn chỉ là muốn lấy lòng đồng nghiệp.

Văn hóa tổ chức sở dĩ giống như sa mạc, đương nhiên là có liên quan rất lớn đến lãnh đạo. Tính cầu toàn do nhu nhược thiếu quyết đoán, tính mạnh mẽ do quan hệ không tốt, tính sôi nổi do tâm không yên nên đều có khả năng dẫn đến cục diện chia năm xẻ bảy. Thế nhưng, trong những kiểu tính cách nói trên thì lãnh đạo ôn hòa có lời không nói, ít có chủ ý sẽ có khả năng nhất trong việc sa mạc hóa văn hóa tổ chức, bởi vì sự nhu nhược vô năng của họ, hoặc là vì sự thờ ơ của họ, hoặc là vì sự tản mạn được chăng hay chớ của họ mà tạo nên như vậy.

Văn hóa tổ chức theo kiểu câu lạc bộ: Lãnh đạo sôi nổi thì thường thích xây dựng một tổ chức theo kiểu câu lạc bộ. Kiểu tổ chức này sẽ gắn kết tình cảm giữa mọi người trong câu lạc bộ. Họ sẽ thông qua giao tiếp và chế độ đãi ngộ đúng đắn mà thể hiện ra sự quan tâm đối với nhân viên. Lãnh đạo tổ chức theo kiểu câu lạc bộ thường coi trọng hiệu quả công việc, họ không để cho nhân viên phải gánh vác công việc quá nhiều, họ cũng không đưa ra tiêu chuẩn hiệu quả công việc quá cao (nếu nhân viên tự nguyện thì lại là một vấn đề khác).

Đặc điểm tính cách luôn thích cao trào của lãnh đạo sôi nổi sẽ mang đến sự vui vẻ cho các thành viên trong tổ chức. Mặc dù vậy, nhưng do quá chú trọng tới tình cảm và phúc lợi của nhân viên nên họ sẽ mất đi nhiều nguồn lợi đáng quý. Ảnh hưởng văn hóa xem nhẹ hiệu quả công việc kiểu như vậy sẽ khiến cho tổ chức khó duy trì sự tiến bộ.

Tổ chức theo kiểu độc tài: Lãnh đạo theo kiểu cầu toàn quen với việc tự ình là thông minh, còn lãnh đạo theo kiểu mạnh mẽ lại quen với việc tự ình là đúng, vì họ cường điệu khả năng đưa ra quyết định của mình nên từ đó xây dựng doanh nghiệp theo kiểu độc tài. Kiểu tổ chức này lại có sự tương phản với tổ chức theo kiểu câu lạc bộ, cứng rắn mạnh mẽ mà lại không gần gũi nhân tình, kiểu tổ chức đó không coi trọng đến tình hình của cá nhân hay gia đình mà họ thường đưa ra yêu cầu hiệu quả công việc quá cao đối với nhân viên, trên cơ sở mục tiêu quản lý họ sẽ thực thi chế độ đánh giá và quản lý cứng rắn. Những nhân viên trong quá trình làm việc sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng đối với việc quy định và thay đổi mục tiêu, và như thế sẽ rất dễ dẫn đến việc nhân viên dùng một số hình thức quyết liệt để phản kháng.

Tổ chức theo kiểu cân đối: Văn hóa tập thể mà những vị giám đốc hiện đại đang cổ xúy thực ra là một loại tổ chức theo kiểu cân đối. Trong tổ chức kiểu này, các nhân viên sẽ liên hệ chặt chẽ sự phát triển của cá nhân với sự tiến bộ của công ty, để từ đó mà thể hiện được ý thức tập thể và ý thức thành viên rất mạnh.

Tổ chức theo kiểu cân đối quan tâm tới cá nhân viên và hiệu quả công việc của họ, họ sẽ để ý đến sự phối hợp giữa năng lực công tác với nhiệm vụ công tác, mặc dù trong việc phân phối nhiệm vụ công tác họ thường có những ý thiết kế một số thách thức hợp lý. Tổ chức theo kiểu cân đối sẽ chú ý đào tạo thái độ làm việc tích cực và lạc quan của nhân viên. Do sự quan tâm đối với con người nên họ cũng nhấn mạnh mục tiêu và tính hợp lý của yêu cầu công việc, hơn nữa họ còn quan tâm đến việc khích lệ và giúp đỡ giữa mọi người với nhau. Trong tập thể theo kiểu tổ chức như vậy, giữa cá nhân sẽ có mối liên quan tới vận mệnh của tổ chức, các nhân viên thường cùng nhau gánh vác công việc, cùng nhau hưởng lợi ích, hơn nữa họ sẽ nhận thức rõ ràng trong cạnh tranh.

Thế nhưng, làm lãnh đạo của tập thể muốn nắm được mối quan hệ phát triển cân đối giữa cá nhân và tổ chức thì không chỉ cần có tầm nhìn toàn diện mà còn cần có thái độ tích cực mà bình tĩnh không chỉ quan tâm sâu sắc đến mỗi thành viên trong tập thể, mà hơn nữa còn phải giúp họ đặt ra và thực thi kế hoạch hành động một cách hữu hiệu - điều này mới là ưu điểm tính cách của kiểu tính cách cầu toàn, mà cũng chỉ có kiểu tính cách cầu toàn mới khổ tâm gây dựng tổ chức, nên ngày càng cầu toàn hơn.

Tại sao phải đọc Tây du ký

1. Thông qua việc đọc Tây du ký sẽ khiến hạn hiểu rõ tác dụng ảnh hưởng của tính cách đối với sự trưởng thành của cá nhân với tập thể, từ đó bạn có thể giúp nhìn nhận và đánh giá bản thân và những người xung quanh mình một cách khách quan hơn.

2. Chú ý đến ưu điểm tính cách của bạn trong cuộc sống nghề nghiệp của bạn, bạn nên ra sức phát huy những ưu điểm tính cách của bạn, bởi vì những ưu điểm tính cách đó là nguồn tài nguyên quan trọng tạo nên cuộc sống và nghề nghiệp của bạn.

3. Đồng thời với việc khẳng định ưu điểm tính cách của bạn thì bạn cũng nên biết rõ những hạn chế của mình, như vậy bạn có thể thông qua phương pháp bổ sung hỗ trợ giữa hai mặt ưu và khuyết điểm để cải thiện hiệu suất công việc, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của tính cách đi vào cực đoan.

4. Đồng thời bạn cũng nên thông qua việc tìm hiểu tính cách của người khác, để vừa tránh phát sinh xung đột, vừa có thể ứng xử hài hòa và hợp tác có hiệu quả.

“Sắc chẳng khác không, không cũng như sắc”. Cuộc sống thế tục cần sự chỉ dẫn của chân nghĩa sinh mệnh, chân nghĩa sinh mệnh cũng cần thông qua cuộc sống thế tục để thực hiện. Sở dĩ Tây du ký được xem là một trước tác văn học vĩ đại là vì nó đã dùng bốn loại hình tính cách khác nhau của Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng để đại biểu cho con người trong cuộc sống thế tục, đại biểu cho những con người làm việc trong tập thể, nó diễn tả một giai đoạn gian nan. Mà bốn thành viên trong tập thể thuộc bốn loại hình tính cách đã thông qua giai đoạn khó khăn đó để theo đuổi thành công chung của cá nhân với tập thể.

“Sắc tức không, không tức sắc”. Trong cuộc sống thế tục có sự tồn tại của chính nghĩa sinh mệnh, và chân nghĩa của sinh mệnh cũng được thể hiện trong cuộc sống thế tục. Thông qua sự quan sát bốn loại hình tính cách này trong cuộc sống thế tục, chúng ta sẽ thấy tấm lòng của mình rộng mở hơn, tình cảm bao dung hơn để đối xử thân thiện với chính chúng ta và những người xung quanh chúng ta, để chúng ta bình thản tiếp nhận những khó khăn và thay đổi trong cuộc sống.

Bạn đang đọc Tây du @ ký của Thành Quân Ức
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 3

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.