Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

HỒI 140: SONG MÂU XÁN XÁN NHƯ TINH

Phiên bản Dịch · 3203 chữ

Bảo anh phải bỏ ngai vàng,

Để anh chết đuối mắt nàng cũng cam.

Nhìn nhau dạ những mang mang,

Long lanh thăm thẳm như ngàn ánh sao.

Đại hán đó râu ria xồm xoàm, thần thái uy mãnh nhưng đôi mắt ngây dại hành động như điên cuồng, rõ ràng là một người mất trí. Tiêu Phong thấy đôi đại phủ trong tay y dường như đúc bằng thép ròng, cực kỳ nặng nề, khi múa ra, đóng mở công thủ đúng phép tắc, môn hộ tinh nghiêm xem ra có vẻ phong phạm một bậc danh gia.

Các nhân vật võ lâm Trung Nguyên Tiêu Phong quen biết rất nhiều nhưng không biết người này là ai, nghĩ thầm: "Phép đánh búa của gã này khá lắm, sao ta lại không hề nghe đến một người nào như thế này?"

Đôi búa của người kia càng lúc càng nhanh, mồm thì không ngớt kêu la:

- Mau mau, mau đi bẩm báo chúa công, kẻ địch đã kiếm tới rồi.

Y đứng chặn ngay giữa đường, đôi bản phủ sáng choang tạt ngang chém dọc, người đi đường ai nấy tránh dạt ra chứ dại gì mà đến gần? Tiêu Phong thấy y ra vẻ hoảng hốt, hết đường búa nọ tới đường búa kia xem chừng đã hết hơi sức nhưng vẫn cố ráng chịu đựng, mồm thì kêu:

- Các anh em mau mau lui ra đừng lo gì cho ta, chạy đi bẩm báo chúa công mới là cần.

Tiêu Phong nghĩ thầm: "Người này trung nghĩa cố gắng bảo vệ cho chủ, quả là một hảo hán nhưng tinh lực tổn hao như thế hẳn là đã bị nội thương thật nặng." Ông bèn đi tới trước mặt người kia nói:

- Lão huynh nghỉ một chút uống chén rượu được chăng?

Đại hán kia hầm hầm trợn mắt nhìn ông, đột nhiên kêu lớn:

- Tên đại ác, chớ có mong hại chủ nhân ta.

Y vung búa lên xông tới chém xuống đầu Tiêu Phong. Người chung quanh thấy tình hình hung hiểm ai nấy kinh hoảng kêu toáng cả lên. Tiêu Phong nghe thấy ba chữ "tên đại ác" cũng chột dạ: "Ta và A Châu đang đi tìm "tên đại ác" để báo thù, kẻ đối đầu hán tử này hóa ra cũng là "tên đại ác." Tuy miệng y gọi thế thực nhưng chắc gì đã là kẻ mình đang tìm, thôi thì cứ cứu y đã rồi tính sau. Ông nghĩ thế bèn lòn tới sát người y giơ tay điểm vào huyệt ở mạng sườn.

Ngờ đâu hán tử nọ thần trí tuy đã hôn mê nhưng võ công không mất, chiếc búa bên phải bèn xoay đầu lại, cán búa đâm luôn vào bụng dưới Tiêu Phong. Chiêu đó cực kỳ tinh xảo linh động, giá như Tiêu Phong võ công không phải cao cường gấp bội y thì thể nào cũng bị trúng đòn, lập tức tay trái vươn ra, chộp luôn cán búa để đoạt lấy. Đại hán kia vốn dĩ đã gân cốt mỏi nhừ nên làm sao có thể chịu nổi? Y toàn thân chấn động, lập tức ngã nhào vào người Tiêu Phong. Thế nhưng y không màng sống chết, muốn cả hai đồng qui ư tận.

Tay phải Tiêu Phong lại tung ra, ôm chặt lấy gã này, hơi dụng kình khiến y không sao cục cựa được. Những người rỗi hơi đứng ngoài coi thấy Tiêu Phong đã chế phục được tên điên đều reo hò ầm ỹ. Kiều Phong vừa ôm vừa kéo gã đại hán vào trong đại đường của khách điếm, ấn y ngồi xuống nói:

- Lão huynh uống vài chén rượu rồi tính sau.

Nói xong ông gọi tửu bảo đem rượu đến. Đại hán nọ chăm chăm nhìn ông một hồi lâu mới hỏi:

- Ngươi… ngươi là người tốt hay là người xấu?

Kiều Phong ngạc nhiên không biết phải trả lời thế nào. A Châu cười nói:

- Ông ta dĩ nhiên là người tốt, ta cũng là người tốt. Chúng mình là bạn với nhau, cùng đi đánh "tên đại ác."

Đại hán kia giương mắt nhìn nàng một hồi, lại quay sang nhìn Tiêu Phong một hồi dường như tin tưởng, dường như không tin, một lúc sau mới nói:

- Tên… tên đại ác ư?

A Châu nhắc lại:

- Chúng mình là bạn với nhau, cùng đi đánh "tên đại ác."

Người kia bỗng đứng bật dậy kêu ầm lên:

- Không! Không! "Tên đại ác" ghê gớm lắm, mau mau đi bẩm với chúa công, nói chúa công tìm đường tránh đi. Ta ra chặn "tên đại ác" lại, còn ngươi đi báo tin.

Y vừa nói vừa cầm đôi búa xông ra. Tiêu Phong giơ tay đè lên vai giữ y lại nói:

- Này lão huynh, "tên đại ác" đã đến đâu, chúa công của ngươi là ai? Ông ta ở nơi nào?

Đại hán kêu lên:

- "Tên đại ác" mau lại đây đấu với lão tử ba trăm hiệp xem cho biết, chớ có hại đến chúa công ta.

Tiêu Phong nhìn A Châu không biết phải làm thế nào, A Châu đột nhiên la to:

- Chết rồi hỏng mất, chúng mình mau đi báo tin cho chúa công. Chúa công đang ở đâu? Chúa công đi hướng nào, chớ để cho "tên đại ác" biết.

Người điên liền hùa theo:

- Phải, phải, ngươi mau mau đi báo tin. Chúa công đến Phương Trúc Lâm ở Tiểu Kính Hồ, ngươi… ngươi mau đi Phương Trúc Lâm ở Tiểu Kính Hồ bẩm báo chúa công, đi đi, đi đi!

Y giục luôn mồm ra chiều gấp gáp lắm. Tiêu Phong và A Châu còn chưa biết tính sao, bỗng nghe tên tửu bảo nói:

- Đi Tiểu Kính Hồ ư? Đường không phải gần đâu.

Tiêu Phong thấy Tiểu Kính Hồ quả đúng là một địa danh vội hỏi:

- Ở chỗ nào? Cách đây bao xa?

Gã tửu bảo nói:

- Ví như hỏi người khác thì chưa chắc đã biết. May mà hỏi tiểu nhân, thật đúng ngay chóc. Tiểu nhân chính ở ngay bên cạnh Tiểu Kính Hồ. Trên đời này thật khó mà có gì khéo hơn, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh.

Tiêu Phong nghe y nói lung tung chẳng vào chính đề liền giơ tay vỗ bàn một cái, quát:

- Nói mau! Nói mau!

Gã tửu bảo vốn định vòi vài đồng mới nói, bị Tiêu Phong nạt một cái, không dám lèo nhèo gì thêm vội đáp:

- Gớm sao vị gia đài này tính nóng thế, hì hì, nếu không phải hỏi đúng ngay tiểu nhân, dù có nôn nóng cách mấy cũng đâu có được, đúng không nào?

Y định nói bông phèng mấy câu nhưng liếc thấy Tiêu Phong có vẻ chẳng hiền gì liền tiếp:

- Tiểu Kính Hồ ở phía tây bắc, trước hết đi về hướng tây, đi được chừng bảy dặm rưỡi thì thấy có chừng mươi cây liễu, mỗi hàng bốn cây, cả thảy bốn hàng, một hàng là bốn, hai hàng là tám, ba hàng mười hai, bốn hàng mười sáu, cả thảy mười sáu cây liễu lớn thì đi lên hướng bắc. Đi thêm chừng chín dặm rưỡi nữa, thấy một chiếc cầu bằng đá xanh thì chớ có qua, qua cầu đó là hỏng đấy. Nói không qua cầu nhưng lại phải qua, mà không qua là cái cầu bằng đá xanh bên trái, mà phải qua chiếc cầu gỗ nhỏ ở bên phải. Qua chiếc cầu nhỏ rồi thì một đường rẽ qua hướng tây, một đường đi lên hướng bắc, phải đi con đường hướng tây theo con đường mòn thì mới đúng. Đi như thế tổng cộng hai mươi mốt dặm rưỡi thì gặp một cái hồ mặt nước sáng như gương, đó chính là Tiểu Kính Hồ. Đi đến đó, ai cũng bảo là chừng bốn mươi dặm, thực ra chỉ có ba mươi tám dặm rưỡi, bốn mươi dặm là không đúng đâu.

Tiêu Phong cố nhịn ngồi nghe gã tửu bảo nói cho xong. A Châu nói:

- Gớm vị đại ca này nói năng rành mạch quá. Một dặm đường thì một đồng tiền, đáng lẽ cho anh bốn mươi đồng, nhưng cho thế thì sai bét, chi bằng đừng cho, nhưng lại đáng cho. Tám lần một là tám, hai tám mười sáu, ba tám hăm tư, bốn tám ba mươi hai, năm tám bốn mươi, bốn mươi dặm đường trừ đi một dặm rưỡi thế là ba mươi tám đồng rưỡi.

Nàng đếm ba mươi chín đồng tiền, đồng tiền sau cùng cầm khía lên lưỡi búa một vết, bẻ cắc một tiếng đồng tiền đã gãy ra làm đôi, đưa cho gã tửu bảo ba mươi tám đồng rưỡi. Tiêu Phong thật tức cười, nghĩ thầm: "Cô bé này nhân cơ hội lại quấy phá một phen." Đại hán kia mắt vẫn nhìn trừng trừng, luôn mồm giục:

- Mau đi báo tin, chậm là không kịp đâu, "tên đại ác" ghê gớm lắm đó.

Tiêu Phong hỏi lại:

- Thế chủ nhân ngươi là ai?

Đại hán kia lẩm bẩm:

- Chúa công ta… chúa công ta… ở đâu không thể cho người ngoài biết được. Thôi ngươi đừng đi nữa là hơn.

Tiêu Phong quát lên:

- Ngươi họ gì?

Gã kia thuận mồm đáp:

- Ta họ Cổ, ối trời, ta không phải họ Cổ.

Tiêu Phong trong bụng nghi ngờ: "Không lẽ tên này tính giở trò gì, cố ý dẫn dụ mình đến Tiểu Kính Hồ chăng? Cái gì mà họ Cổ rồi lại không họ Cổ?" Ông chợt nghĩ lại: "Ví thử như kẻ địch sai y đến dụ ta tới đó thì cầu còn chưa được, ta đang muốn đi kiếm y đây. Tiểu Kính Hồ dù có phải đầm rồng hang hổ chăng nữa thì Tiêu mỗ há sợ gì?" Tiêu Phong quay sang A Châu:

- Chúng mình đến Tiểu Kính Hồ xem thế nào, có động tĩnh gì không, nếu như chủ nhân của vị huynh đài này có ở đó thì mình thể nào cũng tìm ra.

Gã tửu bảo liền xen vào:

- Tiểu Kính Hồ bốn bề hoang dã, chẳng có gì để xem cả. Hai vị nếu như muốn du sơn ngoạn thủy, ngắm phong cảnh thì nên đi đến các đình đài lâu các của những nhà giàu ở đây, có thế mới mở rộng tầm con mắt…

Tiêu Phong xua tay bảo y đừng lèm bèm nữa, nói với đại hán kia:

- Lão huynh mệt lắm rồi, ở đây nghỉ ngơi, ta thay mặt đi bẩm báo với lệnh chủ nhân nói là "tên đại ác" sẽ tới ngay đó.

Người kia mừng rỡ:

- Đa tạ! Đa tạ! Cổ mỗ cảm kích không đâu kể xiết. Để ta đi chặn "tên đại ác" lại, không cho y qua.

Nói xong liền đứng dậy, giơ tay định nhắc đôi búa lên nhưng lực khí không còn gì nữa, hai tay ê ẩm, lăm lăm cầm cán búa rồi mà không sao nhắc lên nổi. Tiêu Phong nói:

- Lão huynh cứ thư thả.

Ông trả tiền ăn tiền ở xong liền cùng A Châu rảo bước đi ra, đúng lời dặn của tên tửu bảo theo đại lộ về hướng tây chừng bảy tám dặm, quả nhiên thấy ở bên đường có bốn hàng mỗi hàng bốn cây, cả thảy bốn hàng mười sáu cây dương liễu. A Châu cười nói:

- Tên tửu bảo đó tuy lắm mồm thật nhưng lắm mồm đúng cách, thế này thì không thể nào sai được, phải không nào? Ồ, cái gì đây?

Nàng đưa tay chỉ một cây liễu, dưới gốc cây có một người nhà nông ngồi tựa nơi đó, chân thò xuống cái rãnh bùn bên cạnh. Cảnh đó cũng chỉ là một chuyện thông thường ở nhà quê, nhưng người nông phu đó một bên mặt máu me, vai lại vác một cây thục đồng côn sáng loáng, xem ra không phải là nhẹ.

Tiêu Phong đi đến trước mặt người nhà quê đó, thấy y thở hổn hển, hiển nhiên đã bị nội thương khá nặng. Tiêu Phong liền mở lời:

- Này vị đại ca kia, bọn ta được người sử búa nhắn đi đến Tiểu Kính Hồ chuyển lời, xin hỏi đi Tiểu Kính Hồ là lối nào?

Người nhà nông ngẩng lên hỏi lại:

- Thế ông bạn sử búa còn sống hay chết rồi?

Tiêu Phong đáp:

- Y chỉ bị tiêu hao khí lực nhưng không đến nỗi nào.

Người nông phu thở phào:

- Tạ trời tạ đất. Xin hai vị đi về hướng bắc, cái ơn đưa tin quyết chẳng dám quên.

Tiêu Phong nghe y nói năng kiểu cách quyết không phải hạng nhà quê tầm thường bèn hỏi:

- Lão huynh tôn tính là gì? Có phải là bạn của người sử búa chăng?

Người nông phu đáp:

- Tiện tính Phó. Xin các hạ mau mau đến Tiểu Kính Hồ, "tên đại ác" đã vượt qua rồi, nói ra thật là hổ thẹn, tại hạ không ngăn nổi y.

Tiêu Phong nghĩ thầm: "Người này bị thương nặng không phải giả vờ, nếu quả y là do kẻ đối đầu mướn để dụ ta vào rọ thì tiền bỏ ra chắc không phải là ít." Ông bèn nói:

- Phó đại ca, lão huynh bị thương không phải nhẹ, "tên đại ác" dùng binh khí gì đả thương ngươi thế?

Hán tử kia đáp:

- Y dùng gậy sắt.

Tiêu Phong thấy ngực y máu tươi chảy ra không ngớt, vội vạch áo ra xem, thấy trên ngực có một lỗ hổng, tuy chỉ nhỏ bằng ngón tay nhưng sâu hoắm. Tiêu Phong giơ tay liên tiếp điểm vào mấy đại huyệt chung quanh, giúp y ngừng chảy máu, bớt đau. A Châu xé áo y ra, băng bó vết thương lại. Hán tử họ Phó nói:

- Đại ân của hai vị, Phó mỗ không thể lấy lời mà cảm tạ được, chỉ xin hai vị mau đến Tiểu Kính Hồ, báo tin cho bề trên của chúng tôi.

Tiêu Phong hỏi:

- Thế bề trên của ông tên là gì, tướng mạo ra sao?

Người kia đáp:

- Các hạ đến bên bờ Tiểu Kính Hồ, sẽ thấy bên phía tây có một khu rừng trúc, cây trúc hình vuông, giữa rừng có mấy gian nhà tre, xin đến bên ngoài nhà gọi to mấy tiếng: "Thiên hạ đệ nhất đại ác nhân đã đến rồi, mau mau tránh đi," như thế là được, tốt hơn hết là đừng vào trong nhà. Tên của tệ thượng, sau này Phó mỗ sẽ xin phụng cáo.

Tiêu Phong nghĩ thầm: "Cái gì mà thiên hạ đệ nhất ác nhân? Không lẽ đó là người đứng đầu trong Tứ Đại Ác Nhân Đoàn Diên Khánh hay sao? Nghe giọng lưỡi người này y không muốn nói nhiều, mình cũng chẳng nên hỏi thêm nữa." Thế nhưng đến giờ phút này, ông không còn cái bụng úy kỵ nữa, nghĩ bụng: "Nếu quả là kẻ địch dụ ta vào tròng thì mỗi câu mỗi chữ phải cho hợp tình hợp lý, có đâu lại để cho ta nổi lòng nghi ngờ. Người này ấp á ấp úng, không dám nói thực, không phải là có ý xấu được." Ông bèn nói:

- Được rồi, xin nghe theo lời dặn dò của các hạ.

Đại hán kia cố gượng đứng lên quì xuống cảm ơn. Tiêu Phong nói:

- Hai chúng ta mới gặp mà như quen đã lâu, Phó huynh chẳng cần phải đa lễ.

Ông giơ tay đỡ người kia dậy, một tay đưa lên xoa mặt một cái, bỏ hết những món hóa trang lấy bộ mặt thật của mình để tương kiến, nói:

- Tại lạ là Tiêu Phong người Khất Đan, sau này sẽ gặp lại.

Ông không đợi hán tử trả lời, nắm tay A Châu rảo bước đi ngay. A Châu hỏi:

- Thế mình không cần cải trang nữa hay sao?

Tiêu Phong đáp:

- Chẳng hiểu vì đâu, ta bỗng dưng cảm mến hán tử thô hào kia, nên có bụng muốn làm quen với y, thành thử không muốn dùng khuôn mặt giả để đối xử với người ta.

A Châu nói:

- Được lắm, để thiếp trở lại quần áo đàn bà.

Nàng đi đến bên dòng nước, vã nước lên rửa mặt, cởi mũ ra, để lộ mái tóc mềm óng như tơ, thoát bỏ áo bào rộng thùng thình, bên trong là y phục phụ nữ. Hai người đi một mạch chín dặm rưỡi, nhìn xa xa thấy nổi lên một chiếc cầu xây bằng đá xanh. Đến gần thêm chút nữa đã thấy giữa cầu một thư sinh nằm phục nơi đó. Người này trải một tờ giấy ngay trên cầu, đang dùng ngay đá lát cầu làm nghiên mài một vũng mực lớn. Thư sinh trong tay cầm bút, đang viết chữ lên trên tờ giấy. Tiêu Phong và A Châu đều lạ lùng, có ai ngờ trên một chiếc cầu ở nơi hoang dã thế này lại có một người giở nghiên bút giấy mực ra viết chữ? Truyện được copy tại TruyệnYY.com

Đến gần thêm chút nữa mới hay không phải y đang viết mà là đang vẽ cảnh vật chung quanh, chiếc cầu nhỏ với làn nước khe, cây cổ thụ cùng xa xa là núi biếc đều có cả. Y nằm phục trên cầu, mặt không quay về phía Tiêu Phong và A Châu, nhưng lạ lùng hơn cả cảnh trong tranh đều quay về phía hai người, có điều mỗi nét bút đều là vẽ ngược, từ hướng bên kia vẽ lại.

Về thư họa Tiêu Phong không biết gì, còn A Châu đã ở trong nhà Mộ Dung công tử lâu năm, các loại tinh phẩm bút mực xem đã nhiều, thấy thư sinh dùng phép "đảo họa" tuy không đạt đến mức đan thanh diệu bút, nhưng vẽ ngược mà được như thế quả thực khó khăn, đang toan tiến lên hỏi y mấy câu thì Tiêu Phong đã giựt nhè nhẹ chéo áo nàng, lắc đầu, đi qua phía chiếc cầu gỗ phía bên phải.

Người nho sinh bỗng nói:

- Hai vị trông thấy tại hạ vẽ ngược, sao không ghé mắt qua một chút? Không lẽ cái công phu nhỏ mọn của tại hạ làm bẩn mắt hai vị hay sao?

A Châu đáp:

- Khổng phu tử chiếu không ngay không ngồi, thịt không sạch sẽ không ăn. Chính nhân quân tử lẽ nào đi xem vẽ ngược bao giờ?

Người kia cười ha hả, cuộn tờ giấy lại nói:

- Lời cô nương quả hữu lý, xin mời qua cầu.

Tiêu Phong đã đoán được dụng ý của y dùng giấy trải trên cầu để cho người khác chú ý, trước là kéo dài thời gian, sau là lấy hư làm thực, cố ý dụ người ta đi qua chiếc cầu đá bèn nói:

- Bọn chúng tôi muốn đến Tiểu Kính Hồ, đi lên thạch kiều chẳng hóa ra đi sai đường ư?

Bạn đang đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi thieuquocviet1999
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 56

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.