Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Cứu huynh đệ, Lý Thông ứng kiếp. Trảm pháp bảo, Thiên Vấn ra oai.

Tiểu thuyết gốc · 3916 chữ

Nói tới Lý Thông đang ngồi trong doanh trại, đột nhiên có quân binh vào tâu. Bảo rằng Trịnh Tú tướng quân mai phục thành công, hiện đã mang theo mấy vạn hàng binh cùng ba vị tướng tới. Đang đứng hầu ngoài dinh.

Lý Thông hỏi là ba vị tướng nào. Tên lính kia đáp:

-Là ba vị tướng họ Đặng.

Một tham mưu là Khổng Chiêu đứng ra tâu:

-Bẩm quân sư, ba vị tướng họ Đặng này là ba anh em ruột. Cha ông từng phò Ngô Vương. Anh cả tên Đặng Sĩ Nghị, em thứ là Đặng Sĩ Phan, út là Đặng Sĩ Lẫm. Ba anh em tiến thối có nhau, đánh hợp công ít ai bì kịp. Nếu chiêu hàng được thì tốt lắm.

Lý Thông trầm ngâm chốc lát, rồi nói:

-Ta tự có chủ trương.

Nói rồi dặn chư quân phải làm thế này, thế này… Dặn dò xong xuôi mới truyền lệnh cho ba tướng vào dinh.

Ba huynh đệ họ Đặng lúc đấy đang đứng hầu bên cạnh Trịnh Tú. Chợt thấy có người chạy ra đem lệnh truyền tới. Ba người cùng với Trịnh Tú sửa sang mũ giáp, theo chân nhau đi vào.

Vừa vào đến nơi, chỉ thấy Lý Thông đang ngồi giữa chủ tọa, xung quanh có tướng tá hầu cận.

Ba huynh đệ Đặng gia chưa gặp Lý Thông bao giờ, nhưng trước đây đã nghe oai danh đồn xa. Từ chuyện chém Chằn Tinh, cho tới việc đánh Thiên Sách Vương, đả bại Kim Sí Điểu... Nay thấy tận mặt thì ngạc nhiên lắm, chỉ thấy đó là một người dung mạo xấu xí, nhưng ăn mặc tề chỉnh. Là quan văn nhưng có tướng quan võ, không giận tự uy. Ba người cả sợ vội quỳ xuống làm lễ.

Nào ngờ Lý Thông mặt trở giận, đập bàn quát:

-Tụi mi giết hại người vô tội mà bày trận đồ. Tưởng chịu hàng thì ta sẽ tha cho ư? Bay đâu, lôi ba thằng này ra chém!

Tướng tá xung quanh rút đao soàn soạt ra cả.

Ba huynh đệ khiếp vía. Trịnh Tú vội bước lên can ngăn, bẩm rằng:

-Xin quân sư minh xét, ba huynh đệ họ Đặng không hề tham dự vào chuyện bày trận ấy.

Lý Thông hỏi:

-Lấy cái chi làm bằng chứng?

Trịnh Tú ấp úng:

-Cái này… Cái này…

Lý Thông cười khẩy, nói:

-Không có chi làm bằng chứng, lời nói của một phía làm sao tin được? Chủ công có thể thiếu người tài, nhưng không thể thừa kẻ bất nhân được!

Đặng Sĩ Nghị, Đặng Sĩ Phan, Đặng Sĩ Lẫm, cả ba người nghe vậy thì thẹn quá hóa giận. Không hẹn mà cùng đứng lên, Sĩ Nghị trỏ tay chỉ Lý Thông mà nói rằng:

-Ba huynh đệ chúng tôi từ khi làm tướng đến nay chưa hề lạm sát kẻ vô tội, bởi vì không chịu làm theo kế của Lục Ngư Tinh nên bị giáng chức. Trong lòng lại hổ thẹn với bá tánh Hoan Châu mới tới đây xin hàng. Ngài đã không chịu cho thì thôi, hà cớ gì buông lời nhục mạ chúng tôi như thế. Đã các vị không cần, chúng tôi đi là được.

Lý Thông trầm mặt, nói:

-Trần đời này nào có chuyện đơn giản như thế? Thả các ngươi đi rồi, ai thay bá tánh Hoan Châu hỏi tội? Hôm nay muốn thoát khỏi đây phải cho ta lý do chính đáng!

Lời vừa dứt, chư tướng xung quanh đã bao vây ba người lại, chật kín cả lối đi.

Đặng Sĩ Nghị nhìn quanh một vòng rồi thở dài, thán rằng:

-Mộng chung quy cũng chỉ là mộng, làm sao hoá thành sự thật được!? Nếu ngài đã không tin, chúng tôi chỉ còn cách lấy cái chết mà tỏ tường.

Ba người đồng loạt rút đao bên hông ra hoành đao lên cổ định tự sát. Lý Thông vội kêu:

-Chậm đã!

Nói rồi đi thẳng xuống giật lấy đao trên tay Đặng Sĩ Nghị, nói:

-Ba vị không ngại lấy cái chết tỏ lòng sáng, đấy là bằng chứng rồi.

Ba huynh đệ còn chưa hiểu gì, Lý Thông nói:

-Ba vị chớ trách, hai quân giao chiến khó tránh khỏi kẻ gian. Tôi làm vậy vì là muốn thử lòng các vị. Nay các vị đã lấy cái chết tỏ lòng son. Thông tôi nỡ lòng nào để hiền tài chịu nhục, chẳng qua phải khuất tất ba vị một phen.

Nói rồi cho binh sĩ lui về, đoạn đưa đao ra sau gọt xuống một nhúm tóc, nâng hai tay dâng lên nói tiếp:

-Nay tôi cắt tóc này thay cho cái đầu trên cổ, đợi bắt được Lục Ngư Tinh đền tội. Ba vị hẵng cầm tóc đến đổi đầu của tôi, Lý Thông này mà nhíu mày một cái thì không phải là bậc trượng phu.

Ba huynh đệ họ Đặng nghe vậy rất cảm động, đồng loạt quỳ xuống, nói:

-Ngài là ánh trăng soi sáng màn đêm, chúng tôi là đom đóm dưới mặt đất. Nào có chuyện đom đóm đoạt ánh trăng bao giờ. Đang lúc chiến sự ngài cẩn thận là phải lẽ, chúng tôi nào dám vấn tội.

Lý Thông cả mừng, đỡ ba người dậy. Dặn dò quân ban thưởng trọng hậu, rồi sai người chỉnh lý hàng binh thật tốt. Sau đó mới gửi thơ về cho Đinh Bộ Lĩnh được biết. Khi xong xuôi hết thảy mới cho cho tướng tá lui xuống cả.

Khi chư quân giải tán hết, chỉ lưu lại mỗi Trịnh Tú. Lý Thông thấy vậy cười rồi hỏi:

-Tướng quân chắc thắc mắc vì sao Thông tôi chèn ép ba vị kia quá chớ gì?

Trịnh Tú không ngờ Lý Thông đoán được suy nghĩ trong lòng, thở dài một cái rồi nói:

-Quả là thế. Nguyện nghe quân sư nói rõ tường trình.

Lý Thông nói:

-Ba người kia vốn là hậu duệ của danh tướng dưới triều Ngô Vương. Tuy là hàng binh nhưng trong lòng vẫn chứa ngạo khí. Tôi làm vậy thứ nhất là gọt đi ngạo khí của ba người, thứ hai là muốn ám chỉ cho bọn họ, đây không còn là triều đại của Ngô Vương nữa. Giả dụ như ba người vì thế mà rời đi khó tránh khỏi bụng kêu hàng nhưng chí vẫn ở tiền triều.

Trịnh Tú ngạc nhiên, lại hỏi:

-Vậy cái việc hỏi tội kia là giả?

Lý Thông cười đáp:

-Đương nhiên là giả. Tôi nhìn tướng mạo ba người đoan chánh, trên thân không dính lệ khí. Tự nhiên chưa làm việc ác tận bao giờ. Bất quá, chuyện đấy vẫn phải điều tra. Tôi giao toàn quyền cho tướng quân đó.

Trịnh Tú giật mình, khom người xá dài một cái, nói:

-Có được quân sư quả nhiên là phúc đức của chủ công.

Lý Thông dìu lên, nói:

-Tướng quân chớ làm vậy, Thông tôi tổn thọ mất. Bây giờ quân ta đại thế đã thành, không nhân dịp mà chiếm lấy thành địch còn đợi tới bao giờ. Vậy nên, tôi lệnh cho tướng quân điểm tập binh mã, hướng tới thành Cửu Đức mà bắt lấy Ngô Xương Xí. Trận này liên quan tới mưu đồ thiên hạ của chủ công, chỉ được phép thành, không được phép bại.

Trịnh Tú đáp:

-Thành ở Cửu Đức tuy không phải là thành lớn, nhưng muốn một trận mà xong, liệu có quá gấp rút?

Lý Thông cười đáp:

-Chẳng phải tướng quân đã thu phục được ba viên tướng tài đó sao? Chỉ cần ba người là đủ phá thành ấy rồi.

Trịnh Tú khó hiểu, chắp tay nói:

-Xin quân sư bày kế. Tôi liệu mà làm theo.

Lý Thông đáp:

-Từ xưa tới nay, kẻ làm tướng là người nhìn rõ thế cục. Chưởng khống quân tâm trong lòng bàn tay. Tôi vừa nãy doạ chém ba huynh đệ họ Đặng, chính là giúp tướng quân tạo tiền đề. Chỉ cần tướng quân có lời cầu, họ ắt phải ứng lời mà giúp đỡ. Đến lúc đó, tướng quân lựa ra mấy ngàn tinh binh, thay áo đổi cờ. Để cho ba huynh đệ dẫn về thành Cửu Đức. Cách đó mấy dặm thì mai phục quân ta. Địch quân thấy người mình ắt mở cổng cho vào. Một khi vào thành rồi thì hẵng lệnh cho quân chiếm cổng, lấy pháo bắn làm hiệu mà tràn lên. Như thế há chẳng phải công thành dễ lắm ru? Kế này, ấy gọi là “Thay mận đổi đào.”

Trịnh Tú lúc này mới hiểu rõ sự việc, không khỏi mười phần kính phục, vái dài một cái, nói:

-Kế ấy quả là hay lắm, tôi sẽ cho người làm ngay.

Nói rồi lui ra khỏi trướng, Lý Thông vội kéo lại, nói thêm:

-Tuy Ngô Xương Xí lỗi đạo, nhưng suy cho cùng cũng là dòng dõi hoàng thất. Tướng quân nên bắt sống, chớ nên hại tính mạng của y. Tôi tất có chỗ trọng dụng.

Trịnh Tú đáp “Vâng” một tiếng, rồi lui ra điểm tập binh mã. Xong xuôi mọi việc mới tới gặp huynh đệ họ Đặng, trình kế phá thành. Quả nhiên y như lời Lý Thông, Đặng Sĩ Nghị nghe xong kế ấy hơi có chút trầm tư. Nếu bọn họ y kế mà làm, chẳng phải lưu danh sử sách là kẻ phản chủ. Bất quá Trịnh Tú lấy đại nghĩa mà khuyên bảo ba người. Huynh đệ họ Đặng mới đồng ý làm theo, ba người đồng loạt quỳ một chân xuống, nói:

-Tướng quân cứ yên lòng, ba huynh đệ chúng tôi đã đầu nhập Đinh thống soái. Lẽ nào lập chí mà không hướng phần vinh hiển.

Trịnh Tú cả mừng, vội đỡ ba người dậy. Bốn người rời dinh đi sắm sửa quân bị. Theo kế mà lựa ra ba ngàn nhân mã trộn lẫn vào hàng binh. Người nào người nấy buộc bên tay phải một rua vải trắng để dễ bề phân biệt. Làm xong hết thảy mới phát binh tiến về thành Cửu Đức.

Lý Thông lúc này đang ngồi trong trướng, nghe tiếng điểm binh bên ngoài nhộn nhạo. Bất giác trong lòng không yên, vội lần tay xem quẻ cát hung thế nào, chợt mặt mày thất sắc, ngước lên thở dài mà nói rằng:

-Ý trời khó mà làm trái.

Nói rồi cắn ngón tay cho máu chảy ra, hướng lên không mà vẽ. Xảy thấy máu huyết ngưng tụ thành một đạo bùa chú, lóe sáng rồi hướng phía Bắc vụt bay đi. Chỉ trong chốc lát, một vị tiên thần cưỡi mây bay tới, rồi hoá thành một đạo hào quang nhập vào trong trướng bồng.

Lý Thông vội quỳ xuống vái, nói:

-Ngu đồ Lý Thông gặp qua tôn sư.

Vị tiên thần kia chính là Thánh Chèm Lý Ông Trọng. Năm xưa từng hạ phàm dạy bảo Lý Thông.

Lý Ông Trọng hạ xuống, đỡ Lý Thông dậy rồi nói:

-Con gọi ta đến chắc muốn cứu huynh đệ mình chứ gì.

Lý Thông khóc ròng, ấm ức nói:

-Xin thầy hiểu cho lòng con.

Lý Ông Trọng nói:

-Khi nhận con làm đồ, ta đã dự trước chuyện này xảy ra. Thạch Sanh vốn là người nhà trời, vì xé trộm năm tờ thiên thơ mà bị đày xuống nhân giới. Phải chịu lấy ba tai, hai kiếp. Nay một kiếp đã qua, kiếp khác lại tới, con trái lệnh trời giúp nó ắt bị tiên thần quở trách.

Lý Thông nói:

-Con nguyện lấy tự thân tánh mệnh, đổi lấy Thạch Sanh một đời yên bình.

Lý Ông Trọng thở dài, nói:

-Khó quá thay, khó quá thay… Thôi, thôi... để ta giúp con một bận. u cũng là tận tình nghĩa thầy trò.

Nói rồi rút bửu kiếm bên hông ra, liệng lên thinh không niệm thần chú. Giây lát bửu kiếm lóe sáng, hướng phía Đông Nam mà bay vút đi thật mau.

Xảy thấy đột nhiên, trên cao vầng mây chói ánh, hiện ra một quyển sách sáng ngời nhắm ngay bửu kiếm nện xuống.

Lý Ông Trọng giật nảy mình, bất giác hô lên:

-Tiên thần thượng giới hạ phàm đó ư?

Lời vừa dứt, có hai vị tiên thần từ trên cao hạ xuống. Một người trong đó mình khoác áo bào kỳ lân, đầu đội mão cánh chuồn, lưng nịt đai ngọc. Người bên cạnh mặc hồng bào thêu song long triền châu, đầu đội mão đuôi cá, phía trên có đính hạt kim châu sáng ngời.

Lý Ông Trọng miệng niệm pháp chú, thanh bửu kiếm tránh khỏi quyển sách kia bay vụt đi.

Vị tiên thần mặc áo kỳ lân quát lớn:

-Ông Trọng sao nỡ làm trái ý trời! Không mau thu phép thần thông, đừng trách tôi không khách khí.

Miệng tuy quát vậy, nhưng cũng không giở phép trấn áp, mặc cho thần kiếm bay đi. Lý Ông Trọng nói vọng lên:

-Xin mời Nam Tào, Bắc Đẩu thượng tiên hạ xuống đây cho tôi tỏ rõ sự việc.

Nam Tào và Bắc Đẩu là hai vị thần hầu cận của Ngọc Hoàng Thượng Đế, nắm giữ sổ sinh tử, đầu thai của con người. Nam Tào ngự ở phương Nam, giữ sổ sinh; Bắc Đẩu ngự ở phương Bắc, giữ sổ tử.

Đợi hai vị nhập trướng, Lý Thông cùng Lý Ông Trọng chắp tay làm lễ. Khi lễ trước sau đủ cả, Ông Trọng mới nói:

-Xin hai vị tiên thần niệm tình con cháu đất Nam mà ngoảnh mặt làm ngơ một lần. Tôi đây cảm kích khôn cùng.

Nam Tào nói:

-Hai chúng tôi cũng không phải không muốn giúp. Nhưng Thạch Sanh phạm tội nặng lắm, phạt y chính là ý của bề trên. Chúng tôi đâu dám...

Bắc Đẩu vội bước lên kéo áo Nam Tào, nói chen vào:

-Giả dụ như có người chịu thay y nhận cái “Tam tai, hai kiếp” vào người, thì may ra chúng tôi lấp liếm được. Chứ ngoảnh mặt ngó lơ kiểu gì cũng bị Thượng Đế quở trách.

Nguyên lai Nam Tào, Bắc Đẩu cũng không ưa gì yêu quái hạ giới tung hoành làm càn. Nay thấy Thạch Sanh chịu hai kiếp đều do yêu đạo gây nên thì không khỏi bức xúc trong lòng. Dù sao Thạch Sanh vốn là người nhà trời.

Lý Thông cả mừng, vội nói:

-Tiểu đồ nguyện thay Thạch Sanh ứng kiếp, xin hai vị tiên thần thành toàn.

Nam Tào, Bắc Đẩu nhìn xuống, nói:

-Chân nhân chịu ứng nạn, ắt bị nghiệp khí quấn thân, mọi thần thông phép báu thi triển đều mất linh hết. Như thế chịu được chăng?

Lý Thông cười nói:

-Có chi mà chịu không được?

Bắc Đẩu nói:

-Như thế hay lắm, để tôi thi pháp.

Nói rồi lấy sổ tử ra hí hoáy viết một hồi, lát sau mới nói:

-Thạch Sanh vượt qua một kiếp, bây giờ còn một kiếp phải trải qua cùng với tam tai. Nay tôi thi pháp, dời cái nạn ấy sang chân nhân. Chúng tôi đã cố hết sức, mong chân nhân cùng Thánh Chèm hiểu cho.

Dứt lời, Bắc Đẩu cùng Nam Tào hoá thành đạo hào quang bay tít lên thinh không, trở về thiên giới.

Hai vị tiên thần ấy bay đi rồi, Lý Ông Trọng mới quay qua nói:

-Nay tai kiếp đã di dời sang người con. Tiếp theo không lâu, con sẽ bị tử kiếp giáng lâm. Thầy sẽ thay con lên cung Trăng cầu một cái Lá Đa...

Lý Thông nói:

-Con bây giờ bị nghiệp khí quấn thân, pháp thuật mất hết. Xin thầy bày kế cho con bảo mệnh.

Lý Ông Trọng nghĩ một lúc rồi đưa tay vẽ một đạo bùa chú ấn vào người Lý Thông:

-Khi nào tử kiếp giáng lâm, ta sẽ hạ phàm cứu con một mạng.

Rồi lấy trong người ra một quyển trục, và nói:

-Đây là hai bộ võ học nhân gian, có tên là Vấn Thiên Huyền Công cùng một món Dĩ Khí Ngự Kiếm Thuật. Con học lấy nó, coi như có chút phòng thân. Còn như thần kiếm của ta thi pháp vừa nãy, khi nó bay trở về rồi hẵng làm một cái vỏ, trên khắc mấy câu thơ như vầy: “Viết toại cổ chi sơ, thùy truyền đạo chi. Thượng hạ vị hình, hà do khảo chi.” Kiếm này tên là “Thiên Vấn”, trước là bội kiếm của Tần Thuỷ Hoàng. Năm đó ta giúp Vua Tần đánh giặc Khương, nên ngài ấy tặng nó lại cho ta. Thiên địa lấy cửu vi cực, con hãy cho người rèn thêm tám thanh bảo khí khác. Đấy chính là lấy thiên mệnh mà chống giữ nghiệp khí.

Lời vừa nói xong cũng hoá thành hào quang bay đi mất.

...

Đây lại nói về Tứ Linh Tượng Trận, Thạch Sanh đang canh giữ ở nơi đài cao, chợt thấy phía dưới có cô gái chạy tới kêu cứu.

Nguyên là Thạch Sanh từ lúc mới sinh đã được Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh ban phước, có con mắt nhìn rõ hết thảy yêu ma quỷ quái trên đời. Quả nhiên, Thạch Sanh vừa ngước xuống, thấy trên đầu cô gái kia có pháp tướng Yêu Hồ hiển hiện. Chàng không nói hai lời, chắp cung bắn luôn một phát Thiên Tiễn.

Cửu Vĩ Hồ thấy một vầng sáng bao trùm thiên không, ở giữa có cây thần tiễn nhắm ngay đầu rượt tới thì thất kinh, nói:

-Bửu bối này thật lợi hại, hèn chi Ngư Tinh đạo hữu bị nó mà phải bỏ mình.

Nói rồi dứt lời tên báu vừa tới, Cửu Vĩ Hồ thi pháp cản lại. Mấy cái đuôi phía sau vùng lên, tức thì khắp trời lửa đỏ muôn phương, gió lốc mịt mù. Nào ngờ, ngọn tên ấy là vật báu làm từ vuốt của Rùa Thần, chuyên trừ yêu diệt tà, thiệt chẳng có vật chi sánh kịp. Cửu Vĩ hồ bị Thiên Tiễn bắn đui một con mắt. Rú lên một tiếng chấn động trời đất.

Kim Sí Điểu mai phục nãy giờ, vội lao vút lên định mổ vào mắt Thạch Sanh. Nhưng Thạch Sanh không những có mắt thần ban, mà tài bắn cung bách phát bách trúng cũng ghê gớm cực kỳ. Chàng lắp tên bắn liền một phát vào giữa trán Kim Sí Điểu.

Kim Sí Điểu cả sợ, hô:

-Thôi rồi. Mạng ta nguy mất!

Giữa lúc ấy trên vầng mây có Mộc Lộc Địa Tiên bay ngang qua, nghe thấy tiếng thét thì thất kinh, ngó xuống xem chuyện gì. Hoá ra là có người bày trận đấu pháp ở dưới. Mộc Lộc lần tay bắt quẻ, biết được sự việc thì thở dài, tự nói:

-Năm xưa ta từng khuyên Ngư Tinh hẵng quên thù xưa mà chuyên tâm tu đạo. Nay y không nghe lời khuyên, hạ sơn báo cừu để đến nỗi thân táng trận đồ thế này. Nếu không cứu thật khó trọn vẹn nghĩa tình.

Lại nhắc về đạo pháp, người phàm học được phép thần thông hô mưa gọi gió, thỉnh tiên trừ tà... xưng là chân nhân. Còn yêu tu đạo thì gọi là Địa Tiên. Mộc Lộc nguyên là một cây Khế, năm xưa có con Phụng Hoàng hạ xuống ăn trái nên lây nhiễm tiên khí, từ đó có linh trí mới bắt đầu tu đạo. Tới thời Xích Quỷ cùng Mộc Tinh đại chiến với Lạc Long Quân. Sau cùng bị đánh dọa sợ mà trốn đi, bỏ mặc Mộc Tinh bị đánh thành nguyên hình. Hôm nay trong lòng Mộc Lộc bứt rứt không yên, rời núi đi dạo cho thoả chí, nào ngờ gặp sự xảy ra ở dưới.

Mộc Lộc liền thò vào túi lấy một vật bửu bối rất lạ, có năm cạnh màu vàng gọi là Ngũ Thiên Tế Phụng, liệng xuống phía trận đồ. Xảy thấy hào quang sáng chói, viên pháp bảo rơi xuống như lưu tinh xẹt qua. Mỗi vật báu đều có phép lạ riêng, ngọn Thiên Tiễn ấy thấy cái Ngũ Thiên Tế Phụng kia thì hiện nguyên hình là cái lẫy màu trắng. Giây phút hai vật đều bay về chỗ chủ. Kim Sí Điểu thoát chết trong gang tấc, bụng sợ vỡ mật, không nói không rằng quay đầu chạy tuốt ra khỏi trận đồ.

Thạch Sanh cả giận, ngước lên nhìn xem ai phá phép của mình. Quả nhiên thấy có vị tiên đứng trên vầng mây cách ngoài trận đồ ngó xuống, liền quát lớn:

-Yêu đạo phương nào, sao dám phá phép của ta!

Mộc Lộc Địa Tiên ngước thấy trên đầu Thạch Sanh có chân linh Thần Long, bụng không khỏi khiếp sợ, nghĩ thầm:

-Năm xưa Lạc Long Quân muốn giết ta, nhưng may mắn trên thân nhiễm tiên khí của Phụng Hoàng nên y mới tha cho. Nay ta phá phép truyền nhân y thì kiếp nạn đã kết. Sợ sau này Long Quân ghi hận mà tìm tới thì mạng ta xong mất. Ta phải giết người này ngay thì may ra thoát kiếp ấy.

Nghĩ rồi lại liệng Ngũ Thiên Tế Phụng xuống. Thạch Sanh bắn tiễn nghênh đón, nhưng đều bị hào quang pháp bảo kia phá mất. Giây lát viên Ngũ Thiên sắp đánh tới đỉnh đầu thì một thanh bửu kiếm cách không bắn tới.

Thanh kiếm này là vật báu của Lý Ông Trọng, trước vốn là bội kiếm bên người của Tần Thuỷ Hoàng, trên thân kiếm nhiễm Long khí. Nó ngó thấy Ngũ Thiên thì hoá thành Thần Long, trương nanh múa vút quanh lộn nghinh tiếp, không dè Ngũ Thiên Triều Phụng là quả khế năm xưa Phụng Hoàng mổ trúng, có tiên khí lưu lại. Xem thấy hai con linh thú bay múa, chao liệng cửu thiên; nên đời sau gọi “Long Phụng Triều Nguyệt” do đó mà ra.

Nhưng dù sao bửu kiếm cũng là vật sắc bén trên đời, Ngũ Thiên Triều Phụng đọ không lại bị chém thành hai nửa. Vấn Thiên kiếm reo lên một tiếng oanh minh, lao vút lên cắt luôn đầu Mộc Lộc. Thạch Sanh biết có tiên thần giúp mình, rút tên bắn chết Cửu Vĩ Hồ.

Thế là, tam yêu tính luôn cả Mộc Lộc Địa Tiên thì có ba ngã xuống ở Hoan Châu. Thiên địa công đức rủ xuống, nơi này vì thế nên đời sau ắt sinh ra bậc hiền tài.

---

Giải Thích:

1/ Tai Kiếp:

Tai là Tai nạn, Kiếp là Kiếp nạn. Tai kiếp không tự dưng mất đi. Nó chỉ chuyển từ người này sang người khác.

Thạch Sanh thoát một kiếp nhờ Lá Đa của cuội cùng chân linh Thần Long giữ hồn phách mới sống được. Lá Đa vốn là tử vật, kiếp nạn không có chỗ di dời nên tiêu tán. Nhưng chỉ có thể dùng một lần trên một người, dùng lần thứ hai không linh nghiệm.

Khi Bắc Đẩu dời tai kiếp sang cho Lý Thông thì Lý Thông chỉ phải chịu Một kiếp, ba tai.

Bạn đang đọc Đại Cồ Việt Nhất Thống Chí sáng tác bởi Windows
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Windows
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 23

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.