Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 1

Phiên bản Dịch · 3312 chữ

Chương 1

Quán Đo Đo nằm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, kế chợ Tân Định, bề ngang bốn mét, bề sâu mười sáu mét ngăn làm ba, ngoài cùng là nơi bày bán, đằng sau vách ngăn là bếp, tít phía trong là phòng tắm và nhà vệ sinh.

Gần bếp lò có một cái cầu thang gỗ dẫn lên căn gác lửng, chỗ ngủ của đám con gái, cũng là nơi treo móc đủ thứ áo quần đồng thời là nhà kho chứa đủ thứ lụn vụn như sợi cao lầu, bánh đa, tương ớt, các loại bánh ngọt...

Đằng trước quán là khoảnh hiên xi măng nhỏ, buổi sáng ông bán thịt bày gánh bán thịt, bà bán rau trải ni-lông bán rau, chị bán thuốc đẩy xe ra bán thuốc. Đến trưa, khi ông bán thịt dẹp gánh, bà bán rau cuộn tấm ni-lông, chị bán thuốc đẩy xe lại chỗ gốc cây gần đó tránh nắng và khách ăn bắt đầu lục tục vô quán thì khoảnh sân nhỏ đó đích thị là giang sơn của thằng Cải.

Nhét một đống thẻ có buộc dây thun trong túi quần, nó bắc cái ghế ngồi tréo mảy ngó ra, oai khủng khiếp. Hễ có khách đun đầu xe vô là nó lật đật đứng lên, nhanh nhẹn đón lấy tay lái, dựng xe giùm khách rồi chìa tấm thẻ ra: nó là sếp bãi giữ xe.

Cải là một trong những thành viên của quán từ những ngày đầu. Quán ở quận 1 nhưng cô Thanh chủ quán lại ở quận 5. Mà thằng Cải cũng ở quận 5, chung dãy nhà tập thể với cô Thanh. Cô Thanh ở tầng một, mẹ con thằng Cải ở tầng trệt. Vì vậy mà quen nhau từ thời cố hỉ.

Mẹ con thằng Cải là người Quảng Đông, xưa nay vẫn bán hủ tiếu ở ngay đầu hẻm. Sáng đẩy xe ra tối đẩy xe vào. Mẹ nấu, con bưng. Kể ra có đến chục năm trời. Dần dần xảy ra tình trạng con vẫn thừa sức bưng nhưng mẹ đã không còn sức nấu. Tới một ngày, mẹ thằng Cải quài tay ra sau lưng đấm bình bịch và buồn rầu kêu nó tắt bếp, dẹp nồi, đẩy xe vô nhà. Quán hủ tiếu dẹp tiệm từ đó. Cũng từ ngày đó, Cải ra quán Đo Đo. Quán Đo Đo những ngày đầu không chỉ có Cải. Hôm khai trương còn có con Kim. Con Kim trước đây là "lính" của cô Thanh, lúc áo gió buôn sang Nga còn thịnh. Đến thời buôn bán xập xệ, cô Thanh bỏ về nhà nằm, con Kim đi bán phân u-rê quấy quá một thời gian rồi cũng kiếm chỗ nằm nghiền ngẫm nỗi buồn thất nghiệp. Vì vậy, khi cô Thanh mở quán, ới một tiếng là con Kim tót ra ngay.

Cũng như Cải, Kim là người Hoa. Chỉ khác một chi tiết: thằng Cải Quảng Đông, còn con Kim Quảng Tây. Chuyện trớ trêu cũng từ đó mà ra.

Quán Đo Đo treo tấm bảng đằng trước, ghi hàng chữ to đùng "Chuyên bán các món ăn xứ Quảng". Quảng đây tức là Quảng Nam. Các món ăn ở đây dĩ nhiên cũng là các món Quảng Nam: mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh đập...

Khách xứ Quảng đều là dân lưu lạc, thấy có cái quán quê hương ngay giữa Sài Gòn thì xúc động lắm. Đang chạy ngang, khách bóp thắng nghe cái rét.

Vừa dừng xe, thấy thằng Cải nhiệt tình ra dựng xe giúp, khách càng hài lòng.

Khách vỗ vai Cải, tỏ thân thiện:

- Cháu người Quảng hả?

- Dạ! - Cải lễ phép.

Khách nhíu mày:

- Người Quảng sao nói cái giọng ni. Nghe lạ hoắc à.

- Dạ.

Lông mày khách chợt dãn ra:

- À, chắc cháu vô đây lâu rồi.

- Dạ.

Khách vỗ vai Cải thêm cái nữa:

- Vậy hồi trước cháu ở huyện nào?

Cải liếm môi:

- Cháu sinh ở đây từ nhỏ.

- Thế ba mẹ cháu? Trước đây ba mẹ cháu sống ở đâu?

Cải thật thà:

- Dạ, ở bên Tàu.

Khách nhạc nhiên:

- Ba mẹ cháu qua bển chi vậy?

- Dạ, có qua lại gì đâu! Ba mẹ cháu là người Tàu mà.

Mắt khách càng trố ra:

- Người Tàu? Sao khi nãy cháu bảo cháu là người Quảng?

- Dạ, Quảng là Quảng Đông đó chú!

Cải gãi đầu ấp úng, cảm thấy mình có lỗi vì làm khách hụt hẫng.

Khách hụt hẫng thiệt, chân bước vô quán đã bớt vẻ hăng hái.

Khách buông phịch người xuống ghế, cầm thực đơn lên ghé mắt một hồi rồi đặt xuống. Món ăn thì đúng rồi. Toàn món Quảng Nam. Nhưng còn người Quảng Nam? Họ ở đâu trong cái quán này?

Khách ngó vô trong, gọi lớn:

- Chủ quán đâu?

Cô Thanh đi chợ nên con Lan bán đồ khô vội vàng chạy ra:

- Dạ, cô con đi vắng ạ.

Cái giọng Nam Bộ đặc sệt của con Lan làm khách nhăn hí:

- Mi là người Nam hả?

- Dạ, con là người Bến Tre.

- Thế chủ mi người ở đâu?

- Dạ, người Củ Chi ạ.

Khách thấy đầu mình ong ong:

- Lạ quá hè! Quán bán các món xứ Quảng mà không có ai người Quảng!

Con Lan láu táu chỉ ra sân:

- Anh kia là người Quảng đó chú!

Khách liếc xéo thằng Cải:

- Thằng nớ Quảng Đông, nói làm chi!

Con Lan nhíu mày ngoảnh đầu vô trong. Nhác thấy con Kim, nó mừng như bắt được vàng:

- À, con quên! Nghe nói chị kia cũng là người Quảng!

Rồi nó rối rít gọi:

- Chị Kim, ra đây! Có chú này muốn hỏi chuyện chị nè!

Con Kim hấp tấp chạy ra, chưa kịp mở miệng, khách đã hỏi ngay:

- Cháu là người Quảng Đông hả?

Con Kim không biết khách cà khịa, vui vẻ đáp:

- Dạ không ạ.

Khách hơi mừng mừng:

- Mi uống nước máy Sài Gòn nhiều quá, giọng mi mất gốc rồi! Nhưng dù sao mi cũng là con cháu Quảng Nam.

- Dạ, cháu không phải là người Quảng Nam! - Con Kim khờ khạo đính chính - Cháu là người Quảng Tây ạ!

Khách hoàn toàn không chờ đợi một sự thật phũ phàng như thế. Con Kim vừa nói xong, khách ngã bật ra sau. May mà có cái lưng ghế giữ lại, nếu không khách đã lăn quay ra đất.

Bữa đó khách kêu một tô mì Quảng, ăn nửa tô, buồn tình bỏ mứa nửa tô.

Cô Thanh đi chợ về, ra sau bếp thấy đống chén trong thau có một tô mì ăn dở, liền nói với con Lệ:

- Con nêm nếm lại nồi nhưn coi có vấn đề gì không! Sao khách chừa hết lại như vậy?

- Không phải tại mì dở đâu cô ơi! - Con Lệ phân bua - Con nghe con Kim nói có ông khách Quảng Nam vô ngồi hỏi lòng vòng cả buổi, thấy trong quán không có ai là người đồng hương, ổng sầu đời bỏ về sớm đó cô!

Nghe con Lệ tường thuật lại, cô Thanh thiếu điều té xỉu. Hóa ra chuyện buôn bán cũng phức tạp gớm. Khách đến ăn mà cũng quan tâm đến chuyện "nhân sự" y như cán bộ tổ chức, thiệt khó khăn cho cô quá.

Cô Thanh ngẫm nghĩ một hồi rồi thở đánh thượt:

- Mấy đứa đừng lo! Chuyện đó để cô tính!

Chương 2

Ngoài các món ăn thông thường, quán Đo Đo còn bán chả, nem, tré. Người bỏ mối các thứ này là vợ chồng ông Khằng. Vợ chồng ông Khằng người Quảng Nam chính gốc, vô Sài Gòn mười mấy năm nay và sinh sống bằng nghề làm nem, chả, tré, cung cấp cho chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình và chợ Bàu Hoa.

Cô Thanh "bổ sung nhân sự" bằng cách nói với ông Khằng:

- Anh xem có thằng cháu nào lanh lợi giới thiệu cho tôi một đứa!

- Trời, tôi có thằng cháu lanh lắm! Lại dễ thương hết biết! Để ngày mai tôi kêu nó tới làm cho chị!

Chiều hôm sau, những người trong quán thấy một đứa con trai ăn vận tươm tất, mặt mày sáng sủa, tóc tai gọn gàng, xịt keo bóng loáng lò dò bước vô quán. Đó là thằng Lâm, người ông Khằng giới thiệu.

Nhìn bộ tịch bề ngoài, con Lan tưởng thằng Lâm là sinh viên ôn tập nhiều quá nên đói bụng, đang tính mò vô quán bình dân kiếm thứ lót lòng, bèn chạy ra đon đả:

- Dạ, mời anh vô trong nhà ngồi át!

Thằng Lâm cười:

- Tôi muốn gặp bà chủ.

Nụ cười của thằng Lâm đẹp mê hồn làm con Lan ngẩn ngơ. Nó cứ đứng ngó sững, chẳng chịu nhích chân khiến thằng Lâm phải lịch sự nhắc lại:

- Chị làm ơn cho tôi gặp bà chủ.

Tới lúc đó, con Lan mới choàng tỉnh. Nó nói cụt ngủn:

- Anh theo tôi!

Rồi lỏn lẻn quay đầu chạy vô nhà.

Cô Thanh dòm Lâm:

- Cháu kiếm cô có chuyện chi không?

- Dạ, chú Khằng kêu con tới đây gặp cô!

Cô Thanh ngỡ ngàng "à" lên một tiếng. Thì ra đứa con trai này là cháu ông Khằng. Nhưng ông Khằng nói tiếng Quảng nặng trịch mà sao thằng cháu giọng lại nhẹ tưng, ngộ ghê!

Cô Thanh tò mò hỏi:

- Cháu là chi của ông Khằng?

- Dạ, chẳng là chi cả!

Cô Thanh ngơ ngác:

- Chẳng là chi là sao?

Lâm mỉm cười:

- Dạ, là không có bà con gì hết, thưa cô! Chú Khằng người Quảng Nam, còn cháu người Tây Ninh.

- Trời!

Cô Thanh buột ra một tiếng than, hai tay ôm cứng lấy đầu. Con Lan hớt hải chạy lại:

- Cô trúng gió hả cô?

Cô Thanh không đáp lời Lan. Cô buông tay ra, ngó thằng Lâm, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng:

- Chớ cháu không phải là cháu ông Khằng hả?

- Dạ không ạ!

Lâm ấp úng đáp, nụ cười vừa nở ra trên môi lập tức tắt ngóm. Thái độ của cô Thanh khiến nó tự dưng cảm thấy áy náy, bèn rụt rè giải thích:

- Cháu chú Khằng là bạn học với con. Con hay đến nhà chơi.

Mày cô Thanh nhíu lại:

- Ủa, cháu còn đang đi học, lấy thì giờ đâu ra mà đi làm?

- Dạ, con nghỉ học rồi, thưa cô. Vừa rồi con rớt đại học, sang năm con mới thi lại.

Cô Thanh thở một hơi dài. Rồi cô ngước mắt nhìn ra cửa, bụng nghĩ lung. Thằng này không phải người Quảng Nam nhưng coi bộ lanh lợi, lễ phép, nói chuyện một điều "thưa cô", hai điều "thưa cô". Nó là sinh viên hụt nên trông có vẻ "trí thức" nữa. Nhưng "ăn tiền" nhất là miệng nó lúc cười trông tươi rói. Buôn bán mà tươi cười dứt khoát là ăn nên làm ra!

Cô Thanh liếc con Lan:

- Con thấy sao?

Con Lan bị thằng Lâm hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, còn thấy trăng thấy sao gì nữa. Nó gật đầu cái rụp:

- Con thấy được đó cô! Anh Lâm mà làm tiếp viên thì khách thích phải biết!

- Chà, mi lẹ quá há! - Mới đó đã biết tên biết tuổi người ta rồi! Còn anh này anh nọ ngọt xớt nữa!

Lan đỏ mặt:

- Cô chỉ chọc con!

Vừa nói con Lan vừa liếc thằng Lâm, thất vọng thấy thằng này đứng nghiêm trang quá. Hai tay Lâm buông thõng bên mép quần, đầu cúi xuống như đang nghĩ ngợi điều chi. Không biết ảnh có nghe thấy câu nói trêu của cô Thanh không hén? Con Lan bâng khuâng nghĩ, ngạc nhiên thấy lòng mình bữa nay sao chộn rộn quá.

Từ bữa đó, quán Đo Đo bổ sung thêm thằng Lâm.

Lâm "ngoại hình bắt mắt", ai nói gì cũng nhe hàm răng trắng bóng ra cười nên được bố trí chân chạy bàn, gọi văn hoa là tiếp viên.

Nhưng ưu điểm tươi cười của tiếp viên Lâm vẫn không che lấp được khuyết điểm "Tây Ninh" của nó.

Khách hỏi:

- Cháu biết Đo Đo ở đâu không?

Gặp đám con Kim, con Lan, con Lệ hay thằng Cải, chắc chắn tụi nó sẽ lắc đầu "Con không biết". Nhưng thằng Lâm là đứa hơn người. Nó sắp sửa là sinh viên đại học rồi chớ bộ! Cho nên nó tỉnh bơ:

- Dạ, ở ngoài Trung đó chú.

- Ở ngoài Trung nhưng ở đâu? Tỉnh nào? Huyện nào?

Tới đây thì Lâm hết thản nhiên được nữa. Nó gãi gáy, lỏn lẻn:

- Dạ, cái đó thì con không biết.

Khách nhún vai, nặng lời:

- Người của quán Đo Đo mà không biết Đo Đo nằm ở đâu! Tốt nhất nên đổi bảng hiệu đi cháu à!

Nghe khách xài xể, thằng Lâm tức như bị bò đá. Mặt xám ngoét, vất vả lắm nó mới nặn ra được một nụ cười gượng gạo.

Khách vừa ra khỏi cửa, nó ba chân bốn cẳng chạy đi kiếm cô Thanh:

- Đo Đo nằm ở huyện nào tỉnh nào hở cô?

Cô Thanh ngẩn tò te:

- Cô đâu có biết!

Lâm như không tin vào tai mình. Mồm nó há hốc:

- Cô không nói giỡn đó chớ?

- Cô không nói giỡn.

Lâm sửng sốt:

- Thế sao cô đặt tên quán là Đo Đo?

- Cái này là do ông chồng cô đặt. Ổng kêu ổng sinh ở Đo Đo, đặt cái tên này làm kỉ niệm.

- Nguy rồi! - Lâm bứt tai - Cô phải về hỏi chú ngay Đo Đo thuộc tỉnh nào, huyện nào. Khi nãy có một ông khách hỏi Đo Đo ở đâu, con kêu con không biết, ổng liền sẩm mặt biểu mình đổi tên quán.

- Lãng xẹt! - Cô Thanh hậm hực nói.

Nhưng cô Thanh chỉ hậm hực lúc đó thôi. Ngày hôm sau, cô tập hợp cả quán lại, nghiêm nghị nói:

- Mấy đứa nghe nè! Hôm qua cô "điều tra" ra rồi! Đo Đo là tên một cái làng thuộc xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Mấy đứa ráng nhẩm cho thuộc, khách có hỏi thì biết đường mà trả lời nghe chưa?

Con Lệ lo lắng:

- Vừa xã vừa huyện vừa tỉnh khó nhớ lắm cô ơi! Con thấy cô nên bỏ quách xã và huyện đi, chỉ ráng nhớ cái tỉnh thôi!

- Không được! - Thằng Lâm phản đối, nó vẫn còn cay đắng chuyện hôm qua - Chỉ nhớ mỗi tên tỉnh, rủi khách hỏi tới, mình biết đường đâu mà mò?

Con Lan bô bô, mặt tươi hơn hớn vì được dịp bênh thằng Lâm:

- Anh Lâm nói đúng đó cô! Phải học đủ hết xã huyện tỉnh, y như trong giấy khai sinh vậy mới được!

Con Lệ "xì" một tiếng:

- Sao không nói là y như trong giấy kết hôn luôn đi!

Thấy con Lệ xỏ xiên mình, mặt con Lan thoạt xanh thoạt đỏ, nhưng nó chưa kịp "phản công", cô Thanh đã dàn hòa:

- Thôi, cô quyết định bỏ cái xã. Chỉ lấy cái huyện và cái tỉnh thôi!

Sau cái "quyết định" về "đơn vị hành chính" đó, mấy đứa trong quán đứng đâu, ngồi đâu mồm miệng cũng mấp ma mấp máy y như niệm thần chú: "Đo Đo là tên một cái làng ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam".

Thằng Cải ngồi ngoài hiên coi xe, con Lệ đứng trong bếp coi nồi nhưng cũng gật gù lẩm nhẩm suốt ngày.

Nhưng cái câu coi bộ ngắn ngủn vậy mà khó thuộc quá chừng. Chỉ có mỗi con Lệ và thằng Lâm là nhập tâm. Nhưng con Lệ coi như không tính, nó đứng suốt ngày bên bếp lò không ló mặt ra ngoài, ai mà hỏi tới nó.

Rốt cuộc chỉ có Lâm là đối đáp trôi chảy.

Còn con Lan, nghe khách hỏi:

- Cháu có biết Đo Đo ở đâu không?

Nó mừng húm:

- Dạ biết ạ.

- Ở đâu?

- Dạ, Đo Đo là tên một cái làng ở... ở...

Đang đáp ro ro, bỗng nhiên con Lan đâm ngắc ngứ. Nó tụng suốt ngày cái huyện Thăng Bình, cái tỉnh Quảng Nam trên môi, vậy mà khi có người hỏi tới, nó bỗng quên ngang xương.

Khách mỉm cười:

- Ở đâu vậy cháu?

Con Lan càng quýnh:

- Dạ, chú chờ con một chút. Đó là tên một cái làng... ở... ở...

Mắt nó đột nhiên lóe lên:

- A, con nhớ ra rồi! Ở Quảng Bình!

Khách mếu xệch miệng:

- Sao cháu lại dời cái làng Đo Đo ra tuốt ngoài Quảng Bình? Chú là người làng Đo Đo đây mà!

- Ủa, không phải Quảng Bình hả chú? - Con Lan hồn nhiên - Vậy chớ nó nằm ở đâu cà?

Đó là do con Lan chỉ nhớ mang máng mỗi chữ "Bình" và chữ "Quảng" trong "bài học địa lý" của cô Thanh.

Thằng Cải còn tệ hơn.

Khách hỏi nó, nó cúi đầu ngẫm nghĩ một hồi rồi vỗ trán:

- Chậc, cái này cô con dạy rồi mà con học hoài không thuộc chú ơi!

Nghe "lời khai thành thật" của nó, khách đã muốn xô ghế đứng lên. Đã vậy, nó còn hăng hái chỉ tay ra đường:

- Hình như nó ở đâu ngoài Bắc đó chú!

Con Lan bê cái làng Đo Đo từ Quảng Nam đem ra Quảng Bình dù sao cũng không đến nỗi dời xa quá. Quảng Bình vẫn còn thuộc miền Trung, nghĩa là còn châm chước được. Thằng Cải dời tuốt ra miền Bắc thì đúng là quá đáng.

Khách ngửa cổ nhìn lên trần nhà, thống thiết:

- Trời ơi là trời!

Tiếng than của khách nghe mới não nùng làm sao!

Cô Thanh phiền muộn chứng kiến tất tần tật những màn bi hài kịch lâm ly đó.

Không thể để khách ghé quán ăn uống phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn nữa, tối đó cô lại tích cực âm thầm "điều tra".

Và sáng hôm sau cô lại tập hợp mọi người, thông báo kết quả:

- Từ nay trở đi, nếu khách hỏi Đo Đo ở đâu, mấy đứa không cần nói huyện nói tỉnh chi cho dài dòng. Cứ nói ở Quán Gò đi lên là được rồi. Vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu.

Con Lệ thắc mắc:

- Quán Gò ở đâu hở cô?

- Chắc ở loanh quanh đâu chỗ đó. Cô cũng chẳng biết. Ông chồng cô nói vậy thì cô chỉ biết vậy.

Nói xong, cô Thanh cười hì hì. Biết hỏi tới cũng chẳng ăn thua gì, mọi người liền tự động giải tán.

Thực bụng thì chẳng đứa nào tin tưởng cái câu thần chú "Quán Gò đi lên" cho lắm. Một địa danh bí hiểm như Đo Đo mà chỉ giải thích bằng mấy chữ ít ỏi và tầm thường kia thì chắc chẳng kết quả gì.

Không ngờ ngày hôm sau, gặp câu hỏi quen thuộc đó, thằng Lâm rụt rè:

- Dạ, ở Quán Gò đi lên!

Khách liền toét miệng cười hể hả:

- Chà, thằng này còn biết cả Quán Gò nữa, giỏi quá ta!

Khiến thằng Lâm ngạc nhiên một cách sung sướng.

Bạn đang đọc Quán Gò đi lên của Nguyễn Nhật Ánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 31

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.