Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 05

Phiên bản Dịch · 2562 chữ

Chương 5

Lần này Quý ròm không phải đợi lâu. Mười ngày sau cái buổi trưa nó đích thân đến tận tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ để bài, tên tuổi của thi sĩ Bình Minh đã xuất hiện một cách đàng hoàng trên mặt báo.

Nhưng oái oăm thay, trái với kỳ vọng của Quý ròm, thi sĩ Bình Minh không xuất hiện trong trang thơ mà trong mục "Thư và bài gửi đã đến".

Quý ròm căng mắt đọc:

"Em Bình Minh, lớp 8A4 trường Tự Do: Tòa soạn đã nhận đầy đủ cả ba bài thơ "Lớp em", "Nhà em" và "Khu vườn của em". Cảm ơn nhiệt tình của em nhưng rất tiếc tòa soạn không thể sử dụng được. Theo yêu cầu của em, anh chị có đôi lời góp ý chân thành, mong em đừng buồn. Những bài thơ của em chưa bộc lộ được tình cảm của người viết mà chỉ mới dừng lại ở mức kể việc đơn giản như trong bài "Lớp em":

Lớp em

Học tập

Thật là

Hăng say

Lớp em

Làm bài

Thật là

Chính xác

Lớp em

Ca hát

Thật là

Hay ho

Hoặc liệt kê một cách máy móc như trong bài "Nhà em":

Nhà em có một người bà

Tiếp theo là mẹ, kế là ba em.

Sau ba em, tới anh em

Cộng em vào nữa là thêm một người

Riêng bài "Khu vườn của em" thì ảnh hưởng ca dao quá nặng nề. Cao dao viết:

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt trên vai

Còn em thì viết:

Cây mong ngóng ai

Quả rơi xuống đất

Cây mong ngóng ai

Lá vắt trên cành

Bất kỳ người nào viết văn làm thơ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng một ai đó. Nhưng nếu mô phỏng từng câu từng chữ thì thành ra bắt chước, điều cần tránh trong sáng tác. Đó là chưa kể, viết "Khăn vắt trên vai" thì được nhưng viết "Lá vắt trên cành" thì hình ảnh lại không chính xác! Bên cạnh đó, thơ em còn một nhược điểm nữa là gượng ép. Chẳng hạn em viết:

Ong mong ngóng ai

Mà ong hút mật

Mật ngong ngóng ai

Mà mật ngọt ghê!

Đó là một kiểu nói gán ghép, thiếu thuyết phục! Tóm lại, thơ em viết vần luật nghiêm chỉnh, đó là một ưu điểm đáng quý nhưng để thơ có tình và có hồn, nhất là để đăng được, em cần phải cố gắng nhiều hơn nữa!"

Càng đọc, Quý ròm càng toát mồ hôi trán. Hóa ra những bài trước đây nó gửi đến báo Khăn Quàng Đỏ không hề bị thất lạc. Tòa soạn đã nhận đủ cả. Tòa soạn không đăng chỉ bởi thơ nó dở, chỉ bởi thơ nó "máy móc, gượng ép, thiếu thuyết phục". Chỉ cần mắc một trong ba khuyết điểm kể trên, tác phẩm đã đủ vứt vào sọt rác rồi! Đằng này thơ nó gom đủ cả ba, thế có "chết người" không kia chứ!

Quý ròm bần thần cả buổi trời, tờ báo giở ngay trước mặt nhưng nó không dám liếc mắt đọc lại lần thứ hai. Nó không ngờ những sáng tác đắc ý của nó lại đầy rẫy khuyết điểm như thế. Giá như nó không viết "bức tâm thư" gửi tòa soạn năn nỉ "Nếu thấy sáng tác của em còn yếu kém, chưa thể đăng được thì mong các cô chú anh chị phụ trách thẳng thắn góp ý và cho em những lời khuyên hữu ích" thì có lẽ nó vẫn đinh ninh tài năng thơ của nó đã sắp sửa nở xòe!

Trong thoáng mắt, Quý ròm cảm thấy hào khí trong lòng tiêu tan không còn một tẹo.

Nó hết dám coi thường con nhỏ Lan Kiều "mầm non văn nghệ". Nó hết dám "đua tranh với đời" để chứng minh thi ca chẳng phải là chuyện gì hiểm hóc. Nó hết mong làm cho nhỏ Hạnh "sáng mắt ra". Nói tóm lại, bây giờ Quý ròm chẳng mong gì cả. À quên, Quý ròm mong một điều: Mong mọi người không ai biết thằng cha thi sĩ Bình Minh dỏm kia là mình!

Trong tâm trạng hồi họp đó, sáng hôm sau Quý ròm cố đóng một bộ mặt thản nhiên đến lớp.

Quả như lo lắng của nó, vừa bước chân qua ngưỡng cửa, Quý ròm đã thấy tụi bạn túm năm tụm ba chúi đầu vào những tờ Khăn Quàng Đỏ không biết ở đâu xuất hiện nhan nhản khắp lớp.

Tụi bạn vừa xem vừa nhí nhố bình luận, không khí nhộn nhịp, rôm rả hết sức, trông cứ như Tết nhất đến nơi!

Hải quắn cười hê hê:

- Hóa ra lớp mình có một tài năng chưa lên mà đã xuống! Vậy mà trước nay tao vô tình không biết!

Thằng Lâm láo lỉnh:

- Nhưng dù sao thi sĩ Bình Minh cũng có công ca ngợi lớp mình!

- Ca ngợi sao? - Quới Lương nháy mắt hỏi. Lâm nghiêm nghị cầm tờ báo lên, ê a đọc:

- Lớp mình

Học tập

Thật là

Hăng say

Lớp mình

Làm bài

Thật là

Chính xác

Lớp mình

Ca hát

Thật là

Hay ho

Lớp mình

Kéo co

Thật là

Hết ý

Lớp mình

Không khí

Thật là

Trong lành

Lớp mình

Đá banh

Thật là

Bá phát...

Lâm làm một hơi khiến cả lớp cười bò. Nhất là nó vừa đọc nhấp nhứ vừa gục gặc đầu đánh nhịp, thằng Quới Lương ngồi bên gõ bàn phụ họa theo, trông giống hết như khung cảnh ở những quầy xổ lô-tô có thưởng.

Quý ròm cũng cười, nhưng cười méo xẹo. Nó ấm ức lắm nhưng không dám hó hé. Nếu nó ra mặt, chắc chắn tụi bạn sẽ biết tỏng thi sĩ Bình Minh là nó. Quý ròm chả dại gì "lạy ông con ở bụi này".

Quý ròm đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", vểnh tai nghe thằng Lâm bày trò tiếp.

Lần này Lâm bước ra đứng ngay ở lối đi giữa hai dãy bàn, giơ tay dõng dạc:

- Thưa quý khán giả, hôm nay tôi xin đọc tặng quý khán giả bài thơ tâm đắc nhất của tôi. Bài thơ này phỏng theo... điệu lý "Khăn thương nhớ ai". Đó là bài "Thơ thương nhớ ai". Bài thơ như vầy:

Thơ thương nhớ ai

Mà thơ bắt chước

Thơ thương nhớ ai

Thơ vắt trên cành

Thơ thương nhớ ai

Thơ chạy loanh quanh...

Lâm là đứa học hành lẹt đẹt, điểm văn thường thấp lè tè, nhưng cái môn làm vè chọc phá thiên hạ, nó thuộc hạng nhất. Đó quả là hiện tượng quái lạ. Hôm trước đầu thằng Tần bị ghẻ, nó làm hai câu thơ "đăng" lên bảng: "Cái đầu trọc lóc bình vôi. Nó đem nó úp cái nồi lên trên", bị thầy Hiếu phạt đứng suốt hai tiết học, vẫn chưa tởn.

Lâm lại là đứa bị liệt vào hàng "tứ quậy", đa số bạn bè không muốn thân cận. Nhưng khi nó làm trò thì ngay những đứa khó tính nhất cũng phải phì cười.

Lần này cũng vậy, bài thơ "Thơ thương nhớ ai" của nó khiến cả lớp cười nghiêng cười ngửa.

Nhưng cười xong, đứa nào đứa nấy không khỏi cảm thấy là lạ. Thi sĩ Bình Minh bị thằng Lâm đem ra giễu cợt tơi bời hoa lá như thế sao vẫn thấy im re, chẳng chút phản ứng? Lẽ nào nó giỏi kiềm chế đến thế?

Thằng Dưỡng là đứa đầu tiên không nhịn được. Nó ngó quanh:

- Nhưng tóm lại thi sĩ Bình Minh là ai?

- Ừ nhỉ! - Quốc Ân cũng đảo mắt dò xét - Thi sĩ Bình Minh là bạn nào, xin mời bước ra phát biểu!

Chẳng có tiếng đáp lại. Lập tức cả lớp không hẹn mà cùng quay đầu dòm dáo dác.

Đỗ Lễ chợt buột miệng:

- Tôi biết Bình Minh là ai rồi?

- Ai thế? - Cả chục cái miệng nhao nhao.

Đỗ Lễ thản nhiên:

- Bạn Lan Kiều chứ còn ai?

Nhỏ Kim Em thắc mắc:

- Sao bạn biết là Lan Kiều?

Đỗ Lễ đáp gọn:

- Thì ở lớp mình chỉ có bạn ấy thích làm thơ chứ đâu còn ai khác?

- Sai bét! - Nhỏ Vành Khuyên chợt lên tiếng phản đối.

- Sai? - Đỗ Lễ trố mắt.

- Ừ! - Vành Khuyên gật đầu - Nếu là Lan Kiều, bạn ấy chẳng bao giờ lấy bút hiệu là Bình Minh! Trước nay bạn ấy luôn luôn lấy tên thật!

Nhỏ Lan Kiều nãy giờ làm thinh, bỗng lên tiếng xác nhận:

- Bạn Vành Khuyên nói đúng đấy! Bình Minh không phải là mình!

- Thế thì Bình Minh là ai?

Câu hỏi của Đỗ Lễ rơi tõm vào khoảng không. Thi sĩ Bình Minh không xuất đầu lộ diện, cả lớp ngơ ngác nhìn nhau, mặt mày đứa nào đứa nấy nghi nghi hoặc hoặc.

- Muốn biết Bình Minh là bạn nào chẳng có gì khó?

Minh Vương thình lình hắng giọng khiến mấy chục cặp mắt đổ dồn vào nó.

- Không khó? - Hải quắn khịt mũi hỏi.

Minh Vương tỉnh khô:

- Ừ!

Lâm liếm môi:

- Mày biết Bình Minh là ai sao?

Minh Vương mỉm cười:

- Tao không biết nhưng tao nghĩ ra một cách.

- Cách gì?

- Phân tích tác phẩm! - Minh Vương gọn lỏn.

- Mày đùa chắc? - Lâm nhăn nhó.

- Tao không đùa tí nào! - Minh Vương nhún vai - Trong bài thơ "Nhà em", thi sĩ Bình Minh của lớp ta đã vô tình... khai báo lý lịch. Dựa vào đó, có thể suy ra!

Sáng kiến độc đáo của Minh Vương làm mặt mày Quý ròm xám nghoét. Nó phải giả bộ lúi húi viết viết vẽ vẽ để che giấu sự bối rối của mình. Đập vào tai nó là tiếng reo ầm của thằng Lâm:

- A, phải rồi! "Nhà em có một người bà, tiếp theo là mẹ kế là ba em", nhà bạn nào có một người bà giơ tay lên!

Nhỏ Bội Linh cười hí hí:

- Nhưng bà nội hay bà ngoại?

Thắc mắc oái oăm của Bội Linh làm Lâm ngớ người mất một lúc.

- Nội ngoại gì cũng được! - Cuối cùng, Lâm đáp bừa - Hễ "nhà em có một người bà" là được!

Lâm vừa nói xong, thằng Dưỡng thình lình giơ tay. Lâm hí hửng:

- Thi sĩ Bình Minh là mày hả?

Dưỡng gãi đầu:

- Tao cũng không biết nữa! Tao có tới hai người bà lận!

- Dẹp mày đi! - Lâm quắc mắt - Lúc này không phải là lúc giỡn đâu đấy!

Rồi nó quay lại nhìn cả lớp, tiếp tục "điều tra":

- Đâu? Bạn nào "có một người bà" đâu? Ai có bà mà không giơ tay tức thị bạn ấy là Bình Minh đấy nhé?

Thằng Lâm hù một phát, cả mười mấy cánh tay hoảng hốt rùng rùng đưa lên.

Quý ròm liếc cái đám láo nháo này, tức muốn nảy đom đóm mắt. Trông bộ tịch cuống quýt của tụi nó, cứ tưởng cái tay Bình Minh mà thằng Lâm đang hăm hở lùng sục kia không phải đã từng làm thơ mà đã trót dại đã làm một chuyện gì phạm pháp vậy!

Thấy lời hăm dọa của mình có hiệu lực ngay tức khắc, Lâm khoái lắm. Nó toét miệng cười, tính "điều tra" tiếp về số anh chị em trong nhà để phăng ra tông tích của nhà thơ bí mật. Nhưng khi ánh mắt của nó quét ngang qua chỗ Quý ròm, nụ cười trên môi nó chợt tắt ngấm. Nó nhìn chòng chọc vào mặt Quý ròm, mắt trợn lên:

- Ủa, mày có bà sao không chịu giơ tay?

Quý ròm cau mặt:

- Tao không thích tham gia vào cái trò vớ vẩn này!

- Hà hà, không thích! - Lâm nhếch mép - Mày không thích tức thị mày là nhà thơ Bình Minh đứt đuôi rồi!

Quý ròm nghiến răng:

- Tao là ai kệ tao, chẳng liên quan gì đến mày!

- A! Tao nhớ rồi! - Hải quắn hớn hở vọt miệng - Ngoài bà nó và ba mẹ nó ra, thằng Quý ròm còn có một ông anh và một nhỏ em gái nữa! Giống hệt như nội dung của bài thơ "Nhà em"!

Tiết lộ của Hải quắn khiến cả chục cái miệng "ồ" lên. Còn Quý ròm thì mím chặt môi, bụng rủa Hải quắn tơi tả. Quý ròm vốn không chơi thân với Hải quắn. Nhưng trong đội bóng của lớp, Hải quắn đá cặp với Quý ròm trên hàng tiền đạo. Trước đây, có một lần sau khi dượt bóng mệt nhoài, Hải quắn tò tò đi theo Tiểu Long và Quý ròm về nhà Quý ròm. Hôm đó Quý ròm muốn chiêu đãi các bạn món xu-xoa mẹ nó làm. Không ngờ lần viếng thăm đó của Hải quắn đã gây nên tai họa. Đúng là "rước giặc vào nhà"! Quý ròm làu bàu một cách tức tối. Càng tức tối hơn nữa khi thằng Lâm cứ luôn miệng lải nhải:

- Như vậy mày đích thị là nhà thơ Bình Minh rồi, chối gì nữa mà chối!

Quý ròm sầm mặt:

- Tao chả thèm chối!

- A ha! Thế là mày nhận rồi phải không?

Trong khi Quý ròm chưa biết phản ứng như thế nào trước miệng mồm sắc bén của thằng Lâm tinh quái thì nhỏ Hạnh đã bất thần lên tiếng:

- Theo Hạnh, Quý không phải là Bình Minh!

Quốc Ân ngồi cạnh Hải quắn "xì" một tiếng:

- Bạn đừng có bênh vực cho thằng ròm đó! Nó là Bình Minh chứ không ai!

- Không phải! Bạn Hải cũng biết Quý ròm còn một đứa em gái! Nhưng bài thơ không đề cập gì đến đứa em gái đó!

- Nói thế mà cũng nói! - Lâm bĩu môi - Bài thơ "Nhà em" báo đã trích hết đâu! Nếu trích toàn bài, chắc chắn sẽ có đoạn Bình Minh tả em, không những thế còn tả đến cả các con vật nuôi trong nhà nữa! Hi hi!

Lâm đáp bằng giọng giễu cợt nhưng lập luận của nó không phải là không có lý! Nhỏ Hạnh lúng túng đẩy gọng kính trên sống mũi, tặc lưỡi nói:

- Nhưng Quý là "cây toán" chứ không phải "cây văn"! Chuyện làm thơ hoàn toàn vô lý!

- Hạnh nói nhiều với tụi nó làm chi! - Quý ròm bực mình xẳng giọng - Tôi có phải là Bình Minh hay không, tự tôi biết, việc quái gì phải cãi nhau!

Hạnh ủng hộ bạn:

- Ừ, Hạnh chả buồn cãi nhau nữa!

Nói xong, nó ngồi im. Nhưng trước áp lực của tụi thằng Lâm, sự ủng hộ của nhỏ Hạnh thật là lẻ loi, yếu ớt. May làm sao, ngoài nhỏ Hạnh, Quý ròm còn nhận được sự ủng hộ vô cùng to lớn của bác bảo vệ trường.

Tụi thằng Lâm chưa kịp hạch sách tiếp, bác đã thẳng tay nện vào mặt trống "tùng, tùng, tùng"!

Bạn đang đọc Kính vạn hoa - Tập 15 - Thi sĩ hạng ruồi của Nguyễn Nhật Ánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 18

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.