Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 17

Phiên bản Dịch · 9706 chữ

Ucsula phải cố gắng lắm để thực hiện lời thề nguyện là sẽ chết khi nào trời tạnh ráo. Những tia chớp minh mẫn vốn rất hiếm thấy ở cụ trong những ngày mưa lụt, bắt đầu từ tháng tám lại thường xuyên xuất hiện, đó là khi những cơn gió khô thổi tới làm những khóm hoa hồng nghẹt thở và bùn lầy đông cứng lại, gió tung bụi nóng trên vùng Macônđô, báo phủ mãi những mái tôn hoen gỉ và những cây hạnh đào trăm tuổi. Ucsula khóe vì buồn tủi khi biết rằng đã hơn ba năm qua mình chỉ là trò đùa của lũ trẻ nhỏ. Cụ rửa bộ mặt bôi bác nhoè nhoẹt, vứt bỏ những sợi dây sặc sỡ, những xác thằn lằn và cóc nhái ướp khô cùng những chiếc dây chuyền A-rập giả và cổ xưa mà người ta đã đeo quấn trên mình cụ; và lần đầu tiên từ khi Amaranta chết, cụ ra khỏi chiếc giường mà không cần người giúp đỡ, để lại một lần nữa hoà nhập với cuộc sống gia đình. Ý chí của trái tim bất khuất đã dẫn dắt Ucsula trong cảnh mịt mù. Những ai đã từng dừng lại nhường cho cụ chệnh choạng bước đi và chạm phải cánh tay như tay thánh của cụ thường giơ cao ngang tầm đầu, đều nghĩ rằng cụ khó mà gượng nổi tấm thân nặng nhọc, nhưng vẫn chưa tin. rằng cụ đã bị mù. Chẳng cần nhìn, Ucsula cũng biết những bồn hoa được trồng rất cẩn thận từ lần đầu tiên xây dựng lại ngôi nhà đã bị mưa và các cuộc đào bới tìm vàng của Aurêlianô Sêgunđô huỷ hoại hết, các bức tường và sàn xi măng đã rạn nứt, đồ dùng trong nhà đã bạc màu và rêu rã, các cửa đã lung lay và cả gia đình bị đe doạ bởi một tinh thần yếu đuối mang tính khuất phức và nỗi buồn chán không thể nào có trong những ngày cụ còn chắc chân mạnh tay: Dò dẫm trong những phòng ngủ trống trơn, Ucsula nhận ra tiếng mọt kèn kẹt nghiến gỗ liên tục, tiếng mối rào rào xông hòm quần áo và tiếng ầm ầm khủng khiếp của những con kiến đỏ to sụ, từng sinh sôi nảy nở rất nhanh trong nạn hồng thuỷ, đang đào bới nền móng của ngôi nhà. Một hôm Ucsula mở chiếc hòm đựng đồ lễ thánh và cụ đã phải nhờ Santa Sôphia đê la Piêđat đuổi những con gián vừa từ trong hòm nhảy tung lên khắp người, những con gián ấy đã cắn nát vụn quần áo trong hòm. "Không thể sống trong tình trạng để hoang toàng như thế này được", Ucsula nòi: "Cứ đà này thì chúng ta đến bị những con vật kia nhai sống nuốt tươi mất thôi". Từ dạo ấy Ucsula chẳng có phút nào được nghỉ ngơi yên tĩnh. Cụ dậy từ sớm tinh mơ, đòi một người nào đó giúp đỡ, kể cả trẻ nhỏ. Cụ đem so xống áo còn rất ít ỏi nhưng có thể dùng được ra phơi nắng, dùng thuốc trừ sâu để xua đuổi lũ gián, miết chặt những lô mọt ở cửa ra vào và cửa sổ, dùng vôi sống làm nghẹt thở lũ kiến ở trong hang. Cái bệnh muốn sửa sang nhà cửa khiến Ucsula tìm đến những căn phòng nơi cụ Hôsê Accađiô Buênđya đã vắt óc để chế tạo đá giả kim, sắp xếp lại xưởng kim hoàn đã bị bọn lính xáo trộn lung tung và sau cùng cụ đòi lấy chìa khoá phòng của Menkyađêt để vào xem tình hình ở đó ra sao. Trung thành với ý muốn của Hôsê Accađiô Sêgunđô là không để ai vào phòng một khi chưa có dấu hiệu là mình đã chết, Santa Sôphia đê la Piêđat đã dùng mọi mưu mẹo để đánh lừa Ucsula. Nhưng quyết định của Ucsula không buông tha lũ sâu mọt ngay cả ở những xó kín và những phần vô dụng của ngôi nhà là quyết định không thể thay đổi, nó chiến thắng mọi sự ngăn trở. Và, sau ba ngày kiên quyết đòi hỏi, Ucsula đã buộc mọi người phải mở cửa phòng cho mình. Ucsula phải vịn vào khung cửa để khỏi bị ngã vì mùi tanh hôi, nhưng chưa đầy hai giây sau cụ đã lại nhớ rằng ở đó người ta còn giữ bảy mươi hai cái bô của các nữ sinh, và nhớ rằng vào một trong những đêm mưa đầu tiên một toán lính tuần đã sục sạo ngôi nhà tìm kiếm Hôsê Accađiô Sêgunđô mà chẳng thấy đâu.

- Cầu chúa phù hộ! - Ucsula nói oang oang như thể cụ nhìn thấy tất cả ấy. - Anh cứ khư khư giữ những thói quen tốt đẹp của mình để đến nỗi sống chẳng khác gì một con lợn.

Hôsê Accađiô Sêgunđô tiếp tục xem lại những thứ được ghi chép trên các tấm da thuộc. Chỉ có thể nhìn thấy ở cái đám râu tóc bù xù kia của ông những chiếc răng đầy những vết mốc rêu xanh và đôi mắt đờ đẫn. Nhận ra tiếng cụ cố nội của mình, Hôsê Accađiô Sêgunđô quay đầu về phía cửa sổ, cố mỉm cười và vô tình nhắc lại câu nói xa xưa của Ucsula:

- Cần quái gì kia chứ, - Hôsê Accađiô Sêgunđô lẩm bẩm, - thời gian qua đi mà!

- Ðúng thế đấy, - Ucsula nói, - nhưng không đến mức như vậy đâu?

Khi nói thế, Ucsula nhận ra rằng mình đang nhắc lại lời đối đáp của đại tá Aurêlianô Buênđya trong xà lim tử tù, và một lần nữa cụ run lên bởi điều mình cảm nhận dược là thời gian không qua đi mà nó quay vòng. Nhưng ngay lúc đó cụ cũng không chịu nhân nhượng. Ucsula gắt gỏng với Hôsê Accađiô Sêgunđô như với một đứa trẻ và khăng khăng bắt ông phải tắm gội, cạo mặt và góp sức mình vào việc sửa sang nhà cửa. Hôsê Accađiô Sêgunđô bị giày vò. Cái ý nghĩ giản đơn về việc phải rời bỏ căn phòng từng đem lại cho mình sự yên tĩnh làm cho Hôsê Accađiô Sêgunđô sợ hãi. Ông gào lên rằng chẳng ai có thể làm cho ông ra khỏi căn phòng này, vì ông không muốn nhìn thấy đoàn xe lửa hai trăm toa chở người chết mà cứ chiều đến lại chạy từ Macônđô về phía biển. "Ðó là tất cả những người ở ngoài nhà ga", Hôsê Accađiô Sêgunđô gào lên như vậy, "ba ngàn bốn trăm lẻ tám người". Ðến lúc ấy Ucsula mới biết rằng Hôsê Accađiô Sêgunđô ở trong một thế giới mờ mịt sương mù còn khó hiểu hơn cả thế giới của cụ, nó đơn độc và khó phá vỡ như cái thế giới của Hôsê Accađiô Buênđya, cụ cố nội ông.

Ucsula để Hôsê Accađiô Sêgunđô ở lại căn phòng đó, nhưng không cho những người khác chốt cửa lại như trước, bắt phải dọn dẹp hàng ngày, vứt những chiếc bô kia vào đống rác, chỉ để lại một chiếc mà thôi, và phải giữ cho Hôsê Accađiô Sêgunđô luôn luôn sạch sẽ, đàng hoàng như cụ cố nội trong lúc bị trói dưới gốc cây dẻ. Thoạt tiên, Phecnanđa coi trạng thái hưng phấn đó là sự lẩm cẩm do tuổi già đưa lại, và vất vả lắm bà mới kiềm chế nổi sự cáu bẳn. Nhưng giữa lúc ấy, từ Rôm, Hôsê Accađiô báo cho bà biết là anh ta dự định về Macônđô trước khi phát lời thề nguyện tu hành trọn kiếp, và tin vui đó đã khiến Phecnanđa phấn chấn quá nhiều đến mức hàng ngày, từ tối đến sáng bà tưới hoa bốn lần để con trai mình không có ấn tượng xấu về ngôi nhà. Chính sự kích thích đó đã khiến Phecnanđa vội vàng viết thư liên hệ với các thầy thuốc không thể nhìn thấy, bày lại các chậu cảnh trồng cây dương xỉ, cây kinh giới dại và cây thu hải đường ở ngoài hành lang, trước khi Ucsula biết rằng tất cả những thứ đó đã bị Aurêlianô Sêgunđô đập phá tan tành trong một cơn giận dữ khủng khiếp. Sau đó Phecnanđa bán những bộ đồ ăn bằng bạc rồi mua cốc chén bằng hợp kim; thế là với những đồ dùng này bà đã khiến cho những chiếc tủ vốn đựng đồ sứ của Công ty Ấn Ðộ và đồ thuỷ tinh Bôhêmia mỗi ngày một trở nên nghèo nàn. Ucsula luôn luôn cố đi thật xa. "Hãy mở tất cả các cửa ra!", cụ gào lên như vậy. "Hãy làm các món ăn bằng thịt và cá, hãy mua những con rùa to nhất; hỡi các vị khách lạ, hãy tới đây bày biện hành lí của mình ở các xó xỉnh, và cứ việc đái vào những bồn hồng, hãy ngồi vào bàn ăn và ăn bao nhiêu bữa tuỳ ý, xin cứ nôn mửa và nói năng không ngớt lời, cứ việc đi ủng làm bẩn tất cả, muốn làm gì chúng ta thì cứ làm, bởi vì đó là cách duy nhất để tránh khỏi sự khánh kiệt". Nhưng đấy chỉ là một ảo tưởng. Cụ đã quá già rồi, và đã sống một cách quá thừa để nhắc lại những chuyện thần kì về những chiếc kẹo nặn hình con giống, và chẳng có người nào trong đám con cháu kế thừa được nghị lực của cụ. Ngôi nhà tiếp tục đóng kín cửa theo lệnh của Phecnanđa.

Sau khi chuyển các hòm xiểng của mình tới nhà Pêtra Côtêt, Aurêlianô Sêgunđô tìm ngay cách cứu gia đình khỏi chết đói. Với kết quả của việc mang con la ra để đánh bạc, họ đã mua được một số con vật khác và từ đó họ lập được một sòng xổ số đơn giản. Aurêlianô Sêgunđô đi hết nhà này đến nhà khác để bán những chiếc vé xổ số do chính tay mình vẽ bằng cái loại mực màu để có sức hấp dẫn và thuyết phục, và không hay biết rằng rất nhiều người mua những chiếc vé đó là để cho không mà thôi, và phần lớn mua là vì thương hại. Nhưng cũng có những người mua vé để hòng được cơ may: chỉ mất có hai mươi xu mà được một con lợn hoặc ba mươi hai xu mà được một con bê, những người này phấn chấn với niềm hi vọng, và vào đêm hôm thứ ba họ xúm đông xúm đỏ trong sân nhà Pêtra Côtêt chờ đợi cái giây phút một đứa trẻ nào đó được chỉ định một cách ngẫu nhiên, rút từ trong túi ra con số trúng thưởng. Chẳng bao lâu sau, trò xổ số đó trở thành một chợ phiên hàng tuần, vì ngay từ buổi chiều những chỗ ăn nhậu đã được tổ chức trong sân và nhiều người trong số những người may mắn trúng giải lại mất những con vật được thưởng đó để được nghe nhạc và uống rượu, vì thế, mặc dù bản thân chẳng muốn, Aurêlianô Sêgunđô lại một lần nữa chơi phong cầm và tham gia những cuộc chè chén nho nhỏ. Những bữa ăn nhậu xoàng xĩnh này so với những ngày hội hè trước đây khiến cho Aurêlianô Sêgunđô nhận ra rằng tinh thần của mình đã suy sụp khá nhiều và cái tài nhảy nhót hát hò xuất chúng của mình cũng đã giảm sút biết bao. Ông là người đã thay đổi hoàn toàn. Cái hồi mà Aurêlianô Sêgunđô bị "Voi cái" đánh bại, ông nặng đến một trăm hai chục ki lô, bây giờ chỉ còn bảy mươi tám kí thôi; khuôn mặt ông trước đây đầy đặn như mu rùa bây giờ trông hốc hác như mặt kì nhông, và ông luôn luôn có vẻ chán chường mệt mỏi. Nhưng Pêtra Côtêt lại thấy chưa bao giờ Aurêlianô Sêgunđô khá được như lúc này, có thể là bà lẫn lộn giữa tình yêu và lòng thương đối với ông, và cảnh khốn khó đã làm nảy sinh tình cảm gắn bó giữa hai người. Lúc này chiếc giường mất rèm che không còn là nơi diễn ra các cuộc truy hoan nữa, mà là nơi họ bàn bạc, tâm sự. Chẳng còn những tấm gương phản chiếu vì chúng đã bị bán đi để lấy tiền mua các con vật treo giải xổ số, và cũng hết những thứ lụa là khơi gợi sắc dục vì đã bị con la ăn hết, họ thức rất khuya với sự trong sáng của hai ông bà già mất ngủ để tính toán tiền nong, khoảng thời gian ấy trước đây thường bị họ phung phí vào việc tiêu hao sức lực. Ðôi khi, tiếng gà gáy canh một làm họ giật mình giữa lúc đang bỏ vào bớt ra những chồng tiền nho nhỏ, họ lấy ở chỗ này ra một ít rồi đập vào chỗ kia một ít sao cho khoản này đủ làm vui lòng Phecnanđa, khoản kia để mua giày cho Amranta Ucsula, khoản khác dành cho Santa Sôphia đê la Piêđat vì từ ngày bị phá sản đến nay bà chưa hề có một bộ quần áo mới, khoản nữa để đóng quan tài cho Ucsula khi cụ chết, khoản này để mua cà phê với giá mỗi libra(2) cứ ba tháng lại tăng một xu, khoản kia để mua thứ đường mỗi ngày một kém ngọt, khoản khác để mua củi vẫn còn đẫm nước lụt, khoản nọ để mua giấy mực làm vé xổ số, khoản nữa thừa đủ để bù lỗ về cái chết của con bò hồi tháng tư bởi vì nó mắc dịch khi tất cả các vé xổ số đã được bán hết, mà thật may mắn làm sao là họ vẫn còn gỡ lại được bộ da. Những buổi "tụng niệm" ấy thật trong sạch, ở đó luôn luôn dành cho Phecnanđa phần ưu tiên số một, và họ làm như vậy không phải vì sự ăn năn hối hận hay vì lòng bác ái, mà vì tài sản của Phecnanđa đối với họ còn quan trọng hơn tài sản của chính họ nữa kia. Ðiều có thật xảy ra với hai người mặc dù chẳng ai trong số họ hay biết là cả hai đều nghĩ về Phecnanđa như nghĩ về đứa con gái mà họ hằng ao ước mà không có được, đến nỗi một lần họ đã đành chịu ăn bánh ngô ba ngày liền để có tiền cho Phecnanđa mua một chiếc khăn phủ bàn của Hà Lan. Nhưng, mặc dù họ làm việc cật lực, xoay xở lừa lọc được nhiều tiền và có lắm mưu mô, các vị thần hộ mệnh đã ngủ thiếp đi vì mệt mỏi, trong khi đó họ đang thêm vào bớt ra các khoản tiền ấy, cố gắng tính sao để chí ít cũng có đủ tiền mà sống.

Trong lúc mất ngủ vì những tính toán khổ sở, họ tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra trên thế gian khiến cho các loài gia súc không mắn đẻ như trước đây, tại sao đồng tiền trong tay cứ mất dần đi, tại sao cách đây không lâu người ta đốt hàng nắm tiền trong cuộc khiêu vũ dân gian còn bây giờ thì lại coi việc mua mười hai xu một chiếc vé xổ số hòng được thưởng sáu con gà mái là một sự bạt mạng. Aurêlianô Sêgunđô thầm nghĩ rằng nỗi bất hạnh chẳng phải ở nơi nào khác trên thế gian này mà ở một nơi sâu kín trong trái tim bí ẩn của Pêtra Côtêt, nơi đã xảy ra chuyện gì đó trong những ngày mưa lụt khiến cho gia súc không sinh đẻ được và tiền cứ cạn dần đi. Băn khoăn về điều bí hiểm này, Aurêlianô Sêgunđô thâm nhập quá sâu vào tình cảm của Pêtra Côtêt đến mức độ vì đi tìm lợi lộc mà lại gặp tình yêu, vì trong khi cố gắng làm cho Pêtra Côtêt yêu mình thì chính Aurêlianô Sêgunđô lại yêu người đàn bà đó. Về phía Pêtra Côtêt, bà ta yêu Aurêlianô Sêgunđô vì càng ngày càng thấy ông ta âu yếm mình hơn, và thế là giữa mùa thu của cuộc đời, Pêtra Côtêt lại tin vào điều mê tín của thời trẻ cho rằng sự nghèo khó chính là kẻ hỗ trợ cho tình yêu. Lúc ấy họ coi những cuộc hội hè thác loạn, coi sự giàu có xa hoa phù phiếm và sự dầm bôn vô độ là một chướng ngại của cuộc đời, và họ tiếc rằng đã bỏ phí mất bao nhiêu phần đời rồi mới tìm thấy thiên đường của nỗi cô đơn được chia sẻ. Họ yêu nhau như điên như dại sau bao nhiêu năm chung đụng mà không sinh đẻ, họ hưởng thụ tình yêu một cách lạ kì: yêu nhau trong khi ăn cũng như trong khi ngủ, và họ thật hạnh phúc, cho đến khi già nua kiệt sức họ vẫn đùa giỡn như bầy thỏ và trêu chọc nhau như lũ chó. Các cuộc xổ số không bao giờ làm cho họ khá hơn. Thoạt đầu, Aurêlianô Sêgunđô để ra ba ngày trong tuần giam mình trong căn phòng trước đây là nơi làm việc của người chăn nuôi gia súc để vẽ hết tờ phiếu này đến tờ phiếu khác, tô cẩn thận một con bò màu đỏ, một con lợn màu xanh lá cây hoặc một đàn gà màu xanh nước biển, đó là những con vật được treo làm giải thưởng, và bắt chước rất khéo những con chữ của nhà in để làm khuôn in tên vé xổ số, cái tên mà Pêtra Côtêt rất thích "Xổ số của đấng Toàn năng thiêng liêng"... Nhưng rồi Aurêlianô Sêgunđô cảm thấy quá mệt mỏi sau khi đã vẽ hai ngàn vé số trong một tuần lễ nên đã làm khuôn bằng cao su để in hình các con vật, tên vé xổ số và các con số, và từ ấy chỉ còn phải làm mỗi một việc nhuộm màu nữa thôi. Trong những năm cuối, họ nghĩ ra cách thay thế các con số bằng những câu đố và như vậy là giải thưởng được đem chia cho tất cả những người đoán đúng, nhưng cách làm đó rất phức tạp và gây nhiều ngờ vực nên sau đó bị họ bỏ đi.

Aurêlianô Sêgunđô mải lo củng cố tín nhiệm cho xổ số của mình, nên không còn thời gian để quan tâm đến lũ trẻ. Phecnanđa đưa Amaranta Ucsula đến một trường tư nhỏ, nơi người ta không nhận quá sáu học trò, nhưng lại không cho Aurêlianô đi học trường công. Phecnanđa cho rằng để Aurêlianô ra khỏi phòng đã là nhân nhượng lắm rồi. Hơn nữa, thời ấy các trường học chỉ nhận những em bé là con hợp pháp của các cặp vợ chồng theo đạo Cơ đốc, mà trên tờ giấy khai sinh được buộc ở áo của Aurêlianô khi người tá mang chú về nhà có xác nhận rõ rằng chú là đứa trẻ vô thừa nhận. Vậy là chú bé chỉ sống quẩn quanh ở trong phòng. Do sự chăm sóc nhân hậu của Santa Sôphia đê la Piêđat và do sự mất thăng bằng về thần kinh của Ucsula, Aurêlianô nhận thức thế giới nhỏ hẹp của ngôi nhà này theo sự giảng giải của những cụ cố này. Aurêlianô là một chú bé mảnh mai, kiêu kì, tò mò, một thứ tò mò dễ làm người lớn nổi giận nhưng ánh mắt chú long lanh mà lại lơ đễnh chứ không như ánh mắt dữ dằn và nhiều khi rực sáng của đại tá khi ngài ở độ tuổi chú. Trong khi Amaranta ở nhà trẻ thì Aurêlianô tìm bắt giun và hành hạ lũ sâu bọ ngoài vườn. Nhưng có một lần Phecnanđa bắt gặp chú đang nhét bò cạp vào hộp để bỏ vào chiếu của Ucsula, bà liền bắt chú về phòng ngủ cũ của Mêmê. Ở đó, để rút ngắn những giờ phút đơn độc, chú xem đi xem lại các tờ tranh ảnh minh hoạ trong cuốn bách khoa toàn thư. Một buổi chiều, khi Ucsula cầm bó cây tầm ma rảy nước mát cho căn nhà thì gặp Aurêlianô ở đấy, và mặc dù đã ở bên cạnh chú nhiều lần, cụ vẫn hỏi chú là ai.

- Cháu là Aurêlianô Buênđya, - chú nói.

- Ờ phải rồi, - cụ nói, - đã đến lúc cháu bắt đầu học nghề kim hoàn rồi đấy.

Ucsula lại lẫn chú với con trai mình bởi vì những cơn gió nóng tiếp theo những ngày mưa lụt từng đem lại cho cụ những tia chớp minh mẫn bất ngờ, nay đã thôi không thổi nữa. Lí tính của cụ không hồi phục được. Khi vào phòng ngủ, Ucsula gặp Pêtrônila Igoaran mặc chiếc váy xòe vướng víu và đeo chiếc túi nhỏ đang chờ khách đến chơi theo lời hẹn, gặp bà của mình là Trankilina Maria Miniata Alacôkê Buênđya đang ngồi trên chiếc ghế dành cho người bại liệt và quạt bằng một chiếc lông công, gặp cụ ông của mình là Aurêlianô Accađiô Buênđya với chiếc áo khoác bắt chước theo kiểu áo của những người lính gác của Phó vương, gặp cha mình là Aurêlianô Igoaran, người đã nghĩ ra câu niệm chú khiến cho các loại sâu bọ hại bò bị chết thiêu, gặp bà mẹ nhút nhát của mình, gặp người anh họ có đuôi lợn, gặp Hôsê Accađiô Buênđya với những người con đã chết của ông, tất cả đều ngồi trên những chiếc ghế đặt dựa vào tường, cứ như họ đang ở trong một đám viếng người chết chứ không phải trong một cuộc gặp gỡ thăm hỏi. Ucsula vừa khâu vội khâu vàng chiếc áo màu sặc sỡ vừa bàn luận về các sự kiện xảy ra ở những nơi khác nhau và ở những thời điểm khác nhau; vậy là khi Amaranta Ucsula từ trường về và Aurêlianô đã mệt mỏi với bộ bách khoa toàn thư, thì họ thấy cụ đang ngồi nói chuyện một mình trên giường và chìm đắm trong một trận đồ bát quái của những người đã chết. "Cháy!", có một lần Ucsula hét lên khủng khiếp khiến cả nhà được một phen hoảng hồn, nhưng đó là cụ đang nói về đám cháy ở một trại ngựa bốn mươi năm về trước. Cứ như vậy, Ucsula lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, cho đến trước lúc chết tuy hai hoặc ba lần những tia chớp minh mẫn xuất hiện ở cụ, nhưng những lúc đó cũng chẳng ai biết chắc chắn rằng cụ nói về điều mình đang cảm nhận hay là nói về điều mình đang nhớ lại. Mỗi ngày Ucsula một choắt lại, một gày nhom, một khô đét thêm đến mức vài tháng trước khi chết cụ chỉ như một trái mận lọt thỏm trong chiếc áo rộng, và cánh tay trước kia thường giơ cao lúc đó chỉ giống như tay khỉ.

Ucsula không động đậy trong vài ngày. Santa Sôphia đê la Piêđat phải đến tận nơi để xem cụ còn sống hay không và đặt cụ lên đùi để cho uống vài thìa nhỏ nước đường. Lúc ấy Ucsula giống như một bà lão vừa mới chào đời. Amaranta Ucsula và Aurêlianô ẵm cụ từ chỗ này đến chỗ khác trưởng phòng ngủ và đặt cụ lên bàn thờ để xem cụ có lớn hơn Chúa hài đồng hay không, và một buổi chiều chúng đem giấu cụ vào trong một chiếc hòm đựng thóc, nơi lũ chuột có thể ăn thịt cụ. Một ngày chủ nhật, trong khi Phecnanđa đang cầu kinh, Amranta Ucsula và Aurêlianô vào phòng ngủ, túm lấy gáy và cổ chân Ucsula, khiêng cụ đi.

- Cụ cố thật tội nghiệp, - Amaranta Ucsula nói, - cụ đã chết vì tuổi già!

Ucsula giãy lên:

- Ta còn sống đây!

- Thấy chưa, - Amaranta Ucsula nín cười và nói, - ngay cả hơi thở cung chẳng còn.

- Ta đang nói đây! - Ucsula gào lên.

- Nói đâu mà nói, - Aurêlianô bảo - Cụ cố chết như một con dế nhỏ ấy.

Lúc đó Ucsula đành chịu. "Trời ơi!", Ucsula thầm kêu: "Vậy ra đây là cái chết". Ucsula bắt đầu đọc lời cầu nguyện không dứt, vội vã và sâu sắc, lời nguyện cầu kéo dài tới hơn hai ngày, và hôm thứ ba thì biến thành sít pha tạp giữa lời cầu Chúa với những lời chỉ bảo thiết thực để cho những con kiến đỏ không làm đổ ngôi nhà, để ngọn đèn ở trước tấm ảnh của Rêmêđiôt không bao giờ tắt, để mọi người hãy giữ gìn không để bất kì người nào trong dòng họ Buênđya lấy người cùng chung huyết thống, bởi vì những cuộc hôn nhân như vậy sẽ cho ra đời những đứa con có đuôi lợn. Aurêlianô Sêgunđô cố lợi dụng tình trạng mê sảng của Ucsula để cụ nói cho biết nơi chôn cất vàng, nhưng lại một lần nữa những lời van nài ấy không có kết quả. "Khi nào chủ của số vàng ấy xuất hiện, - Ucsula nói, - thì trời sẽ chiếu sáng để người ấy nhìn thấy". Santa Sôphia đê la Piêđat thì tin chắc rằng chỉ một sớm một chiều là Ucsula sẽ chết thôi, vì trong những ngày đó bà đã nhìn thấy điềm gở của trời đất: những bông hồng lại có mùi hương của loài rau muối, một quả bí đựng hạt đậu xanh rơi xuống đầu bà và những hạt dậu ở trên nền nhà nằm theo một trật tự hình học hoàn chỉnh và có hình con sao biển, rồi một đêm bà thấy có một hàng đĩa màu da cam rực sáng bay ngang trời.

Ucsula chết vào sáng sớm ngày thứ năm lễ thánh. Lần cuối cùng mà người ta giúp cụ tính tuổi thọ, dựa vào những năm tháng của Công ty chuối, đã ước tính rằng cụ đã sống khoảng từ một trăm mười lăm đến một trăm hai mươi hai năm. Người ta đặt Ucsula trong một chiếc hộp nhỏ để đưa đi chôn cất, cái hộp ấy có lẽ không lớn hơn cái làn mà người ta đã xách Aurêlianô về nhà thuở chú mới sinh; và có rất ít người đưa đám Ucsula, một phần vì chẳng mấy ai nhớ đến cụ, phần nữa vì trưa hôm ấy trời nóng quá, nóng đến mức những con chim lạc đường bay bổ nhào cả vào tường, làm rách các tấm lưới kim loại ở cửa sổ, chui tọt vào phòng ngủ và chết trong đó.

Thoạt tiên, người ta tin rằng đó là một nạn dịch hạch. Những bà nội trợ mệt nhoài vì phải quét dọn xác chim, nhất là vào lúc giữa trưa, còn đàn ông thì đem hàng xe bò những xác chim ấy quẳng xuống sông. Trong ngày chủ nhật lễ phục sinh, từ trên bục lễ vị cha cố trăm tuổi Antôniô Isaben quả quyết rằng những con chim kia chết do ảnh hưởng xấu xa của quỷ dữ Giuđiô Erantê(2) mà chính cha đã nhìn thấy đêm hôm trước. Vị cha cố ấy miêu tả nó như là đứa con lai giữa một con dê đực với một người đàn bà phản đạo, đó là một con quỷ sứ mà hơi thở của nó thiêu đốt không khí, nó đi đến nơi nào thì những cô gái mới lấy chồng ở nơi ấy sẽ mất khả năng thai nghén. Chẳng mấy ai chú ý đến bài thuyết giảng về ngày khải huyền của cha, vì dân làng tin rằng tuổi tác già nua đã khiến cha nói năng nhảm nhí. Nhưng sáng sớm hôm thứ tư một phụ nữ đã đánh thức mọi người dậy, vì bà ta đã thấy những dấu vết của một con vật hai chân có móng guốc. Những dấu vết quá ư rõ ràng và không thể nhầm lẫn được, đến mức những người tới xem chúng không nghi ngờ gì về sự tồn tại của một con vật đáng sợ giống hệt như vị cha cố miêu tả, và họ cùng nhau đặt bẫy trong các sân vườn nhà mình. Thế rồi họ bắt được nó. Hai tuần lễ sau khi Ucsula chết, Pêtra Côtêt và Aurêlianô Sêgunđô giật mình tỉnh thức khi nghe thấy tiếng gào khóc của một con bê từ gần đó vẳng lại.

Khi họ dậy thì dã thấy một đám người đang gỡ con quái vật khỏi những chiếc chông nhọn cắm dưới đáy một cái hố được phủ lá khô ở trên. Con vật không còn kêu được nữa rồi. Tuy nó không cao hơn một đứa trẻ, nhưng nặng như một con bò, và từ các vết thương, một chất máu nhờn màu xanh chảy ra. Trên mình con vật ấy phủ kín một lớp lông thô cứng mà rậm rạp, da nó đã hỏa đá bởi một lớp vảy cá ép; nhưng khác với sự miêu tả của cha cố, các bộ phận của cơ thể con vật ấy giống các bộ phận cơ thể của một vị thần gầy yếu hơn là của con người, vì đôi tay nó nhẵn nhụi và khéo léo, đôi mắt mở to và mờ ảo, và trên bả vai có những vết chai sẹo là dấu vết của một đôi cánh to khỏe đã bị rìu chặt đi. Người ta cột chân nó vào một cây hạnh đào ở bãi đất rộng để mọi người đều được nhìn thấy, và đến khi nó bắt đầu thối rữa thì họ đem thiêu trên giàn lửa bởi lẽ không thể xác định được bản chất của nó thuộc loài vật hay thuộc một con chiên của đạo Cơ đốc, để có cách xử lí thích hợp: quẳng xác nó xuống sông hay là đem mai táng. Chẳng bao giờ biết chắc rằng có phải đúng nó đã làm những con chim kia chết hay không, nhưng số người đàn bà vừa mới lấy chồng đã không có thai và cái nóng cũng chẳng giảm đi.

Cuối năm đó Rêbêca chết. Arhêniđa, người suốt đời ở cho Rêbêca, nhờ nhà đương cục giúp đỡ để phá cửa phòng ngủ, nơi thấy Rêbêca nằm trên một chiếc giường đơn độc, mình co quắp trong miệng. Aurêlianô Sêgunđô mai táng cho Rêbêca và cố gắng tu sửa nhà cửa để bán đi, nhưng ngôi nhà đã bị hư hại quá nặng đến mức các bức tường đã hỉ lở vỡ ngay sau khi sởn những cây vạn niên thanh làm hỏng các cột trụ.

Tất cả sự phá sản đã diễn ra như vậy từ khi mưa lại. Sự lười biếng của mọi người được chứng nghiệm bằng sự lãng quên gậm nhấm dần những kỉ niệm một cách không thương tiếc, đến mức độ cao nhất là trong thời gian ấy, vào dịp kỉ niệm ngày kí hiệp định Neclanđia, mấy vị đại diện của Tổng thống nước cộng hoà đến Macônđô để trao tặng tấm huân chương từng nhiều lần bị đại tá Aurêlianô Buênđya khước từ đã phải mất trọn một buổi chiều kiếm người chỉ cho biết nơi có thể tìm thấy một người nào đó thuộc dòng dõi của đại tá. Aurêlianô Sêgunđô háo hức nhận tấm huân chương đó vì tin rằng nó bằng vàng, nhưng trong khi các vị đại diện của Tổng thống chuẩn bị dàn nhạc và diễn văn cho buổi lễ, Pêtra Côtêt đã thuyết phục ông rằng làm như vậy là nhục nhã. Cũng vào thời gian ấy, những người digan trở lại, đó là những người cuối cùng kế thừa được khoa học của Menkyađêt, họ thấy thôn xóm quá xơ xác và dân làng quá biệt lập với thế giới bên ngoài, đến mức họ lại vào từng nhà và kéo theo những thỏi sắt đã nhiễm từ, cứ như thể những thỏi sắt ấy thật sự là phát hiện mới nhất của các nhà thông thái xứ Babilon, họ lại dùng thấu kính hội tụ khổng lồ để tập trung ánh sáng mặt trời; và chẳng phải là không có người há hốc mồm nhìn những chiếc xoong bị đổ và những chiếc chảo lăn lông lốc, cũng chẳng thiếu gì kẻ bỏ ra năm mươi xu để kinh ngạc trước việc một cô gái digan tháo hàm răng giả ra rồi lại lắp vào. Một đoàn xe lửa xộc xệch màu vàng chẳng chở ai đến cũng chẳng chở ai đi và hầu như không dừng lại ở một nhà ga vắng vẻ, đó là hình ảnh duy nhất còn lại của một đoàn tàu đông người - ở đó, ngài Brao giữ một toa có mái che bằng kính và những chiếc ghế bành như ghế của Giáo chủ - và của những đoàn tàu chở hoa quả gồm một trăm hai chục toa mà chiều nào cũng chậm chạp chạy qua đây hết đúng một buổi chiều. Các vị đại diện của toà án đi xác minh tin tức về cái chết lạ lùng của những con chim và cái chết của con quỷ Giuđiô Erantê đã gặp cha cố Antôniô Isaben đang chơi trò bịt mắt bắt dê với lũ trẻ nhỏ, họ cho rằng thông báo của cha là sản phẩm của sự lẩm cẩm của tuổi già, nên đã đưa cha về một trại an dưỡng. Sau đó không lâu người ta phái cha Augustô Anhên về. Ðó là một người lính thập tự chinh mới được đào luyện, một người kiên quyết, dũng cảm và liều lĩnh, muỗi ngày tự tay kéo chuông vài lần để tinh thần khỏi trì trệ, đi từ nhà này qua nhà khác để đánh thức những kẻ ngủ quá nhiều dậy đi lễ; nhưng chưa được một năm thì cha cũng bị gục vì đã hít thở phải những uế tạp trong không khí, vì bụi nóng đã làm cha già xọm và đi đứng khó khăn, vì món thịt băm viên của những bữa cơm trưa trong cái nóng không thể chịu nổi đã làm cha mắc chứng ngủ gà ngủ gật.

Từ khi Ucsula chết, ngôi nhà lại rơi vào tình trạng bị bỏ hoang không gì có thể khắc phục được, kể cả một ý chí rất kiên trì và mạnh mẽ như của Amaranta Ucsula, người mà nhiều năm sau đó, vì là một phụ nữ cởi mở, vui tươi, và thời thượng, gắn bó với xã hội bên ngoài, đã mở rộng cửa để tránh sự suy sụp, sửa sang lại vườn hoa, diệt lũ kiến đỏ giữa ban ngày ban mặt dám bò ra tận hành lang, và cố gắng làm thức dậy tinh thần hồ hởi hiếu khách đã bị lãng quên. Nỗi đam mê mang màu sắc tu viện của Phecnanđa đã dựng cả một con đê vững chắc trước cuộc đời trăm năm sôi động ào ạt như thác nước của Ucsula. Phecnanđa chẳng những không mở cửa ra vào khi cơn gió nóng đã qua mà còn lấy then gỗ cài chặt cửa sổ lại, làm theo lời dặn của cha thánh thần, tức là bà đã tự chôn mình giữa cuộc đời. Việc thư từ liên lạc đầy tốn kém với các thầy thuốc không thể nhìn thấy đã thất bại. Sau rất nhiều lần trì hoãn, vào một ngày giờ thích hợp, Phecnanđa đã tự giam mình trong phòng ngủ, chỉ đắp một chiếc khăn trắng, quay đầu về hướng bắc, và lúc một giờ sáng bà cảm thấy người ta phủ lên mặt mình một chiếc khăn thấm nước lạnh. Khi Phecnanđa thức dậy mặt trời đã chiếu sáng cửa sổ, và trên mình bà có một đường khâu chạy suốt từ bẹn lên đến chỗ xương mỏ ác. Nhưng trước khi thực hiện sự yên nghỉ theo dự kiến, Phecnanđa đã nhận được một bức thư khó hiểu của các thầy thuốc không thể nhìn thấy, trong thư họ nói rằng đã khám nghiệm bà trong suốt sáu giờ đồng hồ nhưng chẳng thấy những triệu chứng mà nhiều lần bà đã miêu tả tỉ mỉ. Quả thật, thói quen không gọi sự vật bằng cái tên của nó của Phecnanđa là một thói quen có hại, nó chính là nguồn gốc của một sự lầm lẫn mới, bởi vì các nhà giải phẫu viên cảm chỉ thấy bà bị sa tử cung thôi và có thể chữa bằng một chiếc vòng treo. Phecnanđa muốn có một thông báo cụ thể, nhưng những người viết thư không quen biết kia không viết thêm cho bà nữa. Quá băn khoăn về một từ lạ, Phecnanđa đã vượt qua sự ngượng ngùng, đánh bạo hỏi xem vòng treo tử cung là cái gì, nhưng cho đến lúc ấy bà mới biết rằng ba tháng về trước ông thầy thuốc người Pháp đã treo cổ trên xà nhà và được một chiến hữu cũ của đại tá Aurêlianô Buênđya mai táng, trái với ý muốn của dân làng. Phecnanđa đành phải trông cậy anh con trai mình, Hôsê Accađiô, và anh ta đã gửi từ Rôm về cho bà những chiếc vòng kèm tờ chỉ dẫn mà bà đã giấu biệt sau khi học thuộc lòng để không ai biết thực trạng bệnh tật của mình. Cẩn thận như vậy là vô ích, bởi vì những người sống trong ngôi nhà này hình như chẳng hề quan tâm đến điều ấy. Santa Sôphia đê la Piêđat sống trong tuổi già cô quạnh, bà nấu nướng thức ăn cho cả nhà, và dường như dành tất cả sức lực cho việc chăm sóc Hôsê Accađiô Sêgunđô. Amaranta Ucsula, người thừa kế những vẻ quyến rũ của Rêmêđiôt - Người đẹp lo dành toàn bộ thời gian cho việc học hành mà trước đây cô thường lãng phí vào việc trêu chọc Ucsula, bắt đầu tỏ ra có ý thức tốt và cố gắng trong học tập, điều đó làm hồi sinh những hi vọng tốt đẹp mà Mêmê đã khơi gợi lên ở Aurêlianô Sêgunđô. Aurêlianô Sêgunđô đã hứa là sẽ gửi cô sang Bruxen để học tiếp, theo tập quán của thời kì Công ty chuối, và mộng ước đó đã khiến ông cố công phục hoá số ruộng đất từng bị mưa lụt tàn phá. Hồi ấy, rất ít khi người ta thấy Aurêlianô Sêgunđô ở nhà. Ông đi làm việc vì Amaranta Ucsula, vậy nên đối với Phecnanđa ông đã trở thành một người khác lạ. Còn Aurêlianô càng đến tuổi phát dục càng xa lánh mọi người và đăm chiêu suy tư hơn. Aurêlianô Sêgunđô tin rằng tuổi già sẽ làm mềm dịu trái tim của Phecnanđa, để Aurêlianô có thể hoà mình vào cuộc sống của một làng mà ở đó chắc chắn sẽ không có ai mất công tìm hiểu gốc gác của chú. Nhưng chính Aurêlianô lại thích sống tự giam mình trong nỗi cô đơn và chẳng tỏ ra có một chút thích thú nào với việc làm quen thế giới bên ngoài khung cửa. Khi Ucsula mở cửa phòng Menkyađêt, Aurêlianô cứ lượn lờ xung quanh, tò mò nhìn cánh cửa khép hờ, và chẳng ai biết rằng quan hệ thân mật qua lại giữa chú và Hôsê Accađiô Sêgunđô đã nảy sinh từ lúc nào. Mãi về sau, khi nghe Aurêlianô nói về vụ thảm sát ở nhà ga xe lửa, Aurêlianô Sêgunđô mới phát hiện ra quan hệ đó. Số là, một hôm trong bữa ăn, có người nào đó than vãn về sự suy sụp và chìm đắm của làng xóm khi bị Công ty chuối bỏ rơi, và Aurêlianô đã bác bỏ ý kiến đó với sự chín chắn và cách nói năng của người lớn. Theo quan điểm của chú đối lập với cách hiểu của mọi người nói chung, thì trước khi bị Công ty chuối làm cho điêu đứng, suy thoái và sau đó bị áp bức, Macônđô là một vùng giàu có và đang đi lên, và chính các kĩ sư của Công ty chuối đã gây nên nạn lụt để lấy cớ huỷ bỏ hợp đồng với những người lao động. Khi miêu tả với những chi tiết chính xác và có tính thuyết phục việc quân đội bắn chết hơn ba ngàn người bị vây chặt ở nhà ga rồi dùng một đoàn xe lửa hai trăm toa chở xác họ quăng xuống biển, Aurêlianô đã nói rõ ràng đến mức làm cho Phecnanđa có cảm tưởng như chú đang bắt chước Chúa Giêsu một cách vô lễ khi Chúa nói với các tông đồ của mình. Cũng như phần lớn những người khác, tin vào lẽ phải chính thống cho rằng không có chuyện ấy, Phecnanđa đùng đùng nổi giận và bắt Aurêlianô phải ngừng lời vì nghĩ rằng chú đã kế thừa những thói xấu vô chính phủ của đại tá Aurêlianô Buênđya. Ngược lại, Aurêlianô Sêgunđô chấp nhận ý kiến của người anh em sinh đôi Hôsê Accađiô Sêgunđô. Trên thực tế, mặc dù bị coi là điên dại, Hôsê Accađiô Sêgunđô là người sáng láng nhất nhà. Hôsê Accađiô Sêgunđô đã dạy chú bé Aurêlianô biết đọc biết viết, hướng dẫn chú bắt đầu nghiên cứu những thứ được ghi chép trên các tấm da thuộc và in sâu vào chú những cách lí giải rất riêng về ý nghĩa của Công ty chuối đối với Macônđô mà nhiều năm sau này, khi đã hoà mình vào cuộc sống chung, Aurêlianô vẫil còn nghĩ rằng Hôsê Accađiô Sêgunđô đã kể chuyện huyền thoại, bởi vì nó khác hẳn với sự giảng giải lừa bịp mà các nhà sử học đã thừa nhận và đưa vào các bài giảng ở trường học. Trong căn phòng nhỏ hẹp, nơi không bao giờ có gió khô, bụi đỏ và sự nóng nực, Aurêlianô và Hôsê Accađiô Sêgunđô nhớ lại hình ảnh cha truyền con nối về một ông già đội chiếc mũ cánh quạ đang nói về thế giới ở đằng sau cánh cửa có từ rất nhiều năm trước khi họ ra đời. Cả hai cùng nhận ra rằng ở đó luôn luôn là tháng ba và luôn luôn là ngày thứ hai, cũng khi đó, họ hiểu rằng cụ cố Hôsê Accađiô Buênđya không phải điên dại như những người trong gia đình kể lại, mà là người duy nhất trong gia đình, với trí tuệ khá minh mẫn, đã thấy mơ hồ một chân lí là thời gian cũng bị vấp váp và bị tai nạn, bởi vậy nó có thể tự tan vỡ ra, và để lại trong phòng một mảnh đã được vĩnh cừu hoá. Ngoài ra, Hôsê Accađiô Sêgunđô còn phân loại được những mã chữ ghi trên các tấm da thuộc. Hôsê Accađiô Sêgunđô quả quyết rằng những mã chữ đó thuộc một loại hình văn tự có từ bốn mươi bảy đến năm mươi hai nét chữ cái, khi tách rời ra chúng như những con nhện và những con bọ, và với cách viết nắn nót của Menkyađêt chúng lại giống như những mảnh quần áo phơi trên dây. Aurêlianô nhớ lại rằng chú đã thấy một bảng chữ như vậy trong bộ bách khoa toàn thư của Anh, và thế là chú mang bảng của mình đến phòng để đối chiếu giới bảng của Hôsê Accađiô Sêgunđô. Hai bảng ấy hoàn toàn giống nhau.

Trong thời kì mở xổ số với các câu đố, Aurêlianô Sêgunđô thường thức dậy khi bị nghẹn cứng ở cổ họng như thể phải cố nín khóc vậy. Pêtra Côtêt coi đó như là một trong những sự trắc trở do hoàn cảnh xấu đưa lại, và trong suốt thời gian hơn một năm, sáng nào cũng bôi vào vòm họng Aurêlianô Sêgunđô một ít mật ong và cho uống nước củ cải. Khi cái cổ họng sưng tấy lên đến mức gây khó thở, Aurêlianô Sêgunđô tìm đến Pila Tecnêra xem bà lão có biết dùng thứ cỏ gì để chữa hay không. Người bà nội có tính cách cứng rắn ấy, người đã sống đến trăm tuổi ngay trước một nhà chứa bí mật, không tin ở thuốc thang, mà chữa bằng cách bói bài tây. Bà lão thấy một con ngựa vàng bị thương ở cổ họng vì mũi gươm của con "J" và bói rằng Phecnanđa đang cố lôi chồng trở về nhà bằng một thuật chẳng linh nghiệm gì là đóng đinh ghim lên ảnh chồng, nhưng do một sự hiểu biết ngu dốt về cái thuật xấu xa ấy mà làm cho chồng bị mọc mụn nhọt ở bên trong. Vì không có tấm chân dung nào khác ngoài nhũng tấm hình chụp ngày cưới mà tất cả vẫn nằm trong tập ảnh gia đình, nên nhân những lúc vợ không để ý, Aurêlianô Sêgunđô tiếp tục lục lọi khắp nơi trong nhà, cuối cùng ông tìm thấy ở dưới đáy hòm quần áo nửa tá vòng treo tử cung vẫn còn nằm nguyên trong hộp. Tin rằng những chiếc vòng đó là bùa chú, Aurêlianô Sêgunđô bỏ một chiếc vào túi rồi mang đến cho Pila Tecnêra xem. Pila Tecnêra không thể xác định được bản chất của nó, nhưng đầy nghi ngờ, bà lão bảo Aurêlianô Sêgunđô đưa cả nửa tá vòng ấy đến, rồi đem đốt trên một đống lửa nhóm ở trong sân. Ðể giải bùa của Phecnanđa, bà lão bảo Aurêlianô Sêgunđô đem con gà mái đang ấp nhúng ướt rồi chôn ở dưới gốc cây dẻ; Aurêlianô Sêgunđô làm theo lời bà lão với lòng đầy tin tưởng, đến mức ngay sau khi lấy lá khô che phủ chỗ đất mới đào, ông đã cảm thấy dễ thở rồi. Phecnanđa thì còi việc những chiếc vòng treo tử cung kia bị biến mất là sự báo thù của các thầy thuốc không thể nhìn thấy bởi vậy bà khâu một chiếc túi nhỏ ở bên trong chiếc áo khoác để đựng những chiếc vòng mới rnà con trai bà gửi về.

Sáu tháng sau khi chôn con gà, một hôm giữa đêm Aurêlianô Sêgunđô thức dậy vì một cơn ho và cảm thấy như có những chiếc càng cua đang kẹp xé ở bên trong. Lúc đó Aurêlianô Sêgunđô hiểu rằng dù có đất nhiều vòng cao su và nhúng ướt nhiều gà mái đang ấp để giải bùa thì vẫn không tránh khỏi cái sự thật đau buồn cuối cùng là ông đang chết dần. Aurêlianô Sêgunđô không nói điều ấy với ai. Day dứt vì lo rằng chết mà vẫn không kịp gửi Amaranta Ucsula sang học ở Brucxen, Aurêlianô Sêgunđô làm việc nhiều hơn bao giờ hết, và nếu trước đây mỗi tuần ông chỉ mở một kì xổ số thì bây giờ mở đến ba kì. Mới sáng sớm đã thấy Aurêlianô Sêgunđô đi khắp nơi trong làng, và còn đến tận những xóm hẻo lánh và nghèo nàn nhất, cố gắng bán các vé xổ số, với một khát vọng mà chỉ có thể thấy ở một người hấp hối: "Vé số Ðấng Toàn năng linh thiêng đây!", Aurêlianô Sêgunđô rao, "đừng bỏ qua vận may trăm năm có một". Aurêlianô Sêgunđô cố gắng một cách đầy cảm động, làm ra vẻ vui tươi, hồ hởi và cởi mở, nhưng chỉ nhìn mồ hôi và sắc mặt tái nhợt của ông, cũng biết rằng ông không thể thực hiện được điều mong muốn. Ðôi khi Aurêlianô Sêgunđô rẽ vào các khu ruộng hoang, ở đó không ai nhìn thấy, ông nghỉ ngơi chốc lát để giảm bớt cơn đau như kìm bóp kẹp ở bên trong. Ðến nửa đêm, Aurêlianô Sêgunđô vẫn còn ở trong khu gái điếm, cố an ủi những người đàn bà cô đơn đang sùi sụt khóc bên cạnh những chiếc máy hát quay tay, bằng những lời diễn thuyết về vận may: "Số này bốn tháng nay chưa về đấy!". Aurêlianô Sêgunđô nói và chìa các vé số ra: "Ðừng để vận may đi mất, vì cuộc đời còn ngắn hơn là người ta tưởng!". Aurêlianô Sêgunđô không còn được coi trọng nữa, người ta nhạo báng ông, và những tháng sau cùng người ta không gọi ông là Ngài Aurêlianô nữa mà gọi thẳng vào mặt ông là "Ðấng Toàn năng linh thiêng". Giọng nói của Aurêlianô Sêgunđô ngày một lạc đi và cuối cùng, sau một cơn rống lên như tiếng chó, thì mất hẳn giọng, nhưng Aurêlianô Sêgunđô vẫn mong rằng niềm hi vọng của ông không bị tiêu tan trong cuộc mở xổ số ở sân nhà Petra Côtêt. Nhưng vì mất tiếng nói nên Aurêlianô Sêgunđô biết rằng chẳng bao lâu nữa ông sẽ không còn chịu đựng nổi cơn đau, và ông thấy không thể bằng cách mở xổ số với những con lợn, con dê mà con gái ông có thể đi Bruxen, vậy nên ông nảy ra ý định mở xổ số với giải thưởng là miền đất đã bị nạn lụt lội tàn phá, đất đai ấy sẽ được phục hồi do người bỏ nhiều vốn. Ðó là một sáng kiến đầy hấp dẫn, đến mức khiến cho ông thị trưởng đả đích thân cùng với một dàn nhạc đi quảng cáo, và người ta đã vào hội với nhau để mua xổ số với giá mỗi vé một trăm pêxô, do đó vé đã được bán hết trong thời gian chưa đầy một tuần. Trong đêm mở xổ số những người trúng thưởng tổ chức một cuộc vui linh đình có thể so sánh với những cuộc hội hè trong thời kì tốt đẹp nhất của Công ty chuối, và đêm ấy là lần cuối cùng Aurêlianô Sêgunđô biểu diễn những bài hát bị lãng quên của cụ Phranxiscô - Con Người bằng đàn phong cầm, ông không thể hát được nữa rồi.

Hai tháng sau đó, Amaranta Ucsula sang Bruxen, Aurêlianô Sêgunđô chẳng những đưa cho con gái số tiền thu được trong cuộc xổ số đặc biệt mà còn đưa cả tiền tiết kiệm trong mấy tháng trước đó cùng một ít tiền bán đàn pianô tự động, đàn tiểu phong cầm, và một vài đồ vật cũ. Theo Aurêlianô Sêgunđô tính toán thì số vốn đó đủ để Amaranta Ucsula ăn học, vậy là chỉ còn thiếu tiền mua vé trở về nữa thôi. Phecnanđa chống lại chuyến đi đó, bà bực bội vì nghĩ rằng Bruxen ở quá gần cái thành phố Paris đồi truỵ, nhưng cuối cùng, bà đã yên lòng khi xem bức thư của cha Anhen gửi một nhà trọ dành cho những thanh niên theo đạo Thiên chúa, nhà trọ ấy do những người phụ nữ có đạo trông nom, và Amaranta Ucsula đã hứa là sẽ ở đó cho đến khi học xong. Hơn nữa, vị cha cố còn tạo cơ hội cho Amaranta Ucsula đi cùng một nhóm nữ tu sĩ dòng Phranxiscô, những người này đến Tôlêđô, ở đó họ hi vọng gặp được người có thể tin tưởng để gửi gắm cô ta sang Bỉ. Trong khi sự liên hệ được gấp rút thực hiện để có thể phối hợp được như vậy thì Aurêlianô Sêgunđô, với sự giúp đỡ của Pêtra Côtêt, lo sắp xếp hành trang cho Amaranta Ucsula. Vào buổi tối mà họ sắp xếp một trong những chiếc rương đựng đồ cưới của Phecnanđa, mọi chuyện đã được chuẩn bị kĩ càng đến mức cô học sinh Amaranta Ucsula nhớ như in chỗ nào để bộ lễ phục và đôi dép nhung dùng khi qua Ðại Tây Dương, chỗ nào để chiếc áo khoác bằng len dày màu xanh có khuy đồng cùng đôi giày da dê dùng khi cập bến. Amaranta Ucsula còn biết cách đi như thế nào để khỏi ngã xuống nước khi leo lên bờ, rằng không lúc nào được rời các nữ tu sĩ hoặc ra khỏi phòng ngủ trên tàu nếu không phải là di ăn, rằng khi ở ngoài biển khơi không được trả lời bất kì câu hỏi nào của bất kì ai, kể cả đàn ông và đàn bà. Cô mang theo một lọ thuốc để chống say sóng và một cuốn sổ có sáu câu cầu nguyện để tránh bão tố, do chính cha Anhen viết. Phecnanđa may cho cô một chiếc thắt lưng bằng vải bạt để đựng tiền và chỉ dẫn cho cô cách dùng, dặn cô luôn luôn buộc nó vào người, không lúc nào được tháo ra, kể cả khi ngủ cũng vậy. Phecnanđa còn định cho cô một chiếc bô nhỏ bằng vàng đã được tráng kiềm và tẩy rửa bằng cồn, nhưng Amaranta Ucsula không nhận vì sợ rằng các bạn gái ở trường sẽ chế nhạo. Vài tháng sau, vào lúc sắp qua đời, Aurêlianô Sêgunđô còn nhớ lại lần cuối cùng ông nhìn thấy Amaranta Ucsula khi cô đang cố hạ tấm kính cửa sổ bám đầy bụi ở một toa hạng hai để nghe những lời căn dặn cuối cùng của Phecnanđa, nhưng không hạ được. Hôm đi, Amaranta Ucsula mặc bộ lễ phục bằng lụa hồng với một chùm hoa giả nho nhỏ cài trên cầu vai bên trái, đi đôi giày da dê gót thấp có dây thắt, đôi bít tất với những dây nịt bằng cao su nổi bật trên bắp chân. Amaranta Ucsula có thân hình thon thả, mái tóc dài buông toả và đôi mắt linh lợi như mắt Ucsula khi bà ở tuổi cô. Lúc từ biệt, Amaranta Ucsula không khóc cũng không cười, điều đó cũng biểu lộ tính vững vàng như tính cách của Ucsula. Ði bên cạnh toa lúc tàu chuyển bánh, vịn vào cánh tay Phecnanđa để khỏi vấp ngã, Aurêlianô Sêgunđô vẫn còn có thể giơ một tay lên chào lại khi con gái ông đưa ngón tay lên miệng gửi cha chiếc hôn giã từ. Vợ chồng Aurêlianô Sêgunđô ngồi yên dưới ánh nắng gay gắt và nhìn theo đoàn tàu cho đến khi nó chỉ còn như một chấm nhỏ ở phía chân trời, và lúc ấy, lần đầu tiên kể từ ngày cưới, họ ôm lấy cánh tay nhau.

Ngày mồng chín tháng tám, trước khi có thư từ Bruxen gửi về, Hôsê Accađiô Sêgunđô trò chuyện với Aurêlianô trong phòng của Menkyađêt và bỗng nói bâng quơ:

- Hãy luôn luôn nhớ rằng họ, hơn ba ngàn người, đã bị quăng xuống biển đấy!

Sau đó Hôsê Accađiô Sêgunđô gục xuống những tấm da thuộc đầy chữ và chết với đôi mắt vẫn mở to. Cùng lúc đó, trên giường của Phecnanđa, người anh em sinh đôi của ông đã không còn phải chịu đựng nỗi đau kéo dài như thể do những chiếc càng cua bằng thép kẹp chặt một cách khủng khiếp trong cổ họng gây nên nữa. Một tuần trước đó, để thực hiện lời nguyền là sẽ chết bên cạnh vợ, Aurêlianô Sêgunđô đã trở về nhà, nói không được, thở không được, dường như chỉ còn da bọc xương, mang theo về những chiếc hòm của kẻ lang thang nay đây mai đó và chiếc phong cầm cũ kĩ. Pêtra Côtêt đã giúp ông thu dọn quần áo để mang về, và đã đưa tiễn ông mà không hề nhỏ một giọt nước mắt, nhưng lại quên không đưa cho Aurêlianô Sêgunđô đôi ủng da mà ông muốn được bỏ vào quan tài của mình. Ðến khi biết rằng Aurêlianô Sêgunđô đã chết, Pêtra Côtêt liền mặc một bộ đồ đen và lấy báo gói đôi ủng lại, đến xin phép Phecnanđa vào viếng người quá cố. Phecnanđa không cho Pêtra Côtêt bước qua cửa.

- Bà hãy đặt mình vào địa vị tôi, - Pêtra Côtêt nói, - và bà hãy tưởng tượng xem tôi yêu ông ấy như thế nào để đến nỗi phải chịu sự khổ nhục này.

- Chẳng có sự khổ nhục nào mà lại không xứng với một con ở, - Phecnanđa nói. - Hãy chờ đến khi có một kẻ nào khác trong đám đàn ông ấy chết đi, để mà đặt đôi ủng đó vào quan tài!

Thực hiện lời hứa của mình, Santa Sôphia đê la Piêđat dùng một con dao làm bếp cắt cổ họng Hôsê Accađiô Sêgunđô để đảm bảo chắc chắn rằng ông ta không bị chôn khi vẫn còn sống. Hai từ thi được đặt trong hai chiếc quan tài giống nhau, và ở đó người ta thấy họ trở lại giống nhau như đúc cũng như họ từng giống nhau từ thuở lọt lòng đến khi thành niên. Những người trong đám bạn ăn chơi ngày trước của Aurêlianô Sêgunđô đặt lên quan tài của ông một vòng hoa đính một dải băng đen mang dòng chữ: "Những con bò cái hãy giạng háng ra, kẻo cuộc đời ngắn lắm!". Phecnanđa rất bực bội với sự bất kính đó và sai quẳng vòng hoa vào đống rác. Trong sự lộn xộn của những giờ phút cuối cùng, khi đưa thi hài hai người ra khỏi nhà, đám thanh niên say rượu và buồn bã đã lầm lẫn quan tài và do đó chôn quan tài người nọ vào huyệt người kia.

Chú thích:

(1) Ðơn vị đo trọng lượng, mỗi libra bằng 0.445kg.

(2) Nghĩa: tên Do Thái lang thang.

Bạn đang đọc Trăm Năm Cô Đơn của Gabriel García Márquez
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 12

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.