Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Không thể quay đầu

Phiên bản Dịch · 4765 chữ

Anh Hùng Chí

Tác giả: Tôn Hiểu

Quyển VI: Nhất Đại Chân Long

Chương 4: Không thể quay đầu

Hồi 1

Người dịch: FA

Biên dịch: Yến Linh Điêu

Ngũ Định Viễn, Diễm Đình, các võ sĩ dưới trướng Giang Sung cùng môn nhân Côn Luân bước qua cánh cửa khổng lồ nọ. Chỉ thấy bên trong là một sơn động âm u sâu không thấy đáy. Nhân số vào động lên tới mấy trăm người nhưng không hề có cảm giác chen chúc, đủ thấy trong này rộng lớn thế nào.

Tiền Lăng Dị cười nói:

- Đây là Thần Cơ Động sao? Võ công bí kíp ở chỗ nào, mau đi lấy thôi!

Nói rồi nghênh ngang đi lại tựa như đi dạo như trong sân nhà mình.

Giang Sung thấy dáng vẻ của hắn hết sức ngông cuồng, thở dài một tiếng nói:

- Trác chưởng môn kiến thức uyên bác, hẳn cũng đoán được sự lợi hại trong Thần Cơ Động. Ngài hãy trông chừng môn hạ đệ tử ngàn vạn lần không được vọng động, bằng không sẽ chết không có chỗ chôn.

Trác Lăng Chiêu gật đầu ra lệnh:

- Từ lúc này, môn nhân đệ tử ba người xếp thành một hàng. Không có lệnh của ta, tuyệt đối không được vọng động.

Nghe chúng đệ tử cao giọng vâng dạ, Tiền Lăng Dị thầm nghĩ:

- Họ Giang kia lại mang ma quỷ ra dọa người, thực hết sức nhàm chán.

Có điều hắn không dám thất lễ với chưởng môn, cũng lớn tiếng vâng dạ.

Giang Sung nói:

- An thống lĩnh, đốt đuốc lên.

An Đạo Kinh vội lấy đá đánh lửa, ánh sáng chiếu vào trong động. Mọi người dõi mắt nhìn ra xa, thấy các vách đá trong động bằng phẳng bóng loáng tựa hồ do con người gọt đẽo thành, nhất thời đều ngạc nhiên không thôi.

Giang Sung đến bên người Trác Lăng Chiêu, nói:

- Từ lúc này, mọi người chuyên tâm đi thẳng về phía trước. Ngàn vạn lần đừng quay đầu nhìn lại.

Xa xa vang vọng dội lại những lời của y, không biết rốt cuộc là động này sâu đến thế nào.

Trác Lăng Chiêu hỏi:

- Nơi này có gì cổ quái sao?

Trác Lăng Chiêu khẽ gật đầu nói:

- Không dấu các vị. Động này chứa đầy những thiên cơ huyền bí. Lát nữa thấy dị trạng, ngàn vạn lần đừng giật mình kinh hãi.

Mọi người nghe thì cả kinh, có vài kẻ nhát gan liền chui xuống phía sau, không dám đi trước dẫn đường. Tiền Lăng Dị kia cũng hoảng sợ, cấp tốc trốn sau lưng Kim Lăng Sương.

Giang Sung thấy mọi người sợ hãi thì nhìn Trác Lăng Chiêu, ý bảo đối phương đi vào trước. Trác Lăng Chiêu tài cao gan lớn, trong trời đất còn biết sợ thứ gì? Y liền mỉm cười nói:

- Được! Bổn tọa muốn xem trong động này có gì cổ quái?

Y phất ống tay áo một cái, quát:

- Đưa kiếm cho ta!

Một gã đệ tử vội dâng tới một thanh trường kiếm. Chỉ thấy vỏ kiếm đen tuyền mang hình dáng cổ xưa, chính là thanh kiếm Trác Lăng Chiêu thường dùng.

Trác Lăng Chiêu đeo trường kiếm vào hông rồi đi đầu dẫn đường. Giang Sung theo sát phía sau, tiếp đó một hàng mấy trăm người nhộn nhịp đi vào.

Diễm Đình cảm thấy sợ hãi, liền xích lại gần Ngũ Định Viễn. Ngũ Định Viễn thấy khuôn mặt Diễm Đình trắng bệch thì vội cầm lấy tay nàng. Hắn chợt cảm giác da thịt mềm mại trắng mịn không xương, dù đang trong vòng nguy hiểm mà lòng vẫn rung động không thôi.

Động này dài tưởng như vô cùng vô tận thẳng tới địa ngục. Đám người đi được gần một dặm, một số kẻ nhát gan đã muốn quay lại. Giang Sung quát:

- Ta đã nói trước, ngàn vạn lần không được quay đầu! Chỉ cần quay đầu, ắt có đại họa đến thân. Mọi người chuyên tâm đi về phía trước.

Mọi người đành yên lặng đi tiếp, chỉ sợ có sơ xuất liền nắm chặt binh khí trong tay.

Một tên đệ tử Côn Luân sợ hãi hỏi đồng bạn:

- Đây rốt cuộc là địa phương quỷ quái gì? Sao chưởng môn nhân lại mang chúng ta tới chỗ này?

Tên kia liền nhắc:

- Chuyên tâm đi đường, không nên hỏi nhiều.

Đệ tử nọ quay đầu lại mắng:

- Con mẹ nó, tiểu tử ngươi thật biết vâng lời!

Một người cả kinh nói:

- Ngươi. . . Ngươi vừa quay đầu lại!

Đệ tử kia cười nói:

- Quay đầu thì quay đầu. Mụ nội nó, có gì đặc biệt đâu!

Song lời chưa dứt thì hắn đã hét thảm một tiếng. Không ngờ cái cổ bị gẫy, máu tươi điên cuồng phun lên không trung, thân thể không đầu chậm rãi ngã xuống.

Mọi người không biết đã xảy ra chuyện gì, đều sợ hãi kêu lớn.

Giang Sung lớn tiếng nói:

- Không cần lo cho hắn! Mọi người tuyệt đối không được quay đầu, mau đi lên phía trước! Đi lên phía trước!

Thi thể không đầu của tên đệ tử kia nằm dưới đất, không biết cái đầu đã bay đi đâu. Những người phía sau hoảng sợ, chỉ dám tránh đường mà đi.

Diễm Đình áp vào ngực Ngũ Định Viễn, sợ tới mức toàn thân nhũn ra nhưng không dám quay đầu chạy trốn. Ngũ Định Viễn ôm chặt nàng, nói:

- Cô đừng sợ, không có chuyện gì.

Có điều chính hắn cũng thấy hoảng sợ, mồ hôi lạnh ròng ròng chảy xuống.

Mọi người tiếp tục đi lên phía trước. Một gã hảo thủ Cẩm Y Vệ đá trúng một thứ gì đó, vội khom lưng nhìn. Thì ra đó chính là cái đầu tên đệ tử xấu số kia, cơ mặt trên đó vẫn còn lộ đầy sự sợ hãi. Gã Cẩm Y Vệ nọ kinh hãi, làm rơi cây đuốc xuống đất. Chợt nghe bên cạnh có tiếng thở phì phò kì lạ, hắn rút binh khí ra, quay đầu quát:

- Là người nào!

Ngũ Định Viễn cùng Diễm Đình đi sát nhau, vừa khéo đứng sau người đó. Ngũ Định Viễn thấy hắn quay đầu lại thì vội nhắc:

- Không được quay đầu. Mau quay ra trước!

Hảo thủ Cẩm Y Vệ nọ ngẩn ngơ hỏi:

- Cái gì?

Lời còn chưa tắt thì bỗng có thứ gì vụt qua, hảo thủ nọ không kịp kêu thì đã không thấy cái đầu đâu nữa, thi thể không đầu lại đổ về phía Diễm Đình.

Diễm Đình thét lên một tiếng chói tai, định quay đầu chui vào lòng Ngũ Định Viễn. Ngũ Định Viễn vội quát:

- Không được quay đầu, gắng nhìn lên phía trước!

Sắc mặt Diễm Đình trắng bệch, trơ mắt nhìn thi thể không đầu đổ ập xuống dưới chân, sợ tới mức sắp ngất xỉu.

Ngũ Định Viễn không dám vọng động. Hắn nhặt cương đao của tên hảo thủ nọ lên, mượn thân đao bóng loáng đó phản xạ cảnh tượng phía sau.

Diễm Đình kề sát người hắn, thấp giọng hỏi:

- Ngũ đại gia, huynh nhìn thấy gì?

Bỗng thân hình Ngũ Định Viễn run lên, nói:

- Ta không biết đó là thứ gì, nhưng…không phải là người.

Mới rồi, tuy chỉ trong sát na nhưng Ngũ Định Viễn đã nhìn thấy thứ kia phản chiếu qua cương đao, hình dạng nó rất quái dị, không biết là quái vật phương nào.

Ngũ Định Viễn không dám nói nhiều, mang theo Diễm Đình bước qua thi thể tiếp tục đi về phía trước.

Lúc này, một gã đệ tử Côn Luân không may vấp phải xác chết hảo thủ nọ nên ngã ra. Tên đệ tử này có võ công không kém liền đưa tay chống khẽ xuống đất, thân hình vừa động đã bật lên.

Ai ngờ toàn thân hắn run lẩy bẩy, đưa mắt nhìn Kim Lăng Sương thì hoảng sợ nói:

- Sư bá, ta. . . Vừa rồi ta đã quay đầu lại!

Kim Lăng Sương lắp bắp kêu lên:

- Mọi người mau rút binh khí ra!

Liền lúc này, có một vật lao tới chộp nhanh về ót tên đệ tử kia. Kim Lăng Sương kinh hãi vội quát:

- Mau nằm xuống!

Đệ tử kia xoạc chân một cái định nằm xuống đất, có điều vẫn chậm một bước. Vật kia tới nhanh không tưởng. Chỉ nghe một tiếng hét thảm, cái đầu tên đệ tử kia không thấy đâu nữa, thi thể không đầu tự đổ gục xuống.

Đám đệ tử Côn Luân còn lại kinh hãi tới phát run. Lúc này Đồ Lăng Tâm đã tới, thấy cảnh tượng bi thảm như vậy, hắn một đời hung bạo tàn nhẫn mà cũng hoảng sợ.

Kim Lăng Sương thì lòng đầy tức giận. Y bước một bước quay đầu lại, trợn mắt đảo một vòng về bóng tối trong động quát:

- Yêu nghiệt phương nào dám tác quái ở đây! Mau lăn ra cho ta!

Y tự tin vào kiếm pháp bản thân nên có ý quay đầu dẫn dụ yêu ma tới, không chút sợ sệt.

Mấy người Côn Luân bội phục trong lòng, cũng không ngại quay đầu đồng loạt giơ kiếm bảo vệ Kim Lăng Sương,

Kim Lăng Sương đang cao giọng mắng to, bỗng nghe thấy tiếng chi chi truyền ra. Y rùng mình nhìn lại, chỉ thấy một con quái vật đang bò trên vách động. Quái vật hình dáng trông như loài vượn, tay chân dài buông thõng, toàn thân mọc đầy lông rậm, trên tay đang tung nghịch một cái đầu người, bộ dáng đầy hung ác.

Kim Lăng Sương thối lui một bước, hoảng sợ nói:

- Đây là con gì?

Quái vật kia chớp mắt nhìn Kim Lăng Sương. Nó kêu to một tiếng rồi xoay mình vọt xuống, đưa tay chộp tới đầu y.

Kim Lăng Sương vội xuất kiếm nhưng vẫn chậm một bước. Đồ Lăng Tâm đứng gần vội quát:

- Không được cậy mạnh! Mau lui!

Hắn nhanh tay lẹ mắt kéo sư huynh lại. Cánh tay quái vật kia trảo vào không trung, không thể lấy đầu Kim Lăng Sương.

Quái vật thấy đám người Côn Luân đồng loạt giơ kiếm chỉ vào nó thì trừng mắt tựa hồ rất tức giận. Nó rống to một tiếng rồi mãnh liệt tát tới phía trước. Một đệ tử đứng mũi chịu sào kêu lên sợ hãi:

- Mẹ ơi!

Thoáng chốc tiếng kêu thảm thiết bị ngắt lại, cái đầu của tên đệ tử đó đã bị tát rụng.

Liên tiếp chết bốn người. Đám đệ tử vừa kinh vừa sợ, không ai dám ngăn cản mà vội chạy tán loạn. Quái vật kia liên tục kêu to, vung tay quạt loạn. Chỉ thấy đầu người bay đầy trời, máu tươi chảy đầm đìa trên đất, tiếng kêu khóc vang lên không ngừng. Đám người Cẩm Y Vệ ở xa xa, thấy môn nhân Côn Luân đang cản đường quái vật liền tranh thủ chạy nhanh về phía trước.

Ngũ Định Viễn thấy không người nào có thể ngăn quái vật nổi một chiêu, liền kéo Diễm Đình lại thấp giọng nói:

- Chúng ta đi nhanh lên!

Hai người chạy nhanh về phía trước, không ngoái lại nhìn lần nào.

Đồ Lăng Tâm thấy nhiều đệ tử chết thảm. Quái vật lại đang tung hoành khắp nơi thì hừ một tiếng, xuất ra "Kiếm Cổ" đâm tới. Nhát kiếm này rất nhanh, quái vật đang mải giết một đệ tử nên nào biết phía sau có cao thủ đột kích. Đến khi nó phát giác đã không kịp né tránh, bị Đồ Lăng Tâm đâm trúng một kiếm.

Đồ Lăng Tâm liền thúc dục âm kình "Kiếm Cổ” đẩy vào trong cơ thể quái vật. Quái vật ré lên một tiếng rồi ngã ra. Đồ Lăng Tâm đuổi theo, đang định bồi thêm một kiếm nữa. Có điều trong chớp mắt, quái vật kia đã chui vào trong một cái động trong vách đá, thân pháp mau lẹ dị thường.

Đồ Lăng Tâm đuổi tới kêu lên:

- Quái vật đã trốn vào trong động!

Hắn canh cửa động rồi lớn tiếng mắng chửi. Đúng là võ dũng chấn ba quân, trước mặt cả yêu ma quỷ quái vẫn đầy hung ác thô bạo.

Giang Sung đang cùng mấy người tiến lên phía trước, nghe phía sau vang lên tiếng thét kinh hãi. Thấy đám thuộc cấp từ sau kích động chạy lên, y dừng lại hỏi:

- Làm sao thế?

Một gã Cẩm Y Vệ còn run lẩy bẩy nói:

- Có quái vật xuất hiện, giết rất nhiều người…

Giang Sung mắng:

- Không phải đã bảo các ngươi đừng quay đầu lại sao? Còn không nghe lời ta?

Người nọ cúi đầu nhu thuận không dám nói gì. Lúc này Ngũ Định Viễn và Diễm Đình cũng chạy tới, nghe Giang Sung trách cứ thì liền nói:

- Cũng không thể trách bọn họ. Quái vật kia thực sự rất hung ác, gặp người liền giết ngay, không ai chống nổi.

An Đạo Kinh kinh ngạc hỏi:

- Rốt cuộc nó là quái vật gì?

Giang Sung thở dài:

- Không dấu các ngươi, quái vật kia là “Trường Hữu” được ghi lại trong Sơn Hải Kinh (1). Nó trông như vượn, toàn thân mọc đầy lông rậm. Chỉ cần có người quay đầu lại nhìn nó, nó sẽ nhào lên cắn chết. Năm đó ta mang binh vào động này, phải cho nó làm thịt mấy trăm người mới tránh được một kiếp.

An Đạo Kinh hoảng hốt nói:

- Chúng ta mau chạy mau đi!

La Ma Thập nghe mấy người nói chuyện thì đi tới, lắc đầu nói:

- An Thống lĩnh nói chưa đúng rồi. Lúc này còn không tiêu diệt quái vật, tử thương sẽ càng thảm trọng. Chúng ta cần tìm ra biện pháp xử “Trường Hữu” nọ.

Giang Sung gật đầu nói:

- Đại sư nói rất phải.

Y chỉ vào An Đạo Kinh, sai rằng:

- An Thống lĩnh, ngươi dẫn người qua đó giải quyết quái vật.

Sắc mặt An Đạo Kinh ủ rũ, trong lòng chửi rủa La Ma Thập:

- Lão đầu trọc chết dẫm, muốn giết quái vật sao không tự động thủ, lại để lão tử đi làm!

Có điều không thể trái lệnh Giang Sung, hắn lẩm bẩm một tiếng rồi nói:

- Mọi người đi theo ta!

Đám người Cẩm Y Vệ đành nén sợ đi theo thống lĩnh. Mọi người đi tới, đã thấy Đồ Lăng Tâm, Kim Lăng Sương đang ngưng trọng canh gác trước cửa động. Kim Lăng Sương thấy An Đạo Kinh đến, liền nói:

- An Thống lĩnh, quái vật kia chạy vào trong động, chúng ta phải làm sao lôi nó ra mà giết?

An Đạo Kinh vừa sợ vừa tức, thầm nghĩ:

- Ngươi muốn giết thì tự đi mà giết, hỏi ta làm gì?

Có điều thân là thống lĩnh Cẩm Y Vệ, sao có thể mất uy phong trước mặt cấp dưới. Hắn hừ một tiếng, nói:

- Ta phụng mệnh Giang đại nhân tới giết yêu hàng ma. Các ngươi tránh ra, xem bản lĩnh của chúng ta.

Đám người Côn Luân vừa mừng vừa sợ vội tách ra. Đồ Lăng Tâm chắp tay nhưng lại nhếch miệng cười nói:

- Đồ mỗ cung kính thưởng lãm thần kỹ của An Thống lĩnh.

An Đạo Kinh đang tính bước vào trong, chợt nghe trong động truyền ra một tiếng rống lớn thì sợ tới mức hồn phi phách tán. Hắn vội chỉ vào hai gã thủ hạ, lạnh lùng nói:

- Hai người các ngươi vào xem đi.

Hai gã hảo thủ hoảng sợ, run giọng nói:

- Tiểu nhân……Chúng tiểu nhân có thể nào. . .

An Đạo Kinh quát:

- Sao không thể? Giữ các ngươi lại làm cái gì? Để ăn cơm mắc áo sao?

Hai người kia lẩm bẩm vài tiếng không tình nguyện, cẩn thận nắm chặt binh khí đi vào cửa động. Chỉ thấy một mảng tối đen không biết nông sâu thế nào.

Một người tên là Lý Tam vốn nhát gan, nói:

- Ngươi đi vào trước đi, ta yểm trợ cho ngươi.

Tên còn lại gọi là Trương Tứ, nghe vậy cả giận nói:

- Con bà nó, sao không phải ngươi đi vào trước?

Hai người tranh chấp một hồi nhưng không ai dám chui vào, cuối cùng lấy ám khí ra ném vào trong. Chỉ thấy ám tiễn, phi đao, cương tiêu bay vào không dứt, không có cái nào là không mang kịch độc.

Hai người ném một trận thì hết ám khí, trong động kia vẫn lặng yên không một tiếng động. Bọn họ cố ý làm cho có lệ, thấy quái vật không ra liền xoay người nhìn mọi người nói:

- Mọi người không cần kinh hoảng. Nhất cử nhất động của quái vật đều nằm trong lòng bàn tay chúng ta. Nếu nó dám can đảm tấn công, chúng ta còn có mười tám bộ võ công có thể đối phó, mọi người nên đi thôi!

Hai người tuy nhát gan nhưng cũng biết đạo lý ứng xử nơi công môn khi gặp kỳ biến, chính là "Không kinh sợ khi thấy chuyện quái dị, vĩnh viễn thắng lợi bất bại". Nếu là khư khư cố chấp tìm hiểu, chỉ e lại lộ ra chân tướng. Khi đó lại là "Thấy quái mà lấy làm quái, chưa chiến đã bại”

Kim Lăng Sương hừ một tiếng, nói :

- Các ngươi làm càn một trận như vậy, coi như đã xong sao?

Trương Tứ cười lạnh nói:

- Quái vật đã co đầu rút cổ không ra, chúng ta cần gì ép bức nữa? Đấy không phải là tổn thương hòa khí sao? Phải biết rằng hòa thì dễ mà chiến thì khó! Nếu chúng ta không phải bậc đại trí đại dũng, sao có thể thả cho nó đi như vậy!

Các cao thủ Côn Luân nghe hắn hồ ngôn loạn ngữ thì đều cười lạnh một tiếng, thần sắc tỏ vẻ khinh thường.

Lý Tam thấy mọi người cười khẩy, vội đáp:

- Quái vật kia hiếm lạ như thế, nghĩ đến cũng có thể ngang hàng với Phi Long, Kỳ Lân, Thần Quy, Phượng Hoàng bốn biểu tượng của điềm lành, nên xem như điều tốt. Ngài cố chấp bức chúng ta phải giết nó. Các bậc thánh hiền như Khổng Tử Mạnh Tử mà biết, chẳng phải sẽ đau lòng lắm sao?

Kim Lăng Sương thở dài một tiếng, quay đầu hỏi An Đạo Kinh:

- An Thống lĩnh, chuyện này tính sao?

An Đạo Kinh hừ một tiếng, nói :

- Quái vật kia sớm chết từ lâu, các ngươi kêu la cái gì? Nếu không tin, ta lôi thi thể nó ra cho xem!

Kim Lăng Sương lắc lắc đầu, nói :

- Tùy các ngươi, nếu quái vật kia không ra thì chúng ta đi thôi.

Hai gã hảo thủ nọ nhìn nhau, thở phào một hơi rồi xoay người trở về. Ai ngờ mới bước được một bước, trong động lại truyền ra tiếng thét chói tai chấn động. Chỉ thấy một bóng đen chợt lóe, quái vật kia lại vọt ra. Hai gã nọ hoảng hốt giơ đao ngăn chặn, có điều cánh tay kịp chưa giơ lên thì cái đầu đã bị trảo rụng.

------

Chú: (1) SƠN HẢI KINH – Bách Khoa Toàn Thư thời cổ Trung Quốc.

Sơn Hải Kinh là cổ tịch thời Tiên Tần của Trung Quốc, trong đó chủ yếu mô tả các thần thoại, địa lý, động vật, thực vật, khoáng vật, vu thuật, tông giáo, cổ sử, y dược, tập tục, dân tộc thời kỳ cổ đại. Sơn Hải Kinh nguyên bổn có hình vẽ mô tả hẳn hoi, gọi là “Sơn Hải Đồ Kinh”, nhưng bản này đến đời Ngụy Tấn thì thất truyền. Có học giả cho rằng, Sơn Hải Kinh không chỉ đơn thuần là quyển sách ghi lại truyện thần thoại, mà là thứ sách địa lý thời cổ đại, bao quát nhiều loài chim thú khắp núi sông vùng Hoa Hạ lẫn các lãnh thổ hải ngoại. Tác giả và thời gian hoàn thành Sơn Hải Kinh chưa được xác định, trước thì cho rằng do Bá Ích và Đại Vũ làm, nhưng hiện giờ các học giả Trung Quốc cho rằng thời gian để hoàn thành sách này trải qua nhiều kỳ, làm bỡi nhiều tác giả khác nhau, niên đại vào khoảng từ thời Chiến Quốc kéo dài cho đến đầu thời Hán. Sách có thể là do nhiều người ở nước Sở, Sơn Đông, Ba Thục cùng người từ nhiều địa phương khác, đến thời Hán thì được tập hợp lại để làm sách dạy học.

Sơn Hải Kinh chuyển tải nhiều thần thoại cố sự mang màu sắc thần bí với hàng loạt quái thú kỳ dị. Trong sách có rất nhiều chuyện được viết từ lời truyền khẩu, tập hợp thành nhiều bản khác nhau. Bản sách được cho là sớm nhất được hai cha con Lưu Hướng, Lưu Hâm soạn thành. Thời Tấn có Quách Phác chú thích và khảo chứng Sơn Hải Kinh. Thời Minh có Vương Sùng Khánh làm “Sơn Hải Kinh thích nghĩa”, Dương Thận làm “Sơn Hải Kinh bổ chú”, Ngô Nhâm Thần làm “Sơn Hải Kinh nghiễm chú”. Thời Thanh, Ngô Thừa Chí soạn “Sơn Hải Kinh địa lý kim thích”, Tất Nguyên làm “Sơn Hải Kinh Tân Giáo Chánh”, Hác Ý soạn “Sơn Hải Kinh tiên sơ”. Thời Dân quốc có lưu hành bản “Sơn Hải Kinh giáo chú” của Viên Kha rất đáng quan tâm.

Toàn bộ Sơn Hải Kinh có 18 quyển, trong đó Sơn Kinh có 5 quyển, Hải Kinh có 8 quyển, “Đại hoang kinh” có 4 quyển, “Hải nội kinh” một quyển, cộng lại khoảng 31.000 chữ. Nó mô tả trọn 100 quốc gia (nhỏ, bên trong Trung Quốc thời xưa), 550 núi, 300 thủy đạo, cùng các phong cảnh địa lý, phong thổ, sản vật của các nước. Trong Sơn Kinh còn có một bộ phận mô tả về vu sư, phương sĩ, và từ quan – những lớp người chuyên cầu đảo phong thuật rất thịnh hài thời xưa. Kinh được miêu tả theo lối truyền kỳ, nhưng có có chút ít giá trị khoa học, rất đáng tham khảo cho người nghiên cứu về sử học, văn học, và ... dịch thuật. Trong Sơn Kinh có bảo tồn nhiều nghi thức tế lễ thần thánh, có thể làm bản đối chiếu và nghiên cứu “Chu lễ” thời xưa, ví dụ như các bản mối được phát hiện thêm như “Bao sơn sở giản”, “Vọng sơn sở giản”, “Tân Thái sở giản”. Truyền thuyết về Nữ Oa thời cổ đại cũng là từ Sơn Hải Kinh mà ra. Các kiệt tác trứ danh khác bao gồm: “Khoa phụ đuổi theo mặt trời”, “Nữ oa vá trời”, “Hậu nghệ bắn rụng chính mặt trời”, “Hoàng đế đại chiến Xi Vưu”, “Thần Cộng Công giận quá đập đầu vào Chu sơn dẫn đến cơn Đại hồng Thủy”, “Cổn (Cha của vua Hạ Vũ/Đại Vũ) trộm Tức nhưỡng trị thủy thành công”, “Thiên đế lấy lại Tức nhưỡng, giết Cổn, cho đến khi vua Đại Vũ trị thủy thành công.

Ngoài ra, Sơn Hải Kinh còn ghi lại những sự kiện kỳ quái mà hầu hết cho đến nay vẫn còn đang được tranh luận. Sách này án theo đất đai ghi lại sự kiện, chứ không ghi theo thời gian. Trong đó, hầu hết sự vật đều phát sinh từ hướng nam, sau đó mới dần lên hướng Tây, hướng Bắc, rồi tới trung bộ (Cửu Châu) của đại lục. Cửu Châu được vây quanh bởi Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải. Việc thuận theo hướng Nam – Tây – Bắc – Đông này rất khác với thuận hướng Đông Nam Tây Bắc sau này, so với các thư tịch ghi lại chuyện các đại đế thời cổ thường ngồi xoay mặt về hướng nam, rồi quan niệm “thiên nam địa bắc” ... nhất định có liên quan. Từ thời cổ đại, Trung Quốc cứ nhất mực lấy Sơn Hải Kinh làm sách tham khảo cho các đại sử gia, ngay cả như Tư Mã Thiên cũng nhận định trong Sử Ký của mình: “Chí Vũ Bổn kỷ, Sơn Hải Kinh sở hữu quái vật, dư bất cảm ngôn chi dã” .

*Sơn Hải Kinh có 18 quyển, tạm thời phân ra 5 quyển phần Sơn kinh và 13 quyển Hải kinh: 1/- Sơn Kinh

Quyển 1: Nam Sơn Kinh: Bao gồm Thước Sơn, Chiêu Diêu Sơn, Đường Đình Sơn, Viên Dực Sơn, Nữu Dương Sơn, Để Sơn, Đản Viên Sơn, Cơ Sơn, Thanh Khâu Sơn

Quyển 2: Tây Sơn Kinh

Quyển 3: Bắc Sơn Kinh

Quyển 4: Đông Sơn Kinh

Quyển 5: Trung Sơn Kinh

2/- Hải Kinh

Quyển 1: Hải Ngoại Nam Kinh

Quyển 2: Hải Ngoại Tây Kinh

Quyển 3: Hải Ngoại Bắc Kinh

Quyển 4: Hải Ngoại Đông Kinh

Quyển 5: Hải Nội Nam Kinh

Quyển 6: Hải Nội Tây Kinh

Quyển 7: Hải Nội Bắc Kinh

Quyển 8: Hải Nội Đông Kinh

Quyển 9: Đại Hoang Đông Kinh

Quyển 10: Đại Hoang Nam Kinh

Quyển 11: Đại Hoang Tây Kinh, bao gồm: Bất Chu Sơn, Hàn Thử Tuyền, Thấp Sơn, Mạc Sơn, Vũ Công và Công Quốc Sơn, Thục Sĩ Quốc, Nữ Oa Chi Tràng, Thạch Di, Cuồng Điểu, Bạch Dân Quốc, Trường Hĩnh Quốc, Tây Chu Quốc, Thúc Quân, Xích Quốc, Song Sơn, Phương Sơn, Quỹ Cách Tùng, Tiên Dân Quốc, Bắc Địch Quốc, Mang Sơn, Quế Sơn, Dao Sơn, Thái Tử Trường Cầm, Hoàng Điểu, Loan Điểu, Phượng Điểu, Xa Tự Ngọc Môn Sơn, Linh Sơn, Thập Vu, Tây Vương Mẫu Sơn, Hải Sơn, Hác Sơn, Ốc Quốc, Thanh Điểu, Long Sơn, Tam Náo, Nữ Sửu Thi, Nữ Tử Quốc, Đào Sơn, Kiền Thổ Sơn, Trượng Phu Quốc, Yểm Châu Sơn, Minh Ô, Hiên Viên Quốc, Yểm Tư, Nhật Nguyệt Sơn (Ngô Cơ Thiên Môn Sơn), Hư, Thiên Ngu, Thường Hi, Huyền Đan Sơn, Hoàng Ngao, Mạnh Dực Công, Chuyên Húc Trì, Ao Ngao Cự Sơn, Bình Bồng, Vu Sơn, Hác Sơn, Kim Môn Sơn, Hoàng Cơ Thi, Bỉ Dực Điểu, Bạch Điểu, Thiên Khuyển, Côn Lôn Sơn, Côn Lôn Thần, Nhược Thủy, Viêm Hỏa Sơn, Tây Vương Mẫu, Thường Dương Sơn, Hàn Hoang Quốc, Nữ Tế, Thọ Ma Quốc, Hạ Canh Chi Thi, Ngô Hồi, Cái Sơn Quốc, Chu Mộc, Nhất Tí Dân, Đại Hoang Sơn, Tam Diện Nhất Tí Nhân, Hạ Khải, Hỗ Nhân Quốc, Linh Kiết, Ngư Phụ, Đại Vu Sơn, Kim Sơn...

Quyển 12: Đại Hoang Bắc Kinh

Quyển 13: Hải Nội Kinh

Trong Sơn Hải Kinh cổ có hình vẽ, bằng chứng là Đào Uyên Minh có bài “Lưu Quan Sơn Hải Đồ”, Tất Nguyên chỉ ra trong bản “Sơn Hải Kinh cổ kim bổn thiên khảo” rằng: “Sơ Hải Kinh có cổ đồ, truyền từ thời Hán Sở, có hình của Lương, Trương, Tăng, Diêu và các người khác nữa.” Nhưng bản vẽ cổ của Sơn Hải Kinh đã thất truyền, chỉ còn lại những bản thời Minh – Thanh như “Sơn Hải kinh đồ hội toàn tượng”, “Sơn Hải kinh đồ”... Năm 2001, Mã Xương Nghi, nghiên cứu viên của Học viện Nghiên cứu Văn học Xã hội Trung quốc đã nghiên cứu, thu thập hơn 1000 bức Sơn Hải đồ kinh, phối hợp cùng với bản văn tự của Sơn hải Kinh, tạo thành “Cổ Bản Sơn Hải kinh đồ thuyết”. Bản này mỗi mục có từ hai đến bốn hình, được giải thích tường tận, là bản đầy đủ nhất về Sơn Hải kinh. Sách được Sơn Đông Họa báo xuất bản xã xuất bản năm 2002 (ISBN 7-80603-521-4). Bản mới xuất bản 2007 (ISBN 978-7-5633-6397-1) có hơn 1500 hình, tuyển lựa từ 16 chủng loại khác nhau.

codon.trai

Bạn đang đọc Thiên Hùng của Tôn Hiểu Mạn
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi TàThần
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.