Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

HỒI 307: TỆ TỈ VINH HOA, PHÙ VÂN SINH TỬ, THỬ THÂN HÀ CỤ

Phiên bản Dịch · 2619 chữ

Giàu sang phú quí mà chi,

Xem như dép cũ bỏ đi cho rồi.

Cuộc đời mây nổi ai ơi,

Đến như sống chết đã coi ra gì.

Trong hoàng cung Đại Lý, Đoàn Chính Minh truyền ngôi cho cháu là Đoàn Dự, dặn dò phải biết ái dân, nạp gián, lại nhắn nhủ việc nước không được bừa bãi làm càn, dấy động binh đao. Cũng vào thời kỳ đó, nơi kinh đô Biện Lương nhà Đại Tống, trong hoàng cung ở hậu các Sùng Khánh điện, thái hoàng thái hậu Cao thị bệnh nặng, đang trăn trối cho cháu là Triệu Hú:(49.1)

- Hài nhi, tổ tông sáng nghiệp thật gian nan vất vả, nhờ phúc trạch ông cha thâm hậu nên mới có cảnh tượng thái bình như ngày hôm nay. Thế nhưng cha ngươi khi trị nước để cho dân tình sôi sục, suýt nữa gây ra đại biến, đến giờ trăm họ nghĩ đến còn kinh, ngươi có biết vì do đâu chăng?

Triệu Hú đáp:

- Hài nhi thường nghe nãi nãi(49.2) nói rằng, phụ hoàng nghe lời Vương An Thạch, sửa đổi phép tắc cũ khiến cho dân chúng không đủ sống. truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y

Khuôn mặt khô héo của thái hoàng thái hậu hơi rung động, thở dài nói:

- Vương An Thạch là người có học vấn, có tài năng, vốn không phải là kẻ xấu. Dụng tâm tuy là vì nước vì dân, có điều… ôi, chỉ bởi cha ngươi, vốn dĩ tính tình nóng nảy, chỉ mong sao chóng thành công, có biết đâu việc trên đời này dục tốc tắc bất đạt, thành ra rối loạn hỏng việc.

Bà lão nói đến đây ho sù sụ một hồi rồi mới tiếp:

- Thứ đến… thứ đến y không bao giờ muốn nghe câu nào trái tai, chỉ thích người ngoài ca công tụng đức, gọi y là thánh minh thiên tử y mới vui lòng, còn như bảo y sai lầm không đúng, can gián một câu thì lập tức nổi cơn lôi đình, kẻ thì bãi chức, người thì đi đày, cứ như thế, còn ai dám trực ngôn can gián nữa?

Triệu Hú đáp:

- Bà ơi, tiếc thay di chí của phụ hoàng chưa thành, bao nhiêu lương pháp mỹ ý của tiên đế đều bị kẻ tiểu nhân làm hỏng cả.

Thái hoàng thái hậu hoảng hốt, run rẩy hỏi lại:

- Cái… cái gì mà lương pháp mỹ ý? Ai… ai là tiểu nhân?

Triệu Hú đáp:

- Phụ hoàng đặt ra phép thanh miêu, phép bảo mã, phép bảo giáp… chẳng phải là phú quốc cường binh lương pháp thì là gì? Chỉ hận bọn hủ nho Tư Mã Quang, Lã Công Trứ, Tô Thức làm hỏng đại sự.

Thái hàng thái hậu biến sắc, chống tay cố ngồi lên nhưng đã suy nhược quá rồi, thân hình chỉ nhỏm lên được một hai tấc rồi không gượng nổi nữa, ho sù sụ. Triệu Hú nói:

- Bà nội đừng tức tối, hãy nằm xuống nghỉ đi, sức khỏe mới là quan trọng.

Tuy miệng y thì khuyên bảo như thế nhưng giọng điệu chẳng có chút nào thân cận. Thái hoàng thái hậu ho một hồi, tạm bình tĩnh lại nói:

- Hài nhi, cháu làm hoàng đế cũng đã chín năm rồi, thế nhưng trong chín năm đó… trong chín năm đó, người làm vua đích thực là bà nội đây, chuyện gì cháu cũng nghe lời bà mà làm, trong bụng trong bụng cháu chắc tức tối lắm, ghét bà lắm, có phải không?

Triệu Hú đáp:

- Bà nội làm hoàng đế giùm cháu, ấy là thương cháu chứ, sợ cháu làm hỏng việc đấy thôi. Dùng người cũng bà dùng, thánh chỉ cũng bà đưa xuống, hài nhi thật là rảnh rỗi, có gì không thích đâu? Sao cháu lại trách bà được?

Thái hoàng thái hậu thở hắt ra, khẽ nói:

- Mày thật giống cái thằng cha mày, cứ cho là mình thông minh tài trí phải làm nên một đại sự nghiệp. Trong bụng ngươi ghét ta lắm, không lẽ… không lẽ ta lại không biết hay sao?

Triệu Hú mỉm cười khinh khỉnh nói:

- Bà nội chuyện gì chẳng biết. Trong cung ngự lâm quân cũng là người thân tín của bà, chỉ huy nội thị thái giám cũng là tâm phúc của bà, trong triều văn võ đại thần cũng do bà sắp đặt. Hài nhi ngoài việc ngoan ngoãn nghe lời bà dặn bảo ra, có dám tùy tiện làm gì đâu, có dám nói gì đâu?

Thái hoàng thái hậu nhìn lên đình màn nói:

- Ngươi ngày ngày mong mỏi chuyện hôm nay, chờ tới khi ta bệnh chết rồi, lúc đó lúc đó mới tha hồ mặc sức bay nhảy.

Triệu Hú đáp:

- Chuyện gì cũng do bà ban cho hài nhi, trước đây nếu không có bà nội chủ trì, khi phụ hoàng băng hà, triều đình nếu chẳng lập Ung Vương thì cũng lập Tào Vương. Ơn sâu của bà nội, hài nhi đâu thể nào quên được? Có điều… có điều…

Thái hoàng thái hậu nói:

- Có điều cái gì? Ngươi muốn nói gì thì cứ nói ra, sao lại còn ấp úng mãi thế?

Triệu Hú đáp:

- Hài nhi từng nghe người ta nói rằng, sở dĩ bà muốn lập cháu lên làm vua, chỉ vì hài nhi còn nhỏ, có thế mới dễ cho bà tự mình đảm trách việc triều chính.

Y thu hết can đảm nói được câu đó ra, tim đập thình thình, nhìn trộm ra ngoài cửa mấy lượt, thấy những thái giám canh gác ngoài điện môn đều là người tâm phúc của mình, thủ vệ nghiêm mật, thế mới yên tâm.

Thái hoàng thái hậu chậm rãi gật đầu nói:

- Ngươi nói quả không sai. Ta quả muốn chính mình cai trị quốc gia, trong chín năm qua ta làm việc ra thế nào?

Triệu Hú lấy trong túi ra một cuộn giấy nói:

- Bà ơi, những lời ca công tụng đức của văn sĩ trong triều ngoài nội, trong chín năm qua không biết là bao nhiêu, chắc bà nghe đã phát chán rồi. Hôm nay ở phương bắc có người xuống đây, nói rằng tể tướng nước Liêu có một bản tấu chương dâng lên Liêu đế, có đề cập đến việc thi hành chính sách của bà nội. Đây là nghị luận của đại thần nước Liêu, nãi nãi có muốn nghe không?

Thái hoàng thái hậu thở dài:

- Cả thiên hạ khen thì cũng thế mà cả thiên hạ chê thì cũng vậy, lão… lão thân chắc chẳng sống được tới chiều nay đâu. Ta… ta chẳng biết có còn thấy mặt trời mọc ngày mai nữa không? Tể tướng Liêu quốc… y… y nói về ta thế nào?

Tây Hạ mở cuốn trục ra nói:

- Trong tấu chương gã tể tướng đó nói thái hoàng thái hậu: Từ khi ở sau rèm đến nay,(49.3) tuyển dụng danh thần, bãi bỏ chính sách hà khắc của tân pháp, trông coi triều chính chín năm qua, triều đình sáng sủa, Hoa hạ yên ổn. Ngăn chặn các thăng thưởng vô lối, bãi bỏ các ân sủng cho người nhà, các tấu chương trình lên, lớn nhỏ đều coi xét kỹ lưỡng, suốt đời không tơ hào một li…

Y đọc đến đây, ngừng lại một chút, thấy ánh mắt lờ đờ của thái hoàng thái hậu lóe lên một vẻ phấn khởi, liền đọc tiếp xuống:

- …người đời gọi bà ta là nữ trung Nghiêu Thuấn!

Thái hoàng thái hậu lẩm bẩm:

- Người đời gọi là nữ trung Nghiêu Thuấn! Người đời gọi là nữ trung Nghiêu Thuấn! Dù có thực là Nghiêu Thuấn chăng nữa thì cũng không thể không chết.

Đột nhiên trong đầu óc mỗi lúc một mơ hồ chậm lụt của bà nảy ra một điểm linh quang, bèn hỏi:

- Tại sao tể tướng nước Liêu lại nhắc đến ta? Hài nhi, cháu… cháu phải lưu tâm, bọn họ biết ta chết rồi là sẽ chèn ép cháu ngay.

Trên khuôn mặt non trẻ của Triệu Hú lộ vẻ kiêu ngạo nói:

- Định chèn ép cháu ư? Hừ, đúng thế đấy nhưng chắc không phải dễ đâu. Bọn Khất Đan có thám tử ở Đông Kinh, biết nãi nãi đang bệnh nặng, bộ mình không có người dò thám ở Thượng Kinh hay sao? Tấu chương của tể tướng bọn chúng mình chả có trong tay là gì? Quân dân Khất Đan bàn tính, một khi bà… một khi bà thiên thu vạn tuế rồi, nếu như văn võ đại thần không có gì thay đổi, không thi hành tân pháp, bảo vệ bờ cõi, nhân dân yên ổn thì không sao. Còn như nếu hài nhi… hà hà, có gì làm ẩu làm liều… khinh suất vọng động, thì bọn chúng cũng lớn mật làm càn một phen.

Thái hoàng thái hậu hoảng hốt hỏi:

- Họ định sẽ xua quân xuống phương nam ư?

Triệu Hú đáp:

- Đúng vậy.

Y quay người đi ra phía cửa sổ, nhìn theo cái cán chòm sao Bắc đẩu thấy ngôi đế tọa lấp lánh trên bầu trời, lẩm bẩm nói một mình:

- Đại Tống ta binh tinh mã nhuệ, lương thảo đầy đủ, dân số lại đông, lẽ nào lại sợ bọn Khất Đan? Bọn chúng không đem quân xuống nam thì ta cũng xua quân lên bắc thử một keo cho biết.

Thái hoàng thái hậu tai nghễnh ngãng nghe không rõ hỏi lại:

- Ngươi nói gì? Cái gì mà thử một keo cho biết?

Triệu Hú đi đến bên giường bệnh nói:

- Nãi nãi, người Đại Tống chúng ta so với người Liêu đông gấp mười, lương thảo gấp ba mươi lần, có phải thế không? Lấy mười chọi một, không lẽ đánh không lại chúng sao?

Thái hoàng thái hậu run run hỏi:

- Ngươi định gây chiến với nước Liêu chăng? Chân Tông hoàng đế năm xưa anh vũ là dường nào, ngự giá thân chinh vậy mà còn phải lập minh ước Thiền Uyên, ngươi… ngươi lẽ nào lại dám tính chuyện đao binh?

Triệu Hú hậm hực đáp:

- Bà vẫn cứ coi thường hài nhi, cứ coi cháu như đứa trẻ miệng còn hơi sữa, chẳng biết chuyện gì. Hài nhi tuy không bằng vua Thái Tổ, Thái Tông nhưng chưa chắc đã kém gì Chân Tông hoàng đế!

Thái hoàng thái hậu nói nhỏ:

- Đến như Thái Tông hoàng đế, năm xưa cũng còn thua Bắc quốc, trọng thương phải quay về, vết thương không khỏi nên chính vì thế mà băng hà.

Triệu Hú nói:

- Chuyện trong thiên hạ, đâu phải cứ có một bề mà luận. Trước kia mình đánh không lại bọn Khất Đan đâu phải mãi mãi lúc nào cũng thua.

Thái hoàng thái hậu có biết bao nhiêu điều muốn nói, nhưng thấy tinh lực càng lúc càng hao kiệt dần, trước mắt chỉ thấy một quầng mây trắng bay qua bay lại, trong óc trống rỗng, nói năng đã cực kỳ gian nan nhưng trong đáy lòng bà ta vẫn có một tiếng nói hết sức rõ ràng vọng lên: "Việc chiến tranh là nguy hiểm, sinh linh đồ thán, nhất quyết không thể khinh suất làm càn."

Một lúc sau bà ta mới lấy hơi, chậm rãi nói:

- Hài nhi, trong chín năm qua ta nắm hết đại quyền, chưa từng cùng ngươi phân tích cho rõ ràng, nãi nãi quả là thiếu sót. Ta vẫn tưởng mình chắc còn sống được lâu, đợi đến khi ngươi khôn lớn rồi, lúc đó mới chỉ bảo cho cháu, ắt ngươi sẽ hiểu biết tường tận, có ngờ đâu, có ngờ đâu…

Bà lão ho khan mấy tiếng nói tiếp:

- Chúng ta người đông lương đủ, điều đó không sai. Có điều người Đại Tống văn nhược, không dũng mãnh như người Khất Đan. Hơn nữa một khi đánh nhau rồi, quân dân gan óc đầy đất, không biết bao nhiêu người phải bỏ mình, không biết bao nhiêu nhà cửa hóa ra tro, không biết bao nhiêu gia đình tan nát, vợ chồng chia lìa, con cái ly tán. Làm vua thì lúc nào cũng phải nghĩ đến điều "nhân," không nói gì chuyện thắng bại chưa liệu trước được, mà dẫu ở thế tất thắng chăng nữa nếu không phải đánh thì vẫn hơn.

Triệu Hú đáp:

- Yên Vân thập lục châu của ta bị bọn người Liêu chiếm mất, hàng năm mình còn phải tiến cống cho chúng vàng bạc lụa là, chẳng khác gì phiên thuộc, lại như nước bầy tôi, hài tử thân làm thiên tử Đại Tống, cái nhục đó làm sao nuốt nổi? Không lẽ mình mãi mãi chịu người Liêu áp chế hay sao?

Giọng y càng lúc càng to:

- Trước đây Vương An Thạch biến pháp, thi hành phép bảo giáp, bảo mã, chẳng phải là để cho quốc phú dân cường, tẩy rửa cái nhục tổ tông hay sao? Làm con làm cháu, phải rửa nhục cho ông cha, ấy mới là đại hiếu. Phụ hoàng một đời chuyên cần chăm lo chẳng phải vì lẽ đó đấy ư? Hài tử định rằng sẽ kế thừa chí hướng của gia gia. Chí đó không thành nguyện như chiếc ghế này.

Đột nhiên y rút phắt bội kiếm đeo ở hông, chém đứt đôi một chiếc ghế. Hoàng đế trừ khi tập luyện duyệt binh, xưa nay không đeo đao kiếm. Thái hoàng thái hậu đột nhiên thấy thằng bé rút kiếm ra chém chiếc ghế, không khỏi hoảng hồn, mơ mơ hồ hồ nghĩ bụng: "Y tại sao lại đeo kiếm? Định đến giết ta chăng? Hay y không muốn ta thùy liêm thính chính? Thằng bé này lớn mật làm càn, ta phải phế bỏ y đi." Bà ta tuy tính tình từ ái nhưng chưởng ác quyền bính đã lâu, nay thấy quyền lực lung lay, lập tức nghĩ ngay đến loại trừ địch thủ, dẫu cho là kẻ cốt nhục chí thân cũng không khoan thứ, trong một thoáng bà quên rằng mình đang vào cảnh đèn khô dầu kiệt, trong chốc lát sẽ lìa đời.

Còn Triệu Hú đang chú tâm vào việc làm sao phá trận sát địch, thu phục lại Yên Vân mười sáu châu, huyễn tưởng mình đang ngồi trên lưng ngựa, thống suất trăm vạn hùng binh, đánh vào Thượng Kinh, Liêu chúa Gia Luật Hồng Cơ cởi trần ra hàng. Y giơ thanh bội kiếm lên, ngang nhiên nói:

- Quốc gia đại sự đều bị bọn hủ nho nhát gan làm hỏng việc. Bọn họ tự xưng quân tử, thực ra chỉ là đồ tiểu nhân tham sống sợ chết, tự tư tự lợi, ta… ta phải trừng trị bọn chúng một phen cho hả tức.

Thái hoàng thái hậu tỉnh táo trở lại, nghĩ thầm: "Thằng bé này là đương kim hoàng đế, y có chủ ý riêng, ta không còn bảo nó phải nghe lời mình nữa rồi. Ta bây giờ chỉ là một bà lão sắp chết, còn y là một ông vua đang lúc thanh niên khỏe mạnh, y là vua, y là vua." Bà cố hết sức nói thêm một câu:

- Hài nhi, cháu có tâm chí như thế, nãi nãi sung sướng lắm.

Triệu Hú mừng rỡ, tra kiếm trở vào bao nói:

- Bà ơi, cháu nói thế là đúng rồi, phải không?

Thái hoàng thái hậu đáp:

- Thế cháu có biết thế nào là kế sách vạn toàn, nhất định phải thắng hay không?

Bạn đang đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi thieuquocviet1999
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 79

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.