Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

TRUYỆN: XE HỦ TIẾU

Tiểu thuyết gốc · 3933 chữ

Chiều chiều gió thổi mát rười rượi, ánh nắng nhẹ nhàng của tà dương khẽ đi qua con phố quen thuộc. Bao giờ cũng vậy, dù chiều tà đang là thời điểm nhẹ nhàng nhưng trước cổng trường cấp ba lại chen chúc đến ngộp thở. Xung quanh vỉa hè đậu đầy những xe cộ, những dòng người xôn xao và cả những quầy hàng vặt vãnh nhộn nhịp.

Dù là phụ huynh đang đánh lái trên chiếc ô tô đời mới hay chỉ đèo trên chiếc xe đạp cũ kĩ thì giờ đây họ lại giống hệt như nhau. Tất cả đều chỉ tập trung chờ đợi tiếng chuông reng quen thuộc của ngôi trường xưa. Những chủ hàng vặt cũng không khác gì các bậc phụ huynh ấy. Ai nấy đều mong đợi và hi vọng hôm nay sẽ bán được đắt khách, cuộc sống mưu sinh mà!

Dẫu cả thế gian có chờ đợi khoảnh khắc nào đấy thì vẫn có ngoại lệ. Chiếc xe hủ tiếu cồng kềnh của chú Hai vẫn chậm rãi mà bày hàng. Dù chưa mở hàng nhưng mùi thơm từ nước xương đã lan tỏa khắp các ngóc ngách trước cổng trường. Mùi hương quyến rũ thoang thoảng khẽ đi qua làn người vội vã. Mọi người nhất thời chìm đắm vào hương vị bình dị của ẩm thực phố thị.

Tranh thủ lúc chưa tan trường, chú Hai đã xếp bàn ghế thật ngay ngắn và chuẩn bị hết đồ dùng cần thiết. Mặc dù còn hơi loạng choạng do cơn say nhưng ông chú ngoài ngũ tuần trông tháo vát đáo để. Có lẽ kinh nghiệm bán hủ tiếu hơn chục năm đã hình thành thói quen ấy. Vừa xong công việc, dư dả một ít thời gian, ông chú liền lấy điếu thuốc ra nhâm nhi như một phần thưởng cho mình.

Kim đồng hồ điểm đúng bốn giờ ba mươi phút kèm theo tiếng chuông ngân vang kéo dài. Học sinh òa như ong vỡ tổ, những khuôn mặt non nớt hiện đầy vẻ mệt mỏi giờ đây lại tràn đầy sức sống. Các phụ huynh gọi tên và vẫy tay con em mình. Mừng nhất chính là các quầy hàng vặt, họ chỉ chờ đợi giây phút này, tiếng rêu rao của họ thậm chí còn lấn át cả tiếng gọi con. Họ mời gọi những cô cậu đang đi gần quầy hàng một cách nhiệt tình.

Khác với các chủ quầy hàng đó, chú hai vẫn đang bình thản nhâm nhi điếu thuốc chưa tàn. Mặc dù không rêu rao như những người bán hàng khác, các bạn học sinh lại tấp nập ghé vào xe hủ tiếu quen thuộc. Người ta thường bảo: ”hữu xạ tự nhiên hương” và có lẽ hương thơm từ nước hủ tiếu đã đủ để thu hút mọi người ghé vào rồi. Sau một ngày học hành mệt mỏi, bụng của mọi người đã reo như “tiếng trống trường”. Bàn ghế trước xe hủ tiếu chốc lát đã chật kín chỗ, một số bạn học đành phải tựa tô vào dãy tường nhô ra của trường để thưởng thức. Dần dần, xe hủ tiếu của chú Hai đã trở nên đông nghịt người.

Rồi bán được một lúc thì cũng tầm chiều tàn. Các thầy cô bận bịu xong công việc cũng ghé đến thưởng thức một tô hủ tiếu nóng hổi để lót bụng. Các công nhân, người lao động gần đó cũng lần lượt tan làm và cố tình ghé thăm xe hủ tiếu quen thuộc. Chiếc xe hủ tiếu này luôn trở nên đông khách so với các quầy hàng khác. Các chủ quầy luôn nhìn chú Hai với ánh mắt ghen tị. Nhưng đôi khi, chính họ cũng trở thành thực khách của chú thôi.

Người ta chẳng nhớ xe hủ tiếu này có từ bao giờ, chỉ biết rằng chú Hai đã bán ở đây rất lâu rồi.

* * *

Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng gay gắt buổi trưa chói qua khung cửa sổ của ngôi nhà nhỏ cũ kĩ. Ngáp lười biếng một cái, người chú già chòm dậy gãi bụng. Cơn đau đầu vẫn chưa vơi đi. Ông chú tự lẩm bẩm: “biết vậy hôm qua uống ít thôi!’. Mặc dù ngày nào cũng là câu cửa miệng này nhưng đến đêm chú Hai lại quen lọ mọ đến quán nhậu mà ngồi. Con người ai cũng có thú vui riêng của mình. Chú chẳng có vợ con nên chẳng ai cấm hay phàn nàn chú. Nỗi cô đơn gặm nhắm người đàn ông già mỗi ngày. Đối với chú Hai, chỉ có say xỉn mới quên đi cảm giác trống vắng ấy. Bất giác, chú xem rượu như người tri kỉ của mình và mỗi tối lại cùng tâm sự với nhau.

Đốt một điếu thuốc cho tỉnh táo, ông chú lấy lại tinh thần và bắt tay vào công việc mưu sinh. Chú Hai thường đến khu chợ đầu mối bình dân gần nhà mua nguyên liệu. Ở đây có đủ mọi thứ cần thiết cho việc buôn bán và giá cả cũng khá phù hợp. Chú không mua cố định mà thường quan sát chất lượng thịt của từng quầy. Dù giá cả giữa các quầy thịt không chênh lệnh nhiều nhưng mỗi ngày chất lượng thịt mỗi quầy lại mỗi khác.

Dùng kinh nghiệm của mình, ông chú thường chọn lọc kĩ lưỡng từng loại nguyên liệu dùng trong ngày hôm nay. Các chủ hàng thịt vốn đã quen thuộc với chú. Chú Hai thường mua rất nhiều để nấu hủ tiếu nên đối với họ đây là một mối làm ăn lớn. Ai cũng nhìn chú với ánh mắt tha thiết, hi vọng hôm nay người được chọn là họ.

Một miếng thịt nạc màu đỏ nhạt lai tí mỡ hơi ngà trông khá tươi đã thu hút ánh nhìn của chú Hai. Quầy thịt may mắn lại là của ông Lâm Thịt, cái ông chuyên bán phá giá làm cả khu hàng thịt thấy mà ghét.

- Nạc vai bán sao hả Lâm? – Chú chỉ chỏ miếng thịt khi nãy.

- Một kí trăm mười ba lấy chẵn trăm mốt thôi! Ông coi lấy nhiêu lấy đi.

Chú ấn vào miếng thịt thử độ đàn hồi. Miếng thịt khá tươi tốt, không bị mềm nhũn hay chảy nước ra. Chú tự nhủ miếng thịt này chất lượng khá tốt.

- OK lấy tui hai kí rưỡi đi, lấy nguyên miếng nha.

- Còn cần gì nữa hông Hai? – Vừa cắt và cân thịt ông Lâm vừa hỏi.

- Xương này bán sao hả? – Chú Hai nhìn qua đống xương heo.

- Chín chục một kí nha! – Ông Lâm đưa miếng thịt vừa cắt xong cho chú đáp.

- Để lựa coi sao… Có vẻ hôm nay xương hơi thâm ha Lâm. – Nhìn thấy xương ống không đúng ý mình, chú Hai tạc lưỡi.

- Để hơi lâu nên máu nó đông lại tí thôi, về nấu là bình thường mà. – Ông Lâm vội giải thích.

Lúc này chợt có giọng nói chen vào.

- Qua coi xương của tui nè! Xương đỏ tươi nhập về chưa lâu đâu, lấy tám chục thôi!

- Ê mày làm gì hả? Ổng đang coi hàng tao bán mà. – Ông Lâm nói lớn.

- Hàng ai ngon với rẻ hơn thì người đó bán được thôi. Đâu phải do mày quyết định? – Người kia cũng không chịu thua kém.

Cả hai chợt cãi cự qua lại và ngày một to tiếng hơn. Thấy tình hình trở nên căng thẳng, mọi người xung quanh chợt hóng chuyện với vẻ mặt hớn hở. Khu chợ lâu quá chưa có biến rồi!

Chú Hai thấy thế liền xen vào.

- Thôi ông Lâm với ông Chí, hai ông bán buôn có tí chuyện thôi cũng cãi lộn nữa.

Ông Chí thấy thế liền bức xúc.

- Thằng này thích bán phá giá thì tui chơi tới cùng với nó! Nó cứ bán kiểu này thì ai mua của tụi tui nữa? – Vừa nói ông Chí vừa liếc nhìn các chủ hàng thịt xung quanh.

Các chủ hàng thịt thấy thế cũng đứng ra phụ họa. Nhất thời, ông Lâm Thịt chẳng thể nói lại được cả chục cái miệng. Ông chỉ đành cãi cố với đám đông. Mặc dù theo Lâm ông ta chẳng hề sai, chẳng qua ông ta muốn bán rẻ hơn người khác để thu hút khách hàng thôi. Và vụ việc hôm nay tất yếu như giọt nước tràn đầy ly. Trong chớp mắt, khu hàng thịt náo nhiệt hẳn lên. Chú Hai thấy thế đành ra về.

- Thôi tui hông mua nữa đâu! Đi chợ cũng không được yên thân! – Chú không quên liếc nhìn hai ông hàng thịt to béo đang to tiếng với nhau. Có vẻ khu hàng thịt khó hạ nhiệt rồi!

Hôm nay xem như xui xẻo. Đành phải vác xe đi chợ ở chỗ khác. Có khu chợ khác cách xa vài cây số và giá cả cũng đắt hơn tí. Chú Hai chỉ xem khu chợ ấy như dự phòng những trường hợp không mua được nguyên liệu ở khu chợ gần nhà. Cuộc sống mưu sinh khó khăn thường dẫn đến những mâu thuẫn. Ai cũng muốn được buôn bán đắt khách hơn. Nhưng, có người đắt thì cũng có người ế. Thời nào con người ta cũng tranh giành nhau miếng cơm manh áo mà! Chú cũng chẳng có tâm hơi đâu để quan tâm làm gì. Chú chỉ quan tâm chất lượng và giá cả món hàng họ bán mà thôi. Buôn bán xưa nay vốn khắc nghiệt như thế. Xách con xe Honda cũ kĩ, ông chú già đạp chân nổ máy và phi thẳng đến khu chợ kia.

Sau một hồi lựa chọn nguyên liệu và nấu được một nồi nước dùng vừa ý, trời cũng đã tầm chiều. Còn dư tí thời gian, chú Hai cẩn thận lâu chùi kĩ càng quầy xe của mình và lần lượt chất các nguyên liệu, vật dụng lên xe. Xong hết công việc cần thiết, chú lại thấy thèm. Chú lấy chai rượu còn sót lại tu vài ngụm. Môi chú nhấp vào chai rượu như người chồng đi làm hôn chào vợ. Nhìn lại đồng hồ đã đến giờ, chú chùi miệng một cái và đẩy quầy xe hủ tiếu đi.

* * *

Như những ngày bình thường khác, chú Hai chuẩn bị dọn hàng và chờ đợi. Lúc này, cảm giác lâng lâng do men rượu đã đến, chú tận hưởng nó, như tận hưởng một phần của cuộc sống. May mắn thay do cơ địa tốt hoặc do cơ thể đã thích nghi, chú uống mà da chẳng mẫn đỏ. Người khác nhìn chú vẫn bình thường. Chỉ những người quen mới biết chú nốc rượu. Họ cũng chẳng bận tâm. Chú chưa bao giờ làm sai món họ cần. Người ta uống rượu thì say xỉn nhưng chú uống lại càng tỉnh táo ra, như nhìn thấu mọi chuyện trên đời. Trí nhớ chú rất tốt, một người ăn vài ba lần là chú đã nhớ như in món họ gọi. Và, chú bưng hủ tiếu chưa bao giờ bị sẩy tay dù dáng đi loạng choạng, người ngoài cứ cho rằng chú bị tật hay gì đấy. Ai mà ngờ được lại có người mưu sinh khi say đâu? Có lẽ, người tri kỉ tên rượu không nỡ lấy đi sự minh mẫn của chú như những kẻ hay say.

Khoảng cỡ tầm chiều tàn, mặt trời đã lặn từ bao giờ. Bốn thân hình mảnh khảnh, non nớt chợt tiến đến chiếc xe hủ tiếu quen thuộc. Cả bốn đều bận trên bộ đồng phục trắng tươi, áo bỏ ngoài thùng cho mát mẻ. Tay chúng cầm ly nước đủ loại thạch. Miệng vừa nói vừa đi đến và mắt sáng sủa nhìn về chú Hai. Chẳng cần nhìn bọn chúng, chú đã mở miệng trước.

- Mới đánh điện tử về hả tụi bây? Ra sớm thế?

- Dạ nay tự nhiên bị sập nguồn, ông chủ tiệm đang sửa. Đợi lâu quá thấy đói bụng. – Một đứa trong đám nhanh nhẩu.

- Net có gì vui mà thấy mấy bây hay chơi vậy. Lo học hông mốt bán hủ tiếu giống tao bây giờ! – Chú Hai trêu.

- Con mà bán là chú ế luôn á! Haha. – Một đứa khác pha trò.

- Ha! Mày nhắm bán lại tao hông? Tao bán gần chục năm rồi. Thôi mấy đứa ăn gì nè? – Chú mỉm cười.

- Như cũ hết nha chú!

- Thằng Hùng hủ tiếu khô bò viên, Phát thì hai vắt mì gói, Huy hủ tiếu không giá còn Hào, mày lấy mì gói bò viên hả?

Vâng một tiếng, lũ trẻ ngồi vào bàn và lau chùi đũa muỗng. Chúng đợi chú trụng hủ tiếu và tranh thủ tám chuyện với nhau. Chúng cũng chẳng cần đợi lâu. Vì đã tầm chiều tàn và vơi bớt khách nên bốn tô hủ tiếu thơm ngon nhanh chóng được đưa trước mặt chúng. Nhìn bọn trẻ ăn ngấu nghiến, chú Hai nhìn chúng với ánh mắt trìu mến.

- Tao khuyến mãi thêm mỗi đứa cục xí quách nè! Sắp hết nước lèo rồi còn nhiều xương quá. Nay tụi bây hên á! – Chú Hai bưng trên tay một cái tô có 4 cục xí quách bự đặt trên bàn bốn cậu nhóc.

- Haha cám ơn chú Hai nha! Chú Hai mãi đỉnh! – Lũ trẻ cười ríu rít.

Chúng đã ăn của chú từ thời còn là những đứa bé. Vì các ngôi trường khá gần nhau nên học sinh từ mọi lứa tuổi có cơ hội ghé đến quầy xe của chú. Vô tình, chú chứng kiến bốn đứa trẻ ngày nào còn hay chảy nước mũi nay đã thành học sinh cuối cấp chuẩn bị bước ngoặt tìm kiếm cuộc đời riêng của mình. Mặc dù không có đứa con nào nhưng chú ít nhiều cũng có một tí cảm giác làm cha, nấu được món ngon cho những đứa trẻ mà chú thương như con của mình.

Bỗng một bóng dáng mảnh mai, yểu điệu bước nhẹ nhàng xuống từ con xe ô tô sang chảnh đến chiếc xe hủ tiếu. Đấy là con bé Thư đấy! – Chú Hai nhận ra. Con bé có ánh mắt to tròn, làn da trắng nõn như tuyết, Đôi môi điểm son tựa quả mọng chín. Con bé hay ăn ủng hộ mỗi khi tan trường. Vốn là đứa sinh ra ở vạch đích chính hiệu. Chiếc Ô tô của bố con bé hay chắn ngay các quầy hàng khác khiến không ít người chửi bới nhưng đành bất lực. Thuở đầu, ông ta không thích vì cho rằng món này không xứng với địa vị của họ. Nhưng khi thấy đôi mắt long lanh của con bé nhìn trộm xe hủ tiếu với ánh mắt không nỡ, ông ta lại mủi lòng.

- Lấy con tô hủ tíu bò viên nha chú Hai!

- Nay đi đâu về hả con Thư?

- Dạ nay học thêm về, đói quá nên nhớ chú á! – Bé Thư nịnh nọt đáp.

- Được cái dẻo mồm! Chú Hai thưởng cục xí quách nè!

- Con muốn lắm nhưng thôi ạ. Con vừa mới làm răng xong hông ăn đồ cứng được! – Con bé khoe hàm răng trắng tinh xảo với vẻ đầy tiết nuối.

Khi vừa thấy con bé. Bốn thằng nhóc kia chợt dừng dáng vẻ ăn như hổ đói vừa nãy. Cả bốn đổi sang tư thế ăn từ tốn như một quý ông, thỉnh thoảng còn liếc trộm con bé một cách say mê. Chưa kịp nhìn gì nhiều, bố con bé đi tới và liếc mắt cảnh cáo ánh nhìn của bốn đứa trẻ ranh. Ánh mắt sắt bén khiến cả đám sợ vãi tè. Có người bố ở đây chúng nó đành bất lực. Chú Hai thấy hết cả thảy và mỉm cười. Ôi lũ học sinh thật đáng yêu biết bao!

Vài người công nhân quần áo xộc xệch lũ lượt kéo đến quán hủ tiếu của chú. Họ lần lượt ngồi xuống ngay ngắn và chờ đợi. Người lớn tuổi nhất trong đám cất lời chào:

- Nay bán sao rồi anh?

- Tạm ổn nha anh. Nay thịt tươi lắm. Bán hết nhanh. Mấy anh mà trễ xíu là hết luôn á!

- Lấy tụi tui mỗi người tô đi anh! Hủ tiếu nạc hết nha thêm xí quách.

- Nay tui cho xí quách dô nấu nhiều quá! Lấy tiền hủ tiếu nạc thôi, xí quách tui mời á.

- Thôi anh, anh cũng làm ăn buôn bán mà, chứ vậy thế kì lắm!. – Mọi người vội nói.

- Thôi dư tui cũng bán không hết. Anh em ăn no tí đi, đừng ngại. Ai cũng là người lao động mà! Ăn không đủ no, tối ngủ bụng cồn cào khó chịu lắm!

- Vậy anh em tụi tui cám ơn anh nha Hai! – Cả hội chân thành nói.

Nhìn thấy dáng vẻ lam lũ của anh em công nhân, những người lao động nghèo làm công ăn lương nuôi gia đình. Mặc dù lao động vất vả cả ngày, bọn họ vẫn yêu đời, vẫn cười nói hăng say vớ ánh mắt sáng sủa biết bao hoài bão. Chú Hai thấy thương lắm. Thương cái cách họ lao động mệt nhọc và những lời nói chân thành giản dị. Thương cả cái nét thô sơ của những con người mộc mạc ấy. Mặc dù da thịt họ nhăn nhúng, áo quần đầy vết bẩn, nhưng đối với chú, họ chẳng bao giờ là nhỏ bé.

Đại đa số thực khách của chú là những học sinh, sinh viên, công nhân hay những người có thu nhập ít ỏi,... Mọi người thường lựa chọn hủ tiếu bởi đây là một món ăn đơn giản, lại có giá rẻ, một tô thôi cũng đủ thỏa mãn cơn đói. Có thể nói, hủ tiếu sinh ra là để dành cho những con người như thế. Sau này, đối tượng ủng hộ chú cũng đa dạng hơn. Không hẳn là những người khách kia nữa mà dần dần, người ta ăn hủ tiếu vì muốn thử hương vị quyến rũ, ăn rồi lại thấy ngon, rồi quen dần,... Một phần, họ cũng quý tính cách nhiệt tình, ấm ấp và hào phóng của chú.

* * *

Chớp mắt, năm này qua năm nọ. Thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau. Mặc dù học sinh vẫn ăn của chú đều đều nhưng những khuôn mặt quen thuộc đã vơi đi bớt. Khách quen của chú cũng thay đổi rất nhiều. Những anh em công nhân quen thuộc nay đã có hoàn cảnh khác xưa, điều kiện sống tốt khiến họ cũng ít có dịp ghé thăm hơn. Những khuôn mặt lạ lẫm của người khác xứ đến đây làm công cũng dần thay thế những khuôn mặt cũ. Thỉnh thoảng nhìn lại mình, chú thấy tóc mình điểm bạc cũng nhiều hơn, kèm theo đó là những vấn đề về sức khỏe do tuổi tác, cũng như do rượu gây ra.

Cuộc đời vốn chẳng lúc nào cũng suôn sẻ. Vào một hôm trời trở gió, chú đột ngột đổ bệnh, những di chứng do rượu cũng phát hết ra ngoài. Chú ốm liệt giường tận bốn tháng trời. Việc buôn bán bị đình trệ. Tiền phí sinh hoạt và viện phí ngốn gần hết tích lũy của chú. Chú phải tịnh dưỡng nửa năm trời mới buôn bán lại được. Dù đã ổn định lại cuộc sống nhưng chẳng thể buôn bán được như xưa nữa. Đứng trên quầy xe hồi lâu cũng khiến chú ho liên tục. Cơn ho hành hạ chú mỗi ngày. Những người khách hay hỏi thăm nhưng chú kiên trì rằng mình vẫn ổn. Mặc dù cơ thể đã yếu ớt nhưng chú vẫn gồng gánh quầy xe hết sức. Dù có chuyện gì xảy ra thì chú vẫn không nỡ từ bỏ những con người quen thuộc. Tô hủ tiếu vẫn như thế, vẫn khiến cho mọi người cảm giác thật ấm áp.

Một hôm đi công tác về và tình cờ ghé thăm ngôi trường cũ, Hào chợt nhớ xe hủ tiếu xưa. Hào ghé vào và gọi món anh thích nhất. Lâu vậy rồi nhưng chú Hai vẫn nhớ mặt anh, chú gọi chính xác tên anh.

- Hào hả? Lâu rồi mới ghé tao nhen.

- Dạo này làm ăn sao rồi sư phụ?

- Cũng tạm ổn mày. Nay ngọn gió nào thổi mày tới á?

- Mới đi làm về. Thấy thèm nên ghé. – Hào mỉm cười.

- Sao có mày ghé vậy? Hết chơi với mấy thằng kia rồi à ?

- Thằng thì làm ở xa, thằng thì đi du học còn thằng thì định cư ở Mỹ rồi ạ. Còn mình con ở Sài Gòn này à.

- Chà, tụi bây giờ chắc khó gặp nhau quá ha. – Chú Hai ngậm ngùi.

Hào chỉ mỉm cười thay câu trả lời. Thời gian trôi qua nhanh đến chóng mặt. Cậu học trò hồn nhiên năm nào giờ đây lúc nào cũng toan lo nghĩ về mưu sinh. Nhìn vào quầy xe hủ tiếu quen thuộc, kí ức xưa chợt hiện về trong anh. Bất chợt, mùi hương quen thuộc đánh gãy dòng suy nghĩ của Hào.

- Mì gói bò viên của mày đây, khuyến mãi thêm cục xí quách cho mối cũ nè! – Chú Hai cười nói.

- Cám ơn nha chú Hai! – Hào mỉm cười đáp.

Mặc dù thời gian thay đổi nhưng con người chú Hai vẫn thế, vẫn thân thiết và hào phóng như xưa vậy.

Khục khục…..khục…Ông chú ho sạc sụa một hồi lâu.

- Chú Hai sao á? Ho muốn rớt lá phổi ra ngoài kìa! – Hào buông đôi đũa quan tâm hỏi.

- Hông sao. Thỉnh thoảng trời trở gió thôi.

- Bị hồi nào á? Hồi đó chú khỏe lắm mà! – Hào thắc mắc.

- Rượu nó báo tao! Bữa đó mém hẹo. Hên bà hàng xóm thấy. Hông là giờ mày hông được ăn hủ tiếu rồi! – Chú Hai pha trò đáp.

- Giờ còn nốc rượu như “Võ Tòng” hông á? – Hào trêu.

- Lâu lâu thôi. Chứ tao bỏ hông được. Bỏ là buồn chết tao! – Ông chú cười.

Mặc dù vẫn còn uống nhưng có lẽ sau cơn thập tử nhất sinh, chú đã biết tiết chế. Hào chẳng biết nói gì nên đành đổi chủ đề.

- Thấy chú ho dữ quá. Hay kiếm gì khác nhẹ nhẹ mà làm đi. Đứng hoài sao chịu nổi? – Hào ân cần nhắc nhở.

- Thôi tao bán quen rồi, hông chết được đâu mà sợ. Dù chết cũng là cái số tao hết. Với nhỡ, tao không nỡ tụi bây đâu.

Hào tính nói tiếp nhưng có một giọng nói chen vào.

- Lấy tô hủ tiếu giò heo đi!

- Có ngay! Có ngay! – Ông chú vội vã đáp.

Hào biết rằng chẳng thể khuyên nhủ chú. Chú đã gắn bó với quầy xe này cả đời. Có lẽ điều này là tốt nhất với chú.

Dùng muỗng húp một miếng nước lèo thơm ngon. Hương vị vẫn đậm đà như xưa. Nhưng không biết sau này còn có cơ hội nữa không?

TÁC GIẢ: LU

Bạn đang đọc NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG sáng tác bởi SAMLU
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi SAMLU
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.