Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 04 Part 2

Phiên bản Dịch · 3216 chữ

May mắn là, hai kỷ luật này- tập trung và bền bỉ- khác với tài năng, vì ta có thể có được và mài giũa qua rèn luyện. Một cách tự nhiên, ta sẽ học được cả tập trung lẫn bền bỉ khi ta ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và luyện tập ḿnh tập trung vào một điểm . Điều này rất giống việc rèn luyện cơ bắp mà tôi đã viết ban nãy. Ta phải tiếp tục truyền đối tượng tập trung của ta vào toàn thân ta, và đảm bảo là thân ta tiêu hóa được hoàn toàn thông tin cần thiết để ta viết từng ngày và tập trung vào công việc trước mặt. Và dần dà ta sẽ nới rộng các giới hạn có thể. Gần như không nhận ra, ta sẽ nâng dần tiêu chuẩn lên. Điều này bao gồm quá trình giống như chạy bộ mỗi ngày để làm mạnh các cơ và phát triển thể lực người chạy. Hãy thêm vào sự khuyến khích và duy trì nó. Và lặp lại. Kiên nhẫn là một thứ bắt buộc trong quá trình này, nhưng tôi bảo đảm kết quả sẽ đến.

Trong thư từ cá nhân, bí quyết lớn nhất mà nhà văn Raymon Chandler thú nhận là dù không viết gì cả thì ông cũng nhất định phải ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và tập trung. Tôi hiểu cái chủ định đằng sau việc làm này. Đây là cách Chandler ình sức chịu đựng về thể chất mà một nhà văn chuyên nghiệp cần, âm thầm tăng cường sức mạnh ý chí của mình. Kiểu rèn luyện hằng ngày này là không thể thiếu đối với ông.

Viết tiểu thuyết, đối với tôi, cơ bản là một kiểu lao động chân tay. Viết tự nó là lao động trí óc, nhưng hoàn tất một cuốn sách thì gần với lao động chân tay hơn. Nó không bao gồm nâng vật nặng, chạy nhanh, hay nhảy cao. Thế nhưng, hầu hết mọi người chỉ nhìn thấy cái thực tế bề mặt của việc viết lách và cho rằng các nhân vật để hết tâm trí vào công việc trí óc, lặng thầm làm việc trong phòng mình. Nếu anh có sức để nâng một tách cà phê, họ nghĩ, thì anh có thể viết một cuốn tiểu thuyết. Nhưng một khi đã thử làm, ta sẽ sớm nhận ra đó không phải là một công việc yên bình dù nó có vẻ thế. Cả quá trình - ngồi tại bàn,tập trung đầu óc và,như một tia laser, mường tượng ra cái gì đó từ một đường chân trời trống rỗng,sáng tạo ra một câu chuyện, chọn lọc từ ngữ thích hợp, từng chữ một, giữ cho toàn bộ mạch truyện đi đúng hướng – nó đòi hỏi sức lực, qua một thời gian dài, nhiều hơn là hầu hết mọi người vẫn tưởng. Có thể ta không động tay động chân, nhưng có sự lao động cam go và năng động diễn ra trong ta. Ai cũng đều dùng đầu óc của mình khi suy nghĩ. Nhưng một nhà văn thì còn thêm vào một chất liệu gọi là nghệ thuật tự sự và suy nghĩ bằng toàn bộ bản thể mình;và với tiểu thuyết gia thì quá trình đó đòi hỏi phải phát huy toàn bộ nguồn dự trữ thể chất của ta, thường là đến độ gắng quá sức.

Những nhà văn được phú cho tài năng để phung phí thì trải qua quá trình này một cách vô thức,trong một số trường hợp không để ý thấy điều đó. Nhất là khi họ còn trẻ, chỉ cần họ có một mức độ tài năng nhất định thì viết một cuốn tiểu thuyết là không quá khó đối với họ. Họ dễ dàng dẹp tan mọi trở lực. Còn trẻ nghĩa là toàn thân ta đầy sức sống tự nhiên. Sự tập trung và bền bỉ xuất hiện khi ta cần,ta không bao giờ cần phải tự mình tìm kiếm. Nếu ta trẻ và tài năng thì giống như ta có cánh vậy.

Dù sao,trong đa số trường hợp,khi tuổi trẻ tàn phai, kiểu năng lượng thể tự do ấy mất đi sự sống tự nhiên và rực rỡ của nó. Sau khi ta đã quá một độ tuổi nào đó,những thứ ta đã có thể làm một cách dễ dàng nay không còn dễ nữa – cũng như tốc độ ném bóng nhanh của một cầu thủ bắt đầu giảm dần theo thời gian. Dĩ nhiên,khi già đi thì người ta vẫn có thể bù đắp lại sự giảm sút tài năng tự nhiên. Cũng như một cầu thủ ném bóng nhanh tự điều chỉnh mình thành một cầu thủ ném bóng khéo léo hơn,biết dựa vào những cú changeup[1]. Nhưng cũng có một giới hạn. Và dứt khoát là có một cảm giác mất mát.

Tuy nhiên,những nhà văn không được phú cho tài năng nhiều như thế – những người chỉ vừa đủ điểm – cần phải tự bồi đắp sức mạnh của mình. Họ phải tự rèn luyện bản thân để hoàn thiện khả năng tập trung,để tăng sức bền của mình. Trong chừng mực nào đó họ buộc phải lấy những phẩm chất này thế chỗ tài năng. Và trong khi xoay xở làm điều này, họ có thể sẽ phát hiện ra tài năng thực sự, ẩn kín trong mình. Họ đang toát mồ hôi hột dùng xẻng đào một cái hố dưới chân mình thì gặp phải một mạch nước kín, sâu. Đó là một điều may mắn, nhưng vận may này có được là nhờ bao nhiêu khổ công rèn luyện đã cho họ sức mạnh tiếp tục đào. Tôi cho rằng những nhà văn thành công muộn màng này tất cả đều đã trải qua một quá trình tương tự.

Dĩ nhiên là trên thế giới cũng có những người (chỉ rất ít, dĩ nhiên) được phú cho tài năng dồi dào mà, từ đầu đến cuối, không mờ nhạt đi, và tác phẩm của họ luôn luôn có giá trị cao nhất. Cái thiểu số may mắn ấy có một mạch nước không bao giờ cạn, cho dù họ có khi thác bao nhiêu. Trong văn chương, đây là một điều ta phải biết ơn. Khó lòng hình dung lịch sử văn học mà không có những gương mặt như Shakespeare,Balzac và Dickens. Nhưng thiên tài, suy cho cùng, vẫn là thiên tài – những gương mặt huyền thoại, biệt lệ. Đại đa số những nhà văn còn lại, những người không thể đạt đến những đỉnh cao như thế ( kể cả tôi, dĩ nhiên rồi) phải bổ sung cái thiếu trong kho tài năng của mình bằng bất cứ phương tiện nào có thể, nếu không họ không thể nào tiếp tục viết tiểu thuyết có giá trị. Các phương cách và phương hướng một nhà văn dùng để tự khuyết bản thân trở thành một cá tính của nhà văn đó, cái làm cho y riêng biệt.

Phần lớn những gì tôi biết được về viết lách là tôi học được từ việc chạy bộ mỗi ngày. Đó là những bài học thực tiễn, cụ thể. Tôi có thể thúc ép mình đến đâu? Nghỉ ngơi chừng nào là thích hợp – và chừng nào thì quá nhiều? Tôi có thể đưa được một cái gì tới đâu mà vẫn giữ được nó đúng độ và nhất quán? Khi nào thì nó trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi phải ý thức được thế giới bên ngoài đến mức nào, và tôi phải tập trung vào thế giới nội tâm mình chừng nào? Tôi phải tự tin ở những khả năng của mình đến chừng mực nào, và khi nào thì tôi nên bắt đầu tự hoài nghi chính mình? Tôi biết rằng nếu tôi không trở thành một người chạy đường trường cùng lúc với trở thành tiểu thuyết gia thì tác phẩm của tôi có lẽ đã khác rất nhiều. Khác thế nào? Khó mà nói được. Nhưng cái gì đó dứt khoát là đã phải khác.

Trong mọi tình huống, tôi mừng là mình đã không ngừng chạy bộ trong suốt những năm qua. Lý do vì tôi thích những cuốn tiểu thuyết mình viết. Và tôi thực lòng mong chờ thấy kiểu viết tiểu thuyết nào mình sẽ cho ra đời tiếp theo. Vì tôi là một nhà văn có những hạn chế – một con người bất toàn sống một cuộc đời hạn hẹp, không hoàn hảo, việc tôi vẫn còn có thể cảm thấy như vậy là một thành tựu thực sự. Gọi đó là một phép màu có thể là ngoa ngắt, nhưng tôi thực lòng cảm thấy như thế. Và nếu chạy bộ mỗi ngày giúp tôi hoàn thành được điều này thì tôi sẽ biết ơn chạy bộ.

Mọi người đôi khi cười khẩy những người chạy bộ mỗi ngày, tuyên bố là họ sẽ làm bất cứ thứ gì để họ có thể sống thọ hơn. Nhưng tôi không nghĩ đó là lý do để hầu hết người ta chạy. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống qua những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống-cho tôi, và cả cho viết lách. Tôi tin rằng nhiều người chạy sẽ tán thành.

Tôi đang đến một phòng thể dục gần chỗ tôi ở Tokyo để được xoa bóp. Cái mà huấn luyện viên này làm không chỉ là xoa bóp mà c̣n là một phương pháp giúp tôi duỗi các cơ bắp tôi không thể tự duỗi một mình cho tới nơi tới chốn. Tất cả quá trình tập luyện căng thẳng của tôi đã làm cơ bắp cứng đi, và nếu không có kiểu xoa bóp này thì cơ thể tôi có thể rệu rã ngay trước cuộc đua. Điều quan trọng là đẩy cơ thể ta tới giới hạn tận cùng của nó, nhưng vượt quá các giới hạn này thì tất cả sẽ thành công cốc.

Huấn luyện viên xoa bóp cho tôi là một phụ nữ trẻ, nhưng cô rất khỏe. Kiểu xoa bóp của cô rất- hay tôi có thể nói là cực kỳ- đau. Sau nửa giờ xoa bóp, áo quần tôi, đến tận đồ lót, đều ướt đẫm. Cô huấn luyện viên luôn kinh ngạc vì tình trạng của tôi. “Ông quả là đã để cơ bắp của mình trở nên quá căng.” Cô nói. “Sắp bị chuột rút rồi. Đa số người khác có lẽ đã bị chuột rút lâu rồi. Tôi rất ngạc nhiên là ông có thể sống như vậy. “

Nếu tôi tiếp tục bắt cơ bắp mình làm việc quá sức, cô ấy báo trước, thì sớm muộn gì một cái gì đó cũng sẽ suy sụp. Có lẽ cô ấy nói đúng. Nhưng tôi cũng có một cảm giác – Một hy vọng – là cô ấy sai, vì tôi đã bắt cơ bắp của mình làm việc quá sức như thế trong một thời gian dài rồi. Mỗi khi tôi tập trung vào tập luyện, các cơ của tôi trở nên căng. Buổi sáng khi tôi mang giày chạy bộ vào và lên đường, hai bàn chân tôi nặng đến nỗi có cảm giác như tôi sẽ chẳng bao giờ làm cho nó cử động được nữa. Tôi bắt đầu chạy xuôi xuống một con đường, từ từ, gần như là lê bàn chân. Một cụ bà hàng xóm đang rảo bước xuống cuối đường, và cả bà tôi cũng không vượt qua nổi nữa là. Nhưng khi tôi tiếp tục chạy, cơ của tôi dần dần giãn ra, và sau chừng hai mươi phút, tôi có thể chạy bình thường. Tôi bắt đầu tăng tốc. Sau chuyện này thì tôi có thể chạy tự động, không có vấn đề gì.

Nói cách khác, cơ của tôi thuộc cái kiểu cần có nhiều thời gian để khởi động. Chúng chậm khởi động. Nhưng một khi đã khởi động rồi thì chúng có thể hoạt động bình thường trong một thời gian dài chẳng khó khăn gì. Chúng là kiểu cơ ta cần có cho các cuộc chạy đường dài, nhưng không hợp chút nào cho cự ly ngắn. Trong một môn thể thao cự ly ngắn, khi động cơ của tôi bắt đầu khởi động thì cuộc đua có lẽ đã xong rồi. Tôi không biết chi tiết kỹ thuật nào về các đặc điểm của loại cơ này, nhưng tôi cho rằng nó chủ yếu là bẩm sinh. Và tôi cảm thấy loại cơ này nối liền với cách thức đầu óc tôi làm việc. Ý tôi là, trí óc một người do cơ thể y điều khiển, đúng không? Hay ngược lại – cách thức trí óc ta làm việc chi phối cấu trúc cơ thể? Hay cơ thể và trí óc ảnh hưởng lẫn nhau chặt chẽ và tác động lên nhau? Điều tôi biết là người ta có một số thiên hướng bẩm sinh, và một người dù có thích các khuynh hướng đó hay không thì chúng cũng không thể tránh được. Các khuynh hướng có thể được điều chỉnh, đến một mức độ, nhưng bản chất của chúng không bao giờ có thể thay đổi được.

Với tim cũng y như vậy. Mạch của tôi nói chung khoảng năm mươi nhịp một phút, tôi cho là khá chậm (Nhân đây tôi nghe nói Naoko Takahashi, người đoạt huy chương vàng Olympic, có mạch ba mươi lăm nhịp một phút). Nhưng nếu tôi chạy trong khoảng ba mươi phút thì nó tăng lên khoảng bảy mươi nhịp. Sau khi tôi chạy tối đa sức mình thì nó tăng lên khoảng gần một trăm. Vậy nên chỉ sau khi chạy thì nhịp tim của tôi mới tăng đến mức nhịp tim lúc nghỉ ngơi của đa số người. Đây cũng là một khía cạnh của kiểu thể trạng chạy cự ly dài. Sau khi tôi bắt đầu chạy, nhịp tim lúc nghỉ ngơi của tôi hạ xuống đáng kể. Tim tôi đã điều chỉnh nhịp của nó cho phù hợp với chức năng chạy cự ly dài. Nếu như khi nghỉ nó đã cao và khi tôi chạy nó còn cao hơn thì cơ thể tôi chắc đã suy sụp. Ở Mỹ, khi bắt mạch cho tôi cô y tá đều nói, “A, chắc ông là một người chạy bộ.” Tôi cho là đa số người chạy đường dài đã chạy một thời gian lâu rồi cũng trải qua chuyện tương tự. Khi ta thấy mấy người chạy trong thành phố, rất dễ phân biệt được người mới bắt đầu với người thâm niên. Mấy người thở dốc là người mới bắt đầu; những người thở nhẹ, điều hòa là người chạy lâu năm. Tim của họ mơ màng, thong thả đập. Khi ta chạy qua nhau trên đường, ta lắng nghe nhip thở của nhau, và cảm nhận cách người kia đang sống từng khoảnh khắc. Rất giống như hai nhà văn cảm nhận được cách diễn đạt và văn phong của nhau.

Vậy nên dù sao thì cơ bắp của tôi ngay lúc này cũng thực sự căng, và duỗi cũng không làm chúng chùng ra. Tôi đang lên đến đỉnh điểm trong tập luyện, nhưng dù vậy các cơ vẫn căng hơn bình thường. Thỉnh thoảng tôi đấm vào chân mình khi chúng trở nên căng để làm chúng dãn ra. (Phải, làm thế đau lắm). Cơ của tôi có thể cũng cứng đầu như – hay cứng đầu hơn- tôi nữa. Chúng nhớ mọi thứ và chịu đựng, và trong chừng mực nào đó chúng khá hơn. Nhưng chúng không bao giờ thỏa hiệp. Chúng không đầu hàng. Đây là cơ thể tôi, với tất cả những hạn chế và thói tật của chúng. Cũng như gương mặt tôi, dù tôi không thích thì nó vẫn là cái duy nhất tôi có, vậy nên tôi phải chấp nhận thôi. Khi tôi già đi, tôi đã tự nhiên sẵn sàng chấp nhận điều này. Ta mở tủ lạnh ra và có thể soạn một bữa ăn tươm tất- thực ra là còn khá sang trọng- với những thức ăn thừa. Tất cả những gì còn lại chỉ là một trái táo, một củ hành, phô mai, và trứng, nhưng ta không thể phàn nàn gì được. Ta đành chấp nhận cái ta có. Khi ta già đi ta học được cách thậm chí là bằng lòng với cái ta có. Đó là một trong ít ưu điểm của chuyện già đi.

Đã một thời gian rồi tôi mới chạy trên những con đường ở Tokyo, vẫn còn oi nồng vào tháng Chín. Cái nóng rơi rớt lại của mùa hè trong thành phố lại là một cái gì khác. Tôi lặng lẽ chạy, toàn thân vã mồ hôi. Tôi còn cảm thấy được là đến cái mũ của mình cũng dần dần ướt đẫm. Mồ hôi nhỏ xuống đất thành một phần trong cái bóng đổ rõ nét của tôi. Những giọt mồ hôi chạm phải vỉa hè và bốc hơi ngay lập tức.

Dù anh có đi đâu thì những biểu hiện trên mặt những người chạy đua cự ly dài cũng đều như nhau. Tất cả họ đều trông như đang nghĩ về một điều gì đó khi đang chạy. Có thể họ không nghĩ về cái gì cả, nhưng họ trông như đang đăm chiêu. Thật kinh ngạc là tất cả họ đều chạy trong cái nóng như thế này. Nhưng, nghĩ kỹ thì tôi cũng thế.

Khi tôi đang chạy trên đường Jingu Gaien thì một phụ nữ chạy ngang qua gọi với theo. Hóa ra đó là một trong những độc giả của tôi. Chuyện này không mấy khi xảy ra, nhưng thỉnh thoảng cũng có. Tôi dừng lại và chúng tôi trò chuyện một lát, “Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông suốt hơn hai mươi năm,” cô nói với tôi. Cô bắt đầu đọc từ cuối thời thanh niên và giờ cô đã cuối độ năm mươi. “Cám ơn chị,” tôi nói với cô. Cả hai chúng tôi cùng mỉm cười, bắt tay và nói lời tạm biệt. Tôi e là bàn tay mình đã khá nhớp nháp mồ hôi. Tôi tiếp tục chạy, và cô bỏ đi đến nơi cần đến của mình, dù đó là đâu. Và tôi tiếp tục chạy đến đích của mình. Và đó là đâu vậy? NewYork, dĩ nhiên rồi.

Chú thích

[1] Changeup: một kiểu ném bóng biến hóa trong bóng chày

Bạn đang đọc Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ của Haruki Murakami
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 14

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.