Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

CHƯƠNG 5: PHẦN THỨ HAI

Phiên bản Dịch · 9384 chữ

Chiếc tàu điện lao lên phố Phun-đúc-cơ-lép-scai- a, đầu máy rú hung hăng. Tàu dừng lại trước nhà hát. Một toán thanh niên từ trên tàu bước xuống và xe điện lại tiếp tục chạy lên phố trên.

Pan-cơ-ra-tốp giục những đồng chí đi chậm ở phía sau:

- Nhanh chân lên các cậu. Trễ đứt đuôi đi rồi.

Đến cửa nhà hát, Ô-cu-nhếp đuổi kịp Pan-cơ-ra-tốp.

- Cậu còn nhớ không, Pan-cơ-ra-tốp. Trước đây ba năm, chúng mình cũng đi đến đây như thế này. Lúc đó thằng Đu-ba-va cùng "nhóm đối lập thợ thuyền" trở về với chúng ta. Bữa tôi ấy vui lắm. Thế mà hôm nay chúng mình lại đến choảng nhau với Đu-ba-va.

Mọi người đều chìa giấy chứng minh cho ban kiểm soát đứng ở ngoài cửa phòng họp xem, rồi đi vào phòng.

Lúc đó Pan-cơ-ra-tốp mới trả lời Ô-cu-nhếp:

- Ừ chuyện với thằng Đu-ba-va lại tái diễn ở chỗ này đây.

Người ta "suỵt" đừng nói chuyện. Họ phải ngồi vào những chỗ gần ngay đấy vì phiên họp buổi tối của hội nghị đã bắt đầu rồi. Trên diễn đàn, một bóng phụ nữ.

Pan-cơ-ra-tốp lấy tay thích vào sườn Ô-cu-nhếp thì thào:

- Vừa đúng giờ. Cậu ngồi yên mà nghe xem mụ vợ cậu nói gì.

- …Chúng ta đã mất nhiều sức lực vào cuộc tranh luận này, điều đó đúng. Song, ngược lại, anh chị em thanh niên tham gia tranh luận đã học tập được nhiều.

Chúng ta rất hả dạ thấy trong tổ chức của chúng ta những bọn theo phe tơ-rốt- skít đã bị đập mất mặt. Chúng không thể than trách rằng người ta không để cho chúng nói hết, trình bày đầy đủ những quan điểm của chúng. Thực tế trái ngược hẳn thế. quyền tự do hành động mà chúng ta đã cho phép chúng, chúng đã lợi dùng quyền tự do đó vi phạm nghiêm trọng và rất nhiều lần kỷ luật của Đảng.

Nói đến đây, Ta-li-a tức sôi người lên, một mớ tóc xòa xuống mặt làm chị vướng. Chị hất đầu một cái, đưa mớ tóc về phía sau:

- Chúng ta đã được nghe nhiều đồng chí đại biểu các quận, đồng chí nào cũng nói đến những phương pháp mà bọn Tờ-rốt-skít đã dùng. Trong cuộc hội nghị này, bọn họ được cử đại biểu đến khá đông. Các quận đã có ý cho họ giấy chứng nhận lên đây, lên hội nghị Đảng ở thành phố này để một lần nữa, họ được trình bày ý kiến của họ. Nếu bọn họ đến đây mà câm như hến thì điều đó không phải là lỗi ở chúng ta. Bị thất bại thảm hại ở các quận và các chi bộ cũng đã mở mắt cho họ một chút nào rồi. Bây giờ đây, ngay từ trên diễn đàn này, họ cũng thấy khó mà phát biểu và lắp lại những điều vừa mới hôm qua học còn nhai nhải nói.

Từ góc rạp bên phải, có giọng xấc xược ngắt lời Ta-li-a:

- Đến lúc nói, bọn này sẽ nói.

Ta-li-a quay lại:

- Thế thì lên ngay diễn đàn này nói đi, Đu-ba-va. Chúng tôi sẵn sàng nghe anh nói.

Đu-ba-va nhìn chị bằng cặp mắt nặng nề và bực tức mím môi lại:

- Đến lúc nói, chúng tôi sẽ nói! - Hắn trả lời lại và sực nhớ đến ngay sự thất bại cay đắng của hắn hôm qua ở quận hắn ở, nơi mọi người đều biết hắn.

Có tiếng ồn ào chạy khắp phòng họp. Pan-cơ-ra- tốp không nén được nữa:

- Sao, các anh định phá Đảng lần nữa à?

Đu-ba-va đã nhận ra tiếng Pan-cơ-ra-tốp, nhưng không quay lại, chỉ cắn chặt môi và cúi đầu xuống. Ta-li-a tiếp tục:

- Chính Đu-ba-va có thể là một trong những ví dụ rất rõ về cách bọn tờ-rốt- skít vi phạm kỷ luật Đảng như thế nào. Đu-ba-va là một cán bộ cũ của Đoàn thanh niên cộng sản, nhiều đồng chí đã biết, đặc biệt là các đồng chí ở quân khí. Đu-ba-va hiện nay là một sinh viên ở Trường đại học cộng sản Khác-cốp, thế mà tất cả chúng ta đều biết rằng Đu-ba-va cùng với Sum-ski có mặt ở đây đã ba tuần nay. Vì sao đang ở giữa thời kỳ bận học nhất họ lại đến đây? Không có quận nào mà bọn họ không đến diễn thuyết. Thật ra, trong những ngày gần đây, Sum-ski cũng đã bắt đầu tỉnh lại. Ai gửi họ đến đây? Ngoài họ ra, trong chúng ta còn có nhiều phần tử tờ-rốt-skít từ các tổ chức khác đến. Tất cả bọn chúng trước đây có lúc đã làm công tác ở vùng này và bây giờ lại đến đây để khêu lên ngọn lửa xung đột trong nội bộ Đảng. Tổ chức Đảng có biết hiện nay họ ẩn ở đâu không? Tất là không.

Hội nghị chờ đợi những phần tử tờ-rốt-skít lên phát biểu nhận những sai lầm của chúng. Ta-li-a định mở đường cho chúng nhận, và những lời của chị không phải là những lời từ diễn đàn nói xuống mà như là trong một cuộc nói chuyện giữa những đồng chí với nhau:

- Các đồng chí chắc còn nhớ, cách đây ba năm, cũng ở trong nhà hát này, Đu- ba-va cùng "nhóm đối lập thợ thuyền" cũ đã trở về với chúng ta. Các đồng chí hãy nhớ lại những lời của Đu-ba-va: "Chúng tôi sẽ không bao giờ để ngọn cờ của Đảng tuột khỏi tay chúng tôi nữa" và chưa được ba năm thì Đu-ba-va đã bỏ rơi ngọn cờ đó. Phải, tôi quả quyết rằng đã bỏ rơi rồi. Vì những lời của Đu-ba-va vừa nói, "đến lúc nói, chúng tôi sẽ nói", tỏ ra rằng anh ta và những kẻ cùng tư tưởng tờ-rốt-skít với anh ta sẽ còn bước xa hơn nữa.

Từ những hàng ghế sau cùng có tiếng vang lên:

- Để cho Túp-ta nói về cái phong vũ biểu xem, anh ta là nhà khí tượng học của bọn họ đấy.

( Trong cuộc đấu tranh chống Đảng, bọn tờ-rốt-skít gọi thanh niên là cái "phong vũ biểu của Đảng" để nịnh thanh niên hòng lôi cuốn họ theo chúng chống lại Đảng)

Có tiếng người quá nóng giận nổi lên.

- Thôi, đừng có đùa nữa!

- Để cho họ trả lời xem họ có chịu ngừng cuộc đấu tranh chống Đảng hay không?

- Để cho họ nói xem ai đã thảo ra bản tuyên ngôn chống Đảng?

Lòng căm phẫn càng tăng lên. Chủ tịch phiên họp lắc chuông hồi lâu.

Lời nói của Ta-li-a đã bị chìm trong tiếng ồn ào. Nhưng, một lát sau thì tiếng ồn ào đã như giông bão dịu đi, và phòng họp lại nghe tiếng Ta-li-a:

- Chúng tôi có nhận được thư của các đồng chí chúng ta từ các địa phương lân cận: các đồng chí đó tuyên bố ủng hộ chúng ta và điều đó càng cổ vũ chúng ta.

Tôi xin phép đọc một đoạn trong một bức thư. Đây là thư của Ôn-ga I-u-nhê-rê- va. Nhiều người có mặt ở đây biết nữ đồng chí ấy. Hiện nay, Ôn-ga phụ trách phòng tổ chức của Liên quận đoàn thanh niên cộng sản.

Ta-li-a rút trong tập giấy ra một lá thư, xem lướt qua một lượt rồi đọc:

"Công tác thực tế đều gác lại hết; đã bốn ngày rồi, toàn thể ban thường vụ đều xuống các quận: bọn tờ- rốt-skít đã mở rộng một cuộc đấu tranh gay gắt chưa từng có. Hôm qua đã xảy ra một chuyện làm cả tổ chức đều căm phẫn. Sau khi không giành được đa số trong bất cứ một chi bộ nào ở thành phố, bọn đối lập đã quyết định tập trung lực lượng khai chiến trong chi bộ của dân ủy quân sự liên quận. Chi bộ này còn gồm các đảng viên cộng sản trong ban kế hoạch và các cán bộ giáo dục. Trong chi bộ có bốn mươi hai người, nhưng tất cả bọn tờ-rốt-skít đều tập trung ở đấy. Chúng tôi chưa từng nghe những bài diễn thuyết nào mà lại chống Đảng ra mặt như những bài chúng nói trong cuộc họp ấy. Một trong những tên đại biểu của dân ủy quân sự đã lên phát biểu và tuyên bố trắng ra rằng: "Nếu bộ máy của Đảng không chịu hàng thì chúng tôi sẽ dùng sức mạnh để bẻ gãy nó". Bọn đối lập vỗ tay hoan nghênh lời tuyên bố ấy. Lúc bấy giờ, Pa-ven lên phát biểu và nói: "Sao các đồng chí là những đảng viên của Đảng mà lại có thể vỗ tay hoan nghênh cái thằng phát-xít ấy được?". Bọn chúng không cho Pa-ven nói tiếp, chúng xô đẩy ghế ầm ĩ, gào thét om sòm. Căm phẫn trước hành động lưu manh đểu cáng của chúng, các đảng viên trong chi bộ đã yêu cầu để cho Pa-ven nói hết. Song, khi Pa-ven vừa cất tiếng thì chúng lại phá. Pa-ven thét vào mặt chúng: "Cái thứ dân chủ của chúng bay mới đẹp chứ! Mặc, tao cứ nói”. Lúc đó có nhiều đứa xô lại túm lấy Pa-ven và định ẩy anh ra khỏi diễn đàn. Chúng hành động rất dã man. Pa-ven giãy ra được và vẫn tiếp tục nói nhưng bọn chúng lại lôi anh ra hậu trường và ẩy anh qua cửa nách ném xuống cầu thang. Một tên trong lũ khốn nạn đó đã đánh anh chảy máu mắt. Hầu hết chi bộ đều bỏ họp.

Chuyện xảy ra ấy đã mở mắt cho nhiều người..."

Ta-li-a đọc xong bức thư, rời khỏi diễn đàn.

  • Đã hai tháng nay, đồng chí Xê-gan phụ trách công tác tuyên huấn của Tỉnh ủy.

Ngồi trên bàn chủ tịch đoàn, cạnh Tô-ca-rếp, đồng chí chăm chú lắng nghe những lời tham luận của các đại biểu hội nghị. Chỉ mới có những thanh niên trong Đoàn thanh niên cộng sản lên phát biểu. Xê-gan nghĩ thầm:

"Mấy năm qua, họ đã trưởng thành thật!".

Đồng chí nói với Tô-ca-rếp: "Trọng pháo hãy còn chưa dùng đến đấy, thế mà bọn đối lập đã bị ngạt rồi. Chỉ lực lượng thanh niên thôi cũng đã đủ quật tơi bời lũ tờ-rốt-skít".

Túp-ta nhảy lên diễn đàn. Tiếng xì xào phản đối; một trận cười ngắn nổi lên chế giễu hắn. Túp-ta quay mặt lại phía chủ tịch đoàn, định phản đối thái độ đó của hội nghị đối với hắn, nhưng trong phòng đã trở nên im lặng rồi. Hắn tuôn ra một mạch:

- Ở đây có người gọi tôi là nhà khí tượng học. Như thế là các đồng chí miệt thị những quan điểm chính trị của tôi đấy, các đồng chí đa số ạ.

( Trong cuộc đấu tranh chống Đảng, bọn tờ-rốt-skít bị thiểu số nên chúng gọi đảng viên của Đảng là phái đa số.)

Cả phòng họp cười ồ lên át lời hắn nói. Túp-ta bối rối quay lại phía chủ tịch đoàn, lấy tay chỉ phòng họp:

- Dù các người có cười, tôi vẫn nói một lần nữa rằng thanh niên là cái phong vũ biểu. Lê-nin đã nhiều lần viết như thế.

Phòng họp bỗng im ngay. Từ những hàng ghế, có tiếng đưa lên:

- Lê-nin viết thế nào?

Túp-ta hứng lên:

- Khi chuẩn bị cuộc khởi nghĩa tháng Mười, Lê-nin đã ra chỉ thị tập hợp lớp thanh niên công nhân kiên quyết cách mạng lại, vũ trang cho họ và phái họ cùng với lính thủy đến những chỗ xung yếu nhất. Các người có muốn, tôi xin đọc đoạn ấy cho mà nghe. Tôi có ghi đủ hết những đoạn trích lời Lê-nin ghi trong sổ tay đây. Rồi hắn bắt đầu lục cặp.

- Biết cả rồi, không cần đọc nữa.

- Thế Lê-nin còn viết những gì về vấn đề thống nhất?

- Và vấn đề kỷ luật của Đảng?

- Có chỗ nào Lê-nin lại đem thanh niên đối lập với lớp đồng chí già không?

Túp-ta lúng túng liền nói sang vấn đề khác:

- Ta-li-a vừa rồi đã đọc bức thư của Ôn-ga. Chúng tôi không thể trả lời về một vài trường hợp không bình thường xảy ra trong cuộc tranh luận được.

Svê-tai-ép ngồi cạnh Sum-ski bực tức càu nhàu:

- Thật là làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại.

Sum-ski cũng khẽ đáp lại:

- Ừ, cái thằng ngốc này đến làm chúng ta bị ngụp chết ngấm mất.

Túp-ta vẫn nói nheo nhéo như khoan vào tai người ta:

- Nếu các người đã tổ chức ra phái đa số, thì chúng tôi cũng có quyền tổ chức ra phái thiểu số.

Một trận bão căm phẫn nổi lên trong phòng họp. Tiếng phản đối giận dữ như mưa đá tới tấp choảng vào đầu hắn làm Túp-ta đinh tai nhức óc.

- Thế nào? Lại diễn lại chuyện bôn-sê-vích và men-sê-vích ư?

( Trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối cách mạng, Lê-nin được đa số ủng hộ, bọn chống Lê-nin bị thiểu số. Do đó có tên "bôn-sê-vích" là người phái đa số và "men-sê-vích" là người phái thiểu số)

- Đảng cộng sản Nga không phải là nghị viện đâu nhớ!

- Chúng nó làm đầy tớ không công cho bọn men- sê-vích từ Mi-a-sni-cốp cho đến Mác-tốp.

Túp-ta vùng hai tay lên không, như là kẻ định trườn ra bơi, rồi nói liến thoắng:

- Phải, cần phải có tự do tổ chức các nhóm. Nếu không thì khi chúng tôi không đồng ý kiến với các người, chúng tôi làm sao có thể đấu tranh bảo vệ những quan điểm của chúng tôi chống lại phái đa số có tổ chức, có kỷ luật gắn bó nhau của các người được?

Tiếng chế giễu nổi lên khắp phòng họp. Pan-cơ- ra-tốp đứng dậy la lên:

- Để cho hắn ta nói hết. Biết được cũng hay. Túp- ta đã xì ra những điều mà bọn khác còn giấu.

Im lặng trở lại. Túp-ta hiểu rằng mình đã quá đà. Chưa phải là lúc cho ra cái khoản đó. Ý nghĩ của hắn đã đi lạc đường và khi kết luận thì hắn lại tuôn ra một mớ lời rơi tõm vào phòng họp:

- Tất nhiên là các người có thể khai trừ và đẩy chúng tôi vào một xó. Chuyện ấy đã bắt đầu rồi. Người ta đã loại tôi ra khỏi tỉnh đoàn thanh niên cộng sản.

Không can gì. Rồi sẽ biết chân lý về ai.

Và hắn từ trên diễn đàn bước xuống phòng họp.

Đu ba-va nhận được mảnh giấy của Svê-tai-ép:

"Đu ba-va, cậu lên phát biểu ngay đi. Thật ra, cậu cũng chẳng xoay chuyển được tình thế đâu. Sự thất bại của chúng ta đã sờ sờ ra rồi. Nhưng cần phải nói để chữa lại những lời phát biểu của Túp-ta. Nó thật là một thằng ba hoa, chúa ngốc".

Đu-ba-va xin lên phát biểu. Người ta liền cho hắn nói ngay.

Khi hắn bước lên sân khấu, không khí im lặng căng thẳng trùm lấy phòng họp.

Đu-ba-va cảm thấy lạnh người trong không khí im lặng rất thông thường trước khi có người nói, cái lạnh người của kẻ bị cô lập. Hắn không còn máu hăng của những lần lên nói ở các chi bộ nữa. Mỗi một ngày, ngọn lửa lại nhụt đi, và bây giờ đây, hắn như một đống củi đang cháy bị giội nước chỉ còn bốc lên một làn khí khét lèn lẹt: khói ấy chính là bệnh tự ái ốm yếu của hắn khi bị chạm nọc, vì sự thất bại quá rõ rằng của bọn hắn, vì sức phản đối kiên quyết của các bạn cũ, khói ấy còn là thái độ ngoan cố của hắn không chịu nhận sai lầm của mình.

Hắn định cứ thế phớt đi, cắm đầu bước, tuy biết rằng thái độ đó chỉ làm hắn càng xa thêm đa số. Hắn nói giọng khàn khàn nhưng rành rọt:

- Tôi yêu cầu đừng ngắt lời tôi và dùng những lời bắt bẻ uy hiếp tôi. Tôi muốn trình bày một cách đầy đủ quan điểm của chúng tôi tuy biết trước rằng có trình bày cũng vô ích, vì các người là đa số.

Hắn vừa nói dứt lời, phòng họp ầm ầm lên như có một quả lựu đạn nổ. Tiếng la ó như bão táp đổ xuống đầu Đu-ba-va. Người ta mắng, người ta chửi như roi ngựa quất vào mặt hắn!

- Thật nhục nhã!

- Đả đảo bọn chia rẽ!

- Thôi im đi ! Trát bùn nhơ đã đủ rồi!

Tiếng cười chế giễu theo Đu-ba-va, khi hắn tự trên sân khấu bước xuống, và tiếng cười đó đã giết hắn. Nếu người ta giận dữ tức tối mắng hắn thì hắn còn thấy dễ chịu hơn. Nhưng đằng này người ta cười chế giễu hắn như chế giễu một ca sĩ hát lạc điệu, rồi tưng hửng đứng trơ ra.

Chủ tịch tuyên bố.

- Sum-ski lên phát biểu ý kiến.

Sum-ski đứng dậy:

- Tôi xin thôi phát biểu.

Từ những hàng ghế sau vang lên giọng ồ ồ của Pan-cơ-ra-tốp:

- Xin nói !

Nghe tiếng, Đu-ba-va đã hiểu ngay tâm trạng của Pan-cơ-ra-tốp. Chỉ khi nào có ai xúc phạm đến anh kịch liệt thì người công nhân khuân vác đó mới nói giọng như vậy.

Đu-ba-va đưa mắt tức tối nhìn theo bóng dáng cao cao hơi gù của Pan-cơ-ra-tốp đang rảo bước lên diễn đàn. Đu-ba-va đâm lo. Hắn biết trước những điều Pan-cơ- ra-tốp sẽ nói. Hắn sực nhớ đến cuộc gặp mặt hôm qua ở Xô-lô-men-ca với các bạn cũ. Cùng đi với hắn có Svê-tai-ép và Sum-ski. Họp mặt ở nhà Tô-ca- rếp. Ở đó có Pan-cơ-ra-tốp, Ô-cu-nhếp, Ta-li-a, Vô- lưn-xếp, Dê-lê-nốp, Sta-rô-vê-rốp, Ác-chu-khin. Trong cuộc nói chuyện thân mật, các bạn cũ đã muốn thuyết phục Đu-ba-va từ bỏ nhóm đối lập. Nhưng Đu- ba- va làm thinh như câm như điếc trước cố gắng của anh chị em muốn khôi phục lại sự thống nhất trong nội bộ. Giữa lúc thảo luận đang hăng thì Đu-ba-va cùng với Svê-tai-ép bỏ ra về, tỏ rõ thái độ không chịu công nhận sai lầm. Sum-ski ở lại. Và bây giờ Sum- ski từ chối không phát ngôn. Đu-ba-va căm giận nghĩ thầm: "Thật là một tên trí thức nhu nhược.

Đúng là nó đã bị bọn đó thuốc cho rồi!".

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, Đu-ba-va đã mất hết các bạn thân. Ở trường đại học cộng sản, hắn đã cắt đứt tình bạn lâu đời với Giác-ki: trong cuộc họp hiệu đảng ủy, Giác-ki đã kịch liệt chống lại lời tuyên bố của "bốn mươi sáu phần tử tờ-rốt-skít". Càng về sau, khi sự phân hóa mỗi ngày một trở nên sâu sắc, Đu-ba-va cạch mặt, không chuyện trò gì với Giác-ki nữa. Nhiều lần, Đu-ba-va thấy Giác-ki đến nhà mình thăm An-na. An-na Bô-khac là vợ Đu-ba- va, lấy nhau đã một năm nay. Hai người đều ở buồng riêng. Đu-ba-va cho rằng những quan hệ gay go giữa mình và An-na là người không đồng quan điểm với hắn, càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn lên, vì một lẽ nữa là Giác-ki hay đến thăm An-na. Không phải vì chuyện ghen tuông, nhưng thấy An-na thân với Giác-ki là người mà Đu-ba-va không muốn nói năng chuyện trò gì nữa thì hắn đâm ra tức tối. Đu- ba-va đã nói với An-na điều đó. Hai người cãi nhau kịch liệt và quan hệ hai bên lại càng căng thẳng thNm. Đu ba-va đến đây cũng chẳng nói gì cho An-na biết cả.

Những lời của Pan-cơ-ra-tốp làm đứt quãng luồng ý nghĩ thoáng qua nhanh trong đầu óc Đu-ba-va:

- Các đồng chí! - Pan-cơ-ra-tốp nói rành rọt mấy tiếng đó bằng một giọng chắc nịch. Anh bước lên diễn đàn và đứng ngay cạnh dãy đèn sân khấu:

- Các đồng chí ! Trong suốt chín ngày chúng ta đã nghe tham luận của các đại biểu phái đối lập. Tôi nói thẳng ra rằng: những lời phát biểu của họ không phải là lời của những chiến hữu, những chiến sĩ cách mạng, những người bạn cùng giai cấp và cùng chiến đấu của chúng ta. Những lời phát biểu ấy của họ là những lời của bọn thù địch không đội trời chung, những lời oán cừu, những lời vu khống. Phải, chính là những lời của bọn vu khống, các đồng chí ạ! Bọn chúng mưu định vu cho những người bôn-sê-vích chúng ta là những kẻ thi hành chế độ "dùi cui" trong Đảng, vu cho chúng ta là những người phản bội quyền lợi của giai cấp và của cách mạng. Đội ngũ ưu tú nhất, đội ngũ đã được thử thách nhất của Đảng ta, đội vệ quân già dặn gồm những người bôn-sê-vích quang vinh, lớp người đã rèn luyện và giáo dục nên Đảng cộng sản Nga, lớp người đã từng bị nền chuyên chế của Nga hoàng đày đọa điêu đứng trong các nhà tù, lớp người đứng đầu là đồng chí Lê-nin, đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩ men-sê-vích quốc tế và tên Tơ-rốt-skit. Lớp người đó bị bọn đối lập âm mưu gọi là những đại biểu của chủ nghĩa quan liêu trong Đảng! Còn ai có thể nói được những lời đó, nếu không phải là kẻ thù của chúng ta? Đảng và bộ máy của Đảng lại không phải là một khối thống nhất hay sao? Tôi xin lỗi các đồng chí, âm mưu của họ giống âm mưu của bọn nào? Nếu có những kẻ đẩy các chiến sĩ trẻ của Hồng quân chống lại chỉ huy và chính ủy của mình, chống lại bộ tham mưu, ngay cả giữa lúc đội quân đang bị địch bao vây bốn phía, nếu có những kẻ hành động như thế, thì chúng ta gọi bọn chúng là hạng người gì? Đây nhé, hôm nay tôi còn là thợ nguội, vậy thì theo ý kiến của bọn tờ-rốt-skít, tôi có thể được xem là một người "trung thực", nhưng nếu mai tôi trở thành bí thư Đảng ủy thì lập tức tôi là "thằng quan liêu", là một tên "thơ lại" rồi! Các đồng chí ạ, thật là quái gở? Trong nhóm đối lập nổi lên chống chủ nghĩa quan liêu, đòi dân chủ, có những nhân vật như Túp-ta, là kẻ cách đây không lâu đã bị cách chức vì bệnh quan liêu, như Svê-tai-ép mà mọi người ở Xô-lô-men-ca đều biết cái thứ "dân chủ" của anh ta, hay là A-pha-na-xi-ếp mà Tỉnh ủy đã triệt chức ba lần vì anh ta quen thói chỉ tay năm ngón và hành động độc đoán trong quận Pô-đôn-ski. Sự thật đã hiển nhiên là tất cả những bọn bị Đảng đập cho, đã liên kết lại với nhau trong cuộc đấu tranh chống Đảng. Về "chủ nghĩa bôn-sê-vích" của Tơ-rốt- skit, thì cứ để cho các chiến sĩ bôn-sê-vích già nói cho mà nghe. Cần thiết phải cho thanh niên biết cái lịch sử của Tơ-rốt-skit đấu tranh chống những người bôn- sê-vích, biết những hành động nhảy hết từ phe này sang phe khác của hắn. Cuộc đấu tranh chống bọn đối lập đã càng thắt chặt hàng ngũ chúng ta, đã làm cho trình độ thanh niên ta mạnh thêm về mặt tư tưởng, về mặt lý luận.

Trong cuộc đấu tranh chống những khuynh hướng tiểu tư sản, Đảng bôn-sê-vích và Đoàn thanh niên cộng sản đã lại được rèn luyện thêm một lần nữa. Những tên gây hoang mang điên rồ của phe đối lập tiên đoán là chúng ta sẽ phá sản hoàn toàn về kinh tế và về chính trị. Tương lai sẽ đánh giá lời tiên đoán đó đáng giá mấy xu. Bọn chúng đòi phải đuổi những đồng chí già của chúng ta, chẳng hạn như bác Tô-ca-rếp trở về với bàn thợ, còn chỗ của những đồng chí đó thì thay bằng cái "phong vũ biểu" đã long ốc, vào loại như Đu-ba-va là kẻ cho rằng đấu tranh chống Đảng là một thứ gì anh hùng lắm. Không đời nào, các đồng chí ạ. Không đời nào chúng ta làm như vậy. Các đồng chí già sẽ có lớp người mới lên thay thế, nhưng lớp người ấy không phải là bọn người mỗi lúc Đảng gặp khó khăn lại hầm hè tiến công dữ dội vào đường lối của Đảng. Chúng ta sẽ không cho phép kẻ nào phá hoại sự thống nhất của Đảng vĩ đại của chúng ta. Không thể nào chia rẽ được đội vệ quân già và đội vệ quân trẻ. Trong cuộc đấu tranh không điều hòa chống những khuynh hướng tiểu tư sản, dưới ngọn cờ của Lê-nin, chúng ta nhất định thắng.

Pan-cơ-ra-tốp rời khỏi diễn đàn. Anh được vỗ tay hoan hô sôi nổi.

  • Ngày hôm sau có mười hai người họp mặt ở nhà Túp-ta. Đu-ba-va nói:

- Hôm nay mình và Sum-ski đi Khác-cốp. Ở đây chúng mình không còn việc gì làm nữa. Các cậu gắng sức giữ vững, đừng phân tán. Bây giờ chúng ta chỉ còn nước đợi tình hình biến chuyển. Tất nhiên, Hội nghị toàn quốc sẽ lên án bọn mình.

Nhưng định đàn áp chúng mình ngay thì mình thấy thế là sớm quá. Phái đa số đã quyết định còn kiểm tra thêm chúng ta trong công tác. Hiện thời, nếu đấu tranh công khai, nhất là sau Hội nghị toàn quốc, thì là làm mình bị bật ra khỏi Đảng mất, điều đó kế hoạch hành động của ta không muốn như thế. Giờ cũng khó dự đoán được về sau sẽ ra sao. Mình thấy cũng không còn gì nói thêm nữa.

Và Đu-ba-va đứng dậy, chực đi.

Sta-rô-vê-rốp người gầy, môi mỏng, cũng đứng lên. Giọng Sta-rô-vê-rốp vừa hơi ngọng, vừa nói lắp:

- Đu-ba-va ạ, mình vẫn không hiểu ý cậu. Sao, nghị quyết của hội nghị, chúng ta không bắt buộc phải phục tùng hay sao?

Svê-tai-ép cắt đứt lời Sta-rô-vê-rốp:

- Theo điều lệ thì là bắt buộc, nếu không thì người ta sẽ thu mất thẻ đảng viên của cậu. Còn chúng ta thì sẽ xem xem gió thổi chiều nào che chiều ấy. Bây giờ thì hãy giải tán.

Túp-ta ngồi không yên trên ghế, cựa quậy một cách nóng nảy. Sum-ski mặt tái, nhăn nhó, hai mắt quầng thâm vì những đêm mất ngủ, ngồi ở cửa sổ gặm móng tay.

Nghe những lời cuối cùng của Svê-tai-ép, Sum- ski đột nhiên tức giận, thôi cắn móng tay, quay lại nói với mọi người, giọng ồm ồm:

- Mình phản đối cái lối tính toán như vậy. Riêng ý kiến cá nhân mình cho rằng nghị quyết của hội nghị đối với chúng mình là bắt buộc. Chúng mình đã bảo vệ những quan điểm của chúng mình, nhưng hội nghị đã quyết định, chúng mình phải phục tùng.

Sta-rô-vê-rốp nhìn Sum-ski tỏ ý tán thành và nói líu ríu:

- Mình cũng định nói thế.

Đu-ba-va nhìn chòng chọc vào Sum-ski và nói rít giữa hai hàm răng, cố ý mỉa mai:

- mà.

Sum-ski nhảy phắt xuống.

- Đu ba-va, cậu nói giọng gì đấy? Mình nói thẳng ra rằng những lời nói của cậu đẩy mình xa cậu và bắt buộc mình phải xét lại quan điểm trước đây của mình.

Đu-ba-va giơ tay gạt đi một cách khinh bỉ:

- Cậu rút cuộc chỉ còn có cách ấy thôi. Đi mà ăn năn tự hối đi, hãy còn chưa muộn đâu.

Rồi Đu-ba-va bắt tay Túp-ta và những người khác, chào họ ra về.

Được một lát, Sum-ski và Sta-rô-vê-rốp cũng đi ra.

  • Năm một nghìn chín trăm hai mươi bốn bắt đầu bằng một trận rét cắt ruột. Trời tháng Giêng, gió rét căm căm trên đất nước ngập tuyết phủ, và suốt cả nửa tháng về cuối, bão tuyết và những trận cuồng phong rít lên từng đợt kéo dài.

Đường xe lửa Tây Nam, tuyết phủ chắn lấy đường sắt. Người ta đấu tranh chống cơn giận dữ của thiên nhiên. Chân vịt bằng thép của những máy quét tuyết thọc sâu vào những đống tuyết trắng để dọn đường cho xe lửa chạy. Băng giá và bão tuyết làm đứt tung những đường dây điện báo phủ băng. Trên mười hai đường dây chỉ còn làm việc được có ba: đường điện báo từ Âu sang Ấn và hai đường dây trực tiếp với trung ương.

Trong phòng điện tín của ga Sê-pê-tốp-ca 1, ba cái máy "Moóc" không ngừng tiếng tạch tè, một thứ tiếng chỉ có tai quen nghề nghe mới hiểu.

Những cô điện báo viên trẻ tuổi, từ lúc vào nghề đến giờ dịch băng chữ điện tổng cộng chưa quá hai mươi cây số. Trong khi đó thì người đồng nghiệp già của các cô đã làm đến hai trăm cây số và đã bắt đầu sang trăm thứ ba rồi. Ông đọc điện không như các cô không phải nhăn trán vất vả, không phải đọc cả câu để đoán những chữ khó. Ông nghe tiếng tạch tè của máy và ghi ngay chữ nọ nối tiếp chữ kia ra tờ giấy chép điện in sẵn. Tai ông nhận được: "Toàn thể đồng bào, toàn thể đồng bào, toàn thể đồng bào"

Tay ghi, ông già điện báo viên nghĩ bụng: "Chắc lại thêm một thông tri nữa về cuộc đấu tranh gạt tuyết chắn đường”. Ngoài kia, bão lốc ném từng nắm tuyết vào cửa kính. Ông điện báo viên già có cảm tưởng như có ai gõ vào cửa kính.

Ông quay đầu ra và mải ngắm trong giây lát những gợn băng in lên cửa kính những nét vẽ vui mắt. Bàn tay con người không thể nào khắc nên bức chạm tinh vi có nhiều cành lá kỳ lạ muôn hình muôn vẻ như thế được.

Ông già mải ngắm cảnh ấy nên đãng trí quên nghe tiếng máy truyền và khi cặp mắt của ông quay lại không nhìn cửa sổ nữa, ông cầm băng chữ lên tay để đọc những chữ từ nãy bỏ qua.

Máy truyền:

"Ngày hai mươi mốt tháng Giêng, lúc sáu giờ năm mươi phút"…

Người điện báo viên ghi lại rất nhanh hàng chữ vừa đọc. Rồi ông bỏ băng chữ xuống, lấy tay chống đầu, bắt đầu nghe:

"Hôm qua tại Gor-ki đã từ trần"... ông già thong thả ghi lại. Trong đời ông, có biết bao nhiêu tin vui, tin buồn tai ông đã từng nghe. Ông là người đầu tiên biết nỗi đau khổ và niềm vui của người khác. Từ lâu, ông đã thôi không đi sâu làm gì vào ý nghĩa của những câu vắn tắt, rời rạc; tai ông nghe và tay ông như cái máy viết lên giấy, không hề nghĩ đến nội dung nói gì.

Bây giờ, chắc là có ai chết, và người ta báo tin buồn cho người thân. Ông đã quên mất đầu bức điện: "Toàn thể đồng bào, toàn thể đồng bào, toàn thể đồng bào". Cái máy kêu tách tách: "V-ơ-l-a-đ-i-m-i-a-I-l-i-t-sơ”. Và ông già phiên âm ra tiếng viết những tiếng gõ tạch tè của chiếc búa nhỏ ấy. Ông vẫn ngồi yên bình tĩnh, người hơi mệt - "Chắc là có người nào là Vơ- la-đi-mia I-lít-sơ vừa chết đâu đây” - ông già sẽ viết những chữ báo tin đau đớn cho người thân của họ; người nhận sẽ thổn thức vì đau thương và thất vọng. Song đối với ông, chuyện ấy chẳng có gì liên quan đến cả, ông chỉ là người chứng kiến dửng dưng thôi. Máy điện truyền những cái chấm, những cái gạch, rồi lại những cái chấm, những cái gạch, và từ những dấu hiệu quen thuộc ấy, ông già đã viết ra chữ đầu tiên đưa lên băng. Đấy là chữ "L". Rồi ông ghi tiếp sang chữ thứ hai, chữ "E", bên cạnh, ông nắn nót chữ "N", gạch đi gạch lại nét chéo ở giữa ngay sau đó ông thêm chữ "I" và sau đó, tay ông như máy ghi tiếp chữ cuối cùng, chữ "N".

Cái máy dừng lại một lát và trong một phần mười giây đồng hồ, ông già trố mắt nhìn vào chữ ông vừa viết xong: "LÊ-NIN".

Máy lại tiếp tục gõ, nhưng ý nghĩ của ông già điện báo bị cái tên thân thuộc đó làm chú ý lại trở lại suy nghĩ về cái tên Lê-nin. Ông nhìn lại một lần nữa chữ cuối cùng: "LÊ-NIN”. Sao?... Lê-nin?... Nhãn quan của ông dõi vào toàn văn bức điện. Ông nhìn tờ giấy một hồi và, trong ba mươi hai năm làm việc, đây là lần đầu tiên ông không thể nào tin điều mình đã viết.

Ông đưa mắt đọc những dòng chữ đến ba lần xem có thật là mình đã ghi đúng thế hay không; song những chữ ấy vẫn cứ nhắc lại một cách ngang ngạnh: "Vơ- la-đi- mia I-lít-sơ Lê-nin đã từ trần. Ông già nhảy phắt xuống, nâng băng điện xoắn ốc lại ấy lên và nhìn chòng chọc. Đoạn băng dài hai thước đó đã khẳng định điều mà ông không có thể tin được! Ông quay lại phía các bạn đồng nghiệp của mình, mặt xanh nhợt đi. Họ đều nghe tiếng kêu kinh hoàng của ông:

- Lê nin mất rồi!

( Nguyên văn bức điện nhận được là: "Đã từ trần Vơ-la-di-mia I-lít- sơ Lê- nin". Lối nói của ngữ pháp Nga như thế cho nên thoạt nghe mấy chữ trên, ông điện báo viên vẫn chưa ngờ đấy chính là Lê-nin từ trần.)

Tin cái tang lớn ấy đã từ phòng điện báo qua cửa lớn mở toang, và nhanh như cơn gió lốc, truyền đến nhà ga, hòa lẫn vào trận bão tuyết, quay cuồng trên các đường đi, trên các ngã ba và như một luồng hơi lạnh buốt, lùa vào một bên cửa bọc sắt mở hé của kho đầu máy.

Một đầu tàu đứng trên rãnh chữa thứ nhất: đội tiểu tu đang chữa chiếc đầu tàu đó. Cụ già Pô-len- tốp-ski tự cho mình chui vào rãnh ngay dưới gầm chiếc đầu tàu và chỉ cho anh em thợ nguội những bộ phận bị dơ, bị hỏng. Bác Bơ-ru-giắc đang cùng với A-rơ-chom dàn bằng cái vỏ bọc bánh xe. Bác giữ thỏi sắt ra lò trên đe, lật đi lật lại cho A-rơ-chom nện búa.

Bác Bơ-ru-giắc đã già đi trong mấy năm gần đây. Những thử thách mà bác đã trải in sâu trên trán bác. Tóc bác hai bên thái dương đã nhuốm bạc, lưng bác đã còng đi, hai mắt bác đã trũng sâu vào như chứa đầy bóng chiều tàn.

Có bóng người thoáng qua kẽ hở sáng của cửa xưởng đầu máy rồi bị chìm ngay vào bóng tối nhá nhem. Tiếng đập sắt làm át tiếng kêu đầu tiên của người ấy nhưng khi người đưa tin ấy chạy tới đám công nhân đang làm việc trên chiếc đầu tàu thì A-rơ-chom đang giương búa lên, không đập búa xuống nữa.

- Các đồng chí! Lê-nin mất rồi!

Chiếc búa từ từ rơi thõng, tay A-rơ-chom hạ búa xuống sàn xi-măng không một tiếng động.

- Anh nói cái gì thế? - Tay A-rơ-chom như những gọng kìm nắm chặt lấy cái áo tơi da cừu của người vừa đem tin kinh hoàng kia đến.

Và người kia, mình đầy tuyết bám, thở hổn hển, nhắc lại, nhưng lần này giọng nghẹn ngào, nức nở:

- Phải, các đồng chí ạ, Lê-nin đã từ trần...

Và chính vì lần này, người ấy không kêu lên nữa, A-rơ-chom mới hiểu sự thật ghê gớm đã xảy ra và nhìn mặt người báo tin, nhận ra là đồng chí bí thư Đảng bộ.

Từ trong rãnh, anh em công nhân bò lên, im lặng nghe tin về cái chết của người mà toàn thế giới đều biết tiếng.

Ở ngoài cửa, một chiếc đầu máy rúc còi rú lên làm mọi người rùng mình. Có tiếng rú nữa ở đầu nhà ga đáp lại rồi tiếng thứ ba… Trong tiếng kêu mạnh và bi thảm của những dịp còi tàu, có lẫn cả tiếng thét vút cao, xé trời xé đất của còi máy cái nhà máy điện, nghe như tiếng trái phá nổ tung lên. Tất cả những tiếng ấy bị át trong tiếng còi đồng lanh lảnh của chiếc đầu máy đẹp hiệu chữ "S" ở chuyến tàu tốc hành sắp sửa lên đường đi Ki-ép.

Đồng chí nhân viên Cục chính trị Nhà nước giật nảy mình và ngạc nhiên: người thợ máy chuyến xe tốc hành Ba Lan "Sê-pê-tốp-ca - Vác-sa-va", sau khi đã biết nguyên nhân tiếng còi báo động, lắng tai nghe đến một phút, rồi từ từ giơ tay và kéo dây xích nhỏ mở nắp còi tàu ra.

Anh công nhân ấy hiểu rằng đây là lần kéo còi cuối cùng của anh, anh sẽ không còn được làm trên chuyến tàu này nữa, nhưng bàn tay anh không thể rời dây còi được. Và tiếng còi rú trên đầu tàu anh lái đã làm cho những giao thông viên và bọn ngoại giao Ba Lan sợ hãi đứng dậy khỏi các ghế đi-văng mềm trong các ngăn của toa.

Các cửa mở toang, người ùn ùn kéo vào đầy xưởng đầu máy nhà ga. Khi tòa nhà rộng lớn đã chật ních người, trong không khí im lặng đau đớn của tang chung, bật lên những lời nói đầu tiên, lời nói của người đảng viên bôn-sê-vích già, đồng chí Sa-ra-bơ-rin, bí thư đảng ủy Sê-pê-tốp-ca:

- Các đồng chí! Lãnh tụ của vô sản toàn thế giới, đồng chí Lê-nin đã mất.

Đồng chí mất đi, tổn thất của Đảng ta không lấy gì hàn gắn được. Người đã sáng lập ra Đảng bôn-sê-vích, Người đã giáo dục Đảng tinh thần đấu tranh không thỏa hiệp trước quân thù… Người hôm nay không còn nữa... Lãnh tụ của Đảng ta và của giai cấp mất đi, cái chết của Người gọi vào hàng ngũ của Đảng những người con ưu tú nhất của giai cấp vô sản.

Âm nhạc cử bài mặc niệm, hàng trăm con người đứng bỏ mũ, và A-rơ-chom cảm thấy nghẹn ngào trong cổ đôi vai khỏe run lên. Mười lăm năm nay, giờ anh mới khóc là một.

Tường dày của câu lạc bộ công nhân đường sắt dường như không chịu nổi sức xô đẩy của khối người. Ngoài kia, tuyết rơi buốt giá. Đôi cây thông rậm cành lối cửa đi vào bám đầy tuyết và tuyết đóng thành băng nhô ra như kim tua tủa. Thế mà trong phòng thì ngột ngạt vì hơi nóng giá của lò sưởi và hơi thở của sáu trăm con người tha thiết muốn được tham dự lễ truy điệu do Đảng bộ tổ chức.

Trong phòng họp không có tiếng ồn ào, không có tiếng trò chuyện như mọi khi hội họp. Đau buồn đã làm những giọng nói khàn đi; người ta khẽ nói, và trong hàng trăm cặp mắt đều lộ vẻ ngẩn ngơ vì thương tiếc đau đớn. Dường như đây là tập hợp cả đoàn thủy thủ của một con tàu đã bị sóng cồn biển cả cướp đi mất người cầm lái dày dạn kinh nghiệm của mình.

Những ủy viên của ban thường vụ Đảng ủy cũng lặng lẽ ngồi vào ghế chủ tịch đoàn. Đồng chí bí thư Xi rô-tên-cô từ từ cầm cái chuông và lắc rất nhẹ, rồi đặt ngay xuống bàn. Thế cũng đủ rồi. Im lặng nặng trĩu lòng người dần dần chiếm lấy cả gian phòng.

Vừa đọc xong diễn văn truy điệu, đồng chí Xi-rô- tên-cô đã đứng dậy nói. Vấn đề đồng chí nêu lên thật là khác hẳn lệ thường trong một buổi lễ truy điệu, vậy mà nghe đồng chí nói, không ai lấy làm ngạc nhiên cả.

Đồng chí Xi-rô-tên-cô nói như thế này:

"Ba mươi bảy đồng chí công nhân đề nghị chúng ta trong buổi họp này xét đơn xin gia nhập Đảng của các đồng chí ấy”.

Và Xi-rô-tên-cô đọc to:

"Kính gửi Đảng bộ Đảng cộng sản bôn-sê-vích của nhà ga Sê-pê-tốp-ca, khu vực đường sắt Tây-nam. Lãnh tụ mất đi, cái chết của Người đã gọi chúng tôi đến gia nhập đội ngũ những người bôn-sê-vích Chúng tôi mong được thẩm tra lý lịch ngay trong cuộc họp hôm nay và được kết nạp vào Đảng của Lê-nin”.

Sau những hàng chữ vắn tắt ấy có hai cột chữ ký.

Xi-rô-tên-cô đọc tên những chữ ký ấy, sau mỗi tên lại dừng lại mấy giây để mọi người có mặt có thể nhớ lấy những tên mà họ đều biết cả:

- Pô-len-tốp-xki Sta-nhi-láp, thợ máy xe lửa, ba mươi sáu năm làm nghề.

Tiếng xôn xao tán thành lan khắp phòng họp.

- A-rơ-chom Ca-rơ-sa-ghin, thợ nguội, mười bảy năm làm nghề.

- Bơ-ru-giắc Gia-kha-rơ thợ máy xe lửa, hai mươi mốt năm làm nghề.

Càng đọc, càng nghe thấy tiếng xì xào bàn tán nổi lên trong phòng. Xi-rô-tên- cô đứng cạnh bàn cứ tiếp tục đọc tên này kế tiếp tên khác. Phòng họp lắng nghe tên những người công nhân con nhà thợ gốc của ngành đường sắt.

Ai nấy đều im bặt khi người ký tên đầu tiên xin vào Đảng đi gần lại bàn.

Kể lại lịch sử đời mình, cụ già Pô-len-tốp-ski có thể nào không xúc động được?

- …Các đồng chí, tôi biết nói gì hơn nữa bây giờ? Cuộc đời người thợ trong chế độ cũ có thế nào, ai mà chẳng biết. Sống thì sống y như nô lệ mà tuổi già chết đi thì chết cùng chết khổ. Tôi xin thú thực rằng khi Cách mạng đến, tôi tự cho mình già lão rồi. Gánh gia đình nặng trĩu hai vai nên tôi đã bỏ lỡ dịp đi con đường vào Đảng. Tuy trong đấu tranh, tôi đã không bao giờ làm lợi cho kẻ thù, song tôi thật ít tham gia vào cuộc chiến đấu. Năm 1905, khi làm ở các xưởng tại Vác-sa-va, tôi cũng có chân trong ủy ban bãi công và cùng đi theo với các anh em bôn-sê-vích. Hồi bấy giờ tôi còn trẻ, trong lòng hăng hái.

Nhưng thôi, nhắc lại chuyện cũ làm gì? Lê-nin mất đi, lòng tôi đau xót. Mất Người là mãi mãi từ đây anh em ta mất một người bạn, mất người bênh vực giai cấp chúng ta. Và bây giờ tôi không còn nói được rằng tôi đã già ! . . . Thôi để anh em khác lên nói hay hơn tôi, tôi không phải là người ăn nói. Tôi chỉ nói chắc một điều rằng: con đường những người bôn-sê-vích đi là con đường của tôi và không thể khác được.

Cái đầu bạc của người thợ máy già lắc một cách quả quyết và dưới đôi mày xám, mắt cụ nhìn phòng họp, vững vàng thẳng thắn, không chớp, như chờ đợi quyết định chung của mọi người.

Không ai giơ tay phản đối việc kết nạp cụ già thấp bé, tóc đã hoa râm ấy vào Đảng. Khi Đảng ủy đề nghị quần chúng ngoài Đảng cho ý kiến thì ai cũng tán thành.

Cụ già Pô-len-tốp-ski rời diễn đàn trở về chỗ, từ nay đã là một đảng viên cộng sản rồi.

Mỗi người dự lễ hôm nay đều hiểu giờ phút này có một cái gì khác thường. Chỗ cụ thợ máy vừa đứng nói lúc nãy bây giờ đã hiện ra bóng dáng đồ sộ của A-rơ- chom. Người thợ nguội ngượng ngùng không biết giấu hai cánh tay dài đi đâu, vò trong bàn tay chiếc mũ có bịt tai. Chiếc áo tơi lông cừu mòn gấu để hở khuy, cổ áo va-rơ nhà binh màu xám cài khuy đồng cẩn thận làm cho hình dáng anh nghiêm chỉnh, trịnh trọng. A-rơ-chom quay mặt lại phía phòng họp và thoáng nhận ra khuôn mặt phụ nữ quen thuộc: đấy là Ga-li-na, người con gái bác thợ đá, ngồi trong đám thợ xưởng khâu. Trong nụ cười đầy khoan thứ của chị, có chiều khuyến khích đồng tình và còn có một cái gì chưa nói hết nữa ẩn trên làn môi. Người thợ nguội nghe tiếng Xi-rô-tên-cô nhắc:

- Đồng chí A-rơ-chom, báo cáo với hội nghị lý lịch của đồng chí đi!

Bắt đầu nói thật là khó. A-rơ-chom không quen nói ở các cuộc họp lớn. Mãi bây giờ anh mới cảm thấy một đời người làm lụng khó nhọc chồng chất bao nhiêu ý nghĩ trong đầu nói ra thế mà khó thật. Khó tìm ra lời mà nói, lại cảm động nữa, làm sao mà nói được. Chưa bao giờ anh thấy mình như hôm nay. Anh nhận thấy rất rõ cuộc đời mình đến một chỗ ngoặt hẳn hoi đây anh sắp sửa bước lên một bước cuối cùng, có bước lên như thế thì cuộc đời khô khan cằn cọc của anh mới ấm áp lên được và mới có ý nghĩa.

- Mẹ tôi có bốn người con . . .

A-rơ-chom bắt đầu. Trong phòng im phăng phắc. Sáu trăm con người chăm chú nghe lời tự thuật của anh thợ cao lớn mũi khoằm khoằm, mắt nấp dưới lớp lông mày đen rậm.

- Mẹ tôi đi ở nấu bếp. Còn cha tôi thế nào tôi không nhớ rõ nữa: tôi chỉ biết hai người ăn ở với nhau không hợp. Cha tôi hay rượu chè quá chén. Mẹ tôi làm ăn vất vả để nuôi ngần ấy miệng ăn. Bọn chủ trả cho mẹ tôi bốn rúp một tháng với cơm nuôi; lấy được bốn đồng rúp mẹ tôi phải nai lưng ra làm từ sáng bảnh mắt đến tối mịt. Tôi hãy còn may, thuở bé được đi học trường sơ học được hai năm biết đọc, biết viết. Nhưng năm tôi lên mười thì nhà hết gạo, không còn cách nào khác, mẹ tôi phải đưa tôi vào học việc ở nhà một lão thợ khóa. Ở ba năm không một đồng công, chỉ có cơm nuôi... Lão chủ - người Đức - tên là Phéc- stơ. Hắn không muốn nhận tôi vào làm, bảo tôi còn bé quá. Nhưng tôi là một đứa bé sức lực, mẹ tôi nói tăng cho tôi thêm hai tuổi nữa. Tôi ở với hắn được ba năm. Hắn chẳng dạy gì nghề cả mà chỉ sai vặt và bắt chạy đi mua rượu vốt-ca cho hắn: hắn ta nghiện rượu, nốc bao nhiêu cũng không vừa. Người ta sai tôi đi xách than, khiêng sắt. . . Mụ chủ biến tôi thành thằng hầu của mụ: nào đi đổ bô cho mụ, nào là đi gọt khoai cho mụ. Ai cũng đá tôi được, lắm lúc tự nhiên vô cớ cứ quen chân là đá. Hễ mụ chủ bực mình cái gì là cứ lôi tôi ra vả vào mặt. Hễ thằng chồng say rượu là mụ bực dọc với cả mọi người. Mụ đánh một lần, mụ đánh hai lần. Tôi bỏ đi. Nhưng biết đi đâu? Biết kêu ai? Nhà mẹ thì ở xa đến bốn mươi dặm, mà trốn ở nhà cũng không yên được. . . Ở xưởng cũng chẳng hơn gì. Em mụ chủ làm vương làm tướng ở đấy. Cái thằng khốn nạn ấy thích hành hạ tôi. Hắn bảo: "Mày cầm cục kia đưa cho tao". Và hắn chỉ xuống đất, chỉ vào một góc gần lò rèn. Tôi vào đấy lấy cục sắt. Cục sắt ấy vừa hắn vừa nung, mới rút ra khỏi lò. Cục sắt nằm đen đen trên đất nhưng mó tay vào là bỏng cháy thịt lòi xương. Tôi bị đau thét lên. Còn hắn thì phá ra cười khoái trá. Tôi không thể chịu được nơi tù ngục ấy, nên bỏ về với mẹ. Mẹ cũng không biết đưa vào đâu, lại dẫn đến thằng Đức ấy, dọc đường mẹ tôi khóc mãi. Làm được hai năm thì chúng cũng bắt đầu dạy nghề bập bõm cho, nhưng vẫn cứ tiếp tục đánh đập.

Tôi lại bỏ trốn đi đến Sta-rô-công-stan-ti-nốp, xin vào làm một nhà hàng bán thịt và chịu khổ chịu nhục ở đấy cạo rửa ruột lợn đến một năm rưỡi trời. Thằng chủ đánh bạc nướng mất cơ nghiệp và quịt của chúng tôi bốn tháng lương, không trả lấy một hào, rồi bỏ đi đằng nào mất. Thế là tôi lại ra khỏi cái xó ấy. Lên tàu xuống Giơ-mê-rin-ca đi tìm việc làm. May có một bác thợ xưởng kho thông cảm tình cảnh của tôi. Bác ấy biết tôi bập bõm tí nghề thợ nguội, bèn nhận tôi làm cháu và xin việc với lão chủ. Trông mặt, nó cho tôi đã mười bảy tuổi và do đó được vào làm phụ thợ nguội. Tôi làm ở xưởng ta đây được chín năm rồi. Cuộc đời đã qua của tôi là như thế. Còn về cuộc đời hiện tại thì các đồng chí đều biết cả rồi.

A-rơ-chom lấy mũ thấm mồ hôi trán và trút ra một hơi thở dài. Anh thấy phải nói điều cốt yếu nhất, khó nói nhất, không cần đợi ai hỏi, phải nói ngay. Và cau mày lại, anh kể tiếp:

- Mỗi người có thể hỏi rằng: tại sao tôi không vào Đảng bôn-sê-vích ngay từ khi bùng nổ: Hỏi thế thì tôi biết trả lời thế nào? Tôi chưa già gì cho cam, thế mà mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra đường đi. Tôi không giấu giếm gì cả.

Phải, chúng tôi đã bỏ lỡ dịp đi vào con đường ấy. Đáng lẽ chúng tôi phải giác ngộ từ cái năm 1918, dạo bãi công chống Đức ấy. Hồi đó, đồng chí lính thủy Giu-khơ-rai đã nói chuyện với chúng tôi nhiều lần. Thế mà mãi đến năm 1920 tôi mới cầm súng đi bộ đội. Hết đánh nhau, ném hết bọn trắng xuống Hắc Hải rồi thì lại về nhà. Tôi lập gia đình, sinh con đẻ cái... Cứ lúi húi vào việc nhà.

Nhưng giờ đây, đồng chí Lê-nin của chúng ta mất đi và Đảng ra lời kêu gọi, tôi nhìn lại cuộc đời tôi và tôi hiểu rằng đời tôi thiếu mất một cái gì. Bảo vệ chính quyền Xô-viết cũng chưa đủ. Tất cả chúng ta phải hưởng ứng lời kêu gọi, chúng ta phải đồng tâm hiệp lực mà bù lại chỗ trống của đồng chí Lê-nin, để chính quyền Xô viết của chúng ta vững mạnh như một núi thép. Chúng ta phải trở thành những đảng viên bôn-sê- vích vì Đảng chính thật là Đảng của chúng ta !

A-rơ-chom lúng túng vì cách nói không quen của mình. Anh kết thúc lời phát biểu một cách giản dị, nhưng thật là chân thành. Nói xong, anh thấy như đã trút được gánh nặng trên vai, anh đứng thẳng người lên, đợi chờ anh em hỏi lại.

Xi-rô-tên-cô phá tan không khí im lặng:

- Có ai muốn chất vấn gì không?

Hàng người cựa quậy, nhưng không ai lên tiếng ngay. Một bác thợ đốt lò người đen như củ súng, vừa rời đầu máy xe lửa đi thẳng đến đây dự lễ ngay, nghe hỏi thì đáp lại bằng giọng quả quyết:

- Còn chất vấn làm gì nữa? Chúng ta lại còn không biết đồng chí đó hay sao.

Phát cho đồng chí ấy cái thẻ đảng viên đi thôi.

Bác thợ rèn Ghi-li-a-ca người thâm thấp, mặt đỏ lên vì nóng và óc nghĩ căng thẳng, giọng nói khàn khàn, run run:

- Tay như thế chẳng bao giờ xuống dốc cả, một đồng chí vững đấy. Cho biểu quyết đi thôi, đồng chí Xi rô-tên-cô ạ!

Ở những hàng cuối, chỗ các đoàn viên thanh niên cộng sản ngồi, có một người đứng dậy, trong bóng tối không rõ là ai. Người ấy nói:

- Đề nghị đồng chí A-rơ-chom cho biết tại sao đồng chí lại quá dính chặt với ruộng đất? Cơ sở nông thôn của đồng chí có làm đồng chí xa rời tư tưởng vô sản không?

Trong phòng hơi có tiếng xì xào, không tán thành câu hỏi đó. Có tiếng phản đối.

- Nói cho giản dị ! Đây không phải lúc nói chữ...

Song A-rơ-chom đã trả lời rồi:

- Không sao cả, các đồng chí ạ! Đồng chí vừa rồi nói là tôi đã quá dính chặt với ruộng đất. Đồng chí ấy nói đúng đấy. Thật vậy, nhưng có điều là tôi không vì thế mà mất được ý thức giai cấp của người thợ đâu. Kể từ ngày hôm nay, tôi xin dứt khoát. Tôi sẽ cùng gia đình dọn đến ở gần sở đầu máy, như thế chắc con người hơn. Bởi vì, cái mảnh ruộng ấy cũng làm tôi vất vả khó thở lắm.

Lòng A-rơ-chom lại bồi hồi lần nữa khi anh nhìn thấy cả rừng cánh tay cùng giơ lên. Anh thấy nhẹ hẳn người, thân vươn lên, bước về chỗ. Đằng sau anh nghe tiếng Xi-rô-tên-cô tuyên bố.

- Nhất trí tán thành.

Người thứ ba lên cạnh bàn chủ tịch là bác Bơ-ru- giắc người "ét" cũ tính ít nói của ông già Pô-len-tốp- ski, từ lâu cũng đã ra đứng đầu máy. Bác kể về cuộc đời lao động của mình. Khi kể đến những ngày gần đây, giọng bác hạ thấp xuống, nhưng rõ ràng, để ai cũng nghe rõ được.

- Tôi phải làm cho xong sự nghiệp mà các con tôi đã bắt đầu. Thằng Xéc-gây và con Va-li-a nhà tôi hy sinh không phải là để cho tôi ngồi chết dúi trong xó bếp với nỗi đau khổ của mình. Chúng nó chết đi, tôi đã không biết đứng lên thế vào chỗ chúng nó bỏ lại, nhưng ngày nay lãnh tụ mất đi, cái chết của Người đã mở mắt cho tôi. Các đồng chí đừng hỏi tôi về dĩ vãng làm gì. Bắt đầu từ ngày hôm nay đây, chúng tôi mới thật là sống cho ra sống.

Bác Bơ-ru-giắc nói đến đây thì rầu nét mặt, nghĩ đến hai con mà lòng quặn lại.

Nhưng khi mấy trăm cánh tay đều nhất trí giơ lên nhận bác vào Đảng, không ai chất vấn điều gì, thì đôi mắt bác sáng lên và mái đầu hoa râm không cúi gằm xuống ngực nữa.

Đến tận đêm khuya, trong xưởng đầu máy, người ta vẫn tiếp tục bình nghị những đảng viên mới. Chỉ những người ưu tú nhất mới được nhận vào Đảng, những người mà ai nấy đã hiểu rõ, tất cả cuộc đời của họ là một bảo đảm.

Cái chết của Lê-nin đã dẫn đến với Đảng hàng trăm ngàn công nhân. Lãnh tụ mất đi, không hề lầm đội ngũ của Đảng tan tác. Đảng ví như cây to, bám chặt rễ sâu vào đất, dù cho ngọn có gãy đi, cây vẫn không tàn héo.

Bạn đang đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy của N A xtơ rốp xki
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi TaLaTa
Phiên bản Dịch
Ghi chú DOCX
Thời gian
Lượt đọc 56

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.