Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

....

Phiên bản Dịch · 5111 chữ

37. Thục Lai nghịch đùa thơ mèo chuột,

Thiên Hoa Nương hội đón Quỳnh Hoa.

Khỏi bờ đê, tới ngã ba, chàng đổi ý kiến, đỏ đường đi Kinh Bắc, đi vào đường dọc bờ đê. Đột nhiên, muốn thăm mấy người bạn cũ, và yết kiến giáo sư Lương Sĩ Quý, tác giả mấy bản điều trần gửi Chúa Trịnh để canh tân đất nước. Lương tiên sinh ở làng Thượng...Thượng Cát hay Thượng Sa không nhớ rõ, mở trường học theo mẫu mực Trấn Bắc, nhưng phạm vi hoạt động hẹp hơn. Dạy quốc ngữ mới và nhiều khoa thực tập. (Sau này trường Thượng Cát sát nhập Trấn Bắc khi Lương Sĩ Quý được bầu làm Đại sư Hiệu trưởng Trấn Bắc). Lương tiên sinh có hai con gái: cô lớn, tên Thục Lai, đồng niên tuế với Nguyên Thái, cô em, Thúy Quyên, còn nhỏ.

Lương Thục Lai xinh đẹp, đôi mắt tròn to, tinh nghịch, nổi tiếng văn chương châm biếm. Nguyên Thái một thời say mê nàng Thục Lai. Cá tính vui đùa của Thục Lai cũng chuyền sang Nguyên Thái phần nào. Mối tình ngây thơ con trẻ học sinh.

Để chứng dẫn cá tính vui đùa tinh nghịch của Lương Thục Lai, xin độc giả hãy nghe câu chuyện sau đây, hồi Lương Thục Lai mới hơn mười tuổi.

Lẽ dĩ nhiên, Luơng tiên sinh không đích thân dạy học các con, cho nên Thục Lai và Thúy Quyên đều học ở trường làng do một thầy đồ Nghệ phụ trách. Thục Lai, phía học trò gái, là thủ lĩnh bọn tinh nghịch. Không tinh nghịch như bọn con trai, đi đập những ông bình vôi gốc cây đa, bên miếu cổ, không đi phá phách, dọa nạt ai, nhưng Lương Thục lai tinh nghịch văn chương.

Nguyên Thái thì chìm đắm trong vô danh ở bên bọn tron trai vì nổi tiếng là hiền lành, ngoan ngoãn. (Nay chúng ta mới hiểu cái hiền lành ngoan ngoãn lúc ấy chỉ là hiểu cái trốn tránh vào suy tư thầm kín mà kết quả là những quyết định ngang tàng khác thường về sau. Nguyên Thái đã đi xa hơn các bạn đồng môn).

Một chuyện tinh nghịch văn chương mà thủ phạm là Lương Thục Lai, chính chàng chứng kiến, đã làm cho chàng say mê cô bạn gái, say mê theo kiểu những mối tình ngây thơ con trẻ. Nay nhớ lại chuyện ấy, nên chàng quyết định rẽ qua làng Thượng, chủ tâm đến thăm cô bạn học.

Hôm ấy, trong lớp học, thầy đồ mệt mỏi, sau một đêm dài đánh bài với tộc biểu, khuỷu tay tì lên gối xếp, khăn quấn lệch lạc, mắt lim dim, cầm roi mây dài hơn trượng, chỉ huy đàn trẻ ngồi xếp chân bằng tròn chung quanh. Đã gần trưa, thầy quên giờ giấc. Đến bữa, học trò bắt đầu đói meo, nóng ruột muốn tan trường.

Cuối sập, một mâm cơm sẵn sàng chờ thầy. Cơm nóng, canh ngọt, một đĩa thịt kho tàu và một con cá rán hấp dẫn, nằm ngang trên đĩa. Trên bàn gần, con mèo tam thể, đôi mắt thèm muốn rình mò. Nó cũng sợ cái roi mây của thầy. Góc nhà lấp ló một con chuột, con tí bự, to hơn cả con mèo.

Thầy đồ Nghệ xa nhà, ưa thích các bài Đường thi tả những tình cảm tha hưong. Thầy thích những câu:

« Bất hướng Đông sơn cửu

Tường vi kỷ độ hoa »

(Đã lâu không về Đông Sơn, hỏi cây tường vi đã mấy lần nở hoa) của Lý Bạch.

Khi thầy giảng đến câu này, Thục Lai lẩm bẩm: Tường Vi ? Tường Vi ? hoa nào đây, nếu Tường Vi là cô (vợ thầy đồ) thì nở hoa sao được ? Vì thầy ở đây. Hay là thầy lo sợ...chuyện gì ?

Thầy cũng thích câu:

Yên ba giang thượng xử nhân sầu...của ai, không nhớ (Khói sương làm người ta buồn rầu...) ThụcLai trêu chọc nói với mấy cô bạn gái. Anh chàng Nguyên Thái luôn luôn nghe trộm:

Khói sương nào ? Khói thuốc lào...thầy vừa nhả ra sau khi xử dụng cái điếu cần đáng ghét. Thục lai ghét mùi thuốc lào, ghét cả anh đồng môn lăng xăng phụ trách điếu đóm.

Chúng ta trở lại cảnh tượng mâm chờ sẵn, mèo, chuột rình mò. Thầy gọi Thục lai trả bài « Phong Kiều Dạ Bạc » của Trương Kế.

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Yên ba giang thượng xử sầu miên!(1)

Cô tô thành nội, Hàn sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

( Nửa đêm nghe tiếng chuông của Chùa Hàn Sơn trong Thành Cô Tô « bay » đến tai lữ hành trong thuyền...)

Thục Lai đãng trí quên mất câu thứ hai, nàng đọc:

Yên ba giang thượng xử sầu miên...Sương khói trên mặt sông làm cho mình sầu miên mang..nói chung là râu ông này cắm cằm bà kia! Tuy nhiên thầy không để ý, vì thầy chỉ nghe thấp thoáng âm thanh những câu thầy ưa thích...

Thầy càng lim dim đôi mắt, có thể đã đi sâu vào một mộng mo tớI xứ Nghệ xa xăm...

Thục Lai đọc tiếp lần thứ hai, đổI thứ tự của hàng chữ:

Nguyệt lạc, sương đề, ô mãn thiên: nghĩa là Trăng lặn, sương kêu, quạ đầy trời, thay vì:

Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên: Trăng lặn, quạ kêu, sương tỏa đầy trời.

Thục Lai chờ đợi phản ứng của thầy, trong khi học trò nam nữ bấm bụng cười thầm.

Thầy vẫn im lìm giấc mộng. Thục Lai đánh đòn chót: Nàng quay lại nháy mắt với lũ bạn học, rồi nhìn con tam thể, với giọng ngây thơ trong như nước suối, nàng đọc:

- Dạ thưa thầy đây là con Mèo, con Chuột của Tương Kế Tựu Kế...

Chẳng may chú thử cũng rình thèm

Ô hô trông lại: chàng ti tự (1)

Chốc thoáng miệu ta đảo mất liền.. »

Hết đọc thầy bỗng tỉnh giấc nồng:

- Được, đáng khen, hôm nay Thục Lai thuộc bài, cho năm khuyên đỏ! -

Đó là khía cạnh tinh nghịch của Thục Lai. Nàng đã đọc một bào thơ hài hước mà âm thanh gần giống như bài thơ nguyên văn. (Ngày nay bài thơ hài hước này làm chúng ta liên tưởng đến hoạt họa Tom và Jerry!!! Con miêu sợ con tí bự bỏ đi đâu mất).

Nguyên Thái gần đến nơi, nhìn làng Thượng, trái tim rung động, nóng ruột rảo bước, muốn mau mau nhìn thấy cô bạn học tinh nghịch nhưng giàu tình cảm. Sự thực chàng cũng không biết gặp với dự định gì, nhưng nhìn lại trường xưa, người cũ, vẫn là cái thích thú của con người phiêu lưu. Người cũ, không riêng chỉ là Thục Lai, là cả các bạn khác, và nhất là Đào Đức Trình, bạn thân, thực thân dù Đức Trình hơn chàng ít ra năm sáu tuổi.

Đào Đức Trình không phải là học trò sinh ở làng Thượng. Tốt nghiệp Trấn Bắc, chàng về làng Thượng để phụ tá Lương tiên sinh trong việc phác họa một chương trình chi tiết về đề nghị cải tổ chính trị toàn diện, đối nội, đối ngoại...nhất là về đối ngoại đề cao chính sách Trấn Bắc, ngoại giao muôn mặt, không dành riêng ưu tiên cho một ngoại quốc nào...điều kiện duy nhất để giữ nền độc lập quốc gia.

Đức Trình, trong trường làng, phụ trách các môn học thực tiển về nông, về toán, về y dược, về các công trình kiến tạo, về công nghệ, về doanh thương.

Gặp bạn, Nguyên Thái vui mừng, hết cả mệt mỏi đường xa, nhưng một mối buồn tràn ngập tâm hồn.

Học sinh ngày càng vắng đi. Ở đây, gần Kẻ Chợ, mà chương trình dạy học không giúp học sinh đi vào trường cổ điển để bảng vàng rực rỡ tiếp sau là hoạn lộ, vẻ vang cho gia đình, làng xóm...

Còn về Thục Lai? Con tim Thục Lai đã bị Đức Trính chiếm đóng.

Nguyên Thái và Đức Trình gặp nhau, vui mừng không giấu. Đó là đôi bạn cố tri, tâm tình, tuy Trình hơn Thái năm, sáu tuổi. Đức Trình cho Nguyên Thái coi tập thơ Thục Lai gửi cho chàng. Cố ý để gián tiếp bảo người bạn trẻ thôi đừng vào « cấm địa » hay chỉ là nối tiếp những chuyện tâm tình khi xưa? Không biết.

Cách thức gửi thư tình của đôi hiệp sĩ Đức Trình, Thục Lai, kể cũng khác người.Nguyên Thái cách đây mấy năm là đồng môn của Thục Lai, ngày nào cũng gặp nhau. Nhưng khi Đức Trình đến làng Thượng giúp việc Lương tiên sinh, thì Thục Lai đã thêm mấy tuổi, lẽ dĩ nhiên, nàng không đến trường nữa, ít khi ra khỏi Lương gia, theo như lễ giáo đương thời.

Đức Trình nghe danh giai nhân, rồi vài lần thoáng thấy sau màn the, khi đến sảnh đường Lương gia. Chàng say mê người trong mộng ấy! Thế rồi một chiều kia, thấy mỹ nhân đọc sách bên gốc đào. Hàng rào xanh quấn quít tơ hồng rồi đến giàn hoa lý khá cao làm chàng cách bức người đẹp. Cảm hứng, chàng làm một bài thơ, quấn vào mũi tên, giương cung, tính giác xạ đạo...từ sân trường nơi chàng đứng, bắn lên không trung. Mũi tên bay lên trời xanh rồi rơi xuống phía vườn Lương gia. Thục Lai nghe tiếng gió, nhìn thấy mũi tên từ trên không trung bay xuống. Xạ đạo được xạ thủ tính kỹ càng, lẽ dĩ nhiên không làm tổn thương người đẹp. Nhưng người đẹp được dịp vui chơi, trong nháy mắt, nàng vươn dậy, dang tay bắt mũi tên, trước khi mũi tên cắm xuống bãi cỏ. Bên sân trường, Đức Trình nhìn thấy giật mình: chưa ai nói cho chàng trình độ võ học của người đẹp. E ngại, hồi hộp, không biết phản ứng của giai nhân ra sao? Đợi chờ! Cô nàng Thục lai thừa biết anh chàng nhờ cung tên đưa thư, giả vờ không để ý đến mảnh giấy trắng quấn quanh mũi tên. Nàng vứt mũi tên sang bên rồi tiếp tục đọc sách. Hồi lâu sau, nàng đứng dậy, cúi nhặt mũi tên, bước lên thềm nhà.

Một đêm lo lắng của Đức Trình. Chàng đã làm một việc « phi luân » ! Chắc nàng mang mũi tên và bài thơ mách thân phụ. Sáng ra trường, gặp Lương tiên sinh, không thấy tiên sinh nói gì, vẫn hàn huyên với chàng như thường lệ. Thế là hy vọng bắt đầu. Đây là bài thơ Đức Trình gửi Thục Lai:

Gửi lân gia mỹ nhân

Lân gia thục nữ kín trang đài

Chàng khóa sân Trình thương nhớ ai?

Giấy trắng, vì nàng quên nét bút

Phòng trai, gấp sách khất nay mai.

Tương tư mực bút theo người đẹp

Sầu muộn văn chương, chuyện một hai

Muốn đốt Tần san, đường vào Thục

Cùng ai giồng trúc, ghép bên mai

Đào Đức Trình

Tuy thuộc phái canh tân mà trong thơ văn Đức Trình vẫn dùng điển tích Trung Hoa. Có thể nói là ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở trong tâm khảm. Nguyên Thái trong Viễn Trình Nhật Ký có phê bình: những cái hay cái đẹp của từng nguồn văn hóa, giữ hay bỏ, chẳng phải là vấn đề quan trọng. Đức Trình đã dùng: sân Trình, sân nhà trường...chàng muốn đốt con đường gỗ độc đạo treo bên sườn núi để đi vào xứ Thục do Tần xây dựng lên để chinh phục Hán...ý nói để dành người đẹp trong đất Thục, đốt chặn đường vào, để không còn ai cạnh tranh với chàng, để cùng nàng nghĩ chuyện trúc mai (chuyện vợ chồng).

Vài ngày sau, Đức Trình nhận được thơ trả lời, thơ hồi âm cũng theo mũi tên bay lên không trung rồi rơi xuống sân trường:

Trả lời chàng khóa

Tần mây kín khóa một trang đài

Bức cách Lai, Trình, sân nhớ ai?

Ngần ngại chẳng trao duyên mực bút,

Chắc đâu duyên ấy trúc bên mai

Tuân theo phụ mẫu quyền thu xếp

Bảng tỏ khoa danh hãy một hai.

Lần lữa chẳng quên nan Thục Đạo

Vân long hội khánh chúc nay mai.

Lương Thục Lai kính bút

Đào Đức Trình bồng bột, đọc thơ trả lời, càng thêm buồn rầu, bệnh tương tư càng thêm nặng, thầm trách nàng đã ngần ngại trong việc trao duyên, và đặt điều kiện phải bảng vàng tiểu đăng khoa rồi mới được đại đăng khoa.

Một tình trạng nghịch lý. Đào Đức Trình đến đây để cùng Lương tiên sinh xây dựng một nền giáo dục mới, không có mục đích cho học trò lều chõng đi thi. Nghĩ lại, thì ra đó chỉ là một cuộc vui chơi văn chương, mà Thục Lai ưa thích. Thục Lai đã gửi cho chàng một bài thơ có bẫy. Nhìn qua sân trường, thấy Đào Đức Trình buồn rầu thất vọng, nàng mới nhớ ra chàng trai « hiền lành thực thà » kiểu người mạn ngược. Một người trung thực, quãng đại, minh chính. Với những đức tính ấy, về sau này chàng đã được đề cử làm trưởng ban nhiếp chính các đợt Diên Hồng (đã nói ở đầu chuyện). Cô gái tinh nghịch hay đùa cợt là nàng Lương Thục Lai thấy chàng trai mà bọn học sinh trêu chọc mệnh danh là Thầy Giáo Thổ Mừ, lại dùng văn chương tỏ tình, nàng, thoạt đầu chỉ là chuyện vui chơi, họa thơ của chàng trai, nhưng lại là bài thơ đặt bẫy như trên đã nói. Sau này cuộc vui chơi văn chương ấy dần dần đưa nàng vào bẫy tình hết đường ra...lúc nào, từ lúc nào, nàng không hay biết!

Cũng dùng những điển tích khá nhiều, nhưng không có tính cách đặc biệt như ánh văn Thành Hồ, Tuyết Tâm, nên chúng tôi không chép vào đây.

Thấy chàng xấu hổ vì bài họa, Thục Lai gửi cho chàng hai câu thơ mách nước:

Sông Tương bến đẹp con thuyền đậu

Gió thơ xuôi ngược đến Trần Châu

Lương Thục Lai tái bút

Chàng đỏ mặt vì quá hồ đồ không biết là nàng đã gửi cho chàng bài thơ thuận nghịch

Chàng đọc lại: (đọc ngược bài thơ trên)

Mai nay chúc khách hội long vân

Đạo Thục nan quên chẳng lữa lần

Hai một hãy danh khoa tỏ bảng

Xếp thu quyền mẫu phụ theo tuân

Mai bên Trúc ấy duyên đâu chắc

Bút mực duyên trao chẳng ngại ngần

Ai nhớ sân Trình, Lai cách bức

Đài trang một khóa kín mây Tần

Nàng chúc chàng mau thi đỗ, nhưng cũng nhắc chàng, tuy khó khăn nàng cũng giữ gìn « Thục Đạo » cho chàng, lại còn « mách nước » ( phải được lòng nhạc mẫu thì mọi việc xong xuôi (xếp thu quyền mẫu, phụ theo tuân!)Mai trúc, phận vợ chồng là duyên số, đâu hiện chắc, nhưng duyên văn tự cứ việc trai chàng, chẳng ngại ngần! Thực là trái ngược khi thuận độc...Đã đành sân Trình có nhiều khóa sinh khác, nhưng ở Thục Lai, Mây Tần, mỹ nhân vẫn đóng kín ở Đài trang, đừng có lo...

Mấy ngày ở lại làng Thượng, không có chuyện gì quan trọng. Nguyên Thái có dịp đàm đạo với Lương Sĩ Quý, được biết tiên sinh sắp đi nhận chức vụ Đại sư hiệu trưởng Trấn Bắc, tiên sinh muốn chàng mau về trường. Một ý nghĩ hơi đên tối thoáng qua trí óc. Thục Lai và Đức Trình liên lạc thơ văn đã mấy năm, nhưng nàng vẫn khất lần ngày thành hôn. Nếu nàng theo cha mẹ đi Trấn Bắc, thì chàng lại có hy vọng nộp đơn.

Ý nghĩ chỉ thoáng qua, khi trở về gặp Đức Trình, chàng lại thương bạn, chàng cáo từ, sửa soạn khăn gối lên đường, cảm tưởng vô lý nhưng làm một hy sinh to tát!

Đang sửa soạn thì có một tiểu đồng mang đến danh thiếp của Thiên Hoa Nương, xóm Đông, mời hai người dự dạ hội Quỳnh Hoa đêm mai. Đức Trình nhất định giữ bạn, vả lại Nguyên Thái cũng biết Thiên Hoa Nương xóm Đông là một thiếu phụ đặc biệt. Đã ngoài ba mươi, chưa hề lập gia đình. Tài riêng là trồng hoa, ghép hoa, gây ra nhiều thứ hoa lạ. Chuyên gia trồng lan, các thứ lan và mấy thứ hoa quí hiếm.

Thường thường hoa quỳnh chỉ nở đêm hè, mà nay mùa lạnh, nàng mời dự Quỳnh Hoa Dạ Hội? Đức Trình bảo Nguyên Thái:

- Đối với Thiên Hoa Nương thì hoa nở không mùa! -

Tên « Thiên Hoa Nương » là người đời gán cho. Nàng họ Đào, tên Thị Hạnh, một thân thế cũng đặc biệt. Cách đây gần hai chục năm, nàng ở phủ Kinh Môn, nơi nguyên quán. Hoa khôi của phủ, nàng bị tuyển đem đi cung Phủ Trịnh. Cần nhắc lại, việc tuyển chọn cung phi cho phủ Trịnh và cung Lê là một hoạt động quan trọng của bọn quan liêu. Chúa hay vua cũng thế, không đích thân lựa chọn cung phi. Có khi trong cung hàng mấy trăm cung phi chờ đợi xe dê dẫn ngài ngự đến phòng. Nhưng ngài ngự không lúc nào cũng có sức lực như con gà trống trong sân nuôi gà vịt. Thế là có cung phi đến già cũng không thấy « mặt rồng ». Ảnh hưởng chính trị không nhỏ. Vị quan nào tuyển được một cung phi mà vua hay chúa say mê, sẽ khuếch trương quyền thế,« sai bảo » vua hay chúa qua cung phi ấy...

Trong lịch sử nước ta, và nước Trung Hoa, những chuyện đổ vỡ chính trị, vì các cung phi và bọn nội giám lộng quyền, không đếm nổi. Nếu chúa Trịnh Sâm khó khăn về tranh chấp về Dương Hậu và Đặng Phi...thì con cháu Chu Nguyên Chương, thủy tổ nhà Minh, cũng bị bọn nội giám chuyên quyền. Tác phẩm Cung Oán ngâm khúc nói lên cái thất vọng vô biên của cung phi bị « bỏ quên »...

Xin lỗi độc giả, nói chuyện trên để giải thích chuyện nàng Thị Hạnh trong vài dòng sau đây:

Khi được quan phủ Kinh Môn bào nàng « được » tuyển vào phủ chúa, nàng vô cùng thất vọng. Mấy lần định bỏ đi, nhưng e liên lụy đến song đường, nàng đành thúc thủ. Người bạn lòng, Đỗ Đình Sơn, đau buồn sinh bệnh. Thị Hạnh có trình với quan phủ là đã đính hôn với Đình Sơn, nhưng quan phủ nói như vậy là trái phép, bởi vì, dù cha nàng không phải là đương quan, nhưng chức phủ hàm cũng coi tương tự. Như vậy, nàng Đỗ Thị Hạnh, không có quyền đính hôn với ai trước 17 hay 18 tuổi! Khi nào đến tuổi, không phải tuyển vào cung chúa hay cung vua, mới được tư do kết hôn. « Phép nước » là thế. Đôi trẻ Hạnh, Sơn, vô kế khả thi, nhiều lần muốn liều lĩnh cùng nhau tự do « chung đôi », nhưng không dám, vì con gái được tuyển vào cung mà mất trinh thì bố mẹ mất đầu...Tri phủ đe doạ bắt Sơn đi lính thú thành ra Hạnh khuyên Sơn nhẫn nại đợi chờ.

Ngày lành tháng tốt đã đến. Hoa khôi Kinh Môn, Đỗ Nương, lên kiệu hoa về Kẻ Chợ. Từ Kinh Môn đến Kẻ Chợ không phải một ngày đến nơi, mà ít nhất ba bốn ngày, dù kiệu hoa có quân binh hộ vệ hỏa tốc.

Trong kiệu hoa, không phải một mình người đẹp Kinh Môn, còn hai người nữa ở hai huyện lân cận.

Khỏi địa hạt Kinh Môn, khi tới Đông Triều (nơi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, mà toàn gia Nguyễn Trãi bị phe chính trị đối lập sát hại), kiệu hoa bị cướp chặn đánh.

Bọn cướp khoảng mười lăm người, dáng dấp trẻ trung, đều bịt mặt nạ đen, võ phục màu đen. Tướng cướp oai phong trên mình ngựa, hét bảo bọn quan quân hàng phục, bọn này chỉ muốn cướp kiệu hoa. Bọn quan quân không thể hàng phục, họ cho là thừa lực chống cự. Cho nên cuộc chiến đấu kéo dài gần hai giờ. Bọn cướp dũng mãnh, anh hùng.

Bọn quân chính quyền tử thương hơn mười người, còn bọn cướp năm người...Sau cùng, quân chính quyền bỏ chạy. Kiệu hoa bỏ lại bên đường. Tướng cướp lại bên kiệu vén mành và gọi lớn:

- Đỗ huynh ! Đỗ huynh ! -

Không có tiếng trả lời. Tướng cướp kiểm điểm mấy bạn tử thương. Thì ra Đỗ Đình Sơn được bạn giúp cướp kiệu hoa đã qua đời trong trận này. Vừa lúc nàng Đào Thị Hạnh bước ra khỏi kiệu hoa, nhận ra người tình vì mình bỏ thân, nàng ôm thi thể khóc thảm thiết, rồi trong lúc bất ngờ, dùng ngay kiếm của Sơn tự vẫn. Tướng cướp không kịp can ngăn, đành cùng đồng bọn mang những người tử nạn về sào huyệt chôn cất.

Về đến nơi, bà mẹ của thủ lĩnh sơn lâm thấy Đỗ Thị Hạnh còn thoi thóp tuy mất nhiều huyết. Bà cũng là bực lương y, chữa cho nàng...ba bốn tháng sau bình phục. Mũi kiếm tự tử không phạm vào cơ quan chính trong thân thể. Đỗ nương ở lại sơn trại, phụ trách cái vườn hoa có một không hai của bà mẹ thủ lĩnh. Bà đã truyền cho nàng bí quyết trồng hoa, ghép giống. Đỗ nương giữ trinh tiết với Đình Sơn, nên khước từ hết những kẻ rắp ranh bắn sẻ sau này.

Nghe ngóng mấy năm, không thấy gia đình bị truy tố, (sự thực tri phủ Kinh Môn sợ tội lây, nên đã ỉm nội vụ, không hề làm tờ trình lên cấp trên) - Nàng về làng Thượng sinh sống về nghề trồng hoa. Những cây cảnh (bonsais - bồn trai) của Thiên Hoa nương nổi tiếng ở Kinh Kỳ.

Đêm dạ hội Quỳnh Hoa, khách từ Kẻ Chợ sang khá đông. Ai ai cũng muốn dự chuyện lạ: Quỳnh nương khai hoa mùa lạnh !

Sảnh đường sáng trưng. Hơn trăm ngọn bạch lạp thi nhau tỏa sáng. Không có phân ngôi chủ khách, vì ba chân tường đều có ghế đôn sứ. Còn bức tường thứ tư có một cửa sổ rộng lớn, gần chiếm cả bức tường. Có một màn che màu lá úa, như màn che sân khấu. Vào sảnh đường, một bầu không khí ấm nóng như mùa hè. Dân làng Thượng, những kẻ « sành điệu » đều có mặt, lẽ dĩ nhiên cả Lương tiên sinh.

Tiên sinh chưa hề từ chối một thiếp mời của Đỗ Nương.

Quan khách, đây năm, kia ba, nói chuyện ồn ào...nhất là sau một hai chầu Ngọc Hà Hoa Tửu, và những bánh ngọt đặc biệt, từ Kẻ Chợ mang sang.

Khoảng nửa đêm, Thiên Hoa Nương tuyên bố cho Quỳnh Nương ra mắt. Cử tọa, chen vai thích cánh trong sảnh đường. Thiên Hoa Nương hối gia nhân mở màn...Hai cánh màn lá úa từ từ chạy sang hai bên:

Một gốc Quỳnh, gốc độc nhất, hoa bắt đầu nở...mọi người nín thở. Cánh hoa như có sức mạnh vô hình, từ từ mở ra...nhị vàng và màu tím sẫm, tương phản với màu trắng bạch ngọc...đóa hoa độc nhất nở trước một tường lá xanh thẫm. Bên trái, phía trên, một đèn tròn như mặt trăng ; phía dưới, rất kín đáo sau tường, mấy chục ngọn bạch lạp chiếu sáng bức tường lá...

Cái bí quyết của Thiên Hoa Nương là đánh lừa nàng Quỳnh bằng hơi nóng của các ngọn bạch lạp, nàng Quỳnh tưởng mình trong mùa hạ, đã khai hoa trước công chúng đang tấm tắc ngợi khen. Cách đánh lừa ấy, Thiên Hoa Nương đã thi hành tư hai ba tháng trước, bằng cách để gốc hoa trong một khoảng kín sáng, luôn luôn có một lò than hồng nhỏ phát khí nóng...(Ngày nay chúng ta nuôi hoa trong nhà kính có máy điều hòa lạnh nóng...và phát hơi nước - culture en serre).

Thiên Hoa Nương không giữ bí mật. Sau vài câu giải thích, nàng để mọi người vào cõi mộng mơ.

Một con bướm vàng cũng bị đánh lừa vì ánh sáng bạch lạp, bay ra đậu vào cánh hoa. Thục Lai cảm hứng, ra giá vẽ Quỳnh Hoa và Hoàng Điệp. Dân làng Thượng muốn tranh thủ thời gian với khách Kẻ Chợ, họ hô hào đòi Đức Trình đề thơ...Đức Trình ngập ngừng...họ gọi Nguyên Thái. Họ vẫn coi Nguyên Thái là người của làng Thượng. Vừa lúc chấm phá của Thục Lai vừa đến đoạn chót...

Nguyên Thái liền đến bên cạnh Thục Lai, ngắm nhìn bức họa, quay lại vòng tay cúi chào cử tọa, xin phép đề thơ. Khách Kẻ Chợ chưa ai kịp ra.

Nguyên Thái cầm bút viết bài thơ ngũ ngôn bên bức vẽ:

Quỳnh Hoa dạ hội tứ

(Ngũ ngôn cổ phong)

Đơn, đơn, minh đơn hoa

Diệp, diệp, bích diệp diệp

Lệ hoa sơ hàm tiếu,

Song sa đông nguyệt chiêm.

Quỳnh nương vạn lý đáo

Tương kỳ, thiên hữu lai...

Đồng ca tỳ bà hành,

Đơn tấu tha hương hận...

Dạ hoa, nhất dạ kiến

Hoàng điệp bách niên hoài...

Trần Nguyên Thái cảm đề

Thục Lai đọc bài thơ chữ Hán, nhớ lại xưa kia vẫn chơi đùa với Nguyên Thái, người viết, kẻ dịch. Nàng vội vàng, dịch ý bên bài thơ, bằng Quốc ngữ mới:

Đêm hội Quỳnh hoa

Riêng, riêng, một đóa quang hoa

Giữa tường lá biếc, dệt tòa thắm xanh

Nụ cười vừa chớm trên cành,

Trăng đông đã trộm vén mành bên song

Nàng Quỳnh, vạn dậm, đường lòng

Hẹn hò, ngàn bạn tới cùng gặp hoa...

Đồng hòa hận khúc Tỳ Bà,

Nhớ quê hương ấy đơn ca tiếng Nàng.

Hoa đêm, phút gặp bàng hoàng

Trăm năm bướm nặng cánh vàng nhớ thương !

Lương Thục Lai dịch ý

Cử toạ vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Đào Đức Trình không được vui lòng lắm. Chàng cũng có thể đề thơ, chắc hẳn không duyên dáng bằng người bạn trẻ, nhưng đề thơ trên bức họa của Thục Lai, đáng lẽ phải để chàng ưu tiên ! Nguyên Thái thoáng nhìn khoé mắt của bạn, giật mình hối hận...Nhưng đã trót.

Về nhà, sang văn phòng Đức Trình. Đức Trình không lạnh lùng nhưng im lìm không nói gì, trí óc như bận bịu chuyện khác. Sau cùng Nguyên Thái xin lỗi, lấy cớ vì vội vàng, không muốn người Kẻ Chợ đề thơ trước dân sở tại. Có thế thôi. Nguyên Thái không có tình ý khác. Đức Trình hiền lành, tin tưởng. Đôi bạn tri kỷ như xưa. Lại thêm, sáng sau Nguyên Thái sẽ cáo từ lên đường...

Thực may, không phải giải thích khóe mắt kín đáo đầy tình tứ Thục Lai gửi chàng đúng khi chấm dứt bài dịch ! Thực may vì Đức Trình chỉ để ý đến câu thơ:

« Song sa đông nguyệt chiêm ! » mà Thục Lai đã dịch:

Đức Trình chữa bạn:

« Song sa hạ nguyệt chiệm ! »

Trăng hè đã trộm vén mành bên song !

bởi vì, bởi vì, trăng mùa đông ít khi ló mặt. Quỳnh Hoa theo lẽ tự nhiên của tạo hóa, nở mùa hè...Vậy dù mùa lạnh cũng cứ dùng « trăng hè »...bởi vì thi sĩ có những mùa tự do trong trí óc... !Nguyên Thái rất sung sướng thấy bạn không lo phiền, chỉ chú trọng thơ văn, chàng hát, trong khi Đức Trình đệm đàn kìm:

« Nụ cười vừa chớm trên cành, Trăng hè đã trộm vén mành bên song ! »

Sáng sau, Nguyên Thái cáo từ. Đức Trình bịn rịn. Thái nắm tay bạn, nhắc lại câu thơ bạn gửi Thục Lai:

... « Muốn đốt Tần san, đường vào Thục, Cùng ai giồng Trúc, ghép bên Mai !... » rồi chàng thêm:

- Anh Đức Trình, Tần San đã đốt rồi. Nguyên Thái này không về Thục nữa ! Tạm biệt, tạm biệt hiền huynh. -

Đức Trình cảm động, cầm tay không nỡ rời. Sau cùng Nguyên Thái vòng tay chào tạm biệt, đi nhanh lên bờ đê, nhìn làng Thượng từ trên cao tơ lòng bối rối. Ngoảnh sang phía sông Hồng oán trách: đã bao phen nước sông Hồng tràn qua khúc đê mong manh, rồi làm vỡ tan, theo dòng nước biết bao công trình con người ngày đêm xây đắp. Nhớ lại trước khi đến Thiện Thành, chàng có đóng cọc, để đo con sông bên lở bên bồi...Khi nào thái bình an lạc, khi nào thái bình an lạc nhỉ, chàng sẽ cùng Bùi Đình Quý và Phạm Nguyệt Hà (trong trận Thạch Đào) chuyên môn thủy lợi, nghiên cứu một hệ thống đê điều vững chắc, cùng đập cừ giữ nước, cho dân chúng tránh thủy tai...Buồn vời vợi, nhắc lại biết bao giờ thái bình an lạc nhỉ?

Xua đuổi những ý nghĩ yếm thế, người bộ hành là Nguyên Thái, đôi chân không bao giờ mỏi mệt, thẳng đường Kinh Bắc. Để tay vào thắt lưng chạm phải cái cẩm nang nhỏ của Cúc Xuyên cho mà chàng đeo luôn bên mình. Nguyên Thái lẩm bẩm: Thì ra mình cũng có cái bí mật phải đeo bên người ! Chàng liên tưởng đến chiếc vòng mà Đức Trình luôn đeo ở cổ. Đó là chiếc dây đeo một chiếc vòng bạc nhỏ hơn, chiếc vòng nhỏ nanh hổ này là con của trẻ sơ sinh thường đeo ở đồng bằng, và ở mạn ngược, thuộc gia đình khá giả quyền quý. Chiếc vòng nanh hổ này, Đức Trình đeo từ lâu...từ hồi mười lăm mười sáu tuổi khi song đường lâm nguy bị vu cáo là đồng đảng, hay dư đảng của giặc Nguyễn Hữu Cầu.

Bạn đang đọc Thương Giang Diễm Sử của Tiêu Nương Và Trúc Viên Lang (bùi Văn Nhẫm)
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 3

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.