Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Đẹp và Buồn - Chương 07 - Part 1

Phiên bản Dịch · 2649 chữ

Chương 07: Món tóc huyền

Fumiko đang nấu bữa sáng trong bếp, nói vọng ra với chồng:

«Úi chà, nhà có khách. Chúng mình có hân hạnh được Thử Phu Nhân đến thăm. Bà đang núp dưới lò đây này.»

Thỉnh thoảng vợ ông vẫn giỡn ông bằng cách nói quá ư trịnh trọng.

Oki nói:

«Vậy sao?»

«Hình như bà Thử còn dẫn theo các cô các cậu nữa.»

«Ủa?»

«Thật đấy. Anh ra mà xem... có con chuột con vừa thập thò, mặt nó dễ thương làm sao.»

«Hừm.»

«Nó nhìn em, mắt nó đen lay láy.»

Oki không nói gì. Mùi canh tương chua chua từ bếp tỏa ra phòng ăn, nơi ông đang ngồi đọc báo.

«Nhà dột anh ạ. Ngay trong bếp. Anh nghe thấy không?»

Lúc ông thức giấc thì trời bắt đầu mưa. Bây giờ thì mưa tầm tã. Gió làm ngả nghiêng thông và trúc trên đồi, vừa đổi chiều và tạt mưa từ hướng đông lại.

«Bão thế này làm sao anh nghe được tiếng mái nhà dột hả em?»

«Anh xuống bếp mà coi.»

«Hừm.»

«Anh ạ, gió thổi mưa lên kẽ ngói rơi lã chã xuống như những giọt nước mắt...»

«Em tả mưa làm anh cũng muốn khóc theo.»

«Đêm nay mình phải đặt bẫy thôi. Ở trên gác bếp ấy. Lát nữa anh làm ơn lấy xuống cho em.»

Oki vẫn đọc báo, nhẹ nhàng nói:

«Em nhất định tính bẫy bà chuột và các cô các cậu à?»

«Thế chỗ dột thì tính sao, anh nhỉ.»

«Dột nặng không? Không phải tại gió thôi à. Mai anh sẽ leo lên xem.»

«Thôi đừng. Già mà leo trèo nguy hiểm lắm. Để em sai thằng Taichiro nó làm.»

«Em bảo ai già?»

«Ngành nào thì 55 tuổi chả về hưu, phải không?»

«Nghe sướng quá. Có thể anh cũng về hưu thôi.»

«Khi nào muốn về hưu, thì anh cứ việc.»

«Không biết nghề viết văn thì bao nhiêu tuổi về hưu nhỉ?»

«Chắc khi nào chết mới thôi viết.»

«Quả vậy.»

Nói xong, Fumiko xin lỗi chồng. Lấy giọng bình thường, nàng chữa:

«Em chỉ muốn nói là anh còn sống để viết dài dài...»

Oki nói:

«Viễn ảnh không hẳn thích thú, nhất là có bà vợ hay dằn vặt. Khác gì có con quỉ sau lưng cứ lấy đinh ba mà đâm.»

«Vậy sao? Em dằn vặt anh bao giờ?»

«Em dư biết là em có thể rất khó thương.»

«Như vậy là anh muốn nói gì?»

«Chẳng hạn như là em hay ghen.»

«Đàn bà nào chẳng ghen. Nhưng anh đã dậy em từ lâu là ghen là vị thuốc đắng nguy hiểm... như con dao hai lưỡi.»

«Để làm tổn thương chồng cũng như chính mình.»

«Dù sao đi nữa, em quá già để cùng với anh tự tử hay ly dị.»

«Người già ly dị đã đáng buồn, nhưng cả vợ lẫn chồng cùng nhau tự vận thì không có gì có thể buồn hơn. Người già chắc bất an nhiều khi đọc tin loại này trên báo. Người trẻ đọc tin những cặp tình nhân trẻ cùng nhau tự vận cũng không buồn như vậy.»

Fumiko nói:

«Nếu vậy thì anh đã có hồi muốn cùng người yêu tự tử... À, mà hồi ấy anh không cho cô nhân tình bé con của anh hay là anh muốn cùng chết với cô ta. Lẽ ra anh nên cho cô ta hay. Cô ấy tự vận, nhưng chắc không bao giờ dám mơ tưởng anh cũng muốn chết theo. Anh không thương hại cô ấy sao?»

«Cô ấy không chết...»

«Toan chết thì cũng vậy.»

Fumiko lại nói đến Otoko. Oki nghe trong bếp dầu sôi trong chảo, đoán vợ nấu thịt heo với bắp cải. Mùi tương nồng lên. Oki nói:

«Món tương của em, anh sợ quá lửa rồi.»

«Em biết rồi. Em biết em không thể nào nấu canh tương cho đúng ý anh. Anh cầu kỳ đã mua không biết bao nhiêu tương của cả nước này. Khiếp, anh đủ tương để ngâm em vào trong ấy.»

«Em có biết người Hán viết chữ tương thế nào không?»

«Không. Nhưng cứ phiên âm ra mà viết, khó gì.»

«Không phải vậy. Chữ tương gồm ba chữ kính.»

«Vậy sao?»

«Vì tương quan trọng cho chuyện bếp núc, nên phải nấu cho đúng.»

«Có thể canh tương của anh hôm nay không ngon, vì ngài tương không được em cung kính đủ.»

Fumiko lại trêu chồng. Oki nguyên quán miền tây, nên không bao giờ thoải mái với ngôn ngữ lễ phép của Tokyo; Fumiko ngược lại sinh trưởng ở đây nên nhiều khi giúp chồng chuyện này. Vậy mà Oki không phải bao giờ cũng nghe lời vợ. Nhiều khi bất đồng ý kiến đến chỗ cãi nhau, Oki chê tiếng Tokyo chẳng qua là một thổ âm tầm thường không truyền thống. Ông hay nói ở Kyoto và Osaka, ngôn ngữ trong chuyện đàm tiếu cũng lễ phép, khác hẳn ở Tokyo. Mọi vật từ nhà cửa, sông núi, ngay cả rau cá cũng được diễn tả bằng những từ trang trọng.

Fumiko thường bỏ cuộc. Bà nói:

«Như vậy thì anh nên hỏi thằng Taichiro. Dù sao, con nó cũng là một học giả.»

«Nó biết gì chuyện này. Nó có thể biết về văn học, nhưng chưa bao giờ nó học về cách nói năng cho lịch sự lễ phép. Em hãy nghe ngôn ngữ cẩu thả của nó với bè bạn. Ngay cả những bài khảo cứu, nó cũng không viết nổi bằng thứ tiếng Nhật lịch sự.»

Thật ra Oki không thích hỏi ý kiến con, hay để con giảng ình điều gì. Ông thích hỏi vợ hơn. Nhưng dù là người Tokyo, vợ ông nhiều khi cũng không có câu trả lời dứt khoát cho ông. Sáng nay, ông lại than phiền ngôn ngữ ngày nay suy đồi:

«Ngày xưa học giả biết chữ Hán, văn xuôi của họ chuẩn và chững chạc.»

Fumiko cãi:

«Nhưng nói thường, ai lại kiểu cách như vậy. Những từ mới xuất hiện mỗi ngày như chuột con. Không biết chúng ăn gì mà ngộ nghĩnh như vậy. Chữ nghĩa thay đổi liền liền, đến chóng mặt.»

«Nghĩa là những chữ mới này chết yểu. Và ngay cả khi chúng sống sót, chúng mang tính thời gian_như tác phẩm tiểu thuyết vậy. Hiếm hoi có cuốn truyện sống quá năm năm.»

Fumiko bưng mâm điểm tâm vào.

«Chữ nghĩa mà sống sót qua đêm là quý rồi. Ngay cả em, cũng may mà em còn sống năm này qua năm khác được đến bây giờ, kể từ ngày anh muốn chết theo cô nhân tình bé con của anh.»

Oki nói:

«Thật đáng tiếc là sự nghiệp làm vợ không có chuyện về hưu, em nhỉ.»

«Nhưng vẫn có ly dị. Em có hồi tò mò không biết ly dị nó ra làm sao, dù chỉ một ngày.»

«Bây giờ cũng chưa chậm đâu.»

«Bây giờ thì em không muốn ly dị nữa. Anh biết câu phương ngôn là nắm lấy tóc cơ hội để làm gì, khi cơ hội đã trọc đầu.»

«Tóc em chưa rụng, mà cũng chưa bạc.»

«Tóc anh bạc rồi.»

«Đó là cái giá anh trả để khỏi ly dị. Để em khỏi ghen.»

«Anh làm em nổi nóng đó nghe.»

Vừa chí chóe, hai vợ chồng già vừa ăn sáng với nhau. Nhưng hôm nay Fumiko vui tính, không muốn bới thêm chuyện cũ. Mưa đã thưa hạt dù trời vẫn còn kín mây. Oki hỏi vợ:

«Thằng Taichiro vẫn còn ngủ. Em vào đánh thức nó dậy.»

Fumiko gật đầu:

«Để em gọi nó. Nhưng chắc nó không chịu đâu, lấy cớ hôm nay là ngày nghỉ.»

«Nó có tính đi Kyoto không?»

«Cơm tối xong nó sẽ ra phi trường... Nhưng sao mà nó phải đi Kyoto nhỉ... trời nóng nực thế này.»

«Em có thể hỏi nó. Nó có ý định thăm lại mộ Sanetaka. Hình như nó định viết luận án về Sanetaka... Em có biết Sanetaka là ai không?»

«Một nhà quý tộc?»

«Ông tất nhiên là quý tộc. Không quý tộc mà làm đến thượng thư thời Yoshimasa. Ông thân với Sogi và các thi sĩ khác trong thi đàn Sogi. Sanetaka có công gìn giữ cho văn học nghệ thuật khỏi bị sao nhãng vì chinh chiến trong thế kỷ 16. Xem ra một con người đặc biệt. Ông để lại một pho bút ký dày. Taichiro dùng sách này làm tài liệu nghiên cứu văn hóa thời ấy.

«Vậy sao? Thế đền ở đâu nhỉ?»

«Chân núi Ogura.»

«Nhưng núi ở đâu hả anh? Anh đã dẫn em đến đấy một lần phải không?»

«Lâu lắm rồi. Đó là một chỗ có nhiều liên hệ đến thi ca.»

«Ở Saga, phải không? Bây giờ thì em nhớ.»

Oki kể:

«Taichiro kiếm được rất nhiều chi tiết mà nó nghĩ anh phải cho vào tiểu thuyết. Nó gọi những chi tiết ấy là những chuyện dã sử không có giá trị khoa học. Anh nghĩ nó tự ình là một học giả, khi khuyên anh nên dùng những chi tiết vô dụng và những truyền kỳ phóng đại nó kể cho để làm linh động truyện của anh.»

Fumiko kín đáo mỉm cười.

«Em đi đánh thức cái nhà học giả của em đi. Ai đời bố dậy từ sớm bắt tay vào việc rồi mà con còn ngủ.»

Nói xong, Oki vào thư phòng. Ngồi trước bàn giấy, hai tay chống cầm, ông suy tư câu chuyện nhà văn về hưu vừa trao đổi với vợ. Ông thấy câu chuyện không khôi hài chút nào. Ông nghe tiếng súc miệng trong nhà tắm, và lát sau Taichiro bước ra, tay cầm khăn bông lau mặt. Oki nói:

«Dậy hơi trễ, con nhỉ?»

«Con dậy lâu rồi, nhưng nằm mơ màng vậy thôi.»

«Mơ màng chuyện gì?»

«Cha. Cha có biết người ta khai quật mộ phần công nương Kazunomia không?»

«Sao, người ta xúc phạm đến mộ phần công nương à?»

«Cha gọi như vậy là xúc phạm, con nghĩ cũng đúng. Nhưng không phải người ta vẫn mở những ngôi cổ mộ để khảo cứu sao?»

«Nếu là mộ công nương Kazunomiya thì không thể gọi là cổ mộ được. Công nương chết năm nào hả con?»

«Năm 1877,» Taichiro mau mắn trả lời.

«Vậy chưa đầy thế kỷ.»

«Dạ đúng. Họ nói tất cả chỉ còn lại bộ hài cốt.»

Oki cau mày. Taichiro kể tiếp:

«Họ nói cả cái gối công nương nằm lẫn quần áo, tất cả đã tiêu hết. Chỉ còn xương là chưa tiêu.»

«Đào mả người ta như vậy bất nhân lắm.»

«Dáng công nương nằm đẹp lắm, như vô tư lự, như một em bé gái nằm ngủ.»

«Con đang nói bộ xương.»

«Dạ. Và có món tóc đằng sau sọ. Món tóc đen cắt theo kiểu góa phụ trẻ thời ấy.»

«Lúc nãy trong giường là con mơ tưởng về bà góa phụ ấy ư?»

«Dạ. Nhưng còn một di vật khác, rất đẹp, rất huyền bí, rất mảnh dẻ...»

«Vật gì vậy?»

Oki không hiểu nổi nỗi hân hoan của con trai. Ông bất đồng với việc vi phạm mộ phần và xót xa cho công nương yểu mệnh đã mãn phần trước tuổi ba mươi. Đứng trước mặt bố, tay cầm chiếc khăn bông, Tachiro nói:

«Một di vật cha không thể ngờ.»

Oki nói:

«Thế gọi mẹ con ra đây cho bà nghe luôn.»

Khi cùng mẹ trở về phòng sách của bố, Taichiro kể lại phần đầu câu chuyện. Oki đã lấy cuốn tự điển lịch sử Nhật Bản từ tủ sách ngoài hành lang, mở trang về Kazunomiya, và thắp điếu thuốc. Thấy con trai đang cầm một tờ tạp chí mỏng, Oki hỏi có phải là phúc trình của vụ khai quật không? Taichiro nói:

«Không, đây là bản tin của bảo tàng viện. Một nhân viên của viện viết bài tùy bút tựa là «Dung Nhan Vô Thường», kể lại hiện tượng huyền bí ông ta được chứng kiến. Có thể chuyện này không được nhắc tới trong bản phúc trình chính thức của cuộc khai quật.»

Taichiro tóm tắt cho bố mẹ:

«Người ta tìm thấy một tấm kính nhỏ hơn tấm danh thiếp một chút giữa hai xương bàn tay của công nương. Xem ra đây là di vật độc nhất tìm thấy trong hòm. Nhân đang khai quật mộ phần của các chúa Tokugawa vùng Shiba, họ luôn tiện khai quật mộ phần công nương. Người viết nghĩ di vật có thể là cái gương bỏ túi hay là tấm ảnh. Anh ta lấy giấy gói lại và mang về viện bảo tàng.»

Bà mẹ hỏi:

«Chắc là loại ảnh in trên kính phải không?»

«Dạ đúng. Họ bôi thuốc lên kính, và hình hiện ra khi thuốc còn ướt. Mẹ biết không, những ảnh kiểu cổ ấy.»

«Ồ, những ảnh kiểu ấy, ấy à.»

«Tấm kính mới trông thì trong suốt. Khi người viết trở về viện bảo tàng coi kỹ lại, soi kính lên đèn thì thấy hình một chàng trai trẻ mặc triều phục. Tấm kính hóa ra một tấm ảnh, tất nhiên đã bị phai đi nhiều.»

Thấy chuyện ly kỳ, Oki hỏi:

«Có phải là chúa Iemochi không?»

«Thưa cha hình như là vậy. Có lẽ công nương được chôn với tấm ảnh của người chồng đã chết. Tác giả bài tùy bút viết vậy. Anh ta tính hôm sau sẽ mang tấm ảnh đến Viện Di Vật Văn Hóa để xin ý kiến... Nhưng sáng hôm sau thì hình người biến mất, chỉ còn trơ lại miếng kính.»

Fumiko nhìn con trai, nét ngạc nhiên hiện trên mặt.

Oki cắt nghĩa:

«Như vậy là tại vật chôn nhiều năm, bây giờ bị mang ra không khí và ánh sáng...»

«Đúng vậy, cha ạ. Chuyện này có nhân chứng. Tác giả bài tùy bút có đưa ột người lính gác xem tấm ảnh khi anh ta tình cờ bước qua. Và anh ta kể đã chính mắt thấy hình ảnh nhà quý tộc trên tấm kính.»

«Chà...»

«Tác giả bài tùy bút gọi đó là một truyện có thật về cuộc sống phù du.»

Sau một phút, Taichiro nói tiếp:

«Nhưng ông ta có xu hướng tiểu thuyết nên thay vì chấm hết ở đây, thì lại thêm dầu giấm vào. Cha biết, người ta đồn hoàng thân Arisugawa mê say công nương Kazunomiya. Có thể tấm ảnh là của hoàng thân chứ không phải của chồng công nương. Có thể lúc hấp hối, công nương bí mật dặn con hầu thân tín là chôn theo tấm ảnh tình lang của bà. Tác giả nói, sự việc như vậy cũng phù hợp với một công nương lãng mạn.»

«Chắc tác giả tưởng tượng ra thôi, con có nghĩ vậy không? Câu chuyện hấp dẫn hơn khi di ảnh của tình lang biến đi một đêm sau khi mang lên từ mộ phần công nương đa tình và bất hạnh.»

«Tác giả viết là lẽ ra tấm ảnh không nên bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời. Hình ảnh biến đi đêm ấy cũng phù hợp với ý nguyện của công nương Kazunomiya.»

«Cha cũng đoán vậy.»

«Để kết luận, tác giả bài báo nêu lên ý kiến là một nhà văn có thể bắt lại cái câu chuyện rất đẹp vừa biến đi bằng một tác phẩm văn học. Cha, cha có muốn viết gì với tư liệu này không?»

«Cha không chắc. Có thể viết một truyện ngắn, mở đầu bằng cảnh khai quật... Nhưng cha thấy bài tùy bút cũng đã đủ rồi.»

Bạn đang đọc Đẹp và Buồn của Yasunari Kawabata
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.