Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tư lang trung phong lưu

Phiên bản Dịch · 4938 chữ

Anh Hùng Chí

Tác giả: Tôn Hiểu

Quyển III: Hội nơi kinh thành

Chương 4: Tư lang trung phong lưu

Hồi 1

Người dịch: ryno_nguyen

Biên dịch: Yến Linh Điêu

Nắng chiều cuối thu chiếu xuống, trên đường đá kinh thành truyền ra tiếng vó ngựa xen lẫn trong tiếng chiêng trống. Đám quan sai lớn tiếng hô:

- Kẻ nhàn rỗi tránh ra, yên lặng nhường đường.

Một gã hán tử mặc áo xám ngồi trên ngựa, theo sau là một đám quan sai, tai nghe chúng nhân lớn tiếng tung hô thì lười biếng ngáp một cái.

Gã áo xám này có thân hình hơi mập, gương mặt tròn trịa lộ vẻ dày dạn kinh nghiệm. Bộ dáng như không để ý trên đường, nhưng nếu cẩn thận nhìn ánh mắt của hắn thì sẽ giật mình. Đôi mắt nhỏ như chim ưng không ngừng đảo khắp chung quanh, có thể nói rất lợi hại.

Chợt nghe phía sau có người ho nhẹ một tiếng. Gã áo xám kia hai mắt sáng ngời vội quay đầu nhìn, là một một lão nhân thân mặc trang phục quân binh, vẻ mặt tràn đầy chính khí đang cúi đầu ho khan. Gã áo xám kia vội hỏi:

- Hầu gia sao lại ho thế? Đêm qua bị nhiễm phong hàn sao?

Lão nhân kia ngẩng đầu khoát khoát tay, ý bảo hắn không cần lo lắng. Tiếng vó ngựa lại lộc cộc vang lên, một thớt ngựa trong hàng chợt quay lại. Ngồi trên không phải binh lính mà là một công tử tuổi trẻ. Chỉ thấy chàng giục ngựa tới, hỏi:

- Làm sao vậy, Hầu gia có chuyện gì sao?

Dưới ánh dương, vị công tử tuổi trẻ này ngồi trên tuấn mã, lưng đeo trường kiếm, khuôn mặt trái xoan trắng như ngọc, vô cùng tuấn mỹ, quả thực không khác gì Phan An (1) tái thế. Gã áo xám khoát tay cười nói:

- Chỉ là viêm họng, không có việc gì.

Công tử trẻ tuổi khẽ gật đầu, không nói thêm mà giật dây cương thúc ngựa chạy lên phía trước.

Gã áo xám nhìn bóng lưng hắn, thầm nghĩ:

- Dương lang trung vẫn là như thế, mọi việc luôn luôn cẩn thận, ngay cả ho một tiếng cũng không được. Hắc hắc, có hắn trông coi chỗ này, ta sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều!

Nghĩ đến đây khóe miệng liền mỉm cười. Hắn biết vị công tử này đến nay đã có bảy tám năm. Ngày thường công tử này thanh tao nho nhã hệt một người đọc sách. Kỳ thật một khi phát uy là lúc hai hàng lông mày cao cao vểnh lên. Hắc hắc, khi đó đối phương quả thật không phải thiện nam tín nữ gì.

Đang nghĩ thì một gã quan quân thấp giọng nói:

- Vi hộ vệ, tiểu cô nương kia đang làm gì đó? Sao cản đường chúng ta, chẳng lẽ muốn cáo trạng ai sao?

Hán tử áo xám chăm chú nhìn lại, thấy một thiếu nữ chạy ra đường, khuôn mặt đỏ bừng không biết muốn làm gì. Quan quân kia hừ một tiếng, đang muốn tiến lên thì gã áo xám liền vung tay, cười nói:

- Không có gì đáng ngại, ngươi đừng đi qua.

Quan quân kia bị cản thì ngẩn ngơ tại chỗ, cau mày nói:

- Hừ, thật sự không có gì sao?

Gã áo xám cười hì hì, khoát khoát tay bảo hắn lẳng lặng đứng quan sát.

Chúng quan sai không biết tiểu cô nương kia muốn làm gì nên đều dừng ngựa. Thiếu nữ kia đỏ bừng khuôn mặt, nhẹ nhàng bước phía công tử trẻ tuổi.

Thấy nàng lấy từ trong lòng ra một phong thư đưa tới, quan quân nọ ồ lên một tiếng, quay sang hỏi hán tử áo xám kia:

- Một phong thơ? Có việc gì vậy? Muốn vạch trần tội ác của ai sao?

Gã áo xám chưa trả lời, vị công tử trẻ tuổi đã cúi người tiếp lấy phong thư, nhìn nàng thì khẽ cười một tiếng. Thiếu nữ thấy khuôn mặt tuấn tú của chàng thì gương mặt thoáng chốc lại đỏ bừng, nhanh chóng quay người chạy vội đi.

Gã quan quân kia liền ngây dại ra. Xem thần sắc cử chỉ của thiếu nữ nọ đã đoán được bảy tám phần, gắt mắng một tiếng:

- Thì ra là việc này, ta còn tưởng có người cản đường cáo trạng!

Gã áo xám giơ roi cười to, hướng sang công tử kia nói:

- Dương lang trung a, ngươi mau mau thành thân là được rồi, đừng để các cô nương trong kinh phải mất hồn mất vía phát sầu vì ngươi nữa!

Công tử kia quay đầu lại, mỉm cười nói:

- Làm gì có chuyện này. Vi hộ vệ nói giỡn rồi.

Vừa nói hai chân thúc một cái, tuấn mã liền phi về phía trước.

Vẫn thấy các thiếu nữ khác quỳ trên mặt đất, khóe mắt vẫn hướng về phía bóng dáng vị công tử kia, xem hắn là đối tượng trong lòng ngưỡng mộ. Gã áo xám cười ha hả, nghĩ thầm:

“Hay cho một Tư lang trung phong lưu, chỉ là trên phố mà đã làm tan nát vô số tâm hồn thiếu nữ. Thật sự là có lỗi a!”

Rốt cuộc vị công tử này là ai đây? Chàng chính là Dương Túc Quan, đang là Tư lang trung thuộc bộ Binh, con trai của một Ngũ phẩm đại học sĩ.

Cũng do hình dáng quá mức tuấn nhã, mỗi lần chàng ra ngoài đều gặp chuyện nữ nhân theo đuổi cầu hoan thế này. Những kẻ cuồng vọng trên giang hồ thấy dung mạo tuấn mỹ, liền cho chàng là thư sinh văn nhược trói gà không chặt. Kỳ thật nếu là người thông hiểu chuyện giang hồ, chỉ cần nhìn kỹ trường kiếm trên lưng chàng. Thấy mấy chữ khắc trên chuôi kiếm chắc chắn sẽ đưa ngón cái lên khen to một tiếng:

- Vậy mới tốt chứ!

Chỉ là sáu chữ “Thiếu Lâm Thiên Tuyệt thân truyền” mà thôi. Đơn giản nhưng hàm ý không thể trêu chọc nổi.

Đại đội nhân mã đang đi về phía trước, chợt nghe bên góc đường truyền đến tiếng ẩu đả. Một thanh niên miệng đầy máu tươi, toàn thân dơ bẩn đang la to.

Không biết đã xảy ra chuyện gì. Đám người ngạc nhiên dừng bước. Thấy thanh niên nọ ôm chặt một đại hán chạy tới đoàn nhân mã. Công tử trẻ tuổi khẽ nhíu mày, liếc mắt ra hiệu một cái. Thuộc hạ bên cạnh hiểu ý, đang muốn tiến lên quát hỏi thì đã thấy thanh niên kia ra sức ném đại hán trên tay bay ra.

Công tử nọ lấy làm kỳ, không biết hành động của đối phương có dụng ý gì.

Liền vào lúc này, trong đám người nơi góc đường bay ra một gã võ quan, thân hình chớp động nhảy lên không trung, vận khởi Ưng Trảo thủ chộp tới đại hán kia.

Hai hàng chân mày của vị công tử trẻ tuổi nhíu lại, nhẹ nhàng nói:

- Thì ra là người của Cẩm Y Vệ, sao lại chạy tới Ngõ Vương phủ gây náo loạn?

Võ quan kia nào phải là hạng lâu la tầm thường, chính là thống lĩnh An Đạo Kinh. Lúc này hắn bay người lên là muốn bắt giữ Ngũ Định Viễn, liền thấy tánh mạng của danh bộ Tây Lương sắp lâm nguy. Đám người Trác Lăng Chiêu ở một bên, thấy hắn muốn chiếm công đầu nhưng không kịp ngăn cản.

Mắt thấy An Đạo Kinh sắp đắc thủ, bỗng nhiên một thanh trường kiếm nghiêng nghiêng đâm tới. Chiêu số thuần chính, khí thế ngất trời. An Đạo Kinh thân đang ở giữa không trung, bất ngờ bị chiêu kiếm này công tới thì không cách nào né tránh, đành rút đao tung ra một chiêu "Hồi Thiên Tước Địa" cản một kiếm đang tới kia.

An Đạo Kinh rơi xuống đất, nhanh chóng nhìn xem ai dám ra tay ngăn cản, thấy là một vị công tử trẻ tuổi. Trong nháy mắt chàng đưa tay nhẹ ngàng ôm lấy Ngũ Định Viễn, hạ xuống rồi giao cho người bên cạnh.

An Đạo Kinh giận dữ mắng một tiếng, chỉ tay hét lớn:

- Các người mau giao khâm phạm quan trọng ra đây, nếu không sẽ xử tội đồng lõa!

Vừa nói vừa hoành đao chắn ngang đường đi.

Từ trong đám người lại vang lên giọng nói bình thản nhưng đầy nghiêm nghị của công tử trẻ tuổi nọ:

- An thống lĩnh, Liễu đại nhân chúng ta chính là đương kim Chinh Bắc Đại Đô Đốc, tước ban Thiện Mục Hầu, là Thái tử Thái bảo. Liễu đại nhân quan cao chức trọng, được ngồi xe ngọc của bệ hạ, há có thể bị kinh động? Chúng ta có trách nhiệm hộ giá, không biết An đại nhân sao lại trách cứ như thế?

An Đạo Kinh thấy người này bộ dáng anh tuấn, khuôn mặt tuấn mỹ mang theo vài phần quan vị, liền nhận ra đây chính là nhi tử của Ngũ phẩm Đại học sĩ đương triều, là bộ Binh Tư lang trung Dương Túc Quan. Nghe nói người này từ nhỏ đã ở Thiếu Lâm Tự, võ công rất cao. Còn trẻ mà đã đăng khoa, chưa tới ba mươi đã đậu Tiến sĩ, chính là kỳ tài văn võ song toàn. Nhân vật như thế An Đạo Kinh không thể không nể mặt, liền khom người chắp tay nói:

- Dương đại nhân, kẻ người vừa bắt được không phải hạng tốt lành gì, chính là đào phạm cùng hung cực ác hết sức quan trọng. Xin giao người để bổn quan gấp rút áp giải đi.

Dương Túc Quan lắc đầu mấy cái, nói:

- An thống lĩnh. Nơi này là Ngõ Vương phủ, chuyện tra hỏi đuổi bắt trước nay đều do nha môn Trực Lệ cùng Kỳ Thủ Vệ trực tiếp lãnh trách nhiệm, sao dám làm phiền đến thống lĩnh Cẩm Y vệ đại giá? Đợi chúng ta tra hỏi nhân phạm rồi thương nghị cũng không muộn.

An Đạo Kinh nghe chàng lên tiếng cự tuyệt thì hừ một tiếng nặng nề, trong bụng phẫn nộ nhưng đành thúc thủ vô sách, trầm ngâm suy nghĩ:

- Tiểu tử Dương Túc Quan này nói thế nào cũng là nhân vật số một trong triều, lão tử nhà hắn lại là Đại học sĩ. Ngay cả Giang Sung Giang đại nhân cũng phải nể mặt mũi, xem ra không thể dùng sức mạnh.

An Đạo Kinh thấy tình thế bất lợi, đừng nói là không đắc tội nổi Chinh Bắc Đại Đô Đốc. Chỉ riêng Dương Túc Quan trước mặt này cũng phải cẩn thận ứng phó. Trong lòng suy tính thiệt hơn, hắn chần chờ chốc lát rồi cho đao vào vỏ, quay đầu nhìn lại Trác Lăng Chiêu.

Trác Lăng Chiêu mỉm cười, trong lòng rõ ràng Thiện Mục Hầu Liễu Ngang Thiên tuyệt đối không tầm thường. An Đạo Kinh là thống lĩnh Cẩm Y Vệ nên không thể trở mặt động thủ cùng triều thần, đành phải dựa vào võ công cao cường của y, lại không bị chức quan ràng buộc nên có thể dụng lực bắt người. Chỉ là mắt thấy An Đạo Kinh kiểu cách nhà quan hung hăng càn quấy đã nhiều, giờ gặp đại phiền toái lại muốn một dân đen như y giúp thì thực là vô sỉ.

Có điều trước mắt không nên so đo cùng loại tiểu nhân này. Lấy đại cục làm trọng, Trác Lăng Chiêu chậm rãi đi đến. Y còn chưa mở miệng đã kinh động đến Liễu Ngang Thiên. Trong bọn thị vệ có người hiểu chuyện giang hồ, đã nhận ra y là chưởng môn nhân của Côn Luân Sơn, vội đi tới thấp giọng thì thầm bên tai Dương Túc Quan.

Dương Túc Quan nghe lai lịch người này thì thầm kinh ngạc, lại thấy thân ảnh đối phương tùy ý lướt qua, hai chân không khép không hở, khí thế phi phàm xác thực có chỗ hơn người, liền ngưng thần lưu ý.

Trác Lăng Chiêu tươi cười chân thành, chắp tay nói:

- Dương lang trung đại nhân, nam tử vừa rồi ngài bắt được chỉ là một đệ tử của tiểu nhân, tâm địa vô cùng xấu xa, nhiều lần xông vào quấy rối trong kinh thành. Không dám quấy nhiễu đến Liễu đại nhân, xin hãy giao hắn lại để tiểu nhân mang về trách phạt, coi như giúp các vị đại nhân hả tức giận.

Mọi người thấy người này nói chuyện khiêm tốn như một học trò nơi hương thôn, ai ngờ lại là Côn Luân chưởng môn chân nhân danh chấn thiên hạ. Có điều người này đang an ổn ở Côn Luân Tây Cương, sao lại đến Ngõ Vương phủ chém chém giết giết làm gì? liệu trong chuyện này còn có ẩn tình gì chăng?

Dương Túc Quan nghe thì bất động thanh sắc, thản nhiên nói:

- Hóa ra vị này là đệ tử của tiên sinh, nhưng sao vừa rồi An Thống lĩnh lại nói là đào phạm, rốt cuộc là thế nào? Đợi ta tra rõ rồi nói sau.

Trác Lăng Chiêu nghe đối phương không muốn giao người liền cười ha hả, nói:

- Vừa rồi xem Dương đại nhân xuất kiếm tinh diệu, công lực phi phàm, không hổ là được chân truyền của Thiên Tuyệt lão tăng ở Thiếu Lâm. Nếu không có gì cố kỵ, tiểu nhân muốn mời Dương lang trung chỉ điểm một chút.

Trác Lăng Chiêu hành tẩu giang hồ nhiều năm, nhìn kiếm đã biết lai lịch của Dương Túc Quan, lập tức có ý gây chiến dùng vũ lực cướp đoạt.

Dương Túc Quan ồ một tiếng, nghe lời Trác Lăng Chiêu là có ý muốn cường ngạnh đồi người, liền thương nghị cùng mấy người bên cạnh:

- Rốt cuộc người chúng ta bắt được có lai lịch ra sao? Sao lại đi trêu chọc mấy hung thần ác sát này?

Hán tử áo xám tiến lên nói:

- Trác Lăng Chiêu xưa nay không đến Trung Nguyên, giờ lại xuất hiện tất có đại sự. Chúng ta đừng vội giao người, tìm hiểu tình hình trước rồi tính sau.

Nam tử áo xám họ Vi này là một tráng hán xuất thân giang hồ, kiến văn quảng bác. Trước giờ được Liễu Ngang Thiên coi trọng, lại thêm võ nghệ cao minh. Đám người Dương Túc Quan rất kính trọng. Nghe gã nói thì tất cả đều gật đầu.

Dương Túc Quan nói:

- Vi tiên sinh nói rất đúng, đám người Cẩm Y Vệ trước nay chỉ lo hãm hại trung lương, chưa từng làm được việc gì công bằng. Người trong tay chúng ta chắc chắn là bị bọn hắn mưu hại, mới gặp tai họa thế này.

Một gã quan quân thấy sắc mặt đám người Trác Lăng Chiêu âm trầm, như đang đợi lệnh tiến lên bắt người, liền cau mày nói:

- Nói thì nói như thế, các ngươi xem bọn chúng ai nấy như lâm đại địch, sợ là muốn chặn đường cướp người, chúng ta phải làm thế nào?

Vi Tử Tráng cười lạnh nói:

- Cho dù Cẩm Y Vệ có bá đạo hơn gấp mười lần cũng không làm gì được chúng ta. Nếu thật muốn tới đây cường đoạt, bằng vào trăm người chúng ta ở đây, người đông thế mạnh lại biết võ công, xem bọn hắn có thể làm gì? Ta chỉ sợ tranh phong…sẽ kinh động đến Liễu Hầu gia.

Trác Lăng Chiêu thấy mấy người kia ngươi một lời ta một câu không dứt, liền cười nói:

- Dương đại nhân, ngài là quan viên quan trọng của triều đình, thân thể ngàn vàng đương nhiên không cần so đo cùng tiểu nhân. Nếu ngươi không muốn động thủ, chỉ cần phân phó một tiếng. Đem trả lại tên đệ tử của tệ phái để ta mang về trách phạt, ngày sau Trác mỗ nhất định sẽ đích thân lên đỉnh Thiếu Thất tỏ lòng cảm tạ, như thế được chăng?

Ngụ ý của Trác Lăng Chiêu rất rõ ràng. Chỉ cần Dương Túc Quan chiếu theo quy củ giang hồ, nể thể diện của y mà giao Ngũ Định Viễn ra, sẽ không để cho song phương phải khó xử.

Dương Túc Quan đang muốn đáp lời, Vi Tử Tráng đã tiến lên cười lạnh:

- Trác chưởng môn, Dương đại nhân chúng ta xuất thân khoa cử, lại là đại thần đương triều, dù có tập qua vài năm võ nghệ nhưng không phải người trong giang hồ. Ngươi không cần dùng những lời này khích hắn. Nếu ngươi không lui thì chớ trách đao thương của quan quân chúng ta không có mắt, đến lúc đả thương đệ tử Côn Luân thì hối hận cũng không kịp!

Trác Lăng Chiêu cười nói:

- Ta tưởng là ai, hóa ra là Vi đại hiệp của Võ Đang Sơn. Đã lâu không gặp, Vi đại hiệp không còn là “Ngô Hạ A Mông” (2) của ngày xưa nữa. Mở miệng ra là qui củ nhà quan, ngay cả giọng Hồ Bắc cũng sửa lại. Chậc chậc, quả là khâm phục.

Tiền Lăng Dị ở một bên thấy ngữ khí của chưởng môn lộ vẻ chê cười, vội vàng tiếp lời:

- Chưởng môn, người còn gọi người ta là Vi đại hiệp, người ta có thể không vui đó. Người nhìn xem đã người ta béo ục ịch thế kia, đã ra dáng lắm rồi. Nên xưng hô một tiếng Vi đại nhân, nếu không xưng là Vi hộ vệ cũng không kém hơn là bao!

Hai người nói chuyện đều mỉa mai hán tử áo xám không tuân theo quy củ giang hồ. Lời lẽ chanh chua như vậy sao Vi Tử Tráng không nghe ra chứ? Hắn chỉ biết trừng mắt tức giận, mặt mũi tràn đầy phẫn nộ.

Hóa ra người trong võ lâm sau khi tập được một thân võ nghệ, đa số đều đầu nhập vào triều đình. Hầu hết các võ quan đều xuất thân từ các môn phái giang hồ. Chỉ là khi gặp lại người trong giang hồ vẫn dùng luật lệ giang hồ đối đãi với nhau, có ý rằng bản thân không quên nguồn gốc. Vi Tử Tráng xuất thân danh môn đại phái, được chân truyền của Huyền Vũ Kiếm Võ Đang Sơn từ thuở nhỏ, có tuyệt kỹ Bát Quái Du Thân Chưởng cực kỳ lợi hại. Hắn đã làm hộ vệ bên cạnh Thiện Mục Hầu như hình với bóng hơn mười năm, được chủ nể trọng mà lấy làm tự hào. Ai ngờ lúc này nói vài câu giọng quan đã bị môn nhân Côn Luân chê cười, khiến hắn thành người vô sĩ quên nguồn gốc, bảo sao hắn không hắn tức giận cho được?

Vi Tử Tráng hừ một tiếng khinh miệt, quay đầu lại nói với chúng hộ vệ:

- Chúng ta đi, không cần để ý đám người ngông cuồng này.

Mọi người đáp ứng một tiếng rồi nhao nhao lên ngựa, đang định giật cương nhưng Trác Lăng Chiêu vẫn không nhúc nhích, ung dung hoành đao đứng chắn trên đường.

Vi Tử Tráng thấy bộ dáng ý thì lập tức quát:

- Chúng tướng cài tên! Kẻ nào cản đường, giết không tha!

Chúng quân liền cao giọng đáp ứng, riêng phần hắn cũng giương cung cài tên sẵn sàng ứng chiến.

----------------------------------------------

Chú thích:

(1) Sử sách Trung Hoa đời nào cũng ghi danh rất nhiều mỹ nữ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Dù số lượng khiêm tốn hơn nhưng những mỹ nam nổi tiếng về dung mạo cũng được khắc họa đậm nét và trở thành biểu tượng sinh động được nhiều người đời sau nhắc đến.

Điểm chung của những mỹ nam này là không chỉ đẹp mà còn có tài năng, khí chất hơn người, nên mới được nhắc đến và trở thành biểu tượng cho cái đẹp của giới mày râu. Tuy nhiên, dù có vinh hiển chốn quan trường hay oai hùng nơi trận mạc, cuối cùng hầu hết các mỹ nam đều có kết cục bi thảm: bị giết bằng những phương thức tàn độc như ép uống độc dược, xử trảm hoặc tru di tam tộc... Thậm chí có người phải chịu những cái chết tức cười hoặc chết già nơi xó nhà không ai biết đến. Thế mới biết câu người xưa thường nói "hồng nhan bạc phận" không chỉ ứng vào số kiếp những mỹ nữ mà cả những người đàn ông quá đẹp cũng không tránh khỏi.

Đứng đầu danh sách những mỹ nam của Trung Hoa cổ đại phải kể đến cặp đôi Phan An – Tống Ngọc, nói như nhiều người đời sau, nếu thời của Phan An – Tống Ngọc có thi Hoa vương thì chắc chắn hai vị này đoạt giải. Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp, các tác giả cũng thường so sánh nhân vật của mình “mạo tỷ Phan An”, “ngọc diện Phan An” hay “Tống Ngọc tái thế”… nhằm cho độc giả hình dung ra vẻ đẹp dị thường của nhân vật.

Phan An - 'Hoa vương cổ đại' mê hoặc từ thiếu nữ đến 'nạ dòng'

Phan An (tên khác là Phan Nhạc), là người Hà Nam, sống vào thời Tây Tấn, được xem như một kỳ nhân của lịch sử Trung Quốc cổ đại. Phan An dung mạo rất đẹp, tinh thần và bản lĩnh cũng được ca ngợi, trong dân gian có câu: “mặt tựa Phan An” để miêu tả những người đàn ông đẹp.

Phan Anh qua nét vẽ của hậu thế.

Có rất nhiều giai thoại xung quanh vẻ đẹp của người đàn ông này. Phan An ở thành Lạc Dương, mỗi lần cưỡi xe ra ngoài chơi đều bị phụ nữ từ trẻ đến già chạy theo xem mặt, nhiều đến nỗi chàng không dám bước ra khỏi xe. Nhiều thiếu nữ quá si mê đã ném đầy hoa quả vào xe của chàng nên cứ mỗi lần trở về thì xe đầy những quả chín. Từ đó mà trong dân gian có câu nói “ném quả đầy xe”, được áp dụng cả trong văn chương để chỉ sự hâm mộ cái đẹp.

Dân gian còn thêu dệt nên một giai thoại về Phan An (cũng tương tự như giai thoại về nàng Tây Thi bị Đông Thi bắt chước): Vì vẻ đẹp của Phan An quá nổi tiếng, có một người dung mạo cực kỳ xấu xí tên là Trương Mạnh Dương cũng bắt chước dáng điệu Phan An và đi ra ngoài thành chơi, nhưng mỗi lần ra khỏi cửa thì các chị em đều nhổ nước bọt, ném đá vào xe của anh ta. Thế là, xe của anh ta chất đầy đá mà trở về.

Phan An mặc dù đẹp không đối thủ nhưng lại là một người đàn ông chung tình rất mực. Đính hôn từ năm hơn mười tuổi, đối với người vợ kết tóc xe tơ họ Dương, chàng hết sức thủy chung. Dương thị mất năm Nguyên Khang thứ 8 (298) khiến Phan An đau buồn triền miên, viết nên những bài từ điếu vong chứa đầy tình cảm son sắt keo sơn, và đây cũng chính là những bài hay nổi tiếng trong mảng đề tài này.

Vẻ đẹp của Phan An càng nổi tiếng vì chàng còn là một người tài hoa, văn chương thiên phú. Nhưng cuộc đời Phan An không tươi sáng như gương mặt được mọi người ái mộ. Càng trưởng thành, tài năng của Phan An càng xuất chúng, chàng bước vào quan lộ và cũng gặp nhiều thăng trầm. Cuối đời, Phan An rơi vào vòng xoáy của những âm mưu lớn trong triều đình, bị đổ tội tạo phản dẫn đến cơn loạn Bát vương và bị tru di tam tộc.

Tống Ngọc - chàng mặt đẹp xảo ngôn

Được xếp ngang hàng với Phan An về "nhan sắc", Tống Ngọc là một trong hai đại mỹ nam nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù luôn được hậu thế ca tụng về vẻ đẹp khác người nhưng rất khó tìm thấy trong sử sách những miêu tả cụ thể về vẻ đẹp của mỹ nam này. Tống Ngọc nghiễm nhiên được người đời trao vương miện và trở thành hình tượng lớn mỗi khi nhắc đến vẻ đẹp của phái mày râu.

Tống Ngọc qua nét vẽ của hậu thế có phần yểu điệu, phù hợp với miêu tả về tài ăn nói khéo léo đến mức xảo ngôn.

Hai từ “mỹ nam” miêu tả Tống Ngọc duy nhất xuất hiện trong bài phú “Đăng Đồ Tử háo sắc”: Đăng Đồ Tử bẩm báo Sở Vương rằng Tống Ngọc là một mỹ nam, rất biết ăn nói, nhưng bản tính háo sắc, nên đừng bao giờ để hắn đến hậu cung. Nghe như thế, Tống Ngọc liền xin Sở Vương công tâm suy xét, xem anh ta với Đăng Đồ Tử ai háo sắc hơn.

Tống Ngọc nói: "Mỹ nữ trong thiên hạ không đâu sánh bằng nước Sở. Mỹ nữ nước Sở không đâu sánh bằng quê hương thần. Mỹ nữ quê hương thần không đâu sánh bằng người đẹp cạnh nhà thần Đông Lân. Cô hàng xóm xinh đẹp này nếu cao thêm một phân thì quá cao, nếu bớt đi một phân thì quá thấp; nếu thoa thêm ít phấn thì quá trắng, thoa thêm ít son thì quá đỏ. Lông mày thì cong mượt, làn da thì trắng như tuyết, eo thon, răng trắng. Ngay cả một tuyệt thế giai nhân như vậy quan tâm đến thần suốt ba năm mà thần vẫn chưa xao lòng, thì không lẽ thần là người háo sắc? Ngược lại, Đăng Đồ Tử có người vợ xấu xí, đầu tóc rối bù, lỗ tai dị tật, hàm răng lởm chởm, môi trề, bước đi hụt trước thiếu sau, lại thêm lưng gù, người đầy mụn ghẻ. Đăng Đồ Tử thế mà lại thích cô ta, có liền 5 mụn con. Hoàng thượng thấy không, chỉ cần là phụ nữ thì Đăng Đồ Tử thích ngay, vì thế hắn ta háo sắc hơn thần”.

Miệng lưỡi của Tống Ngọc phi phàm như vậy đã làm cho Sở Vương đúng sai lẫn lộn, phán Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Từ đó, Đăng Đồ Tử phải mang tiếng xấu muôn đời, đời sau thường nhắc đến ba chữ “Đăng Đồ Tử” để chỉ những phường háo sắc.

Cũng như Phan An, Tống Ngọc rất giỏi thơ phú, tương truyền là đệ tử của Khuất Nguyên và tác phẩm tiêu biểu “Cửu biện” của Tống Ngọc được đánh giá là “ngang cơ” với “Ly Tao” của Khuất Nguyên trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nhưng Tống Ngọc không có duyên với quan trường, đến cuối đời cũng chưa từng được làm chức quan gì dù là nhỏ nhất, phải về quê sống nương vào ruộng vườn đến lúc chết già không được ai biết tới.

(2) Ngô hạ a mông (吴下阿蒙): "Ngô hạ" chỉ Đông Ngô, hiện chính là Giang Tô ở phía nam sông Trường Giang。"A mông" chỉ Lã/Lữ Mông đại tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc, kẻ đã dùng kế đánh bại và bắt được Quan Công.

Lữ Mông (178 - 219.AD), tự Tử Minh. Lữ Mông là một trong những trụ cột phò tá Đông Ngô từ rất sớm, lập được nhiều chiến công rất được Tôn Quyền tin tưởng trọng dụng. Trong chiến dịch Xích Bích, Lữ Mông là người cực lực phản đối chủ trương hàng Tào, kiên quyết tử chiến.

Do xuất thân nghèo khổ, Lữ Mông ko có điều kiện học hành nhiều, chủ yếu tiến thân bằng võ nghiệp, đánh trận chém giết. Tôn Quyền khuyên Lữ Mông dù việc quân có bận rộn đến đâu thì cũng nên giành ít thời gian đọc sách để có kiến thức, biết chữ nghĩa. Lữ Mông ngẫm thấy có lý nên nghe theo, điều không ngờ là Lữ Mông không những học để biết chữ mà còn trở thành một bậc quân sư đa mưu túc kế. Chính điều này khiến cho Lỗ Túc, người trước đây rất coi thường Lữ Mông đã phải thay đổi cách nhìn, nến mới khen: "Ngài không còn là A Mông bên bờ Giang Đông nữa. Lữ Mông cười đáp "Kẻ sỹ ba ngày không gặp nhau thì nên rửa mắt mà nhìn (Quát mục tương khán)". Từ đó các câu "Ngô hạ a mông" và "Quát mục tương khán" được lưu truyền hậu thế.

Câu "Ngô Hạ A mông" nếu dùng để chỉ người khác, thì có ý nói người đó có sự biến hóa rất lớn, tiến bộ rõ ràng. Ngoài ra cũng có thể dùng cho chính bản thân người nói, ý chỉ mình không có tiến triển gì, nhưng phải đổi ngược lại thành câu "A Mông Ngô Hạ".

stevenqb1890

Bạn đang đọc Anh Hùng Chí của Tôn Hiểu
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi User_Name
Phiên bản Dịch
Ghi chú DOCX
Thời gian
Lượt đọc 49

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.