Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tả Đô đốc Phạm Tu

Tiểu thuyết gốc · 2106 chữ

Sau buổi thượng triều, vua cho gọi Phạm Tu đến yết kiến ở thư phòng.

Phạm Tu năm nay tuổi gần bốn mươi, cao khoảng năm thước rưỡi, tổ tiên ba đời theo nghiệp võ, bốc thuốc chữa bệnh. Dưới cờ khởi nghĩa của Lý Tư, Phạm Tu tuy gia nhập sau nhưng lập nhiều chiến công, lại nhất mực trung thành, được luận công ban thưởng, hiện Phạm Tu đang giữ chức Tả đô đốc, hàm nhất phẩm, lo trị an ở kinh thành. Em ruột của Tả đô đốc chính là Phạm Quý phi.

Phạm Tu lấy làm băn khoăn khi vua gọi vào chầu trong thư phòng, ông ngẫm nghĩ xem gần đây có làm gì sơ suất hay không? Em gái của ông hạ sinh hoàng nữ, so với nhiều quan văn võ khác trong triều, chỗ dựa của ông không bằng vì theo xưa nay, chỉ có hoàng nam mới được kế vị. Song Phạm Tu không lấy làm phiền lòng bởi xưa nay ông không ham danh lợi, không muốn đấu đá, chỉ chuyên tâm lo việc quân.

-Muôn tâu bệ hạ, vi thần có mặt.

-Khanh ngồi đi!

Nhà vua đang đọc các tấu chương, thấy Phạm Tu đến liền tạm dừng, đến bên bàn trà ban cho Phạm Tu ngồi.

-Ta đã cho kẻ dưới lui hết, hôm nay tự tay pha trà mời Tả Đô đốc, đã lâu lắm rồi hai ta không có dịp hàn huyên. Từ khi nào nhỉ?

-Muôn tâu hoàng thượng, hạ thần…

-Đừng đa lễ, đây không phải ngoài triều, khanh cứ ngồi đấy, để ta pha trà. Loại trà này trên thượng du, sứ giả Mông tộc biếu tháng trước mà chưa có dịp uống, trà ngon cần có bạn tâm giao.

Phạm Tu nghe vua nói mà lạnh hết sống lưng, với hàng quan nhất phẩm như ông, được nhà vua pha trà, cùng ngồi đàm đạo thì phúc ấm tổ tiên ba đời hẳn rất dày.

-Ta nghe nói thái ấp của Tả Đô đốc bấy lâu nay thu nạp nhiều cô nhi quả phụ và lưu dân, dễ đến nghìn người. Tháng đôi lần, Tả Đô đốc bốc thuốc chữa bệnh cho dân, trong kinh thành và vùng lân cận, dân người ta kháo nhau Tả Đô đốc là phật sống đấy.

Phạm Tu nghe vậy liền cả kinh, lời vua mới nói chẳng khác gì sét đánh trên đầu, mồ hôi chảy thành giọt hai bên thái dương, Phạm Tu vội quỳ xuống:

-Muôn tâu hoàng thượng, những gì hạ thần làm cũng vì hoàng thượng. Hạ thần tuyệt đối không có ý khác, mong hoàng thượng soi xét.

Nhà vua đỡ Phạm Tu dậy, nét mặt tươi tắn, ấn Phạm Tu ngồi xuống ghế.

-Ta cho gọi khanh đến không có ý trách phạt cũng không ban thưởng, chỉ là uống trà đàm đạo.

-Tâu bệ hạ, hạ thần không có nhiều thân thích, cũng từng dày đây mai đó, may được theo bệ hạ đánh Tây dẹp Bắc nay có chút công lao được bệ hạ ban thưởng, ngẫm thấy bản thân may mắn, muốn chia lại chút bổng lộc của hoàng thượng cho những người có gia cảnh khốn khó.

-Vậy việc dạy chữ và luyện võ cho cô nhi, khanh giải thích ra sao?

Phạm Tu một lần nữa cả kinh, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân run lẩy bẩy, hoạ sát thân ập xuống nhà ông rồi, ông lại quỳ mọp dưới chân vua dập đầu.

-Bệ hạ, mong bệ hai soi xét. Hạ thần không có ý phản nghịch, hạ thần…

Nhà vua cười vang đỡ Phạm Tu dậy, thậm chí còn lau mồ hôi giúp ông và đổi cách xưng hô thân mật:

-Ông có thắc mắc vì sao ta biết hay không?

Phạm Tu nào có nghĩ ra được. Ông cho mở lớp dạy chữ nghĩa, thêu thùa may vá, cả lớp luyện võ cho tất cả cô nhi, quả phụ. Những việc này đều bí mật bởi nếu đồn ra ngoài, qua miệng kẻ xấu ắt sẽ mang hoạ.

-Là Quý phi đã nói cho ta.

-Quý phi? Sao… sao lại là Quý phi? Muôn tâu bệ hạ, hạ thần sẽ cho dừng ngay những việc ấy.

-Tại sao phải dừng?

-Dạ bẩm…

Phạm Tu lại lau mồ hôi, lúc này ông không nghĩ được nhiều, gươm đã kề cổ, ông thác thì không sợ nhưng liên luỵ đến em gái cùng hàng nghìn người trong thái ấp, tội mưu phản không cần phải nghĩ cũng biết hậu quả.

-Dân có giàu thì nước mới mạnh, mà dân muốn giàu trước tiên phải biết chữ nghĩa. Các hào trưởng hay quan lại, kẻ nào mà không biết chữ, dân nghèo chính là vì không được học.

-Bệ hạ anh minh.

-Ông làm có kín kẽ đến mấy trước sau cũng sẽ có kẻ lời ra tiếng vào. Ta biết ông trước sau chỉ lo việc quốc gia, không có ý riêng nên ta mới gặp Quý phi hỏi chuyện, nước nhà sắp lâm nguy, sóng gió rồi sẽ nổi lên, cần phải lo cho ngày sau. Chả hay Tả Đô đốc có sẵn lòng giúp?

Nhà vua rời khỏi ghế, đến bên bàn lớn lấy tấm vải lụa lớn đưa cho Phạm Tu, đó là tấm hoạ đồ giang sơn. Phạm Tu nhìn hoạ đồ rồi lại nhìn vua, nhất thời chưa thể hiểu dụng ý.

-Ông xem phía Tây Bắc kinh thành chừng trăm dặm có gì?

Phạm Tu xem hoạ đồ, là một võ tướng đánh trăm trận khắp nơi, có thắng có bại nhưng theo trí nhớ của ông, phía Tây Bắc kinh thành vốn là vùng đồng bằng châu thổ, không có ý nghĩa về mặt quân sự, chỉ có lương thảo. Chả lẽ vua cần lương thảo để chinh phạt nơi nào ư?

-Ta và ông gặp nhau lần đầu ở đâu nhỉ?

-Vũ Ninh thưa bệ hạ.

-Quê ông ở Hải Môn trấn, cớ sao bấy lâu nay ông không áo gấm về làng, vinh quy bái tổ?

-Muôn tâu bệ hạ, bà con thân thuộc không còn, là con dân Vạn Xuân thì ở đâu cũng là quê hương. Hạ thần không cầu danh lợi, đó là lý do hạ thần nhận cô nhi quả phụ đến thái ấp.

-Nếu một mai ta theo tiền tổ, sợ là Phạm Quý phi sẽ bị chèn ép, trưởng công chúa vì vậy mà thiệt thòi.

Nói đoạn nhà vua khẽ thở dài, đưa chén trà lên miệng.

-Bệ hạ sống lâu trăm tuổi, ấy là phúc của muôn dân. Xin bệ hạ…

-Ông đừng nói mấy lời sáo rỗng ấy. - Nhà vua phẩy tay. - Ta nay đã tứ thập tứ niên, thọ được ngoài ngũ tuần là phúc đã dày. Nay ta cho gọi ông đến là có việc hệ trọng, những điều ta sắp nói chỉ có 3 người được phép biết, ấy là ông, Quý phi và ta.

Phạm Tu lập tức đứng bật dậy chắp tay cung kính chờ lệnh, vua ôn tồn:

-Ông đến Vũ Ninh tìm Linh Sơn cổ tự dưới dãy Linh Sơn, gần đó có đền Linh Sơn thần nhân ven bờ Thiên Đức. Có một cây đa nghìn năm ở nơi ấy, tuyệt đối không được đốn hạ, ông đến đó bằng cách nào, đi với ai do ông tự sắp xếp nhưng phải chọn thân tín, biết giữ mồm giữ miệng.

-Hạ thần tuân mệnh.

-Sau khi xem xét địa thế, hãy tính kế đưa cô nhi quả phụ trong thái ấp dời dần về nơi đó, làm sao thì làm, không được để quan lại địa phương biết do ông đưa về, càng tránh được tai mắt càng tốt. Ta hạn cho ông trong ba năm phải xây dựng nơi đó thành nơi kẻ khác không thèm đoái hoài nhưng khi gióng trống khua chiêng thì thiên hạ phải theo về.

-Hạ thần chưa hiểu hết ý của bệ hạ.

-Trong ba năm tới, ông phải kín đáo tích trữ lương thảo, bạc vàng ta sẽ đưa cho ông thành nhiều đận. Nếu những việc này bại lộ, ta e Vạn Xuân sẽ chỉ còn trong những câu chuyện hoặc bài đồng dao con trẻ.

Phạm Tu ngây người nhìn nhà vua không chớp mắt bởi những gì nhà vua vừa nói đúng là kinh thiên động địa, lọt ra ngoài sợ là có cơn mưa máu. Phạm Tu nghĩ sắp có biến.

-Muôn tâu bệ hạ, vi thần có… có thể đem theo quân bản bộ được không ạ?

-Ông có thể làm theo ý ông nhưng ta nhắc, tất cả đều phải thân tín. Chuyện này lộ ra, ta không thể nói giúp ông, xem như ông làm phản, vậy cần tính cho kỹ, đây là mật chỉ.

-Vi thần đã hiểu.

-Chưa hết, ta còn có điều quan trọng hơn nữa. – Vua ra hiệu. - Ông ngồi xuống, chuyện dài mà đứng như vậy e không tiện.

-Tạ ơn bệ hạ.

-Ông phải tính kế đưa trưởng công chúa xuất cung trong bí mật. Nếu một mai ta đổ bệnh, phải đưa Phạm Quý phi xuất cung bằng mọi giá, Vạn Xuân ngày sau đều nhờ vào ông cả.

Khỏi phải nói, vừa nghe dứt lời, hơi thở Phạm Tu trở nên gấp gáp, trong đầu ông mơ hồ nghĩ đến viễn cảnh máu chảy đầu rơi, muôn dân lầm than.

-Sau khi xuất cung, lập tức đổi công chúa sang họ Phạm. Đây là chiếu chỉ của ta.

Phạm Tu nhận chỉ, trên đó ghi rõ trưởng công chúa Lý Thiên Bình sẽ đổi sang họ Phạm, theo họ mẹ, đến khi thành thân mới được cải về họ Lý. Người giám sát, nuôi nấng trưởng công chúa sẽ là Tả Đô đốc Phạm Tu.

Phạm Tu đọc được chữ nào, mồ hôi nhỏ từng ấy giọt. Quả nhiên những gì ông vừa được nghe, vừa được đọc là đại sự. Thân là võ tướng, không nhiều mưu kế chốn quan trường nhưng ông hiểu, chỉ cần nửa điều này lọt ra ngoài cửa thì ông và những người liên quan sẽ không còn chốn dung thân.

-Ông hãy còn 3 năm để tính kế và thực hiện, Lý Thiên Bình ngày sau có làm được việc lớn hay không đều do ông cả.

-Muôn… muôn tâu bệ hạ, vi thần mạo muội hỏi, liệu đây… đây có phải là… là tây sơn tái khởi?

-Có thể coi là vậy. Ta sẽ dành những thứ tốt nhất cho Thiên Bình, còn ngày sau Vạn Xuân của họ Lý hay họ Phạm đều không quan trọng, cái ta cần là quốc thái dân an.

-Vi thần trước sau trung thành với bệ hạ, tuyệt không có ý phản nghịch. Thân làm bề tôi, bệ hạ đã tin tưởng, thần sẽ dốc sức phụng sự, dù thịt nát xương tan cũng không nản lòng.

Nhà vua đến bên Phạm Tu, đặt hai tay lên vai ông bóp nhẹ vài cái.

-Ta cần ông khoẻ mạnh làm đại sự chứ cần gì đống xương của ông? Thiên Bình là cháu ruột của ông, ta tin ông sẽ không làm ta thất vọng. Ngoài những việc trên, ta dặn ông một chuyện hệ trọng khác, ta cũng đã nói với Phạm Quý phi, ông phải nhớ cho kỹ.

Nhà vua đọc lại bốn câu sấm cho Phạm Tu, Phạm Tu đọc thuộc nhưng không hiểu, chi tiết người đến giúp thuận tay phải song không rõ là nam nhân hay nữ tử, khi nào đến giúp, trẻ hay già, là một hay nhiều người cùng đến. Nhà vua giải thích cho Phạm Tu rằng cứ làm tốt việc được giao, còn lại phó thác cho trời vì… chính vua cũng không biết.

Phải biết rằng ở Vạn Xuân hay vùng thượng du hoặc cả Hoa quốc, người thuận tay phải rất hiếu, thuận tay trái là điều hiển nhiên, có thế nói đây là thế giới của những người tay trái. Lý Thiên Bình công chúa là cô bé thuận tay phải duy nhất trong các anh em, khắp La thành, tìm được những người thuận tay phải chắc cũng chỉ hai con số.

Bên cạnh đó ở Vạn Xuân, Hoa quốc, Lâm Phồn hoặc vùng thượng du, trong dân gian hãy còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, thuật phù thuỷ vẫn lưu truyền chưa mấy người được thấy, việc thần nhân mách bảo không phải ai cũng có cơ duyên.

Bạn đang đọc Vạn Xuân Đế Quốc sáng tác bởi Nam_Ngu_Yen
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Nam_Ngu_Yen
Thời gian
Lượt đọc 1

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.