Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)
3664 chữ

Một hồi trống cái từ trên chòi canh giật giọng đưa xuống. Trong vi tức thì hiện ra cảnh tượng nhốn nháo.

Khắc Mẫn nói với sang lều Vân Hạc:

- Có phải trống "ra đầu bài" đó không?

Vân Hạc gật đầu:

- Chớ còn trống gì bây giờ?

Rồi chàng mở tráp lấy bút vạ hộp mực đem đến cái nhà lợp cót ở gần nhà Thập đạo.

Hai chiếc lọng xanh và đôi mã tấu sáng quắc vừa rước quan giám trường đề điệu ở nhà Thập đạo đi xuống. Như hai dòng nước chảy sau chiếc thuyền chạy mạnh, đám học trò đương đứng lật đật rẽ sang hai bên để cho mặt đất hở ra một con đường rộng. Bằng dáng điệu hùng dũng, ông đề điệu đi thắng đến trước cái nhà lợp cót trao tờ giấy yết đầu bài cho người lại phòng dán lên khung bảng, rồi ngài dõng dạc quay ra và lại lên nhà Thập đạo để đi coi sóc việc trường.

Hàng nghìn học trò trong vi nhất tề xúm lại trước bảng, kẻ đọc người viết.

Khoa này mới đổi phép thi, kỳ đệ nhất thi bằng kinh nghĩa. Hai bài truyện là:

Luận ngữ: Tắc hà dĩ tai?

Mạnh Tử: Vị thiên hạ đắc nhân.

Năm bài kinh thi:

Kinh dịch: Bạt mao dĩ kỳ vựng chình cát.

Kinh thư: Dụng nhứ tác chân tiếp.

Kinh thi: Nam sơn hữu đài.

Kinh lễ: Tuyển hiền dữ năng.

Kinh Xuân thu: Cập Tề nhân minh vu U.

Vân Hạc không chép, chàng chỉ nhẩm qua một lượt rồi trở về lều. Học trò ở trước nhà bảng dần dần tản mác, ai nấy trở lại, chỗ ở của mình với cái dáng bộ lo ngại nhiều hơn vui vẻ.

Trên chiếc chòi canh ở góc vi giáp, quan ngự sử giơ chiếc tay áo lùng thùng chỉ xuống dưới vi đưa ra một hồi cho che không rõ là những tiếng gì. Tức thì người anh áo nẹp kề loa vào miệng và thét:

- Bớ truyền sĩ tử? Ai ở lều nấy, không được nhốn nháo chạy đi chạy lại.

Nhưng mà trong vi vẫn cứ nhốn nháo như thường.

Giây lát học trò vào hết các lều. Bấy giờ cả trường đều im phăng phắc. Vân Hạc lúi húi chép các đầu bài vào một mảnh giấy. Rồi chàng bó gối ngồi nghĩ không biết nên làm tất cả bảy bài hay chỉ nên làm hai bài. Bởi vì theo phép, kỳ kinh nghĩa tuy những bảy cái đầu đề, nhưng chỉ những người kiêm trị mới làm tất cả còn ai chuyên kinh thì chỉ làm hai bài: một bài truyện và một bài kinh trong bảy bài đó, muốn làm bài nào cũng được.

Với học trò, chuyên kinh là lối phổ thông, còn kiêm trị thì là một sự đặc biệt. Người nào đại tài, viết hai bài vẫn còn thừa sức, thì họ viết cả bảy bài cho oai, người nào viết văn tuy nhanh, nhưng lời văn không được xuất sắc nếu làm hai bài sợ không đủ phê, thì họ cũng viết bảy bài để trông vào sự rộng rãi của ngòi bút quan trường, là vì những quyển kiêm trị, bao giờ cũng được chấm nới hơn những quyển chuyên kinh một chút. Vân Hạc mọi ngày vẫn chuyên kinh Thi và một hai khi có làm kinh Dịch, hôm nay vì thấy mấy bài ở các kinh kia cũng không khó lắm, ý chàng cũng muốn làm cả.

Nhưng lại sợ không đủ thời giờ, nên chàng vẫn còn đắn đo. Khắc Mẫn thình lình gọi chàng và hỏi:

- Này anh Hạc? Đầu đề khoa này ra khéo đấy nhỉ. Có phải trong bảy bài đó, trừ bài Xuân thu, sáu bài kia đều có ý nghĩa về việc "dụng nhân" cả không?

Vân Hạc ngồi ở lều mình nói sang:

- Phải rồi! Tôi cũng nhận thấy như thế. ừ thì đình nào đám ấy, có thế mới hợp với cảnh thi cử.

- Trong hai bài truyện, anh làm bài nào?.

- Tôi vẫn chưa định.

- Có tài như anh thì nên làm bài Luận ngữ cho tỏ ra văn đàn anh, chứ tôi thì tôi xin lạy cả nón. Với tôi, bốn chữ "Tắc hà dĩ tai" khó quá đi mất? Viết sao cho được rõ nghĩa chữ "Tắc" chữ "Tai"!

- Nó cũng chưa khó bằng bài kinh Thi. Tôi tính kinh nghĩa mà đến "Nam sơn hữu đài" thì ác vô hạn.

- Thế thì bài kinh anh làm kinh Thi hay kinh Dịch?

- Có lẽ tôi sẽ làm cả.

Khắc Mẫn ra vẻ ngạc nhiên:

- Ái chà! Lại kiêm trị à? Anh định cướp lấy thủ khoa sao đây?

Vân Hạc vừa cười vừa đáp:

- Thủ khoa hay không chưa biết, nhưng kỳ này tôi quyết phải lấy bốn chữ "ưu". Còn anh, anh làm bài nào?

Khắc Mẫn nói giọng chua chát:

- Cố nhiên là bài "Tuyển hiền dữ năng", chứ bài nào nữa. Xưa nay tôi vẫn chịu nước văn đàn em, chỉ làm kinh Lễ mà thôi, không dám đụng đến kinh Thi, kinh Dịch như anh. Nhưng theo ý tôi, xấu đều hơn tốt lỏi. Anh quyết phải lấy bốn "ưu", tôi chỉ cần bốn cái "thứ muỗi" là được. Vậy mà chưa chắc... chưa chắc thằng bốn "ưu" đỗ hay là thằng bốn "thứ muỗi" sẽ đỗ.

Vân Hạc vội vàng nói lảng đằng khác:

- Thôi đừng nói lắm, viết đi. Kẻo mà đến chiều không xong, trống cái nó thúc vào đít, lại sắp viết liều viết lĩnh.

Ngoài trường, tiếng trống cà rùng mỗi lúc môi mau, nhạc ngựa rộn rịp đưa lại. Trên chòi canh cửa vi tả bỗng có tiếng ấm óe làm cho hai người đều im câu chuyện để lắng tai nghe. Thì ra bên ấy có người học trò vơ vẩn đứng ngoài lều, bị quan ngự sử trông thấy. ngài truyền cho lính ra lệnh dọa nạt.

Tan cuộc ồn ào, Vân Hạc bắt đầu làm bài. Cũng như lúc tập văn ở nhà, chàng không phải giáp, nghĩ đến đâu viết luôn vào quyển đến đấy.

Mặt trời lên khỏi đầu bức phên nứa ở phía đông trường, chàng vừa viết xong hai câu phá thừa của bài truyện, trên chiếc chòi canh của vi giáp, vừa có trống báo hiệu "nhật trung". Chờ cho mực ráo, chàng sẽ cuộn quyển văn lại, bỏ vào ống quyển, rồi bảo Khắc Mẫn:

- Đi ra lấy dấu nhật trung chứ anh.

Khắc Mẫn trả lời bằng giọng luống cuống:

- Anh đi trước! Tôi chưa viết được chữ nào cả.

Chàng nói an ủi:

- Được! Còn sớm chán! Anh cứ thong thả. Đừng vội. Hễ vội thì viết hay lầm.

Rồi chàng thu xếp bút mực vào yên và đeo ống quyển đến nhà Thập Đạo.

Cạnh bức rào nứa cao đến khỏi rốn, bọn lính phục dịch tấp nập đi lại. Trên chiếc chiếu đàn cạp xanh, mấy người lại phòng to vo ngồi cạnh hòm ấn và cái hộp son.

Học trò chưa có ai tới, chàng là người thứ nhất trong cuộc "lấy dấu nhật trung". Nhờ vậy, chàng không phải mất công chờ đợi. Sau khi quyển văn đã đưa qua bức rào nứa,trao tay cho một người lính để hắn đem vào cho người lại phòng giữ ấn, tức thì người lại phòng ấy đóng cái dấu đỏ vào cuối dòng chữ viết dở ở giữa trang đầu và lại đưa luôn trả chàng.

Với chiếc ống quyển lủng lẳng dưới cổ, chàng về gần đến lều mình, mới gặp một vài người trở ra. Vào lều chàng lại bình tĩnh viết tiếp từ đoạn khai giảng trở xuống.

Gần trưa, chàng đã viết xong một bài Luận ngữ, một bài kinh Thi và gần hết bài kinh Dịch, Khắc Mẫn vẫn còn lúng túng trong lều,không thấy nói năng gì cả.

Chàng giục:

- Trưa rồi, anh không ra lấy dấu "nhật trung", chốc nữa đông người lại phải chầu chực mất thì giờ.

- Tôi mới viết được hơn một dòng, cứ đem lấy dấu có được không?

- Không được. Phải viết đủ hai dòng rưỡi, hay kém vài chữ. Chứ viết ít quá lại phòng họ không đóng dấu.

Khắc Mẫn lại hỏi:

- Trong quyển đã có dấu "giáp phùng" đóng ở giữa khe trang trên trang dưới, còn dùng gì đến dấu "nhật trung" mà người ta bắt chúng mình mất công mất việc về nó?

Chàng cười và đáp:

- Anh không hiểu à? Cái dấu "giáp phùng" cốt để giữ cho kẻ gian khỏi tháo những tờ từ trang thứ hai trở xuống, mà thay các tờ khác vào. Còn dấu "nhật trung" là để chứng rằng quyển đó viết ở trong trường, không phải là viết sẵn ở ngoài đưa vào. Bởi thế người ta mới bắt chúng mình viết dở thì đem quyển đi để lấy dấu ấy? Nhưng thôi, anh viết đi, đừng nói chuyện nữa...

Khắc Mẫn lại gục xuống tráp, cẩn thận. đếm từng nét và nắn từng chữ. Chừng nửa giờ sau, viết được nốt một dòng nữa, chàng mới cuống quít bỏ quyển vào ống rồi đi.

Vân Hạc viết xong bài kinh Dịch và hai vế trung cổ của bài Mạnh Tử, mới thấy Khắc Mẫn tất tả chạy về với bộ mặt đỏ gay. Thày thở và nói vào lều Vân Hạc:

- Khổ quá? Chờ đợi từ bấy đến giờ, mới xin được một tí son. Anh viết đến bài nào rồi?

Vân Hạc đáp:

- Tôi đã viết đến bài thứ ba.

Khắc Mẫn luống cuống:

- Chết chửa! Anh viết được ba bài rồi! Tôi mới viết được có vài dòng.

Vân Hạc ngửa nhìn lên trời và an úi:

- Bây giờ mới gần trưa thôi! Anh cứ vững dạ, không nên bối rối.

Hai người cùng im. lâu lâu một lúc, Khắc Mẫn lại gọi Vân Hạc và hỏi:

- Này anh Hạc? Chỗ dấu giáp phùng cũng phải bỏ trống đấy nhỉ?

Vân Hạc vừa viết vừa trả lời:

- Dấu nhật trung mới phải bỏ trống, dấu giáp phùng thì viết đè lên.

Khắc Mẫn vỗ tay xuống chõng một cái đánh đốp:

- Thôi chết. Thế thì bỏ mẹ tôi rồi?

Vân Hạc ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao?

- Tôi bỏ trống chỗ dấu giáp phùng không viết. Bấy giờ viết đè lên cái dấu ấy rồi xóa những chữ dưới đi, có được không?

- Ồ? Thế ra anh không thuộc trường qui à! Chung quanh dấu giáp phùng cũng như chung quanh dấu nhật trung và các hàng đầu hàng vĩ, không được đồ (xóa) di (sót) câu (móc), cải (chữa), một chữ nào. Nếu ai đồ, di, câu, cải vào những chỗ đó, tức là thiệp tích.

Khắc Mẫn vò đầu vò tai:

- Vậy thì bây giờ tôi làm thế nào? Trời ơi?

Rồi thày lại hỏi:

- Họ cấm đồ di câu cải vào những chỗ đó làm gì cho khổ người ta thế này!

Vân Hạc cắt nghĩa:

- Ấy, là người ta giữ gian. Vì sợ có kẻ thông với quan trường, có ý đồ di câu cải vào những chỗ đó để đánh dấu cho quan trường biết quyển của mình. Nhưng cái đó cũng là nghĩ quẩn. Thực ra, nếu có người nào thông với quan trường, thì họ đánh dấu vào đâu chẳng được, cứ gì phải mấy chỗ đó. Thôi anh mau mau đề một quyển khác rồi đi cánh quyển đi vậy!

Khắc Mẫn bấy giờ ruột gan rối như canh hẹ. Thày mở tráp lấy tập giấy lệnh, gấp vội vàng độ hơn mười tờ và dọc giấy xe hai sợi lề thật chắc. Sau khi đã cầm nghiêng dỗ xuống mặt tráp cho tập giấy ấy khỏi so le, thày đem tờ phóng đặt lên mặt nó để làm mẫu dùi bốn lỗ lề. Vân Hạc lại nhắc:

- Anh nhớ đóng quyển cho đúng phép nhé? Bề ngang chia làm sáu dòng, chừa một dòng làm gáy. Bề dọc chia làm năm quãng, ba quãng đầu, cuối và giữa cũng phải dài bằng hai quãng xâu lề.

Khắc Mẫn hốt hoảng:

- Chút nữa anh không nói thì tôi chia bề ngang ra làm bảy dòng.

- Không được, phải gập sáu, chừa một dòng làm gáy còn năm dòng, khi viết lại chia làm sáu. Thế mới dúng phép.

Khắc Mẫn đóng xong, tháo lấy tờ mặt quyển cũ, niên canh, quán chỉ và dòng "cung khai tam dại" cho khỏi lầm. Rồi chàng bỏ vào ống quyển lại đến nhà Thập đạo xin dấu giáp phùng. Bấy giờ, chung quanh bức rào của nhà Thập đạo, học trò kéo đến đã đông, phần nhiều xin dấu nhật trung, nhưng cũng có năm bảy người đem quyển xin "cánh". Khắc Mẫn phải đợi độ hơn nửa giờ, cái quyển của thày đưa vào mới được đưa ra. Lật đật, thày đem về lều, viết cái đầu đề bài truyện và đoạn phá thừa của bài ấy, rồi lại đem quyển đến nhà Thập đạo lần lữa để lấy dấu nhật trung.

Vân Hạc đã viết đến đoạn kết tỵ của bài kinh Lễ.

Theo thứ tự trong quyển của chàng, thì nó là bài thứ năm. Vì sờ Khắc Mẫn rối ruột, chàng phải nói là mới viết đến bài thứ tư.

Mặt trời tà tà, Khắc Mẫn viết gần xong bài Mạnh Tử, vừa hết trang dưới của tờ thứ hai trong quyển. Thế là hai tờ dính đến dấu son, thày viết qua rồi. Từ đấy trở xuống, nếu có lầm lỡ, xóa bỏ, cứ việc xé tờ này đi, thêm tờ khác vào không phải đi cánh quyển nữa. Kiểm điểm một lượt, thấy trong những trang đã viết, không có chỗ nào phạm trường qui thày mừng rỡ bảo với Vân Hạc:

- Thoát nạn rồi? Tao đã viết qua hai tờ thứ nhất và thứ nhì rồi, mày ạ?

Vân Hạc vui vẻ:

- Khá lắm. Tôi cũng đỡ lo cho anh. Nhưng anh cũng phải nhanh lên. Sắp tối rồi đấy.

Khắc Mẫn viết nốt câu đóng của bài truyện, rồi vớ lấy chiếc điếu cày đặt mồi thuốc lào vào đó, thày vừa giở hộp đá lửa, đánh lửa hút thuốc, vừa nghĩ bài kinh.

Bấy giờ trong bụng đã thấy đói như cào, thày hỏi Vân Hạc:

- Anh đã ăn uống gì chưa?

Vân Hạc trả lời:

- Đã! Từ nãy đến giờ, tôi vẫn vừa viết vừa ăn. Nhịn ăn mà viết thì chịu sao được Khắc Mẫn nói thêm:

- Tôi vội quá, chưa kịp ăn uống gì cả.

Rồi thày mở tráp lấy những cơm nắm bánh giò, thịt rang, chả trâu, phùng mồm, trợn mắt vừa nhai vừa nuốt chập chuội. Sau khi đã ngửa cổ dốc quả bầu be vào miệng, và súc òng ọc mấy cái, thày lại cắm đầu giáp mấy câu mở của bài thứ hai.

Mặt trời lui xuống đầu bức phên nứa phía tây.

Khắc Mẫn mới giáp đến đoạn trung cổ của bài kinh.

Trên chòi canh thình lình điểm một tiếng trống.

Trong trường loáng thoáng có người dỡ lều.

Vân Hạc đương đếm những chỗ xóa, sót, móc, chữa, để viết vào dưới chữ "cộng quyển nội", chợt thấy Khắc Mẫn gọi hỏi:

- Đã trống thu quyển rồi đấy phải không?

- Phải trống thu quyển đấy.

- Sao họ thu quyển sớm thế?

- Còn sớm gì nữa, mặt trời sắp sửa lặn rồi.

- Anh xong chưa?

- Tôi xong rồi. Anh cũng đã xong rồi chứ?

- Nào đã xong. Hãy còn nguyên một bài kinh chưa viết được dòng nào hết, tôi mới nghĩ được hai vế trung cổ, còn giáp ra đó. Anh phải nghĩ nốt cho tôi hai vế hậu cổ và mấy câu kết tỵ. Nếu không thì tôi tự tử.

- Nhưng tôi không quen viết kinh nghĩa kinh Lễ, sợ viết không hay lỡ hỏng, rồi anh lại đổ cho tôi.

Khắc Mẫn càng bối rối:

- Không hay cũng được! Túc quyển thì thôi.

Vân Hạc ra bộ ái ngại:

- Thế thì được! Anh đưa bản giáp những đoạn của anh đã nghĩ cho tôi coi qua. Để tôi nghĩ tiếp, kẻo nó không liền với nhau.

Khắc Mẫn ngửa mặt trông lên chòi canh, thấy tên lính canh đương ngoảnh mặt sang phía bên kia, thày liền vo tròn bản giáp của mình rồi liệng sang lều Vân Hạc. Nhặt nắm giấy ấy, Vân Hạc giở ra nhìn qua mấy dòng ở dưới, rồi lại vo lại và liệng sang trả Khắc Mẫn.

Trống cái trên chòi mỗi lúc mỗi mau. Nhạc ngựa ở ngoài bờ rào mỗi lúc môi thêm rộn rịp, dãy lều phía nhà Thập đạo mỗi lúc môi thưa dần. Bấy nhiêu cảnh tượng đều như lửa đốt vào lưng Khắc Mẫn. Thày cắm đầu nhìn tờ giấy giáp, viết lia viết lịa không kịp chớp mắt.

Hồi trống thứ nhất đã sắp hết. Học trò trong trường lũ lượt đeo lều đeo chõng đi ra. Vân Hạc nhân lúc nhốn nháo chạy thọt sang lều Khắc Mẫn để đưa cho thày tờ giấy giáp đoạn hậu cổ của bài kinh Lễ mà chàng nghĩ hộ. Khắc Mẫn không ngó đến tờ giấy ấy và cũng không hỏi bạn đã cho mình xong chưa.

Trống cái trên chòi lại càng rộn rã. Trong trường, trời đã nhá nhem, mắt nằm không thấy nét mực trên giấy, bấy giờ thày mới ngẩng lên, lấy bộ đá lừa trao cho Vân Hạc và nói:

- Anh đánh hộ tôi cái lửa!

Rồi cúi xuống chỗ thang chõng, cởi lấy một chiếc ống tre đẽo nhọn mà người ta vẫn gọi là cọc cắm nền, thày đóng xuống chỗ đầu chõng và cắm cây nến vào đó.

Vân Hạc vừa đánh lửa, chàng tiếp than lửa vào cái mồi giấy rồi thổi cho bùng và châm vào ngọn nến ấy.

Khắc Mẫn viết hết hai vế khai giảng thì vừa hết một hồi trống thứ nhất. Dịp trống lại khoan thai điểm từng tiếng một. Thì giờ khi ấy mới chóng làm sao!

Trước mắt Khắc Mẫn hình như nó đã đi như tên bắn, thày vừa viết xong hai vế trung cổ, tiếng trống đã lại dồn mau. Luồng gió thình lình thổi vào trong lều, làm cho ngọn nến tắt phụt. Cuống quýt thày sờ bộ đồ đánh lửa. Vừa đánh vừa hỏi Vân Hạc:

- Hồi trống này ngắn hơn hồi trống trước, có phải không anh?

Vân Hạc đáp:

- Tại anh bối rối trong bụng, cho nên tưởng là nó ngắn, thực ra hồi nào cũng như hồi nào.

- Anh bảo lấy gì làm ngữ mà họ đánh được đều thế

- Có ngữ chứ. Anh không biết đó thôi. Cái ngữ của các hồi trống chỉ có mười bảy đồng tiền Gia Long. Khi bắt đầu đánh một tiếng thứ nhất, người lính cầm canh cầm mười bảy đồng tiền Gia Long bày từng đồng một cho thành một hàng. Bày xong hắn lại lần lượt nhắc từng đồng một lên tay, khi nào nhắc hết cả mười bảy đồng, mới đánh đến tiếng thứ hai. Rồi hắn bỏ lại một đồng, còn mười sáu đồng, lại đem bày, xóa như trước. Bày xong xóa xong mười sáu đồng ấy mới đánh đến tiếng thứ ba. Cứ mỗi tiếng trống hắn lại rút đi một đồng như thế. Rút cho đến khi hết cả mười bảy đồng tiền, thế là hết một hồi trống.

Lửa cháy, Khắc Mẫn châm vào ngọn nến. Bấy giờ chàng viết đến đoạn của Vân Hạc làm hộ. Trời lại tối đen như mực. Mấy cây đình liệu lại bị đốt cháy đùng đùng. Cảnh tượng đêm qua lại diễn lại một lần nữa.

Chờ cho Khắc Mẫn viết đến dòng "cộng quyển nội", Vân Hạc mới ra dỡ lều, bó buộc các thứ đồ đạc.

Hồi trống thứ ba giục mau, Khắc Mẫn cộng xong những chữ xóa, sót, móc, chữa và viết ra chỗ cuối quyển. Vân Hạc lại sang dỡ lều thu xếp đồ đạc hộ bạn.

Hai người vừa tới nhà Thập đạo, người lại phòng thu quyển đã đương nâng nắp hòm quyển và sắp đậy lại. Tất tả, Vân Hạc, Khắc Mẫn cùng rút quyển văn trong ống và trao cho hắn. Tiếng trống cuõí cùng vừa dứt, người lại phòng liền khóa hòm lại. Một ông cụ già lật đật đem quyển đến nơi, thì chỗ ổ khóa vừa bị gián giấy niêm phong. Ông ấy năn nỉ kêu van người lại phòng hãy mở hòm ra để cho quyển văn của mình vào trong. Hắn cũng ra vẻ thương hại ông cụ. Nhưng hắn không giám bóc tờ niêm phong, và nói:

- Thế là số cụ không đỗ, cụ đành lòng vậy. Bây giờ nếu tối mở hòm mà bỏ quyển của cụ vào, thì tôi sẽ phải tù mọt gông.

Cái hòm liền bị bọn lính mật sát khiêng vào trong nhà Thập đạo.

Ông cụ kêu khóc nức nở, cố xông lên nhà Thập đạo để lấy cái cớ tuổi già mà xin quan trường gia ân cho mình. Nhưng cũng không được. Quan trường chỉ úy lạo ông cụ mấy câu, rồi sai lính dẫn ra.

Vừa đi ông cụ vừa kêu:

- Khốn nạn! Tôi thi đã vừa mười khoa, bán hết cửa nhà ruộng đất về việc khoa cử. Định đi một khoa này nữa thì thôi. Bây giờ lại bị ngoại hàm, có khổ hay không?

Vân Hạc chỉ mặt Khắc Mẫn và nói:

- Hú vía! Chỉ chậm một bước, thì tao ngoại hàm vì mày!

Khắc Mẫn nhăn răng cười xòa. Rồi theo ánh lửa của cây đình liệu, hai người cùng về nhà trọ.

Bạn đang đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi duongveam
Phiên bản Convert
Thời gian
Lượt đọc 3

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.