Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Những người vui tính

Phiên bản Dịch · 2498 chữ

Những Người Vui Tính

Tôi phóng xe như bị ma đuổi, trực chỉ tới chợ An Đông. Kim đồng hồ trên tay tôi chỉ ngay con số 5 càng khiến lòng tôi như bị lửa đốt. Kiểu này coi bộ nguy to. Hồi sáng trước khi đi làm, vợ tôi dặn tôi đúng bốn giờ chiều ghé chợ đón cô ta về, vậy mà mải cà phê cà pháo với mấy đứa bạn tôi quên béng đi mất, đến khi sực nhớ ra thì đã trễ cả tiếng đồng hồ. Tôi dừng xe trước cổng chợ, ngóng mỏi con mắt nhưng chẳng thấy bóng vợ tôi đâu. Tôi đứng lớ ngớ một hồi, nửa muốn đạp xe về nửa muốn ráng đợi. Biết đâu chiều nay cô ta chẳng rề rà lâu hơn mọi bữa . Nghĩ vậy nên tôi cứ đi tới đi lui lóng ngóng trước cổng chợ, không dám bước đi đâu xa, sợ cô ta ra mà không tìm thấy tôi thì có nước chết! Tới khi đồng hồ chỉ sáu giờ thì tôi biết rằng có đợi nữa cũng vô ích, rằng vợ tôi đã về nhà rồi và rằng cô ta đã cuốc bộ. Tôi biết chắc điều đó bởi một là vợ tôi rất tằn tiện, hai là cô ta không bao giờ đi xích lô trên những chặng đường mà đôi chân con người có thể chinh phục được. Tôi phóng vội về nhà, gió thổi vù vù bên tai, tim đập thình thình trong ngực. Tôi vừa đạp xe vừa nguyền rủa mình thậm tệ: đồ hứa lèo, đồ thất tín, đồ vô dụng và hàng lô những lời tương tự khác, lòng hoang mang nghĩ đến những điều đang chờ đợi tôi ở nhà. Vừa vô tới cửa, tôi gặp ngay thằng con tôi:

- Mẹ về chưa con?

- Mẹ về rồi!

- Mẹ đang làm gì thế? - Tôi tiếp tục thăm dò.

- Mẹ đang thái mỡ trong bếp.

Tôi bước rón rén xuống bếp, trên môi nở sẵn một nụ cười biết lỗi. Nhưng vô ích, vợ tôi ngồi thái mỡ không ngẩng mặt lên mặc dù tôi cố ý tạo ra những tiếng động lịch kịch để báo hiệu cho cô ta biết.

Không biết làm sao, cuối cùng tôi đành cười giả lả:

- Chiều nay công chuyện bù đầu, không cách gì rứt ra mà đi đón em được...

Im lặng. Vợ tôi hình nhưng không nghe câu nói của tôi.

- Đến khi anh tới chợ thì em về mất rồi...

Vẫn im lặng.

Túng quá, tôi bèn ngồi xuống quàng tay qua vai vợ tôi, giọng năn nỉ:

- Thôi cho anh xin lỗi nghen!

Vợ tôi hất mạnh tôi ra. Vì bất ngờ, tôi loạng choạng thiếu điều chổng cẳng lên trời. Thú thật chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi mạnh đến thế.

Tôi lồm cồm bò dậy, vừa thẹn vừa tức. Tôi dòm quanh quất, tính làm một việc gì đó cho hả giận. Dòm vô lu nước, thấy lu nước cạn rốc, thế là tôi đùng đùng xách hai chiếc thùng chạy thẳng ra phông-tên đầu đường. Sức tôi vốn yếu, bình thường thì tôi xách mỗi bên nửa thùng. Nhưng đang cơn bực, tôi vặn nước đầy cả hai thùng rồi ì à ì ạch xách về nhà, vừa đi vừa thở hổn hển. Tôi đổ nước vô lu ầm ầm, cố ý cho vợ tôi biết sự bực dọc của mình. Nhưng cô ta vẫn không thèm ngó, cứ cắm đầu cắm cổ thái mỡ, lại còn thẳng tay ném mỡ vô chảo bôm bốp y như ném vô mặt tôi không bằng. Tôi giận cành hông nhưng chẳng biết làm gì ngoài cách khua thùng thiếc ầm ĩ. Vợ tôi vẫn phớt lờ, mặt lạnh như tiền. Xách tới đôi nước thứ ba thì tôi trượt chân té một cái "oách" giữa đường. Thằng con tôi đang đi theo hộ tống, thấy vậy bèn chạy vù về nhà. Trong khi đó thì tôi không thèm đứng dậy mà cứ nằm "ăn vạ" ngoài đường. Trong thoáng mắt, vợ tôi hớt hơ hớt hải chạy ra. Thấy vẻ mặt thất sắc không còn chút máu của cô ta, tôi nở từng khúc ruột và cố tình lim dim mắt ra cái điều sắp chết đến nơi.

Vợ tôi cúi xuống đỡ tôi dậy, miệng lắp bắp:

- Trời ơi, có sao không anh?

Tôi "ú ớ" nói không ra tiếng.

- Đã biểu xách lưng lưng thôi, ai mượn xách đầy chi cho té không biết!

Tôi không nói không rằng, cũng không thèm nhìn vợ, chỏi tay ngồi dậy một cách khổ sở.

- Để em dìu anh về.

Vợ tôi vừa nói vừa quàng tay qua người tôi. Tôi liền hất mạnh tay cô ta một cách thô bạo. May mà cô ta không ngã. Rồi trước cặp mắt van lơn của vợ tôi, tôi cúi xuống xách hai thùng nước đi cà nhắc về nhà, mặt mày băng giá.

Khi xách thùng quay ra, tôi gặp vợ tôi đi vào. Nhìn cô ta chạy xuống bếp với dáng đi thiểu não, tôi hơi xúc động nhưng nhất quyết không chịu nhượng bộ. Tôi nhủ thầm: Hơi đâu, cứ chịu thua hoài, cô ta được thể làm tới!

Tôi chưa vặn vòi nước máy thì thằng con tôi ở đâu chạy ào tới, miệng la bài hãi:

- Ba ơi ba, mẹ đứt tay chảy máu tùm lum ở nhà kìa!

Tôi cuống lên, vội chụp lấy đôi thùng rỗng, ba chân bốn cẳng vọt về nhà. Tôi phóng vô bếp như một cơn lốc. Vợ tôi đang ngồi cúi mặt trên tấm thớt, tay này nắm chặt tay kia có vẻ đau đớn lắm.

Thấy vậy, tôi càng quýnh quáng:

- Trời ơi, có hề gì không em? Đứt chỗ nào đưa cho anh coi!

Tôi vừa cầm lấy tay vợ tôi thì cô ta la lên: - Trời ơi đau! Đừng đụng vô người em!

Nhưng không đụng vô người cô ta làm sao được! Thế là mặc cho vợ tôi kêu la, tôi vẫn cúi xuống bế thốc cô ta vô giường nằm. Xong, tôi lục lọi ngăn tủ lấy ra nào là bông băng, thuốc tím, thuốc đỏ. Tôi bê tất cả lại giường và cúi xuống trên những ngón tay của vợ tôi, hấp tấp hỏi:

- Đâu? Đâu? Chỗ nào đâu? Chỉ anh băng cho!

Vợ tôi không trả lời vì bận rên rỉ nhưng ngón trỏ tay phải thì chỉ vào ngón trỏ tay trái. Tôi quan sát thật kỹ, thấy trên ngón tay có một vết sướt lờ mờ không biết là sâu hay nông nhưng nhìn vẻ mặt nhăn nhó của vợ tôi thì chắc là sâu lắm, không khéo thì đứt rời ngón tay ra nữa không chừng. Sau khi rửa bằng thuốc tím, tôi bôi thuốc đỏ lên ngón tay vợ tôi rồi buộc chặt lại sau khi lót một lớp bông dày. Xong, tôi lấy gối kê dưới cánh tay vợ tôi và dặn:

- Thôi, em nằm nghỉ đi, để anh thái mỡ cho!

Vợ tôi mặc dù đau đớn vô cùng nhưng vẫn cố lên tiếng ngăn cản:

- Thôi, anh cũng nằm nghỉ đi! Khi nãy em thấy vai anh bầm tím, chắc đau ghê gớm lắm! Tự dưng tôi rơm rớm nước mắt:

- Ừ, hình như xương vai anh bị nát rồi thì phải! Đau dễ sợ!

Và tôi nằm vật xuống đi-văng, cảm thấy mình bị hoạn nạn không kém gì vợ.

Trong lúc vợ chồng tôi đang chìm vào cơn đau thập tử nhất sinh như thế thì cả hai bỗng nghe tiếng lạch cạch dưới bếp, không biết là tiếng gì.

Tôi quát to:

- Cái gì lịch kịch dưới bếp đó bây?

- Con đang thái mỡ! Hai chiến sĩ bị thương rồi thì chiến sĩ thứ ba phải tiếp tục công viếc chớ! - Tiếng con tôi vọng lên.

Trời, té ra ông chiến sĩ Điện Biên nhà tôi.

Vợ tôi vội vùng ngay dậy:

- Thôi, thôi, không ai mượn! Con để đó ẹ!

Và vợ tôi ba chân bốn cẳng chạy vù xuống bếp, không có vẻ gì là một người sắp sửa đứt lìa ngón tay cả.

Tôi vội vàng chạy theo vợ tôi và níu áo cô ta:

- Em lên nằm nghỉ đi! Em đang đau mà! Làm sao làm việc được!

Vợ tôi mỉm cười:

- Không sao đâu! Bị trầy da có chút xíu, ăn nhằm gì!

Không ăn nhằm gì thì thôi! Tôi liền chộp lấy đôi thùng thiếc.

- Thôi, thôi, anh lên nằm nghỉ đi! Xương vai anh gần nát mà còn xách với xiếc! - Vợ tôi kêu lên.

- Nát đâu mà nát! Té sơ sơ nhằm nhò gì!

Tôi cười hì hì và xách đôi thùng bước ra khỏi nhà.

-1984-

Nguyễn Nhật Ánh

Cầu Chúc Hai Người Hạnh Phúc

Đám cưới của tôi dự kiến sẽ có hai trăm người dự. Khi nghe tôi nói như vậy, cô vợ sắp cưới của tôi giật nẩy mình:

- Ối chao! Lấy tiền đâu mà...

Tôi vội trấn an:

- Em đừng lo! Ba nói là ba sẽ đài thọ tất cả. Chính ba đề nghị tổ chức có "tầm cỡ" như vậy. Ba bảo dù sao anh cũng là con trai lớn trong nhà!

Nhưng khi hai đứa tôi chuẩn bị viết thiệp mời thì ba tôi xuất hiện:

- Sao, hai con viết thiệp chưa?

- Dạ, tụi con chuẩn bị viết đây.

- Vậy thì tụi con viết giùm ba luôn thể. Danh sách của ba đây!

Ba tôi lấy trong sổ ra một tờ giấy và đưa cho tôi. Tôi nhẩm đếm số khách khứa của ba tôi mà người cứ run lên. Một trăm mười tám người, đa số là những tên tuổi mà tôi không hề biết.

- Ai nhiều vậy ba? - Tôi băn khoăn.

Ba tôi phẩy tay:

- À, toàn là chỗ quen biết cả! Bạn cũ lâu ngày với nhau.

Tuy ba tôi không nói ra nhưng qua thái độ của ông, tôi mang máng hiểu ra hầu hết số khách này là chỗ làm ăn với ba tôi và đám cưới của tôi là dịp để ông vui vầy với họ, cũng không loại trừ có những nguyên nhân thầm kín khác nữa . Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại muốn đám cưới của tôi "vui" đến như vậy.

Rồi dường như để "vui" hơn, ba tôi khà một tiếng:

- Con ghi thêm tên anh Sáu Tấn, quản lý thị trường. Chút nữa là ba quên mất, mai mốt "kẹt" lắm.

Tôi chưa kịp ghi xong tên Sáu Tấn thì ba tôi lại khà lần thứ hai:

- Anh Ba Thích phòng thuế nữa! Có vậy mà ba cũng không nhớ!

Sau một cái nhíu mày, ba tôi lại khà. Lần này ông khà ra chú Bảy Tình ở trạm thua mua. Trước khi đứng dậy, ba tôi còn khà thêm khoảng tám lần nữa. Mỗi cái khà như một mũi tên bắn vào tim tôi.

Đẻ ra tôi, ngoài ba còn có má. Má tôi ngồi đúng vào cái ghế mà ba tôi vừa bỏ đi, tay chìa ra một tờ giấy đã chuẩn bị sẵn. Lần này, "hồ sơ thần chết" ngót nghét bốn mươi người. Số khách của má tôi không thuộc diện quan-hệ-kinh-doanh như ba tôi, nhưng thuộc diện quan-hệ-tình-cảm-tràn-lan, thân sơ đều mời ráo trọi .

Tôi nhẩm trong đầu, khách mời của ba má tôi cộng lại vị chi là 158, họ hàng hai bên ước khoảng 40, tổng cộng là 198. Như vậy đám cưới chỉ còn thừa đúng hai chỗ cho... tôi và vợ tôi. Còn tất cả bạn bè của hai đứa đều phải bỏ hết, kể cả phù rể, phù dâu.

Nhưng cũng như ba tôi, má tôi cảm thấy trí nhớ của mình còn có thể hoạt động với năng suất cao hơn nữa. Do đó, nếu ba tôi thích "khà" thì má tôi cũng thích "chậc":

- Chậc, chút nữa má lại quên! Còn dì Hai Nhung nữa con!

- Dì Hai Nhung nào má?

- À, dì này trước đây làm chung với má. Xa nhau mấy chục năm rồi, gần đây mới tình cờ gặp lại.

Tới đây, tôi không nén được nữa, bèn hỏi: - Thêm cái dì mấy chục năm gặp lại này là đúng 199 người. Như vậy hôm đó, chắc vợ con phải nằm nhà. Mà vợ con cần gì phải có mặt, ai chẳng biết là con cưới cô ta, trên thiệp báo tin có ghi tên tuổi rành rành rồi mà!

Mải loay hoay với những hình bóng trong ký ức, má tôi không nhận thấy câu nói "lẫy" của tôi . Bà gật gù lơ đễnh:

- Ừ, vậy cũng được!

Tôi liếc vợ tôi. Mặt cô ta méo xệch, nửa cười, nửa khóc.

- À, con ghi thêm tên này nữa! - Má tôi vỗ trán reo lên - Dì Nhường tức em vợ cậu Báu.

- Cậu Báu nào?

- Cậu Báu tức cháu kêu ông ngoại của con bằng dượng ghẻ đó.

Bà dì "họ hàng ngoài trái đất" này khiên tôi muốn điên tiết. Nhưng biết làm sao được. Tôi nhún vai:

- Người khách thứ hai trăm! Như vậy, hôm đó con ở nhà luôn. Ai chẳng biết là con cưới vợ. Khách không thể lầm với thằng Sơn em con được vì nó mới mười ba tuổi.

Một lần nữa, má tôi gật đầu dễ dãi:

- Vậy cũng được! Con nhớ mời thêm cậu Sang, cậu Sang tức là...

Tức là sao các bạn có biết không?

Tức là sau khi "tỉnh cơn mê", má tôi đồng ý rút bớt số khách của mình xuống còn ba mươi ba người sau một hồi đấu tranh quyết liệt cho tình bạn thiêng liêng và cao cả của mình. Sự nhượng bộ của má tôi khiến chúng tôi mừng như bắt được vàng. Như vậy là vào giờ chót, đám cưới còn thừa sáu chỗ: tôi, bạn tôi, vợ tôi, bạn vợ tôi, phù rể, phù dâu! Hú vía, suýt một chút nữa là hai vợ chồng tôi không được dự đám cưới của mình.

Đám cưới diễn ra không mệt mỏi như tôi tưởng. Bởi vì hầu hết số khách khứa đều không biết vợ chồng tôi và ngược lại, do đó hai bên chẳng chuyện trò bao lăm. Mệt nhất phải nói là ba má tôi. Hai người phải chào hỏi, tiếp chuyện với bao nhiêu là người. Mệt nhưng mà vui. Nhìn nét mặt rạng rỡ của hai người, tôi có cảm tưởng như đây chính là đám cưới của ba má tôi vậy. Cầu chúc hai người hạnh phúc!

-1985-

Nguyễn Nhật Ánh

Bạn đang đọc Chuyện cổ tích dành cho người lớn của Nguyễn Nhật Ánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 42

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.