Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Đạt thành hiệp nghị - Lưỡng phân thiên hạ.

Tiểu thuyết gốc · 2401 chữ

Soái trướng. Doanh Thạch Xá.

Đêm đã khuya, không gian tĩnh mịch. Từng cơn gió mang hơi nước tươi mát của đại dương thổi qua quân doanh.

Bên trong Soái trướng, Nguyễn Phúc Thuần mặc một bộ bạch sắc trường bào, một tay mân mê chiếc khăn bên trong chứa đựng lọn tóc của Tống Phước Thanh, một tay đang nâng cuốn “Binh Thư trận đồ” chăm chú đọc qua, thần sắc hắn như có điều suy nghĩ nghiền ngẫm đến xuất thần.

“Binh Thư trận đồ” cùng “Hổ Trướng Khu Cơ” được là hai quyển binh pháp xưng Nam triều lưỡng đại binh pháp kỳ thư.

Nếu như “Hổ Trướng Khu Cơ” là quyển binh pháp do Lộc Khê hầu Ngọa Long Đào Duy Từ đích thân chắp bút soạn thảo, nội dung được biên soạn thiên về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự và được viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam Tài “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” gồm ba tập là Tập thiên, Tập địa, Tập nhân. Chủ yếu nội dung quyển binh pháp này trình bày về phương pháp, kỹ chiến thuật đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí, phản ánh nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự trong lịch sử Đại Việt quốc.

Vậy thì “Binh Thư trận đồ” là quyển binh pháp do Nam triều Khai quốc công thần Thống binh Thái phó Mạc Cảnh Huống giành tâm huyết cả đời để biên soạn, được đánh giá có thể sánh với cuốn “Binh thư yếu lược” của Trần triều Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nội dung chủ yếu của quyển binh pháp này là giảng giải quá trình xây dựng tổ chức quân đội và các yếu quyết chỉ huy đại quân trong chiến trận, được diễn giải dẫn chứng từ những bài học của thực tiễn các cuộc chiến tranh trong lịch sử Đại Việt quốc.

Nói đến “Binh Thư trận đồ” có lẽ chỉ có nhân sĩ trong hai giới quân chính của Nam triều mới biết đến danh tính quyển binh pháp được xưng tụng là một trong Nam triều lưỡng đại binh pháp kỳ thư này. Nhưng nếu nói đến Nam triều Khai quốc công thần Thống binh Thái phó Mạc Cảnh Huống thì bất cứ người nào, dưới từ bình dân bách tính, trên đến văn võ bá quan cùng Nguyễn thị gia tộc đều nghe như tiếng sấm bên tai.

Nói đến Thống binh Thái phó Mạc Cảnh Huống thì đây đúng là một nhân vật phong vân trong lịch sử lập quốc của Nam triều. Xuất thân của ông gắn liền với thế lực Mạc thị tiền triều cùng với nhân vật truyền kỳ Đại Việt quốc Đệ nhất Thần toán tử Mạc triều Thái phó Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Mạc Cảnh Huống vốn mang dòng máu Mạc triều hoàng tộc trực hệ, ông là con út của Mạc triều Thái Tông hoàng đế Mạc Đăng Doanh.

Năm Mạc Cảnh Huống mười bốn tuổi, giang sơn Mạc triều đã bắt đầu có dấu hiệu bất ổn, bên trong nội bộ đấu đá lẫn nhau, bên ngoài Lê Đế dựa vào Trịnh thị gia tộc cùng Nguyễn thị gia tộc phò tá, liên tục cử binh từ trấn Thanh Hóa hành quân Bắc tiến, tấn công vào lãnh thổ của Mạc triều.

Mặc dù Mạc triều vẫn tạm thời đứng vững dưới các chiến dịch Bắc tiến của tập đoàn quân sự trung hưng phò tá Hoàng đế Lê thị, nhưng Mạc triều Thái phó Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm với bản lĩnh tính toán thiên cơ, xem tử vi, coi phong thủy kinh thiên địa, chấn quỷ thần của mình đã sớm tính toán ra được cơ đồ của Mạc triều khó mà giữ vững lâu dài, chuyện diệt vong chỉ là việc sớm muộn.

Không cam lòng chấp nhận thiên mệnh. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi đến Long mạch của Lê thị Hoàng tộc bày ra trận pháp “Thái Ất Thập lục Thiên thần Nghịch đảo Âm dương đại trận”.

Ông đã sử dụng quyển thiên hạ Đệ nhất kỳ thư “Thái Ất thần kinh” làm tâm trận, lại dùng huyết dịch bản thân làm vật dẫn để thi triển trận pháp.

Tuy nhiên, Lê thị Hoàng tộc cũng không phải ngu ngốc đến nỗi không biết tầm quan trọng của Long mạch, nên đã bố trí hậu chiêu là sử dụng Lê triều Khai quốc thần khí Thuận Thiên Kiếm làm bảo vật hộ vệ cho Lê thị Long mạch.

Một trận đấu pháp tràn đầy hung hiểm đã diễn ra. Cuối cùng, lấy tổn thất lưỡng bại câu thương mà kết thúc, Thuận Thiên Kiếm hoàn thành nhiệm vụ giữ lại được Lê thị Long mạch tồn tại tuy nhiên lại để cho Nguyễn Bỉnh Khiêm vận dụng sức mạnh trận pháp thành công chặt đứt Đế vận Long hình của Long mạch Lê thị Hoàng tộc thành bốn đoạn phân liệt.

Không cam lòng với kết quả đạt được, Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng ba mươi năm thọ nguyên của mình làm vật hiến tế, vận dụng kỳ thư “Thái Ất thần kinh” một lần nữa nghịch loạn âm dương ngũ hành, đảo lộn vận số thiên hạ Đại Việt quốc, quyết cứu vãn số phận của Mạc triều Hoàng tộc.

Nhân định thắng thiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thời điểm mấu chốt đã thức tỉnh thành công Sát – Phá – Lang Tam tinh, lập bố cục “Tam tinh hợp chiếu, Tử Vi hỗn loạn”.

Thất Sát Tinh là tướng tinh, chủ xơ xác, tiêu điều, cô khắc, thay đổi thất thường. Thất Sát bản tính kiên cường, cảm xúc biến hóa, thường làm việc một mình, ẩn chứa phản nghịch, khiến người khác cảm thấy khó ở cùng một chỗ.

Phá Quân Tinh là tướng tinh tiêu phá, tiêu phí, gây tổn hại, ở với số mệnh nào là hao tổn số mệnh ấy. Phá Quân là tướng tinh khai sáng, có cá tính bốc đồng, phản ứng linh hoạt, nhưng sự nghiệp có nhiều biến hóa lớn nên thường dẫn tới tình cảnh khó khăn cận kề suy bại, ban đầu phải kiên nhẫn, bền bỉ lâu dài thì sau này mới rực rỡ thành công.

Tham Lang Tinh là tướng tinh đào hoa bậc nhất, bản chất linh động, ý nghĩ tinh thông, phản ứng nhanh nhẹn, hài hước, giao thiệp rộng rãi, hứng thú với những sự việc mới mẻ. Nhưng Tham Lang thiếu tính kiên nhẫn nên không thích hợp với những công việc ổn định, lại thích tự gây dựng sự nghiệp hoặc công việc có tính chất thay đổi lớn.

Bấm tay tính toán, trong nháy mắt Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tính toán được Thất Sát Tinh ứng với học trò của mình Mạc triều Văn Phái hầu Nguyễn Quyện, Tham Lang Tinh ứng với Trịnh Tùng con trai của Lê triều Thượng tướng Thái Quốc công Trịnh Kiểm, Phá Quân Tinh ứng với Lê triều Đoan Quận công Nguyễn Hoàng.

Lợi dụng Thiên địa chi lực, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thi triển thuật pháp chuyển dời ba phần khí vận trong bốn đoạn phân liệt của Đế vận Long hình Lê triều vào thể nội Sát – Phá – Lang Tam tinh.

Trong đó, Đế vận Long Đầu vẫn do Lê triều nắm giữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đem phần cổ của Đế vận Long hình vào trong Tham Lang Tinh, rồi dùng thuật pháp gắn kết Tham Lang Tinh với Đế vận Long Đầu Lê triều để hai luồng khí vận trực tiếp đối đầu, áp chế lẫn nhau.

Tiếp theo, sau một thoáng do sự trầm ngâm, Nguyễn Bỉnh Khiêm kết cục vẫn hạ quyết tâm đánh phần Đế vận Long Vĩ vào bên trong Thất Sát Tinh.

Cuối cùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm với một chút tư tâm, vận dụng hết sức lực cuối cùng đánh phần Đế vận Long Thân, bên trong có chứa Đế vận Long Tâm vào thể nội Phá Quân Tinh. Chia cắt triệt để hoàn toàn khí số Lê triều Hoàng tộc.

Năm Chính Trị tứ niên, Mạc triều Tuyên Tông hoàng đế Mạc Phúc Nguyên băng hà, Mạc triều Mục Tông hoàng đế Mạc Mậu Hợp lúc này mới hai tuổi lên ngôi.

Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thấy Mạc triều mầm móng sụp đổ đã hiển hiện trước mắt liền ra sức thúc đẩy kế hoạch “Tam phân thiên hạ” của mình.

Năm Chính Trị thất niên, Nguyễn Bỉnh Khiêm với bố cục đưa Đế vận Long Tâm vào thể nội Phá Quân Tinh tức Lê triều Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, đã sớm tính toán được sau khi Lê triều sụp đổ thì người có thể chấm dứt nạn binh đao loạn lạc, thống nhất Đại Việt quốc trong tương lai tất sẽ xuất hiện từ trong các hậu duệ của Nguyễn thị gia tộc.

Với lòng trung tâm quyết giữ cho bằng được huyết mạch của Mạc triều Hoàng tộc. Ông bí mật đến gặp Lê triều Đoan Quận công Nguyễn Hoàng để thương nghị chính sự. Theo đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm hứa sẽ giúp kế cho Nguyễn Hoàng bảo trụ tính mạng cùng xây dựng thế lực, hùng đồ bá nghiệp Nguyễn thị gia tộc, đổi lại Nguyễn Hoàng phải chấp nhận thông hôn, gả em gái là Nguyễn Thị Ngọc Dương và bảo hộ cho Mạc triều Tiểu Hoàng tử Mạc Cảnh Huống. Nguyễn Hoàng cuối cùng vẫn gật đầu đồng ý.

Vậy là một câu chuyện ngược đời mặc dù khó tin nhưng đã thật sự xảy ra, Mạc triều Hoàng tử lấy em gái và phò tá xây dựng cơ đồ bá nghiệp cho một vị Lê triều trọng thần đối địch. Có lẽ từ cổ chí kim ngoài Đệ nhất Thần toán tử Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng ai có thể nghĩ ra và thực hiện được kỳ mưu này cả.

Tiềm thức Nguyễn Phúc Thuần đang nhập tâm chìm vào trong những truyền thuyết bí mật mà chỉ có những thành viên nội tộc trực hệ của Nguyễn thị gia tộc mới được giảng giải, cùng tìm hiểu sự huyền ảo của quyển binh pháp “Binh Thư trận đồ” thì đột nhiên không gian Soái trướng có động tĩnh.

Định thần nhìn lại, Nguyễn Phúc Thuần đã thấy trước mặt mình một bóng người mặc áo đen xuất hiện trong trướng bồng. Hắc y nhân chỉ đứng yên tại chỗ không nói gì.

Nguyễn Phúc Thuần trong chớp mắt đã nhận ra hắc y nhân này chính là người lần trước đã đi theo Trịnh Tạc đến gặp hắn, gọi là Bạch Hổ.

Nguyễn Phúc Thuần thong thả đặt quyển “Binh Thư trận đồ” xuống bàn, sắc mặc chăm chú nhìn về phía thân ảnh của Bạch Hổ, ngữ khí bình thản, lời nói ôn hòa khẽ hỏi.

- Bạch Hổ?

- Chính là ta! Phụng mệnh Tây Định Vương đến chuyển tín ước đến Nam triều Nguyên Soái!

“Vèo!”

Không mang chút tình cảm, Bạch Hổ trả lời một cách máy móc. Sau đó hắn tức khắc cho tay vào ngực áo móc ra một bức tín hàm phóng về phương hướng Nguyễn Phúc Thuần đang ngồi.

“Pặc!”

Nguyễn Phúc Thuần bình tĩnh dùng tay bắt lấy bức tín hàm trong chớp mắt. Liếc nhìn Bạch Hổ một chốc, hắn mở tín hàm nhìn xem nội dung bên trong.

Bên trong tín hàm là những hàng chữ như rồng bay phượng múa, nội dung như sau.

“Dương Đức nguyên niên.

Tây Định Vương Trịnh Tạc thủ bút.

Từ năm Vĩnh Tộ bát niên đến nay, lưỡng triều Nam – Bắc đã tiến hành bảy lần hội chiến Linh Giang, cả thảy bốn mươi lăm năm. Lưỡng triều tranh đấu đã làm cho sinh linh đồ thán, nhân dân hai vùng Nghệ An, Thuận Hóa đa phần phải ly hương, tha phương cầu thực, mười nhà không còn được một.

Thượng thiên có đức hiếu sinh. Để chấm dứt nạn binh đao loạn lạc, nỗi lo chiến hỏa cho bình dân bá tánh lưỡng triều. Nay, Ta, Bắc triều Tây Định Vương giao ước với Nam triều Hiền Vương những điều sau đây:

Một. Nam – Bắc nghỉ binh.

Hai. Lấy Linh Giang làm giới tuyến. Phía Nam sông là Nam Hà thuộc về Nam triều. Phía Bắc sông là Bắc Hà thuộc về Bắc triều.

Ba. Lưỡng triều cam kết không tiến hành xâm phạm lẫn nhau trong một trăm năm.

Nếu thuận ý, mời Hiền Vương hồi phục.

Tây Định Vương Trịnh Tạc tuyệt bút.”

Đọc xong nội dung bức tín hàm của Tây Định Vương Trịnh Tạc, Nguyễn Phúc Thuần ánh mắt có vẻ mê ly, tâm tình phức tạp, thời gian trôi qua hồi lâu mà tay hắn vẫn chưa buông xuống bức tín hàm.

Một lúc sau, Nguyễn Phúc Thuần từ trong suy nghĩ của mình tỉnh lại, ngẩng đầu nhìn về phía Bạch Hổ đang đứng trước mặt, lời nói chắc nịch.

- Ta sẽ chuyển cáo bức tín hàm này đến Phụ Vương! Kính mong chuyển lời xin Tây Định Vương yên tâm!

Bạch Hổ lạnh nhạt gật đầu không nói gì, lập tức khinh thân thoát đi.

Thân ảnh Bạch Hổ thoáng cái đã biến mất, Soái trướng lại quay về vẻ cô lạnh vốn có của nó, giống như ngoài Nguyễn Phúc Thuần thì từ trước đến giờ vốn dĩ chẳng có ai khác từng xuất hiện ở đây cả.

Nguyễn Phúc Thuần lặng lẽ ngồi một mình trong Soái trướng lấy bức tín hàm ra đọc lại thêm một lần nữa. Một lúc lâu sau, hắn mới từ tốn bước đi ra khỏi trướng bồng, chậm rãi cất bước đi dạo trong quân doanh.

Vừa đi, Nguyễn Phúc Thuần vừa ngước đầu nhìn về phía bầu trời đêm tràn đầy tinh tú trên cao, đôi môi lẩm bẩm.

- Chiến tranh! Vốn nên kết thúc lâu rồi!

Gió vẫn thổi trên bầu trời đêm, trong quân doanh Nam triều một thân ảnh thiếu niên nam tử có vẻ ngoài cô độc lạnh lẽo, nhưng nội tâm bên trong tâm viên ý mãn, đang trầm ngâm đứng thẳng ngắm sao trời giữa không gian u tĩnh.

Bạn đang đọc Mệnh Số sáng tác bởi Phidao8800
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Phidao8800
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 2
Lượt đọc 15

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.