Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 03

Phiên bản Dịch · 3546 chữ

Đã mấy phút, cụ Nam tước già quay đầu lắng tai về phía sân lâu đài, nơi có tiếng kêu thét nổi lên xen lẫn tiếng quang quác của đàn gà hoảng sợ. Tại đây đã xảy ra một cuộc xô xát ngắn. Lại có những tiếng thét dữ dội hơn, trong đó dễ nhận ra giọng lơ lớ của bác Guyôm. Lúc này đang giữa buổi chiều thu nắng đẹp, chắc hẳn những người khác trong lâu đài đều đi vắng.

- Đừng sợ, các cháu ạ - cụ Nam tước nói - chắc là họ đuổi đứa ăn mày.

Nhưng Angiêlic đã nhanh chân chạy vọt ra cổng lớn. Cô kêu to:

- Già Guyôm bị tấn công chúng định đánh cho già bị thương

Cụ Nam tước bước khập khiễnh đi lấy thanh gươm gỉ, còn cậu Gôngtơrăng quay ra, lăm lăm trong tay cái roi đánh chó. Hai ông cháu cùng ra tới cổng đã thấy Angiêlic đứng đó, cạnh ông đầy tớ, ông này đã vũ trang bằng chiếc giáo dài. Đối thủ của bác chưa đi xa: hắn ta chỉ rút ra ngoài tầm ngọn giáo ở bên kia cầu treo, tiếp tục đứng đó quan sát đám người trong lâu đài. Anh chàng này cao, gầy gò như sắp chết đói và lộ vẻ tức giận. Mặt khác, hắn đang cố hết sức lấy lại vẻ đường hoàng của một viên chức nhà nước. Cậu Gôngtơrăng ngay lập tức hạ thấp cái roi xuống kéo tay ông nội thì thào:

- Đây là nhân viên thu thuế. Hắn ta đã bị đánh đuổi nhiều lần rồi, thế mà cứ vác mặt đến.

Người viên chức bị đòn vừa buộc phải rút lui từ từ tuy nhiên không hề chịu quay lưng chạy, nay cảm thấy tự tin hơn trước vẻ ngập ngừng của viện binh đối phương mới tới. Lùi tới một khoảng cách an toàn, hắn dừng lại, rút trong túi ra một cuộn giấy vừa bị nhầu nát vì giằng co, và từ từ mở ra một cách nâng niu. Rồi vừa ngọ nguậy vừa dặng hắng, hắn cất tiếng đọc to tờ trát lệnh cho ông Nam tước Xăngxê nộp ngay không trì hoãn số tiền 875 đồng livrơ, 19 xu rưỡi là tiền thuế đất, thuế lãnh chúa, thuế ngựa, thuế bụi (do các đàn gia súc gây ra lúc đi trên đường của Nhà vua), cộng với số tiền phạt vì nộp thuế chậm.

Cụ Nam tước già giận dữ quát:

- Dễ thường tên đầy tớ này nghĩ rằng nhà quý tộc phải nộp ngay tiền mặt, khi vừa nghe xong tờ kê thuế má lòng thòng này ư?

- Thưa cụ, cụ thừa biết rằng con trai của cụ từ trước đến nay vẫn nộp thuế hàng năm rất đều đặn - người thu thuế cúi chào nói - tôi buộc phải quay lại đây lần khác, khi ngài ấy có nhà. Nhưng cũng xin báo trước với cụ rằng, ngày mai cũng vào giờ này nếu ngài ấy vẫn không có mặt - đây là lần thứ tư - và vẫn không nộp thuế, tôi sẽ ngay lập tức tống trát cho ngài ấy. Như vậy tòa lâu đài của quý ngài cùng toàn bộ tài sản sẽ bị bán đấu giá lấy tiền trả nợ thuế của các ngài cho ngân khố Nhà vua.

- Cút khỏi đây, tên nhà quê tay sai của ngân khố, bọn bóp hầu cắt cổ! Làm sao bác lại cho rằng nhà tôi có thể nộp thuế được? Chúng tôi chẳng đồng tiền nào kia mà? - cậu Gôngtơrăng nói to, đỡ lời cho cụ Nam tước đang nổi giận - Bác là nhân viên tòa án, bác hãy đến kiểm tra xem có đúng bọn cướp đã lấy mất của chúng tôi một con ngựa giống, hai con lừa cái, và bốn con bò sữa không. Hơn nữa, những khoản thuế bác đòi lại phần lớn là do các tá điền còn nợ của cha tôi. Cha tôi lâu nay vẫn muốn nộp thuế thay cho những nông dân ấy vì họ quá nghèo, chứ bản thân ông có sợ gì bác đâu…

Người thu thuế dịu đi vì thấy cậu thanh niên ăn nói dễ nghe chứ không chửi mắng như cụ Nam tước già. Vừa thận trọng đưa mắt nhìn về phía ông già Guyôm, hắn vừa lại gần một chút, và giải thích ôn tồn tử tế hơn, nhưng kiên quyết. Hắn có nhiệm vụ không làm khác được là phải nhận và chuyển mệnh lệnh của cơ quan thuế. Theo hắn có một cách duy nhất có khả năng trì hoãn việc truy tố ở tòa án: ông Nam tước phải gửi đơn lên ông Tổng tài chính và thuế khóa nhờ ông tỉnh trưởng tỉnh Poatu chuyển.

Rồi hắn đội mũ lên đầu và đi về, chân bước khập khiễng, mắt rầu rĩ nhìn ống tay áo đồng phục vừa bị rách do xô xát. Cụ Nam tước rút theo hướng ngược lại cũng khập khiễng như hắn. Theo sau ông cụ, hai anh em Gôngtơrăng và Angiêlic bước đi lặng lẽ. Già Guyôm vừa lẩm bẩm chửi rủa những kẻ thù tưởng tượng, vừa đem ngọn giáo cũ kĩ trả về nơi kín đáo cất giữ những di tích lịch sử của mình.

Khi Nam tước Xăngxê biết chuyện nhân viên thu thuế đã được đón tiếp như thế nào, ông thở dài và vuốt nhẹ túm râu xám để phía dưới môi theo kiểu vua Luy 13. Angiêlic có một tình cảm yêu mến pha lẫn che chở đối với người cha tốt bụng và trầm lặng của mình. Những khó khăn trong đời sống hàng ngày đã hằn sâu những nếp răn lên vùng trán rám nắng của ông. Cốt nhằm mục đích nuôi sống được cả đám con đông đúc, người nối dõi quý tộc nghèo túng này đã đành lòng từ bỏ mọi đặc quyền gắn liền với địa vị xã hội của gia đình mình: ông ít khi đi chơi đây đó, và thôi không đi săn bắn nữa. Khác hẳn những lãnh chúa ở vùng lân cận. Họ cũng chẳng khá khẩm hơn mấy so với ông, nhưng lại đi tìm chút an ủi trong cảnh nghèo bằng cách lao vào săn thỏ, săn gấu, hết ngày này sang ngày khác.

Ông Ácmăng Xăngxê dành cả thì giờ của mình để trồng cây trên những ruộng đất nho nhỏ. Ông ăn mặc chỉ sang trọng hơn những người nông dân chút ít, cũng giống như họ, người ông tỏa ra khá đậm mùi ngựa và mùi phân bón. Ông rất yêu con cái, đùa giỡn với chúng, và tự hào về chúng: ông thiết tha với cuộc sống chủ yếu nhờ đàn con. Đối với ông, các con là điều quan tâm đầu tiên, sau đó đến đàn la. Nhà quý tộc này đã thời mơ ước gây một đàn la khá lớn, giống này dễ nuôi hơn ngựa và lực lưỡng hơn lừa. Nhưng bây giờ bọn cướp đã bắt đi con la giống tốt nhất của ông cùng hai con lừa cái. Thật là một thảm họa, giờ đây ông đang cân nhắc có nên bán phắt mấy con la còn sót lại và cả miếng đất trước đã nhằm để xây chuồng nuôi la hay không.

Một hôm sau ngày người nhân viên thu thuế đến, Nam tước cẩn thận sửa soạn giấy bút lông ngỗng, rồi ngồi xuống bàn viết đơn xin Đức Vua cho được miễn thuế hàng năm. Trong đơn, ông trình bày rõ ràng tất cả những túng thiếu sa sút của một nhà quý tộc ở vùng nông thôn. Đầu đơn, ông xin lỗi Nhà Vua vì chỉ trình lên ngài được là gia đình hiện có chín đứa con còn sống thôi; nhưng hy vọng sẽ có thêm được nhiều đứa nữa, bởi vì cả ông và bà vợ “đều còn trẻ và ao ước sinh thêm nữa”. Ông nói thêm rằng mình có trách nhiệm phụng dưỡng người cha tàn tật không có trợ cấp hưu trí; ông cụ đã từng được mang quân hiệu đại tá thời Luy 13; còn bản thân ông giữ chức vụ đại uý, nhưng buộc phải rời quân đội Nhà Vua, bởi vì tiền lương sĩ quan pháo binh là 1.700 đồng livrơ một năm, không đủ cho gia đình sinh sống. Ngoài ra trong nhà ông còn hai bà cô già cần chăm sóc; ông hiện nuôi bốn người ở. Ông có hai con trai lớn theo học ở trường trung học, phải chi hết 500 đồng livrơ riêng tiền ăn học. Ông có một con gái đến tuổi đi học trường ở tu viện, hết 300 livrơ. Từ nhiều năm, ông đã phải nộp thuế ruộng đất thay cho các tá điền để giữ được họ ở lại trại ấp của mình. Vậy mà hiện nay ông mắc nợ ngân khố, các viên chức phòng thuế đòi ông nộp 875 đồng livrơ và 19 xu rưỡi, riêng tiền nợ thuế cho năm nay. Nhưng với tổng thu nhập hàng năm khoảng 4000 livrơ, ông phải lo cho 19 miệng ăn, đồng thời cố giữ cho khỏi hổ thẹn với cương vị một quý tộc ở nông thôn. Giữa lúc đó, thêm tai họa giáng xuống, bọn cướp đến cướp bóc, giết dân và tàn phá ruộng đất, trại ấp, dồn các gia đình tá điền còn sống sót của làng ông vào cảnh cơ cực hơn trước. Cuối đơn ông cầu xin Nhà vua rộng lượng miễn cho ông các khoản thuế đang bị đòi, và cầu xin được trợ cấp hoặc cho vay trước ít nhất một nghìn livrơ…

Sau khi đã rắc cát thấm mực trên tờ đơn dài đã mất công viết suốt mấy giờ liền, Nam tước Xăngxê biên thêm ít dòng cho ông anh họ đồng thời là người che chở mình: Hầu tước Plexi-Belie để thỉnh cầu ông này giúp đỡ dâng đơn lên chính Đức Vua hoặc Thái hậu, kèm lời gửi gấm cho đơn được chấp thuận.

Mấy ngày sau, vào một buổi chiều tối, khi sương bắt đầu đọng trên cỏ, có tiếng ngựa phi nhanh trên đường cái và qua cầu treo của tòa lâu đài, chó sủa ran ngoài sân, Angiêlic vội phóng ra ngoài cửa sổ: cô nhìn thấy một con ngựa có hai người cao gầy mặc áo cưỡi. Hai người xuống ngựa, rồi một con la chở hòm quần áo hiện ra trên đường cái có một chú bé nông dân dắt đi. Hai cô con gái và các bà cô bước xuống thang đón. Vào phòng khách họ thấy hai cậu học sinh mới về đang cúi chào ông nội và bà cô Gian. Lũ người nhà từ mọi phía chạy tới. Một vài người trong bọn họ ra đồng tìm ông Nam tước và tìm bà chủ ở vườn rau.

Hai thanh niên có vẻ không thích thú trước sự nhộn nhịp do việc họ trở về nhà gây ra. Tuy một cậu mười sáu tuổi, còn một cậu mười lăm, hai anh em này dễ bị tưởng lầm là sinh đôi. Cả hai đều có nước da nhám, đôi mắt to màu tro, và mớ tóc đen xoăn tỏa xuống cái cổ trắng của bộ đồng phục nhàu bẩn. Chỉ có nét mặt là không giống nhau: người anh Giôxơlanh có những nét thô bạo; người em là Raymông thì vẻ dè dặt hơn.

Hai anh em ngồi vào bàn ăn nghiến ngấu đến nỗi Angiêlic phải thèm. Nhưng cô nhận thấy hai anh em đều gầy và xanh: cả hai bộ đồng phục đen đều sờn mòn lòi sợi ra ở các đầu gối và khuỷu tay.

Bố và mẹ các cậu đã về, có người cầm đuốc soi đường. Ông Nam tước vui mừng thấy hai con về, nhưng hơi lo ngại hỏi:

- Sao các con lại về? Các con không về nhà suốt kỳ nghỉ hè: bây giờ đầu mùa đông rồi, sao lại về nghỉ ở nhà?

Raymông giãi bày:

- Chúng con không về kỳ nghỉ hè được, bởi vì chẳng còn đồng nào thuê ngựa cưỡi, hoặc thậm chí để đi xe ngựa chở khách từ Poachiê về. Và bây giờ chúng con trở về đâu phải vì chúng con đã giàu có hơn trước chút nào! - Giôxơlanh nói tiếp.

- Chính vì các cha trong trường đã đuổi chúng con - Raymông kết thúc.

Mấy phút im lặng nặng nề.

- Lạy chúa - ông nội kêu lên - hay là các công tử đã giở trò càn quấy gì, đến nỗi người ta phải đối xử xúc phạm nhường ấy- Thưa ông, không hề có chuyện đó. Chỉ vì đã gần hai năm nay các cha chưa nhận được tiền học phí của chúng con. Các cha cho biết: những học sinh khác, mà bố mẹ hào phóng hơn nhà ta, đã xin đến học ở trường, thay vào chỗ chúng con.

Nam tước Ácmăng Xăngxê đi đi lại lại: đó là dấu hiệu của sự bối rối sâu sắc.

- Điều này có lẽ khó xẩy ra được. Nếu như hai con không xử sự điều gì không xứng đáng, lẽ nào các cha lại đuổi các con một cách khinh miệt như vậy. Dù sao các con cũng là quý tộc…

Cụ Nam tước già cũng vươn thẳng cái lưng còng, nói:

- Ta thấy khó tin được rằng các cháu nói thật. Hãy nhớ rằng Nhà thờ với lớp quý tộc là một khối, sinh viên là tinh hoa sau này của Nhà nước. Các cha lòng lành hẳn hiểu rõ điều đó hơn ai hết!

Raymông, cậu con thứ, người đang học tập để chuẩn bị trở thành cha cố, nhìn chằm chằm xuống đất trả lời:

- Các cha dạy chúng con rằng Thượng đế biết tuyển chọn những kẻ phụng sự Người. Vậy có lẽ chúng ta không được coi là xứng đáng chăng?

- Thôi im đi, Raymông - người anh là Giôxơlanh nói - nếu như cậu muốn trở thành một linh mục đi hành khất, đó là việc của cậu. Nhưng anh là anh cả của cậu, anh cũng có ý kiến như ông nội. Nhà thờ phải có ít nhiều tôn trọng đối với những người quý tộc chúng ta chứ! Nếu Nhà thờ bây giờ lại quý trọng những người dân thường hơn chúng ta, quý lũ con cái thị dân và chủ hiệu, thì cứ mặc nhà thờ. Như vậy là họ tự đẩy mình xuống dốc và sẽ sụp đổ!

Cả hai vị Nam tước đồng thanh phản đối:

- Giôxơlanh, không được phép phun ra những lời báng bổ!

- Nói thế đâu có phải là báng bổ. Con chỉ nói việc có thật thôi: trong lớp học lôgíc của con có ba mươi học sinh, mà tới hai mươi lăm đứa là con nhà bán và con công chức, họ nộp học phí ngay bằng tiền mặt, còn chỉ có năm học sinh con nhà quý tộc, trong đó có hai đứa đóng tiền đúng hạn…

- Anh Giôxơlanh, hãy im đi - Angiêlic bỗng nhiên cất lời - anh nói thì anh đâu có giỏi giang gì. Tệ hơn, khi nói anh giống hệt con cóc.

Chàng thanh niên giật mình kinh ngạc và trố mắt nhìn cô bé tóc quăn vừa thản nhiên quở trách mình.

- Ủa! Ai đấy, cô ếch con, nàng công chúa đầm lầy, “nữ hầu tước của những thiên thần” đấy ư?... Vậy mà lúc nãy anh quên cả chào em, em gái ạ.

- Tại sao anh gọi em là ếch?

- Tại vì em gọi anh là cóc mà. Vả lại, em chả luôn luôn nhảy như con choi choi, và biến mất hút trong các bãi cỏ, các bụi cói và lau sậy trên đầm lầy là gì? Em vẫn chưa trở thành cô gái lớn điệu bộ như chị Ooctăngxơ nhỉ.

- Em đâu được thế! - Angiêlic ra vẻ khiêm tốn.

Do cô bé xen vào, không khí đã đỡ căng thẳng nhưng vẫn còn hơi nặng nề. Ông già Guyôm mang thêm những cây nến mới, thắp lên chào đón hai công tử. Bác lính già không ngần ngại nói ý kiến riêng của mình:

- Các cậu trở về nhà đâu phải là quá sớm. Nhồi nhét mãi chữ Latinh vào đầu phỏng có ích gì? Lúc nãy u Phăngtin bảo tôi rằng hai công tử đã về ở hẳn nhà. Tôi liền tự bảo rằng bây giờ ngài Giôxơlanh cuối cùng sẽ được ra biển…

- Thượng sĩ Lútđen, ta có phải nhắc ngươi giữ kỷ luật không? - cụ Nam tước già sẵng giọng quở trách.

Người đầy tớ già không dám cãi, đứng lặng im. Angiêlic ngạc nhiên vì giọng phật ý và giận dữ cua ông nội. Cụ Nam tước quay về đứa cháu đích tôn:

- Giôxơlanh, ta tin rằng con nay đã quên đi cái mộng ước trẻ con được trở thành người thủy thủ, phải không?

- Thưa ông, làm sao cháu có thể quên được! Cháu thậm chí nghĩ rằng giờ đây không còn lối thoát nào khác với cháu nữa.

- Cháu sẽ không khi nào làm nghề đi biển, chừng nào ông còn sống. Làm bất cứ cái gì cũng được, nhưng nghề đó thì không! - và ông cụ gõ mạnh gậy chống xuống sàn nhà lát đá.

Giôxơlanh đứng lặng người. Vì sao bỗng nhiên ông nội lại vùi giập một ước mơ tha thiết như vậy trong trái tim mình? Thế mà chính ước mơ này vừa mới đây đã giúp cậu chấp nhận cảnh bị đuổi học mà không quá ân hận. Lúc bị đuổi, cậu thầm nghĩ:

- Thế là chấm dứt những buổi cầu kinh và những bài Latinh phải học thuộc lòng. Mình người lớn rồi bây giờ có thể làm thủy thủ trong hải quân Hoàng gia được.

Nam tước tìm cách gỡ cho con trai:

- Thưa ông, có lẽ ta không nên khẳng định quá như vậy. Đó cũng có thể là một giải pháp không đến nỗi nào. Thật ra, trong đơn dâng lên Đức vua mới đây, con cũng có thỉnh cầu Ngài chấp thuận cho cháu lớn được bổ nhiệm đi phục vụ trong hải quân.

Nhưng cụ Nam tước già cau mặt giận dữ. Angiêlic chưa bao giờ thấy ông nội tức giận đến thế, ngay cả hôm cụ quát mắng người thu thuế.

- Ta không ưa những kẻ chỉ tấp tểnh rời bỏ khỏi đất đai của tổ tiên mình. Những kẻ đó sẽ không bao giờ tìm thấy những kì quan của thế giới bên kia biển cả. Họ chỉ gặp những người dã man trần như nhộng, và xăm mình. Con trưởng của một gia đình quý tộc cần phải phục vụ trong lục quân hoàng gia, thế thôi.

- Con cũng muốn được phục vụ Đức Vua, nhưng là trên mặt biển - cậu thanh niên trả lời.

- Cháu Giôxơlanh đã mười sáu tuổi rồi. Dù sao thì cũng đã đến lúc cháu cần quyết định lấy vận mệnh của chính mình - b cậu gợi ý một cách hơi ngập ngừng.

Một vẻ đau buồn thoáng hiện trên khuôn mặt nhăn nheo có chòm râu bạc ngắn.

- Đúng là trước thằng bé này, đã có người trong họ này tự chọn lấy vận mệnh của mình. Phải chăng nay cháu cũng lại làm ông phải thất vọng, cháu nội của ông? - cụ Nam tước buồn rầu nói.

- Thưa ông, con đâu có muốn khơi dậy những ký ức đau buồn đối với ông - Nam tước Ácmăng Xăngxê xin lỗi bố - bản thân con không lúc nào mơ tưởng chuyện đi lang bạt đó đây, vì con gắn bó với vùng đất Poatu này thiết tha biết chừng nào. Nhưng con vẫn nhớ tình trạng của mình hồi phục vụ trong quân đội, chật vật, bấp bênh nhường nào. Dù là quý tộc, ta cũng không được thăng cấp nếu không có tiền. Con đã mang công mắc nợ, và có khi phải bán đi mọi thứ quân trang, cả ngựa, lều vải, vũ khí, thậm chí cho thuê cả người hầu! Ông chắc còn nhớ đã phải bán đi bao nhiêu đất đai phì nhiêu, để cho con được tiếp tục phục vụ trong quân đội?

Angiêlic rất chăm chú theo dõi câu chuyện. Cô chưa từng trông thấy những thủy thủ, nhưng sức hấp dẫn mãnh liệt của đại dương đã ăn sâu vào trong thung lũng các sông Xevrờ và Văngđê. Cô biết rằng, dọc bờ biển, từ La Rôsen qua Xablơ Đôlon đến Năngtơ, có nhiều tàu thuyền đánh cá dong buồm đến những đất xa xôi, ăn mặc kỳ quái. Ôi! Nếu được làm con trai, chắc cô chẳng cần hỏi ý kiến ông nội làm gì? Chắc là cô sẽ ra đi từ lâu rồi, đem theo tất cả những thiên thần nhỏ của mình đến tận Tân thế giới.

Bạn đang đọc Tình sử Angélique của Serge Anne Golon
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 17

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.