Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)
Phiên bản Dịch · 2108 chữ

Thắm và Hạnh, hai đứa có một người bạn thân duy nhất đó là chị Hải.

Chị Hải là một cô gái từ quê khác về làm dâu làng tôi. Hôm cưới chị Hải lấy anh Hải, ai cũng tấm tắc khen, anh Hải keo kiệt lấy được cô vợ xinh. Thế mà đến sớm hôm sau, cô dâu rửa bát cầu ao, trẻ con chăn trâu đã có bài đồng thanh: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.

Nghe trẻ con kêu tên kêu tật của mình, cô dâu xấu hổ chạy vào nhà. Bọn trẻ thừa thắng càng la to: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.

Thế là từ đó, vợ anh Hải rất ngại ra đường, ngại tiếp xúc với xung quanh. Đi đâu chị cũng mặc áo có tay thật dài, bịt khăn kín mặt.

Người ta bảo, vợ chồng mới, có khác nào vợ chồng sam, đi đâu, làm gì cũng có nhau. Ác thay, chỉ vì câu hát vè bông đùa của bọn trẻ, vợ chồng anh Hải không có được hạnh phúc ấy. Ngày lại ngày, mùa nhãn, sớm tinh mơ, chị em phụ nữ hàng nối hàng kĩu kịt gánh nhãn trên vai, tung tẩy, rổn rảng nói cười trên con đường đê yên ả chạy dài tới tận chợ bán nhãn. Là dâu mới nơi đất khách, chị Hải bỡ ngỡ, ngại ngùng. Vì thế, người nhà quê tâm lý, ai cũng đon đả nồng hậu với chị. Nhưng, bài đồng dao thể hiện sự tinh mắt soi xét người lạ của bọn trẻ đã làm chị sợ. Chị tự ti, xấu hổ, chị ngại đám đông, lặng lẽ một mình.

Đợi tiếng nói, tiếng cười của chị em trong làng thật xa, không còn nghe thấy nữa, chị Hải mới lủi thủi, kẽo kẹt gánh nhãn đằng sau, đơn chiếc như một nàng chim di trú bị lạc bầy.

Con đê cao vắng vẻ. Gánh nhãn nặng trên vai. Bước chân nhanh thoăn thoắt. Cỏ ven đường đẫm sương quệt ướt đẫm ống quần lụa sa tanh chị mặc. Mồ hôi ướt đầm áo. Nặng và mỏi, chân như muốn khuỵu xuống, chị Hải đành dừng lại, ghé gánh nhãn bên vệ cỏ, nghỉ. Áo và quần ướt như tắm tạo nên một khuôn hình phụ nữ Á Đông sắc nét và mềm mại. Mặt phừng phừng đỏ như mặt trời, những sợi tóc bết mồ hôi trên má, chị đưa tay kéo chiếc nón trên đầu làm quạt. Ồ, đằng kia, sau những khóm tre ngà, vườn nhãn, xa xa là sông là chân trời sớm quá đang hé dần một làn môi đỏ thắm. Nhìn về phía ấy, chị phấn chấn, nón trắng trên tay, ghé vai gánh nhãn, chị dẻo bước cho kịp buổi chợ.

- Chào em…

-...

- Dừng lại đi. Anh mua hết cho em...

Người đàn ông lạ đứng chặn trước mặt chị.

Chị đưa mắt xung quanh tìm người cầu cứu. Con đê quai co quắp ngủ yên mang trên mình con đường trắng vắng tanh vắng ngắt. Chị tái dại vì sợ. Tim đập mạnh chị cố chạy thật nhanh. Nhưng, gánh nhãn quá tải lắc lư chòng chành trên vai như kéo chị ngược lại. Bất lực quá. Chị nghĩ đến việc bỏ của chạy lấy người. Chạy thoát thân. Nhưng, chị mới về làm dâu, gánh nhãn là tài sản của nhà chồng. Dâu mới, chị không có quyền được vứt bỏ gánh nhãn.

Người đàn ông, kẻ mạnh, nhìn chị, không nhịn được cười. Như thể thích đùa, hắn bước theo sau, thỉnh thoảng vươn bàn tay đàn ông quàng dây quang gánh, kéo lại.

Gánh nhãn trên vai chị chòng chành, lúc lắc, đánh đu.

Phụ nữ thôn quê đôi mắt như nai. Đôi mắt ấy, khi sợ, giống như con bồ câu gặp nạn, ánh lên nỗi sợ hãi rất hiền.

Thằng đàn ông, phong tỏa ánh nhìn. Hắn giang tay ôm, ghìm chị dừng lại. Chị bủn nhủn tay chân, gánh nhãn rời khỏi vai, rơi bịch xuống đường, lăn theo vệ đê xuống vực. Chị gồng mình, nghiến răng cắn vào tay hắn, vuột ra, chị lao theo thúng nhãn, đê cao dốc thoải, cỏ trơn sương ướt, chị ngã soài lăn tròn nằm lên những bó nhãn tan tác dưới chân đê.

Đê dốc, cỏ trơn, thằng đàn ông cũng bị trượt cỏ. Hắn giống như một mũi tên, đổ nhào vào chị, nằm lên chị, ghì chặt chị, hổn hển.

Rặng nhãn ven đê xù xì thân gốc, những tán lá lùm cây chằng chịt sợi tơ hồng.

Thằng đê tiện vạm vỡ sức voi. Xong rồi, nó đứng dậy, đi. Hắn để lại con bồ câu bé nhỏ đớn đau.

Ê ẩm, ê chề, nặng nề nhích nghiêng người, chị Hải co gối kéo chiếc quần rúm rụm dưới bàn chân mặc cao tới bụng. Chị tủi thân khẽ gọi: “Mẹ ơi!”

Giá như ở quê nơi chôn nhau cắt rốn của chị, chị sẽ chạy đến dòng sông trẫm mình. Nhưng đây không phải quê chị. Đây là quê chồng, chị về làm dâu mới được có vài tuần. Đất khách quê người. Sông xa và lạ. Chị chết cũng chẳng dễ dàng.

- Con khổ quá mẹ ơi. Con đau quá mẹ ơi…

Giác quan thứ sáu của con và mẹ. Linh cảm linh thiêng, xương cha huyết mẹ… Chị muốn có mẹ quá, mẹ ơi!

Tiếng chuông chùa ngân vang! Vị cứu tinh đúng lúc. Chị lê bước vào chùa. Bên trong cổng chùa có một đống rơm to, hõm một lỗ trông giống như một túp lều, chị chúi đầu chui vào, thu lu, rưng rức.

Hết giờ tụng kinh, cụ sư điếc ra rút rơm đun nước, thấy chị. Cụ đến tận nhà gọi anh Hải đến đón chị về.

Nhìn thấy vợ, mặt anh Hải sa sầm. Anh ta không căm thằng hãm hại vợ anh ta, anh ta giận vợ. Giận vợ, anh ta đánh vợ bằng cách đập vỡ các đồ vật trong nhà. Anh ta vào buồng chồng vợ, tóm tai đôi gối trắng có thêu chỉ đỏ đôi chim bồ câu với dòng hạnh phúc, vứt ra sân, châm một mồi lửa. Chưa đã cơn giận, anh chạy đi chạy lại, ném cả tấn nhãn vừa bẻ xuống ao. Anh đập vỡ chum tương, anh tìm con dao phay băm vằm những thân cây nhãn. Anh xé áo xé quần.

Và từ đó. Anh sợ đám đông. Anh hạn chế ra đường. Mùa nhãn chín. Mặc mẹ nhãn! Anh chẳng thèm tha thiết tiền với bạc. Mùa nhãn, chim muông cứ việc thoả sức đến ăn, xây tổ, đẻ con và đái ỉa.

Và từ đó, vợ chồng anh Hải chẳng ai nói với ai một lời, âm thầm như những thân cây, lẳng lặng như những người câm điếc.

Đêm. Buồn quá. Chị Hải ra hiên tựa cột ngắm trời, ngắm những vì sao chi chít. Chị lặng nghe tiếng cỏ cây hoa lá thầm thì, tiếng râm ran ri ri hát đồng ca của đồng loại côn trùng cất lên từ lòng đất. Gương trăng rười rượi rọi mặt đất sầu. Đợi sáng, giết đêm, chị Hải lụi hụi kiếm tìm những hạt nhãn rơi rụng trong vườn, trong ngõ ngách nhà chị. Chị gom lại, phơi đầy sân. Những hạt nhãn tròn đen như mắt người, lấp lánh căng tròn rướn lên nhìn trăng, nhìn chị, không chớp.

Và một đêm như thế, anh Hải bỏ nhà ra đi trong khi ngàn ngàn những mắt đang mộng du cùng chị. Trời sáng, tỉnh mơ, chị Hải hái lá pha ấm trà đặt lên bàn, không thấy cái mũ, cái túi của anh treo trên cột. Chị Hải biết, thế là anh đi rồi. Một cảm giác khó tả. Thảng thốt, chếnh choáng. Tủi thân và đơn độc. Chị thực sự cảm thấy sự sống của mình vô nghĩa vô hồn.

Nhưng chị vẫn phải sống. Chị sống lủi thủi như một cái hình nộm. Cái hình nộm bằng rơm lặng lẽ im lìm giữa vườn trại mênh mông, dế, giun và gió. Chị không có khái niệm đêm và ngày, chị cũng không đoái hoài tới tháng, tới năm.

Chẳng có ai ân tình chỉ cho chị biết tóc chị bỗng dưng bạc sớm đây này.

Vườn nhãn nhà chị, sai trĩu quả. Lũ dơi tự do khểnh ăn và sành điệu. Chúng chỉ thưởng thức, chỉ xơi những quả nhãn ngon mỏng vỏ thơm ngọt và mọng cùi. Nhãn thơm chúng chỉ nếm có một nửa, để lại nửa quả lõm một cái hố chơ cái hạt nhãn đen tròn long lên như mắt cú trên ngọn cây.

Thời gian trôi. Lạ thành quen. Quen thành lạ. Chị Hải khóc. Khóc chán lại cười. Cười mãi lại buồn. Buồn quá chẳng biết làm sao, chị đâm ra lẩn thẩn tâm tình với ngọn cỏ, cành cây, với cái chổi quét nhà, cái quạt mo cau, cái cuốc làm vườn, cái thùng gánh nước, con chó, con gà, cái củi đun bếp, ngọn lửa nấu cơm...

Một buổi chiều, chị Hải cảm thấy tức ngực, khó thở. Hình như là chị ốm. Hay là trở trời. Chị bước ra sân, ngửa mặt lên trời nghe ngóng. Vô tình, chị nhìn lên mái nhà. Ngôi nhà cổ, hàng nối hàng những phiến ngói chiếu rêu phong ngăn nắp thẳng hàng, lá rụng mục mủn dày. Thế là có việc, quên ốm, chị Hải bắc thang, một tay cầm chiếc chổi tre trèo lên dọn. Lá mục, cành khô lâu ngày kết lại, chị Hải lom khom như người thợ cấy nhổ mạ mùa đông gieo trên sân. Chị bóc từng tảng từng mảng cho vào bao tải lăn theo mái ngói rơi xuống sân. Chị cần mẫn, lom khom như một dấu hỏi giữa trời. Bất chợt, một luồng gió mạnh từ đâu thổi tới, xống áo chị phồng lên như cánh diều no gió. Chị đứng dậy, gió thổi bạt tóc rối tung, nghiêng ngả. Chị bám tay vào nóc nhà. Cái nóc nhà giống như cột sống lưng người, nhô lên như con rồng nằm dài trên mái ngói. Chị chống tay vào đầu gối dần dần đứng dậy, hiên ngang và lộng lẫy giữa sân khấu trời bất tận đang tấu lên bản giao hưởng bất hủ của giông gió mây bay.

Bọn trẻ trâu ham đá bóng dưới chân đê, thấy cơn mưa đen xì, gió lạnh đang ào tới, thế là bỏ cuộc chơi, nháo nhác tìm trâu, đánh lồng phi nước đại về nhà.

Về đến đầu làng, mây vẫn đen gió mỗi lúc một mạnh. Trời vẫn chưa mưa, những chàng ngự lâm chễm trệ trên lưng trâu điềm tĩnh giật dây cương ghìm trâu đi chậm lại, nuối tiếc, khoan thai ưỡn ngực hít gió, ngửa mặt lên trời hứng những hạt mưa lác đác mát lạnh. Bỗng một đứa trông thấy chị Hải đang “múa lân” trên nóc nhà:

- Chúng mày ơi, nhìn kìa.

Rồi thằng bé làm quản ca bắt nhịp:

- Cây khô không lộc, người độc không con. Cây khô không lộc người độc không con...

Tất cả bọn chúng cùng hét lên gào lên theo:

- Cây khô không lộc người độc không con.

Gió thổi bạt thứ âm thanh to, mảnh, khàn và rè của những cái thanh quản đang độ tuổi gà trống tập gáy ấy, thứ âm thanh ấy chui vào tai chị làm chị tái người, chết lặng.

Lại thêm đám trẻ khác, chúng cũng đánh trâu lồng bổ từ bãi về. Chầm chậm, dừng lại và nhập hội. Rầm rập bước chân trâu cưỡi trên lưng là những kỵ sĩ như lũ quỷ. Những chàng kỵ sĩ ác độc ùa theo, đồng thanh hòa trong gió, xé không gian:

- Cây khô không lộc, người độc không con. Cây khô không lộc, người độc không con.

Mưa. Mưa hung dữ, mưa xối xả, mưa rát mặt. Mưa xô cây, mưa đẩy ngã người. Và sấm. Và chớp. Chớp loằng ngoằng như quăng dây điện. Sét đánh sẹt mang tai, tóe lửa trên ngọn cây, xòe trên mái ngói. Chị Hải vẫn đứng đó, lom khom như dấu hỏi. Chị chập chững, lần mò, lững thững tiến tới cái thang, mò mẫm bước từng bậc xuống nhà.


(Chương truyện hơi ngắn vì đây là trích từ một truyện thành nhiều chương).

Bạn đang đọc Con Hoang của Lê Hồng Nguyên
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi LụcTầnDương
Phiên bản Dịch
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 19

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.