Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 7

Phiên bản Dịch · 4954 chữ

Thi liếm môi:

- Dạ, ở kế bên cái giếng sau vườn.

- Ngoài nó ra, không có gì khác à?

- Dạ, không.

Trác khoát tay:

- Đem con chó đi rồi chuẩn bị xe cộ. Tôi muốn đưa khách về DaLạt.

Thi dè dặt:

- Ngay bây giờ à cậu?

- Phải. Ngay bây giờ.

Vỗ vai gã cận, bạn của Phi Nga, Trác nói:

- Xin lỗi, vì lúc nãy đã nghi ngờ tụi em. Ở đây đang có một kẻ cố tình gây rối. Để bảo đảm an toàn, các em phải về Đà Lạt thôi.

Mặt xanh ngắt vì sợ, cả đám bạn của Phi Nga riu ríu nghe lời anh.

Bước vào nhà, ngồi xuống kế bên Phi Phụng trong lúc cô vẫn còn khóc, Trác dịu dàng:

- Anh xin lỗi về những chuyện vừa xảy ra.

Phụng rưng rưng:

- Thật là khủng khiếp. Sau này, chắc em không dám sống ở đây đâu.

Lau nước mắt cho cô, Trác dỗ dành

- Em không ên lo lắng. Sẽ không có chuyện đùa ác như vầy xảy ra nữa. Anh sẽ điều tra cho bằng được thủ phạm và tống nó đi.

Phi Phụng tức tối:

- Nhưng em có lầm lỗi gì đâu? Nhất là Moka. Sao người ta lại dã man đến thế? Tội nghiệp Moka quá! Không có nó, em không ngủ được đâu.

Trác kiên nhẫn xoa dịu cơn giận của Phụng:

- Rồi anh sẽ đền em con Moka khác, đẹp hơn, giá trị hơn con này. Bây giờ em sửa soạn về Đà Lạt ngay.

Phi Phụng chớp mắt:

- Anh có về với em không?

Trác lắc đầu:

- Xảy ra chuyện khác thường, làm sao anh bỏ đi được.

Nép đầu vào ngực anh, Phụng nũng nịu:

- Không có anh theo, em sợ lắm.

Trác hạ giọng:

- Vài hôm nữa anh sẽ ghé thăm em.

Phi Phụng im lặng với vẻ cam chịu làm Trác xúc động. Anh hơi kiểu cách khi nói:

- Anh rất mừng vì được em thông cảm. Công việc lúc nào cũng đè nặng trên vai anh. Rời được nó để đến với em là cả một hạnh phúc.

Phi Phụng ngọt ngào:

- Có lên tận đây mới hiểu hết mọi nhọc nhằn của anh. Em ray rứt khi nghĩ sau này sẽ không phụ được gì cho anh hết.

Trác siết nhẹ tay cô:

- Anh chỉ cần một cô vợ để chia sẻ về tâm hồn, còn việc nặng nhọc, anh sẽ gánh hết.

Âu yếm vuốt tóc Phụng, Trác nói tiếp:

- Ai nỡ để một hoa khôi như em phải cực nhọc chớ. Em chỉ làm bà chủ quý phái, sang trọng là đủ rồi.

Định nói: " Ở vùng đất đỏ như máu, khỉ ho vượn hú thế này thì làm bà với ai", nhưng Phụng đã kịp nín lại. Nói điều đó lúc này đâu có lợi. Đợi cá cắn câu rồi làm eo làm sách anh chàng cũng đâu muộn.

Ngã đầu lên vai Trác, Phi Phụng thầm thì:

- Em chỉ muốn làm bà chủ của trái tim anh thôi.

Trác bật cười:

- Điều đó là hẳn nhiên.

Thấy Phi Phụng có vẻ nguôi ngoai, Trác cũng mừng. Nhìn gương mặt xinh đẹp của cô, anh không dằn được lòng nên cúi xuống háo hức đặt lên môi cô một nụ hôn dài.

Hai người say sưa cuốn lấy nhau. Đến khi nghe có tiếng động, Trác mới ngẩng lên.

Anh nhíu mày khi thấy Thiên Di đang khựng lại ở ngưỡng cửa. Trác tằng hắng:

- Chuyện gì vậy Thiên Di?

Cô ấp úng:

- Dạ.... đâu có chuyện gì. Tôi xin lỗi.

Dứt lời, cô cúi đầu đi một mạch vào bếp. Trác gọi giật lại:

- Này! Một lát, sẽ có việc nhờ em, đừng đi lung tung, tôi không biết đường tìm đấy.

Thiên Di tròn mắt ngạc nhiên nhưng vẫn gật đầu. Cô vừa khuất sau bếp, Phi Phụng đã bĩu môi, chì chiết:

- Với kẻ ăn người ở trong nhà mà anh ngọt quá, chúng nó đâu có sợ.

Trác xuề xoà cười:

- Chỉ là cách xưng hô thôi. Chả lẽ em ghen?

Phụng cong cớn:

- Em mà ghen với hạng đó à? Anh đúng là vớ vẩn. Tại sao con bé ấy lại rình mò những phút riêng tư của chủ nhỉ? Em không thích loại người đó đâu.

Trác nghiêm nghị:

- Thiên Di là cô giáo. Cô ấy từ Sài Gòn lên đây dạy học, nên không tệ như em nghĩ. Việc vừa xảy ra chỉ là tình cờ.

Phi Phụng xụ mặt:

- Tình cờ. Anh luôn binh vực người mình. Thế chuyện Moka chết có phải tình cờ không?

Rồi chả đợi Trác trả lời, Phi Phụng giận dỗi đứng lên:

- Em chuẩn bị về đây.

Trác nhún vai, nhìn theo dáng điệu dùng dằng của Phụng. Cô vợ sắp cưới của anh vốn khó tính, chỉ cần phật ý một chút là giận. Người đẹp mà giận thì năn nỉ mệt nghỉ. Có vợ đẹp là hạnh phúc hay rước họa vào thân như người xưa thường nói nhỉ? Trác không biết.

Với anh, tình yêu đã chết khi người yêu đầu đời phụ bạc anh. Bây giờ, Trác muốn có một người vợ. Anh chọn Phi Phụng vì cô đẹp, thế thôi. Có lẽ anh đã đùa với hôn nhân. Nhưng nếu anh nghiêm túc, chắc gì cuộc đời không đùa cợt với anh lần nữa?

Phi Nga và đám bạn lục đục kéo nhau ra phòng khách với tâm trạng bồn chồn hiện rõ trên mặt.

Trác liền nói:

- Để các em về ngay thế này thật là ngại, nhưng tôi không thể làm khác được.

Phi Nga hất mặt lên:

- Nếu biết chỗ này an ninh tệ như vầy, cho vàng tụi tôi cũng không dám tới. Tôi dám cá chị Phụng chả đời nào ở nơi ghê gớm thế này đâu. Anh liệu mà mua biệt thự trên Đàlạt cho chị ấy đi là vừa.

Từ trên cầu thang bước xuống, Phi Phụng rầy Phi Nga bằng giọng điệu mát mẻ:

- Biết gì chuyện của anh chị mà xen vào. Chúng ta lo về sớm chừng nào tốt chừng đó. Anh Trác còn bận điều tra xem ai là thủ phạm nữa.

Trác đưa mọi người ra xe:

- Giờ em trách móc, mỉa mai gì anh cũng chịu. Rồi anh sẽ giải thích với em sau.

Phi Phụng im lặng. Sự im lặng của một người đang giận mới nặng nề làm sao. Trác thở dài ngao ngán nhìn chiếc Toyota chuyển bánh. Phen này, để năn nỉ được Phi Phụng, chắc anh phải trần thân, nhưng biết làm sao hơn với những việc tồi tệ đã xảy ra?

Quay vào phòng khách, Trác buông mình xuống ghế salon và đốt một điếu thuốc. Đưa khách rời khỏi đây, lòng anh có nhẹ hơn một chút, nhưng mọi việc còn ở mức bắt đầu. Trác sẽ làm gì với những nghi ngờ đây?

Giọng bà Thuỷ lo lắng vang lên:

- Cậu nghĩ sao về chuyện vừa rồi?

Không trả lời, Trác hỏi lại:

- Xác con chó đâu?

Bà Thuỷ ngập ngừng:

- Tụi nó đem.... về trại làm thịt rồi.

Trác đập bàn đánh rầm:

- Bộ ở đây không có thịt trong khẩu phần ăn hay sao kìa? Đúng là.... là.... Chị đoán thử xem đứa nào chủ mưu?

Bà Thuỷ vội vàng bảo:

- Tụi nó có ham ăn ham nhậu thật, nhưng tôi dám bảo đảm không phải tụi nó làm đâu.

Trác gằn giọng:

- Vậy thì ai?

Bà Thuỷ làm thinh. Trác thấy mình vô lý khi hỏi thế. Anh hạ giọng:

- Chị phải có nghi ngờ chớ.

Bà Thuỷ nhìn thẳng vào mặt Trác:

- Hành động dã man ấy chỉ ở kẻ tâm thần. Chắc cậu cũng nghĩ như tôi nên mới đưa khách về Đà Lạt ngay.

Môi nhếch lên, bà nói tiếp:

- Hắn ta không muốn cậu cưới được vợ. Nhất là một cô vợ quá đẹp.

Trác lắc đầu:

- Tôi không tin Thoại làm chuyện này. Bản chất hắn vốn hiền lành, nhút nhát.

Bà Thuỷ lắc đầu:

- Cậu ta đã trở thành người khác rồi.

Trác thở dài và bảo:

- Chị gọi Thiên Di hộ tôi.

- Con bé giúp được gì cho cậu à?

Trác khoát tay:

- Chị cứ gọi giúp tôi đi.

Ngần ngừ một chút, bà Thuỷ bỏ xuống bếp. Trác lại đốt thêm điếu thuốc nữa. Anh thấy khó khăn khi nghĩ tới những lời sắp nói với Thiên Di. Nhắm mắt lại, Trác liên tục rít thuốc, mãi tới khi anh nghe giọng con gái vang lên:

- Thưa, ông cần gì ở tôi ạ?

Trác chỉ chiếc ghế trước mặt:

- Di ngồi xuống đã.

- Vâng.

Hai tay đan vào nhau. Thiên Di cố giấu, nhưng sự hồi hộp vẫn lộ ra trên mặt. Cô không hiểu Trác gọi mình làm chi. Lúc nãy đi dạy về, nghe mọi người kể lại chuyện, cô sợ muốn chết. Bây giờ cậu chủ Trác còn tìm cô làm gì đây?

Trong lúc Di đang thắc mắc thì Trác cao giọng:

- Thiên Di và Cần chắc thân nhau lắm nhỉ?

Bất ngờ vì câu hỏi của anh, Di ngớ ra. Cô không biết phải trả lời thế nào. Im lặng mất một hồi, Di mới ấp úng:

- Chúng tôi mới quen nhau không lâu, chỉ là bạn bình thường.

Trác xoa cằm:

- Vậy à! Ở đất này, bạn bình thường hiếm khi vào quán một đôi lắm.

Thiên Di nói:

- Tôi không được sinh ra và lớn lên ở đất này, nên cách nghĩ của tôi khác người ở đây. Chúng tôi chỉ là bạn. Nếu nói rõ hơn, Cần chỉ là người bạn duy nhất của tôi ở xứ buồn hắt buồn hiu này.

Trác gật gù:

- Tốt rồi. Di có thể hẹn Cần ra quán cà phê hôm trước cho tôi gặp không?

Thiên Di ngạc nhiên:

- Hẹn Cần à? Bằng cách nào?

- Điện thoại.

- Tôi không biết số.

Trác nói nhanh:

- Tôi biết.

Di liếm môi:

- Sao ông không tự hẹn?

Trác rít một hơi thuốc:

- Tôi có lý do riêng nên mới nhờ Di. Em thấy thế nào?

Thiên Di nhếch môi:

- Ông chủ nhờ, tôi có thể từ chối sao?

Vờ như không biết Di đang mỉa mai, Trác bước tới máy điện thoại. Nhìn động tác bấm số của ông ta, Thiên Di có cảm giác số điện thoại nhà Cần được Trác biết rõ.

Đưa ống nghe cho Di xong, Trác trở lại salon phì phà thuốc. Cô lúng túng khi nghe đầu dây bên kia là giọng chua loét của một người đàn bà:

- Alô. Tìm ai?

- Dạ. Cho cháu gặp Cần ạ.

- Cô là ai? Ở đâu gọi tới vậy?

Thiên Di cố giữ bình thản:

- Cháu là bạn học, ở Đà Lạt gọi tới.

- Nhưng cô tên gì?

Di ngập ngừng:

- Dạ, Phi Nga.

- Chờ đi.

Thiên Di bĩu môi. Hừ! Con gái điện thoại tìm con trai bộ không được à? Làm gì tra hỏi ghê thế? Bảo đảm sẽ không có lần thứ hai đâu, ông chủ ạ.

Giọng Cần hồ hởi vang lên:

- Phi Nga hả? Đã về Đà Lạt rồi sao?

Thiên Di khẽ cười:

- Không phải Nga đâu.

Cần reo nhỏ:

- Thiên Di! Thật là bất ngờ.

- Anh rảnh không?

- Đương nhiên là rảnh. Di có mục gì à?

- Tôi thì không, nhưng có người muốn mời anh uống cà phê ở quán hôm trước ấy.

Cần cười khẽ:

- Sẵn sàng cả hai tay. Thế người ấy là ai vậy?

Thiên Di trả lời:

- Là ông Trác, chủ của tôi. Ông ấy đang chờ anh trả lời, nhưng tôi lại là người hy vọng anh gật đầu hơn cả ổng đấy.

Cần im lặng hơi lâu:

- Di làm tôi ngạc nhiên đến bối rối. Chuyện gì vậy?

- Tôi không biết, hoặc có biết cũng lờ mờ.

- Được rồi, tôi sẽ tới quán cà phê ngay.

- Cảm ơn anh.

- Sao thế? Tôi rất ghét những lời khách sáo.

Thiên Di môi mép:

- Đó là lời thật lòng của tôi mà.

- Thay vì cảm ơn, tôi muốn được uống cà phê với Di.

- Vậy anh cư tự nhiên điện thoại cho tôi.

- Được. Tôi sẽ gọi điện. Giờ thì tôi đi đây. Bye nhé.

Quay lại chỗ Trác ngồi, Di nói:

- Cần đang trên đường ra quán, thưa ông.

Trác tươi ngay nét mặt:

- Cảm ơn em nhiều lắm. Giờ chúng ta cùng đi.

Thiên Di ngạc nhiên:

- Tôi đi làm gì?

Hơi nheo mắt, Trác hỏi lại:

- Chẳng lẽ Di không muốn gặp người bạn duy nhất ở đây?

Cô khịt mũi:

- Tôi không thích bị ăn theo.

Trác bật cười:

- Dùng từ hay thật. Nếu không thích thì cứ ở nhà, nhưng nhớ đừng đi lang thang nguy hiểm lắm.

Nhìn Trác dắt chiếc môtô, Thiên Di suy nghĩ mãi vẫn không ra lý do ông ta muốn gặp Cần vào lúc trong nhà xảy ra nhiều chuyện như vầy. Chẳng lẽ những chuyện này liên quan đến bên đó? Thiên Di chợt nhớ tới gương mặt ông chú của Cần, rồi nhớ tới những lời ám chỉ của dì Thuỷ "hành động ấy chỉ có ở những kẻ tâm thần". Rõ ràng dì Thủy muốn đề cập tới ông Thoại rồi.

Quả thật, Thiên Di khó lòng hiểu nổi chuyện của người khác. Nhưng nhất định cô sẽ hỏi Cần cho bằng được. Dù không mắc bệnh tò mò, Di vẫn háo hức tìm hiểu về ông chủ của mình, và điều đó cũng đâu phải là sai trái?

Nhìn Thoại bị xích chân ngồi nép vào một góc nhà với củ khoai luộc trên tay. Cần bất nhẫn quá. Anh vừa bước tới định mở khoá cho ông chú thì nghe Thế quát:

- Không được tháo xích!

Cần cau mày:

- Bị cột suốt ngày như vầy, làm sao chú Út chịu nổi?

Thế cười gằn:

- Ổng khoẻ còn hơn trâu. Thả ra, lỡ ổng lên cơn, ai giữ ổng được?

- Anh nói thế, chớ đã bao giờ chú Út lên cơn chưa?

- Mày ở Đà Lạt lâu lâu mới về thì biết quái gì mà nói. Dạo này ổng có tật gặp đàn bà con gái là ôm. Hừ! Điên mà cũng đa tình. Ổng thì sướng rồi, chỉ khổ mấy thằng tỉnh như tao phải ngồi lì mặt nghe thiên hạ chửi.

Cần nói:

- Bệnh mà sướng nỗi gì. Bác Hai đã rước chú về nhà thì phải chịu trách nhiệm chăm sóc. Nếu làm không được thì để chú Út về nhà em.

Thế gạt ngang:

- Thôi đi. Má mày chịu cho ổng ở chung sao? Hừ! Tới gần, bả còn chưa dám, nói chi tới việc lo cơm nước, tắm rửa hàng ngày cho ổng.

Cần làm thinh nhìn Thoại. So với hôm mới ở bệnh viện về, bữa nay trông chú hốc hác xanh xao, lẫn bẩn thỉu hôi hám gấp mấy lần. Đã vậy, chú còn húng hắng ho vì bị nhiễm lạnh nữa. Càng nhìn Thoại, Cần càng thương tâm.

Giọng cương quyết, Cần nói:

- Thả chú Út ra, tôi sẽ coi chừng.

- Không được. Thả ra, ổng sẽ quậy liền. Từ cắt cổ chó tới cắt cổ người ta hổng bao xa đâu.

Cần rùng mình, anh ấp úng:

- Tôi không tin chú Út đã làm chuyện đó.

Thế hất hàm:

- Tin hay không, nó cũng đã xảy ra. Chính tao là người giấu cái áo dính máu của ổng. Thú thật, hôm đó tao sợ muốn chết khi nghĩ ổng đã giết ai đó.

Cần thẫn thờ:

- Trước đó chú Út rất hiền và hầu như đã gần hết bệnh, sao tự nhiên lại.... lại....

Thế bực dọc:

- Tao không phải bác sĩ, làm sao trả lời được. Nếu biết ổng trở bệnh như vầy, thà để ổng trong bệnh viện luôn còn khoẻ hơn đem ổng về hầu hạ.

Cần nhếch môi. Đâu phải tự nhiên vợ chồng bác Hai đưa chú Út về để chăm sóc. Chẳng qua ông bà muốn được danh chánh ngôn thuận trước pháp luật là người giám hộ tài sản được thừa kế của chú Út, chớ đâu phát sinh từ trách nhiệm, từ lòng yêu thương.

Suốt mười năm nay, chẳng biết bác Hai đã mấy lần rước chú Út về, rồi lại đem trả vào bệnh viện. Mỗi lần như vậy, Cần có cảm giác chú út càng tiều tuỵ, và càng điên nặng hơn. Nhưng với giòng họ, bà con, lúc nào vợ chồng bác Hai và Thế cũng kể lể công chăm sóc đứa em điên khùng của mình. Trái với bác Hai, ba mẹ Cần luôn giữ thái độ im lặng với chút ray rứt vì đã bỏ mặc em trai trong bệnh viện.

Cần thấy áy náy khi nghiệm ra rằng, mình ít quan tâm tới ông chú bất hạnh, dù hồi anh còn bé, chú Út là người thương anh nhất.

Nhìn Thế, Cần nói:

- Tôi nghĩ tại bác Hai và anh dùng biện pháp cứng rắn quá nên chú Út mới có biểu hiện như vậy. Nếu dịu dàng hơn, chắc chú Út đâu đến nỗi.

Thế cười khẩy:

- Dịu dàng? Mày đã thấy ai dịu dàng với một con chó điên chưa?

- Anh nói vậy nghe được à? Nếu không chăm sóc chú Út chu đáo thì anh đưa chú trở lại bệnh viện đi.

- Hừ! Bệnh viện làm sao có tình cảm thắm thiết như ở gia đình. Ba mẹ mày đã bỏ mặc chú Út, thì mày cũng chẳng tư cách gì để lên lớp với tao.

Thế lừ mắt, nói tiếp:

- Bữa nay mày qua đây làm chi?

Cần gãi đầu:

- Tôi muốn tìm một số sách của chú Út trước kia.

Thế hất hàm:

- Tao nghĩ mày nên mang hết mấy cái kệ sách về nhà đi. Để đây chả ai coi, đã vậy còn bụi bậm, mối mọt, choán hết cả một phòng.

Cần ngập ngừng:

- Nhưng sách đó của chú Út mà.

Thế bật cười:

- Ai không biết. Bộ mày sợ mai mốt ổng hết điên sẽ đòi lại sách để tham khảo hả? Nếu thương ổng, mày đem hết về bển giùm. Còn không, sớm muộn gì bà già tao cũng gọi ve chai vào cân ký. Bả đã hăm he rồi đó.

Cần vội vàng nói:

- Sách của chú Út toàn là sách quý, bán ve chai uổng lắm. Tôi sẽ dọn hết về nhà mình. Căn phòng ấy sẽ dùng làm phòng cho chú Út.

Thế cao giọng:

- Cho ổng ở một phòng riêng rồi ai dọn dẹp, hầu hạ? Tốt nhất là để ổng ở ngoài chòi như bây giờ, cho ổng tha hồ quậy.

Cần xót xa nhìn chú Thoại. Chẳng biết những lúc khác chú đã quậy ra sao mà lúc này khi bị xích, trông chú tội nghiệp như đứa bé vừa qua một trận đòn?

Đốt một điếu thuốc, anh bước đến đưa cho Thoại. Mắt sáng lên, thảy củ khoai đang ăn giở xuống đất, Thoại cầm điếu thuốc rít một hơi thật dài rồi bập bẹ:

- Cảm.... ơ....n.

Cần nhìn Thế:

- Chú Út đâu đến đỗi như anh nói.

Thế thản nhiên:

- Một chút lịch sự còn sót lại trong tiềm thức tối mù đâu đủ sức nói lên tất cả.

Cần đề nghị:

- Thả chú Út ra, tôi đưa ổng đi dạo cho khoây khoả.

- Dẹp đi mày. Lấy sách thì lấy phứt cho rồi, đừng chuốc khó vào mình nữa.

Ngần ngừ nhìn ông chú lim dim mắt, thở ra khói như một triết gia, Cần lắc đầu, bỏ vào phòng sách. Anh đã hứa sẽ cho Thiên Di mượn bộ Khải Hoàn Môn nên phải sang đây tìm. Nếu không, Cần cũng đâu tận mắt chứng kiến chỗ ở hiện giờ của chú Thoại.

Vậy mà hôm đó, anh đã nói với Trác bằng giọng chắc nịch rằng, chú Thoại được chăm sóc rất chu đáo. Thật ra, gia đình bác Hai đã cố ý quên chú ấy là một con người. Có lẽ Cần phải đem chuyện này bàn bạc với ba mẹ, anh không cam tâm nhìn chú Út đã bất hạnh còn bị đày đoạ.

Không phải tìm lâu, Cần đã thấy bộ Khải Hoàn Môn gồm hai quyển nằm ở một góc kệ sách. Bụi bặm, ẩm mốc làm cuốn sách dầy cộm, Cần phủi bụi rồi nâng niu chúng trong tay. Cũng may bác Hai va anh Thế ghét đọc sách. Nếu không, dễ gì anh được thừa hưởng chúng. Ngày mai, Cần sẽ đưa toàn bộ sách này về nhà mình. Anh muốn cất giữ cẩn thận những kỷ niệm một thời của chú Thoại, vừa là cất giữ những tác phẩm văn học có giá trị mà bây giờ tới các hiệu sách tìm chưa chắc có.

Ra khỏi phòng sách, Cần lại đụng đầu Thế. Anh ta đang tựa cửa, phì phèo thuốc lá.

Thế bỗng hỏi:

- Mày với con bé Thiên Di tới đâu rồi?

Cần hơi bất ngờ:

- Tụi này chỉ là bạn thôi.

Thế cười đểu giả:

- Con bé ấy coi bộ muốn chồng lắm rồi. Mày không tiến tới thì để cho tao. Giậm chân ở giới hạn bạn làm chi cho phí của giời.

Cần gằn giọng:

- Dễ gì bà Thuỷ để người có bàn tay nhớp nhúa đụng vào cháu bả. Anh đừng có mơ.

Thế hùng hổ:

- Mày vừa nói gì, thằng quỷ?

Vừa đi, Cần vừa bảo:

- Anh nghe rõ lắm mà. Đừng giả vờ hỏi nữa.

Ra tới cổng, Cần vẫn nghe giọng Thế đuổi theo:

- Tao đã muốn, mười con mụ Thuỷ tao cũng chấp.

Vờ như không nghe gì cả. Cần đi một mạch về nhà mình. Hai nhà cách nhau một con đường đất đỏ, nhưng chẳng mấy khi ba mẹ anh và vợ chồng bác Hai qua lại. Nguyên do chỉ vì hai chị em bạn dâu rất ghét nhau.

Hồi ông bà nội còn sống, Cần còn hay lui tới đây, nhưng từ khi ông bà buồn phiền vì chú Út rồi lần lượt qua đời. Cần cũng ít ghé ngôi nhà của ông nội để lại cho con trai trưởng này. Chú Út cũng ở đây, nên gia đình anh vô tình đã thiếu quan tâm tới chú.

Bước vào nhà, Cần thấy mẹ đang ngồi đếm tiền. Vừa nhướng mắt nhìn anh, bà vừa hỏi:

- Con đi đâu về vậy?

Ngồi xuống, Cần nói:

- Qua nhà bác Hai tìm mấy quyển sách.

Bà Vui cau mày:

- Sách gì? Sao không ra tiệm mua mà phải qua bên ấy? Mày lục lục soạn soạn, không khéo người ta lại vu lên là mất đồ như hồi đó.

- Trời ơi! Con lớn rồi, bộ ai muốn vu oan gì cũng được sao? Vả lại, những cuốn sách này của chú Út mà. Rồi con sẽ mang hết phòng sách ấy về. Lúc nãy anh Thế đã yêu cầu con như vậy.

Bà Vui bĩu môi:

- Tốt quá nhỉ? Nếu đó là thứ bán được tiền, thử coi nó có tử tế như vậy không. Tao không ày tha ba cái đống mối mọt ấy về nhà đâu. Những thứ ấy của thằng tâm thần đó xui thấy mồ. Không khéo lại mang họa vào thân.

Cần thản nhiên:

- Con mang về để trong phòng con. Nếu mẹ không đồng ý, con sẽ thuê xe chở về Đà Lạt. Căn nhà này để cho ba mẹ ở. Con không về đây nữa đâu.

Bà Vui xụ mặt:

- Hừm! Mày lại doạ tao à? Đấy. Muốn làm gì thì làm. Tối ngày cứ sách với vở. Học cho nhiều, lỡ điên thì khổ con ạ. Cứ như thằng Thế, xong cấp ba ở nhà coi sóc trang trại vẫn giàu to. Tao chả biết chừng nào mới nhờ được mày đây?

Cần có vẻ dỗi:

- Mẹ không phải cằn nhằn nữa. Con sẽ nghỉ học ngay để về làm công nhân trang trại. Bao nhiêu người cầu mong có con học đại học, chỉ có mẹ là muốn con mình dốt, con mình làm culi suốt đời.

Bà Vui hạ giọng:

- Tại mẹ thấy học nhiều như chú Út, rồi chả được tích sự gì, nên mẹ sợ.

Cần ngả đầu ra salon:

- Chú Út điên vì thất tình chớ có phải vì học đâu. Mẹ đừng.... ép duyên con thì con chả bao giờ mát cả.

Bà Vui lườm:

- Cái thằng, ăn với nói.

Bà Vui bỗng hỏi lãng sang chuyện khác:

- Qua bên đó, con gặp ai?

Cần thở dài:

- Con gặp ông Thế và chú Út. Phải nói là trông chú ấy tội nghiệp thật. Bị xích lại, ngồi nép trong hốc chòi y như một con chó. Bên đó đối xử với chú Út rất tệ, làm sao chú hết bệnh cho được.

Bà Vui chép miệng:

- Điên đã mười năm, làm sao mà hết.

- Nhưng nếu được chăm sóc tốt, bệnh sẽ không nặng thêm.

Ngập ngừng một chút, Cần hạ giọng:

- Hay là mình rước chú Út về nhà mình đi mẹ.

Giãy lên như đỉa phải vôi, bà Vui la:

- Không được! Mày muốn tao chết vì đau tim chắc?

Cần nói:

- Con thấy chú Út cũng hiền.

Bà Vui tiếp tục la:

- Không dám hiền đâu. Nó đã từng nổi cơn đâm bị thương một y tá trong bệnh viện. Hổm rày thiên hạ xì xào cũng nhiều, tao không rước họa vào nhà đâu.

Cần bực bội đứng dậy:

- Ai cũng chỉ nghĩ tới mình. Đúng là ích kỷ.

Thấy Cần dắt xe ra, bà Vui gắt:

- Mày lại đi đâu nữa?

- Con ra quán cà phê.

Không đợi bà Vui la thêm câu nào, Cần phóng xe đi. Hôm nay anh có hẹn với Thiên Di. Đi lúc này có hơi sớm, nhưng Cần hết muốn ở nhà rồi. Anh thèm có những phút riêng tư bên một người đồng thanh đồng điệu với mình. Nghĩ tới Di, Cần bỗng phấn chấn hẳn lên, anh chúm môi huýt gío và tăng tốc.

Tới quán cà phê lịch sự nhất thị trấn, Cần chọn một bàn khá kín đáo và dài cổ đợi chờ. Đây là lần đầu Cần hẹn Thiên Di ra quán. Cô hứa sẽ đến và anh tin lời hứa đó của cô.

Nghe vừa hết bài " Rừng xưa chưa khép " thì Cần thấy Thiên Di. Cô bước vào quán với vẻ tìm kiếm và bước đến chỗ Cần khi anh đang kéo ghế đứng dậy.

Thiên Di có vẻ bứt rứt:

- Xin lỗi vì đã tới trễ.

Cần mỉm cười:

- Tôi lại thấy thú vị khi được chờ.

Di châm biếm:

- Anh rảnh rỗi dữ vậy sao?

Cần thở dài:

- Thú thật, tôi không biết phải làm gì trong ngôi nhà của mình.

Thiên Di kêu lên:

- Trời! Sao có người sướng dữ vậy?

Cần cau mày:

- Phải. Sướng quá nên tôi hết muốn về nhà.

Di nhìn anh, tò mò:

- Gặp chuyện bực mình à?

Cần không trả lời, anh hỏi:

- Di uống gì?

- Sữa cacao.

Cần hóm hỉnh:

- Không sợ mập hả?

Thiên Di tỉnh bơ:

- Trẻ khoẻ như cô gái Hà Lan. Sợ gì mà sợ.

Hai người cùng cười. Nụ cười tự nhiên của Di khiến Cần tự tin hơn. Anh lôi trong túi xách ra hai cuốn Khải Hoàn Môn và để lên bàn:

- Của Di đây.

Mắt Thiên Di sáng rỡ:

- Anh mau mắn thật. Vừa mới hỏi đã có rồi.

Cầm sách lên, Di lật trang đầu và ngạc nhiên:

- Ủa! Sách của chú anh à?

- Chớ tôi làm gì có sách này.

Thiên Di trầm trồ:

- Trần Vĩnh Thoại. Tên đẹp mà chữ cũng đẹp.

Cần bùi ngùi:

- Trước khi bệnh, chú Thoại tài hoa lắm. Ổng đàn classis rất hay, hát cũng rất khá.

Thiên Di gật gù như bà cụ non:

- Tài hoa thường bạc mệnh. Anh không nghe câu đó sao? Nhưng lý do gì mà vợ chú ấy lại bỏ đi ngay đêm tân hôn vậy?

Cần tránh né:

- Lúc đó tôi còn nhỏ, nên đâu hiểu chuyện của người lớn. Đến khi lớn thì không ai muốn nhắc tới nỗi đau ấy nữa.

Di buồn tay lật vẩn vơ những trang sách đã ngã vàng và cầm lên một tờ giấy cũng không còn mới.

Cô lẩm nhẩm đọc:

Chiều tím màu hoa Cẩm Tú Cầu

Anh chờ nhưng chẳng thấy em đâu.

Một mùa trăng nhớ đang tàn úa.

Đàn khóc cùng năm ngón tay đau.

Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá của Trần Thị Bảo Châu
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.