Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 4

Phiên bản Dịch · 3824 chữ

Đó cũng là khi ta lạc mất nhau rồi

Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp

Khi âm thanh cũng bất lực như lời

Khúc mùa thu - HỒNG THANH QUANG

Tôi biết chuyện của cô một cách tình cờ. Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thoảng thốt khi kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình. Mối tình kéo dài từ năm lớp mười cho đến khi cô vào đại học. Trước khi đi du học, bạn trai cô hứa hẹn rất nhiều, kể cả chuyện sẽ kiếm học bổng để đưa cô theo… Nhưng chưa đầy một năm, anh đã công khai sống chung với cô gái khác ở xứ người, và đề nghị chia tay cô qua email.

Mẹ cô tìm cách an ủi: “Nó như vậy là không xứng với con, tiếc làm gì”. Cô chỉ cười lớn: “Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm đến ảnh nữa”. Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi. Ai ngờ cô “nói một đằng nghĩ một nẻo”, lòng vẫn ấp ủ thương nhớ, căm hận, đến nỗi cắt cổ tay. May mà gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời.

Mẹ cô chảy nước mắt khi tâm sự: “Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn ngoài mặt cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói ‘có gì đâu’ là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tôi để đâu rồi không biết nữa”.

Đó là một lời tự trách. Nhưng tôi nghe như một câu hỏi vậy.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác. Hẳn nhiên, trước tiên là cảm xúc của mẹ chúng. Nếu người mẹ vui sướng hạnh phúc, đứa trẻ sẽ ngủ ngoan và hay cười. Nhưng nếu người mẹ lo lắng, buồn phiền, đau khổ hoặc không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng theo cách khác. Nó bú ít, khó ngủ, quấy khóc nhiều, cáu bẳn, đau bụng… Mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé.

Thật lạ lùng phải không? Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình.

Như Daniel Goleman, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ cảm xúc và Trí tuệ xã hội đã nhắc chúng ta rằng, sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó. Chúng ta tưởng mình đang được kết nối, khi friendlist trong Facebook của ai dài ra từng ngày. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đang mất dần kết nối vơi nhau. Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình thờ ơ với người thân thuộc đang ở ngay cạnh mình. Mạng lưới rộng đến nỗi một đứt gãy nhỏ ở bên cạnh không làm ta để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc.

Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: “Mọi chuyện sao rồi?” và câu trả lời: “Cảm ơn. Vẫn tốt” làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau đó. Sự mệt mỏi nơi khóe môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu cảm của chúng ta bây giờ giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.

Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng ta không hiểu gì về họ cả, ta sẽ trả lời rất nhanh: “Bạn không nói làm sao tôi hiểu được” như thể đó hoàn toàn là lỗi ở họ.

Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, diễn giải sự việc theo cách khác nhau, dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.

Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ mà quên rằng vẫn còn một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.

Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không? Ta luôn có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không nói, chia sẻ hay không, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu - tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve, yêu thương, chia sẻ với những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn mình mà tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.

Cũng Daniel Goleman trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.

Phải vậy không, đôi khi ta chỉ cần trở lại ngồi yên bên nhau là đủ. Đủ để hiểu. Như ngày xưa, khi ta khởi đầu yêu.

Chúng ta thường khởi đầu tình yêu với một người khi nhận ra rằng ta và người ấy có thể hiểu nhau mà không cần nói. Những rung động buổi đầu trong tim ta thường không phải là ngôn ngữ. Chỉ càn nhìn vào mắt nhau, hay thậm chí chỉ cần ở bên nhau trong cùng một bầu không khí, dường như ta đã hiểu nhau. Và khi mối tình trở nên bền chặt hơn, ta tự hào vì người kia chưa nói hết ý mà người này đã hiểu: tình cảm, nhu cầu chia sẻ, nỗi buồn, niềm vui, sự lo âu… Chiếc ăngten thấu cảm trong ta thật nhạy.

Nhưng rồi, thời gian qua, một lúc nào đó bỗng dưng ta nhận ra người này đang trách người kia rằng nếu không nói ra làm sao hiểu được. Có lẽ khi đó tình yêu đã qua một khúc quanh.

Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu.

Đó là khi ta nhận ra ngôn từ không bao giờ đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu - những điều ta mong người ấy thấu hiểu - những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta - nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.

Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của ngộ nhận”.

Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!

Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ đã nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý.

Trang thứ nhất:

Tôi sung sướng và tự do

Như ánh sáng

Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi.

Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:

Anh ấy đã không nói thêm

rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…

Khi đọc bài thơ này cách đây hai mươi năm, tôi đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ. Bây giờ, cuộc sống đã giúp tôi nhìn khác đi về bài thơ trên trang giấy cũ này.

Cô gái trong thơ nhạy cảm và tinh tế, vì đã không đợi đến khi người mình yêu quay lưng mới xót xa nhận ra rằng tự do “như ánh sáng” chỉ là một thứ tự do mong manh. Hạnh phúc “như ánh sáng” là một hạnh phúc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Nhưng giả sử chàng trai có nói thêm rằng “sẽ yêu mãi mãi”, hoặc có thể hứa trăm năm đi nữa… ai dám khẳng định trái tim chàng sẽ không đổi thay? Nếu từng đọc Ruồi trâu, bạn hẳn còn nhớ đoạn văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy tha thiết với một điều nào đó, thế là đủ rồi”.

Ngoài sự “tha thiết tự nguyện” đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc chắn rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thẻ buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sau đậm, những kỷ niệm đắm say. Càng không phải là sự khéo léo sắc sảo, sự thông minh, dịu dàng, yếu đuối, sự thương hại hay giàu có… Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc… nhưng không thể níu giữ một trái tim.

Trái tim vốn là tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực… nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.

Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hóa ra là một điều rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người đó có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, sáng suốt hay nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.

Nhưng, bất cứ ai cũng có lúc đổi thay.

Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta yêu quý, chắc chắn sẽ khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm làm mặt lạnh và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: ‘Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?’, Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật”.

Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thẻ yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.

Tôi đọc lại lần nữa bài thơ ngắn ngủi trên tờ thư cũ, và cảm nhận một cách rõ rệt vẻ trách móc, đắng cay, dịu dàng rất đỗi con gái. Nhưng ít nhất cô gái trong bài thơ kia cũng biết rằng người yêu cô đã rất thành thật, khi không hứa một điều mà anh không tin chắc. Cô cũng biết trái tim con người là một tạo vật hoàn toàn tự do, và một khoảnh khắc đắm say hạnh phúc không bao giờ là lời hứa hẹn vĩnh cửu.

Cô bạn yêu quý của tôi chắc cũng nhận ra điều đó, nên đã viết thêm một dòng chữ xinh xinh vào cuối trang thư, một dòng ngắn mà tôi không bao giờ quên được:

“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”

Lắng nghe lời thì thầm của trái tim

Hầu hết mọi người là người khác. Những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn.

- OSCAR WILDE.

Khi đọc truyện Gasby vĩ đại của Scott Fitzgerald, tôi vô cùng thích thú với đoạn mở đầu: “Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay: Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu. Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau, mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kỳ quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác”.

Tôi cũng rất thích một chi tiết trong truyện Doraemon, đó là một khi Nobita và Doraemon lạc vào một thế giới khác, bất cứ thế giới nào, thì ở nơi đó cũng xuất hiện những nhân vật có nhân dáng tương tự Nobita, Xuka, Xeko, Chaien… nhưng tính cách lại rất khác. Điều đó luôn khiến tôi mỉm cười.

Cuộc sống này cũng vậy… Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mải mê rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi. Tôi nhận ra rằng, hai sự phấn khích đó có thể rất giống nhau. Cũng giống như người ta có thể phản ứng rất khác nhau khi đứng trước thác Niagara(5) hùng vĩ, người này nhảy cẫng lên và ghi nhớ cảnh tượng đó suốt đời, nhưng cũng có người nhìn nó rồi nói: “Thác lớn nhỉ?” và quên nó đi ngay sau khi trở về nhà. Sao ta phải lấy làm lạ về điều đó? Sao ta phải bực mình về điều đó? Sao ta lại muốn tất cả mọi người đều phải nhảy lên khi nhìn thấy thác Niagara?

5. Thác Niagara: thác nước thuộc sông Niagra ở Bắc Mỹ, nằm ở đường biên giới của Hoa Kỳ và Canada.

Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống… Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.

Cách đây nhiều năm, nhiều xe hơi ở Việt Nam vẫn còn là thứ vô cùng xa xỉ, người bạn của tôi sau một thời gian quyết tâm dành dụm và nay mượn đã mua được một chiếc. Chỉ là một chiếc xe cũ thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh chỉ là một nhà báo với thu nhập và phải và vẫn đang ở nhà thuê. Gia đình phản đối nói anh phung phí. Đồng nghiệp xì xầm rằng anh đua đòi. Bạn bè nghi ngại cho anh là anh học làm sang. Và anh tâm sự với tôi rằng: từ hồi còn nhỏ xíu, anh đã luôn mơ mình được ngồi sau vô lăng, được tự lái xe lên rừng xuống biển. Ước mơ đó theo anh mỗi ngày. Vì vậy anh đã gom góp suốt thời gian qua, cho đến khi có thể mua được một chiếc xe cho riêng mình. Chỉ thế thôi. Rồi anh nhìn tôi hỏi: “Tại sao tôi phải trì hoãn ước mơ chỉ vì sợ người khác đánh giá sai về mình? Sao tôi phải sống theo tiêu chuẩn của người khác?”

Tôi không thể tìm ra một câu trả lời đủ thuyết phục cho câu nói đó. Bởi thế, tôi luôn mang theo câu hỏi của anh bên mình. Nó nhắc tôi rằng, rất nhiều khi chúng ta vì quá lo lắng về những điều người khác đã nói, sẽ nói và có thể nói mà không dám sống vơi con người và ước mơ đích thực của mình.

Một người bạn khác của tôi đeo đuổi việc làm từ thiện quyên góp, chia sẻ. Ban đầu vì lòng trắc ẩn. Rồi vì niềm vui cho chính bản thân. Rồi như ngọn nến cháy hết mình cho người khác. Ấy vậy mà rất nhiều lần tôi thấy chị khóc vì những lời người khác nói về mình. Như vậy đó, kể cả khi hành động hoàn toàn vô vị lợi, cũng không có nghĩa là ta sẽ ngăn ngừa được định kiến lời gièm pha ác ý. Vậy sao ta không bình thản bước qua nó mà đi?

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?

Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kì ngắn gọn. Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống nào là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao. Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.

Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như đôi giày của mình phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ chân vào đôi giày đó và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi nếu không theo ý mình. Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay gia cảnh mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này - một cái chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

Bạn đang đọc Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn của Phạm Lữ Ân
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 20

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.