Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

TÀI LIỆU CỦA BỘ BIÊN TẬP NHÀ XB NHÂN DÂN VĂN HỌC BẮC KINH BÀN VỀ TÂY DU KÝ

10899 chữ

I. ĐỜI SỐNG TƯ TƯỞNG CỦA NGÔ THỪA ÂN VÀ NGUỒN GỐC “TÂY DU KÝ”

“Tây Du Ký” là một bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên, lãng mạn tích cực rất vĩ đại. Quá trình ra đời của bộ truyện này cũng giống như “Tam quốc diền nghĩa” và “Thủy Hử”: gốc gác của truyện đã lưu truyền lâu dài trong dân gian từ trước; sau đó một hoặc vài tác gia dựa trên cơ sở sáng tác tập thế của nhân dân; lại sáng tạo thêm thành sách.

Song căn cứ vào tài liệu hiện có mà xét thì truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” và “Thủy Hử”, trước khi thành sách đã có đầy đủ về qui mô kết cấu trên đại thể. Còn “Tây Du Ký” thành được sách chủ yếu là do tác giả Ngô Thừa Ân sáng tạo ra: “Tây Du Ký” được đúc kết bởi sự lao động sáng tạo lớn lao của tác giả.

Ngô Thừa Ân (1500 (?) tên tự là Nhũ Trung, tên hiệu là Xa Dương sơn nhân, là người ở huyện Sơn Âm, phủ Hoài An (nay là huyện Hoài An, tỉnh Giang Tô). Ông sinh trong một gia đình quan lại cấp dưới lưu lạc sa sút thành tiểu thương. Cha tên là Ngô Nhuệ, một tiểu thương bán “chỉ màu vải hoa”, rốt ham đọc sách, “từ lục kinh đến bách gia chư tử không sách nào là không xem” (Ngô Thừa Ân: “Bài minh của mộ chí Tiên phú quân”). Ngô Thừa Ân từ lúc thiếu niên, văn chương đã nổi tiếng nhất làng. Trong bài “Xạ Dương tiên sinh tồn cáo bạt” của Ngô Quốc Vinh có nói: “Xạ Dương tiên sinh khi còn để trái đào, văn chương đã có tiếng đồn ở vùng sông Hoài. Những người đến thăm, đến chơi, xin bài, hỏi chữ, luôn luôn không ngớt”… Sách Hoài An phú chi của Thiên Khải có nói về ông: “Ông tinh lanh lẹ, thông minh, xem rộng hết các sách; khi làm văn thơ, hạ bút là thành bài; thanh nhã tươi đẹp, có phong cách như Tân Thiếu Du. Ông lại giỏi hài kịch, viết được một số vở nổi tiếng một thời”. Nhưng ở cái thời đại kén người bằng lối văn bát cổ, một người trí thức có tài năng như thế, đành “lận đận

mãi nơi trường ốc”, mãi đến năm 45 tuổi, ông mới thi đậu được chức tuế cống sinh. Ông đã lên kinh dự tuyển, vì thân phận là người khách lạ Bắc Kinh nên đã nếm đủ mùi lạnh nhạt của phố phường. Sau bởi mẹ già nhà khổ, ông miễn cưỡng phải ra nhận chức thừa ở huyện Trường Hưng. Nhận chức được một hai năm, ông “thẹn nỗi khom lưng, rũ áo ra về”. Sau ông lại đến Kim Lăng (Nam Kinh) tìm việc, nhưng vẫn không thi thố được gì. Lúc già, ông quay về làng rượu, thơ vui thú, làm công việc sáng tác văn học. Ông ở nhà được hơn mười năm thì qua đời. Tiểu thuyết “Tây Du Ký” áng chừng viết lúc tuổi già, thời kỳ ông ở quê nhà. Sáng tác của Ngô Thừa Ân rất nhiều, nhưng vì nhà nghèo, lại không có con nối dòng, nên một bộ phận lớn sáng tác của ông đều bị mất mát cả. Tác phẩm hiện còn, trừ “Tây Du Ký” ra, còn có bốn quyển “Xạ dương tiên sinh tồn cáo” do người sau góp nhặt lại được.

Ngô Thừa Ân xuất thân ở một gia đình sĩ hoạn sa sút, lưu lạc thành tiểu thương. Tiểu thương hồi đó không có địa vị xã hội. Ông đã ghi thuật trong bài minh của mộ chí Tiên phủ quân về tình cảnh nhà ông luôn bị quan lại dọa nạt. Do bị tư tưởng phong kiến trói buộc, tuy ông đã hết sức viết về phụ thân mình cho thành người dân lành an phận trong xã hội đương thời, nhưng cũng không che đậy nổi sự tức giận đối với hiện thực đen tối, Phụ thân ông “thích bàn chuyện thời thế, hễ điều gì bất bình thì vỗ ghế tức giận, thái độ hằm hằm”, đó chính là phản ánh người tiểu thương lúc ấy, bị giai cấp phong kiến thống trị đè nén về mặt chính trị và mặt kinh tế.

Tư tưởng của Ngô Thừa Ân trên cơ bản vẫn là tư tưởng nhà nho truyền thống, chủ trương làm điều vương đạo, hết lẽ vua tôi, cái xã hội mà ông mộng tưởng là cái xã hội Tam đại, lưỡng Hán đã lý tưởng hóa. Bài phú “Minh Đường” của ông là một bài ca tụng giai cấp thống trị phong kiến, còn thì khá nhiều thơ ca, nhất là văn xuôi của ông, cũng đều có ý thức phong kiến khá đậm. Nhưng cũng bởi địa vị xã hội của người tiểu thương, bởi đường khoa cử lận đận, nên cái hố ngăn cách giữa ông và bọn thống trị phong kiến ngày càng to. Nhờ kinh nghiệm thiết thân nên ông càng ngày càng nhận rõ hơn cái hiện thực đen tối của xã hội hồi đó. Qua một số thơ của ông có thể thấy được tính cách của ông là sốt sắng yêu tự do, hào phóng, không câu thúc. Ở dưới sự thống trị phong kiến đen tối và nghiệt ngã của triều Minh, ông căm ghét chủ nghĩa chuyên chế. Ở dưới sự chỉ đạo của tư

tưởng nho gia truyền thống, ông có hoài bão về chính trị, hy vọng làm nên sự nghiệp một phen; nhưng trước cái hiện tượng xã hội “hàng ngũ ngày thưa, thuế dịch ngày nặng, cơ giới ngày nhiều, thói quen gian trá ngày càng đua nhau” (bài tự tặng Vệ Hầu Chương Quân đi nhậm) khiến ông không thể không thốt ra lời cảm thán “phong tục lâu nay ta không nỡ nói rõ!” (bài tự tiễn Quận bá là Thiệu Cố Ngu được bổ đi làm hiến phó tỉnh Sơn Đông). Từ đấy sự bất mãn mạnh mẽ đối với hiện thực càng làm mạnh thêm chí lớn giúp thời sửa thế của ông. Trong bài ca ở tranh “Nhị Lang tìm núi”, ông đã nói: “... Binh thần săn tà và săn muông thú; dò tận hang, phá cả tổ, không còn sót một con nào. Uy thế lúc bình sinh nay ở đâu? Nanh vuốt tuy còn, dám rong ruổi nhung nhăng chăng!... Người ở nơi đồng nội có hoài bão, cảm kích nhiều, thấy việc, ở trước gió thở dài ba cái. Ở trong bụng đã mài mòn đao chém tà, muốn vùng dậy, nhưng giận rằng không có sức. Cứu mặt trăng có tên, cứu mặt trời có cung, ở thế gian há bảo không có kẻ anh hùng? Ai hay đưa lại cho ta những người tài hiếm như con lân, con phượng để khiến cho mãi mãi muốn nắm giữ được cái công trừ giặc yên dân...”.

Ông đem thế lực hung ác, tàn hại nhân dân ở trong xã hội ví với các quỉ quái Lị, Mị, Võng, Lượng; nêu rõ giai cấp thống trị là nguồn gốc tai nạn của nhân dân. Ông muốn dùng “đao chém tà” để tiêu diệt những bọn hề ấy, nhưng “muốn vùng dậy dẹp chúng mà giận rằng không có sức”. Lý tưởng không thực hiện được, thế là nỗi căm giận hiện thực đen tối, cái nhiệt tình giúp thời sửa thế, trừ bạo an dân của ông liền phát sinh và thể hiện rõ trong “Tây Du Ký”.

Ngô Thừa Ân lúc còn bé, thích những chuyện thần thoại. Lúc đứng tuổi, ông đã căn cứ vào truyện thần thoại dân gian viết một bộ tiểu thuyết ma quái tên là “Vũ Đình Chí”. Tiếc rằng bộ ấy thất truyền, chỉ còn bài tựa. Trong bài tựa nói: “Ta lúc bé đã thích chuyện lạ. Lúc ở trường xã, học trẻ con, thường mua trộm những truyện vặt, dã sử, nhưng sợ cha và thầy mắng, phải tìm chỗ kín để đọc. Khi lớn lên, thích càng nhiều, nghe càng lạ. Đến lúc đã ba mươi tuổi, tìm tòi mua kiếm các sách, truyện, cơ hồ chứa đầy trong bụng... Tuy sách của ta tên là sách ma quái, nhưng không chuyên nói về ma quỷ, thỉnh thoảng cũng chép những biến dị ở nhân gian là có ý khuyên răn ngụ ở trong ấy...”

Ngô Thừa Ân không những thuộc nhiều chuyện thần thoại, dùng đề tài thần thoại viết ra được thành công, mà còn định rõ được ý muốn của sáng tác, hy vọng thông qua tác phẩm để đạt mục đích giáo dục xã hội, chứ không phải chỉ là viết để viết.

Có khuynh hướng tư tưởng tiến bộ, lại giỏi vận dụng đề tài phong phú của truyền thuyết thần thoại nên Ngô Thừa Ân sáng tạo ra được “Tây Du Ký”, pho tiểu thuyết thần thoại trường thiên, lãng mạn tích cực vĩ đại như thế.

Nhưng “Tây Du Ký” lại không phải do riêng cá nhân Ngô Thừa Ân sáng tác ra. Gốc gác câu truyện đã lưu truyền rộng rãi ở dân gian và không ngừng diễn biến, đã từ lâu trước khi có Ngô Thừa Ân.

Muốn khảo sát nguồn gốc “Tây Du Ký”, phải ngược lại những năm đầu nhà Đường. Năm thứ 2 niên hiệu Trinh Quán (628), có một vị sư thanh niên là Huyền Trang không sợ gian nan hiểm trở, một mình sang Thiên Trúc (Ấn Độ) lấy kinh. Ông đi lâu đến 17 năm, qua hơn năm mươi nước, trải hết trăm cay nghìn đắng, chín phần chết một phần sống, cuối cùng mang về được 657 bộ kinh. Lúc bấy giờ, giao thông chua phát đạt, giữa nước này với nước kia sự giao thiệp không thân mật thì Huyền Trang sang Thiên Trúc thật là một việc kinh người.

Việc từng trải trên đường dài, việc sinh sống ở nước khác trong hơn 10 năm của ông không những làm cho mọi người thán phục, mà còn đem lại cho mọi người một nguồn tưởng tượng phong phú. Thêm vào đấy, tín đồ đạo Phật muốn mở rộng ảnh hưởng dạo mình, nên cố ý tô vẽ thêm vào câu chuyện Huyền Trang đi lấy kinh, cho nên chuyện Huyền Trang đi lấy kinh, bắt đầu từ lúc học trò ông là Tuệ Lập viết ra quyển truyện ký “Đại Đường Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện” liền có đủ màu sắc thần bí của tôn giáo. Những truyện ấy được thần kỳ hóa lại chính là bắt đầu từ sau khi nó được lưu hành ở trong dân gian. Được lưu hành trong dân gian nó thành sở hữu của nhân dân. Nhân dân lao động xuất phát từ hứng thú nghệ thuật của bản thân mình, lại dựa vào nguyện vọng của mình, đã làm cho câu chuyện phát triển phong phú thêm lên. Câu chuyện dần dần tách khỏi lịch sử Huyền Trang đi lấy kinh để mỗi ngày một diễn biến kỳ lạ...

... Chuyện Đường Tăng đi lấy kinh, trong quá trình lưu truyền mấy trăm năm, đã dần dần được thêm thắt phong phú lên. Đến tay Ngô Thừa Ân, trải qua những sự lấy bỏ, thêm bớt, sáng tạo, mới thành ra một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại như thế.

Sự sáng tạo lớn lao của Ngô Thừa Ân, chủ yếu biểu hiện ở ba mặt dưới đây:

Cứ theo sự kết cấu và tình tiết truyện mà xét, tác giả đem mấy truyện đã có sẵn, nối liền chúng lại với nhau một cách khéo léo rồi tô điểm, mở rộng, sửa đổi và gán vào trong sáng tác của mình, khiến chúng xoay quanh chủ đề, trở nên một khối hoàn chỉnh. Nhờ ở sự ham thích thần thoại và óc tưởng tượng của mình, ông còn sáng tạo ra một số truyện khác dung hợp với chuyện có sẵn trong dân gian.

Xét trên mặt tư tưởng chủ đề, ông đã cải tạo và nâng cao câu chuyện đi lấy kinh vẫn lưu truyền trong dân gian, bồi bổ cho nó một ý nghĩa mới, khiến cho nó có một chủ đề rõ ràng và một tính khuynh hướng mạnh mẽ. Tác giả lại căn cứ vào sự quan sát và sự nhận xét của mình đối với hiện thực, mà tiến hành phê phán xã hội một cách sâu rộng.

Xét về mặt xây dựng hình tượng nghệ thuật, nhân vật trong truyện đi lấy kinh trước kia phần lớn chỉ là thô sơ, không có cá tính rõ rệt. Mà điều đáng chú ý là qua bản thân các nhân vật đó, ta không thấy khái quát được phần nào bản chất của lực lượng xã hội. Trải qua sự sáng tạo thiên tài của Ngô Thừa Ân, hình tượng sáng ngời, bất hủ của Tôn Ngộ Không mới được gọt rũa nên. Tôn Ngộ Không giữ một địa vị rất chủ yếu trong “Tây Du Ký”;

Tôn không những có đủ cá tính rõ rệt, mà còn khái quát sâu sắc được nội dung xã hội. Nhờ đó mà “Tây Du Ký” đã hoàn thành được sự thay đổi về chất, đã từ một bộ truyện của các tín đồ tôn giáo trở thành một tác phẩm dùng đề tài thần thoại viết thành truyền kỳ của nhân dân anh hùng.

Có thể nói như thể này: không có truyện đi lấy kinh của dân gian, thì không thể có “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân; không có sáng tạo gia công thiên tài của Ngô Thừa Ân thì “Tây Du Ký” cũng không thể hoàn chỉnh được như thế, không thể đạt được đích cao về tư tưởng và nghệ thuật như thế.

II. Ý NGHĨA TƯ TƯỞNG CỦA “TÂY DU KÝ”

“Tây Du Ký” là một bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên vĩ đại. Truyện rạng rỡ chủ yếu trên hình tượng nghệ thuật Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không là hình tượng anh hùng lý tưởng rất giàu màu sắc thần kỳ, tỏa sáng ra bốn phía trong phòng tranh văn học cố điển nước ta.

Tôn Ngộ Không là đứa trẻ của tự nhiên, đứa trẻ từ một khối đá tiên sinh đẻ ra. Nó nhờ ở dũng cảm và trí tuệ của mình mà làm chúa đàn khỉ ở động Thủy Liêm, núi Hoa Quả. Tác giả tả động Thủy Liêm, núi Hoa Quả được mười phần tươi đẹp như là một lạc viên lý tưởng. Một bầy khỉ ở trong khoảng trời đất, tự do tự tại, “không chịu kỳ lân trông coi, không chịu phượng hoàng cai quản, cũng không chịu vua ở nhân gian ràng buộc”. Nhưng Tôn Ngộ Không lại phải chịu sự quản thúc của vua Diêm Vương; vận mệnh của Tôn lại không phải do chính Tôn nắm lấy được. Đối với một việc không thể nào chịu được ấy, Tôn Ngộ Không bèn rèn luyện tài nghệ của mình, náo động long cung, lấy của Đông Hải long vương cái gậy gọi là “gậy như ý bịt vàng trấn đáy sông trời” nặng 13.500 cân, múa gậy đánh xuống âm phủ “làm cho quỷ đầu trâu kia sợ phải trốn đông trốn tây, quỷ mặt ngựa kia sợ phải chạy nam chạy bắc”. Ngay cả vua Diêm Vương cũng sợ phải phải lên tiếng xin thượng tiên cho biết tên!”, phải đem số sinh tử ra để Tôn Ngộ Không xóa bỏ tên tuổi loài khỉ ở trong ấy. Rõ là Tôn Ngộ Không phản kháng bất cứ sự áp bách nào, Tôn khiêu chiến một cách táo bạo với số mệnh! Tôn Ngộ Không náo động long cung, khuấy rối âm phủ, Long Vương, Diêm Vương không làm gì được, đành phải kêu với chúa tể của họ là Ngọc Hoàng, kẻ thống trị cao nhất của thế giới thần. Kẻ thống trị ở thiên đình ấy cũng lại chẳng cao minh gì hơn Long Vương và Diêm Vương, nhưng biết không thể đối phó được với Tôn, bèn bày ra kế đánh lừa Tôn Ngộ Không lên trời. Tôn Ngộ Không lên đến thiên đình, với thái độ một người thắng thế, vào yết kiến Ngọc Hoàng; Thái Bạch kim tinh hướng vào Ngọc Hoàng lạy, Tôn Ngộ Không cứ thẳng người đứng ở cạnh. Đến lúc Ngọc Hoàng hỏi: “Ai là tiên yêu quái?” Tôn Ngộ Không chỉ cúi mình trả lời một tiếng là: “Chính lão Tôn đây!”. Thái độ ngang tàng của Tôn ở trước mặt Ngọc Hoàng trong thế giới thần thoại, đã phản ánh một cách khái quát sự khinh miệt của nhân dân lao

động đối với sự quyền quí và chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến, phản ánh yêu cầu và nguyện vọng của họ: dân chủ, bình đẳng. Khi Tôn Ngộ Không biết rằng việc mình được phong làm “Bật mã ôn” chi là một việc lừa dối, Tôn bèn bừng bừng lửa giận, đánh ra cửa Nam Thiên. Thiên đình điều binh khiển tướng đến đánh, kết quả bị Tôn Ngộ Không đánh cho tơi bời, tán loạn như hoa trôi nước chảy. Từ đấy Tôn Ngộ Không lặng lẽ, dứt khoát dựng cờ hiệu, tự xưng là “Tề Thiên Đại Thánh”, chống lại với thiên đình. “Trời” là vương quốc của thần, là tượng trưng của thế lực thống trị cao nhất; Tôn Ngộ Không lại dựng lên hiệu cờ “Tề Thiên Đại Thánh” việc ấy chứng tỏ rõ ràng là Tôn tự coi mình ngang với trời, quyết không chịu sự cai quản của thế lực thống trị trên “nước trời”. Tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không lúc bấy giờ so với lúc náo long cung; náo âm phủ lại tiến lên một bước nữa, là dám chọi lại với thiên đình. Kẻ thống trị ở trên trời sợ uy lực lớn lao của Tôn Ngộ Không, không thể không thừa nhận Tôn là “Tề Thiên Đại Thánh” được. Ấy là lần thứ hai trời lừa Tôn Ngộ Không lên thiên quốc. Tôn Ngộ Không ở trên thiên cung, vẫn hiềm vì bị người quản thúc, cuộc sống không được tự do, cho nên giả ngây giả dại. Không lâu, Tôn lại náo động ngay thiên cung một mẻ rối tùng phèng nữa sau đó lại ra khỏi cửa trời. Thiên đình tốn hết sức lực mới bắt được Tôn, nhưng không có cách nào giết nổi Tôn. Tôn bị bỏ vào trong lò Bát quái của Thái Thượng lão quân đang luyện thuốc. Lò ấy luyện được bảy bảy bốn mươi chín ngày; nhân lúc Lão quân mở lò để lấy thuốc, Tôn liền nhảy vọt ra, trèo lên trên lò Bát Quái. Lão quân đến bên toan tóm bất, bị Tôn xô ngã lộn nhào. Lập tức rút ở trong lỗ tai ra cây gậy như ý, vung trước gió, thành cây gậy tròn xoe to bằng cái chén, cứ thế nắm ở trong tay, bất biết hay dở, lại đại náo cung trời, đánh cho chín diệu tinh phải đóng chặt cửa cổng, bốn thiên vương không còn bóng dáng nữa”. Ghế ngọc của Ngọc Hoàng trước mắt cũng lung lay không yên. May sao có Như Lai đến cứu. Tôn Ngộ Không bèn nói trắng ra với Như Lai rằng: “Kẻ mạnh là cao quý, phải nhường cho ta: anh hùng chỉ thế đấy ai dám tranh hơn!”. Và lại nói: “Người ta thường bảo: ngôi hoàng đế luân lưu, sang năm đến lượt ta! Chỉ cần bảo với hắn (chỉ Ngọc Đế) dọn đi nơi khác, đem thiên cung nhường cho ta là xong, nếu không nhường, nhất định ta đánh phá mãi không yên!”. Đến đây, tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không phát triển lên đến cùng tột,

không những muốn là “Tề Thiên”, mà lại muốn cướp lấy quyền thống trị của thiên đình vào tay mình; đề ra khẩu hiệu phản kháng triệt để nhất lúc bấy giờ là lật đổ nền thống trị của Ngọc Hoàng, như thế thật sung sướng biết nhường nào! Khí phách hùng vĩ biết nhường nào! Trong chuyện đại náo thiên cung, tác giả “Tây Du Ký” đã hết sức kích động tạo nên hình tượng chói lọi của kẻ phản kháng triệt để ấy là hình tượng Tôn Ngộ Không. Tôn bạo dạn đi tìm lý tưởng, còn dám phá hoại qui củ cũ, không thừa nhận bất cứ uy quyền nào của kẻ thống trị vương quốc thần, tin tưởng vào lực lượng của mình, mưu nắm hoàn toàn lấy vận mệnh của mình. Tôn dùng sức thần kỳ của mình làm náo động tơi bời cả ba giới (trời, bể, đất) hoàn toàn làm rối loạn trật tự của vương quốc thần. Thiên đình, cái nơi được coi là thần thánh bất khả xâm phạm, đứng trước sự xung kích của lực lượng to lớn của Tôn Ngộ Không, đã hoàn toàn bộc lộ cái tướng con hổ già bằng giấy, ngoài thì oai nghiêm mà trong thì mềm yếu. Thiên cung của vương quốc thần là tượng trưng cho vương triều phong kiến ở nhân gian; Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung là sự khái quát cao độ bằng tưởng tượng cuộc đấu tranh khởi nghĩa của nông dân phản kháng vương triều phong kiến. Ở bảy hồi đầu “Tây Du Ký”, tác giả đã tả Tôn Ngộ Không đại náo ở ba giới long cung, âm phủ và thiên cung, mà không tả Tôn đại náo ở nhân gian. Tác giả, một mặt đem kẻ thống trị ở long cung, âm phủ, thiên cung tả rõ ra là những kẻ hôn mê như thế kia; một mặt coi các triều đình ở nhân gian như không có trong trời đất này. Ở trong trời đất này, đánh một dấu hỏi để độc giả tự tìm tòi suy nghĩ. Việc đó không thể bảo là không ngụ một ý sâu sắc.

Tôn Ngộ Không là một hình tượng lý tưởng hóa, là hóa thân của lý tưởng và nguyện vọng của nhân dân lao động trong xã hội phong kiến. Sự đấu tranh phản kháng của Tôn không thu được thắng lợi tối hậu; Tôn không hất được Ngọc Hoàng ở trên ngôi báu hoàng đế xuống. Tôn Ngộ Không tuy có tài nhảy cân đẩu vân xa được mười vạn tám nghìn dậm, nhưng lại không thoát khỏi tay Phật Như Lai mà phải chịu chặn ép ở dưới núi Ngũ Hành. Cái kết cục khiến người ta than tiếc ấy dã khái quát như lối ngụ ngôn tấn bi kịch lịch sử của những cuộc khởi nghĩa nông dân bị thất bại trong xã hội phong kiến. Tác giả đã ca tụng tinh thần đấu tranh phản kháng triệt để của Tôn Ngộ Không nhưng vì bị hạn chế bởi thời đại và giai cấp, nên đã khoe khoang quá

thế lực của giai cấp thống trị. Tác giả cho rằng dù là cuộc đấu tranh phản kháng dũng cảm nhất, triệt để nhất, cũng không hay thoát được lưới thống trị ấy. Ở một mức nhất định, tác giả đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng chính thống phong kiến, tư tưởng định mệnh, tìm không được lối thoát, nên chỉ xếp đặt được kết cục như thế.

Việc đại náo thiên cung chỉ chiếm bảy hồi trong một trăm hồi của “Tây Du Ký”, nhưng đây là bảy hồi sáng láng, rực rỡ, thể hiện được đầy đủ tinh thần phản kháng triệt để và lý tưởng cách mạng của nhân dân.

“Tây Du Ký”, từ bẩy hồi đầu trở đi, lại chuyển vào chuyện đi lấy kinh. Xét theo sự phát triển của chuyện, đấy là một bước ngoặt. Ở đây, việc đi lấy kinh đại biểu cho sự lần mò đi tìm một lý tưởng; phản ánh nguyện vọng mãnh liệt của nhân dân mưu toan tìm cách thoát khỏi hiện thực khổ cực. Việc đi lấy kinh là sự kiện trung tâm của các sách “Thú kinh thi thoại”, “Thú kinh tạp kịch”, tác giả “Tây Du Ký” lợi dụng việc ấy làm một đường dây để miêu tả việc khắc phục tám mươi mốt tai nạn. Việc đi lấy kinh được coi là mục đích của tác phẩm, vốn là một cái gì cực kỳ mờ ảo; cái được tác giả mô tả chủ yếu lại là những cuộc chiến đấu khẩn trương, quyết liệt để đạt tới mục đích ấy. Những cuộc chiến đấu này thật thiết thực, rõ ràng, một bước là một in vết chân. Ở trong sự miêu tả thực tế của tác phẩm, mục đích đi lấy kinh ấy khác xa, không trọng yếu bằng sự nỗ lực lớn lao phải bỏ ra để đạt tới mục đích ấy. Vì thế, chúng ta cần phân tích ý nghĩa tư tưởng của chuyện đi Tây Thiên lấy kinh; trọng điểm phải đặt vào sự đấu tranh của bọn Tôn Ngộ Không vì muốn đến được Tây Thiên, đã phải đấu tranh với bao nhiêu yêu ma quỷ quái trên đường đi.

Trong quá trình đi Tây Thiên lấy kinh, Tôn Ngộ Không đã đấu tranh để quét trừ bọn yêu ma. Ý nghĩa hiện thực của cuộc đấu tranh trong thế giới tưởng tượng ấy là ở chỗ: tuy biết tự mình không lật đổ được sự thống trị tối cao của vương triều phong kiến, nhưng cứ phải tiếp tục tiến hành đấu tranh để bừa sạch những thế lực tàn ác của vương triều phong kiến đương tác yêu tác quái, trực tiếp tàn hại nhân dân trong xã hội.

Tôn Ngộ Không ra không thoát được tay phật Như Lai, bị chặn ở dưới núi Ngũ Hành, cái đó tượng trưng sự thất bại của cuộc đấu tranh phản kháng triệt để. Nhưng thiên đình cũng đã phải nếm đủ mọi sự lợi hại của “lão Tôn”.

Biết rằng “lão Tôn” không phải là người thích sinh sự, nên thiên đình đã thỏa hiệp và nhượng bộ đối với Tôn Ngộ Không. Trên đường đi lấy kinh, để chống lại sự phản kháng của Tôn, đã có cái “khấn cô nhi” trùm lên đầu Tôn, nó tượng trưng cho thế lực thống trị. Nhưng Tôn Ngộ Không lại không đầu hàng thiên đình, trở thành dứa đầy tớ cho Phật tổ, Ngọc Hoàng, để cho bọn ấy sai khiến. Trái lại, Tôn lại đòi sơn thần, thổ địa, tứ hải long vương, công tào, trực nhật, thiên binh, thiên tướng phải để cho mình sai khiến; thậm chí cả Phật tổ, Ngọc Hoàng cũng phải phục vụ Tôn. Để đấu phép với yêu ma, Tôn Ngộ Không lại đòi Ngọc Hoàng cho mượn trời để đóng cửa độ nửa giờ, và đánh tiếng rằng: “Nếu hé nửa tiếng “không”, thì lập tức lên điện Linh Tiêu dấy binh đao”. Ngọc Hoàng chỉ còn biết y theo thôi (hồi thứ 33). Tiếp xúc với thần, phật, Tôn đều có thái độ khinh miệt mà giễu cợt trêu đùa họ. Ví như ở hồi thứ 51 lúc đi qua núi Kim Đâu, Tôn Ngộ Không đấu phép với con tỷ quái, bị mất gậy bịt vàng; Tôn Ngộ Không biết con tỷ quái nhất định là vị hung tinh nào đó ở trên trời xuống hạ giới để tác quái, liền đi tìm Ngọc Hoàng “hỏi tội cai quan không nghiêm “. Một khi gặp Ngọc Hoàng, Tôn Ngộ Không liền hướng tới chào to mà rằng: “Chào lão quan, phiền ngài! Phiền ngài!”. Khi gặp Phật tổ, Tôn liền đem ngay Phật ra làm trăm thứ trò cười. Ví như ở hồi thứ: 77, khi qua động Sư Đà, núi Sư Đà, gặp ba con ma độc ác, Ngộ Không tìm được phật Như Lai, nói với Phật rằng: “Bạch Như Lai, tôi thấy người ta nói giống yêu kia có họ với Phật đấy!”. Lại nói: “Bạch Như Lai, nếu so thứ bậc ra, thì người lại là cháu ngoại yêu tinh kia đấy”. Tôn không nể nang chút nào, lột mặt nạ những kẻ gọi là tôn qui thống trị ở trên trời, đem chúng ra làm trò cười, trêu giễu chúng, đùa cợt chúng, ở Tôn Ngộ Không thật tuyệt nhiên không có bóng dáng “mặt đầy tơ, chân con hầu”, cúi luồn nịnh hót. Ở trước mặt thần, phật, Tôn luôn luôn giữ thái độ ngạo nghễ anh hùng. Việc đó biểu hiện khái quát tinh thần bất khuất của nhân dân lao động trong xã hội phong kiến nước ta, tha thiết yêu tự do, không cam chịu bất cứ sự áp bức nào, luôn tuôn ngạo nghễ đối với giai cấp thống trị phong kiến. Việc đấu tranh của Tôn Ngộ Không trên đường đi lấy kinh là kế tục việc đấu tranh của Tôn khi đại náo thiên cung, có điều là phạm vi đấu tranh có hạn chế; phương thức và phương pháp đấu tranh có thay đổi.

Trên đường đi lấy kinh, Tôn Ngộ Không đã mở rộng cuộc đấu tranh

ngoan cường với bọn yêu ma. Những yêu ma tưởng tượng này phản ánh một hiện thực đương thời là những thế lực hung ác của phong kiến. Bọn ấy đều trục tiếp cấu kết với giai cấp thống trị thượng tầng. Như Hoàng Bào lão yêu là Khuê Mộc Lang tinh ở trên trời; Kim Giác đại vương, Ngân Giác đại vương ở núi Bình Đính là hai đồng tử trông coi lò thuốc của Thái Thượng lão quân; Độc Giác Tỷ đại vương ở động Kim Đâu là con trâu xanh của Thái Thượng Lão quân v.v... Tôn Ngộ Không, với trí tuệ vô cùng, dũng cảm phi thường, đã chiến đấu ngoan cường, để chiến thắng dần dần từng đứa một, đã rẫy sạch những thế lực hung ác tàn hại nhân dân. Đó chính là thiện đã chiến thắng ác, sáng đã chiến tối, phản ánh rõ nguyện vọng của nhân dân. Thứ nữa, những thần quái yêu ma trong “Tây Du Ký” không những là thể hiện một số lực lượng xã hội mà cũng thể hiện một số lực lượng thiên nhiên đã nhân cách hóa; cả hai thường không tách rời nhau. Tôn Ngộ Không, trong truyện đi lấy kinh, không những đã thể hiện lý tưởng của nhân dân lao động chiến thắng thế lực hung ác của xã hội trong cuộc đấu tranh giai cấp mà lại cũng đã thể hiện lý tưởng của nhân dân lao động chiến thắng tự nhiên, chinh phục tự nhiên trong cuộc đấu tranh sản xuất. Còn như bọn Ngọc Hoàng, Long Vương, Diêm Vương trên vương quốc, thần trên trời chẳng những là bóng tối của kẻ thống trị phong kiến trong xã hội hiện thực, mà cũng là chúa tể của sức tự nhiên đã được thần hóa trong tưởng tượng của người. Tôn Ngộ Không đã chiến thắng những thần quái yêu ma ấy cũng chính là Tôn đã chiến thắng được thiên nhiên thường gây ra tai họa...

... Trong toàn bộ sách, tính cách của Tôn Ngộ Không đã giữ được tính thống nhất. Đi Tây Thiên lấy kinh là tính cách của Tôn phát triển tiến lên một bước, chứ nhất định không phải là phủ định tinh thần phản kháng khi đại náo thiên cung. Tôn Ngộ Không thủy chung vẫn là một kẻ anh hùng đã được lý tưởng hóa cao độ. Tôn không sợ trời, không sợ đất. Tôn có tinh thần chiến đấu phản kháng hết thảy sự áp bức của thống trị, kiên quyết khắc phục hết thảy các khó khăn; có trí tuệ và sức mạnh vô cùng; có phẩm chất cao quí, chí công vô tư, tha thiết yêu anh em, đồng tình và giúp đỡ những kẻ nhỏ yếu bị hại. Tất cả những cái đó đều lả cái mà nhân dân lao động vốn có, đồng thời lại là cái đã được lý tưởng hóa đến cao độ.

Cái tinh thần phản kháng, ngạo nghễ, bất khuất, đánh đổ hết thẩy của Tôn

Ngộ Không là nhằm vào giai cấp thống trị phong kiến mà chĩa mũi nhọn, điều đó có ý nghĩa tiến bộ rất lớn. Tính cách của Tôn là tích cực, hình tượng của Tôn mãi mãi được thiếu niên nhi đồng yêu thích, rất có tác dụng đến sự hình thành tính cách của các em. Chúng ta phải giải thích chính xác cho các em hiểu rõ điều kiện lịch sử đã sản sinh ra hình tượng đó và vận dụng một cách đúng đắn hình tượng đầy màu sắc thần kỳ này trong văn học cổ điển nước ta, để giúp cho thiếu niên nhi đồng của chúng ta phát triển ý chí không sợ khó khăn, ngoan cường đấu tranh để kiến thiết Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc.

Trong “Tây Du Ký” Ngô Thừa Ân, ngoài việc sáng tạo ra hình tượng rực rỡ Tôn Ngộ Không, lại còn sáng tạo thành công hình tượng Trư Bát Giới. Tính cách của Trư Bát Giới rõ và nổi lạ thường, gieo cho ta có một cảm giác thực, mạnh mẽ. Sở dĩ chúng ta thấy Trư Bát Giới chân thực, gần gũi là vì Trư là một nhân vật hiện thực đã được khoác cho cái ngoại hình của tưởng tượng. Tính cách của Trư Bát Giới rất là phức tạp, chính vì Trư đã có nhiều ưu điểm của người lao động, nhưng lại có khuyết điểm nghiêm trọng của kẻ tiểu tư hữu.

Trư Bát Giới một khi xuất hiện tuy vẫn còn một ít yêu khi, nhưng cũng cho chúng ta một ấn tượng mạnh mẽ là Trư hay lao động. Sau khi đã làm đồ đệ cho Đường Tăng, tuy đối với công việc lấy kinh, Trư hoàn toàn không hiểu biết gì, cũng chẳng cảm thấy hứng thú gì, lại dễ dàng bị dao động, nhưng Trư Bát Giới lại là kẻ hết lòng với công việc chung của cả bọn, diệt trừ yêu quái ở trên đường để đi thông sang Tây Thiên lấy kinh. Trư Bát Giới ít can đảm, sự khó khăn, tuy đã nhiều lần bị yêu ma bắt được, nhưng chưa hề thỏa hiệp, đầu hàng. Như khi Bát Giới bị Hồng Hài Nhi bắt được bỏ vào trong túi da, Bát Giới vẫn cứ quát mắng như thường. Trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã làm khá nhiều công việc nặng nề khó khăn. Qua núi Kinh Cức, Bát Giúi phát chặt gai góc - qua ngõ Hy Thị, Bát Giới dùng mõm dũi đường. Một gánh hành lý nặng nề kia của cả bọn cũng cơ hồ do một mình Trư Bát Giới từ Đông Thổ gánh đến Tây Thiên. Tính cách ngây thơ, thẳng thắn, lạc quan của Trư, lòng say mê cuộc sống, không câu nệ lễ phép phiền toái của Trư, khiến ta thấy Trư đáng yêu; và khẳng định rằng những phẩm chất đó đã hình thành tính cách của Trư.

Nhưng Trư Bát Giới cũng có khá nhiều khuyết điểm nghiêm trọng.

Những khuyết điểm ấy luôn luôn tương phản với ưu điểm của Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới nhớ nhà, không quyết tâm đi lấy kinh, luôn luôn xin chia hành lý đòi giải tán đoàn thể để về nhà; Tôn Ngộ Không thì không vậy; trong đầu óc Tôn xưa nay không có cái quan niệm tiểu gia đình như thế. Trư Bát Giới nhát gan, ngại khó, gặp yêu ma là sợ hãi chùn lại không dám tiến, thậm chí khi lâm trận lại bỏ trốn; Tôn Ngộ Không thì là người không sợ trời, không sợ đất, thấy yêu ma là đánh ngay và đánh đến cùng. Trư Bát Giới khí cục nhỏ nhen, chỉ nghĩ ích mình; điều đáng buồn cười nhất là Trư lại còn dành một món vốn riêng; Tôn Ngộ Không thì tuyệt nhiên không có chút tự tư tự lợi gì, ở đâu đâu cũng chỉ nghĩ đến người khác và sự nghiệp. Trư Bát Giới thích đưa lời gièm và đơm đật chuyện! Tôn Ngộ Không thì tuyệt đối không có cái khuyết điểm ấy. Xem như thế đủ thấy Trư Bát Giới có rất nhiều khuyết điểm, mà những khuyết điểm ấy lại đối lập với khá nhiều ưu điểm sáng sủa của Tôn Ngộ Không. Nhưng Ngộ Không với Bát Giới lại thống nhất với nhau trên cơ sở cùng theo đuổi một sự nghiệp chung, một mục đích chung. Trư Bát Giới có đủ phẩm chất của người lao động, điều đó cũng nhất trí với Tôn Ngộ Không.

Trư Bát Giới là nhân vật chính diện. Bản chất của Trư vẫn là tốt, nhưng ở trên một mức lớn, Trư không thể là khuôn mẫu cho người ta học tập được. Ý nghĩa hình tượng ấy của Trư Bát Giới một mặt là phụ vào làm cho hình tượng Tôn Ngộ Không thêm rực rỡ; mặt khác, khách quan mà nói, đã phản ánh những khuyết điểm và nhược điểm của kẻ tiểu tư hữu. Đối với độc giả, chuyện đó hẳn cũng có tác dụng răn dạy tốt.

Tác giả phê phán khắt khe những khuyết điểm và nhược điểm của Trư Bát Giới, nhưng lại là phê phán có thiện ý; tuy nghiêm khắc, nhưng lại là xuất phát từ lòng yêu thương và che chở. Tác giả phê phán đấy nhưng trước sau vẫn không quên mặt cơ bản phải hết sức khẳng định là mặt tốt của Trư; vì thế sự phê phán đã đạt được mục đích, mà lại không tổn hại đến hình tượng nhân vật ấy.

Đường Tăng là thủ lĩnh tập đoàn đi lấy kinh, song đọc “Tây Du Ký” chúng ta đều cảm thấy vai chính trong việc đi lấy kinh lại là Tôn Ngộ Không. Đường Tăng là một hình tượng tuy có tác dụng độc lập, nhưng chỉ có đem đặt vào trong quan hệ với các nhân vật khác, đặc biệt là Tôn Ngộ

Không, mới có thể bàn xét một cách chính xác về ý nghĩa vai trò ấy ở trong tác phẩm. Đường Tăng và Tôn Ngộ Không thật khác nhau về giai cấp, tính tình và đặc điểm, nhưng Đường và Tôn cùng thống nhất được với nhau trong công việc chung là việc đi lấy kinh.

Đường Tăng là một vị danh tăng được hấp thụ một nền văn hóa phong kiến cao độ. Đường Tăng có tư tưởng phong kiến truyền thống nặng, trong đầu óc chứa đầy quan niệm đẳng cấp. Y giữ gìn lễ phép phong kiến thật cẩn thận. Bất cứ gặp vị thần phật lớn nhỏ nào, y cũng đều phục xuống lạy; bất cứ gặp một quân vương nước nào, y cũng đều cung kính, hô câu vạn tuế. Lúc vào triều con Ngọc Hoa Vương ở phủ Ngọc Hoa Vương nước Thiên Trúc, Bát Giới cất tiếng chào hơi to một chút làm vương tử kinh sợ. Đường Tăng liền trách mắng Bát Giới rằng:”Người ta thường nói: “Của năm bảy loài, người năm bảy đấng, sao mi lợi không phân biệt kẻ quí người hèn. Như thế chứng tỏ Đường Tăng là người tuyên dương và là người ủng hộ tích cực chế độ đẳng cấp phong kiến. Ở Đường Tăng đã biểu hiện sự nhu nhược vô tài của phần tử trí thức phong kiến nói chung, hễ thấy yêu ma là mất hồn mất vía, đến nỗi “ngồi không vững trên yên ngựa đẹp đẽ, ngã lộn nhào từ trên lưng ngựa trắng xuống”. Bởi thế Tôn Ngộ Không thường mắng Đường Tăng là “hình dáng như cái bọc mủ ấy. Đứng trước sự khó khăn, Đường Tăng chỉ biết “nhăn mày, ròng ròng sa đôi hàng lệ”; hễ rời Tôn Ngộ Không ra thì không đi được nửa bước, thậm chí cả cơm ăn cũng không nuốt được. Khi tác giả viết về khí chất của phần tử trí thức phong kiến và tư tưởng phong kiến của Đường Tăng, là tác giả đã kèm theo thái độ phê phán rồi. Tác giả đem Đường Tăng tả ra đủ mười phần câu nệ, hủ lậu đáng cười, khiến độc giả thấy mà ngán ngẩm. Những cái ấy đều tương phản với tính cách của Tôn Ngộ Không. Khi viết ra sự so sánh ấy, tác giả đã bao hàm cả sự khen ngợi và sự phê phán rồi.

Đường Tăng, tư tưởng phong kiến có truyền thống của Trung Quốc cùng tư tưởng nhà phật đã kết hợp với nhau làm một. Tư tưởng nhà phật sau khi truyền vào Trung Quốc, bèn gắn chặt với tư tưởng phong kiến truyền thống của Trung Quốc thành ra một hình thái ý thức của giai cấp thống trị. Đường Tăng thường cứ tuyên truyền luôn miệng những giáo điều nhà phật, như “từ bi làm lòng”, “đừng giết sinh linh”, “quét nhà sợ thương tổn tinh

mệnh loài sâu, loài kiến”, “thương tiếc những con thiêu thân lọt vào đèn”... Cái “từ bi” ré giá vô nguyên tắc ấy chỉ có lợi cho giai cấp thống trị; nó làm tê liệt ý chí phản kháng của nhân dân lao động. Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không ba lần, nhưng sự thực lại chứng minh lần nào Tôn Ngộ Không cũng phải cả. Tác giả dùng sự thực phê phán cái từ bi giả dối, không phân biệt ta với thù của Đường Tăng, khẳng định cái tinh thần đấu tranh tích cực, yêu ghét phân mình của Tôn Ngộ Không; điều đó có ý nghĩa nhận thức sâu sắc. Cái đó chỉ ra cho lớp người thời đó biết rằng phải khéo phân biệt chân và ngụy, thiện và ác; đối với thế lực ác bất cứ nó ngụy trang xuất hiện dưới hình thức nào, đều phải tiến hành đấu tranh kiên quyết. Ngày nay chúng ta đang vạch trần âm mưu của chủ nghĩa đế quốc bề ngoài thì giả vờ nói hòa bình mà kỳ thực bên trong thì chuẩn bị chiến tranh, vạch trần “chủ nghĩa nhân đạo” phản động và giả dối của giai cấp tư sản, thì truyện này cũng lại có ý nghĩa giáo dục như truyện ngụ ngôn vậy.

Song tác giả đối với Đường Tăng, mặc dầu có phê phán, nhưng lại mô tả Đường Tăng là nhân vật chính diện. Trong tác phẩm, Đường Tăng không phải là người ác, Đường Tăng không quản trăm đắng nghìn cay, trèo non lội suối, để sang Tây Thiên lấy kinh; chính vì thế nên Tôn Ngộ Không lại có thể cùng Đường Tăng thống nhất được trên cơ sở của công việc chung đi lấy kinh.

“Tây Du Ký” là do chuyện một đồ đệ phật giáo đi lấy kinh phát triển, biến diễn ra mà có; trước kia nó sặc màu mê tín tôn giáo. Trong quá trình phát triển ở dân gian, đặc biệt là sau khi đã qua tay Ngô Thừa Ân gọt rũa lại, câu chuyện đi lấy kinh đã từ một truyện ký của tín đồ tôn giáo biến thành một pho anh hùng truyền kỳ thần thoại. Tuy vậy nó cũng không thoát được cái vỏ lấy kinh đã có từ trước, vẫn là chuyện một đồ đệ phật giáo đi lấy kinh làm đầu mối dẫn đến mọi tình tiết. Thêm vào đấy, tác giả phần nào cũng có tư tưởng tôn giáo, cho nên “Tây Du Ký” vẫn mang theo cái quan niệm phật giáo nhất định.

Trong “Tây Du Ký” còn tồn tại tư tưởng định mệnh của tôn giáo nó cho rằng “một hớp uống, một miếng ăn đều do có định trước”, trời đất vạn vật hình như bị một thứ lực lượng vô hình thống trị, cái gì cũng đều là do số. Trong “Tây Du Ký” cũng có quan niệm nhân quả báo ứng. Từng hồi từng

mục trong “Tây Du Ký” đều đầy rẫy những tiếng nhà phật (có lẽ bị bọn tín đồ nhà Phật như bọn Ngộ Nhất Tứ, Ngộ Nguyên Tứ sửa đổi thêm vào). Thầy trò Đường Tăng sau khi đi lấy được kinh, thành được chính quả lên trời, cả Tôn Ngộ Không là người có tinh thần phản kháng nhất cũng được thành Phật. Kết cục ấy của Tôn Ngộ Không so với tính cách toàn thể của Tôn không được thống nhất. Điều ấy khiến cho hình tượng rực rỡ của Tôn Ngộ Không bị phủ lên một ít gio bụi. Những thứ tôn giáo ấy biểu hiện sự giới hạn của tư tưởng tác giả, nhưng cái đó là thứ yếu trong tác phẩm. Nhìn chung toàn bộ sự mô tả cụ thể và sự sáng tạo hình tượng của “Tây Du Ký” thì “Tây Du Ký” lại dồi dào tinh thần đấu tranh phản kháng đối lập với quan niệm tôn giáo. Nhà phật yêu cầu mọi người phục tùng sự an bài của số mệnh, yêu cầu nhịn nhục, chịu sự đau khổ kiếp này, tuyên truyền đối với ai cũng đều tỏ rõ “nhân từ”, nhưng Tôn Ngộ Không lại lấy tư tưởng và hành động ngời sáng của tự mình mà mạnh mẽ phủ định hết thảy những điều dó. Điều càng khiến người ta ngẫm nghĩ kỹ là ở trong sách tác giả đã nhạo báng và chê cười khắt khe, cay đắng đối với thần, phật, tăng, đạo; thậm chí khinh nhờn và đai bất kính đối với thần, phật, điều đó đã biểu hiện rõ một mặt khác thái độ đối với tôn giáo của tác giả.

Các đạo sĩ được nói đến trong “Tây Du Ký” cơ hồ toàn là nhân vật phản phái cả. Những đạo sĩ ấy thường thường dùng những thủ đoạn như cầu mưa, dâng gái đẹp để làm quốc sư, quốc trượng; mê hoặc quốc vương; mưu toan cướp ngôi vua. Rồi thì triều chính bị đen tối, trăm họ gặp tai ương. “Tây Du Ký” công kích đạo giáo và đạo sĩ cũng không phải là do sự “sùng tăng diệt đạo” mà chính là muốn phê phán cái hiện thực xã hội thời Minh.

Trong khi phê phán đạo sĩ, tác giả cũng thường chĩa mũi giáo vào kẻ thống trị tối cao của vương triều phong kiến tức là quốc vương. Như tả: quốc vương nước Tỳ Khâu hoang dâm vô đạo, dùng tim gan của 1.111 trẻ em làm dẫn thang chế thuốc; quốc vương nước Xa Trì bắt tất cả các hòa thượng về làm công việc khó nhọc, hơn hai nghìn hòa thượng bị vất vả chết đến già nửa, sau cùng, chỉ còn được năm trăm người sống. Nhưng tác giả vì bị hạn chế bởi tư tưởng chính thống phong kiến nên không chịu đem quốc vương ra tả cho xấu hẳn; bọn quốc vưong ấy tuy là tối tăm, tầm thường, nhưng lại là “chân mệnh thiên tử”, sau này nhờ Đường Tăng và Tôn Ngộ Không khuyên

răn, chỉ bảo, nên tự hồ tâm địa thốt nhiên mở mang, thành có sự “chuyển biến lớn”. Hình như tội ác hoàn toàn do bọn đạo sĩ, nịnh thần kia gây ra, chỉ cần quét sạch bọn ấy là nước được thịnh, dân được yên ngay. Kết cục của sự chuyển biến lớn ấy là giả dối, là thiếu cơ sở hiện thực. Điều đó đã chứng tỏ tư tưởng của tác giả bị hạn chế. Trên một chừng mực nhất định, nó đã làm giảm kém sức phê phán hiện thực.

Tóm lại tư tưởng rực rỡ của “Tây Du Ký” chủ yếu là thể hiện ở Tôn Ngộ Không. Tinh thần đấu tranh phản kháng của Tôn Ngộ Không quét trừ hết thảy mọi thế lực ác, đã thể hiện đầy đủ lý tưởng của nhân dân lao động và sự bất mãn của họ đối với hiện thực. Trong “Tây Du Ký”, Trư Bát Giới, Đường Tăng đã thể hiện diện mạo phẩm chất của những giai cấp, giai tầng nhất định. Bọn ấy ở trong tác phẩm, tuy có tính chất đối sánh với Tôn Ngộ Không, nhưng họ đều có tư tưởng độc lập của họ. Bằng hình thức tưởng tượng “Tây Du Ký”, một mặt đã ca tụng tinh thần đấu tranh phản kháng của Tôn Ngộ Không, một mặt lại đã phơi trần và công kích các mặt đen tối. Những cái đó đều có ý nghĩa hiện thực rất lớn đối với xã hội đương thời, đó là nội dung tư tưởng chủ yếu của “Tây Du Ký”.

THÀNH CÔNG VỀ NGHỆ THUẬT CỦA – “TÂY DU KÝ”

“Tây Du Ký” là chóp đỉnh của các sáng tác về chủ nghĩa lãng mạn trong lịch sử phát triển về tiểu thuyết cố điển của nước ta[1]. Chủ nghĩa lãng mạn tích cực là đặc sắc nghệ thuật chủ yếu của nó. Nó đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thần thoại cổ đại nước ta, đã thể hiện sức sáng tạo vĩ đại và sức tưởng tượng phong phú của dân tộc ta. “Chủ nghĩa lãng mạn là cơ sở của thần thoại” (lời của Gôroki), “Tây Du Ký” chính là một bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên vĩ đại, lãng mạn tích cực. Thông qua hình thức ảo tưởng thần kỳ và nội dung bắt nguồn ở hiện thực mà cao hơn hiện thực. “Tây Du Ký” đã phản ánh đầy đủ, khúc chiết, lý tưởng cao quý và đời sống hiện thực của nhân dân ta.

Cái được tả trong “Tây Du Ký” là một thế giới thần thoại kỳ diệu. Nhân vật trong đó tuyệt đại đa số không phải là người trong xã hội hiện thực, mà

nơi hoạt động của chúng cũng không phải là hoàn cảnh của đời sống xã hội loài người. “Tây Du Ký” mở rộng hết kho tưởng tượng phong phú không gì sánh được, có đầy đủ tình tiết truyện đưa người ta vào cảnh thắng thú vị: đời sống vui vẻ, tự do tự tại của bầy khỉ ở núi Hoa Quả, việc đại náo thiên cung, địa phủ và long cung, 72 phép biến hóa, 81 nạn trên đường; cho đến chỗ chiến trường tung đá bay cát, sự thần quái đi mây về gió, cuộc chiến đấu thần diệu kỳ dị v.v... Tất cả những cái ấy đã đưa người ta tiến vào một thế giới ảo tưởng thần diệu. Khi sáng tạo ra thế giới ảo tưởng ấy tác giả đã viết rất chi tiết về bối cảnh khiến ta như thấy ngay ở trước mắt. Tả nhân vật cũng có thanh có sắc. Nhưng hoàn cảnh và nhân vật ở đây lại không phải là bộ mặt của bản thân đời sống xã hội loài người; lối viết chi tiết như thế chỉ có thể hợp lý trong cái lô-gích phát triển của tự thân câu chuyện thần thoại. Nó là cái hợp tình hợp lý của thần thoại.

... “Tây Du Ký” có nội dung bắt nguồn ở hiện thực mà lại cao hơn hiện thực. Nó thông qua hình tượng nhân vật mà biểu hiện ra. Hình tượng nhân vật của “Tây Du Ký” đều có đầy đủ ý nghĩa hiện thực, nhưng đều không na ná hoặc đơn giản bắt chước hiện thực, cũng không khái quát chung chung, mà cao hơn hiện thực trên một mức độ rất lớn. Ở đây thiện thì càng thiện, ác thì càng ác, đều từ trên phương hướng của bản thân mình vượt cao hơn hiện thực mà đi vào phạm vi ảo tưởng hóa, lý tưởng hóa.

Trong “Tây Du Ký” hình thức ảo tưởng kết hợp với nội dung hiện thực cực lớn, đã đạt tới sự thống nhất khéo léo. Chính vì thế sự tưởng tượng của “Tây Du Ký” mới được biểu hiện ra có ý nghĩa biết bao, khỏe khoắn tốt đẹp, sinh động và thú vị biết bao! Hợp tình hợp lý khiến người tin phục và sáng ngời trí tuệ biết bao!

Hoàn cảnh mà “Tây Du Ký” đã tả là thế giới ảo tưởng của thần thoại vì thế mà trong khi dựng nhân vật cũng phải dựa vào cái thế giới ảo tưởng thần thoại đó mà phát triển tính cách và hành động của nhân vật.

“Tây Du Ký” đã dựng nên rất nổi bật một hình tượng rực rỡ là hình tượng Tôn Ngộ Không. Trong khi gọt rũa hình tượng này, tác giả đã chọn lối nghệ thuật cao độ của chủ nghĩa lãng mạn tích cực, khiến Tôn Ngộ Không từ trong hòn đá sinh ra đã học biết được nhiều phép lạ, có thể lên trời xuống đất, không sợ lửa đốt, nước ngâm; có thể không ngủ không ăn, vẫn không

mỏi mệt... Tất cả đều là thần kỳ mà ở trong thế giới thần kỳ ấy, nhân vật và hoàn cảnh đều điều hòa nhất trí. Tất cả hành động của Tôn Ngộ Không đều khoa trương cực độ.

Uy lực lớn mạnh và khí phách hùng vĩ của Tôn Ngộ Không trước thiên nhiên, phản ánh nguyện vọng tha thiết của nhân dân lao động muốn chinh phục thiên nhiên. Bởi Tôn Ngộ Không là một hình tượng anh hùng của thần thoại gọt dũa trong thế giới ảo tưởng, tất cả các cái ấy càng làm nổi bật cáị đặc trưng của bản chất hình tượng sáng ngời ấy.

Hình tượng Tôn Ngộ Không đã được lý tưởng hóa cao độ. Trong các cuộc chiến đấu, lúc nào Ngộ Không cũng vẫn là một anh hùng và chiến sĩ đội trời đạp đất, không sợ gì cả. Cái đó đã thể hiện lý tưởng chủ nghĩa anh hùng của nhân dân lao động thời cổ đại. Nhân dân thời cổ đại, thông qua hình tượng rực rỡ ấy của Tôn Ngộ Không, đã thấy được sức mạnh và lý tưởng của mình, đã cổ võ ý chí phấn đấu của mình.

*

**

Châm biếm và hài hước là môn sở trường của Ngô Thừa Ân. Đối với những hiện tượng xấu xa, lệch lạc trong hiện thực, ông dùng hình thức ảo tưởng để gián tiếp châm biếm rất chua cay trong “Tây Du Ký”. Thần, phật, sư, đạo thường thường là đối tượng châm biếm của Ngô.

... Trong “Tây Du Ký”, sự phê phán những khuyết điểm và nhược điểm của Trư Bát Giới cũng là thông qua hình thức khôi hài, cười cợt mà tiến hành. Hồi thứ 23 tả vị Bồ Tát biến thành bốn mẹ con mỹ nhân đến dò thứ lòng thiền của bốn thầy trò Đường Tăng. Ở đây tác giả đã phê phán tính hiếu sắc và lòng cầu an của Trư Bát Giới. Khi bà lái buôn vào trạc bốn mươi lăm tuổi đem ba người con gái của mình đến nói với Đường Tăng vẻ việc kén rể, trong bọn, mọi người đều quyết tâm đi lấy kinh, không màng nghĩ đến việc ở lại, duy có Trư Bát Giới phơi bày ngay cái xấu ra: “Nghe nói giàu sang như thế, gái đẹp như thế, Trư thấy trong lòng ngứa ngáy khó chịu; ngồi trên ghế dựa, tựa như kim đâm vào hông, nghiêng bên nọ, ngả bên kia, nhịn không được bèn chạy lại nắm lấy sư phụ nói: “Sư phụ ơi! Bà đây nói chuyện với sư phụ, tại sao sư phụ cứ làm thinh? Cũng nên quan tâm đến người ta một tý

mới phải”. Tác giả diễn tả tâm lý mâu thuẫn của Bát Giới: muốn ở lại, lại sợ Đường Tăng mắng, sợ cái gậy của Tôn Ngộ Không. Tâm lý ấy được biểu hiện ra rất buồn cười. Bát Giới cứ làm nhàm oán trách Đường Tăng sao lại không vờ nhận lời, để đến nỗi “tro tàn bếp lạnh”, “cơm nước đều không”. Bát Giới mượn tiếng đi chăn ngựa, tìm mẹ con bà lái buôn. Khi đã gặp được, tức thì gọi người lái buôn ấy lả “mẹ”, chào hỏi, và lén lút nhận làm rể. Tác giả thông qua việc người đàn bà lái buôn do bồ tát hóa ra ấy, đem Bát Giới ra trêu cợt một phen: bảo Bát Giới bịt mắt, chọn lấy một người con gái. Kết quả Bát Giới chưa mó đến được một người nào thì đã “ngã sưng miệng, ở đầu”. Rồi lại bảo Bớt Giới mặc thử áo trân châu của ba người con gái. Áo ấy vốn là mấy cái dây thừng biến ra, Bát Giới mặc vào, nó liền trói Bát Giới thật “đau đớn khó chịu”, quật hắn ngã xuống đất. Còn ngoài ra, như hồi thứ 18 tả Trư Bát Giới hiếu sắc, hồi thứ 32 tả Trư Bát Giới nhát gan, nói dối, đều là dùng bút pháp giống như thế để làm nổi bật cái hình tượng hài kịch ấy. Song cười thì cười, nhưng không ai ghét Trư Bát Giới cả. Bởi vì đối với Bát Giới, tác giả đã khẳng định trước cái nguyên cớ phê phán y rồi. Cái “tài hài kịch” của Ngô Thừa Ân khiến “Tây Du Ký” có đủ khí vị hài hước cực kỳ sâu sắc. Độc giả cảm thấy vui thích nhẹ nhàng trong khí vị hài hước ấy và được hưởng thụ một thứ mỹ cảm nghệ thuật. Đó là vì khi công kích cái xấu, câu chuyện có một nội dung sống rất phong phú. Khi chúng ta nhẹ nhõm đối với những sự việc đáng cười do tác giả đã diễn tả, chúng ta lại thấy luôn cả ý nghĩa nhận thực rất nghiêm túc.

Lại cần chỉ ra rằng Ngô Thừa Ân vận dụng hình thức khôi hài trong “Tây Du Ký” không phải là không có chỗ kém. Như hồi thứ 53 tả Đường Tăng khi đi qua Tây Lương nữ quốc, uống phải nước sông Tử Mẫu, Đường Tăng và Bát Giới có thai, tình trạng thật đáng cười khác thường. Nhưng cười rồi thì không còn lại một cái gì cả. Do đó có thể thấy hình thức khôi hài (chế giễu hay bông đùa) trong biểu hiện nghệ thuật, hễ đã mất nội dung sống, liền lập tức mất hẳn cái dẹp, biến thành một cái gì không thiết thực không trang trọng, vô ý nghĩa.

Ngữ ngôn trong “Tây Du Ký” vận dụng được thành công phi thường; đó là những câu nói cửa miệng đã chọn lọc, uốn nắn, thêm thắt mà viết ra. Trên cơ sở thành tựu của người đời trước, Ngô Thừa Ân đã có cống hiến lớn, có

sáng tạo tính trong việc phát triển ngữ ngôn văn học ngữ Hán. Ngô có sự rèn luyện ngữ ngôn rất cao; có năng lực chế ngự ngữ ngôn rất mạnh. Ông không những giỏi miêu tả và kể chuyện, mà lại giỏi vận dụng hình thức đối thoại nữa. Trong toàn bộ “Tây Du Ký”, đối thoại chiếm địa vị rất trọng yếu. Đó là một cách trọng yếu tác giả hay dùng để biểu hiện tính cách nhân vật. Đối thoại trong “Tây Du Ký” được cá tính hóa; ngôn ngữ của mỗi nhân vật đều hợp với thân phận họ; thậm chí trong mỗi câu đối thoại đều thấm qua cái đặc biệt về cá tính của mỗi nhân vật. Ngôn ngữ trong “Tây Du Ký” còn mang phong cách độc đáo của Ngô Thừa Ân, là sinh động, hoạt bát, thông thường, trôi chảy, hài hước ý nhị, câu ngắn mà sắc. Trong đó cũng có lẫn phương ngôn vùng Hoài An, nhưng bởi không vận dụng quá nhiều, hơn nữa phương ngôn vùng Hoài An về cơ bản thuộc vào hệ thống tiếng bắc phương, cho nên đọc lên ta không thấy khó chịu.

Trong “Tây Du Ký” lại có khá nhiều văn vần như loại thơ, từ, ca, phú, kệ, tụng, bằng văn ngôn truyền thống viết ra, phần lớn dùng để miêu tả phong cảnh tự nhiên, trạng mạo nhân vật, khu trường chiến đấu, hoặc giảng về huyền lý, luận về cùng thông v.v... Hình thức dùng tán văn, vận văn xen lẫn ấy là thừa kế lối thoại bản của đời Tống, đời Nguyên, đến đời Minh thì hình thức ấy đã là lỗi thời rôi. Trong sách có một số ít văn vần, do dùng thích hợp, tả khéo, nên đã gây được tác dụng tốt; nhưng cứ toàn thể mà nói, thì những văn vần ấy kém xa sự thành tựu của văn xuôi; đa số còn thiếu sức biểu hiện.

Trong “Tây Du Ký”, tình tiết câu chuyện biến hóa khôn lường, đối với lòng hiếu kỳ của trẻ em có sức hấp dẫn đặc biệt. Những cái miêu tả về Đông Hải long cung, thiên cung, địa phủ , hang quỉ, động tiên, đều có nhiều thú vị; việc đánh võ đấu phép lại biến hóa khôn lường. Nhân vật tuy đều là thần, quái, yêu, ma, cũng không làm cho người ta thấy ghê sợ âm thầm. Những nhân vật chủ yếu là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới lại đều rất đáng yêu, rốt thân mật đối với trí tuệ ngây thơ của các trẻ em. Trong Tây Du Ký” có khá nhiều hình tượng do cá tính của người cùng đặc điểm của động vật kết hợp với nhau một cách khéo léo, như Tôn Ngộ Không là con khỉ, Trư Bát Giới là con lợn. Những chi tiết tưởng tượng trong mọi tình tiết lại thường là hợp tình hợp lý, phù hợp với qui luật cuộc sống, như tả Nhị Lang thần đuổi theo Tôn

Ngộ Không, Tôn biến thành một cái miếu thổ địa, lấy đuôi hóa thánh cột cờ, nhưng ngược đời chưa, cột cờ lại cắm ở sau miếu, bị Nhị Lang thần biết thóp. Chuyện đó khiến các em nhi đồng rất thích. Phong cách khôi hài của “Tây Du Ký” cũng hợp với ý thích của nhi đồng “Tây Du Ký” có thể giúp đỡ nhi đồng hiểu được đời sống, làm cho nhi đồng nhận thức được ở trong đời sống cái thiện với cái ác, người tốt với người xấu, biết giận những thế lực đen tối, thấy phải đấu tranh với chúng; hiểu lẽ phải, tìm tòi ánh sáng và chân lý; nuôi dưỡng cho nhi đồng tính gan dạ, hăng hái. Cho mãi đến ngày nay truyện ấy vẫn được một số lớn thiếu niên nhi đồng yêu thích, không phải là không có lý do vậy.

“Tây Du Ký” là đỉnh cao nhất của chủ nghĩa lãng mạn tích cực trong sự phát triển của tiểu thuyết cổ điển nước ta; là một trang chói lọi trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Truyện ấy đã mở ra phong trào về tiểu thuyết thần thoại của một thời đại, có rất nhiều ảnh hưởng đối với tiểu thuyết thần ma sau này. Sau khi “Tây Du Ký” ra đời, khá nhiều người bắt đầu coi trọng việc thu thập và chỉnh lý những truyện thần quái ở dân gian. Lại xuất hiện ra nhiều “Tây Du Ký” tục thư, nhưng những quyển ấy đều còn kém xa mức của “Tây Du Ký”, cái đó sẽ bàn ở trong sách sau.

Truyện “Tây Du Ký” lưu truyền rộng rãi ở dân gian, có ảnh hưởng rất sâu xa. Nhân dân rất thuộc và rất yêu truyện và người trong “ Tây Du Ký”, cơ hồ nhà này nhà khác đều hay, người trẻ người già đều biết. Đặc biệt là hình tượng Tôn Ngộ Không có ảnh hưởng tốt và tác dụng tích cực đối với tinh thần nhân dân.

“Tây Du Ký” cũng ảnh hưởng đến những hình thức văn nghệ khác. Đặc biệt là hý kịch, đã lấy từng đoạn trong “Tây Du Ký” ra viết thành bản. Nhiều gánh tuồng địa phương và tạp hý dân gian (múa rối, chiếu bóng...) đến nay vẫn còn giữ những tiết mục truyền lại về “Tây Du Ký”. Kinh kịch “Náo thiên cung” không những là một tiết mục được nhân dân nước ta yêu thích, mà còn được nhân dân thế giới nhiệt liệt hoan nghênh.

TẾ XUYÊN dịch

Bạn đang đọc TÂY DU KÝ-DỊCH GIẢ THỤY ĐÌNH của Ngô Thừa Ân

Truyện TÂY DU KÝ-DỊCH GIẢ THỤY ĐÌNH tại TruyenYY đã đến chương cuối. Hãy nhấn vào nút Theo Dõi để được nhận thông báo khi có chương mới nhé! Chúc đạo hữu có những giây phút vui vẻ tại YY Giới.

Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi americamax
Phiên bản Convert
Thời gian
Lượt đọc 21

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.