Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 08 - Phần 02

Phiên bản Dịch · 2527 chữ

Một chuyện trọng đại nữa lại tiếp tục xảy ra đây : Tôi tình cờ nhặt được một con dao trên đường.

Đây là một con dao có lưỡi hình tam giác, chuôi dao rất dài. Bởi cũng đã từng đổ mồ hôi rất nhiều trên cánh đồng quê nên tôi cũng tích lũy được một vài kinh nghiệm, thoạt nhìn là tôi nhận ra đây là loại dao chuyên dùng cho việc hái quả. Loại dao này rất sắc, độ sắc có thể cạnh tranh với loại dao chuyên dụng của lão Đổng. Sau khi nhặt được con dao, tôi quên phắt chuyện đau đầu đau chân và không biết quỷ thần xui khiến thế nào mà trong đầu tôi lại lóe lên ý nghĩa là xẻo quách cái bọc sưng tấy của con Song Tích đang ở ngay trước mặt mình. Tôi đã nhìn thấy bên trong toàn là máu mủ hôi thối vô cùng. Tôi còn nghe Song Tích lên tiếng van nài : Người anh em, hãy giúp tôi đỡ đau được một chút đi! Tôi nghĩ chuyện này không thể để cho ông Đỗ biết, ông ta mà biết thì kế hoạch của tôi không thể trở thành hiện thực được. Tôi đi gần với Song Tích hơn, nắm chặt con dao, lồng không hề do dự, tay không hề run, ngắm nghía thật chuẩn xác, một tay chụp lấy cái vật ấy, một tay kề dao, nhắm mắt chọc mạnh. Động tác của tôi rất nhanh, rất chuẩn và chiếc bọc cũng đã vỡ tóe ra, những gì bên trong bắn ra dính vào tay tôi, thối kinh khủng.

Ông Đỗ vui mừng vô hạn, nói :

- La Hán, mày đúng là một thiên tài! Chỉ cần một nhát dao của mày mà Song Tích đã có vẻ dễ chịu hơn rất nhiều, tao cũng dễ chịu lắm rồi... Mày mà nhặt được con dao này sớm hơn, không chừng Song Tích lúc này đã khỏe rồi, không cần phải đi lên công xã nữa... Tốt quá, tốt quá... Gặp đồng chí Đổng, tao sẽ đề nghị ông ấy nhận mày làm học trò, đôi mắt tao nhìn người không nhầm đâu, tao nhìn người nào là ra người nấy thôi...

Ông ta nói xong thì bẻ một cành liễu, đi vòng ra phía sau Song Tích rồi dùng cành liễu chọc vào bìu dái nó ấn ấn thật mạnh để cho những thứ nước gớm ghiếc trăng trắng đỏ đỏ vàng vàng từ bên trong túa ra. Hình như song Tích rất đau, chân sau nhấp nhổm như muốn đá hậu, nhưng có lẽ không còn sức để giơ chân lên đá nữa nên cuối cùng động tác ấy của nó cũng chỉ dừng lại ở ý đồ. Chân sau nó động đậy nhấc lên khỏi mặt đất một tí rồi đặt xuống. Những luồng run chạy khắp thân thể biểu hiện là nó đang rất đau. Ông Đỗ thủ thỉ tâm sự :

- Song Tích ơi là Song Tích! Mày cố gắng lên nhé, chúng tao cũng muốn tốt ày thôi...

Những gì bẩn thỉu nhất từ trong chiếc túi ấy tiếp tục chảy ra, ban đầu là màu trắng, kế đến là màu vàng và cuối cùng là màu đỏ. Ông Đỗ ném cành liễu xuống đất, nói :

- Tốt rồi, đảm bảo là đã tốt rồi!

Chúng tôi tiếp tục dắt Song Tích đi. Đúng là nó đi có nhanh hơn một tí. Ông Đỗ bẻ một nhánh hòe có rất nhiều lá non đưa đến sát mõm Song Tích. Nó thè lưỡi liếm mấy cái, tỏ ý muốn ăn. Cho dù nó không thể ăn nhưng chừng đó cũng đủ làm cho chúng tôi cực kỳ hưng phấn. Ông Đỗ nói :

- Được rồi, nhận ra cái ăn là được rồi. Đưa mày đến trạm để đồng chí Đổng tiêm ột mũi, không qua ba ngày mày sẽ lại là một con trâu nguyên vẹn như xưa.

Mặt trời lúc này đã như một chiếc đĩa màu đỏ tròn treo ở phía chân trời. Tôi đã trông thấy chóp cây bạch dương cao vút trong sân trụ sở công xã xa xa. Tôi phấn khởi kêu lên :

- Sắp đến rồi! Sắp đến rồi!

- Nhìn thấy núi nhưng ngựa chạy trối chết vẫn không tới nhìn thấy cây nhưng trâu chạy kiệt sức chưa chắc tới nơi. Ít nhất cũng phải ba cây số nữa - ông Đỗ nói - Chẳng qua, chúng ta vẫn đi nhanh hơn so với tưởng tượng của tao. Nói gì thì nói vẫn cứ nhờ một nhát dao của mày nhưng cũng không thể không kể đến những cú chọc cành dương liễu của tao.

Mặt trời càng lúc càng đỏ. Công nhân xưởng gia công bông bên đường đã tan ca, những cặp thanh niên nam nữ mặc những bộ quần áo lao động mới toanh thong thả đi dạo trên đường. Từ trên thân thể họ, mùi xà phòng thơm thoang thoảng dễ chịu vô cùng, riêng những cô công nhân có chút nhan sắc thì không những có mùi xà phòng mà còn có cả một thứ mùi gì đó rất lạ vừa thơm vừa ngọt ngào mà tôi chưa hề được ngửi bao giờ.

Ông Đỗ nheo nheo mắt nhìn tôi, hạ giọng nói :

- La Hán, ngửi thấy mùi con gái thứ thiệt chưa?

- Ngửi thấy rồi!

- Còn trẻ, gắng phấn đấu đi, mai mốt kiếm một cô như thế về làm vợ!

- Suốt đời tôi chẳng lấy vợ đâu!

- Mày đúng là thằng xứng đáng được gọi là ăn mày nghiến răng phát tiết hận thù! Mày không cưới vợ, hay là mày định nhờ lão Đổng thiến luôn?

Chúng tôi đang lời qua tiếng lại thì một đôi trai gái đang đi trên đường đứng lại. Người con trai có gương mặt trắng và mái tóc xoăn tít hỏi ông Đỗ :

- Bác ơi, bác dắt trâu đi đâu vậy?

- Đến trạm thú y!

- Nó bị làm sao?

- Bị cắt mất dái!

- Cắt dái? Sao lại cắt dái của nó?

- Nó đòi làm chuyện bậy bạ!

- Chuyện bậy bạ là chuyện gì?

- Cậu nghĩ chuyện bậy bạ gì thì nó cũng nghĩ chuyện bậy bạ như thế!

Người con trai có vẻ không bằng lòng, nói :

- Sao bác lại đem cháu ra đặt ngang hàng với con trâu?

- Tại sao không thể đặt cậu ngang hàng với trâu? Trời đất sinh ra vạn vật vốn là bình đẳng, con người và các loài vật vốn là một!

Mặt cô gái hơi đỏ lên, gắt :

- Mao! Chúng ta đi thôi!

Cô gái này mắt nhỏ mày thưa, đầu to, mặt cũng rất to, da mặt rất trắng, răng cũng rất trắng. Không kiềm chế được, tôi đưa mắt quan sát cô ta thật kỹ. Người con trai chạy ra phía sau Song Tích, quan sát thật kỹ giữa hai đùi nó, kêu lên :

- Trời ơi! Các người tàn nhẫn quá! Tiểu Quách, Tiểu Quách! Lại đây mà xem sự tàn nhẫn rủa họ nè!

Anh ta cuống quít đưa tay vẫy bạn gái nhưng hình như cô ta rất giận dữ hất mạnh bím tóc rồi đi thẳng về phía trước. Anh ta vội vã đuổi theo. Chiếc cổ của tôi cũng ngoẹo theo hướng đi của hai người và trông thấy anh ta đã quàng tay lên vai cô gái. Kỳ lạ thay, cô gái vẫn để yên cánh tay của anh ta trên đôi vai của mình.

- Thôi, quay đầu lại đi, nhìn theo cũng chỉ nhìn bên ngoài chứ được cái gì - ông Đỗ nhắc nhở tôi.

Tôi quay đầu lại, trong lòng có một chút ngượng ngập. Ông Đỗ nói tiếp :

- Vừa nói lúc nãy là cả đời này mày không cần lấy vợ, nhưng chỉ nhìn thấy một đứa con gái tơ là mắt đã dính chặt vào người ta, tao thấy mắt mày như muốn lột quần áo con bé ra vậy!

- Đâu có tôi trông theo người con trai đấy chứ! - Tôi thanh minh.

- Đừng chối, lão đây cũng đã từng có một thời thanh niên rồi mới trở nên già cỗi thế này - ông Đỗ nói - Đứa con gái này trông chẳng khác gì một thiếc bánh bao mới ra khỏi lò hấp, sáng trưng, trắng nõn. Đúng là của ngon, đúng là của ngon!

Khi chiếc loa phóng thanh của công xã đang phát bài "Quốc tế ca" cũng là lúc chúng tôi dừng chân trước cổng trạm thú y. Bảy giờ đúng, loa truyền thanh công xã bắt đầu phát chương trình ban đêm, đầu tiên là phát bài "Đông phương hồng", sau "Đông phương hồng" sẽ là dự báo những nội dung chính của chương trình phát thanh, kế tiếp sẽ là chương trình thời sự trong nước và quốc tế, tiếp theo là thời sự địa phương, sau thời sự địa phương thương là một vở kịch ngắn, tiếp theo là dự báo thời tiết, tiết mục cuối cùng là bài "Quốc tế ca". Sau bài "Quốc tế ca" sẽ là câu nói muôn đời : Các đồng chí bần hạ trung nông thân mến, chương trình phát thanh hôm nay đến đây là chấm dứt. Xin hẹn gặp lại trong chương trình phát thanh cũng vào giờ này tối ngày mai! Tạm biệt. Nghe hết câu nói này thì biết chính xác là chín giờ ba mươi, không sai một phút. Chúng tôi vừa đứng yên trước cổng trạm thú y thì cô phát thanh viên cũng vừa nói "Tạm biệt" với chúng tôi. Ông Đỗ nói :

- Thế mà đã chín rưỡi rồi!

Tôi ngáp dài nói :

- Ở nhà, chỉ cần phát xong "Quốc tế ca", là tôi đã ngủ khì rồi!

- Có lẽ đêm nay không thể ngủ được đâu, chúng ta phải tìm lão Đổng gấp để tiêm cho Song Tích, tiêm xong thì mới yên tâm được - ông Đỗ nói.

Cánh cổng sắt của trạm thú y đóng im ỉm. Ghé mắt nhìn qua kẽ hở giữa hai cánh cổng có thể trông thấy bên trong. Trong sân có một chiếc giá gỗ cao ngất, hình như là có một cái giếng. Bên cạnh giếng là một vạt đất rộng, trên đó những loài cây tạp đang chen chúc um tùm. Một con chó đang hướng ra cổng sủa oang oang. Căn nhà thấp tè tối đen, chẳng trông thấy gì.

- Ông ơi, chúng ta tìm lão đồng chí Đổng ở đâu hả ông? - Tôi hỏi.

- Lão đồng chí Đổng nhất định là ở trong nhà.

- Chẳng có đèn có đóm gì hết!

- Không còn đèn có nghĩa là đã ngủ rồi!

- Người ta đã ngủ thì chúng ta phải làm sao?

- Bệnh của Song Tích có thể xem là loại bệnh cần cấp cứu, chúng ta gọi cổng thôi!

- Lỡ chọc giận người ta thì làm thế nào?

- Nghĩ ngợi nhiều làm gì ệt xác, vả lại đồng chí Đổng cũng đã ăn dái của Song Tích nên xét về lý là phải tiêm thuốc cho nó.

Chúng tôi gõ vào cánh cổng sắt. Ban đầu chúng tôi không dám gõ mạnh nhưng quả thực, tuy tiếng gõ chúng tôi rất nhẹ nhưng âm thanh phát ra lại lớn vô cùng chẳng khác nào những phát súng nổ trong đêm yên tĩnh. Sau mấy tiếng gõ cổng, con chó đã xông ra đến nơi, đứng bên trong cánh cổng sắt và chồm lên, hai chân chụp vào cánh cổng, vừa chụp vừa sủa oang oang. Tiếng cánh cổng, tiếng thó sủa ầm ầm nhưng trong nhà hầu như vẫn không có động tĩnh gì. Tiếng chó đã kích thích lá gan của chúng tôi cho nên tiếng gõ cổng của chúng tôi cũng đã mạnh hơn, tiếng kêu cũng to hơn, nhưng vẫn không thấy có ai trả lời. Ông Đỗ nói :

- Thôi đi cho rồi, nếu trong nhà mà có một người điếc cũng phải tỉnh ngủ thôi!

- Như vậy là lão Đổng không ngủ ở đây. - Tôi nhận định.

- Những người ăn gạo nhà nước như họ khác với nông dân chúng ta. Mỗi ngày họ làm việc chỉ có tám tiếng, tan việc rồi là thời gian của riêng họ. - ông Đỗ ra vẻ hiểu biết.

- Chuyện này quá sức không công bằng. Chúng ta khổ cực gieo trồng lương thực, nuôi lợn nuôi dê để có cái đút vào trong miệng họ, tại sao họ lại đối đãi với nông dân chúng ta thế này? Thế không phải khẩu hiệu của họ đã từng nêu ra là "Vì nhân dân phục vụ" hay sao?

- Mày mà là nhân dân à, tao mà là nhân dân à? Chúng ta chỉ là loại dân cỏ rác. Mà dân cỏ rác thì... chưa được xem là người. Chưa được xem là người thì xứng đáng được gọi là nhân dân sao? - ông Đỗ thở dài đánh sượt, nói tiếp - Chúng ta thì không kể, nhưng chỉ khổ cho Song Tích. Song Tích ơi là Song Tích! Năm ngoái thì mày hưởng phúc được rong chơi và nhảy lên lưng trâu cái tùy thích, năm nay mày phải trả nợ thôi. Cũng giống như Lỗ Tây lớn, Lỗ Tây nhỏ, năm ngoái chỉ gây ra tội nhẹ nên năm nay chỉ trả nợ một cách nhẹ nhàng. Ông trời rất công bằng, không ai chỉ có thể giành phúc mà tránh được họa đâu!

Trong bóng đêm, chúng tôi cùng đưa mắt nhìn Song Tích, không thấy được những biểu hiện trên mặt nó, chỉ nghe được tiếng thở rất nặng nhọc và đứt quãng của nó.

Ông Đỗ bật lửa, đi vòng quanh Song Tích một vòng, dừng lại khá lâu sau mông nó và quan sát thật kỹ vết thương. Chiếc bật lửa làm nóng tay, ông ta kêu xuýt xoa rồi tắt. Trước mắt tôi, bóng đêm ập xuống, đặc quánh như sơn, hình như những vì sao trên trời cao kia đang trở nên rực rỡ hơn. Ông Đỗ nói :

- Tao thấy chỗ sưng của nó đã giảm đi rất nhiều, nếu nó muốn nằm cứ để cho nó nằm xuống thôi.

- Quá đúng, ông à, chuyện tốt hay xấu, sống hay chết không phải là ở chỗ nằm xuống hay đứng lên - Tôi tán thành - Lỗ Tây lớn và Lỗ Tây nhỏ không phải cũng đã nằm một đêm như Song Tích nhưng bây giờ thì đã khỏe mạnh rồi đấy thôi!

- Mày nói cũng có lý ít nhiều đấy, cứ để nó nằm xuống, ông cháu ta cũng chợp mắt một tí thôi!

Câu nói của ông Đỗ thưa dứt, con Song Tích đã như một bức tường đổ ụp xuống, nằm bẹp dưới đất không hề nhúc nhích.

Bạn đang đọc Trâu thiến của Mạc Ngôn
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 20

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.