Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Lão Long Vương Vụng Tính Phạm Phép Thiên Đình Ngụy Thừa Tướng Gửi Thư Nhờ Quan Âm Phủ

4885 chữ

Hãy gác chuyện Quang Nhị cung chức, Huyền Trang tu hành. Nói chuyện bên bờ sông Kính Hà ở ngoài thành Trường An, có hai người hiền, một người thuyền chài tên gọi Trương Tiêu, một người hái củi tên gọi Lý Định, hai người tuy không phải là ông nghè trong trường ốc, nhưng cùng là người biết chữ chốn non cao. Một ngày kia ở trong thành Trường An, củi trên vai bán hết, cá trong giỏ bán xong, hai người đưa nhau vào quán rượu hơi men chếch choáng, mỗi người mua một bình, lững thững trở về bên sông Kính Hà. Trương Tiêu nói:

-Lý huynh ạ! Tôi thiết tưởng những kẻ tranh danh sẽ vì danh mà uổng mạng, những kẻ trục lợi sẽ vì lợi mà hại đời, hưởng lộc như ôm cọp bên mình, được ơn tựa nuôi rắn trong túi, tính ra không bằng chúng mình non xanh nước biếc, tiêu dao tự tại, vui đạm bạc tùy duyên qua ngày.

Lý Định nói:

-Trương huynh nói rất có lý, nhưng nước biếc của huynh không bằng non xanh của tiểu đệ.

Trương Tiêu nói:

-Non xanh của huynh không bằng nước biếc của tiểu đệ được. Hiện có bài từ khúc “Bướm Quyện Hoa” làm chứng:

Xa xa sóng vỗ thuyền con

Giọng Tây Thi vẫn véo von quanh buồm.

Rồi tìm cỏ ngát hoa thơm.

Lo phiền rửa hết, chẳng màng lợi danh, Vui nhìn cò cốc lênh đênh

Bờ lau ngàn liễu dập dềnh vợ con.

Sóng yên gió lặng ngủ ngon

Không phiền, không não, chẳng còn nhục vinh.

Lý Định nói:

-Nước biếc của huynh không bằng non xanh của đệ. Cũng có bài từ “Bướm Quyện Hoa” làm chứng đây:

Mây quanh đầy rẫy hoa thông Tiếng oanh ríu rít như cùng đàn ca.

Xuân về xanh thẫm, đó nhờ

Hè nồng đuổi đến, ngày giờ chuyển mau.

Đổi thay này tiết sang thu,

Hoa vàng thơm ngát ngao du thích tình.

Mùa đông rét đến thình lình, Bốn mùa vui thú mặc mình tiêu dao.

Hai người đọc những bài từ, rồi lại cùng nhau làm thơ liên cú, đi tới chỗ rẽ, chào nhau từ biệt. Trương Tiêu nói:

-Lý huynh ạ, đi đường cẩn thận, lên núi tránh beo nhờ có sự hung hiểm xảy ra thật là: “Đầu phố ngày mai thiếu bạn hiền”.

Lý Định nghe nói tức giận nói:

-Bè bạn tốt chết thay cho nhau còn chả vẻ thay, huống nữa anh lại rủa tôi? Tôi mà gặp hổ bị nạn, anh khỏi sao xuống bể chết chìm!

Trương Tiêu nói:

-Không đời nào tôi lại chết đuối được! Lý Định nói:

-Trời có gió mây bất trắc, người có họa phúc tạm thời, anh làm thế nào giữ được vô sự?

Trương Tiêu nói:

-Lý huynh ạ, anh tuy nói thế nhưng lại là người không suy nghĩ chắc chắn, chứ tôi làm ăn thường là hay suy nghĩ chắc chắn, nhắt định không bao giờ gặp tai vạ như thế.

Lý Định nói:

-Kiếm ăn trên mặt nước cực kỳ nguy hiểm, tối tăm ngấm ngầm suy xét chắc chắn vào đâu?

Trương Tiêu nói:

-Anh không rõ trong thành Trường An có một ông thầy bói ở phố cửa tây. Mỗi ngày tôi biếu ông ta một con cá chép sắc vàng, ông ta bói cho một quẻ, theo đúng phương hướng, trăm lần đánh trăm lần trúng. Hôm nay tôi lại xem bói, ông ta bảo đóng lưới ở phía đông chỗ nghẹo sông Kính Hà, buông câu ở phía tây tất phải được đầy lưới tôm cá, ngày mai đem vào thành bán lấy tiền mua rượu lại cùng lão huynh trò chuyện.

Nói rồi hai người từ biệt.

Đó chính là câu chuyện nói trong khi đi đường. Dè đâu trong cỏ có một tên dạ xoa tuần nước ở sông Kính Hà nghe được câu nói “trăm lần đánh trăm lần trúng”, vội vã về cung Thủy Tinh, hoảng hốt vào báo với Long Vương:

-Tai vạ! Tai vạ! Long Vương hỏi:

-Tai vạ gì? Dạ xoa nói:

-Hạ thần đi tuần nước đến bờ sông, nghe thấy hai người hái củi và thuyền chài chuyện vãn với nhau. Lúc chia tay, họ nói năng rất là tệ hại. Lão thuyền chài nói: “Phố cửa tây trong thành Trường An có một người thầy bói, tính toán rất đúng, mỗi ngày biếu y một con cá chép, y sẽ bói cho một quẻ trăm lần đánh trăm lần trúng!”. Nếu họ cứ bói như thế chẳng hóa ra loài thủy tộc sẽ bị tiêu diệt hết ư? Hỏi còn lấy gì mà tô vẻ đẹp cho thủy phủ? Lấy ai mà vượt sông lên ghềnh, giúp đỡ oai lực cho đại vương?

Long Vương nghe nói nổi giận, cầm gươm định đi ngay lên Trường An giết chết lão thầy bói. Bọn con rồng, chim rồng, các quan tẩm giải, quân sư cá cháy, thiếu khanh cá thạch quế, lý thái tể cá chép đều chạy ra tâu bầy:

-Xin đại vương hãy nguôi giận. Người ta thường nói: “Những lời mới qua tai, chớ nên tin chắc”. Đại vương đi lần này, hẳn có mây theo mưa giúp, sợ làm kinh động đến dân Trường An, trời sẽ quở trách. Đại vương là bậc phép thuật khôn lường, biến hóa lắm lối, chỉ nên biến ra một kẻ tu sĩ, vào thành Trường An, dò la thăm hỏi, nếu quả có bọn đó, sẽ tru diệt cũng chưa muộn. Nếu không có bọn đó, chẳng hóa giết bậy người ta ư?

Long Vương y lời tâu, buông gươm xuống, cũng không làm mưa gió nữa,

liền ra tới bờ sông, vặn mình một cái biến thành một người tu sĩ. Thực là:

Dáng người anh tuấn Vẻ mặt khôi ngô.

Lối bước dịu dàng Kiểu đi đứng đắn.

Nói năng theo Khổng Mạnh Lẽ mạo giống Chu Văn.

Mình mặc áo màu thâm óng ánh, Đầu đội khăn vành rế chữ nhân.

Người ấy khoan thai chân bước lên đường, thẳng tới phố tây thành Trường An, đã thấy có một nhóm người lộn xộn dức lác. Trong đám người có kẻ cao đàm hùng biện nói:

-Bản mạnh thuộc long, xung khắc với người thuộc hổ; dần, thân, tị, hợi tuy là hợp cục nhưng hôm nay lại phạm sao thái tuế.

Long Vương nghe nói biết đích là chỗ thầy bói, bèn đi lên trước, rẽ mọi người ra nhìn vào trong.

Người này là ai? Nguyên là thúc phụ quan khâm thiên giám đài Viên Thiên Cương, tên là Viên Thủ Thành. Tiên sinh tướng mạo khôi ngô, vẻ người đẹp đẽ, tiếng lừng trong nước, hay nhất Trường An. Long Vương vào trong nhà, chào hỏi tiên sinh xong đâu đấy, tiên sinh mời Long Vương ngồi trên, gọi đồng tử bưng nước. Tiên sinh hỏi:

-Ông tới đây có việc gì? Long Vương nói:

-Nhờ tiên sinh xem cho một quẻ mưa nắng thế nào? Tiên sinh tức thì gieo quẻ và đoán rằng:

-Mây tràn đỉnh núi, mù bọc ngọn rừng, nếu mà xem mưa thì đúng vào sáng mai.

Long Vương hỏi:

-Ngày mai giờ nào thì mưa, mưa được bao nhiêu thước tấc? Tiên sinh nói:

-Sáng ngày mai, giờ thìn thì có mây, giờ tỵ có sấm, giờ ngọ thì mưa, giờ

mùi thì tạnh, mưa được ba thước ba tấc linh 48 giọt[25].

Long Vương cười nói:

-Câu đoán này không phải bỡn đâu. Nếu ngày mai đúng như thời khắc số mục, xin tạ ơn năm mươi lạng vàng. Nếu không mưa hoặc mưa không đúng thời khắc số mục, tôi nói thực với ông, tôi sẽ phá cửa hàng ông đi, vứt chiêu bài đi và đuổi ông ra khỏi Trường An, không cho ở đây lừa dối dân chúng nữa.

Tiên sinh vui vẻ trả lời:

-Việc đó thì tùy ý ông, mời ông về, sáng mai mưa rồi sẽ nói chuyện.

Long Vương từ biệt ra khỏi Trường An, về thủy phủ. Các thủy thần lớn nhỏ đón tiếp hỏi:

-Đại vương đi xem bói ra sao? Long Vương nói:

-Có, có, chỉ là cái thằng thầy bói bố láo. Ta hỏi bao giờ mưa, hắn nói ngày mai mưa. Ta hỏi giờ nào, số mưa bao nhiêu, hắn ta nói giờ thìn có mây, giờ tỵ có sấm, giờ ngọ mưa, giờ mùi tạnh mưa, mưa được ba thước ba tấc linh 48 giọt. Ta thách đánh cuộc với hắn, nếu đúng như lời hắn nói, sẽ biếu hắn năm mươi lạng vàng, hơi sai một chút ta sẽ phá cửa hàng, đuổi hắn đi nơi khác, không cho ở đây lừa dối dân chúng nữa.

Bọn thủy tộc cười nói:

-Đại vương là đại công thần giữ việc làm mưa, tổng quản cả tám ngọn sông, có mưa hay không mưa chỉ có Đại vương mới biết được, sao nó dám nói bậy như vậy? Lão thầy bói ấy nhất định phải thua.

Đương lúc con rồng, cháu rồng, quan cá, tôi giải, túm tụm nô cười bàn tán, chợt nghe có tiếng gọi ở trên không trung:

-Kính Hà Long Vương tiếp chỉ!

Mọi người ngẩng đầu lên nhìn thấy một vị lực sĩ áo vàng, tay bưng sắc chỉ của Thượng Đế đi thẳng vào thủy phủ.

Long Vương chỉnh đốn áo mũ, đốt hương tiếp chỉ xong, vị lực sĩ áo vàng lại lên trên không về trời. Long Vương tạ ơn, mở chỉ ra xem thấy viết:

“Sắc Bát Hà tống trấn, đốc sấm sét tuần hành:

Sáng mai làm mưa gió, rải khắp Tràng An thành!”

Thời khắc nói trong ý chỉ so với lời phán đoán của ông thầy bói không sai chút nào cả, làm cho Long Vương hồn bay phách lạc. Giờ lâu Long Vương tỉnh lại nói với bọn thủy tộc:

-Trần thế có người giỏi như thế, thực là bực thông thiên triệt địa, ta thua cuộc mất rồi!

Tướng quân cá cháy tâu:

-Đại vương cứ yên tâm, muốn thắng y cũng không khó. Thần có một kế nhỏ bịt được miệng y lại.

Long Vương hỏi:

-Kế gì? Quân sư nói:

-Ta làm mưa sai thời khắc, bớt đi mấy giọt, thế là người kia đoán không đúng rồi, còn lo gì chẳng được họ? Bấy giờ ta sẽ lột chiêu bài, đuổi hắn cút xéo, có khó gì?

Long Vương y lời tâu không để tâm lo nghĩ nữa.

Ngày hôm sau Long Vương hội thần gió, thần sấm, thần mây, thần chớp lại, đến thẳng thành Trường An, đứng trên tầng mây cho mãi đến giờ tỵ mới đùn mây, giờ mùi mới mưa xuống và chỉ mưa có ba thước bốn mươi giọt, đổi chậm một giờ và bớt đi ba tấc tám giọt. Sau khi tạnh mưa, cho các tướng về rồi, Long Vương mới từ trên mây đi xuống, lại biến ra người tu sĩ áo trắng, tới phố tây, đi thẳng vào cửa hiệu Viên Thủ Thành, không để cho Viên nói gì, đập phá ngay hết chiêu bài, bút nghiên các thứ. Ông thầy bói ngồi im trên ghế không động cựa. Long Vương cầm cánh cửa quát mắng:

-Cái giống người yêu quái bịa đặt họa phúc, tên súc sinh mê hoặc chúng nhân, bói đã không hay lại nói xàng nói quẻ, thời khắc mưa đã sai, số giọt mưa cũng không đúng, lại còn nghễu nghện ngồi trên, xéo ngay đi, ta tha cho tội chết!

Thủ Thành vẫn ngồi yên không chút sợ sệt, ngửa mặt lên trời cười nhạt nói:

-Ta không sợ đâu! Ta không sợ đâu! Ta chẳng có tội gì đáng chết cả, chỉ có nhà ngươi mới có tội chết! Dối người khác chứ dối ta sao được! Ta biết nhà ngươi không phải tu sĩ mà chính là Kính Hà Long Vương. Nhà ngươi đã làm trái sắc chỉ Thượng Đế, thay đổi thời khắc, bớt số giọt mưa, nhà ngươi khó tránh được lưỡi dao trên Oa Long Đài, sao lại còn đến đây chưởi ta?

Long Vương nghe nói, trong lòng run sợ, sởn cả gai ốc, bỏ cánh cửa xuống, quỳ trước mặt tiên sinh nói:

-Xin tiên sinh bớt giận, tôi ngờ đâu lộng giả thành chân, phạm vào tội trời, làm thế nào bây giờ? Mong tiên sinh cứu cho, nếu không, tôi chết thì thôi chứ không thể rời tiên sinh nữa!

Thủ Thành nói:

-Ta không thể cứu được nhà ngươi, chỉ mở bảo một con đường sống cho nhà ngươi tìm đến.

Long Vương nói:

-Xin người chỉ giáo cho. Tiên sinh nói:

-Ba khắc giờ ngọ ngày mai ngươi bị giải đến quan nhân tào tên là Ngụy Trưng để trảm quyết, nhà ngươi muốn còn tánh mạng, phải đến ngay cầu cứu với Đường Thái Tôn hoàng đế hiện nay, Ngụy Trưng là thừa tướng của vua Đường, nếu đến nơi cầu được nhà vua thì mới vô sự.

Long Vương nghe nói, cáo từ, gạt lệ ra đi, chốc đã mặt trời lặn, bóng trăng lên.

Kính Hà Long Vương không về thủy phủ, cứ ở trên không trung, đợi đến giờ tý thu mây mù, tới thẳng hoàng cung. Lúc đó vua Đường đang mơ đi xem hoa dưới trăng ở ngoài của cung. Long Vương liền biến thành hình người, tiến lên quỳ lạy kêu rằng:

-Bệ hạ cứu mạng! Cứu mạng! Thái Tôn nói:

-Nhà ngươi là ai, trẫm sẽ cứu cho. Long Vương nói:

-Bệ hạ là chân long, thần là nghiệp long, thần phạm tội trời, bị quan ở

nhân tào là thừa tướng Ngụy Trưng, bậc hiền thần của bệ hạ, xứ trảm nên thần đến đây cầu cứu bệ hạ.

Thái Tôn nói:

-Nếu là Ngụy Trưng xử trảm, trẫm sẽ cứu mạng cho, cứ yên tâm đi về. Long Vương vui vẻ, bái tạ ra về.

Thái Tôn tỉnh dậy, ghi nhớ trong lòng, một lúc sau vào hồi ba điểm trống canh năm, Thái Tôn thiết triều hội các quan văn vũ.

Các quan làm lễ triều hạ xong rồi, chia ra tả hữu. Vua Đường đưa mắt phượng con ngươi rồng nhìn từng vị, thấy trong ban văn quan có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Từ Thế Tích, Hứa Kính Tôn, Vương Khuê; trong ban võ quan có Mã Tam Bảo, Đoàn Chí Hiền, Ân Khai Sơn, Trình Giảo Kim, Lưu Hồng Kỷ, Hồ Kính Đức, Tần Thúc Bảo, thảy đều uy nghi nghiêm túc; duy chỉ thiếu có Ngụy Trưng thừa tướng. Vua Đường bèn gọi Từ Thế Tích đến hỏi:

-Đêm qua trẫm nằm mộng thấy một người đến trước mặt quỳ lạy xưng là Kính Hà Long Vương, phạm vào tội trời, do quan ở nhân tào là Ngụy Trưng xử trảm, đến cầu cứu với trẫm, trẫm đã trót nhận lời. Hôm nay trong ban lại không thấy có Ngụy Trưng, làm thế nào bây giờ?

Thế Tích tâu:

-Bệ hạ đã trót nhận lời trong giấc mộng, bây giờ cần gọi Ngụy Trưng vào chầu, giữ Ngụy Trưng lại đây cả ngày hôm nay, như thế mới cứu sống Long Vương ở trong mộng được.

Vua Đường rất mừng sai quan tuyên triệu Ngụy Trưng vào chầu.

Nói về Ngụy Trưng thừa tướng, đêm ngồi xem thiên văn, đương lúc đinh hương ngào ngạt, chợt nghe thấy tiếng hạc kêu trên chín lần mây. Thì ra một vị tiên sứ trên trời, mang chiếu chỉ của Thượng Đế sai đến giờ ngọ ba khắc ngày mai, nằm mộng xử trảm Kính Hà Long Vương. Thừa tướng bái tạ ơn trời, ăn chay tắm gội, ở trong phủ mài gươm tuệ kiếm, vận động tinh thần, cho nên lần này không vào chầu được. Chợt thấy có quan dương giá bưng thánh chỉ đến triệu. Ngụy Trưng khôn xiết lo sợ, không dám trái mệnh vua, vội vàng chỉnh áo mũ theo quan vào chầu, khấu đầu trước ngự tọa tạ tội. Vua

Đường nói:

-Khanh không có tội gì.

Lúc ấy các quan vẫn chưa lui chầu. Đến bây giờ vua Đường mới sai cuốn rèm tan chầu, chỉ giữ có Ngụy Trưng ở lại, cho lên xe kim loan cùng đi vào nội điện, trước hết bàn việc yên nhà yên nước. Đến cuối giờ tị đầu giờ ngọ, lại sai cung nhân mang bàn cờ ra và phán:

-Trẫm cùng hiền khanh đánh chơi một ván cờ.

Các phi tần bày bàn cờ lên trên ngự án. Ngụy Trưng tạ ơn, ngồi đánh cờ với vua Đường, mỗi người đi mỗi nước, bày thành trận thế, đúng như kinh Lạn Kha đã nói:

“Trong đạo đánh cờ, quý ở chỗ nghiêm trang cẩn thận. Người cao cờ đánh ở trung tâm, người thấp cờ đánh ở ngoài biên, người vừa vừa đánh các góc, đó là lối thường trong đạo đánh cờ. Trong phép đánh cờ có nói: “Thà thua một ván, không bỏ một quân, đánh tả phải trông hữu, đánh xa phải nhìn gần, trước sau phòng bị, hai đàng đều cần. Thưa không nên trống nhiều, mau không nên chặt quá. So ra giữ quân để cầu toàn, không bằng thí quân mà thủ thắng; xét ra vô sự đấm tốt biên, không bằng đem quân mà giữ thế. Người nhiều mình ít; trước phải giữ nhà; người ít mình nhiều cần đưa vào thế. Người khéo thắng không tranh, người khéo trận không đánh, người khéo đánh không thua, người khéo thua không cuống. Đánh cờ trước phải thẳng thắn mà đi, sau mới lừa mẹo mà thắng. Phàm bên địch vô sự mà tự giữ là có ý tấn công, bỏ nước nhỏ mà không cứu là có chí mưu lớn. Những người vô mưu hạ tay là đi, đi bừa không nghĩ, chỉ tổ chóng thua. Kinh thi có câu: “Rất nên thận trọng, như xuống vực sâu”, là thế vậy đó”.

Thơ rằng:

Bàn cờ là đất quân là trời

Tạo hóa âm dương chẳng phải chơi, Đến chỗ huyền vi thông biến ấy, Lạn Kha càng rõ đáng chê cười.

Vua tôi đánh cờ đến giờ ngọ ba khắc, chưa xong một ván. Ngụy Trưng bỗng nhiên phục xuống dưới án, ngủ gà, ngáy khò khò. Thái Tôn cười nói:

-Hiền khanh thực là nhọc lòng gây dựng non sông, mỏi sức khuông phò

xã tắc, cho nên bất giác ngủ gà.

Thái Tôn cứ để cho ngủ, không hề khua dậy. Một hồi lâu Ngụy Trưng tỉnh dậy, sụp lạy xuống đất tâu:

-Thần đáng muôn chết, vừa rồi không biết thế nào, tự nhiên ngất đi, mong bệ hạ tha cho hạ thần tội khinh quân.

Thái Tôn nói:

-Khanh làm gì có tội khinh quân, hãy đứng dậy xóa ván trước đi, bày lại, trẫm đánh với khanh một ván khác.

Ngụy Trưng tạ ơn, vừa mới cầm quân ở tay chực đi, chợt nghe thấy ở ngoài cửa triều có tiếng kêu gọi ầm ỹ. Rồi Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công mang một cái đầu rồng hãy còn máu me nhầy nhụa để ở trước vua tâu:

-Tâu bệ hạ, bể cạn sông khô còn có lúc, như đây sự lạ chưa từng nghe. Thái Tôn và Ngụy Trưng đứng dậy hỏi:

-Con vật ở đâu thế?

Thúc Bảo và Mậu Công tâu:

-Ở nơi ngã tư ngoài phố, cách hành lang phía nam độ một nghìn bước, một cái đầu rồng từ trên mây rơi xuống, hạ thần phải tâu lên.

Vua Đường hoảng sợ hỏi Ngụy Trưng:

-Thế là làm sao?

Ngụy Trưng rập đầu tâu:

-Hạ thần vừa mơ chém nó xong. Vua Đường nghe nói hoảng sợ hỏi:

-Trong lúc hiền khanh chợp mắt ngủ, chân tay không thấy cựa cậy, lại không có đao kiếm, làm thế nào mà chém được con rồng ấy?

Ngụy Trưng tâu:

-Tâu chúa công, hạ thần thân ở bên vua hầu cờ tướng, mơ màng chợp mắt. Mộng rời bệ hạ, cưỡi mây lành mạnh mẽ xuất thần. Trên Oa Long Đài, con rồng kia bị gông trói giải tới. Hạ thần nói: “Mi phạm phép trời, phải khép vào tội chết, ta vâng mệnh trời, chém đầu mi làm lệnh!” Rồng nghe đau đớn, cụp móng ép vây, cam chịu chết. Thần vận tinh thần, vén bào rảo bước,

múa gươm thần. Tiếng đao vừa đánh phập, đầu rồng đã rụng ra.

Vua Đường nghe tâu, trong lòng vừa mừng vừa sợ. Mừng là: khen ngợi Ngụy Trưng tài giỏi, trong triều có kẻ hào kiệt, lo gì giang sơn chẳng vững bền. Sợ là: trong giấc chiêm bao đã hứa cứu mạng Long Vương, không dè Long Vương lại bị tru diệt. Đành phải gắng gượng tinh thần, truyền chỉ cho Thúc Bảo bêu đầu rồng ra ngoài chợ để răn chúng, hiểu dụ lê thứ ở Trường An; một mặt hậu thưởng Ngụy Trưng, các quan đều lui gót tan về.

Vua Đường về cung, trong lòng lo lắng, nghĩ tới con rồng trong giấc mộng kêu khóc cầu cứu, ngờ đâu việc xảy ra, nó không tránh khỏi tai nạn. Ngẫm nghĩ hồi lâu, thấy trong mình mỏi mệt, thân thể chẳng yên. Cuối canh hai đêm hôm ấy, bỗng nghe thấy tiếng kêu khóc ở ngoài cửa cung, Thái Tôn càng thêm kinh sợ. Đương lúc thiu thiu, thấy Long Vương tay cầm một cái đầu máu me nhầy nhụa kêu to: “Đường Thái Tôn! Trả mạng ta đây! Trả mạng ta đây! Đêm qua nhà ngươi đã nhận lời cứu ta, sáng hôm nay lại còn sai quan nhân tào chém đầu ta. Ngươi ra đây! Ngươi ra đây! Ta với ngươi cùng xuống nơi Diêm Vương biện bạch!”. Y nắm chặt lấy Thái Tôn, hai ba lần giằng co quát tháo không chịu buông ra. Thái Tôn không còn nói vào đâu, mồ hôi thấm áo. Đương lúc giằng co, khó bề phân giải, thì trên khoảng chính nam có mây thơm ngào ngạt, sương đen lững lờ, một vị nữ chân nhân tiến đến, cầm cành dương liễu phất một nhát, con rồng không đầu kia kêu khóc đi ra cửa tây. Nguyên là đức Quan Âm Bồ Tát vâng phật chỉ đến Đông Độ tìm người lấy kinh, nghỉ ở miếu thổ địa trong thành Trường An, đêm nghe thấy quỷ khóc thần gào, mới tới đuổi con rồng nghiệp chướng kia, cứu thoát hoàng đế. Con rồng kia bèn đi kiện vua Đường tại Diêm Vương.

Thái Tôn tỉnh dậy, kêu to:

-Có ma, có ma!

Làm cho ba cung hoàng hậu, sáu viện phi tần, các quan cận thị thái giám hoảng sợ suốt đêm không dám ngủ. Canh năm đã tới, các quan văn võ đi chầu, đều ở ngoài cửa triều chờ đợi. Mãi đến sáng rõ, vua vẫn chưa tới triều, làm cho vị nào vị nấy trù trừ sợ sệt. Mãi đến mặt trời đã lên cao ba trượng, mới có chiếu chỉ đưa ra nói:

-Lòng trẫm không yên, tạm hãy miễn triều!

Chốc đã sáu bảy ngày luôn, các quan lo sợ đều muốn xin vào cung bái yết vấn an. Thái hậu có chiếu chỉ mời quan thầy thuốc vào cung cắt thuốc. Các quan ở cả ngoài cửa triều đợi tin tức. Hồi lâu quan thầy thuốc đi ra, mọi người hỏi bệnh gì?

Thầy thuốc nói:

-Mạch hoàng đế không đều, hư rồi lại sắc, nói mê thấy ma, bắt mạch thấy đập mười cái lại dừng, ngũ tạng không có khí, sợ rằng chỉ trong năm ngày thì sẽ hết chữa.

Đương khi hoảng hốt, Thái Tôn có chiếu chỉ gọi Từ Mậu Công, Hộ Quốc Công, Uất Trì Cung vào cung yết giá. Ba ông vội tới dưới lầu phân cung. Làm lễ xong, Thái Tôn gượng nói:

-Các hiền khanh này, quả nhân mới mười chín tuổi đã thống tinh binh quyền đánh đông dẹp bắc, gian khổ bao năm, không hề thấy ma thấy quỷ, vậy mà ngày nay quả nhiên lại gặp ma!

Uất Trì Cung nói:

-Mở dựng cơ nghiệp, giết người không biết bao nhiêu mà kể, còn sợ gì ma quỷ!

Thái Tôn nói:

-Khanh còn không tin à? Cứ đến đêm là có ma quỷ kêu khóc, ném đất ném đá ở ngoài cửa tẩm cung thật là khó ở. Ban ngày còn khá, đến đêm thì không tài nào cấm được.

Thúc Bảo nói:

-Xin bệ hạ cứ an tâm. Đêm nay thần và Kính Đức xin vào canh giữ cửa cung, xem có ma quỷ nào không?

Thái Tôn y lời tâu. Mậu Công tạ ơn lui ra. Chiều hôm ấy hai người đội mũ mặc giáp chỉnh tề, vác giáo đeo gươm vào canh giữ ở ngoài cửa cung.

Hai vị tướng quân đứng giữa cửa cung suốt đêm, không thấy có ma quỷ gì hết. Đêm hôm ấy Thái Tôn ngủ trong cung vô sự. Đến chiều vua Đường tuyên triệu hai tướng vào cung trọng thưởng và nói:

-Trẫm từ khi mắc bệnh tới nay, mấy ngày luôn không ngủ được; đêm qua, nhờ oai phong hai tướng quân, trẫm được ngủ rất yên. Các khanh hãy

trở về yên nghỉ, đến chiều lại vào hộ vệ.

Hai tướng tạ ơn lui ra. Nhờ đó hai ba đêm nhà vua đều được yên, nhưng vì cơm ăn kém đi nên bệnh thêm trầm trọng. Vua không nỡ để hai tướng khó nhọc mãi, lại truyền triệu Thúc Bảo, Kính Đức và họ Phòng họ Đỗ vào cung dặn dò:

-Vài hôm nay trẫm tuy được nằm yên, nhưng không muốn để cho hai tướng Tần, Hồ suốt đêm khó nhọc, trẫm muốn gọi mấy người thợ vẽ giỏi, vẽ truyền thần hai tướng, dán ở ngoài cửa cung có được không?

Các đại thần đều y theo, kén hai người vẽ, vẽ hai tướng Tần, Hổ đúng cả mũ áo như vậy, dán ngoài cửa, đêm đêm cũng được vô sự.

Hai ba ngày sau, ở cửa hậu tể lại nghe thấy độp độp, đá gạch ném tung.

Đến sáng vua Đường lại gọi quần thần vào bảo:

-Mấy hôm nay đằng cửa trước được yên ổn, nhưng ở cửa sau lại có đá ném làm cho quả nhân sợ hãi!

Mậu Công tiến lên tâu:

-Cửa trước không yên thì sai Kính Đức, Thúc Bảo hộ vệ; cửa sau không yên nên sai Ngụy Trưng giữ gìn.

Thái Tôn y lời tâu, tuyên triệu Ngụy Trưng giữ gìn cửa sau. Ngụy Trưng lĩnh chỉ, mũ áo chỉnh tề, đeo bảo kiếm chém rồng đứng canh ở cửa hậu tể, thật là bậc anh hùng hảo hán, trông oai nghiêm gọn ghẽ:

Trên đầu đội khăn lụa xanh

Cẩm bào mình mặc thắt vành đai lưng Gió đun tay áo chập chùng

Yêu ma quỷ quái hãi hùng tránh xa.

Chân đi hai chiếc giày hoa.

Tay cầm giáo sắc thật là tài cao Hai con mắt sáng như sao

Tà thần khủng khiếp dám vào tới đây?

Như thế suốt đêm đến sáng, không có ma quỷ, cửa sau cửa trước đều vô sự, nhưng bệnh nhà vua càng ngày càng nặng. Một ngày kia, thái hậu truyền chỉ tuyên triệu các quan vào cung bàn đến việc khâm liệm. Thái Tôn tuyên

triệu Từ Mậu Công dặn dò việc lớn nhà nước, định việc thác cô như vua Tây Thục họ Lưu ngày trước. Rồi vua Đường tắm gội thay quần áo, đợi giờ lên tiên. Ngụy Trưng ở bên cạnh, nắm áo rồng lại tâu:

-Bệ hạ hãy thư tâm, thần có một cách giữ gìn bệ hạ tràng sinh. Thái Tôn nói:

-Trẫm nay bệnh đã vào cao mang, sắp sửa nguy rồi, sống thế nào được? Trưng nói:

-Thần có phong thư dâng lên bệ hạ, khi xuống âm ty, sẽ giao cho viên phán quan ở Phong Đô tên là Thôi Giác.

Thái Tôn hỏi:

-Thôi Giác là ai? Trưng nói:

-Thôi Giác là quan hầu giá đức Thái thượng hoàng, trước lĩnh chức lệnh Tư Châu sau thăng làm thị lang bộ lễ; lúc còn sống là bạn thân với hạ thần, giao du rất hậu. Nay mất đi làm chức phán quan ở dưới âm ty, giữ sổ sinh tử ở Phong Đô, trong giấc chiêm bao thường gặp gỡ hội họp với thần; nếu lần này bệ hạ giao được bức thư này cho y, tất nhiên y nghĩ đến tôi đòi phận mỏng sẽ phóng bệ hạ về.

Thái Tôn tiếp lấy bức thư bỏ vào trong túi, nhắm mắt tắt thở. Ba cung sáu viện, hoàng hậu, phi tần, thị trưởng, thái tử cùng hai ban văn võ đều cử ai phát phục, để linh cữu ở trên điện Bạch Hổ.

Chưa biết Thái Tôn ra sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.

Bạn đang đọc TÂY DU KÝ - THỤY ĐÌNH của Ngô Thừa Ân
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi americamax
Phiên bản Convert
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 25

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.