Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tên đề bảng vàng (2)

Phiên bản Dịch · 2048 chữ

- Lý chủ khảo, ngài xem, bài thi này hồ dính bị bóc ra rồi.

Một vị Bác sĩ đứng lên, giơ cao bài thi đó, hỏi Lý Cương:

- Phải xử lý thế nào đây?

Hồ danh chính là phần ghi rõ họ tên, quê quán cùng số báo danh của mỗi thí sinh trước khi thi, sau đó phải dùng một tờ giấy dài dán chồng lên, che toàn bộ nó đi. Nếu cố tình dán sai hoặc không dán thì bài thi bị gạt ngay lập tức, đây là một quy định cực kì nghiêm khắc, nhưng trừ một số trường hợp ngoài ý muốn, chẳng hạn hồ danh bị tróc ra như bài thi trước mắt.

- Đưa cho ta xem!

Lý Cương nhận bài thi từ vị Bác sĩ, nhanh chóng liếc qua phần tên họ, là Vương Tích, người Thái Nguyên, rồi ông ta liếc sang thơ:

Đông cao bạc mộ vọng,

Tỷ ỷ dục hà y.

Thụ Thụ giai thu sắc,

Sơn sơn duy lạc huy.

Thơ viết rất hay, thiếp kinh thì đúng hết, sách luận cũng được xếp loại xuất sắc, nếu cứ theo cái đà này thì Vương Tích chắc chắn nằm trong tốp mười, nhưng hồ danh của y sao lại bị tróc ra chứ, mà y lại là người của Vương thị.

Nếu theo quy định, hồ danh vô cớ bong tróc, hơn nữa còn liên quan đến khảo sinh, bài thi này nhất định không được tính. Lý Cương suy nghĩ hồi lâu, rồi ông ta dùng một tờ giấy trắng dán trùm lên, nhấc bút, tự bình phẩm bài thi này.

….

Ba ngày chấm bài cuối cùng cũng kết thúc. Buổi trưa, Lý Cương tay cầm một chiếc túi da bịt kín, đi tới Tử Vi các, vào Nghị sự đường, trong đó Dương Nguyên Khánh và năm vị tướng quốc đã chờ sẵn.

- Thật thất lễ, ta có chút chậm trễ.

Lý Cương áy náy nói.

- Lý tiên sinh mấy ngày nay đã cực khổ nhiều.

Dương Nguyên Khánh cười cười nói:

- Chúng ta đợi đã lâu, không biết Trạng Thủ năm nay sẽ rơi vào nhà nào?

Theo quy định của Tùy đế Dương Quảng, các sĩ tử tham gia thi tỉnh đều phải trình văn trạng đến bộ Lễ, cho nên người đứng đầu được xưng là Trạng Thủ hay Trạng Nguyên. Dương Nguyên Khánh tuy có thể chọn ra ba mươi người theo ý riêng, nhưng như đã thống nhất, ba mươi người đó chỉ được xếp vào nhị giáp, không được tiến cử lên nhất giáp.

Nhất giáp chính là hai mươi người xếp đầu tiên, được gọi là tiến sĩ, còn 170 người còn lại thuộc nhị giáp, gọi là tòng tiến sĩ.

Lý Cương mở túi ra, đưa danh sách những thí sinh trúng tuyển, còn phía dưới là bài thi của mười người xuất sắc nhất, danh sách chính thức của mười người này phải được các tướng quốc trong Tử Vi các thống nhất quyết định.

Bùi Củ liếc mắt nhìn, xếp thứ hai là con cháu Bùi gia, Bùi Thanh Tùng, trong lòng ông đột nhiên giật thót. Đứng thứ ba là Vương Tích, ông biết người này là tộc đệ của Vương Tự, có chút tiếng tăm ở Hà Đông. Còn người đứng đầu ông chưa từng nghe qua, Chử Toại Lương, họ Chử à, lẽ nào là người Dương Địch, ông biết có một Chử Lượng cùng Ngu Thế Nam nổi tiếng là hai đại văn sĩ nổi danh của triều Nam.

Lý Cương liền giải thích:

- Về phần Chử Toại Lương, bài thi của cậu ta cả về sách luận, thơ hay kinh thiếp đều hoàn hảo, thư pháp cũng tốt, rất có khí chất, ta hổ thẹn không bằng y, tất cả các Bác sĩ đều thống nhất để cậu ta đứng đầu bảng.

Mọi người đều xem bài của Chử Toại Lương, chữ viết quả nhiên rất được, trong trẻo quyến rũ, vừa trầm lại vừa sinh động, tuy còn thoáng chút bồng bột, có thể là do tuổi trẻ. Đợi một thời gian nữa, người này nhất định trong tương lai sẽ là một đại thư pháp nổi tiếng.

Dương Nguyên Khánh nhìn kĩ danh sách trúng tuyển, hắn đã sắp xếp ba mươi người trong đó, con của Thẩm Bách là Thẩm Trạm đứng thứ ba mươi tư, rồi hắn cười hỏi:

- Thế nào, cứ chiếu theo danh sách này mà yết bảng chứ?

Vương Tự cắn môi, gã có chút không vừa lòng khi Bùi Thanh Tùng đứng trước Vương Tích. Nhưng có mặt Bùi Củ ở đây, gã e ngại không tiện nói. Suy cho cùng, sách luận Vương Tích sai một chữ, Bùi Thanh Tùng thì đúng hết, tuy nhiên ở phần thiếp kinh, y có một câu xóa sửa, nói chung là không được hoàn mĩ.

Bùi Củ hiểu được tâm lý của Vương Tự, liền nói:

- Hay là để Bùi Thanh Tùng xếp ở vị trí thứ ba đi! Dù sao Vương Tích vốn là đại văn sĩ nổi danh ở Tấn Trung, để y đứng trước càng làm cho người đời nể phục.

Vương Tự im lặng, gã thực ra cũng bằng lòng với kiến nghị của Bùi Củ. Dương Nguyên Khánh suy nghĩ một chút, lại hỏi Lý Cương:

- Tiên sinh nghĩ thế nào?

Lý Cương cười nói:

- Hai người này không chênh lệch nhau lắm, ta không có ý kiến gì!

Dương Nguyên Khánh gật đầu:

- Vậy danh sách này sẽ điều chỉnh một chút, Vương Tích xếp thứ hai, Bùi Thanh Tùng thì xếp thứ ba.

….

Giữa trưa, hơn hai mươi ngàn sĩ tử từ bốn phương tám hướng chạy tới bắc thành, đi vào bên trong giáo trờng, sĩ tử đứng chen chúc, vân kín một vùng, chỉ thấy toàn đầu người.

Mặc dù sẽ có quan viên đi đến từng quán trọ báo tin, nhưng lại muộn hơn so với lúc dán yết bảng ít nhất một canh giờ, vì thế mà nhiều sĩ tử chọn cách vọt vào trong giáo trường xem bảng.

Bảng vàng được dán lên, đính trên ba mươi bảng gỗ lớn, phía dưới có binh lính bảo hộ, gồm có danh sách hai trăm người trúng tuyển và danh sách hai nghìn người được học tại Quốc Tử Học.

Điều này khiến cho nhiều người có chút an ủi, tuy không đậu tiến sĩ, nhưng ít ra có thể vào đọc sách trong Quốc Tử Học, tương lai sẽ có cơ hội được làm quan.

Có một quan viên cao giọng hét:

- Các vị sĩ tử xin mời về cho, rồi sẽ có người đích thân đến báo tin vui, bảng danh sách này sẽ được giữ lại trong vòng mười ngày, ngày mai, ngày kia cũng có thể đến xem.

Tên quan ấy hét khô cả cổ mà chẳng ai thèm để ý tới lời của gã, bảng danh sách vẫn chật ních người đến xem, thỉnh thoảng có vài tiếng hô to vui mừng.

Có lẽ vì đây là lần khoa cử đầu tiên, nên các quan viên trông coi yết bảng không thể lo nghĩ chu toàn, các sĩ tử không chỉ xem một lần rồi đi, bọn họ xem một lần không thấy tên mình, thì có thể xem lần thử hai, thứ ba, thậm chí là bốn năm lần... Cứ như vậy, người đứng sau không nhìn được bảng danh sách nên mới la to.

Chử Toại Lương tới chậm một bước, trước mặt là cả ngàn người đang chen chúc, nửa ngày rồi mà vẫn không chịu rời đi, y sốt ruột, rốt cuộc bọn họ định xem cho tới bao giờ đây?

Ngay lúc đó, y nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình, Dư Hàng Chử Toại Lương, y liền hét lớn:

- Ta ở đây!

Giáo trường lập tức im lặng lạ lùng, hàng nghìn ánh mắt quay sang nhìn y khiến y chột dạ, không biết đã xảy ra chuyện gi?

- Có chuyện gì vậy?

Y cười khan hỏi mấy người cạnh đó.

Một gã sĩ tử nhìn Chử Toại Lương, chậm rãi gằn từng chữ:

- Dư Hàng Chử Toại Lương, chính là Trạng Nguyên của lần khoa cử này.

Phía nam thành Thái Nguyên, một đội quân Tùy hộ tống mười mấy sứ giả triều Đường đang tiến về cửa thành, đi đầu là một người đàn ông cao to, độ bốn mươi tuổi, mày rậm mắt nhỏ, mũi to như quả cà chua. Ông ta chính là tòng đệ Lý Thần Thông (chỉ quan hệ cùng ông cố khác cha - BTV) của Lý Uyên, phong quan Hoài An Vương, Hữu dực Vệ đại tướng quân.

Lý Thần Thông khởi hành từ Bồ Tân Quan đến Hà Đông, 500 tên lính của ông ta không thể nhập cảnh, vì thế ông ta được quân Tùy hộ tống đi hướng bắc đến Thái Nguyên trước.

Lần này, ông ta gánh vác trọng trách đến giải hòa với triều Tùy, trong lòng có chút sốt ruột. Từ lúc chiến dịch Thái Nguyên bùng nổ giữa bắc Tùy và triều Đường, Triều Đường luôn ở thế bị động, làm cho các giới Quan Lũng đều bất mãn với triều đình, thêm vào đó là sự kiện Đồng Quan dẫn đến Hoằng Nông thất bại thảm hại, làm cho quý tộc Quan Lũng càng thêm bất mãn với gia tộc Lý thị.

Lý Thần Thông hiểu rất rõ áp lực cực lớn mà huynh trưởng của ông ta phải chịu đựng,, ông ta cũng đồng ý với đề nghị của Lý Kiến Thành, trước mắt hòa giải với bắc Tùy, rồi sau này tìm cách để lập công lớn ở phương diện khác, dần dần khôi phục lòng tin của nhân chúng với triều đình.

Đến chỗ cửa thành có một tên quan viên đứng đợi, thấy Lý Thần Thông , y liền thúc ngựa chạy lại, khom người thi lễ:

- Tôn giá (cách gọi tôn trọng với người đối diện – BTV) đây có phải là sứ giả đến từ triều Đường?

- Tại hạ là Lý Thần Thông, là sứ giả nhà Đường.

- Hạ quan là Nội sử xá nhân Vi Luân, phụng lệnh Tử Vi các đợi ngài ở đây, điện hạ dọc đường vất vả rồi.

Lý Thần Thông thấy người thanh niên này chưa đến hai mươi, có chút trí thức lại thông thạo lễ nghĩa, ứng phó linh hoạt, để lại cho ông ta một ấn tượng khá tốt, liền cười trả lời:

- Đa tạ !

Bỗng ông ta nghe có tiếng chiêng vang lên từ trong thành, thỉnh thoảng lại có tiếng hô từng đợt, không khí có phần náo nhiệt, ông ta ngẩn ra, trong thành có chuyện gì sao?

Vi Luân khẽ cười nói:

- Hôm nay là ngày tân khoa tiến sĩ diễu hành khoe quan, vì thế mà trong thành rất náo nhiệt.

Lý Thần Thông giật mình, có chút tò mò liền hỏi:

- Vậy ta có thể vào đó xem chút được không?

- Đương nhiên có thể, xin mời điện hạ.

Đoàn người Lý Thần Thông đi vào trong thành. Chỉ thấy trên đường lớn Tấn Dương tấp nập người, đến mấy trăm ngànngười chen chúc nhau đứng xem ở hai bên đường, lướt mắt không thấy đâu là giới hạn. Kỵ binh thì cách ba bước lại có một nhóm, năm bước lại có một trạm để duy trì trật tự.

Không khí toàn Thái Nguyên hân hoan như đón tết, tiếng trống, tiếng cheng vang lên tưng bừng, kèn Xô-na thổi những tràng dài rộn rã. Lúc này, một đám sĩ tử trẻ tuổi xuất hiện ở đầu đường, khoảng hai trăm người, trên người đeo một dải lụa đỏ, mặc áo gấm đỏ thắm, đầu đội mũ ô sa hai cánh, trước ngực là một đóa hoa gấm lớn màu đỏ, ai nấy cũng mang vẻ mặt hồng hào, vô cùng vui vẻ.

Thiên Hạ Kiêu Hùng

Tác giả: Cao Nguyệt

Quyển 15: Phong Khởi Vân Dũng Hà Đông Đạo

Bạn đang đọc Thiên Hạ Kiêu Hùng của Cao Nguyệt
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt thích 3
Lượt đọc 224

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.