Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Phần 6

Phiên bản Dịch · 4371 chữ

TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT

Những cơ hội lớn lao để giúp đỡ mọi người thì hiếm khi xuất hiện, nhưng trong cuộc sống hàng ngày xung quanh ta vẫn có những cơ hội nho nhỏ.

Sally Koch

Lớp học cam kết năm 2000

Năm học lớp chín, tôi là hội trưởng hội học sinh của trường trung học Erwin ởAsheville, bang North Carolina. Đây quả thật là một vinh dự vì trong trường có đến hơn 1.000 học sinh. Cuối năm, vì cả lớp tôi đều được lên lớp mười, nên tôi được chọn để đọc bài phát biểu trong buổi lễ tổng kết. Công việc này đòi hỏi nhiều cố gắng vì những lời phát biểu cảm tưởng không thể sơ sài như mọi lần. Chúng tôi là lớp học sinh của năm 2000, vì thế tôi muốn bài phát biểu của mình cũng phải đặc biệt như chúng tôi vậy.

Nhiều đêm sau đó, tôi nằm trằn trọc suy nghĩ về bài phát biểu. Có nhiều ý nghĩ thoáng qua trong đầu, nhưng tôi không hài lòng và tiếp tục vắt óc nghĩ ra những gì có liên quan đến tất cả bạn bè của tôi. Một đêm nọ, tôi chợt nghĩ ra một ý. Trường trung học Erwin có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước. Còn mục tiêu nào tốt hơn là tất cả học sinh lớp tôi không bỏ học nửa chừng? Tôi phải làm gì để lớp tôi trở thành lớp trung học phổ thông đầu tiên trong lịch sử hệ thống trường công lập, có 100% học sinh tốt nghiệp? Mọi người có quan tâm đến điều này không?

Bài phát biểu của tôi trong lễ tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ kéo dài có 12 phút, nhưng hiệu quả thì thật khó tin. Khi tôi đưa ra lời thách thức với các bạn cùng trường rằng, chúng tôi hạ quyết tâm tốt nghiệp phổ thông 100%, thì tất cả mọi người, từ thầy cô cho đến phụ huynh đều vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Tôi tiếp tục đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể, mà bất cứ học sinh nào cũng có thể đạt được và khi kết thúc bài phát biểu, mọi người đồng loạt đứng dậy nhiệt liệt hoan hô. Tôi cố gắng tỏ ra điềm tĩnh dù xúc động đến chảy nước mắt. Tôi không thể ngờ rằng sáng kiến của mình lại được hưởng ứng đến như vậy.

Trong suốt mùa hè, tôi làm việc cật lực để xây dựng một chương trình nhằm thực hiện lời cam kết tốt nghiệp phổ thông. Tôi được mời phát biểu trong các câu lạc bộ học tập của thành phố. Tôi tìm một vài đứa bạn cùng chí hướng để bàn bạc, rồi gặp thầy hiệu trưởng trường trung học Erwin trình bày kế hoạch “Quản lý việc bỏ học giữa chừng” nhằm giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong quá trình học tập. Tôi xin phép thầy thiết kế một kiểu áo sơ mi đặc biệt để bán kiếm tiền xuất bản một cuốn danh bạ cho lớp. Sau đó tôi lại đề nghị thầy thưởng cho chúng tôi một bữa tiệc nhỏ để ăn mừng nếu như suốt cả một học kỳ không có học sinh nào bỏ học.

Thầy hiệu trưởng đồng ý ngay: “Thầy sẽ cho các em nhiều hơn thế nữa, cứ sau một kỳ đánh giá thầy sẽ tổ chức cho các em một bữa tiệc nếu không có em nào bỏ học.” Lời hứa thật hấp dẫn, bởi vì cứ sáu tuần là một kỳ đánh giá, tức chỉ có 30 ngày đi học mà thôi. Kế hoạch bắt đầu diễn tiến tốt đẹp.

Trong mùa hè, nhiều nơi biết đến kế hoạch của chúng tôi. Tôi xuất hiện trên đài truyền thanh và truyền hình địa phương, có một tờ báo còn yêu cầu tôi viết bài cho chuyên mục khách mời. Tôi cũng nhận nhiều cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi đến. Chẳng hạn cuộc gọi từ đài CBS News ở New York cho biết, một chuyên gia nghiên cứu giáo dục của đài đã đọc được bài báo của tôi và muốn giới thiệu lớp chúng tôi trong chương trình 48 Giờ của họ. Ken Hamblin, người phụ trách chương trình trò chuyện trên đài phát thanh quốc gia, cho biết sẽ giới thiệu chúng tôi trong chương trình Ken Hamblin nói chuyện với người Mỹ vào tháng tám tới đây. Ông mời tôi xuất hiện trong buổi phát sóng của ông để giới thiệu cho cả nước biết về những cam kết của chúng tôi. Thật là thú vị, chỉ mới đi những bước đầu tiên mà chúng tôi đã gây được tiếng vang trên khắp cả nước.

Khi tôi viết câu chuyện này, cuộc hành trình của chúng tôi chỉ mới trải qua được 12 tuần. Những lời cam kết của chúng tôi được treo ngoài tiền sảnh, đối diện văn phòng thầy hiệu trưởng. Trước bản cam kết, nhà trường đặt một chiếc thùng lớn bằng thủy tinh có gắn một miếng kim loại vẽ hình chiếc đồng hồ cát thật to. Trên đỉnh chiếc đồng hồ đó có 720 cục nam châm tròn tượng trưng cho số ngày đi học. Chúng tôi cũng đã thành lập một tổ “Quản lý việc bỏ học giữa chừng” để theo dõi chiếc đồng hồ cát. Mỗi ngày họ chuyển một cục nam châm từ trên đỉnh xuống đáy chiếc đồng hồ. Điều này giúp lớp tôi có thể theo dõi được tiến độ thực hiện chương trình. Giờ đây đã có 60 cục nam châm được dời xuống đáy và chúng tôi đã được thưởng buổi tiệc thứ hai. Thật là thú vị khi theo dõi việc di chuyển các cục nam châm này.

Cuộc hành trình ba năm đầy khó khăn chỉ mới bắt đầu, nhưng chúng tôi đã tạo được một ảnh hưởng quan trọng. Năm ngoái, vào cuối kỳ đánh giá thứ hai, đã có 13 học sinh bỏ học năm đầu tiên của bậc phổ thông. Thế mà năm nay, cũng cùng thời điểm không có học sinh nào bỏ học.

Các nhà doanh nghiệp thì quan sát xem liệu một chương trình hoàn toàn do bọn nhóc điều hành có thể làm được việc gì, và họ ủng hộ chúng tôi hết sức nhiệt tình. Nhiều ngân hàng, nhà buôn xe hơi, cửa hàng trang trí nội thất, nhà hàng v.v… đã giảm giá cho chúng tôi khi chúng tôi đưa thẻ “Quản lý việc bỏ học giữa chừng” của mình ra. Một số người còn tặng cả Công trái Quốc gia và hàng hóa để chúng tôi làm phần thưởng cho những học sinh ủng hộ chương trình.

“Lớp học Cam kết năm 2000” của Trường Trung học Erwin mong muốn tạo một tiền đề để các lớp học khác thực hiện được một chương trình như thế. Nếu 100% học sinh của lớp học năm 2000 tốt nghiệp phổ thông, đứng đầu trong cả nước, thì có đáng nể không? Có thể lắm chứ!

JASON SUMMEY, 15 TUỔI

Hãy mở ngọn đèn của bạn lên

Hơn ba mươi năm trước, tôi học lớp mười một tại một trường trung học lớn ở nam California. Cả cái khối 3.200 học sinh là một sự pha trộn các chủng tộc khác nhau, vì thế môi trường học tập trở nên rất phức tạp. Việc học sinh đến trường mang theo dao, ống sắt, dây xích, bàn tay sắt, và lâu lâu còn có súng ngắn tự chế, là chuyện bình thường. Tụ tập băng nhóm và đánh nhau thì xảy ra như cơm bữa.

Mùa thu năm 1959, sau trận bóng đá, tôi và cô bạn gái rời khán đài. Khi bước xuống lối đi bên hông chật kín người, có ai đó đằng sau đá vào chân tôi. Quay lại, tôi nhận ra đó là một tên lưu manh mang bàn tay sắt. Mặc dù tôi chẳng hề có thái độ hoặc hành động khiêu khích, bàn tay của hắn vẫn giáng cho tôi một cú đấm bất ngờ khiến sống mũi tôi gãy ngay lập tức. Không chỉ có thế. Cả một nhóm lưu manh mười lăm đứa bao vây ngay lấy tôi và một trận mưa nắm đấm đổ xuống người tôi. Kết quả, tôi bị chấn thương trầm trọng. Chấn thương sọ não. Xuất huyết trong. Giải phẫu. Bác sĩ bảo chỉ cần thêm một cú đánh vào đầu nữa thôi là tôi không còn cơ hội sống sót. May mắn thay, chúng không động đến bạn gái tôi.

Sau khi tôi bình phục, một vài đứa bạn bàn với tôi: “Hãy đi tìm ngay bọn nhóc đó! Phải ăn miếng trả miếng chứ!” Một phần trong tôi nói: “Phải đó! Không thể chọn lựa hành động nào khác ngoài trả thù.” Nhưng một phần khác lại do dự. Trả thù không phải là cách giải quyết đúng đắn. Lịch sử đã bao lần chứng minh rằng lấy oán báo oán thì oán oán chồng chất. Chúng ta cần làm một điều gì đó khác hẳn để chấm dứt tình trạng ân oán kéo dài này.

Tôi và một số nhóm học sinh khác chủng tộc đã thành lập một tổ chức mang tên “Ủy ban huynh đệ”, nhằm tạo các mối quan hệ thân thiện giữa các chủng tộc khác nhau. Thật đáng kinh ngạc khi có nhiều học sinh tỏ ra quan tâm đến tương lai đầy hứa hẹn này. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đề ra, “Ủy ban huynh đệ” cũng gặp nhiều trở ngại vì một số học sinh, và phụ huynh ra sức chống lại cái ý tưởng giao lưu văn hóa này. Mặc dầu vậy, ngày càng có nhiều người tham gia vào hoạt động của chúng tôi với nỗ lực tạo ra một thay đổi lớn.

Hai năm sau, tôi trúng cử chức hội trưởng hội học sinh. Tôi đã thắng hai đối thủ nặng kí: một là người hùng môn bóng đá và một là “anh cả trong sân trường”. Phần lớn trong số 3.200 học sinh đều ủng hộ tôi thực hiện chương trình thay đổi môi trường học đường. Tôi không dám nói rằng, vấn đề phân biệt chủng tộc đã hoàn toàn được giải quyết. Nhưng tất cả những gì chúng tôi làm đã tạo một bước tiến quan trọng trong việc bắc những nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa các chủng tộc, cách làm thế nào để trò chuyện và tạo mối quan hệ thân thiện giữa các nhóm chủng tộc khác nhau, giải quyết những bất đồng mà không cần phải dùng bạo lực và tạo dựng niềm tin lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn phức tạp nhất. Kết quả thật đáng kinh ngạc khi một cộng đồng hỗn hợp đã có chung một “tiếng nói”!

Bị nhóm lưu manh tấn công trong những năm học phổ thông là một tai nạn nghiêm trọng trong đời tôi. Tuy nhiên, những gì học được từ việc “lấy chí nhân thay cường bạo” đã cho tôi thêm nghị lực. Thế mới biết đem ánh sáng của chúng ta soi rọi vào thế giới tối tăm của kẻ khác sẽ tạo nên một sự khác biệt bất ngờ.

ERIC ALLENBAUGH

Hành động dũng cảm

Mọi học sinh ở trường trung học phổ thông Monroe đã chứng kiến chuyện ấy. Nhưng không ai sẵn lòng ra tay. Không một ai.

Giờ cơm trưa ở trường trung học phổ thông Monroe luôn luôn diễn ra như thế. Khi tiếng chuông chấm dứt tiết học cuối cùng của buổi sáng vang lên, tất cả học sinh đều ùa về phía những ngăn tủ cá nhân. Sau đó những ai không ăn trưa tại nhà ăn sẽ mang túi đựng cơm trưa của mình đi về phía sân trung tâm. Sân trung tâm là một khoảng sân bê-tông rộng hình vuông, không cây cối xung quanh, nằm ngay giữa khuôn viên trường. Đó là nơi gặp gỡ và ăn uống.

Rất đông học sinh đang tập trung xung quanh sân trung tâm. Nhóm nghiện thuốc lá ngồi thành hàng ở bìa phía nam. Nhóm mê nhạc rock ngồi kế bên đó. Bên bìa phía đông là những học sinh cùng màu da. Kế bên là dân mọt sách và học giỏi. Dân chơi jockey thì đứng ở phía bắc, kế bên dân lướt sóng. Bọn học sinh thô lỗ ở bìa phía tây. Dân hoạt động xã hội thì ngồi trong nhà ăn. Ai cũng có vị trí của mình, không có mối quan hệ thân thiện nào giữa các nhóm. Nhưng tình hình căng thẳng như thế chỉ diễn ra ở chu vi sân trung tâm vào giờ ăn trưa, còn phía trong sân vẫn yên ổn, vì không ai dám đặt chân vào.

Không một học sinh nào ở trường Monroe dám bước ngang qua sân trung tâm. Muốn đi sang phía sân đối diện, bọn học sinh phải đi vòng theo chu vi sân, vòng qua mọi người để tránh những ánh mắt xoi mói. Ai cũng biết mình phải làm gì.

Rồi đến một ngày đầu xuân nọ, có một nữ sinh mới chuyển đến trường Monroe. Đó là Lisa. Không những chưa rành rẽ về ngôi trường, mà thực ra, ngay cái tiểu bang này cũng rất xa lạ đối với Lisa. Mặc dù tỏ ra dễ gần, nhưng Lisa vẫn chưa làm quen được với ai, cũng bởi dáng người hơi “quá khổ”, tính hay cả thẹn, và trang phục thì… chẳng hợp mốt tí nào.

Lisa mới được nhận vào trường sáng hôm đó và phải tất tả suốt cả buổi sáng để tìm cho ra những lớp học của mình. Lisa vào trễ một vài tiết, và hết sức bối rối. May mà các thầy cô đều thông cảm cho một học sinh mới dù không tỏ ra thân thiện cho lắm. Cũng có vài thầy bực mình; lớp của họ đã quá đông rồi, bây giờ lại phải nhận thêm học sinh mới với đủ thứ thủ tục rắc rối.

Nhưng rồi buổi học sáng cũng trôi qua suôn sẻ. Khi nghe tiếng chuông báo hết tiết học, Lisa thở phào và nhập vào đám học sinh xô bồ trong hội trường. Lisa len lỏi một cách khó khăn để đi đến tủ cá nhân của mình và phải thử đi thử lại mã số khóa đến bốn năm lần thì ổ khóa cửa tủ mới chịu bật mở ra. Đứng trước tủ, Lisa quyết định mang theo hết số sách vở của buổi học chiều khi đi ăn trưa. Lisa nghĩ ăn trưa tại cầu thang cạnh bên lớp học kế tiếp vào buổi chiều thì sẽ khỏi phải mất công quay lại mở tủ một lần nữa.

Vì vậy Lisa đã bắt đầu chuyến đi bộ dài nhất trong đời mình – đi ngang qua sân trường để đến lớp. Bắt đầu là đi xuyên qua hội trường. Bước xuống cầu thang. Đi ngang qua bãi cỏ kế tiếp. Băng ngang qua vỉa hè. Băng ngang sân trung tâm.

Vừa rảo bước, Lisa vừa đổi tay ôm những cuốn sách nặng trĩu, để đỡ nặng tay đang cầm phần cơm trưa. Lisa đã mang theo quá nhiều sách; cuốn sách trên cùng cứ chực rơi, khiến cô phải luôn dòm chừng, trong khi phải liên tục đổi tay, vừa giữ chặt các cuốn sách, vừa lếch thếch bước về phía trước, chẳng màng đến những người xung quanh.

Bỗng dưng Lisa cảm thấy một điều gì đó khác lạ: không khí sân trường bỗng im lặng một cách kỳ quái. Một cảm giác kinh hãi không tên bao trùm lấy cô. Dừng lại, cô ngẩng đầu lên.

Hàng trăm cặp mắt đang nhìn trừng trừng vào Lisa. Có những ánh mắt độc ác, đầy căm ghét. Có những ánh mắt không chút thương hại. Có những ánh mắt giận dữ. Lisa chết lặng, choáng váng, điên đảo. Trong óc cô như có tiếng hét “Không! Không! Đừng nhìn tôi như thế!”

Những gì diễn ra tiếp theo khó ai có thể nói chắc được. Sau này có người nói Lisa để rơi một cuốn sách, nên cô khom người xuống nhặt chúng lên, và mất thăng bằng. Có người nói Lisa bị vấp chân. Nhưng chuyện đó xảy ra như thế nào thì đâu có quan trọng gì.

Lisa lết đến vỉa hè, nhưng lại ngã vật ra giữa sân trung tâm.

Sau đó tiếng cười bắt đầu rộ lên, rồi lan nhanh như một dòng điện làm rung động vòng người xung quanh sân, vang lên cái âm sắc dữ dội bao vây lấy nạn nhân.

Và Lisa vẫn nằm im.

Các ngón tay từ mọi phía chỉ vào cô, và những lời thô tục bắt đầu vang lên một cách thích thú, cùng với sự điên cuồng vô tâm: “Ê ! Ê! Ê !”

Nhưng Lisa vẫn nằm đó.

Từ ngoài bìa sân, một bóng người từ từ đứng lên. Một nam sinh cao lớn, bước đi vững vàng, như thể anh đang đo từng bước chân của mình. Anh đến nơi mà các ngón tay đang chỉ vào. Khi nhiều học sinh khác dần dần nhận ra sự xuất hiện của một bóng người ở sân trung tâm, tiếng la hét nhỏ dần, và sau đó ngưng hẳn. Im lặng bao trùm đám đông.

Anh lặng lẽ bước đi, đĩnh đạc hng, mắt hướng vào cái dáng hình đang nằm trên sân bê-tông.

Khi anh đến bên cô gái, tất cả mọi người như nín thở. Anh quỳ xuống, nhặt gói thức ăn trưa cùng những cuốn sách rơi vãi, sau đó anh đặt bàn tay mình dưới cánh tay của cô gái và nhìn vào mặt cô. Cô đứng dậy.

Anh đỡ cô gái bước băng qua sân trung tâm và đi xuyên qua vòng người kia khiến họ phải dạt ra nhường chỗ.

Vào ngày hôm sau, có một chuyện kỳ lạ xảy ra vào giờ cơm trưa ở trường phổ thông trung học Monroe. Ngay khi chuông báo hiệu hết tiết học sáng vừa reo lên, các học sinh chạy ùa về phía tủ cá nhân của mình. Sau đó những ai không ăn trưa tại nhà ăn đều mang theo phần cơm của mình băng ngang qua sân trung tâm.

Từ mọi phía sân trường, từng nhóm học sinh qua lại thoải mái trên sân trung tâm. Không ai có thể giải thích được tại sao bây giờ bọn học sinh lại phá lệ như thế. Và nếu có khi nào ghé thăm trường phổ thông trung học Monroe, bạn sẽ thấy như thế.

Câu chuyện này xảy ra đã lâu. Thậm chí tôi cũng không hề biết tên anh bạn dũng cảm kia. Nhưng bất cứ ai có mặt ngày hôm đó đều không bao giờ quên được hành động của anh ấy.

Không một ai.

CHRIS BLAKE

Được LEON BUNKER gửi tới

Tung cánh giữa bầu trời cao rộng

Bạn được sinh ra với đôi cánh. Cớ sao bạn không bay mà lại bò?

Runi

Đối với những đứa trẻ bất trị, nhiều người lớn cho là “Nhân chi sơ tính bổn ác”, và có lẽ bạn đã từng nghe câu ngạn ngữ “Một con chim gãy cánh thì không thể nào bay cao được.” Tôi chắc là Ware đã bị người ta gieo cho cái mặc cảm ấy trong suốt thời đi học.

Khi bắt đầu lên cấp hai, Ware đã nổi tiếng ba gai. Các giáo viên thường lắc đầu ngao ngán khi thấy tên của Ware trong danh sách lớp mình sẽ dạy ở học kì tới. Ware không thích trò chuyện với ai, thầy cô hỏi đến cũng chẳng buồn trả lời và chỉ biết gây sự đánh nhau với bạn học. Ware gần như trượt hết tất cả các môn khi bắt đầu vào học năm cuối bậc trung học phổ thông. Tuy vẫn lên lớp đều đều, nhưng điều đó không có nghĩa là Ware ngày một tiến bộ hơn.

Tôi gặp Ware lần đầu tiên tại một buổi tập huấn cuối tuần về nghệ thuật lãnh đạo. Tất cả học sinh đều được mời tham gia vào chương trình huấn luyện của Hội đồng Giáo dục Quốc gia, một chương trình nhằm giúp học sinh quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn. Trong 405 học sinh đăng ký, có cả Ware. Để chuẩn bị cho buổi tập huấn đầu tiên, các nhà lãnh đạo của Hội đồng báo cho tôi biết tình hình chung về những học sinh tham gia: “Hôm nay chúng ta được tiếp xúc với đủ dạng học sinh, từ hội trưởng hội học sinh cho đến Ware, một tiểu tử có thành tích bất hảo nhất trong lịch sử của ành phố này”. Tất nhiên, tôi biết rằng mình không phải là người duy nhất được nghe những lời giới thiệu không mấy hay ho về Ware.

Ngay từ những phút đầu của buổi tập huấn, Ware đã bỏ chỗ ngồi của mình, đứng tựa lưng vào tường lớp học đối diện, vênh mặt thách thức: “Cứ nói nữa đi xem có thủng màng nhĩ thằng này không”. Ware miễn cưỡng nhập vào các nhóm thảo luận, và không thèm quan tâm đến những lời phát biểu của các bạn cùng nhóm. Nhưng dần dần, những trò chơi tương tác đã xóa bỏ khoảng cách giữa Ware và các bạn. Không khí của các buổi sinh hoạt đã thật sự ấm dần lên khi các nhóm bắt đầu lập một bản thống kê những hiện tượng tích cực và tiêu cực nảy sinh trong năm tại nhà trường. Ware đưa ra những nhận định hết sức thiết thực về các hiện tượng ấy khiến các bạn cùng nhóm nhiệt liệt hoan nghênh. Đột nhiên, Ware nhận ra mình là một phần tử không thể tách rời khỏi nhóm, và đến lúc này mọi người đã xem Ware như trụ cột của nhóm. Ai cũng chăm chú lắng nghe khi Ware phát biểu những suy nghĩ đầy ý nghĩa. Quả thật Ware là một học sinh nhạy bén và có những ý tưởng thật độc đáo.

Hôm sau, Ware còn chứng tỏ mình là một người năng động trong mọi lĩnh vực. Vào cuối buổi tập huấn, Ware đã tham gia vào tổ Dự án Vô gia cư, vì hơn ai hết, Ware biết thế nào là đói nghèo và tuyệt vọng. Những ý tưởng và sự quan tâm nhiệt thành của Ware về vấn đề này đã thu hút các thành viên trong tổ Dự án. Họ đồng tình cử Ware giữ chức đồng trưởng nhóm vì ngay cả chủ tịch hội đồng học sinh cũng phải hỏi ý kiến Ware.

Thế nhưng vào sáng thứ hai, khi vào trường, Ware đã gặp phải một phản ứng dữ dội. Một số giáo viên phản đối thầy hiệu trưởng về việc Ware được bầu làm đồng trưởng nhóm. Tổ Dự án Vô gia cư đang tiến hành dự án đầu tiên là vận động quyên góp lương thực trên quy mô lớn. Và những giáo viên ấy không được tin rằng ông hiệu trưởng lại có thể giao phó công việc khởi đầu của kế hoạch ba năm quan trọng này cho một đứa bất trị như Ware. Họ nhắc nhở ông hiệu trưởng: “Thằng nhỏ có một thành tích bất hảo không thể nào kể hết. Coi chừng hắn lại tuồn mất một nửa số thực phẩm thu được cho mà xem.” Thầy hiệu trưởng Coggshall cũng nhắc họ rằng, chương trình của Hội đồng Giáo dục Quốc gia nhằm mục đích phát hiện bất cứ niềm đam mê tích cực nào của học sinh và động viên các em thể hiện cho đến khi có sự chuyển biến thực sự. Kết thúc cuộc họp các giáo viên lắc đầu ngao ngán; họ ra về và khăng khăng cho rằng chương trình chắc chắn sẽ thất bại.

Hai tuần sau, Ware và các bạn dẫn đầu một nhóm 70 học sinh thực hiện cuộc vận động quyên góp thực phẩm. Và các em đã tạo nên một kỳ tích: 2.854 hộp thực phẩm được quyên góp chỉ trong vòng có hai tiếng đồng hồ. Số thực phẩm này đủ để chất đầy các kệ ở hai trung tâm quyên góp gần đó và đủ cung cấp cho những gia đình khó khăn trong vùng trong vòng 75 ngày. Ngay ngày hôm sau, tờ báo địa phương đã dành cả một trang viết về sự kiện này. Người ta đã dán bài báo này lên bảng tin chính trong trường, nơi ai cũng có thể nhìn thấy. Bên cạnh là hình của Ware, người đã tạo ra một kỷ lục tuyệt vời trong cuộc vận động quyên góp thực phẩm. Mỗi ngày người ta đều nói về những việc Ware đã làm được và công nhận cậu bé là ông tướng có tài lãnh đạo.

Ware bắt đầu đi học đều và trả lời các câu hỏi của thầy cô. Sau đó, Ware lại dẫn đầu một dự án thứ hai: vận động quyên góp 300 cái mền và 1.000 đôi giày cho những người vô gia cư. Thành tích mới nhất của Ware là quyên góp được 9.000 hộp thực phẩm trong vòng một ngày, giải quyết cái ăn cho 70% dân nghèo ở địa phương trong một năm.

Thành công của Ware cho chúng ta thấy đôi cánh gãy của con chim cần phải được điều trị. Một khi đã lành lặn, con chim ấy có thể sẽ bay cao hơn những con chim khác. Ware đã tìm được một công việc thích hợp chứng tỏ mình là người rất có năng lực. Và bây giờ Ware đã có thể tung cánh giữa bầu trời cao rộng này.

JIM HULLIHAN

Bạn đang đọc Tôi đã tập hôn như thế nào của Nhiều tác giả
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 15

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.