Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 07 - Phần 3

Phiên bản Dịch · 3998 chữ

Corso cúi xuống những cuốn sách. Gã mở ra ở trang có minh họa, một bản khắc gỗ với ba người đàn ông và một người đàn bà đang làm việc trong hầm mỏ. Đó là De re metallica của Giorgius Agricola tiếng Latinh xuất bản lần thứ hai, do Froben và Episcopius in ở Basle, chỉ năm năm sau ấn bản đầu tiên 1556. Gã lẩm bẩm tán thưởng khi đốt điếu thuốc.

“Như ông thấy, lựa chọn không hề dễ dàng.” Fargas chăm chú theo dõi cử chỉ của Corso. Lão lo lắng nhìn gã lật từng trang, khẽ chạm vào chỉ bằng đầu ngón tay. “Mỗi lần tôi chỉ bán một cuốn. Và không phải bất kỳ cuốn nào cũng được. Sự hy sinh phải đảm bảo rằng số còn lại sẽ được an toàn trong sáu tháng nữa. Đó là tế vật tôi dành cho Minotaur[6].” Lão gõ gõ thái dương. “Mỗi chúng ta đều có nó ở trong đầu[7]... Lý trí tạo ra nó, và nó gieo rắc nỗi kinh hoàng.”

[6] Minotaur: quái vật nửa người nửa bò trong thần thoại Hy Lạp. Bị vua Minos nhốt trong một mê cung, mỗi năm có bảy người con trai và bảy người con gái bị tống vào cho nó ăn thịt.

[7] Ở đây Fargas chơi chữ: “Ladyrinth” vừa là mê cung, vừa là phần tai trong của con người.

“Sao ông không bán vài cuốn ít giá trị cùng một lúc? Khi ấy ông đủ tiền và vẫn giữ được những cuốn hiếm hơn. Hoặc những cuốn ông quý hơn.”

“Xếp vài cuốn trên đầu những cuốn khác ư?” Fargas rùng mình. “Tôi làm thế sao được. Tất cả chúng đều có linh hồn bất tử như nhau. Với tôi tất cả đều có quyền như nhau. Đương nhiên tôi có những cuốn sách mình yêu quý nhất. Vì cớ gì tôi không có? Nhưng tôi không bao giờ có cử chỉ phân biệt, hoặc một câu nói khiến chúng trở nên cao quý hơn những đồng bọn kém được ưu ái. Ngược lại là khác. Nhớ rằng Chúa Trời đã chọn chính con trai mình làm vật hiến tế. Để chuộc tội cho loài người. Và Abraham...” Có vẻ như lão muốn ám chỉ bức tranh trần, bởi lão ngước nhìn lên buồn bã mỉm cười với hư không, ngưng nửa chừng câu nói còn dang dở.

Corso mở cuốn thứ hai, một cuốn khổ folio Ý tuyệt đẹp, đóng bìa da dê vào khoảng năm 1700. Bên trong là tập thơ Virgil, nhà xuất bản Giunta Venice, in năm 1544. Cử động này khiến Fargas bừng tỉnh.

“Đẹp, phải không?” Lão bước tới trước mặt Corso, vội vã chụp cuốn sách từ tay gã. “Nhìn trang tít này, nhìn đường viền kiến trúc này. Một trăm mười ba bản khắc gỗ, toàn bộ hoàn hảo, trừ trang 345 có một chỗ phục chế rất nhỏ rất xưa, rất khó thấy, ở góc bên dưới. Thật ngẫu nhiên mà nó trở thành con cưng của tôi. Xem đây: Aceneas ở địa ngục, bên cạnh nữ tiên tri. Ông đã khi nào thấy thứ gì như thế chưa? Hãy nhìn những ngọn lửa phía sau bức tường ba tầng này, rồi cái vạc dầu dành cho những kẻ bị nguyền rủa, con quái điểu cắn xé ruột gan họ...” Người sưu tầm sách già thực sự kích động, mạch máu trên cổ tay và thái dương lão đập thình thình thấy rõ. Giọng nói trở nên thâm trầm khi lão đưa cuốn sách lên gần mắt để nhìn rõ hơn. Vẻ mặt lão rạng rỡ. “Moenia amnlata videt, triplici circundata muro, quae rapidus flamnis ambit torrentibus amnis.” Lão ngừng lại, mê mẩn. “Người thợ khắc có cách nhìn như người thời Trung cổ, bạo liệt và đẹp đẽ về địa ngục của Virgil.”

“Một cuốn sách tuyệt vời,” Corso rít một hơi thuốc, khẳng định.

“Còn hơn thế nữa. Hãy cảm nhận chất giấy. Esemplare buôn e genuino con le figure assai ben impresse, các catalô cổ đều khẳng định như vậy.” Sau khi để cơn kích động bùng phát, Fargas lại một lần nữa dán mắt vào hư không, mê mải, đắm chìm trong vùng tối cơn ác mộng của lão. “Tôi nghĩ sẽ bán cuốn này.”

Corso mất hết kiên nhẫn, “Tôi không hiểu. Rõ ràng đây là một trong những cuốn ông yêu thích. Agricola cũng vậy. Tay ông run lên khi sờ vào chúng.”

“Tay tôi? Hẳn ông muốn nói linh hồn tôi bốc chảy trong lửa địa ngục. Tôi nghĩ tôi đã giải thích rồi. Cuốn sách phải hy sinh không bao giờ là cuốn khiến tôi thờ ơ. Nếu không thì việc làm đau khổ này có ý nghĩa gì? Một giao dịch bẩn thỉu dưới áp lực của thị trường, mấy cuốn sách rẻ mạt thay cho một cuốn đắt tiền...” Lão lắc đầu hung hãn và khinh bỉ, ánh mắt u ám quét quanh căn phòng như muốn tìm ai đó để trút cơn giận. “Đây là những cuốn tôi yêu quý nhất. Chúng tỏa sáng rực rỡ hơn tất cả số còn lại, vì vẻ đẹp của chúng, vì tình yêu mà chúng dấy lên trong tôi. Đây là những cuốn tay trong tay đi cùng tôi lang thang bên bờ địa ngục... Cuộc đời có thể tước đoạt mọi thứ tôi có. Nhưng không thể biến tôi thành một kẻ bất hạnh khốn khổ.”

Lão loạng choạng bước đi không mục đích trong phòng. Cảnh tượng u buồn, cái chân đau, bộ quần áo nhàu nát, tất cả đều làm tăng thêm vẻ yếu ớt mong manh của lão.

“Đó là lý do vì sao tôi ở lại trong ngôi nhà này,” lão tiếp tục. “Linh hồn của những cuốn sách tôi mất đi lang thang bên trong những bức tường này.” Lão dừng lại trước lò sưởi nhìn những súc gỗ nằm bên trong. “Đôi khi tôi cảm giác chúng trở lại bắt tôi bồi thường. Vì vậy, để chúng bớt giận, tôi cầm cây đàn violon kia chơi hàng giờ liền, lang thang khắp nhà trong bóng tối như một kẻ bị nguyền rủa...” Lão quay lại nhìn Corso, dáng hình lão nổi bật trong khuôn cửa sổ bẩn thỉu. “Người sưu tầm lang thang.” Chầm chậm, lão tới bên cái bàn, đặt tay lên từng cuốn sách, như thể trì hoãn việc quyết định đến tận lúc ấy. Rồi mỉm cười dò hỏi.

“Nếu ở vị trí của tôi, ông sẽ chọn cuốn nào?”

Corso cựa quậy, khó chịu. “Xin miễn cho tôi việc này. Thật may tôi không ở địa vị ông.”

“Đúng vậy. Hết sức may mắn. Ông thật thông minh khi nhận thức được điều này. Một kẻ ngu ngốc sẽ thèm muốn được như tôi. Với toàn bộ kho báu trong tòa nhà này... Nhưng ông còn chưa bảo tôi nên bán cuốn sách nào. Chọn đứa con nào hiến dâng cho thượng đế.” Bỗng nhiên, khuôn mặt lão trở nên méo mó vì thống khổ, như thể nỗi đau đớn ở cả trong thân thể lão. “Rồi máu nó sẽ vấy bẩn sang tôi và gia đình tôi,” lão nói thêm, rất khẽ và khẩn trương, “đến đời thứ bảy.”

Lão mang trả Agricola về chỗ cũ trên tấm thảm và vuốt ve lớp da dê trên bìa cuốn Virgil, thì thầm, “Máu nó.” Mắt lão ươn ướt, hai tay run rẩy không ngừng. “Tôi nghĩ tôi sẽ bán cuốn này,” lão nói.

Fargas hẳn còn chưa thoát khỏi tâm trạng giày vò, nhưng chẳng còn lâu nữa. Corso nhìn những bức tường trơ trụi, những vết còn lại ở những chỗ treo tranh trên giấy dán tường vàng ố. Cái thế hệ thứ bảy khó mà hiện hữu kia chẳng quan tâm tí nào tới chuyện này. Cũng giống như gia tộc Corso, dòng họ Fargas sẽ kết thúc ở đây. Mãi rồi thì họ cũng được bình an. Làn khói từ điếu thuốc của Corso xông thẳng lên bức họa rách trên trần, giống như cột khói từ cuộc lễ hiến tế trong buổi bình minh lặng lẽ. Nhìn qua cửa sổ ra khu vườn cỏ dại lan tràn, gã tìm kiếm một lối ra, giống như con cừu trong bụi cây gai. Nhưng chẳng có gì ngoài những cuốn sách. Thiên thần đã buông bàn tay cầm dao, vừa khóc vừa bỏ đi. Để lại một mình Abraham, lão khọm già khốn khổ.

Corso hút nốt điếu thuốc rồi vứt vào trong lò sưởi. Gã lạnh và mệt. Bên trong những bức tường trống trải này gã đã phải nghe quá nhiều. Thật đáng mừng là không có tấm gương nào để gã nhìn thấy những biểu hiện trên mặt mình. Gã nhìn đồng hồ mà không biết là mấy giờ. Với kho báu nằm kia, trên những tấm thảm, Victor Fargas đã trả giá quá đắt, bằng nỗi thống khổ triền miên của lão. Với Corso, giờ là lúc bàn chuyện công việc.

“Còn Chín cánh cửa thì sao?”

“Về cuốn đó ư?”

“Chính vì nó tôi mới đến đây. Tôi nghĩ ông đã nhận được thư tôi.”

“Thư ông? Phải, tất nhiên. Tôi nhớ rồi. Đúng vào lúc tất cả những chuyện này... Thứ lỗi cho tôi. Chín cánh cửa. Đương nhiên.”

Lão bối rối nhìn quanh, như một người mộng du chợt tỉnh. Bỗng dưng lão có vẻ mệt mỏi vô chừng, như vừa trải qua một thử thách kéo dài. Lão giơ một ngón tay lên xin một phút nhớ lại, rồi khập khiễng bước tới góc nhà. Ở đó có chừng năm chục cuốn sách trên tấm thảm Pháp phai màu. Corso miễn cưỡng nhận ra hình vẽ mô tả trận thắng của Alexander đại đế trước vua Ba Tư Darius.

“Ông có biết rằng,” Fargas trỏ vào tấm thảm Gobelin mà hỏi, “Alexander đã dùng kho tàng đoạt được từ tay địch thủ để bảo tồn sách của Homer không?” Lão hài lòng cúi chào hình bóng xơ xác của vị danh tướng xứ Macédonie. “Ông ta là nhà sưu tầm sách như tôi. Một người tốt.”

Corso chẳng quan tâm quái gì đến thị hiếu văn học của Alexander đại đế. Gã quỳ xuống đọc những tên sách in trên gáy và lề một vài cuốn sách. Toàn bộ đều là chuyên luận về ma pháp, giả kim thuật và nghiên cứu về ma quỷ. Les trois livres de l’Art, Destructor omnium rerum, Disertazioni sopra le apparizioni de’spiriti e pavoli, De origine, moribus et rebus gestis Satanae...

“Ông nghĩ sao?” Fargas hỏi.

“Không tồi.”

Người sưu tầm sách cười mệt mỏi. Lão quỳ xuống cạnh Corso và máy móc sửa lại những cuốn sách để đảm bảo rằng không cuốn nào xê dịch dù chỉ một li so với lần gần đây nhất lão kiểm tra.

“Không tồi chút nào. Ông nói đúng. Ít nhất có mười cuốn cực hiếm. Tôi kế thừa toàn bộ chỗ này từ ông nội tôi. Ông là người say mê thuật giả kim và chiêm tinh học, hội viên hội Tam Điểm. Nhìn xem. Đây là một tác phẩm kinh điển, Infernal Dictionary của Collin de Plancy, ấn phẩm xuất bản lần đầu năm 1842. Và đây là cuốn Compendi dei secreti in năm 1571 của Leonardo Fioravanti... Cuốn sách khổ mười hai kia là Book of Wonders xuất bản lần thứ hai.” Lão mở một cuốn khác và chìa cho Corso thấy một bức minh họa. “Nhìn Isis[8] này... Ông biết đây là cái gì chứ?”

[8] Isis: nữ thần tôn giáo cổ Ai Cập, được thờ phụng khắp thế giới Hy - La như một hình mẫu của người mẹ hiền vợ thảo, như chủ nhân của tự nhiên và ma thuật.

“Tất nhiên. Oedipus Aegiptiacus của Atanasius Kircher.”

“Chính xác. Xuất bản ở Rome năm 1652.” Fargas trả cuốn sách về chỗ rồi nhấc ra một cuốn khác. Corso nhận ra bìa sách đóng kiểu Venice: bọc da đen, năm dải băng nổi và một biểu tượng ngôi sao, song trên bìa không có đầu đề. “Đây là thứ ông tìm, De Umbrarum Regni Novem Portis. Chín cánh cửa của vương quốc bóng tối.”

Corso run lên dù không muốn vậy. Nhìn bề ngoài, ít nhất cuốn sách cũng giống hệt cuốn trong túi gã. Fargas đưa gã cuốn sách và Corso đứng lên lật lật qua. Chúng giống hệt nhau, hay hầu như thế. Lớp da bọc bìa sau cuốn của Fargas hơi bị mòn, có vết cũ của một tấm nhã từng được gắn vào rồi gỡ ra. Phần còn lại không khác chút nào với cuốn của Borja, ngay cả bức tranh số VIIII cũng còn nguyên vẹn.

“Thật hoàn hảo, tình trạng rất tốt,” Fargas nói, diễn đạt chính xác vẻ mặt Corso. “Nó ngao du ngoài đời suốt ba thế kỷ rưỡi, nhưng khi ông giở ra thì nó vẫn mới tinh khôi như vừa in xong. Cứ như thể người thợ in đã ký kết khế ước với ma quỷ.”

“Có khi ông ta đã làm thế,” Corso đáp.

“Tôi không có gì ác cảm với pháp thuật. Tôi bằng lòng trao cả linh hồn để giữ toàn bộ chỗ này.” Lão khua tay như muốn quơ cả căn phòng lạnh lẽo và những hàng sách trên sàn nhà.

“Ông có thể thử,” Corso trỏ Chín cánh cửa mà nói. “Người ta bảo ma pháp nằm trong đó.”

“Không bao giờ tôi tin những điều nhảm nhí đó. Mặc dù bây giờ có lẽ là lúc thích hợp nhất để bắt đầu. Ông không nghĩ thế ư? Người Tây Ban Nha các ông có câu ngạn ngữ: Chẳng còn gì thì cũng còn được nhảy xuống sông.”

“Cuốn sách bình thường chứ? Ông thấy nó có gì lạ không?”

“Chẳng có gì hết. Không mất trang nào. Các bức minh họa đầy đủ, cả chín bức, cộng thêm trang nhan đề. Đúng như khi ông nội tôi mua vào lúc giao thời thế kỷ. Đúng như được mô tả trong các catalô, và giống hệt hai cuốn còn lại, của Ungern ở Paris và của Terral-Coy.”

“Không còn là Terral-Coy nữa. Bây giờ nó thuộc bộ sưu tập của Varo Borja ở Toledo.”

Corso nhận thấy nét mặt Fargas trở nên ngờ vực và cảnh giác.

“Ông nói Varo Borja?” Dường như lão định nói gì thêm, rồi lại đổi ý. “Bộ sưu tập của ông ta rất đặc sắc. Và rất nổi tiếng.” Lão đi đi lại lại trong phòng, mắt nhìn đống sách xếp trên tấm thảm. “Varo Borja...,” lão thận trọng lặp lại. “Một chuyên gia nghiên cứu ma quỷ, đúng không? Một người sưu tầm sách rất giàu. Ông ta đã theo đuổi cuốn Chín cánh cửa đó nhiều năm. Sẵn lòng trả bất cứ giá nào... Tôi không biết là ông ta đã mua được nó. Và ông làm việc cho ông ta.”

“Chỉ đôi khi,” Corso thừa nhận.

Fargas gật đầu mấy cái, vẻ bối rối. “Thật lạ là ông ta lại cử ông đi. Rốt cuộc...”

Lão đột ngột bỏ dở câu nói rồi nhìn cái túi của Corso. “Ông mang theo cuốn sách chứ? Tôi xem được không?”

Hai người bước lại bên bàn, Corso đặt cuốn sách của gã bên cuốn của Fargas. Đúng lúc này, gã nghe hơi thở của lão già trở nên gấp gáp. Vẻ mặt lại trở nên si mê.

“Hãy nhìn nó thật gần,” lão thầm thì, như sợ sẽ đánh thức thứ gì đó bên trong những trang sách. “Chúng thật đẹp đẽ, hoàn hảo. Và giống hệt nhau. Hai trong ba cuốn duy nhất thoát khỏi lửa thiêu, lần đầu tiên về lại bên nhau, kể từ khi chia lìa ba trăm năm mươi năm trước...” Bàn tay lão lại run rẩy. Lão xoa cổ tay để dòng máu bên trong bớt chảy mạnh. “Hãy nhìn chỗ in lỗi ở trang 72, và chữ s bị tách rời này, dòng thứ tư trang 87... Cùng thứ giấy, cùng kiểu chữ. Chẳng phải tuyệt vời sao?”

“Phải.” Corso đằng hắng. “Tôi muốn ở đây ít lâu. Để xem chúng thật kỹ.”

Hai mắt Fargas bắn ra một tia nhìn sắc nhọn. Lão có vẻ do dự.

“Tùy ông,” sau cùng lão nói. “Nhưng nếu ông có cuốn của Terral-Coy thì chắc chắn chúng là thật, không nghi ngờ gì nữa.” Lão tò mò nhìn Corso, cố hiểu gã đang nghĩ gì. “Hẳn Varo Borja biết điều đó.”

“Tôi nghĩ ông ta biết.” Corso nở nụ cười vô hại nhất. “Nhưng tôi được trả tiền để bảo đảm chúng là thật.” Gã vẫn cười. Bọn họ đã đến đoạn khó khăn. “Nhân tiện nói đến tiền bạc, tôi được ủy thác đưa tới ông một lời đề nghị.”

Vẻ tò mò của Fargas biến thành nghi ngờ: “Đề nghị gì?”

“Về tài chính. Đề nghị rất đáng kể đấy.” Corso đặt tay lên cuốn sách thứ hai. “Ông có thể không phải bận tâm về tiền bạc trong một thời gian.”

“Varo Borja sẽ trả tiền?”

“Khả năng là thế.”

Fargas vuốt cằm. “Ông ta đã có một. Ông ta muốn có cả ba cuốn ư?”

Người này có thể hơi điên, nhưng không ngốc. Corso làm một cử chỉ mơ hồ, gã không muốn làm mếch lòng lão. Có lẽ. Một trong những thứ các nhà sưu tầm nhồi nhét trong đầu. Nhưng nếu Fargas bán cuốn sách, lão có thể giữ được cuốn Virgil.

“Ông không hiểu rồi,” Fargas nói. Nhưng Corso quá hiểu. Gã sẽ chẳng đi đến đâu với lão già.

“Quên đi,” gã nói. “Đó chỉ là một ý tưởng.”

“Tôi không bán bậy bạ. Tôi chọn từng cuốn sách. Tôi tưởng tôi đã nói rõ.”

Những mạch máu căng phồng trên mu bàn tay lão rúm lại. Lão đã phát cáu, vì vậy Corso phải để ra mấy phút xoa dịu. Lời đề nghị chỉ là chuyện thứ yếu, một thủ tục rất vặt vãnh. Thực ra thì gã chỉ so sánh thật kỹ hai cuốn sách mà thôi, gã nói. Sau cùng, Fargas nguôi giận và gật đầu đồng ý.

“Tôi không thấy có vấn đề gì,” lão nói, đã bớt ngờ vực. Rõ ràng là lão ưa Corso. Nếu chẳng phải thế, mọi chuyện đã diễn ra khác hẳn. “Mặc dù tôi không thể cung cấp cho ông nhiều tiện nghi ở đây...”

Lão đưa gã theo một lối đi rất hẹp tới một buồng nhỏ hơn có một chiếc piano cũ nát trong góc, một cái bàn bên trên có cái chân nến bằng đồng đầy những giọt sáp, một đôi ghế ọp ẹp.

“Ít ra thì ở đây cũng yên tĩnh,” Fargas nói. “Và kính cửa sổ còn nguyên cả.”

Lão bật ngón tay đánh tách, như thể quên mất chuyện gì đó. Lão biến đi một lát rồi trở lại với chai brandy dở.

“Vậy là cuối cùng Varo Borja cũng tìm cách chộp được nó,” lão nhắc lại. Lão cười một mình, như thể có ý nghĩ nào đó khiến lão rất hài lòng. Rồi lão đặt cái chai và cái cốc trên sàn, cách hai cuốn Chín cánh cửa một khoảng an toàn. Như một chủ nhà chu đáo, lão nhìn quanh để chắc rằng mọi thứ đều ổn, rồi nói bằng giọng mỉa mai trước khi bỏ đi, “Cứ tự nhiên như ở nhà.”

Corso rót chỗ Brandy còn lại vào cốc. Gã lôi cuốn sổ ghi chép ra và bắt đầu làm việc. Gã vẽ ba ô trên một trang giấy. Mỗi ô chứ một con số và một cái tên.

Lần lượt từng trang một, gã ghi lại vắn tắt mọi chỗ khác nhau ở cuốn số một và cuốn số hai, dù rằng rất nhỏ: vết ố trên một trang, mực in ở cuốn này hơi đậm hơn cuốn kia. Khi tới bức minh họa đầu tiên, NEM. PERVT.T QUI N.N LEG. CERT.RIT, kỵ sĩ khuyến cáo người đọc giữ im lặng, gã móc trong túi ra chiếc kính phóng đại bảy lần kiểm tra cả hai bức khắc gỗ, từng hàng một. Chúng giống hệt nhau. Gã nhận ra rằng thậm chí cả lực ép của bản in khắc trên giấy, giống như khi in bằng máy, cũng như nhau. Những nét vẽ và chữ cái bị mờ, bị mất hay bị biến dạng đều ở cùng chỗ trên cả hai cuốn. Thế nghĩa là cuốn một và hai được in lần lượt hay gần như thế ở trên cùng một tổ máy. Giống như anh em Ceniza, Corso đang quan sát một cặp song sinh.

Gã tiếp tục ghi chép. Một chỗ không hoàn chỉnh ở dòng thứ sáu trang 19 khiến gã dừng lại, nhưng gã lập tức nhận ra đó chỉ là một vết mực. Gã giở thêm mấy trang. Hai cuốn sách cùng cấu trúc: hai tờ trắng ở đầu và cuối trang sách cùng 160 trang được khâu thành hai mươi phần, mỗi phần tám trang. Toàn bộ chín bức minh họa trên cả hai cuốn đều chiếm hết cả trang. Chúng được in riêng rẽ trên cùng loại giấy, mặt sau để trống, được đưa vào ngay lúc đóng sách. Vị trí trong cả hai cuốn cũng như nhau.

Hoặc là Varo Borja hoang tưởng, hoặc công việc dành cho Corso rất kỳ quái. Chúng tuyệt không thể là đồ giả. Quá lắm thì cả hai đều là ấn bản của một cuốn sách làm giả nhưng vẫn được in ở thế kỷ mười bảy. Cuốn số một và cuốn số hai đều là hiện thân của sự trung thực xét về mặt giấy in.

Gã uống nốt chỗ rượu còn lại rồi dùng kính lúp kiểm tra bức họa số II. CLAUS. PAT.T., vị ẩn sĩ râu xồm cầm hai chiếc chìa khóa, cánh cửa đóng kín, chiếc đèn lồng nằm trên mặt đất. Gã đặt hai bức họa bên nhau và chợt cảm thấy rất ngớ ngẩn. Thật chẳng khác nào trò chơi Tìm chỗ khác nhau. Gã nhăn mặt. Đời là một cuộc chơi. Và sách phản ánh cuộc đời.

Đúng lúc đó gã thấy nó. Rất bất chợt, y như thứ gì đó chừng như vô nghĩa, khi nhìn từ một góc đúng thì bỗng hiện ra rõ ràng và chính xác. Corso thở ra, như thể sững sờ, như thể muốn cười. Gã chỉ bật ra một âm thanh khô khốc, giống như một tiếng cười hoài nghi nhưng không chút hài hước. Không thể thế. Không ai đùa kiểu ấy. Gã lắc đầu bối rối. Đây không phải là một cuốn sách đố chữ rẻ tiền mua ngoài ga xe lửa. Những cuốn này đã ba thế kỷ rưỡi tuổi. Người thợ in đã mất mạng vì chúng. Chúng nằm trong danh sách cấm của tòa án dị giáo. Và có tên trong tất cả những thư mục sách nghiêm túc nhất. “Minh họa số II. Chú thích bằng tiếng Latinh. Một ông già cầm hai cái chìa khóa và một chiếc đèn lồng nằm phía trước cánh cửa đóng chặt...” Nhưng cho đến giờ không ai so sánh hai cuốn sách. Không dễ gì để chúng ở với nhau cùng một chỗ. Hoặc không cần thiết. Lão già với hai chìa khóa. Thế là đủ.

Corso đứng dậy bước lại bên cửa sổ. Gã đứng đó một lúc nhìn xuyên qua những ô kính mịt mờ vì hơi thở của mình. Hóa ra Varo Borja đúng. Aristide Torchia hẳn sẽ cười thầm trên giàn hỏa thiêu ở quảng trường Hoa, trước khi ngọn lửa vĩnh viễn tước đi cảm quan hài hước của ông. Nó thật sáng láng, cái chuyện cười sau khi chết ấy.

Bạn đang đọc Câu lạc bộ Dumas của Arturo Perez-Reverte
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 10

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.