Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Mai mối (2)

2539 chữ

Bóng nắng vừa đến nửa thềm, cuộc kể nghĩa đã xong. Khắc Mẫn lúi húi đưa ngọn bút son vào tập sách tô, sách phóng và sách câu đối, bài đoạn. Vân Hạc thình linh trở vào vừa cười vừa hỏi:

- Giò lan bạch ngọc mới nở ở đâu? Hoa rụng anh quét đổ vào chỗ nào? Sao tôi không thấy?

Khắc Mẫn ngơ ngác:

- Mùa này làm gì có lan, lây đâu ra hoa mà rụng.

- Thế thì sao trong thư, anh lại dám nói là "thấy lan nở" và "quét hoa rụng"?

- Thì cũng nói thế cho đẹp câu văn, cần gì phải có hoa, có lan mới được? Tôi thấy cổ nhân thường thường viết như vậy cả.

Vân Hạc khôi hài:

- Nhưng tôi không thích.kiểu đó. Nếu anh còn chơi với tôi, thì phải chừa lối văn sáo bã ấy đi.

Hai người cùng phá lên cười. Buổi học đến đây là hết. Các cậu học trò tấp nập cắp sách ra đi, sau khi đã chào khách của thầy bằng những cái lạy không ngoảnh cổ trở lại.

Thằng ở nhà chủ lễ mễ bưng mâm rượu đặt vào phản của thầy đồ, rồi nó lễ phép đi ra. Ông chủ với bộ khăn áo chỉnh tề và một nai rượu cầm tay, lật đật từ trên nhà khách đi xuống. Sẽ sàng để nai rượu vào chỗ cạnh mâm, ông ấy gãi tai nói với Vân Hạc:

- Không mấy khi ông sang chơi đây với thầy đồ tôi thấy rất làm hân hạnh. Gọi là có chén rượu nhạt mời ông xơi tạm.

Vân Hạc và Khắc Mẫn mời.ông ta cùng ngồi uống rượu với mình. Nhưng ông ấy nhất định từ chối, vì đã ăn cơm từ lúc thợ cày đánh trâu ra đồng. Rồi ông chủ cáo biệt lên nhà trên. Để mặc thầy thù tiếp ông khách.

Lượng ruợu Khắc Mẫn tuy không theo kịp Vân Hạc, song vì ở vào ngôi chủ, lễ phép bắt thầy cứ phải nhấc chén lên lại đặt chén xuống, thỉnh thoảng nhấp cho ướt môi. Sau vài lần chén tạc, chén thù, những chuyện thi cử văn chương đã thấy càn cạn. Khắc Mẫn bỗng làm ra bộ nghiêm nghị và hỏi:

- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?

Vân Hạc biết thầy bắt đầu vào đề, nhưng chàng vẫn trả lời một cách thản nhiên:

- Hăm hai tuổi rồi, anh ạ!

Khác Mẫn tiếp theo một câu văn hoa:

- Câu thơ lá thắm đã định thả vào ngòi nào hay chưa?

- Tôi chưa dám nghĩ gì đến chuyện đó.

Khắc Mẫn rót cho Vân Hạc một chén rượu đầy, rồi thầy vừa cười vừa nói:

- Vậy thì tôi kính mừng anh.

Vân Hạc ngơ ngác:

- Mừng tôi cái gì? Anh hãy nói cho tôi biết.

Khắc Mẫn cười hỏi tiếp:

- Anh biết cô Ngọc đấy chứ ?

- Có phải cái cô vẫn bán giấy bút ở chợ Kim Bảng đó không?

- Phải đó.

- Tôi biết lắm, cô ấy năm nay độ mười tám tuổi, con ông đồ Vân Trình chứ gì?

- Phải rồi! Nhưng anh có chịu cô ấy là bậc tuyệt sắc hay không?

- Vùng khác không biết thế nào. Nội trong vùng này, có lẽ tôi chưa thấy ai đẹp hơn người ấy. Nhưng anh hỏi tôi như vậy để làm gì?

- Là vì cô ấy sắp sửa làm người gánh gạo cho anh đi học. Tôi muốn biết trước ý anh đối với cô ta như thế nào?

Vân Hạc vội vàng xua tay:

- Anh đừng nói vậy mang tiếng. Hình như trước kia cô ta đã nhận trầu cau của anh nghè Long đấy mà.

Khắc Mẫn rót thêm rượu vào chén Vân Hạc rồi nói:

- Phải. Có! Năm xưa cụ đồ Văn Khoa đã có cậy mối đến hỏi cô ấy cho ông nghè Long. Đó là gượng theo ý muốn của ông ta. Thực ra cụ ông, cụ bà đều không thuận cả. Các cụ cho rằng hồng nhan phần nhiều bạc mệnh, nếu lấy cô ấy về làm nàng dâu, tất nhiên sau này sẽ không hay cho con trai mình. Vì vậy, các cụ cứ dùng dằng mãi không cưới. Nhân được một người thày số đoán rằng cô ấy với ông nghè Long khắc tuổi, không lấy được nhau, các cụ mới cả quyết thôi không đi sêu cô này, rồi mượn người sang hỏi cô Thúy. Vậy thì bây giờ cô ấy với ông nghè Long có dính dáng gì nữa đâu mà anh phải kiềng?

Vân Hạc nói giọng nghiêm trang:

- Đành rằng thế. Nhưng chúng mình với anh nghè Long là chỗ đồng song, thì dẫu cho cô ta không lấy anh ta đi nữa, chúng ta cũng vẫn phải coi như vợ người bạn, không nên nói chuyện bông đùa mà đem cô ấy ra làm đầu đề, thì trông thấy nghè Long, mặt mũi sẽ ra thế nào?

Khắc Mẫn cũng đổi ra vẻ đứng đắn:

- Tôi nói thật đấy. Không phải nói đùa. Anh đứng tưởng rằng nếu anh lấy cô Ngọc sẽ là bất nghĩa với ông nghè Long. Câu chuyện không như thế đâu. Giả sử anh chịu kết duyên với cô ấy, thì ông nghè Long cảm ơn anh lắm.

Vân Hạc chưa kịp nói sao, Khắc Mẫn lại tiếp:

- Anh có nghe chuyện cô Ngọc phải gió trong khi gặp ông nghè Long vinh quy hay không?

Vân Hạc lắc đầu:

- Tôi không nghe biết gì cả..

Khắc Mẫn gật đầu:

.- Ừ tôi cũng đoán rằng anh chưa biết. Nếu anh có biết chuyện đó, chắc anh sẽ thương cô ấy vô cùng.

Vân Hạc điểm một nụ cười:

- Anh định múa cái mép ông mối để kiếm chè của tôi chăng? Khó lắm. Cái giọng mối lái, tôi chán lắm rồi. Chúng ta hãy nói chuyện khác.

Khắc Mẫn nói giọng nghiêm nghị:

- Tôi không thèm chè của anh. Và cũng không phải là kẻ mối lái. Nhưng tôi nói để anh biết rằng: cái mối nhân duyên giữa anh với cô Ngọc đã có một ông tơ hồng sẽ xe cho anh. Dù anh muốn chối cũng không thể được.

Vân Hạc có ý nửa ngờ nửa tin:

- Ông tơ hồng ấy là ông nào thế? Anh thử nói cho tôi nghe.

Khắc Mẫn mỉm cười:

- Anh đã muốn nghe rồi ư? Tôi không nói vội. Nếu anh muốn nghe, đêm nay phải ngủ lại đây với tôi. Bây giờ chúng ta cứ việc đánh chén đi đã. Bữa rượu hôm nay chính là cái tiệc đầu tiên của tôi mừng anh.

Vân Hạc cố gặng lần nữa, Khắc Mẫn chỉ đáp một câu rất vắn:

- Thầy? Thầy chứ còn ai!

Đến nay vợ chồng ông đồ Vân Trình mới thật khỏi lo. Tháng trước, khi được tin cô Ngọc đi chợ về đến giữa đường bị cảm, cả hai ông bà đều hết hồn vía. Không kịp khóa tráp, khóa tủ, ông đồ vơ vội lấy lọ thuốc gió giắt vào trong mình, bà đồ thì dặn láng giềng hãy coi nhà giùm, rồi cùng hỏa tốc đến cái ngã tư gần chợ Kim Bảng. Bấy giờ cô Ngọc đã được đem lại bãi cỏ dưới bóng rợp của một cây đa. Sắc mặt vẫn xám mét. Chân tay không động đậy. Nếu trên ngực không còn thoi thóp thở, thì chẳng khác người chết rồi. Bà đồ mếu máo kêu khóc, hú hồn vía vang một khu đồng. Ông đồ rẽ ràng trao lọ thuốc gió cho cô Bích, con gái thứ hai của ông, và bảo cô này mở gánh hàng lấy đĩa đựng trầu, xin ít nước tiểu mài với những viên thuốc ấy. Rồi hai ông bà dùng lược ghè miệng cô Ngọc đổ vào và xoa khắp cả mình mẩy cô ấy. Mặt trời tà tà, cô Ngọc tỉnh dần, nhưng vẫn loạng choạng không đứng dậy được. Chờ khi hết nắng, ông đồ mới thuê hai người gánh hai gánh hàng để bà đồ và cô Bích cùng dìu cô Ngọc về nhà. Đêm ấy và ngày hôm sau, cô Ngọc mấy lần ngất đi, gọi mãi mới tỉnh. Và lúc tỉnh dậy, thỉnh thoảng lại cứ nói mê nói sảng, khi thì xưng là cô thám, khi thì xưng là cô bảng, y như một người ma làm. Thầy thuốc đổi bốn năm ông, bói toán cúng cấp, lễ bái chẳng thiếu đâu, bệnh trạng vẫn đâu đóng đấy. Kết cục, ông đồ phải mời cụ bảng Tiên Kiều thăm mạch và bốc thuốc cho, các chứng mới lui dần.

Độ này cô ấy đã gần bằng cũ. Tuy mặt mũi hãy còn xanh xao, nhưng tinh thần thì đã sảng khoái như thường. Từ mấy bữa trước, cô thấy trong mình không còn tật bệnh gì nữa, đã xin đi chợ bán hàng, kẻo nữa nghỉ lâu mất khách. Nhưng mà ông, bà sợ cô chưa được thật khỏe, xông pha gió máy có thể lại bị cảm lại cho nên nhất định bắt cô cứ phải ở luôn trong nhà, không được đi lại dưới ánh nắng. Thậm chí cô muốn ngâm sợi, đánh suốt, dệt nốt cái "cửi" còn dở, ông bà cũng không bằng lòng, vì sợ để cô vầy nước thì độc. Chiều lòng cha mẹ, cô vẫn hết sức kiêng khem. Nhưng phải cả ngày quanh quẩn trong mấy gian nhà như tù giam lỏng, thì ai mà không buồn?

Nhiều lúc cô muốn nhắm mắt cố ngủ, cho khỏi nghĩ vẩn nghĩ vơ. Song ngủ mãi cũng chán con mắt, không thể nào mà chợp đi được. Rồi thì những mối tư tưởng luẩn quẩn ở đâu nó lại kéo đến như mớ bòng bong, gỡ không ra, dứt đi không được. Nhất là những khi vừa mới thiu thiu, chợt bị con muỗi vo ve bên tai phải tỉnh dậy, thì trong mình cô tự thấy một trận bàng hoàng khó tả, nghĩ mãi không biết mình đương nằm ở chỗ nào.

Cô rất thèm người nói chuyện. Nhưng đương mùa chợ búa cày cấy, chị em chúng bạn ai có việc nấy, không ai được thưa thì giờ để đến trò chuyện với cô. Cho đến cô Bích, người em tin cậy của cô, cũng phải mải miết đi chợ, từ sáng đến tối, không được thư nhàn mấy khi. Thành ra ban ngày cũng như ban đêm, ngủ đi thì thôi, hễ bừng mắt ra, cô lại thấy mình một mình vò võ. Vì thế, cô cứ phải mượn cuốn Kim Vân Kiều làm bạn giải buồn. Quyển sách như cũng biết ỡm ờ trêu ngươi. Mỗi khi cô mở nó ra, nếu không đụng phải đoạn Kim Trọng gặp Thúy Kiều, thì lại trúng vào chỗ Thúy Kiều cất lẻn sang nhà Kim Trọng. Tuy rằng cô đã hết sức trấn tĩnh, nhưng mà coi đến những câu:

”Sóng tình hồ đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có nhiều lả lơi..."

Hay là:

“ Tóc tơ căn vặn tấm lòng

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương".

Thì trong bụng cô bổi hổi, bồi hồi, hình như có vật nong nóng bốc lên ở ngực và cổ. Tức thì cô liệng quyển chuyện xuống giường và nằm vắt tay lên trán để đưa tư tưởng đến chỗ mơ màng xa xăm.

Sáng nay lúc cô băng mình trở dậy, bỗng chốc hai mắt nháy rối, vuốt mãi nó cũng không thuần. Rồi khi cô ăn cơm xong, vào buồng, lại một con nhện thình lình sa thẳng xuống chỗ trước mặt. Cô toan vồ lấy để xem nó là nhện vàng hay nhện trắng, nhưng con vật ấy nhanh quá, cô vớ chưa kịp, nó đã đánh đu sợi tơ của nó và bò lên gần xà nhà mất rồi. "Điềm gì mà lạ thế này. Lành hay gở?". Câu hỏi quanh quẩn đi lại ở trong óc. Nó bắt cô phải phân vân hồi hộp, đứng ngồi không yên.

Lật đầu giường lấy cuốn Truyện Kiều, cô hé mở ra để xem đằng nào là đầu, đằng nào là cuối. Rồi hai bàn tay chắp lại một cách cung kính, cô đưa cuốn sách lên tận ngang mặt, đặt nghiêng "bụng sách" vào thẳng sống mũi và khấn lầm rầm:

"Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, tên tôi là Hoàng Thị Ngọc, ở làng Vân Trình, thành tâm xin cô một quẻ...”

Vừa dứt tiếng quẻ, cô liền ngừng lại và chỉ mấp máy hai môi, không biết là nói những gì. Dứt hồi thì thầm, cô bấm một ngón tay cái vào giữa cuốn sách rồi giở ra xem. Ngón tay cái của cô trúng vào chỗ này:

"Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

Áo xiêm đùm bọc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi".

Đọc đi đọc lại mấy lần, cô vẫn không hiểu nàng Kiều bảo mình cái gì!

- Hay là mình không thành tâm, cho nên cô Kiều không ứng?

- Thì lại bói lại quẻ nữa xem sao?

Một lần nữa, cuốn sách bị cô đưa lên ngang trán và làm đúng những công việc vừa rồi. Rồi cô nhìn theo chỗ ngón tay đã bấm. Nó là cái gì?

”Vội vàng sắm sửa lễ công

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao.

Bày hàng cổ vũ xôn xao,

Song song đưa tới trướng đào sánh đôi".

Mặt cô tự nhiên thấy nóng bừng bừng. Ruột gan cô tự nhiên bồn cồn như bị lửa đột. Không kịp suy nghĩ ý nghĩa của mấy câu đó, cô liền lăn đùng xuống giường và thở hừng hực như người say nắng. Cảnh tượng của đám vinh qui hôm nọ thình lình lại hiện trước mắt. Kìa lá cờ vàng phấp phới trước gió. Kìa cái biển gỗ sơn son thếp vàng chói lọi dưới ánh mặt trời. Rồi một chàng trẻ tuổi cố nghiêng chiếc mũ hoa vàng cười nụ với người bên đường. Rồi một cô con gái không lấy gì làm xinh, đang õng ẹo ngôi trong chiếc võng mành mành cánh sáo. Rồi... vô số là thứ khác nữa.

Giống như con chuồn chuồn trong mắt những người chực giở, những cảnh tượng ấy cứ dính liền với con mắt cô, xua tay nó không đi, nhắm mắt lại nó càng rõ rệt. "Số kiếp mình thật không ra gì... Cờ đã đến tay, ai ngờ lại về kẻ khác..” Cô không định nghĩ như thế. Nhưng mấy câu ấy nó cứ vơ vẫn kéo đến và trở đi trở lại mãi mãi trong trí.

Mặt mỗi lúc một nóng thêm, gan ruột mỗi lúc mỗi bồn cồn thêm, rồi thì cô thấy xâm xâm tối mặt như lúc sắp sửa phải cảm độ trước.

- Em đi chợ đây chị ạ! Chị có mua gì hay không?

Tiếng nói thỏ thẻ thình lình tử cửa kéo vào, làm cô mở bửng mắt ra. Cô Bích vừa đến cạnh giường với bộ mặt nhí nhảnh và tiếp

Bạn đang đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi duongveam
Phiên bản Convert
Thời gian
Cập nhật
Lượt thích 1
Lượt đọc 12

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.