Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 68

Phiên bản Dịch · 4717 chữ

Sáng hôm sau, khi tiếng chuông nhà thờ gõ liên hồi, Angiêlic bừng tỉnh, hai mí mắt nàng hãy còn nặng trĩu, hai cánh tay đau nhừ vì ngày hôm qua phải phục vụ bữa tiệc quá vất vả. Nàng thấy lão Buốcgutx đang thận trọng đếm những đồng tiền vàng trên bàn.

Nàng nói như reo:

- Hôm qua chúng ta tổ chức một bữa tiệc tuyệt vời phải không ông?

- Đúng như vậy, con gái của ta ạ. Đã lâu lắm rồi quán của ta không có được bữa tiệc nào vui như thế.

- Có thể là các bà ấy còn mách cho bạn bè đến càng đông nữa đấy.

- Rất có thể như vậy.

- Thôi, bây giờ tôi đưa ra đề nghị thế này nhé. Tôi sẽ tiếp tục giúp ông, cả lũ trẻ con nữa: con bé Rôdin, thằng Linô, thằng Flipô và cả con khỉ. Và ông sẽ chia cho tôi một phần tư số lãi, được không?

Lão chủ quán cau mày.

- Chúng ta sẽ ký một bản hợp đồng trước một công chứng viên - nàng nói tiếp. - Nhưng chúng ta sẽ giữ kín việc này. Ông không được nói cho hàng xóm biết việc làm ăn của chúng ta. Ông hãy nói tôi là cháu ông. Ông nhận tôi vào làm và chúng tôi làm ăn như một gia đình. Ông thấy thế nào, ông Giắc? Tôi có cảm tưởng là sắp tới chúng ta làm ăn phát đạt đấy. Rồi cả vùng này người ta sẽ bàn bạc thán phục cái quán của ông. Người ta sẽ phải ghen với ông. Tối qua bà Magiôlen có nhắc tôi về bữa tiệc mà các bà ở hội bán cam sắp tổ chức vào ngày lễ Thánh Phiacrờ. Ông hãy tin ở tôi, ông có lợi thực sự nếu chúng tôi làm việc ở quán này cho ông. Đấy, bây giờ là ông phải hàm ơn chúng tôi rồi đấy.

Nàng nhanh chóng tính ra phần lợi tức cho hai bên rồi bỏ đi, để mặc lão chủ quán nghiện ngập sững sờ, nhưng dù sao nàng vẫn tự nhủ rằng lão ương gia có cỡ.

Angiêlic ra sân hít thở không khí trong lành buổi sáng, tay nắm chặt những đồng tiền vàng áp lên ngực. Những đồng tiền này là chìa khóa mở cửa tự do. Rõ ràng đây là những đồng tiền không phải nàng cướp của lão chủ quán Buốcgutx. Đây là công sức của nàng cùng cái gia đình nhỏ của nàng. Angiêlic mơ màng nghĩ đến một gia tài thực sự mà dần dần nàng có thể thu vén được, rồi lúc ấy nàng sẽ tìm cách chuyển hướng làm ăn. Tại sao lại không nghĩ tới việc cộng tác với David để sản xuất và kinh doanh loại đồ uống nhập từ nước ngoài vào có tên gọi là sôcôla nhỉ? Đám dân thường chắc chẳng ngó ngàng gì đến thứ đồ uống này, còn các chàng công tử bột và các bà thông thái rởm vốn chuộng cái mới, cái lạ có thể coi đây là một thứ mốt.

Angiêlic hình dung tới những cỗ xe của các quý ông quý bà sang trọng đỗ trên đường phố Thung lũng nghèo.

Nàng lắc đầu để xua đi giấc mơ giữa ban ngày. Người ta không thể nhìn quá xa, với quá cao. Đời còn lắm gian truân bất trắc. Trước hết nàng phải dành dụm, như kiến tha mồi về tổ. Giàu sang là chìa khóa mở cửa tự do, đó là quyền không phải chết, đó là điều kiện để nàng cứu các con ra khỏi cái chết đang rình rập quanh chúng, để được nhìn chúng ríu rít nô đùa. “Giá mà mình giàu sang như thiên hạ thì mình đã cứu được anh Perắc”. Nàng nghĩ thầm. Nàng lại lắc đầu, nàng không được phép suy nghĩ như thế nữa vì bất cứ lúc nào, hễ có tâm trạng ấy là nàng lại chỉ muốn tự kết liễu cuộc đời.

Nàng không được phép suy nghĩ và hành động như thế. Còn nhiều công việc khác đang chờ đợi nàng. Nàng phải cứu lấy hai thằng Phlôrimông và Canto. Nàng phải cứu, phải cứu lấy chúng nó... Nàng sẽ giấu những đồng tiền vàng của nàng vào cái hộp gỗ nhỏ cùng với dao găm của nàng. Đây là hai thứ vũ khí của nàng, một nay đã thành vô dụng, một sẽ giúp nàng mở cửa tự do.

Angiêlic ngước mắt nhìn bầu trời ẩm ướt đã có những vệt sáng yếu ớt. Ngoài phố người ta đã nghe thấy tiếng rao của người bán rượu. Ở cổng dẫn vào sân, một gã ăn mày đang nằm co ro, Angiêlic nhận ra gã chính là thằng Bánh-mì đen.

Angiêlic hốt hoảng chạy đi tìm vài mẩu bánh mì và bát xúp mang lại cho gã, nhưng gã nhìn nàng với đôi mắt dữ tợn dưới đôi lông mày bạc trắng

Đã mấy ngày Angiêlic chạy đi chạy lại, đem hết tài lực của mình phục vụ cả hai nơi, chăm lo công việc nhà bếp cho lão Buốcgutx, đồng thời giúp việc cho bà bán hoa Magiôlen.

Chả là vì Thái tử sắp ra đời, các bà hàng hoa rất bận phải cho gọi Angiêlic tới giúp.

Vào một ngày tháng mười một, lúc họ đang có mặt ở Cầu Mới, tiếng chuông ở Hoàng cung bắt đầu điểm. Tiếng chuông hòa với tiếng đại bác ở pháo đài Baxtiơ.

Dân chúng Pari vui sướng đến điên loạn. “Hoàng hậu đã sinh hạ! Hoàng hậu đã sinh hạ!”

Đám đông nghẹt thở cùng đồng thanh đếm “hai mươi, hai mốt, hai hai..”

Đến tiếng đại bác thứ 23, dân chúng bắt đầu cầm tay nhau nhảy múa. Chuông nhà thờ điểm liên hồi, tiếng reo hò dậy đất. Không còn nghi ngờ gì nữa, Hoàng hậu đã sinh hạ Hoàng tử.

Một Hoàng tử! Một Hoàng tử! Hoàng tử muôn năm, Hoàng hậu muôn năm. Đức vua muôn năm.

Mọi người ôm chầm lấy nhau, hôn nhau nồng nhiệt. Chuông nhà thờ đổ liên hồi. Cả Pari sôi động trong ngày hội lớn. Những thùng rượu lớn được mở nắp tuôn chảy như suối. Tiếng cốc va vào nhau pha tiếng reo hò chúc tụng của mọi người ngồi bên những dãy bàn dài gần như vô tận trên đường phố Pari. Vào buổi tối, pháo hoa không ngừng tỏa sáng trên bầu trời Pari náo động. Cả thành phố hết hội này đến phường khác tấp nập chuẩn bị

Bà Magiôlen nói với Angiêlic.

- Cô sẽ đi chúc mừng Hoàng hậu cùng với chúng tôi. Cô giúp chúng tôi chọn hoa, bó hoa rồi cô sẽ là người ôm hoa tới chúc mừng Hoàng hậu. Cô đồng ý chứ? Cô sẽ có dịp vào cung vua ngắm cảnh xem người. Trong đó còn đẹp hơn, trang nghiêm hơn cả nhà thờ đấy.

Angiêlic không dám từ chối. Người đàn bà tốt bụng đã cho nàng một vinh hạnh lớn. Hơn nữa nàng cũng có dịp vào cung vua, nơi mà bao nhiêu sự kiện trọng đại đã xảy ra có liên quan đến cuộc đời nàng.

Đúng ngày đã định, Angiêlic tới Hoàng cung cùng với các bà bán hoa, bán cam của vùng Cầu Mới. Sau họ là những hội các bà bán cá. Khi các bà lên cầu thang vào Hoàng cung, họ tình cờ gặp ngài Nunxiô, người của Tòa thánh. Ông ta đã tặng Hoàng tử mới sinh - người kế vị ngai vàng nước Pháp, một bộ tã lót, một món quà theo truyền thống giáo hội biểu thị sự công nhận của Nhà thờ rằng Hoàng tử sẽ là con chiên của nhà thờ.

Vào buổi chiều, người ta bảo các bà ngồi đợi trong một căn phòng lộng lẫy được trang trí toàn bằng nhung đỏ. Sau đó các bà được dẫn vào phòng ngủ của Hoàng hậu. Các bà quỳ xuống và chúc tụng. Angiêlic cũng quỳ theo họ trên nền nhà trải thảm đỏ. Nàng nhìn thấy Hoàng hậu mặc áo dài lộng lẫy, nằm trên chiếc giường mạ vàng sang trọng trong ánh sáng lờ mờ.

Hoàng hậu Mari Têrêda, bà mẹ trẻ hạnh phúc, và bà vợ được Đức vua rất yêu chiều, mỉm cười đáp lại những lời chúc tụng. Đức vua ở bên cạnh cũng đang mỉm cười. Bị một tình cảm ác độc choán hết tâm trí khi quỳ dưới chân Đức vua và Hoàng hậu, Angiêlic gần như là một người mù vừa tê liệt. Tất cả những gì nàng thấy chỉ là Đức Vua.

Khi ra khỏi phòng ngủ của Hoàng hậu, Angiêlic được các bà cho biết là mẹ của Hoàng hậu cũng có mặt, có cả bà Oóclêăng, tiểu thư Môngpăngxiê, công tước Angiêng, con trai Hoàng thân Côngđê và một số vị trong gia tộc.

Nhưng đối với Angiêlic, nàng không nhìn thấy ai hết trừ Đức Vua đang mỉm cười đứng cạnh giường Hoàng hậu. Nàng thấy hoảng sợ. Đức vua không hề giống người thanh niên tuổi đã từng tiếp nàng hồi trước ở điện Tuylơri, người mà hồi ấy nàng muốn túm lấy cổ áo mà lắc, mà giật. Hôm ấy hai người trẻ tuổi cân sức đối mặt nhau, tranh cãi nhau quyết liệt và mỗi người đều cho rằng mình phải giành phần thắng.

Angiêlic theo nhóm những người học việc xuống con đường dẫn ra cửa hoàng cung. Các phường hội được mời ở lại dự tiệc luôn, trừ những người học việc. Khi họ đi ngang qua một phòng lớn, Angiêlic nghe thấy tiếng ai đang huýt sáo sau lưng nàng: một dài, hai ngắn. Nàng nhận ra đó là tín hiệu của du đãng Calăngbrơđen và nghĩ rằng mình đang nằm mơ: tại đây, trong điện Luvrơ?

Nàng quay lại. Ở một cửa ra vào nàng nhận ra một bóng người nhỏ bé: Backarôn!

Nàng reo lên, lao đến với nỗi vui mừng khôn xiết.

- Vào đây, bà chị, vào đây, bà hầu tước quý mến của tôi. Chị vào đi, chúng ta sẽ nói chuyện một lát.

- Ôi Backarôn. Trông anh điển trai quá, mà ăn nói cũng có duyên quá.

- Tôi là người giúp việc vặt cho Hoàng hậu - Backarôn nói một cách tự hào.

Gã dẫn nàng vào một căn phòng nhỏ và dường như muốn khoe với nàng bộ quần áo xatanh nửa vàng nửa da cam. Ở chiếc thắt lưng quanh bụng treo lủng lẳng những chiếc chuông nhỏ. Đầu gã mới cắt tóc theo kiểu của những người hầu hạ trong hoàng cung, râu ria cạo nhẵn. Gã tỏ vẻ rất sung sướng và thỏa mãn. Angiêlic nói với gã là trông gã trẻ ra rất nhiều.

- Đúng, tôi cũng cảm thấy như vậy. Backarôn khiêm tốn tự đánh giá. Cuộc đời chẳng thiếu gì tiện nghi làm cho người ta sung sướng và tôi tin là như vậy. Mọi người ở đây rất quý tôi. Tôi thấy sung sướng đã vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp ở cái tuổi của tôi.

- Thế anh bao nhiêu tuổi rồi?

- Ba mươi lăm. Đó là cái tuổi rực rỡ nhất của đàn ông cả về trí tuệ lẫn thể xác. Bà chị cứ ở lại đây,ốn giới thiệu bà chị với một bà. Tôi không muốn giấu bà chị. Tôi giữ kín một tình cảm... và bà ấy đã đáp lại.

Với vẻ tự hào thỏa mãn của một kẻ đã chiến thắng trong tình yêu, gã đàn ông lùn tịt dẫn Angiêlic đi qua một quãng nhà hầm tối mờ mờ. Sau đó gã dẫn nàng vào một căn phòng tối tăm. Trong phòng, một người đàn bà trạc bốn mươi trông rất bình thường đang lúi húi nấu nướng gì trong đó.

- Đôna Têrêdita, anh giới thiệu với mình Đôna Angiêlic, một thiên thần của Pari.

Người đàn bà dán mắt vào Angiêlic và nói mấy câu tiếng Tây Ban Nha. Tuy Angiêlic không hiểu nhưng những tiếng “Bà chúa Thiên thần” thì nàng vẫn nhận ra. Backarôn nháy mắt ra hiệu cho Angiêlic.

- Cô ấy hỏi bà chị có phải là bà Chúa Thiên thần mà tôi vẫn kể cho cô ấy nghe không. Bà chị thấy đấy, tôi không bao giờ quên bạn bè.

Hai người cùng nhau ra ngồi ở một cái bàn. Angiêlic chú ý đôi chân bé nhỏ của Têrêdita kề bên chân ghế đẩu bà đang ngồi. Nàng nhận ra ngay bà ta là người hầu của Hoàng hậu.

Angiêlic hai tay nâng vạt váy khẽ nhún đầu gối, cúi mình tỏ vẻ kính trọng. Bà hầu của Hoàng hậu lắc đầu ra hiệu bảo Angiêlic ngồi vào một cái ghế khác, tay vẫn tiếp tục khuấy một chất đen đen trong cái chảo. Backarôn đến cạnh bàn tiếp tục nói gì đó với người tình của gã bằng tiếng Tây Ban Nha. Một con chó nhỏ đẹp đẽ màu trắng chạy đến hít hít vào chân Angiêlic và nằm xuống cạnh chân nàng.

- Đấy là Pixtôlê con chó săn thỏ của Đức Vua - Backarôn nói - Còn đây là con Dorindơ và Minhon cũng là hai con chó cái săn thỏ của Đức Vua.

Trong căn phòng nhỏ, không khí ấm áp và yên tĩnh.

Angiêlic cảm thấy có một mùi vị lạ lùng mà nàng chưa ngửi thấy bao giờ. Bà người tình của gã đàn ông lùn vẫn chăm chú khuấy đều chậm chạp cái chất đen đen trong chảo và hình như không để ý đến cuộc nói chuyện.

- Tôi bảo với cô ấy, - Backarôn giải thích - là bà chị bảo tôi trẻ ra rất nhiều và được như thế là do cô ấy đã đem lại hạnh phúc cho tôi. Nói thật với chị là ở đây tôi rất thoải mái và tôi sẽ yên trí ở đây mãi mãi. Nhưng đôi khi tôi cũng thấy lo lắng. Hoàng hậu là một phụ nữ rất tốt. Khi nào bà ấy buồn bà ấy lại gọi tôi lên. Bà ấy thường vỗ vào má tôi và nói “Ôi anh hầu khốn khổ của tôi. Tôi không quen những cảnh như thế. Họ làm tôi phát khóc lên, anh có thể tưởng tượng được không, Backarôn?”

- Tại sao Hoàng hậu lại buồn?

- À, Hoàng hậu bắt đầu ngờ rằng Đức Vua đã thay lòng đổi dạ.

- Thật thế sao? Thế người ta nói gì về việc ấy?

- Tất nhiên là Đức Vua phải giấu giếm Hoàng hậu. Nhưng trước sau Hoàng hậu sẽ biết hết. Ôi người đàn bà bé nhỏ khốn khổ, bà ấy còn non trẻ quá và không hiểu biết nhiều về cuộc đời. Bà chị thấy đấy, cuộc sống của các Hoàng hậu, của các công chúa hoàn toàn khác cuộc sống của những kẻ bình thường. Họ lừa gạt tranh giành nhau, ngay tại Hoàng cung, nhiều hôm inh ỏi như bầy chích chòe, rồi bà chị sẽ biết. Bà chị sẽ được chứng kiến cảnh Hoàng hậu nước Pháp đêm đêm ngóng đợi chồng trong khi chồng bà đang vui thú trong vòng tay của người đàn bà khác. Nước Pháp chẳng còn gì để tự hào nữa. Thật tội nghiệp cho bà Hoàng hậu nhỏ bé khốn khổ của nước Pháp.

Backarôn ăn nói cứ như gã là một nhà triết học có cỡ. Gã nhìn Angiêlic mỉm cười.

- Bà chị có thấy vừa lòng khi mình sống lương thiện thật thà không? Kiếm sống bằng chính sức lao động của mình ấy?

Angiêlic không trả lời. Nàng không thích thú lắm khi nghe cái giọng ấy của gã đàn ông. Nàng chuyển chủ đề:

- Bà Têrêdita đang quấy cái gì đấy, mùi ấy tôi thấy hơi khó chịu, tôi chưa thấy bao giờ.

- Đấy là món sôcôla của Hoàng hậu.

Angiêlic lập tức nhỏm dậy và nhìn vào chảo chứa một chất màu đen không có gì là hấp dẫn cả. Tìm cách hỏi chuyện bà hầu gái của Hoàng hậu, nàng được biết chất đó chủ yếu được chế biến từ hạt cacao, kèm theo một chút ớt cay hoặc một chút hạt tiêu Mêxicô, một nắm hồi và bao nhiêu vị khác nữa.

- Phức tạp quá nhỉ? Angiêlic nói vẻ thất vọng - Có ngon không? Cho tôi nếm được chứ?

- Trời, nếm sôcôla của Hoàng hậu? Một cô ăn mày như chị?

Tuy còn ngần ngại, bà người hầu vẫn chìa cho Angiêlic một thìa bột ấy. Nàng đưa lên môi nhấm thấy vị hơi đắng và chỉ vì lịch sự mà nàng mới nói ra nhận xét của mình:

- Có vẻ ngon đấy.

- Hoàng hậu không thể không có món này - Backarôn nói - Mỗi ngày bà ấy uống vài chén nhưng phải bí mật mang vào vì Đức Vua và đám cận thần thường chế giễu bà. Trong điện Luvrơ này, ngoài Hoàng hậu ra chỉ có Hoàng Thái hậu cũng dùng sôcôla mà thôi. Bà ấy cũng là người Tây Ban Nha.

- Thế người ta mua hạt cacao ấy ở đâu?

- Hoàng hậu cho người đi mua ở Tây Ban Nha qua trung gian của ngài đại sứ. Sau đó đem rang và xay nhỏ thành bột. Tôi không hiểu tại sao người ta lại chế giễu Hoàng hậu vì bà ấy thích sôcôla.

Vừa lúc ấy có một cô bé chạy vào nói vội vã bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Hoàng hậu cho gọi mang sôcôla vào. Angiêlic nhận ra ngay đó là Philipa thuộc dòng dõi vua Tây Ban Nha Philip đệ tứ. Cô đã được Mari Têrêda nuôi dưỡng khi cô bỏ nhà ra đi cùng một số người Tây Ban Nha vượt sông Bidasoa sang đây.

Angiêlic đứng dậy cáo từ. Gã đàn ông lùn dẫn nàng bước qua một cái cửa nhỏ trông ra hồ.

- Từ nãy đến giờ anh vẫn chưa hỏi dạo này tôi ra sao, sinh sống thế nào?

Angiêlic bất giác có cảm giác gã đàn ông lùn tịt này đã biến mình thành quả bí ngô, vì tất cả những gì nàng có thể nhìn thấy ở gã chỉ là chiếc mũ lớn màu da cam. Backarôn nhìn xuống đất. Angiêlic ngồi xuống bậc cửa để vừa tầm nhìn vào mắt gã.

- Trả lời tôi đi.

- Tôi biết bà chị sinh sống thế nào. Tôi biết hết.

- Anh nói cứ như là buộc tội tôi ấy. Anh có biết vụ đụng độ ở hội chợ Xanh- Giécmanh không? Calăngbrơđen mất tích. Còn tôi phải xoay xở để trốn khỏi nhà ngục Satơlê. Tháp Nexlơ bây giờ thuộc Rôđôgôn...

- Bà chị bây giờ không thuộc giới “dưới đáy” nữa.

- Anh cũng vậy.

- Ồ không, tôi luôn luôn thuộc về giới ấy. Đó là vương quốc của tôi - Backarôn nói vẻ trịnh trọng.

- Ai kể với anh về tôi?

- Lão Trôn-gỗ.

- Anh gặp lại lão ấy ư?

- Tôi đến để chúc mừng và bày tỏ lòng tôn kính. Lão ấy bây giờ là thủ lĩnh của chúng ta. Tôi tưởng bà chị cũng biết chứ?

- Không, thực tình là tôi không biết.

Angiêlic cầm lấy bàn tay gã lùn:

- Anh Backarôn này, họ sẽ hãm hại tôi chứ?

- Tôi không nghĩ như vậy, ai lại có thể hãm hại một người đàn bà đẹp tiếng ở Pari này.

- Tôi không thể tự bảo vệ. Tôi sẽ chết nhưng quay lại nơi ấy thì không bao giờ. Anh hãy nói với lão Trôn-gỗ thế.

Khi Angiêlic bước ra khỏi cửa, gã túm lấy váy nàng và nói:

- Bà chị nên gặp và nói thẳng với Trôn-gỗ thì hơn.

Tiếp đó là ba tháng trời thật khủng khiếp. Đói rét ngày càng nghiêm trọng. Đám ăn mày ngày càng trở nên đáng sợ. Angiêlic quyết định tìm gặp Trôn-gỗ mà lẽ ra nàng phải gặp từ lâu rồi. Backarôn đã khuyên nàng như vậy nhưng nàng cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến việc mình có mặt ở nhà cái lão Hành-khất-Đại-đế ấy. Lại một lần nữa nàng phải vượt lên nỗi lo sợ của chính mình, chuyển sang chặng đường mới của cuộc hành trình gian khổ để giành lấy phần thắng. Vào một đêm tối như mực và giá lạnh cắt xương, nàng lên đường đến ngoại ô Xanh-Đơni.

Nàng được dẫn vào tiếp kiến Trôn-gỗ.

Lão ngồi sâu trong căn phòng khách có ánh sáng lờ mờ tỏa ra từ những ngọn đèn dầu đang bốc khói mù mịt. Xung quanh lão bày biện các thứ trông cứ như một thứ ngai vàng của vua chúa. Trước mặt lão là cái chậu bằng đồng. Angiêlic ném vào đấy một túi tiền nặng và cả một lô bánh mì mà thời gian đó người ta kiếm được một cách khó khăn.

- Ta vẫn đang đợi cô, bà hầu tước ạ, rất lâu rồi. Cô có biết cô đang chơi một trò chơi nguy hiểm không?

- Tôi vẫn biết rằng có ông tôi mới còn sống được đến ngày nay.

Nàng tiến lại gần lão ta, hai bên “ngai vàng” của lão có đủ bộ sậu.

Angiêlic cam kết rằng mỗi tháng sẽ mang lại cho lão số tiền và bánh mì như vừa rồi và hứa rằng trên bàn ăn của lão sẽ không thiếu thứ gì. Nàng cũng yêu cầu bọn ăn mày phải tản bớt khỏi quán ăn “của nàng”.

Căn cứ vào nét mặt của Trôn-gỗ, Angiêlic hiểu rằng nàng đã xử sự khôn khéo và xem chừng chúng cũng thỏa mãn. Sau đó nàng cúi mình từ biệt với vẻ rất lịch thiệp.


Năm 1663, Angiêlic quyết định quay lại với các kế hoạch mà trước đó nàng đã đặt hết tâm trí vào.

Việc đầu tiên là phải chuyển nhà, nàng tìm được ở khu vực Đầm lầy đáng yêu một ngôi nhà hai tầng, có ba buồng cho thuê, với nàng, đó là cả một lâu đài.

Ngôi nhà ở đường phố Frăng Buốcgioa, thuộc sở hữu của một bà già bé nhỏ, được cho thuê với giá phải chăng. Ở tầng trệt, có gian bếp và một căn buồng lớn dành riêng cho Angiêlic. Một căn buồng lớn khác ở tầng trên là nơi ở của hai đứa nhỏ, cùng với cô giữ trẻ Bacbơ, nay đã thôi làm cho ông chủ Buốcgutx để chuyển sang với “Madam Moren” - cái tên Angiêlic chọn cho mình. Tên ấy cũng là tên ngày nhỏ của bố nàng: đờ Moren.

Nàng có một niềm hy vọng mãnh liệt. Tiền làm được mọi thứ. Phải chăng bây giờ nàng đã có một vị trí cho riêng mình?


Việc làm thứ hai của Angiêlic là chuyển đổi biển hiệu của hàng ăn Gà quay vàng thành hiệu ăn Mặt nạ đỏ.

Một hôm trên đường đi chợ về, nàng đột nhiên dừng lại trước một cửa hàng chữa súng. Biển biệu của cửa hàng trình bày một người lính già râu bạc, đang uống rượu bằng chiếc mũ sắt, ngọn giáo cắp bên mình, sáng lóe lên vẻ quắc thước.

- Đây chính là bác Guyôm - nàng reo lên. Nàng vào mở cửa hàng và được ông chủ cho biết đó là tác phẩm của một họa sĩ có tên là Gôngtơrăng đờ Xăngxê, hiện sống ở vùng ngoại ô Xanh-Macxen.

Tim đập thình thịch, Angiêlic chạy bổ tới địa chỉ đó. Trên tầng ba của một ngôi nhà nom bình dị, một thiếu phụ hồng hào nhỏ nhắn, tươi cười ra mở cửa. Trong phòng vẽ, Angiêlic thấy Gôngtơrăng đang đứng trước giá vẽ đã căng vải và bảng màu.

Lúc đầu người khách vẫn che mặt và nói chuyện với Gôngtơrăng về tấm biển hiệu của cửa hàng chữa súng. Sau đó nàng bỏ mạng ra và bật cười. Nàng biết Gôngtơrăng thực sự vui mừng khi gặp lại nàng. Anh nói với Angiêlic rằng anh đã thi đỗ và cưới cô con gái của ông thầy dạy học, ông Van Oxen.

- Thế là anh lại lấy người thấp kém hơn mình - Angiêlic kêu lên đúng lúc người phụ nữ Hà Lan từ dưới bếp bước lên.

- Thế còn bà thì sao? Nếu tôi hiểu đúng là người hầu bàn ở quán rượu, mà những người bà hầu hạ đẳng cấp còn thấp hơn tôi rất nhiều.

Sau một lúc im lặng, họ tiếp tục trò chuyện:

- Cô phải tìm cách báo cho Raymông biết về tình hình của cô đi. Cậu ấy vừa được chỉ định làm linh mục rửa tội cho Hoàng Thái hậu, hoặc giả báo cho em gái Mari-Anhét hiện là nữ tì danh dự của Hoàng hậu hay cho cậu Anbe, người hầu cận của Hầu tước Rophang.

Angiêlic nhận thấy rằng nàng không hề biết gì về tình hình gia đình. Nàng hỏi về Đơni.

- Nó nhập ngũ rồi. Bố tha hồ thích thú. Cuối cùng đã có một người của dòng họ Xăngxê phục vụ Đức Vua. Thằng út thì đang theo học trung học. Raymông có thể giữ một chỗ trong đời sống nhà thờ cho nó, người có khả năng nhất trở thành linh mục xưng tội cho Đức Vua. Chúng ta có một Giám mục trong gia đình.

- Anh có nghĩ rằng số phận chúng mình thật trớ trêu không? - Angiêlic hỏi và gật đầu - Dòng họ Xăngxê lên voi xuống chó

- Óoctăngxơ đang gần như là người cố vấn của ông chồng. Họ quan hệ nhiều, nhưng sống không lấy gì làm sang trọng...

- Thế anh có hay gặp mọi người không?

- Có, nhưng không ai muốn gặp anh, anh chỉ là người bình thường, họ chỉ thích được vẽ chân dung thôi.

Angiêlic ngập ngừng chốc lát:

- Thế lúc gặp nhau.. mọi người có hay... hay nói chuyện về em không?

- Chẳng bao giờ. - Ông họa sĩ trả lời một cách chua chát. Những ký ức liên quan đến em thật khủng khiếp. Đó là một thảm họa, một mất mát làm tan nát cõi lòng tất cả chúng tôi. Thật may mắn là chỉ có một ít người biết rằng cô em của chúng tôi, là vợ của một tên phù thủy bị thiêu ở quảng trường Grevơ.

Trong khi nói, anh cầm tay Angiêlic. Đôi bàn tay sần sùi nham nhở do tiếp xúc nhiều với màu vẽ và axit. Anh nâng những ngón tay lên vuốt ve với một tình cảm thương xót, một cử chỉ anh vẫn hay làm từ thuở bé.

Cổ họng Angiêlic đau nhói gần như muốn khóc. Nhưng đã lâu lắm rồi nàng không khóc. Giọt nước mắt cuối cùng của nàng đã cạn. Khi Perắc qua đời, nàng đã quên thói quen mà vốn dĩ người phụ nữ nào cũng có.

Angiêlic rụt tay lại, đứng tựa lưng vào tường, xung quanh nàng là các bức tranh vẽ dở dang.

- Anh vẽ đẹp quá, Gôngtơrăng ạ.

- Ừ, thế mà bọn quý tộc lại kiêu ngạo tỏ vẻ khinh bỉ tôi vì tôi phải vẽ bằng chính bàn tay mình. Chẳng lẽ tôi phải vẽ bằng chân sao? Cả một lũ ngốc nghếch.

Anh lắc đầu và mỉm cười làm khuôn mặt sáng lên. Cuộc sống gia đình đã làm anh hoạt bát, vui vẻ và hay

- Em gái ạ, anh tính rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được vào triều, chúng ta sẽ tới điện Vecxây. Đức vua đã cho gọi rất nhiều nghệ sĩ. Anh sẽ trang trí trần nhà, sẽ vẽ chân dung cho các công chúa, các hoàng tử và Đức Vua sẽ nói với anh: “Ngài vẽ đẹp quá, thưa ngài”. Và với em, Đức vua sẽ nói “Thưa bà, bà là người đàn bà đẹp nhất của điện Vecxây”. Cả hai cùng cười vang.

Bạn đang đọc Tình sử Angélique của Serge Anne Golon
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 15

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.