Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 1

Phiên bản Dịch · 3370 chữ

Sự thật về những lùm cây lạ đang phủ lên thành phố

VÀO MỘT SÁNG THÁNG CHÍN, khi đang ngồi thiền trên sân thượng, Dzu thấy cả thành phố phủ đầy dây leo. Anh la thất thanh. Rồi sau đó mọi thứ tối sầm.

Sau khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu với một tờ chẩn đoán rằng anh đang bước vào thời kỳ đầu của chứng rối loạn thần kinh, Dzu hỏi: “Cánh rừng ấy đâu rồi?”. Ông già ghé sát tai anh, mùi mồ hôi chua nồng quen thuộc, thủ thỉ: “Cánh rừng nào hả con?”. “Cánh rừng có dây leo xanh!”, ông già ngơ ngác nhìn ra không gian bên ngoài cửa sổ bệnh viện, chỗ treo lòng thòng những áo quần bệnh nhân, tanh tanh mùi xà bông, nhớm nháp mùi rêu ẩm và lá mục trong máng thoát nước, cái miệng móm sệu thoát ra một giọng rền rền, không tròn từng âm tiết: “Con đừng làm cha lo lắng nghe con. Ở đây làm gì có cánh rừng nào. Chỉ có cha con mình với nhau thôi!”

Cha anh luôn chăm sóc anh ân cần như chăm sóc một thằng bé chưa biết cách tự bảo vệ. Tuổi già cũng làm cho chính ông gần như trở về với bản chất trẻ thơ. Hai cha con sống với nhau trong một căn phòng trọ hai chục mét vuông, nói với nhau những chuyện hằm bà lằng trên trời dưới đất, Dzu hình dung mình và ông già không phải là hai cha con, mà là hai đứa nhóc bị cuộc đời run rủi ném vào một hành tinh mơ tưởng. Biệt lập. Và thơ mộng. Hay cũng có thể coi là một cái hốc bình yên và không có mặt sự phiền muộn. Ở đó, tình thân, sự trung thành và thấu hiểu đủ để hai đứa trẻ an tâm đến nỗi chẳng cần đến một mối quan hệ rầy rà nào khác.

Sau giờ làm, Dzu tạt xe qua quán cháo dinh dưỡng ở ngã tư, mua bốn hộp cháo. Cha Dzu thích ăn cháo thịt lươn, rau má xay. Còn Dzu thích món cháo chim bồ câu và cải xanh thái mỏng. Hôm nào về, Dzu cũng nhìn thấy ông đứng trên sân thượng một mình, bên cạnh cái chậu cây hoàng ngọc, chờ đợi, lóng ngóng.

Chậu hoàng ngọc ông trồng hai năm nay để làm thuốc, mỗi ngày nhai sống bảy lá, nghe bảo ngừa ung thư, nhưng theo Dzu thấy, thì chắc rằng chữa tâm bệnh là chính. “A, con đi làm về. Mệt không con? Tắm rửa đi rồi lên đây cha con mình ăn cháo. Con mua cháo lươn cho ba à?”. “Dạ. Ba đợi con trễ, có đói bụng không?”. “Không. Việc cơ quan bữa nay có gì vui kể ba nghe?”. “Dạ cũng... Mà thôi, bữa nay ba nhai lá hoàng ngọc chưa?”. “Chưa. Hồi sáng, ba quên tưới nước nên trưa bụi cây thuốc héo rủ. Cây cũng như người, lúc ủ rũ thì không nên làm gì cả, không nên vặt lá. Để chừng nào nó khỏe mạnh, lá xanh tốt thì hãy hái làm thuốc...”. “Dạ, cho cái cây nó nghỉ vài hôm đi ba!”

Vậy là có thêm một đối tượng xen vào câu chuyện giữa hai cha con. Đối tượng ấy là cây hoàng ngọc. Hôm nào chủ đề về cái cây cũng rôm rả. Tươi, héo, mọc thêm nhánh non, có con sâu đậu trên đó hay đơm chùm hoa vàng... đều trở thành đề tài để hai cha con bàn tán.

Thời sự về cái cây bao giờ cũng được hai cha con Dzu bình luận tán nhảm trong suốt thời gian bữa ăn tối.

Dzu ăn một lúc 2 hộp cháo. Ba Dzu chỉ ăn một hộp. Còn một, Dzu treo ở dó, mười một giờ lại đánh thức ba dậy ăn khuya.

Bác sĩ nói rằng, trước khi đột quỵ, thần kinh điều khiển trạng thái xúc cảm sẽ dẫn dắt anh đến một cảnh giới lạ lùng. Có người thấy ma quỷ gọi mời, có người thấy thiên thạch rơi, có người lại thấy đom đóm bay đầy trời, có người thấy mình đang làm tình với đàn bà góa và cũng có kẻ, như Dzu, là thấy trước mắt mọc lên một cánh rừng. Mọi thứ ấy chỉ là cái phông nền hiện ra trước khi cái “đèn hình” trong vỏ não chập chờn rồi tắt ngúm.

Dzu mê đọc sách khoa học và triết học. Có cuốn sách nói rằng não bộ của con người cũng như cái máy tính, có hệ điều hành, hoạt động, lưu trữ tuân theo nguyên lý vật lý, ngưỡng chế độ nào đó. Nói chung là nếu biết cách vận hành khéo thì mọi thứ sẽ chạy trơn tru, phát huy tính hữu dụng, bằng không, ôm đồm thì bộ xử lý tốc độ sẽ chịu áp lực, trở nên chậm chạp và có nguy cư lỗi hệ thống, dẫn đến treo máy hay không xử lý được các chương trình.

Nhưng, như đã nói, Dzu là người sống hài hòa, không phải gu sôi động hay ôm đồm. Thậm chí Dzu hơi già. Bằng chứng là ở tuổi Dzu mà lại chơi thân một cách hòa hợp với ba Dzu, đâu phải ai cũng làm được!

Ba Dzu nói rằng: “Giá như ở đây là đất của mình, không phải nhà thuê thì hay biết mấy”. “Chi vậy ba?”. “Thì ba sẽ trồng cây kín cả khoảng sân thượng này, chỉ dành một lối đi vào đi ra (ông vừa nói vừa chỉ bàn tay tưởng tượng vạch một lối trước mặt như thể hai bên đã là cây cối um tùm thật) - Ba sẽ biến nó thành một cánh rừng!” (nói đến đây, mắt ông nhìn lên cao và nhắm nghiền như mình đang tận hưởng không gian của khu rừng tướng tượng đó). “Chi vậy ba? Con thấy tình hình vậy là không ổn - Dzu kéo cha ra khỏi sự viển vông - vì con chúa ghét những loại bonsai!”. “Không. Ba cũng không thích bonsai. Ba sẽ trồng cây cỏ tự nhiên cho chúng mọc cao phú ngập đầu người. Rồi thì dây leo. Ừ, có nhiều loại dây leo hay lắm. Nó biến cả ngôi nhà thành một lùm cây. Giống như những lùm cây trong cánh rừng ngày trước ba con mình hay nghỉ trưa đó...”. “Ngày trước là hồi nào ba?”. “Ừ, thì hồi đó đó...” - Cha Dzu nói như thể “hồi đó đó” là một mốc thời gian hay điểm ký ức nào đã mặc định sẵn trong đầu Dzu, chỉ cần điểm vào là nó hiển thị ngay.

Trí óc của Dzu cũng tốt lắm. Nhưng không tài nào nhớ nổi những chi tiết hình ảnh hai cha con rúc vào bụi cây ăn trưa từ cái đời thuở nào. Mỗi lần như vậy, cha Dzu lại cung cấp thêm dữ liệu về cái “thời đó đó”, cụ thể là: “Thời mà ba con mình còn đi làm cỏ mướn cho nhà ông Tư sún, cái ông Tư sún có đứa con gái lọt hầm cầu chết đó, mày không nhớ à?”. “À, ông Tư con nhớ rồi. Con nhỏ đó học lớp con. Nhưng mà cái lùm cây thì...”. Cha Dzu có biểu lộ sự nản lòng vì cái đầu óc củ chuối của đứa con trai, ông tỏ vẻ hơi khó chịu vì cái chi tiết hình ảnh làm nên kỷ niệm, thậm chí, có thể là bí mật chung mặc nhiên là phải nhớ thì thằng con đễnh đoãng lại chẳng mảy may lưu lại gì trong trí não. Ông tỉ mẩn nhắc đủ thứ chi tiết nhằm gợi lại hình ảnh cái lùm cây đã biến mất trong đầu óc anh, nào là lùm cây cạnh bến sông, chỗ có tổ ong vò vẽ, ở gần gốc mít hoang... “Nhớ chưa?”. Dzu gật đầu. “À, dạ nhớ, nhớ!”. Dzu nói nhớ nhưng khuôn mặt ngờ nghệch và như thể đang hình dung một cái lùm cây khác cái lùm cây trong dữ liệu cha anh cung cấp - một cái lùm cây do trí tưởng tượng anh tự vẽ nên.

(Cái thời cực khổ và tủi thân đó, người ta không bao giờ dám nghĩ lại thì có gì hay ho để cha Dzu khoác lên những chuyện bay bổng lí tưởng chứ. Khổ thân, với những người già, trải nghiệm về cái nghèo luôn là một điều kiện tuyệt vời để đánh dấu cảm xúc và kỷ niệm. Nghĩ đến thế thì dù cuộc sống có khấm khá hơn đi nữa, người ta cũng không hề thỏa mãn; cũng thòm thèm lưu luyến quá khứ, cái quá khứ mà mỗi giọt mồ hôi và nước mắt được ngưng đọng, tôn thờ trong tâm tưởng như một viên ngọc lấp lánh chẳng cho ai vô tình chạm vào hay làm sứt mẻ!)

“Có gì hay ho chuyện phải rúc vào lùm cây trốn nắng ăn trưa mà ba cứ nhắc hoài?” - Dzu cằn nhằn. Cha Dzu nhìn ra khoảng trời trước mặt ngổn ngang mái nhà và ăngten. Câm lặng. Từ một góc ngồi ngược sáng, anh thấy bóng ông nhấn đen trên một khung vuông sáng lòa, với một hậu cảnh ngổn ngang dây nhợ, tầng ái thấp nhà phố. Cha Dzu không nói. Dzu có cảm giác sự lặng thinh của ông là một lời hờn trách nhẹ nhàng (Mày đã quên những kỷ niệm đẹp thời khốn khổ của hai cha con mình rồi sao?) hay cũng có thể là sự lặng im tự trấn tĩnh kịp thời (Ấy dà, mình lẩm cẩm thật, chuyện ngồi trong bụi cây ăn trắng với mắm cà, vã mồ hôi hột thì có gì mà nhắc hoài chứ?)

Nhưng, giống Dzu, cha Dzu là người bảo thủ triệt để. Nghĩa là rất khó thay đổi. Điều đó trở thành một đặc điểm không chỉ của tính cách mà còn ở mặt thể trạng. Ví dụ, ông có bệnh nứt gót chân vào tháng chạp, lúc thời tiết trở lạnh. Dzu bảo rằng, đúng là đến cái bệnh của cha cũng rất khó chịu. Ở thành phố cả chục năm, không chân lấm tay bùn vậy mà còn bị phèn ăn gót chân. Cha Dzu cười móm mém, tựa cằm lên đầu gối, lấy cắt móng tay bấm bấm mấy nếp da bong ra, nhậy ra một vết nứt đỏ tấy, nói: “Tao quen rồi. Giờ không làm rẫy thì đến mùa nó cũng lại nứt như thường. Nó nứt vì nhớ đồng, nhớ rẫy!”. Dzu đùa: “Con chưa thấy ai bảo thủ như ba. Từ nay con sẽ gọi ba là ông già bảo thủ!”. Cha Dzu cười móm, hai nếp nhăn đuôi mắt trĩu xuống: “Cha mày, bán cái bảo thủ ấy cũng mua được vài sào đất cho sự nghiệp của mày đó nghe con!”

Buổi tối ở nhà thương, cha Dzu trải chiếu nằm dưới giường bệnh của anh. Thi thoảng, ông lại trở mình ngồi dậy, nhướng mắt kính lão săm soi sợi dây lòng thòng trên bình truyền nước. Rồi lại rón rén nằm xuống. Dzu biết là ông không ngủ được. Mùi mồ hôi của ông chua khét thoang thoảng vẫn xộc lên mũi Dzu như thể anh sờ chạm được cả hơi ấm tỏa ra, nghe được nhịp tim âu lo phấp phỏng của người cha. Dzu nhắm mắt nghe từng tiếng cựa mình khe khẽ quen thuộc, cả tiếng hít sâu và nén hơi thở dài âu lo. Anh phát hiện ra rằng, ông không chỉ bảo thủ ở cái bệnh nứt gót chân, mà còn bảo thủ cả mùi mồ hôi, cả tiếng cựa mình và hơi thở dài hàng đêm. Ý nghĩ đó làm Dzu càng chập chờn. Anh cảm nhận sự lưng chừng của từng giọt nước chảy theo cọng dây, mũi kim bé tí đi vào và lan ra những mạch máu trên cánh tay tê lạnh của mình.

Đến gần sáng, anh chợp mắt. Và cánh rừng ấy hiện về, toàn dây leo xanh, những chiếc lá hình trái tim, hình bàn tay phủ che tất cả mọi mái nhà. Cả thành phố chìm dưới độ phủ che rậm rạp của lá, của dây, của sự chằng chịt rằng rịt mạnh mẽ um tùm, đáng sợ. Và trên những con đường mòn cỏ dại, mọi thứ vẫn hoạt động. Người. Xe. Khói. Bụi. Không banner, áp phích, không logo bảng hiệu, không bêtông cốt thép... Thay vì chạy ra chạy vào nhà này nhà kia, thì người ta rúc vô những lùm cây như những bầy muông thú vào ra những hang trú ẩn rậm rạp, bí mật. Trường học, công sở và những cơ quan hành chính đều biến thành các lùm cây lớn. Kể cả nhà thờ và đền chùa đều xanh hóa dưới lá cành. Người ta thực hành tôn giáo, cúng quảy, làm tình, ra quyết định chính trị, hợp đồng làm ăn hay vui đùa, thư nhàn đều dưới những vòm cây, cửa hang lớn, nhỏ khác nhau. Thế giới như thể đại đồng trong những thước phim siêu tường. Nếu là một viễn cảnh, thì chẳng biết đáng vui hay đáng buồn. Không biết là thiên đường hay hỏa ngục. Và vì thế, càng không biết là giấc chiêm bao đẹp hay là ác mộng tồi tệ giữa ban ngày?

Dù sao thì nó cũng phải kết thúc. Nó làm cho Dzu toát mồ hôi lạnh. Bật dậy, ngồi thừ một lúc để những trải nghiệm ấy nguôi dần trong trí não.

Khi Dzu bật dậy, trấn tĩnh thì trời đã sáng. Cha Dzu ngồi dối diện, mắt mỏi sụp, nói: “Ba chợp mắt cũng mơ thấy mấy cái lùm cây đã rậm rạp, lan rộng hem. Nhưng mà bụi cây hoàng ngọc... ba thấy nó héo queo. Mấy bữa nay trời nồm, không ai chăm sóc, chắc nó khô rạc thiệt...”

Đàn ông bảy lá đàn bà chín lá. Cha Dzu nói: “Phải chi ngày trước có cây hoàng ngọc thì mẹ con đã không bị bệnh ung thư đánh gục sớm như vậy!”, Thế nên, mỗi lần nhai lá hoàng ngọc là ông lại nhắc đến cái chết đau đớn của mẹ Dzu. Dzu đùa rằng: “Cha mà cũng lụy tình, nhớ ngưởi yêu dữ à?”, “Ừ, cha mày còn có người yêu để mà nhớ. Còn mày thì chẳng chịu có đàn bà để nhớ cho tao nhờ!” Dzu ngồi tựa vào tường và lật sách triết của Hegel đọc. Được chừng vài mươi trang, Dzu lại gấp sách nói, không rõ sâu sắc hay lãng xẹt, nhưng đúng là chẳng ăn nhập gì: “Ý niệm Sự sống không chỉ tự giải phóng mình ra khỏi Một cái này [tồn tại] trực tiếp (đặc thù) nào đó, mà tự giải phóng khỏi sự trực tiếp đầu tiên này nói chung. Qua đó, Ý niệm Sự sống đi đến với chính mình, hay, đi đến với Chân lý của mình; và, vì thế, nó đi vào bên trong sự hiện hữu cho - chính - mình với tư cách là Loài tự do. Cái chết của cái hữu cơ - chỉ đơn thuần cá biệt, trực tiếp là sự ra đời của Tinh thần”. Cha Dzu ngồi nhìn con ngồi niệm triết, ông bỗng bật cười. Cái cười cũng chẳng ăn nhập gì. Không biết cái cười khó hiểu hay sự trầm tư là khó hiểu giữa hai cha con.

Những cái Dzu đọc chỉ để mà đọc. Việc ở cơ quan của Dzu không cần đến những thứ đó. Công việc của Dzu cần đến những kiến thức thực hành cụ thể, thậm chí xảo ngôn và mì ăn liền. Lúc đầu Dzu buồn. Nhưng sau, tập thiền, hít thở đều mỗi sáng, Dzu nhận ra, đó là những chuyện thường thôi. Không ăn thua. Sách triết có chỗ của sách triết và mì ăn liền có chỗ của mì ăn liền. Ý này cũng giúp Dzu đả thông thắc mắc xưa nay là tại sao cái thành phố này dân thất nghiệp đầy rẫy mà lúc nào cũng có đông người xúm lại chỗ mấy kệ sách triết. Toàn những kẻ xanh xao nhếch nhác. Như Dzu!

  • Dzu còn nhớ buổi sáng tháng chín ấy, khi anh ngồi ở tư thế kiết già và chuẩn bị hít thở thì chứng rối loạn thần kinh kéo đến. Chứng bệnh ấy quá sớm với tuổi 30. Cha Dzu nói như tổng kết từ một quá trình suy nghĩ thấu đáo lâu ngày: “Qua chuyện này, con cũng không nên ưu tư nhiều quá và cũng đừng đọc những cuốn sách nặng nề. Ba thấy đọc sách nặng hơn cả đi cày. Nhất là cày còn trổ được luống, trồng được cây, ngó cái cây lớn lên, còn đọc sách hành xác như mày hình như chẳng giải quyết được cái mớ đời gì. Sách nó hành, sống nặng nề u uất lắm. Phải thương lấy mình con ơi. May là hôm nào ba con mình về quê một chuyến, vác cần câu vô suối, câu cá, rồi rúc vào lùm cây đó nướng cá ăn rồi ngủ một giấc cho đã. Có đến chục năm nay ba con mình chẳng có giấc ngủ nào ngon. Ba cũng muốn về thắp nhang cho ông bà nội. Sống vầy, đâu cũng là chốn trọ, thức hay ngủ cũng cứ bồng bềnh như ngồi trên mặt nước, chẳng đâu là nhà. Cũng may, hằng ngày ba còn có bụi hoàng ngọc làm bạn. À, nhưng mấy hôm nay ba đâm lo. Ba tính rồi, cứ mỗi ngày hái bảy lá như vậy thì sợ bụi cây không kịp ra lá non để bù vào chỗ lá mình đã ngắt đi. Nhìn cái bụi cây ngày càng tiều tụy, ba thương nó quá. Cây không khỏe thì sao người ăn lá cây ấy mà khỏe được!”

Bây giờ là mùa thu. Dzu thấy những mái nhà đã siết vào nhau bởi những nhánh dây leo, thành phố biến thành một khu rừng già chập chùng xanh lá. Rồi từ bên dưới những tán xanh ấy, đùn lên mấy tàng cổ thụ đón chim chóc về. Những âm thanh ầm ào rộn ràng của động cơ đã được thay bằng tiếng suối thác chảy và vọng âm gió reo bên dưới các vòm xanh. Chỗ cha con anh đứng không còn là một sân thượng lát đá vuông vắn như một chiếc lồng nữa, mà cây cỏ đã phủ lên mát mẻ. Và bụi cây hoàng ngọc um tùm lá non, trổ những chuỗi hoa vàng bình dị, Cha Dzu ngồi thảnh thơi, ngắt từng cọng lá cho vào miệng, nhom nhem nhai. “Con ơi, cái lùm cây chỗ ba con mình ngồi ở kia. Đó, ở kia, con có thấy không?”. “Ở đâu? Ở đâu ba?".

Cánh rừng ấy đang tiếp diễn, những cuộn dây leo xanh đang mọc vươn ra tứ phía và lan dần phủ kín cả giấc mơ của Dzu. Dzu đọc được một cuốn sách ở đâu đó nói về tiềm thức con người. Sách viết rằng, có những hình ảnh đã thực sự không còn hiện hữu nhưng mà nó lại lớn dần lên trong tâm tưởng, vô thức. Điều này Dzu không nói với cha anh và cũng chẳng thổ lộ với bác sĩ. Nếu nói ra, cha anh thể nào cũng khuyên đừng đọc loại sách nặng nề đó nữa, chẳng ăn nhậu gì được đâu, Vả lại, đây cũng là bí mật anh chẳng muốn tiết lộ cho ai cả. Cứ để mọi người nghĩ mình bí ẩn, hóa ra lại hay!

Dzu cần nằm lại ở phòng điều trị tâm thần vài hôm nữa. Dù cha Dzu sốt ruột bảo rằng: “Nếu tình hình cứ thế này thì mày để ba bắt xe bus trở về phòng trọ mang nước lên sân thượng tưới cho bụi hoàng ngọc rồi sẽ quay lại ngay!”

Bạn đang đọc Ở Lưng Chừng Nhìn Xuống Đám Đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 21

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.