Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Thái Tử.

Tiểu thuyết gốc · 2514 chữ

Triệu vương bị cấm không được vào cung đến giờ đã hơn ba tháng, ngay cả dịp lễ Nguyên đán, y chỉ vào chầu thánh thượng theo lệ và nhanh chóng bị đưa đi khỏi. Từ dạo kia, quý phi chưa từng gặp lại nhi tử thêm lần nào nữa.

Quý phi rảo bước vườn Thượng Uyển với nỗi lòng chẳng thể nói ra. Bà cẩn trọng bao nhiêu, Triệu vương tắc trách bấy nhiêu. Hàng loạt lo toan bủa vây tâm trí bà, bà thầm trách con mình quá ngu ngốc phá toang đi kế hoạch của mình.

Quý phi mãi suy nghĩ, không để ý đường đi nên vô tình vấp phải loài dã kê (1). Con vật vì bị giẫm phải hoảng loạn chạy vòng quanh kèm tiếng rống chói tai. Quý phi bị một phen muốn suýt ngất, sai thằng nô bắt con gà lại, quát: "Thứ súc sinh phạm thượng, dám cả gan ngán chân bà. Để xem bà trừng trị mày thế nào!"

"Quý phi xin hãy nương tay!"

Tiếng gọi lớn của Kinh vương khiến mọi hoạt động đều chững lại. Kinh vương vội vàng chạy đến, cung kính cuối đầu thưa: "Quý phi nương, con trĩ này là do con thả ra. Súc sinh vô tri, không biết thế nào là bất kính, thế nào là phạm thượng. Chi bằng, người hãy trách phạt con đi ạ."

Ngoại trừ thái tử được nhận sự giáo dưỡng hoàn toàn từ vua Hồng Đức, các hoàng tử còn lại đều đến Cẩn Đức điện theo những vị đại thần được chỉ định giảng dạy. Đến khi Kinh vương ra đời, không rõ rằng thánh thượng vì thương tâm khi chứng kiến đứa con vừa chào đời đã mất mẹ hay chăng vì Kính phi là vị cung phi mà ngài sủng ái hơn cả tạ thế nên ngài đặc biệt lưu tâm vương, đích thân dạy dỗ.

Từ trước cả sự kiện Quang Thục thái hậu giá băng, quý phi đã nghe lời đồn đoán đâu đó việc thánh thượng có ý thay ngôi thái tử, bà rắp tâm bày mưu tính kế giành lấy trữ vị cho con trai. Tuy nhiên, buớc đường đang dần trở nên thuận lợi lại là lúc đặt dấu chấm hết bởi sai lầm của Triệu vương.

Qua ánh mắt, quý phi ra lệnh cho thằng nô trả lại con chim cho Kinh vương: "Ta nào dám trách phạt con, trông chú chim trĩ có thương tích, chẳng hay con có thể cho ta rõ cớ sao nó ra nông nổi đấy không?"

Kinh vương ôm lấy con vật, tay không ngừng vuốt ve làm dịu lại tình trạng hoảng loạn cực độ của nó: "Con trĩ này bị ai đó hành hạ trọng thương, con chẳng biết nó bị vậy tự bao giờ nhưng kẻ phá hoại thú vật của phụ hoàng tội đáng muôn chết!"

Cách đây một hay hai tháng, quý phi nhớ hôm ấy Triệu vương vào thăm nhưng nhằm ngay lúc bà đang hầu thánh thượng dùng nước, bàn chuyện nội cung. Triệu vương kể rằng y dạo quanh vườn Thượng Uyển trong khi chờ đợi, bắt gặp một con chim trĩ đẹp đẽ, định bụng mang đến mua vui cho mẫu phi. Nào ngờ, con chim hóa điên, cắn y một phát nên y điên tiết, ném đá nó tới tấp cho đến khi mất dấu con súc sinh. Quý phi trong bụng thầm cười, nhưng là cái cười ngao ngán.

Quý phi tiến gần Kinh vương, vuốt ve đường nét nhỏ nhắn, dùng tất cả sự trìu mến trao cho cậu: "Trời đã vào trưa, ta có thiện ý muốn cùng con dùng thiện. Chẳng hay ý con ra sao?"

Kinh vương lễ phép thưa: "Quý phi nương, con xin tạ lòng thương mến nhưng phụ hoàng hiện đang ngự thiện tại điện Bảo Quang, người cho gọi con nên con phải đến hầu ngay."

Quý phi mỉm cười, căn dặn mấy đứa hầu bên cạnh Kinh vương phải chăm sóc kĩ càng cho chủ. Kinh vương đưa thằng tớ con chim trĩ, dặn nó phải nhốt con chim vào lồng cẩn thận, rồi cúi chào quý phi để rời đi.

Đợi bóng dáng Kinh vương khuất hẳn, ả hầu chợt lên tiếng: "Bẩm bà, chúng ta đến Bảo Quang điện luôn chứ ạ?"

Quý phi lườm ả, vầng da trán khẽ nhăn lại. Dường như ý kiến này của ả làm phật lòng quý phi, ả tỏ vẻ luống cuống: "Con xin bà, con đã suy tính nông cạn."

"Ta không phải không còn hi vọng."

Lời nói nửa úp nửa mở gây khó hiểu, tâm cơ sâu xa của Quý phi ngay cả nhi tử của bà còn không thấu được, lẽ nào đến lượt bọn nô bộc ấu trĩ tường tận?

"Ngoài Tống vương, chẳng hoàng tử nào có thể sánh bằng thái tử. Nhưng đáng tiếc thay, Tống vương đoản mệnh. Vì chuyện bè phái nội cung năm ấy mà mẹ con Kiến vương không còn được sủng ái như xưa nên hắn không thể tranh được trữ vị. Vừa hay, Kinh vương được đức hoàng thượng ưu ái hơn cả, tư chất lại nổi trội, chúng mày nghĩ xem, ta nên như thế nào mới phải?"

Ả tỳ nữ ngộ ra ý niệm nhưng lại có phần nghi ngại: "Thưa bà, Kinh vương hiện đang ở chỗ Nguyễn tu dung, liệu rằng chúng ta..."

"Mày ngu lắm!" Quý phi tặc lưỡi, nét chán chường hiện rõ trên gương mặt. "Ả so với ta thì bằng sao? Ả ta còn chẳng phải mẹ nuôi của nó. Mà dẫu ả có phải mẹ nuôi chăng nữa, với cái chức tu dung thấp bé ấy sao dám đối đầu ta? Vào cung hơn hai mươi năm nhưng không sinh nổi một người con, hai mươi năm mới được thăng vị nhưng chỉ là thăng cho phải lệ. Ả, không đáng để ta lưu tâm."

Ả tỳ vẫn còn chút vướn mắt, liền nói: "Thưa bà, Kinh vương học rộng tài cao, nếu nối nghiệp ắt sẽ xứng đáng. Tuy vậy, Triệu vương chúng ta sẽ ra sao ạ?"

Quý phi phật ý, nhíu mày trợn tròn mắt: "Mày theo hầu ta bao năm nhưng mãi vẫn không khôn." Ả tỳ vội quỳ xuống đất dập đầu lia lịa. Quý phi nhắm mắt, điều hòa hơi thở cũng như tâm trí, chốc chốc lại nói: "Kinh vương tuy thông minh nhưng nó vẫn chỉ là đứa trẻ, chỉ cần ai đối tốt nó sẽ tin tưởng người đó. Về điểm này, ta có thể lợi dụng được. Chỉ cần rút ngắn thời gian ở ngôi cao, mọi thứ sẽ nằm trong tầm tay."

- oOo -

Từ tháng mười một, vua Hồng Đức đã cảm thấy trong người không được khỏe, những cơn ho dai dẳng kéo dài. Sau hôm lễ tiết Nguyên đán, dưới da bắt đầu nổi những chấm đỏ. Thoạt tiên chỉ là các đốm li ti không đáng kể, ngài chẳng mảy may để tâm mà sớm hôm chăm chỉ phê các tấu chương cho đến khi mụn nước vỡ ra khiến toàn thân đau rát.

Ngự y chẩn bệnh thánh thượng mắc phải là phù thũng. Bệnh này phải dưỡng sức điều độ, cẩn thận ăn uống và hơn hết là tránh căng thẳng.

"Hẳn là các tiên đế đang gọi ta lên hầu."

Quách Hữu Nghiêm bồn chồn, lời nói của thánh thượng nửa đùa nhưng cũng vài phần thật, y vội lựa ý tứ mà thưa: "Bẩm đức thánh thượng, đương tiết trời đang vào đầu năm, không khí vẫn còn khí hàn của năm cũ để lại. Qua cơn xuân này, đức thánh thượng ắt dứt bệnh."

Trông bộ dạng Nghiêm, ngài không khỏi buồn cười. Mấy ngày này bởi tình trạng sức khỏe không cho phép, thánh thượng ngự tẩm điện, dụ cho thái tử đảm đương trách nhiệm giám quốc. Quách Hữu Nghiêm sau khi dự triều, ngày ngày đều đến thuật lại mọi sự cho ngài. Nhìn chung, thái tử cũng đã lớn tuổi, lại có kinh nghiệm mấy mươi năm hầu vua cha xem chầu nên công việc đã sớm quen thuộc. Bá quan văn võ cũng rất trọng nể.

Nghe vậy, ngài thầm hài lòng. Giang sơn cần một quân chủ biết quán xuyến mọi thứ, vừa ổn định triều đình, vừa đảm bảo đời sống dân chúng đủ đầy. Về việc này, ngoài thái tử ra, không một hoàng tử nào có đủ bản lĩnh như thế. Dù rằng hoàng thái tôn Tuân vô phép, bù lại, hai vị hoàng tôn kia rất biết lễ độ.

"Nếu không phải Tuân, ngươi nghĩ Tuấn có đủ khả năng không?"

Hữu Nghiêm không chần chừ mà đáp: "Thái tử điện hạ là người biết nhìn xa trông rộng, hẳn thái tử sẽ có quyết định đúng đắn."

Nghiêm hiểu rõ Lê Tuấn là hoàng tôn mà thánh thượng yêu nhất, ngài cũng đặt niềm hi vọng lên cậu bé rất lớn. Tuy nhiên, không trưởng thì đích, nếu Tuân không đáng tin cậy thì người còn lại chỉ có thể là hoàng tôn Thuần bởi mẹ cậu là thái tử phi, còn là ngoại tôn của thượng thư bộ lại Nguyễn Bá Ký. So với hoàng tôn Tuấn lại là một trời một vực về thân thế.

Nghiêm ra vẻ suy tư một thoáng, tiếp tục nói: "Thái tử phi dưỡng dục hai vị hoàng tôn rất tốt. Bất luận thế nào, thần tin rằng cả hai vị đều giúp sức thái tử trị nước trong tương lai."

Một viên quan nội thị từ bên ngoài bước vào với vẻ mặt nghiêm trọng. Được thánh thượng cho phép, nó thưa: "Hồi bẩm đức thánh thượng, có kẻ phạm vào điều nghiêm, liên lạc với cung phi."

Thánh thượng chau hai hàng mày, là kẻ nào đã to gan như vậy? Vốn định hỏi thêm thì tên nội quan ấy lại bẩm: "Việc này e có liên can đến thái tử ít nhiều thưa đức thánh thượng. Người của Tả tông chính bị phát hiện lén lút trao đổi thư từ với bên Vĩnh Ninh cung."

Nghe đến ba chữ "Vĩnh Ninh cung", Quách Hữu Nghiêm khẽ rùng mình. Đã bao năm trôi qua, chẳng ai còn nhắc đến người bên trong ấy nữa. Dẫu Vĩnh Ninh cung không bị truất vị Quý phi nhưng việc bị cấm túc khiến người đó phần nào trở thành cái tên cấm kị mà bất kì ai cũng không được liên can đến.

Thánh thượng vẫn y nét lãnh đạm, một tiếng ậm ừ cũng chẳng hề phát ra. Không thể đoán được ngài thực sự đang nghĩ gì nhưng phần nhiều ngài phải tức giận lắm.

"Đưa tất cả người liên quan đến đây."

Ngài không quát tháo, không gằn giọng hay tỏ thái độ chi nhưng uy lực thể hiện qua câu nói lại rất lớn. Đám túc vệ không thể chậm trễ, lập tức y lời mà đi ngay.

Trong phút chốc, hoàng thái tử và Lê Viễn Thức cùng có mặt tại sân rồng. Thánh thượng tựa kỷ ngọc tại chính điện Cần Chính, ánh mắt lạnh lẽo muôn phần xa cách. Thái tử dường như đã biết sự việc bại lộ nên không có ý định đánh tiếng. Không gian tĩnh lặng đến mức có thể nghe thấy âm thanh nước bọt chảy dọc cổ họng viên quan họ Lê kia.

"Đã hết giờ lưu tại cung, cớ sao ngươi còn ở đây?"

Lê Viễn Thức nhìn qua thái tử rồi nhanh hướng mắt xuống nền, ấp úng mà nói: "Thần... Vì thái tử điện hạ còn nhiều việc nên thần... thần cũng có chuyện bàn bạc với thái tử nên..."

"Có chuyện sao lại không đến gặp ta?"

"Thái tử... Thái tử giám quốc nên thần..."

"Ngươi trở thành người riêng của thái tử tự bao giờ?"

Lê Viễn Thức chột dạ, cả người đổ sấp xuống đất. Y sợ hãi đến mức không nói được gì thêm nữa.

"Lê Hinh, ngươi biết cái tên này không?" Trống ngực đập liên hồi làm y tưởng chừng có thể chết ngay tức khắc, Lê Viễn Thức bối rối, lắc đầu hay gật đầu cũng không rõ. Thánh thượng khẩy ra tiếng cười đầy sự khinh rẻ, "Hẳn ngươi đã biết Lê Hinh phạm phải tội trung gian cho bên ngoài và trong trao đổi. Xuất thân của nó không tồi, chẳng phải nó là cháu họ của ngươi sao?"

"Thần có tội! Thần có tội!" Lê Viễn Thức lia lịa dập đầu, biết không thể che giấu được nữa đành khai, "Thằng Hinh không biết chữ, cha mẹ nó gửi gắm cho thần. Nó suốt ngày lêu lỏng hư đốn, không còn cách nào khác, thần miễn cưỡng sắp xếp cho nó một chân vào gác..."

"To gan!" Thánh thượng đập mạnh tay xuống bàn làm Lê Viễn Thức giật bắn người. Ngài thẳng tay chỉ vào y, quát lớn, "Thân là mệnh quan triều đình mà lại phạm trọng tội, ngươi có phải đang muốn chết rồi không?"

Ngài thoáng chút im lặng, rồi lệnh: "Kẻ bị bắt tận tay trao thư tín cho Vĩnh Ninh cung quý phi, xử tội chém! Lê Viễn Thức hết giờ lưu tại cung nhưng vẫn nấn ná lưu luyến, phạm tội thông đồng qua lại thư tín với cung phi, lại cậy chức tước mà cầu cạnh mua quan bán tước cho thân nhân, theo lẽ thường phải xử chết. Nay, Lê Viễn Thức xử tội lưu, đày đến xứ Thuận Hóa. Tôi tớ tại tư dinh sung vào phục dịch trong hoàng thành."

Đoạn, Lê Viễn Thức liền bị giải đi sau khi lệnh thánh thượng ban ra. Trong điện Cần Chính lúc này ngoài ngài, chỉ còn thái tử và Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm.

Quách Hữu Nghiêm ngó nghiêng một đỗi rồi quỳ xuống cạnh thái tử: "Bẩm đức thánh thượng, thái tử điện hạ chỉ là nhớ thương sinh mẫu nên đã không lường được hậu họa..."

"Ngươi bảo nó có thể ổn định trong ngoài, ấy vậy mà lại phạm vào cung quy nghiêm trọng nhất. Người của ta, sao lại trung thành với nó rồi? Há chẳng phải đang lôi kéo bè phái chăng?" Thánh thượng dùng ánh mắt nghiêm nghị nhìn thái tử, câu từ nhấn mạnh từng ý tứ. Thái tử không dám chạm mắt với vua cha, tuyệt nhiên không biện hộ cho mình nửa lời.

Ánh nhìn vô tình giờ đây chuyển sang thất vọng, hai bàn tay nắm chặt, từng tiếng thở đứt quảng khó nhọc ngày một nhiều hơn, thánh thượng từ từ chỉ về hướng thái tử. Đột nhiên, ngài kêu lên tiếng đau đớn, ngã ra kỷ ngọc, lịm dần đi với sắc mặt trắng bệch.

Thái tử và Quách Hữu Nghiêm kinh hoàng, nhanh chóng lệnh truyền ngự y.

Bạn đang đọc Vua Quỷ khóc sáng tác bởi khadinh1905
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi khadinh1905
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 11

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.