Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 61

Phiên bản Dịch · 2623 chữ

Dạ hội xong thì khoảng 2 hay 3 ngày sau là đúng Trung thu. Tối hôm đó, tôi ăn cơm sớm rồi chạy sang nhà con An rủ nó đi rước đèn, không quên cầm theo cái đèn lồng vĩ đại mà tôi làm cho nó. Vào nhà, thấy bố mẹ nó đang ngồi dưới phòng khách, tôi lễ phép chào:

- Dạ! Cháu chào hai bác ạ!

Hai bác gật đầu, tươi cười nói:

- A thằng rể! Đến đón con gái mẹ đi phá cỗ à? Nó đang ở trên phòng đấy!

Tôi ngượng chín mặt, ấp úng:

- Ơ…bác cứ trêu cháu.

Bác trai cười khoái trá, bồi thêm:

- Vẽ chuyện! Đến nhà bố cứ như ở nhà, thoải con gà mái đi. Ráng học, sau này tao gả nó cho con trai ạ! Bố nói thật lòng đấy

Tôi cứng lưỡi, không vặn vẹo được câu nào. Bác gái lại nói:

- Thôi! Ông cứ trêu thằng bé. Con lên phòng đi, nó đang ở trên đấy đấy!

Nói rồi bác gọi vọng lên:

- Búp Bông ơi! Hưng nó đến đón này!

Tiếng con An nhõng nhẽo:

- Nàooooo! Con lớn rồi mà mẹ cứ gọi mãi thế.

- Ơ thế con rể mẹ được gọi mà mẹ không được gọi à. Chết thật, các cụ nói cấm có sai: Con gái là con người ta, giờ nó theo chồng rồi quên luôn cả bà mẹ già.

Con An kêu:

- Ứ ừ! Không biết đâu!

Hai bác đập vai nhau, cười rũ rượi, đoạn chỉ tôi lên phòng. Lúc tôi lên cầu thang rồi mà hai vợ chồng vẫn còn nhấm nháy nhau cười tiếp được. Ghê thật, cả nhà này cứ như khắc tinh của tôi ý, hàng ngày tôi vặn vẹo, đối đáp cứng cỏi không sợ bố con thằng nào. Ấy vậy mà cứ động đến gia đình này là lại cứng họng, bị bẻ cho đỏ mặt thì thôi. Bước lên phòng nó, thấy nó đang chui gần hết người vào tủ áo, xung quanh nệm vứt đầy quần áo các kiểu, eo ôi, lại còn có đủ màu quần áo lót nữa chứ. Con An vừa thấy tôi lên, mắt nhìn nó kì dị thì hét toáng lên, ủn lưng tôi ra ngoài rồi đóng cửa lại, kêu:

- Đi raaaa! Tao đang chọn quần áo mà mày vào hả. Bệnh hoạn, biến thái!

Tôi cười hềnh hệch:

- Có gì đâu mà nóng thế! Đã thế tý tao lẻn vào ăn trộm mấy cái, đem lên trường bán đấu giá. Được ối tiền đấy!

Nó ở trong phòng nói:

- Chờ đấy, cấm ngó nghiêng vào trong.

Tôi ngán ngẩm, cố kiên nhẫn đứng ngoài, phải mất đến gần nửa tiếng mới thấy nó đi ra. Woa! Nhìn sexy thế, áo pull, quần short, tóc búi cao. Trông năng động thế này là kiểu gì nó cũng tăng động à xem. Xuống nhà chào hai bác xong, tôi với nó dắt nhau chạy ra phố, hòa mình vào đoàn trẻ con múa lân rước đèn. Tôi đưa nó cái đèn lồng, móc bật lửa trong túi quần ra đốt nến, cắm vào trong. Con An hí hửng cầm cái đèn, cười tít mắt:

- Bi đần độn mà giỏi thế! Làm cái đèn rõ to, hì hì, sáng thế!

Bỗng nhiên nó nhăn mặt lại, ngờ vực hỏi tôi:

- Này, sao mày có bật lửa trong túi quần?

- Để đốt nến ày chơi còn gì!

- Nói dối! Mày hút thuốc đúng không/

- Mày điên à?

Nó cau mày, chúi người hít hít áo tôi xem có mùi thuốc lá không. Tôi túm lấy chỏm tóc nó, nhẹ đẩy ra, mỉm cười nói:

- Không hút thuốc thật mà! Không tin tao à…!

Nói đoạn, tôi cúi người thơm chụt phát vào má nó, cười :

- Đấy nhé, không có mùi thuốc lá nhé!

Con An ngơ ngác, sau đó thì đỏ hết cả mặt, đấm tôi thùm thụp, nói rõ bé:

- Con lợn, lợi dụng để thơm trộm tao.

Nói rồi nó ngượng ngùng chạy lon ton ra chỗ đám trẻ con, vung vẩy cái đèn lồng. Tôi đi sau, nhìn giữa đám trẻ lít nhít lại tự dưng mọc thêm ra một đứa bé to đùng, lúc lắc cái chỏm tóc xinh xinh, miệng hát líu lo. Mà hình như nó hát nhạc chế bài “Chiếc đèn ông sao” thì phải :

- Cái sịp năm xu chia năm sắc tươi màu. Em không có tiền mua nhầm sịp nhàu, em cầm sịp em quấn lấy hai mông, lắc lắc cho nhiều để cho sịp căng ra.

Ô ! Láo quá, quá láo. Sao nó dám hát bài bậy bạ thế nhể? Lại còn dạy bọn trẻ con hát theo nữa. Tôi vội đuổi lên, bẹo má nó kéo lại. Con An kêu oái oái:

- Á đau! Mày làm rách khuôn mặt mĩ miều của tao giờ.

Tôi cười hè hè xong nghiêm mặt hỏi:

- Búp! Sao mày hát bài bậy thế hả? Ai dạy mày? Đã thế mày còn dám dạy hư lũ trẻ con nữa.

Con An cúi gằm mặt ra chiều biết lỗi, hai tay đan vào nhau, sợ sệt nhìn tôi như con mèo con vừa bị phát hiện làm vỡ bình hoa. Nó lí nhí:

- Anh tao hát nên tao bắt chước mà!

Tôi cố nhịn cười, hằm hằm nhìn nó, ra dáng một ông bố nghiêm khắc lắm. Con An run bắn lên, nói:

- Ơ kìa! Tao lỡ miệng mà, mày cũng lỡ miệng bao lần còn gì! Xí xóa, xí xóa nhé!

Tôi cười xòa, cúi người thơm tiếp cái nữa vào má nó, nó giãy nảy lên, phẫn nộ:

- Lần thứ hai rồi đấy! Thằng dê già biến thái!

Tôi cười hì hì, bẹo má nó, dỗ:

- Đấy, xí xóa đấy còn gì. Thôi, đi chơi tiếp đi.

Nó phụng phịu, lạch bạch chạy lên trước, huơ huơ cái đèn, trông tí ta tí tởn. Tôi ở đằng sau gọi:

- Mày mà vùng vẩy nữa, lửa nó táp vào giấy là cháy đấy.

Nó quả quyết:

- Không cháy được đâu, mày làm cái đèn to thế này cơ mà.

Nói đoạn nó tiếp tục chạy tung tăng cùng đám trẻ con. Lát sau thì đến cái sân rộng mà bọn tôi hay gọi là sân ông Cúc. Chỗ này trước là khu nhà của một xí nghiệp nhà nước, về sau xí nghiệp nâng lên thành công ty, chuyển đến chỗ khác thì chỗ này thành chỗ cho thuê nhà, bọn trẻ con chúng tôi từ bé đã lấy chỗ này làm chỗ chơi đùa, sinh hoạt hè, tổ chức 1-6, Trung thu,…Biết đâu ngày xưa, tôi đã từng gặp Búp Bông ở cái sân chơi này, từ khi hai đứa còn quá bé để nhớ được. Nhưng chắc là không đâu, vì trong trí nhớ non nớt của tôi, chẳng có đứa nhóc nào ham ăn, đáng yêu như nó cả. Mà cũng có sao? Giờ chẳng phải trước mặt tôi là đứa trẻ to xác, ham ăn ham ngủ, suốt ngày làm nũng tôi đó thôi. Ngồi bên thành bể cá nghĩ vẩn vơ, chợt con An lay lay vai tôi, nói:

- Mày mệt thì ngồi đây nghỉ nhé! Tao vào trong kia xem một tý nhé, xong tao đem đồ chơi ra ày.

Đang mải nghĩ, tôi cứ gật đầu ừ ừ, nó thấy thế liền chạy tót đi chơi với lũ trẻ con. Được một lúc, đột nhiên có tiếng hét thất thanh:

- Á!!! Hưng ơi cháy, cháy rồi!

Tôi hoảng hồn đứng bật dậy, đảo mắt tìm khắp sân. Bỗng thấy nó chạy tán loạn, tay cầm cái que gì cháy phừng phừng. Tôi vội vàng đuổi theo, giằng cái que cháy quăng đi. Con An sợ trắng bệch mặt, ôm cứng lấy tay tôi. Nhìn lại, hóa ra là cái “đèn lồng” bốc cháy. Khổ thân! Ai bảo cứ vung vẩy cái đèn tít mù cơ, để lửa liếm vào giấy bóng kín, cháy to như đuốc. Tôi nhìn nó đang thất thần, run lẩy bẩy, trông đến tội. Vỗ vỗ vào lưng nó, dỗ dành:

- Sợ lắm hả Búp?

Nó líu cả lưỡi:

- Lúc nãy, mày chưa thấy, nó cháy to lắm.

Tôi lo lắng hỏi:

- Khổ chưa! Bảo không nghe cơ, thế có bị bỏng không?

Nó lắc đầu, mặt vẫn chưa hết vẻ sợ hãi. Tôi hỏi lại:

- Nó cháy như thế, sao không ném đi mà cứ giữ mãi thế hả? Nhỡ lửa nó táp vào tóc, vào mặt thì làm sao?

Nó lí nhí:

- Nhưng…nhưng mà của mày làm tặng cho tao, vứt đi tiếc lắm.

Tôi giật mình, thấy lòng chợt nhói lên. Chỉ một cái đèn lồng tạp nham mà nó còn cố giữ, đơn giản vì đó là do tôi làm tặng nó, còn không quan tâm xem bản thân có sao không nữa. Người như nó sao trong sáng, ngây thơ quá chừng. Tôi bỗng thấy mắt cay cay, có kìm lại, cười nói:

- Ngốc này! Mày tồ lắm biết không? Có đáng như thế không hả? Hỏng thì thôi, tao làm cho cái khác đẹp hơn. Từ rày không được nghịch dại thế nữa, biết không?

Nó gật gật, nép sát vào người tôi. Tôi áp hai tay lên má nó, ép cặp má bầu bĩnh lại cho cái môi xinh xinh chu ra, hỏi nó:

- Hết sợ đi này! Tao kiếm hoa quả ày ăn nhé!

Nó lắc đầu lia lia, níu chặt lấy tôi, láo liên nhìn quanh, lộ rõ vẻ sợ hãi. Lúc đó, tôi ngạc nhiên lắm, không biết vì cớ gì mà nó sợ đến thế, mãi sau này, tôi mới biết là nó cực kì sợ ánh lửa cháy kiểu như ngọn đuốc. Nghe kể hồi nó còn bé tí, có lần bố mẹ nó cãi nhau, bố nó say rượu, tầm dầu vào que, đốt thành đuốc, dọa thiêu chết hai anh em nó ngay trước mặt nhà ngoại.

Suốt cả buổi phá cỗ Trung thu, con An cứ bám sát lấy tôi, tay lúc nào cũng nắm chặt vạt áo, không chịu rời một bước. Thấy nó sợ, tôi phải ngọt nhạt dỗ dành mãi, nó mới nguôi đi chút. Ở chơi thêm lúc rồi về. đưa nó về tận cổng, tôi mới yên tâm đi về. Đang đi, bỗng con An, ngoắc tôi lại, kiễng chân lên thì thầm vào tai:

- Tao nghĩ rồi, đáng lắm!

Tôi mỉm cười;

- Mày tồ lắm Búp ạ!

Nó kênh mặt lên, cười:

- Còn mày thì ngố, lè! Chó chê mèo lắm lông.

Tôi lắc đầu cười, nhìn theo cái dáng yêu yêu chạy lích nhích lên nhà từ bao giờ rồi mà tôi vẫn ngẩn ngơ đứng đó, lúc sau mới đi về.

Mấy hôm sau, được buổi sáng chủ nhật, tôi được thể ngủ nướng ở nhà. Bỗng dưng có điện thoại réo inh ỏi. Tôi nằm trong chăn, ì xèo:

- Mẹ ơi! Có điện thoại kìa mẹ.

Sực nhớ ra cả bố lẫn mẹ đều sang nhà cậu để lo đám 49 ngày bà em bà ngoại tôi. Thiểu nảo ngồi dậy, tôi ì ạch lết xuống cầu thang, lè nhè trả lời:

- A lô! Ai đấy ạ?

Giọng con An thút thít:

- Bi đấy à?

Tôi hoảng hồn tỉnh cả ngủ, đáp:

- Ừ! Sao thế, sao lại khóc!

Nó nấc lên từng hồi:

- Mày sang ngay đi, nhanh lên! Tao sợ lắm!

Tôi sợ cuống cả lên, hối hả mặc quần áo, khóa vội cửa rồi phóng như điên sang nhà nó, trong đầu tưởng tượng ra đủ thứ tồi tệ có thể xảy đến với nó. Vừa sang đã thấy nó đứng chờ dưới cổng, mắt ngấn lệ. Tôi ôm chầm lấy nó, sốt sắng hỏi:

- Chết thật, sao mà khóc ghê thế? Nói đi, đứa nào làm mày khóc, tao táng chết cả nhà nó.

Nó nắm tay tôi dắt lên phòng, năn nỉ:

- Bi ơi, con Píp của tao làm sao thế này? Từ sáng tới giờ tao cho nó ăn mà nó không dậy, lay lay người mà nó cứ ngủ mãi thôi, mọi khi nó có thế đâu.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra là con hamster nó nuôi dở chứng, làm mình hết cả hồn. Nhòm vào trong bể kính, thấy con Píp nằm im thin thít, không động đậy tý gì. Kiểu này dễ là cụ tạch lắm. Tôi hỏi:

- Mày có quên cho nó ăn không?

- Đâu mà, vẫn một ngày 9 bữa!

Tôi kinh ngạc, trố mắt nhìn, bảo:

- Thảo nào nó béo múp béo míp ra. Có khi nó bội thực nên ngỏm rồi.

Con An bịt tai, nhắm tịt mắt, hét the thé:

- Ứ ừ không phải! Mọi khi tao vẫn cho ăn thế mà, có làm sao đâu.

- Hay là mày không cho nó uống nước!

- Nước cho nó uống thì mẹ tao với tao thay liên tục.

Tôi lắc đầu, nhìn nó khóc sụt sịt cứ như người nhà nạn nhân bị tai nạn vậy, có mỗi con chuột mà cũng…! Tôi hỏi:

- Thế mày nuôi con Píp bao lâu rồi!

Nó buồn xo đáp:

- Mới được có 4 năm thôi! Bố tao mua cho tao làm quà sinh nhật mà!

Tôi ngán ngẩm, kêu:

- Thế thì tạch mẹ nó rồi! Già cốc đế thế, sống đến bây giờ là thọ đấy!

Nó lắc đầu không tin, tôi mới nói:

- Tuổi thọ trung bình của hamster chỉ có năm rưỡi đến hai năm thôi. Con này bố mày mua chắc là loại Golden, giống tốt ít bệnh nên sống những 4 năm đấy.

Nó mếu máo:

- Ơ thế nó chết rồi à?

- Ừ!

Con An nghe thế bỗng khóc òa lên, than:

- Píp ơi! Dậy đi em, chị cho ăn này, sao em bỏ chị mà đi! Hu hu hu!

Tôi cười:

- Đồ mít ướt! Có mỗi con chuột mà cũng bù lu bù loa lên.

Nó vẫn khóc, nói:

- Hức hức…hức! Đồ…đồ vô cảm…mày có nuôi nó đâu…mà…mà mày biết! Nó…sống tình cảm lắm…lại ngoan nữa…hu hu hu!

Tôi cười khì khì, kêu:

- Tao khuyên mày nên giải quyết sớm đi, để lâu nó phân hủy, bốc mùi ghê lắm!

- Đem đi đâu? …Mày…mày nói xem nào…hức!

Tôi nhún vai nói:

- Dào ôi! Đem èo, vừa bổ vừa nhanh, đỡ tốn công vứt!

Con An nhìn tôi hằm hằm, lao vào cấu véo liên tọi, tôi kêu đau ầm ĩ, lúc sau nó mới thôi, lại ngồi khóc ngon lành:

- Òa! Òa! Tao không ngờ…mày…mày là đồ máu lạnh đến thế!...Hức…hu! Nó đã làm gì mày…chưa..? Hức! Mà mày…mà mày…đối xử với nó tàn nhẫn thế?

Tôi xuýt xoa, ôm nó vào lòng, vỗ về:

- Ngoan nào, thế thì không đem èo nữa nhé! Nín đi, nín đi, ngoan nào Búp! Thôi để chiều tao với mày đem nó đi chôn nhé! Ngoan nào, ngoan nào! Dù gì nó cũng tỏi…à nhầm mất rồi…mày khóc nữa nó cũng không sống lại đâu…thôi mà, nín đi kìa. To đùng rồi còn khóc nhè chè thiu!

Con An vẫn thút thít khóc mãi, lúc sau thì ngủ mất. Hê, hay thật, vừa nãy còn cấu mình tím cả tay, vậy mà bây giờ rúc vào người mình ngủ ngon thế!

Bạn đang đọc Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió của yangki123 - voz
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 18

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.