Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

....

Phiên bản Dịch · 3791 chữ

Như vậy tôi đã du lịch hai năm ở Tây Tạng và tiêu khiển bằng cách viếng thăm Lhassa và trải qua vài ngày với vị Đạt Lai Lạt Ma. Có lẽ anh đã đọc về cuộc thám hiểm khác thường của một người Na Uy tên là Sigerson, nhưng tôi chắc rằng anh chưa bao giờ nghĩ mình đang đọc những tin tức về bạn anh.

Sherlock Holmes

Bí mật trong ngôi nhà trống

Cả cuộc đời này chẳng phải thật thảm hại và phù phiếm hay sao? Chúng ta cố vươn tới. Chúng ta giành giật. Nhưng rốt cuộc còn lại gì trong tay ta nào? Chỉ là một cái bóng. Hoặc tệ hơn cả một cái bóng, đó là sự khổ đau.

Sherlock Holmes

Người bán thuốc vẽ về hưu

Mandala (tiếng Tây Tạng: dkyil- khor) là một vòng tròn thiêng liêng bao quanh bởi những tia sáng hoặc là nơi thanh tẩy mọi ý tưởng phù du hoặc nhị nguyên. Nó được xem như một khối cầu tâm thức tinh khiết và rộng lớn vô cùng nơi các thánh thần an nhiên hiển lộ bản thân... Các mandala cần được hiểu như là những bức tranh nội tâm về toàn bộ thế giới trong tính toàn vẹn của nó; chúng là những biểu tượng mang tính sáng tạo chính yếu về sự tiến hóa và thoái hóa của vũ trụ, xuất hiện và trôi qua phù hợp với những quy luật như nhau.

Từ quan điểm này chỉ còn một bước ngắn dể nhận thức được mandala như một nguyên lý sáng tạo trong mối tương quan với thế giới bên ngoài, thế giới vĩ mô - và vì vậy mà nó trở thành trung tâm của mọi tồn tại.

Detlef Ingo Lauf

Nghệ thuật linh thiêng của người Tây Tạng

Từ thời này sang thời khác, Thượng đế đã khiến con người được sinh ra - ngươi cũng là một trong số đó - kẻ nuôi khao khát đi khỏi quê cha đất tổ, bất chấp cả tính mạng mình để khám phá những điều mới mẻ - ngày hôm nay là những gì xa lạ, ngày mai là ngọn núi còn ẩn mình và ngày sau nữa lại là những ai đó ngay bên cạnh vừa làm điều dại dột chống chính quyền. Những tâm hồn như vậy thật hiếm có; và trong số hiếm hoi ấy, có không quá mười người ưu tú nhất. Trong số mười người ấy, tôi phải kể đến Babu.

Rudyard Kipling

Kim

Khi nào mọi người chết hết, cuộc chơi vĩ đại mới hoàn tất. Không phải trước đó. Hãy lắng nghe tôi cho đến tận cùng.

Rudyard Kipling

Kim

Lời nói đầu

Rất nhiều bản thảo chưa xuất bản của bác sĩ John Watson - thường tìm thấy trong "một cái hộp du lịch bằng thiếc cũ kỹ, móp méo, nằm đâu đó trong tầng hầm của Ngân hàng Cox & Company tại Charing Cross - mới được đưa ra ánh sáng trong những năm gần đây dành cho một lượng độc giả kiên nhẫn chẳng mặn mà lắm trong việc đón nhận thêm nữa phát hiện mới về câu chuyện liên quan đến Sherlock Holmes, thái độ của họ là hoài nghi, nếu không muốn nói là hoàn toàn không tin. Vì vậy, xin bạn đọc hãy rộng lượng, đừng vội đưa ra một đánh giá tức thì mà hãy chờ tới khi đọc xong phần giải thích ngắn gọn này, rằng làm thế nào - chủ yếu nhờ hoàn cảnh xuất thân có phần đặc biệt - mà tôi được thừa hường một tập bản thảo kỳ lạ nhưng có thật về hai năm quan trọng nhất trong cuộc đời Sherlock Holmes chưa được ai biết đến.

Tôi sinh năm 1944 (năm Giáp Thân) ở thành phố Lhassa, thủ đô của Tây Tạng, trong một gia đình thương gia giàu có. Cha tôi là một người sắc sảo, từng du lịch nhiều nơi - từ Mông Cổ, Turkestan đến Nepal và Trung Quốc - vì việc kinh doanh, nên nhận thức rõ hơn đa số những người Tây Tạng khác về sự mong manh của đất nước hạnh phúc mà lạc hậu này. Hiểu rõ những lợi thế của một nền giáo dục tiên tiến, ông gửi tôi vào một trường dòng Tên tại miền đồi núi Darieeling, Ấn Độ, một vùng thuộc Anh.

Cuộc sống của tôi tại trường Saint Joseph lúc đầu khá đơn độc, nhưng nhờ biết tiếng Anh nên tôi sớm có nhiều bạn bè và điều tốt đẹp hơn cả là tôi có điều kiện khám phá thế giới sách vở. Như nhiều thế hệ nam sinh khác, tôi tìm đến các tác phẩm của George Alfred Henty, John Buchan, Rider-Haggard và William Earl Johns và ngốn ngấu đọc từng trang. Tuy vậy, không gì có thể sánh được cái cảm giác hồi hộp đến run người khi đọc Kipling(1) hay Conan Doyle đặc biệt là những cuộc phiêu lưu sau này của Sherlock Holmes. Là một gã con trai người Tây Tạng, nhiều tình tiết trong những câu chuyện ấy thoạt đầu đã gây cho tôi một số hoang mang. Có lúc tôi đã tưởng "lò ga" là một loại bếp lò đốt bằng dầu hỏa và rằng "luật sư Penang" là một luật sư ở Penang; nhưng tất cả những chuyện như vậy chỉ là những trở ngại vặt vãnh và chưa bao giờ thật sự xen vào những đánh giá cơ bản tôi dành cho những tác phẩm này.

Trong tất cả các câu chuyện về Sherlock Holmes, cuốn có sức mê hoặc tôi nhất là cuộc phiêu lưu trong Bí mật trong ngôi nhà trống. Trong câu chuyện xuất sắc này, Sherlock Holmes tiết lộ với bác sĩ Watson rằng trong suốt hai năm, khi cả thế giới đinh ninh rằng vị thám tử vĩ đại đã bỏ mạng tại thác Reichenbach thì thật ra ông lại đang du ngoạn đến quê hương tôi - đất nước Tây Tạng!

Holmes vốn là người kiệm lời và hai câu dưới đây là tất cả những gì chúng ta biết được cho tới thời điểm này về cuộc hành trình lịch sừ của ông:

"Như vậy tôi đã du lịch hai năm ở Tây Tạng và tiêu khiển bằng cách viếng thăm Lhassa và trải qua vài ngày với vị Đạt Lai Lạt Ma. Có lẽ anh đã dọc về cuộc thám hiểm khác thường của một người Na Uy tên là Sigerson, nhưng tôi chắc rằng anh chưa bao giờ nghĩ mình đang đọc những tin tức về bạn anh".

Khi quay về Lhassa trong kỳ nghỉ đông ba tháng, tôi thử tìm hiểu về nhà thám hiểm người Na Uy đã đến đất nước tôi năm mươi năm về trước. Một người ông bên họ ngoại của tôi nhớ đã từng gặp một người nước ngoài như vậy ở Shigatse, nhưng thật ra ông nhầm người này với Ven Hedin, nhà dịa lý và thám hiểm nổi tiếng người Thụy Điển. Dù sao thì người lớn cũng có nhiều vấn đề nghiêm túc cần cứu xét hơn là những thắc mắc của một cậu học sinh về một du khách châu Âu đến đây từ hồi nảo hồi nào.

Đúng thời điểm ấy, đất nước tôi bị Cộng quân chiếm đóng. Họ đã xâm lược Tây Tạng vào năm 1950 và sau khi đánh bại đội quân ít ỏi của người Tạng, họ tiến vào Lhassa. Ban đầu, người Trung Quốc không đàn áp công khai, mà chỉ từng bước thực thi những chương trình cực đoan và tàn bạo của họ nhằm mục đích thay đổi tận gốc xã hội truyền thống. Các bộ lạc thiện chiến như Khampa và Amdowa ở miền đông Tây Tạng tiến hành những cuộc nổi dậy, chẳng mấy chốc chúng đã lan rộng ra khắp nước. Quân chiếm đóng Trung Quốcc đã thực hiện những chiến dịch trả đũa tàn ác khiến hàng chục nghìn người dân bị tàn sát, và thêm nhiều nghìn người nữa bị bỏ tù hoặc buộc phải trốn khỏi quê hương.

Tháng Ba năm 1959, người dân Lhassa, lo sợ cho tính mạng vị lãnh tụ của họ - Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi - bèn nổi dậy chống lại người Trung Quốc. Một cuộc đối đầu dữ dội nổ ra, nhưng lực lượng Trung Quốc tinh nhuệ hơn đã đè bẹp người Tạng, gây thương vong nặng nề và phá hủy nhiều nhà cửa. Tôi đang học năm cuối tại trường ở Darjeeling, thì cuộc nổi loạn nổ ra ở Lhassa. Tin tức khiến tôi phát ốm vì lo lắng cho số phận cha mẹ và người thân.

Thông tin tử Lhassa vừa ít ỏi lại mơ hồ chẳng có gì khiến tôi có thể yên lòng. Nhưng sau một tháng trời ăn không ngon ngủ không yên, Đài Phát thanh Toàn Ấn đưa tin mừng rằng Đạt Lai Lạt Ma và những người ủng hộ ông, cùng với nhiều người tị nạn khác, đã thoát khỏi nước Tây Tạng bị chiến tranh tàn phá và an toàn đến được biên giới Ấn Độ. Hai ngày sau, tôi nhận được một lá thư đóng dấu bưu điện Gangtok. Đó là thư của cha tôi. Ông và các thành viên khác trong gia đình đều an toàn tại thủ đô của vương quốc nhỏ bé Sikkim, vùng Himalaya.

Ngay từ những ngày đầu loạn lạc cha tôi đã không vội tin vào sự đảm bảo và thái độ làm ra vẻ thiện chí của người Trung Quốc, ông lặng lẽ chuẩn bị cho việc cao chạy xa bay. Ông bí mật chuyển hầu hết tài sản đến Darjeeling và Sikkim, vì thế gia đình chúng tôi ở vào hoàn cảnh có thể nói là rất may mắn nếu so với hầu hết dân tị nạn Tây Tạng khác, những người gần như lâm vào cảnh trắng tay.

Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định toàn tâm phụng sự cho những người đồng bào bất hạnh nước mình. Tôi đến vùng nghỉ mát miền đồi núi cao ở Dharamsala, nơi Đạt Lai Lạt Ma(2) thành lập chính phủ lưu vong, và chẳng bao lâu nhận nhiệm vụ dạy dỗ con em những người tị nạn. Sếp của tôi là một học giả cao niên trước từng là người đứng đầu Văn khố Chính phủ Tây Tạng tại Lhassa, đồng thời là một nhà nghiên cứu lịch sử. Sở học của ông về Tây Tạng thật uyên thâm, và ông không thích gì hơn là được chia sẻ cái vốn quý đó ông có thể nói chuyện thâu đêm suốt sáng về Tây Tạng trong một quán trà nhỏ xiêu vẹo chỉ với một cử tọa trẻ tuổi người Tạng đầy say mê như tôi, và thấm đẫm trong chúng tôi kiến thức cùng sự ngạc nhiên kỳ thú về đất nước tươi dẹp của mình.

Một hôm, tôi thử hỏi xem liệu ông đã bao giờ nghe nói về một du khách người Na Uy tên Sigerson từng đặt chân đến Lhassa chưa.

Lúc đầu ông cũng nghĩ tôi đang hỏi về Sven Hedin - một nhầm lẫn hoàn toàn có thể hiểu được - bởi những văn bản địa lý của người Tây Tạng vừa không chính xác vừa đậm màu sắc hoang đường; khi miêu tả những đất nước xa xôi, chúng thường có xu hướng đánh đồng các quốc gia vùng Scandinavia và Baltic thành các nước chư hầu của đế chế Sa hoàng. Nhưng bằng cách giải thích rằng người Na Uy đó đã đến Tây Tạng vào năm 1892 chứ không phải năm 1903 như người Thụy Điển kia, tôi đã tìm được cách rung một hồi chuông gợi nhắc một nơi nào đó trong ký ức rối rắm của ông già.

Ông nhớ rằng mình đã từng đọc một dẫn chiếu trong kho lưu trữ của chính phủ về chuyến viếng thăm của một người châu Âu vào năm Nhâm Thìn (1892). Ông đã lưu tâm đến việc này trong khi đối chiếu tài liệu tại trung tâm lưu trữ tại Lhassa để chuẩn bị bản bố cáo lý lịch chính thức cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Ông để ý đến một bản ghi chép ngắn gọn về thị thực đi đường của hai người ngoại quốc. Ông chắc rằng một trong hai người đó là người châu Âu mặc dù ông không nhớ được tên. Người kia là người Ấn Độ. Ông nhớ chuyện đó rất rõ, vì mấy năm sau người Ấn Độ đó bị nghi ngờ làm gián điệp cho người Anh. Tên ông ta là "Hari Chanda".

Tôi thật sự chấn động trước tầm quan trọng của điều tiết lộ này, vì tôi đã nghe, hay đúng hơn là đã đọc, về Hurree Chunder Mookeriee (theo tên đầy đủ và cách phát âm được Anh hóa của nó) trong tiểu thuyết Kim của Ruyard Kipling. Ít người ở bên ngoài Ấn Độ nhận thức được rằng trong thực tế, Kipling đã xây dựng nhân vật điệp viên hư cấu người Bengal của mình - một người mập mạp, ba hoa, ưa lấy lòng người khác nhưng có tài xoay chuyển tình thế, tên là Hurree Babu - dựa trên một nguyên mẫu ngoài đời, một học giả vĩ đại người Bengal từng có thời làm diệp viên cho Anh, nhưng ngày nay được nhớ đến nhiều hơn bởi những đóng góp của ông trong lĩnh vực Tây Tạng học. Ông đã trải qua phần lớn thời thanh xuân của mình tại Darjeeling và ở phương diện nào, khá nổi tiếng trong cái thị trấn nhỏ nằm trên cao nguyên đó, cùng với những danh hiệu C.I.E., F.R.S.(3) và nhiều vinh dự lớn lao khác mà các nhân sĩ hàng đầu nước Anh thời đó dành cho ông. Babu chết vào năm 1928 tại nhà của mình ở biệt thự Lhassa.

Lần sau, khi trở lại thăm gia đình, lúc đó đã chuyển về Darjeeling sống, tôi đã làm một chuyến đi bộ từ đường Hill Cart đến biệt thự Lhassa. Bây giờ thì nó thuộc về một người trồng trà đã về hưu tên Siddarth Mukherjee chay "Sid" như ông khăng khăng buộc tôi gọi như vậy, ông là chắt gọi nhà học giả, điệp viên nổi tiếng của chúng ta là cụ. Sid kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện lòng vòng và phức tạp mà tôi trình bày với ông, đại loại: Hurree Chunder Mookeriee đã xuất bản một cuốn sách về chuyến du lịch của ông đến Tây Tạng có tên: Hành trình đến Lhassa qua miền tây Tây Tạng, nhưng không hề nhắc đến bất cứ người châu Âu nào đi cùng. Chắc hẳn, ông đã làm vậy trước sự nài ép của Sherlock Holmes, người vào thời điểm đó đang cố giữ làm sao cho sự tồn tại của mình là một điều bí mật với toàn thế giới. Tôi hy vọng nếu đọc được những ghi chép, thư từ, nhật ký và những giấy tờ cá nhân khác của Hurree, thì biết đâu tôi lại có thể tìm được một đầu dây mối nhợ dẫn đến những tiết lộ về Sherlock Holmes, hay ít nhất là về nhà thám hiểm người Na Uy(4).

Sid run lên vì xúc động khi biết rằng cố nội của mình có thể quen biết nhà thám tử tài ba nhất thế giới, nên đã tỏ ra trên cả nhiệt tình trong việc giúp đỡ cho cuộc tìm kiếm của tôi. Hầu hết giấy tờ của Hurree đều được cất giữ trong mấy cái thùng thiếc lớn để trên gian áp mái của biệt thự Lhassa sau khi ông qua đời. Tôi mất cả tuần lễ lục lọi đống tài liệu cũ nát bụi bặm, nhưng ngoài cảm giác lạnh lẽo buồn bã, tôi chẳng tìm thấy gì có ích, tuyệt không một dòng nào nhắc đến người mà ta có thể phỏng đoán là Sherlock Holmes. Nỗi thất vọng của tôi không thể che giấu được.

Sid thật tử tế, ông cố làm tôi phấn chấn lên bằng lời hứa sẽ liên hệ ngay với tôi, nếu ông tìm được bất cứ thứ gì có thể đóng góp cho nghiên cứu của tôi.

Cứ như vậy nhiều năm trôi qua. Công việc chiếm tất cả thời gian và sức lực của tôi và tôi hầu như cũng đã quên bẵng việc nghiên cứu sớm thất bại từ trong trứng nước của mình, nhưng rồi cách đây đúng năm tháng, tôi nhận được một bức điện từ Darjeeling. Chỉ có ba chữ cụt lủn, nhưng đầy hứa hẹn:

"Tìm ra rồi. Sid"

Tôi chỉ kịp mang theo bàn chải đánh răng.

Tóc Sid đã bạc đi một chút, biệt thự Lhassa cũng không còn chống chọi tốt với mưa nắng dãi dầu nữa. Tôi nhận thấy một phần tường phía sau nhà đã sụp xuống. Nhưng chủ nhân của nó thì vô cùng bồn chồn. Ông lão hối hả bảo tôi ngồi xuống ghế, nhét vào tay tôi một ly whisky pani to tướng và để tôi nhấm nháp.

Đúng một tuần trước đó, Darjeeling trải qua một cơn địa chấn khá mạnh - về mặt địa chất mà nói, Himalaya là một dãy núi khá non trẻ và vẫn còn đang trong quá trình kiến tạo. Cơn địa chấn không đủ mạnh để gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, nhưng một đợt gió mùa bất thường kéo dài tiếp sau đó đã gây nên hiện tượng sụt lở đất ở các sườn núi dẫn đến việc làm hư hại một số nhà cửa trong thị trấn. Biệt thự Lhassa không bị hư hỏng nặng, chỉ có một phần bức tường phía sau sụp xuống. Trong lúc kiểm tra thiệt hại, Sid phát hiện ra một cái hộp bằng thiếc bẹp rúm được giấu bên trong mảng tường bị sập.

Lôi cái hộp ra khỏi đống đổ nát, ông thấy trong đó có một gói dẹt được bọc cẩn thận bằng giấy sáp và cột kỹ càng bằng một sợi dây bện rất chắc. Ông mở gói đồ và tìm thấy một tập bản thảo, dày khoảng hơn hai trăm trang với nét chữ viết hoa mỹ không lẫn đi đâu được của cụ cố. Trong tâm trạng xúc động, ông cắm cúi đọc một mạch không nghỉ, đọc xong thì trời cũng vừa rạng. Tất cả đều nằm trong đấy. Hurree đã gặp Sherlock Holmes. Ông đã cùng Sherlock Holmes thực hiện một cuộc hành trình đến Tây Tạng; và vì vậy mà đặt bản thân mình vào những tình huống nguy hiểm và lạ lùng tới mức không thể tin được.

Như vậy, Babu đã không thể cưỡng lại được sự hối thúc của nội tâm và ông đã thẳng thắn giãi bày trên giấy sự thực về những kinh nghiệm của mình, nhưng ông cũng đủ thận trọng tìm cách giấu nó bên trong bức tường phía sau nhà; có lẽ với hy vọng rằng nó sẽ được đưa ra ánh sáng trong một tương lai xa nào đó khi "Cuộc chơi vĩ đại" đã trôi qua, và lúc đó mọi người có thể biết đến cuộc phiêu lưu của ông cùng với nhà thám tử vĩ đại nhất thế giới chỉ với sự kinh ngạc và thán phục.

Sid lấy tập bản thảo ra khỏi ngăn kéo và đặt vào đôi tay đang run rẩy của tôi. Biết tôi cũng có máu văn chương viết lách, Sid cố nài tôi phụ trách khâu biên tập và xuất bản bản thảo trên. Nhưng trong thực tế ngoài việc bổ sung thêm một số chú giải, tôi chỉ phải sửa rất ít.

Babu là một cây bút tài hoa và có kinh nghiệm, văn phong độc đáo, đầy khí lực của ông hẳn sẽ giảm sút đi nếu bị chỉnh sửa quá nhiều.

Sid và tôi chia đôi số tiền thu được từ cuốn sách, mặc dù cả hai chúng tôi đều nhất trí rằng bản thảo gốc cùng với bản sao bản đồ Tây Tạng đi kèm, vì tính lịch sử quan trọng của nó, nên được trao cho một viện nghiên cứu nào đó, nơi các học giả và giới chuyên môn có thể tự do sử dụng.

Tây Tạng có thể bị nghiền nát dưới sức nặng chết người của chính thể chuyên chế Trung Hoa, nhưng sự thật về Tây Tạng không thể dễ dàng bị chôn vùi; và thậm chí một tác phẩm dở dang, kỳ lạ về lịch sử như thế này cũng có thể góp phần "đóng đinh câu rút" ít nhất là một vài tên bạo chúa.

Tháng 10 năm 1988

Jamyang Norbu

Địa chỉ Nalanda Cottage

Dharamshala

Chú thích:

(1) Joseph Rudyard Kipling (1865-1936): nhà thơ. nhà văn người Anh nhưng sinh ra ở Ấn Độ, nổi tiếng với những cuốn sách dành cho trẻ em như Jungle book, The second jungle book, Kim

(2) Đạt Lai Lạt Ma dịch nghĩa là "Đạo sư với trí huệ như biển cả". Danh hiệu này do nhà vua Móng Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Cách Lỗ (t: gelugpa. Hoàng giáo) năm 1578. Kể từ năm 1617 trở đi. Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Kể từ đây, người ta coi Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Quan Thế âm. Mỗi một Đạt Lai Lạt Ma đều được xem là tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma trước.

(3) C.I.E tức commader, một trong ba phẩm trật của Order of Indian Empie (huân chương đế chế Ấn Độ): một phẩm tước hiệp sĩ được nữ hoàng Victoria lập ra vào năm 1877. Hai phẩm trật kia, cao hơn C.I.E. là GCIE (Knight Grand Commander) và KCIE (Knight Commander). F.R.S. viết tắt từ Fellow of the Royal Society, một tước vị phong cho những nhà khoa học kiệt xuất của đế chế Anh, và là một loại thành viên của Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Các thành viên này được phép ghi ba chữ FGS sau tên mình.

(4) Tôi đã tưởng đâu cuối cùng thì mình cũng "chạm" tới được người Na Uy bí ẩn, khi tình cờ đọc cái tựa sách này tại Nhà sách Oxford. Darjeeling: Một du khách Na Uy ở Tây Tạng Per Kvaeme (Bibliotheca Himalaylca. Bộ 1 tập 13). Manjusri. New Delhi. 1973. Đáng tiếc, đây chi là văn bàn về một người Na Uy chính cống vốn là nhà truyền giáo.

Â

Bạn đang đọc Sherlock Holmes Mất Tích của Jamyang Norbu
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 31

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.