Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 11b

Phiên bản Dịch · 3932 chữ

- Tôi không biết cô làm thế nào mà giữ nổi bình tĩnh, Daldry thì thầm.

- Vậy anh hãy thử dịch ra tiếng Thổ những gì anh ấy vừa nói với chúng ta bằng tiếng Anh đi, rồi chúng ta sẽ thấy trong hai người ai có khiếu hơn, Alice đáp trả.

- Dù thế nào thì cô cũng luôn bênh vực anh ta.

- Có thể tôi được đăng ký học ở trường khác? Alice quay sang phía Can gợi ý.

- Đó chính xác là điều tôi đã tự gợi ý với mình lúc tạm biệt ngài hiệu trưởng. Vậy nên tôi nảy ra ý tổ chức một danh sách. Chiều nay tôi sẽ làm một chuyến viếng thăm trường Chalcédoine ở Kadiköy, và nếu không tìm được gì thì ngày mai tôi sẽ tới trường Saint-Joseph, cũng nằm trong khu ấy, và còn có một khả năng khác nữa là ngôi trường dành cho nữ sinh Nişantaşi. Cô thấy không, chúng ta còn rất nhiều nguồn phía trước, vẫn còn quá sớm để nói rằng chúng ta đang trong thất bại.

- Cô nên khuyên anh ta tận dụng khoảng thời gian viếng thăm các trường học sắp tới mà tham gia vài tiết học Anh ngữ ở đó, như thế sẽ không bị coi như “đang trong thất bại” đâu.

- Đủ rồi đây Daldry, chính anh mới là người phải quay lại trường học.

- Nhưng tôi có tự coi mình là phiên dịch xuất sắc nhất Istanbul đâu…

- Bù lại, bên trong anh mới chỉ là đứa trẻ lên mười thôi…

- Tôi đã nói rồi mà, cô lúc nào cũng bênh vực anh ta. Điều ấy khiến tôi an lòng, khi tôi đi rồi các vị sẽ không quá nhớ tôi, hai vị đều khá hiểu nhau.

- Nhận xét này quả là chính chắn đấy, rất khôn ngoan, anh đang tiến bộ từng giờ.

- Cô biết không, chiều nay cô nên đi cùng Can đến trường Chalcédoine đi. Biết đâu khi thăm thú ngôi trường đó, cô lại chẳng nhớ ra vài kỷ niệm.

- Anh dỗi đấy à? Anh thật xấu tính!

- Không phải kẻ xấu nhất đâu. Tôi phải đi mua bán mấy thứ trong thành phố, việc ấy hẳn sẽ khiến cô buồn phát ốm. Chúng ta nên tận dụng thời gian còn lại trong ngày một cách khôn ngoan rồi sẽ gặp nhau vào bữa tối. Vả lại nếu cô muốn thì Can sẽ rất niềm nở đấy.

- Daldry, anh đang ghen với Can phải không?

- Về điều này thì, cô bạn thân mến ơi, cho phép tôi được nói rằng cô thật hài hước. Ghen với Can, rồi tiếp đến là gì nữa đây? Không hẳn thế đâu, chẳng lẽ tôi phải lặn lội đến tận đây để nghe những lời ngu ngốc như thế này ư!

Can hẹn gặp lại Alice ở sảnh khách sạn lúc bảy giờ tối rồi bỏ đi mà gần như không chào tạm biệt.


Một cánh cửa chính bằng sắt rèn trổ trên bức tường rào, một khoảnh sân vuông vắn nơi gốc vả già đang héo mòn, những băng ghế dài nhuốm màu thời gian dưới mái hiên sân chơi. Can gõ cửa phòng người gác cổng và yêu cầu được gặp hiệu trưởng. Người gác cổng chỉ cho anh khu văn phòng rồi lại tiếp tục đọc báo.

Họ băng qua một hành lang dài, dãy phòng đều đang có lớp học, các học sinh chăm chỉ lắng nghe lời thầy cô giảng bài. Bà giám thị bảo họ đợi trong một văn phòng nhỏ.

- Anh có ngửi thấy không? Alice thì thầm với Can.

- Không, mùi gì vậy?

- Loại cồn người ta dùng để lau của sổ, bụi phấn, lớp xi trên ván sàn, tất cả đều dậy mùi tuổi thơ.

- Cô Alice, tuổi thơ của tôi chẳng có bất cứ thứ mùi nào cô vừa kể. Tuổi thơ tôi mang mùi của những buổi sớm, của những người trở về nhà mà đầu cúi gằm, của những bờ vai mệt nhoài vì lao động cả ngày, của bóng tối trên đường ray, của sự bẩn thỉu ở vùng ngoại ô vẫn bao phủ lên nỗi thống khổ của những mảnh đời và ở nhà tôi không có cồn, không có phấn cũng chẳng có sàn gỗ đánh xi. Nhưng tôi không than phiền gì, bố mẹ tôi là những người tuyệt vời, tuy vậy bạn bè tôi không phải ai cũng được thế. Cô hứa với tôi là không nói với Ngài Daldry rằng tiếng Anh của tôi vốn khá hơn anh ta vẫn tưởng nhé, tôi rất thích thú khi chọc tức được anh ta.

- Tôi xin hứa. Lẽ ra anh nên tiết lộ cho tôi biết.

- Tôi tưởng mình vừa làm điều đó rồi.

Bà giám thị dùng cây thước kẻ sắt gõ lên bàn lệnh cho họ giữ im lặng. Alice nhỏm dậy khỏi ghế rồi đứng im như tượng. Thấy vậy, Can đưa tay lên che miệng để tiếng cười khỏi bật ra. Ông hiệu trưởng xuất hiện, bảo họ vào phòng mình.

Quá sung sướng vì có thể chứng tỏ khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của mình, ông lờ Can đi, chỉ chú ý đến Alice. Anh chàng hướng dẫn viên nháy mắt đồng lõa với khách hàng của mình; suy cho cùng, kết quả mới là quan trọng. Ngay sau khi Alice trình bày thỉnh cầu của mình, ông hiệu trưởng đáp rằng vào năm 1915 trường vẫn chưa nhận học sinh nữ. Ông rất lấy làm tiếc. Ông dẫn Alice cùng Can ra tận tường rào và lúc tạm biệt họ, ông thổ lộ rằng rất muốn một ngày nào đó được thăm thú nước Anh. Có thể ông sẽ đi du lịch khi đã về hưu.

Sau đó họ tới trường Saint-Joseph. Cha xứ đón họ là một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ. Ông chăm chí lắng nghe Can trình bày lý do cuộc viếng thăm. Ông đứng dậy đi ngang qua phòng, tay bắt chéo sau lưng. Ông lại gần cửa sổ nhìn ra sân chơi nơi đám con trai đang đánh nhau.

- Sao lúc nào bọn chúng cũng phải đánh lộn thế nhỉ? Các vị có nghĩ rằng bạo lực là đặc tính cố hữu của nam giới không? Tôi có thể hỏi chúng câu này trong giờ học, đây sẽ là một đề bài thú vị, các vị có thấy thế không? Cha xứ hỏi, vẫn không rời mắt khỏi sân chơi.

- Cũng có thể, Can nói, đây thậm chí còn là cách tuyệt vời để khiến chúng phải suy nghĩ về cách cư xử của mình.

- Tôi muốn hỏi cô đây thôi, cha bề trên chữa lại.

- Tôi nghĩ làm như vậy chẳng ích gì, Alice đáp luôn, không hề do dự. Câu trả lời với tôi là hiển nhiên. Đám con trai thích gây gổ với nhau và đúng là bản chất cố hữu của chúng. Nhưng khi vốn từ càng phong phú thì tính hung hăng của chúng càng suy giảm. Bạo lực chỉ là hậu quả của việc bị tước đoạt, việc không thể diễn tả nỗi tức giận thành lời, vậy là, khi không cất được thành lời thì đành để nắm đấm nói thay.

Cha bề trên quay về phía Alice.

- Ngày trước cô hẳn phải học giỏi lắm. Cô có thích trường học không?

- Nhất là khi tôi rời khỉ trường buổi tối, Alice đáp.

- Tôi thấy nghi ngờ đấy. Tôi không có thời gian tìm kiếm cho cô, và tôi cũng không đủ nhân lực để giao thực thi nhiệm vụ này. Điều duy nhất tôi có thể làm cho cô là để cô tới phòng đọc tra cứu sổ sách vẫn được lưu trữ. Dĩ nhiên, tuyệt đối không được nói chuyện trong căn phòng đó, nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài ngay lập tức.

- Dĩ nhiên, Can hấp tấp trả lời.

- Tôi vẫn đang muốn nói với cô đây, cho bề trên nói.

Can cúi đầu chiêm ngưỡng sàn nhà được đánh xi.

- Nào, theo tôi, tôi sẽ dẫn đường cho các vị. Người gác cổng sẽ mang sổ nhập học đến cho các vị ngay khi ông ta lấy được. Các vị được ở lại đến sáu giờ tối, đừng lãng phí thời gian đấy. Đúng sáu giờ, không hơn một phút, đồng ý không?

- Ông có thể tin tưởng chúng tôi, Alice đáp.

- Vậy thì đi thôi, cha bề trên nói rồi tiến về phía cửa văn phòng.

Ông nhường bước cho Alice rồi quay sang phía Can vẫn ngồi im trên ghế.

- Anh định ở lại văn phòng tôi cả buổi chiều hay sẽ bắt tay vào việc? ông hỏi giọng lạnh lùng.

- Tôi không biết là lần này ông cũng định nói với cả tôi nữa, Can đáp.

Tường trong phòng đọc được sơn màu xám đến lưng chừng, phần còn lại sơn xanh đến tận trần nhà nơi có hai hàng đèn nê ông. Đa phần đều đang bị phạt, đám học sinh cười khẩy khi thấy Alice và Can ngồi vào băng ghế cuối phòng. Nhưng khi cha bề trên nhịp nhịp chân thì bầu không khí lập tức im ắng trở lại rồi duy trì ngay cả khi ông đã rời đi. Không để phải đợi lâu, người gác cổng đã mang đến cho họ hai tập hồ sơ màu đen được buộc dây ruy băng. Ông giải thích với Can rằng mọi thứ ở đây cả, phiếu nhập học, giấy ra trường, bào cáo cuối năm, mỗi loại đều được xếp theo lớp.

Các trang giấy được chia đôi ở giữa, bên trái là họ tên được phiên sang chữ Latin, bên phải là họ tên viết bằng chữ Ottoman. Can đưa tay dò từng dòng và xem xét tỉ mỉ từng trang sổ sách. Khi chiếc đồng hồ quả lắc chỉ năm rưỡi chiều, anh gập chồng hồ sơ thứ hai lại rồi nhìn Alice vẻ buồn tiếc.

Mỗi người bọn họ ôm một chồng hồ sơ mang trả lại cho người gác cổng. Khi ra khỏi tường bao của trương Saint-Joseph, Alice quay lại đưa tay vẫy chào cha bề trên đang kín đáo nhìn theo họ từ cửa sổ phòng làm việc.

- Sao cô lại biết ông ấy đang quan sát chúng ta? Can hỏi lúc xuống phố.

- Tôi cũng làm thế khi học trung học ở Luân Đôn.

- Mai chúng ta sẽ tìm ra, tôi chắc chắn thế, Can nói.

- Vậy thì hẹn gặp lại vào ngày mai nhé.

Can đưa Alice về tận khách sạn.


Daldry đã đặt bàn trước tại Markiz, nhưng khi đến trước cửa nhà hàng Alice lại do dự, Cô không muốn một bữa tối khuôn phép lịch thiệp. Không khí buổi tối thật dịu ngọt nên cô gợi ý nên đi dạo dọc en Bosphore thay vì ngồi hàng giờ đồng hồ trong một căn phòng ồn ào toàn mùi khói thuốc. Nếu đói họ có thể dừng chân và tìm được một quán nào đó. Daldry đồng ý, anh cũng không muốn ăn.

Trên bờ kè cũng có vài người đi dạo giống họ, ba người câu cá thử vận may bằng cách quăng lưỡi câu ra vùng nước thẫm màu, một người bán báo đang bán tống bán tháo những tờ tin tức từ buổi sáng và một thợ đánh giày đang chăm chú làm sáng bóng một đôi bốt ột anh lính.

- Trông anh có vẻ lo lắng, Alice vừa nói vừa ngắm nhìn ngọn đồi Üsküdar nằm ở bờ bên kia eo biển Bosphore.

- Tôi đang mải nghĩ, không có gì nghiêm trọng đâu, Buổi chiều nay của cô thế nào?

Alice kể với anh về các chuyến viếng thăm trong buổi chiều mà không thu được kết quả gì.

- Cô có nhớ lần chúng ta tới Brighton không? Daldry vừa châm thuốc vừa nói. Trên đường về, cả cô lẫn tôi đều không mảy may tin lời người phụ nữ đã tiết lộ với cô về tương lai đồng thời kể về một quá khứ còn bí hiểm hơn nữa. Ngay cả khi cô không nói ra, tôi đoán là vì lịch sự, nhưng hẳn cô vẫn tự hỏi tại sao chúng ta lại đi từng ấy cây số vô ích, tại sao chúng ta lại dành cả đêm Giáng sinh để thách thức băng tuyết và giá lạnh trong một chiếc ô tô với hệ thống sưởi ấm tậm tịt, để mạo hiểm mạng sống của mình trên những con đường đóng đầy váng băng. Tuy nhiên, từ khi đó chúng ta đã vượt biết bao cây số, băng qua bao chặn đường. Và biết bao sự kiện dường như không tưởng đã xảy đến với chúng ta? Tôi vẫn muốn tiếp tục tin vào điều ấy Alice ạ, tôi muốn tin rằng những nỗ lực của chúng ta không vô ích. Istanbul xinh đẹp đã tiết lộ với cô nhiều bí mật mà trước đây cô chưa từng ngờ tới… Biết đâu vài tuần nữa cô chẳng gặp được người đàn ông sẽ khiến cô trở thành người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Về chuyện này, tôi phải nói với cô một điều mà tôi cảm thấy mình cũng có chút tội lỗi…

- Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc mà, anh Daldry. Nhờ anh, tôi đã có một chuyến đi ngoài sức tưởng tượng. Trước đó tôi từng khó nhọc bên bàn làm việc, tôi cạn ý tưởng vậy mà nhờ anh, giờ đây trong đầu tôi biết bao sáng kiến. Tôi chẳng buồn nghĩ đến chuyện liệu lời tiên đoán phi lý kia có trở thành hiện thực hay không. Nói thật, tôi cảm thấy nó có gì đó thật đáng ghét, nếu không muốn nói là tầm thường. Nó gợi tôi nghĩ đến một hình ảnh của bản thân mà tôi không thích, đó là hình ảnh một người phụ nữ cô độc chạy theo ảo tưởng. Vả lại, tôi đã gặp người đàn ông sẽ làm thay đổi cuộc đời mình rồi.

- Vậy sao, là ai thế? Daldry hỏi.

- Người thợ làm nước hoa ở Cihangir. Nhờ ông ấy tôi đã có được những dự án mới. Hôm trước ở nhà ông ấy tôi đã lầm, không phải tôi chỉ tìm kiếm loại nước hoa dùng cho không gian nội thất mà là loại nước hoa của nơi chốn, loại nước hoa nhắc nhớ đến những thời khắc đã in dấu ấn trong chúng ta, những thời khắc chỉ đến có một lần rồi biến mất mãi mãi. Anh có biết là ký ức khứu giác là loại ký ức duy nhất không bao giờ phai tàn không? Khuôn mặt của những người ta yêu thương nhất rồi cũng nhòa dẫn theo thời gian, những giọng nói cũng phai mờ, nhưng mùi hương thì không bao giờ. Với một người phàm ăn như anh, khi hương vị của một món ăn từ thời thơ ấu trỗi dậy, anh sẽ thấy mọi thứ hồi sinh sống động đến từng chi tiết. Năm ngoái, một người đàn ông ưa thích một loại nước hoa của tôi được bán ở của hàng nước hoa tại Kensington và hỏi được địa chỉ của tôi ở đó đã tới nhà tôi. Anh ta mang tới một chiếc hộp sắt rồi mở ra, chỉ cho tôi những thứ bên trong: một đoạn thừng bện mảnh cũ kỹ, một món đồ chơi bằng gỗ, một chú lính chì mặc quân phục đã bong tróc, một miếng mã não, một lá cờ nhỏ cũ mòn. Tuổi thơ của anh ta nằm cả trong chiếc hộp kim loại đó. Tôi hỏi anh ta những thứ này thì có liên quan gì đến tôi và anh ta mong chờ điều gì ở tôi. Khi ấy anh ta liền thổ lộ rằng khi phát hiện ra loại nước hoa của tôi, một điều gì đó kỳ lạ đã xảy đến với anh ta. Lúc trở về nhà, anh ta thấy cần phải đi lục lọi tầng áp mái ngay lập tức để tìm lại kho báu kia, kho báu lâu nay vẫn hoàn toàn nằm trong quên lãng. Anh ta đưa chiếc hộp lại gần để tôi có thể ngửi rồi yêu cầu tôi chế lại mùi hương ấy, trước khi nó tan biến mãi mãi. Tôi đã ngu ngốc trả lời anh ta rằng việc ấy là không thể. Tuy nhiên, sau khi anh ta đi rồi, tôi liền ghi lại vào một mảnh giấy tất cả những gì mình đã ngửi thấy trong chiêc hộp. Mùi kim loại gỉ dưới nắp hộp, mùi gai dầu từ đoạn thừng, mùi chì của chú lính, mùi dầu của một loại sơn cũ được dùng để tô màu cho chú lính, mùi gỗ sồi được chạm khắc để tạo ra món đồ chơi, mùi lụa bụi bặm của lá cờ nhỏ, mùi đá mã não, rồi tôi cất mẩu giấy ấy đi mà không biết sau này sẽ dùng vào việc gì. Nhưng giờ thì tôi đã biết. Tôi biết sau này phải làm nghề này thế nào, phải chịu khó quan sát, giống như anh vẫn làm với các ngã tư, phải cố thử làm điều không thể để tái tạo lại một mùi hương từ hơn chục loại nguyên liệu. Nếu như chính hình dạng và màu sắc khích lệ anh thì với tôi đó là ngôn từ và mùi vị. Tôi sẽ quay lại gặp người thợ làm nước hoa ở Cihangir, xin phép được ở bên ông ấy, được học cách ông ấy làm việc. Chúng tôi sẽ trao đổi với nhau vốn kiến thức cũng như kỹ năng của mình. Tôi muốn tái hiện lại những thời khắc đã biến mất, đánh thức những nơi chốn đã say ngủ. Tôi biết mình giải thích không được rõ ràng lắm, nhưng nếu anh phải ở lại đây và anh thấy nhớ Luân Đôn, thử hình dung xem việc có thể lại được ngửi thấy mùi cơn mưa quen thuộc có ý nghĩa với anh thế nào? Những con phố của chúng ta mang mùi hương của riêng chúng, mùi vào ban sáng cũng như mùi mỗi tối; từng mùa, từng ngày, từng phút trong cuộc đời chúng ta đều có mùi hương riêng của chúng.

- Thật là một ý tưởng kỳ lạ, nhưng đúng là không chỉ một lần tôi từng muốn tìm lại được mùi hương vẫn ngự trị trong phòng làm việc của bố mình. Cô có lý, khi nghĩ lại thì đúng là nó phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Trong đó có mùi củi đang cháy trong lò sưởi, mùi tẩu thuốc của bố tôi, mùi da từ chiếc ghế bành, mà lại khác với mùi da của tấm lót tay ông kê lên để viết. Tôi không thể tả chi tiết hết cho cô được, nhưng tôi vẫn nhớ cả mùi tấm thảm được đặt trước bàn làm việc của bố, nơi tôi vẫn chơi đùa lúc nhỏ. Tôi ở lì đó hàng giờ đồng hồ với những trận chiến lính chì khốc liệt. Những đường sọc đỏ ấn định vị trí của quân đội Napoléon, còn những đường viền xanh là quân mình. Và chiến trường ấy tỏa ra lùi len cùng mùi bụi khiến tôi thấy vững lòng. Tôi không biết liệu ý tưởng của cô có giúp chúng ta làm nên cơ nghiệp hay không, và tôi không chắc loại nước hoa mang mùi thảm hay mùi phố xá dưới mưa thu hút được nhiều khách hàng, nhưng tôi thấy nó cũng khá thú vị.

- Nước hoa mang mùi phố xá thì có lẽ không, nhưng nước hoa tuổi thơ thì… Nếu không đi cùng anh hẳn tôi đã lùng khắp Istanbul tìm cho ra lọ nước hoa mang mùi hương của những ngày đầu thu ở Công viên Hyde. Có lẽ tôi sẽ mất nhiều tháng, Alice tiếp tục, nhiều năm mới có thể chế ra được thứ gì đó vừa ý, phù hợp nhu cầu của số đông. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình vững lòng hơn với nghề, cái nghề mà từ trước đến giờ tôi không ngừng đắn đo, do dự dù luôn muốn làm. Tôi sẽ luôn biết ơn anh, và cả bà thầy bói nữa, vì mỗi người theo cách riêng của mình đã thúc đẩy tôi tới được với ngày hôm nay. Còn về cảm giác bối rối trước những phát hiện về quá khứ của bố mẹ tôi… đó là một thứ cảm giác mơ hồ hòa trộn giữa vui sướng, luyến tiếc, êm dịu, buồn bã và cả những nụ cười nữa. Ở Luân Đôn, mỗi khi đi qua khu phố nơi mà tôi từng sống, tôi không còn nhận ra gì nữa, kể cả tòa nhà của gia đình tôi lẫn những cửa hàng nhỏ tôi vẫn thường ghé qua cùng với mẹ bởi tất cả đã biến mất. Giờ đây, tôi biết rằng vẫn còn tồn tại một nơi mà tôi cùng bố mẹ đã từng sống bên nhau; những mùi hương của con phố Isklital, những viên đá xây nên tòa nhà, những chuyến xe điện và hàng nghìn thứ khác giờ đay sẽ thuộc về tôi. Ngay cả khi ký ức tôi không lưu lại dấu vết gì của thời kỳ ấy nhưng tôi vẫn biết nó đã từng diễn ra. Rồi khi đêm về, trong lúc rình chờ giấc ngủ, tôi sẽ không còn nghĩ đến việc bố mẹ mình không còn nữa, mà sẽ nghĩ tới những gì họ đã trải qua ở đây. Như thế đã là rất nhiều rồi, tôi cam đoan với anh vậy, Daldry ạ.

- Nhưng không phải vì thế mà cô định dừng tìm kiếm đấy chứ?

- Không, tôi xin hứa với anh, dù tôi chắc rằng sau khi anh đi rồi thì mọi việc không còn được như trước nữa.

- Tôi mong thế lắm! Dù cho tôi biết sẽ hoàn toàn ngược lại. Cô và Can rất hợp nhau, dù thỉnh thoảng tôi cũng làm ra vẻ mếch lòng trước việc hai người đồng lõa với nhau nhưng thực tâm tôi rất mừng. Anh chàng đó nói tiếng Anh như gà mắc tóc nhưng tôi phải thừa nhận rằng anh ta là tay hướng dẫn viên có một không hai.

- Lúc nãy anh định nói với tôi chuyện gì cơ mà, gì thế?

- Tôi cho là không có gì quan trọng cả, tôi quên biến mất rồi.

- Khi nào anh rời Istanbul?

- Sắp rồi.

- Sớm vậy sao?

- Vâng, tôi e là thế.

Họ tiếp tục dạo bước dọc bờ kè. Đứng trước bến tàu nơi chuyến tàu hơi nước cuối cùng của buổi tối cập bến buông neo, Alice nắm lấy bàn tay Daldry vừa sượt qua tay mình.

- Hai người bạn cũng có thể nắm tay nhau, đúng không?

- Tôi đoán là có, Daldry đáp.

- Vậy thì, nếu anh muốn, chúng ta dạo thêm chút nữa nhé.

- Được thôi, ý hay đấy, cùng dạo thêm chút nữa nào Alice.

Bạn đang đọc Chuyến du hành kỳ lạ của ngài Daldry của Marc Levy
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 13

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.