Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Di Hòa Viên - Non Nước Như Tranh

Phiên bản Dịch · 4670 chữ

Những người đến với Bắc Kinh luôn để mình rơi sâu vào biến đổi lịch sử hùng hồn, tận tâm thưởng thức hết sự uy nghiêm và hùng tráng của cảnh trí hoàng thành. Nhưng lại không để ý rằng Bắc Kinh cũng là một nơi nuôi dưỡng nhàn tình và phong nhã, chứa đựng sự nên thơ và lãng mạn. Có một vùng non nước như tranh, vừa mang sự phú quý hiển hách của cung điện hoàng gia, lại vừa có vẻ phong tình yểu điệu của bờ hồ Tây Tử, còn có những đặc trưng thiên nhiên trang nhã của vườn cảnh vùng Tô Châu. Đó chính là Di Hòa Viên, một vườn cảnh hoàng thành hội tụ đầy đủ phong cách vương giả, lại vừa dung nạp phong thái sông nước vùng Giang Nam.

Nó giống như một vị quân vương trác tuyệt phi phàm, nhận ân sủng mà kiêu căng, một mình cao quý giữa cung đình áo mũ như mây. Nó tựa như một bậc giai nhân phong tư yểu điệu, lạc xuống trần gian mà không nhuốm thói tục, một mình tao nhã giữa bụi hoa muôn hồng ngàn tía. Nó lại như một danh sĩ thanh cao phóng khoáng, giữa hồng trần mà không mất lòng ai, một mình an định giữa loạn thế gió cuốn mây trôi. Cứ như thế ngạo nghễ đứng giữa đất trời, trang nghiêm trên nước, ẩn mình giữa thành đô, bình thản nhìn ngàn vạn khách qua đường đến đây du ngoạn, mà sau đó lại khắc sâu ghi nhớ, cả đời chẳng quên.

Những linh hồn bị vương triều phong kiến cầm tù hàng nghìn năm, dưới sự chiếu rọi của ánh sáng đất nước Trung Quốc mới đã được giải phóng, giống như làn gió xuân ấm áp, thổi qua hết lượt non sông rộng lớn đang say ngủ, nền văn minh cổ xưa đã bừng tỉnh trong buổi bình minh, như một cụ già héo hắt, nay chỉ trong một đêm đã ngời ngời sức sống. Vầng mặt trời màu vàng kim ngưng tụ sức mạnh to lớn, ngang tàng nhìn gió mây với tư thế nước lớn nổi trội, sừng sững phương Đông. Kinh thành bấy giờ, vạn vật hớn hở, phong lưu nhất phái, có hào khí của vùng Yên Triệu[4], tráng ca của Dịch Thủy[5], lại thêm sự trang nhã và véo von của phong tình nước Nam.

[4] Yên, Triệu: Hai nước lớn thời Tiên Tần, bao gồm khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân và phía bắc Hà Nam, phía nam Nội Mông Cổ ngày nay.

[5] Dịch Thủy: sông Dịch Thủy, phía tây tỉnh Hà Bắc. Tương truyền là nơi năm xưa thái tử Đan nước Yên tiễn Kinh Kha lên đường hành thích vua Tần.

Khi bạn bước vào Di Hòa Viên, mặc ý dạo chơi trong non nước của bức tranh cung đình, sao không thể cảm thán các họa gia hoàng cung năm xưa khéo léo cầu kỳ đến nhường nào mới có thể dùng những đường nét tinh xảo sống động vẽ ra bức tranh sơn dầu đậm nhạt đan xen này? Triều Thanh đã biến mất, đế vương nay không còn, những người thợ vẽ cũng mất dấu, chỉ còn lại mỹ nhân tuổi đã về chiều, tuy kinh qua hết hưng suy vinh nhục, nhưng vẻ đẹp vẫn còn, phong tình vạn chủng.

Đi vào cánh cửa Đông Cung cao xa vòi vọi năm nào, dạo quanh Nhân Thọ Điện và Lạc Thọ Đường như thể vừa bước vào trong giấc mộng vinh hoa của một đế vương nào đó triều Thanh, ngài vừa mới thức giấc mà bạn đã bắt đầu mơ rồi. Mi cửa thềm phòng màu đỏ son, những hình vẽ hoa văn như gấm thêu vẽ bằng màu sáp đều làm nổi bật sự phú quý và hào hoa. Đây là vương quốc của rồng, chúng được khắc, vẽ một cách tinh xảo trên khắp mọi vị trí trong các cung điện, hình thái sinh động như thật, tựa như chỉ cần bạn không chú ý, chúng sẽ bay vọt lên, xóa bỏ cảnh tượng hư ảo trong bức tranh này, nói cho bạn biêt, chúng là bậc vương giả có khí huyết, cưỡi mây vượt gió với tinh thần của rồng.

Vị hoàng đế mình mặc long bào, đầu đội vương miện ấy là Càn Long hay là Quang Tự? Họ đều là bậc cửu ngũ chí tôn, nhưng lại mang vận mệnh chẳng giống nhau, cho dù là ngang tàng ngạo nghễ hay khiếp nhược đớn hèn, đến nay đều chỉ còn lại bóng dáng như gió như mây, là thành hay bại đều mặc đời sau bình luận. Há chẳng biết quân vương nhất thống thiên hạ, trị lý sơn hà, cần phải có khí phách của đế vương, chí khí lỗi lạc, còn phải có tu dưỡng tâm tính, hết sức dịu dàng, thậm chí còn phải tìm hiểu vũ trụ, thấu hiểu thiên lý. Sau cơn gió mưa vô hạn, là bình tĩnh đến thâm sâu, mà trong khu vườn cảnh của đế vương này, người đời sau có thể không kiêng kỵ gì thăm hỏi lịch sử, nhàn nhã tự tại tìm hiểu chuyện xưa.

Con người sống trong hồng trần mênh mang, nhìn vạn vật thịnh suy, luôn muốn tìm một linh hồn trong sạch thuộc về chính mình. Lên núi Vạn Thọ, chính là mượn khí vận tươi mát của thiên nhiên để thanh lọc tâm trí, mặc cho tư duy bay bổng trong không gian tịch liêu, ngắm trông non sông tráng lệ, nhìn hết gió mây vạn dặm. Đây là một tổ hợp kiến trúc hoàng gia bậc nhất của phương Đông, vắt ngang núi Vạn Thọ, khí thế hùng vĩ, nguy nga hoành tráng. Tựa như một cơn gió mát lướt qua là có thể lay động lòng người, một đám mây trắng bồng bềnh trôi là có thể dạt dào vô cùng.

Dừng lại ở Phật Hương Các, cảm nhận đế vương tự nghìn xưa đang truy tìm sự thức tỉnh trong Thiền giới vô trần, chứng đắc được minh tâm kiến tính ở Phật cảnh linh đài thanh tịnh, sáng rõ, đó là phúc tuệ viên mãn đến nhường nào? Đứng trên đỉnh núi, vạn tượng mây khói hội tụ, chỉ có dùng sự nhỏ nhoi của bản thân để chiêm bái sự rộng lớn của tự nhiên, mới có thể lĩnh ngộ được sự mênh mông như biển cả, khí thế dào dạt như sóng lớn của trí tuệ. Thành Bắc Kinh nhìn từ xa là một bức tranh cuộn phồn hoa diễm lệ, bách tính thiên hạ cùng tắm trong sự thịnh vượng và yên bình. Cúi xuống nhìn hồ Côn Minh, đây là một khối mỹ ngọc được khảm bên cạnh, lặng lẽ nằm trong Di Hòa Viên, cất giữ khối tình ý mềm dịu tận đáy tim của bậc đế vương đó.

Lên cao không khỏi bị lạnh, sát nước sẽ được tịnh tâm. Muốn thưởng lãm hết phong cảnh hùng vĩ rộng lớn của núi Vạn Thọ, thì phải nén chặt những cảm xúc bất định, chìm lắng trong một hồ nước trong vắt phẳng lặng. Chìm nổi trắc trở mới bộc lộ khí khái, trong sáng như gương mới có thể thấy tâm tính. Vứt bỏ bụi cuốn đầy trời, quên lãng lịch sử nặng nề, dấn thân trong nước hồ trong vắt, dùng sự phong tình để quét sạch sự hùng hồn, dùng sự nên thơ để tẩy trừ hoang lạnh. Hồ Côn Minh là hồ lớn nhất trong khu vườn cảnh hoàng gia, nước hồ đầy ứ để thanh tẩy linh hồn, khơi thông kinh mạch cho đế vương và các phi tần.

Liễu rủ bờ đê khiến bạn cảm thấy mình như đang đứng bên hồ Tây Tử, ánh nước loang loáng diễm lệ vẽ nên một giấc mộng đẹp Giang Nam, ở nơi phương Bắc mà có thể thưởng thức sự lãng mạn và dịu dàng của hồ núi, hỏi sao chẳng khiến người ta quyến luyến không rời? Sức mạnh trong cương có nhu, trong nhu có cương này còn hơn cả đao kiếm lạnh lẽo, không cần chém giết, mà đã có thể tiêu tan hồn cốt. Đế hậu năm nào chèo thuyền trên hồ Côn Minh, trên dòng nước uốn lượn, đi qua muôn trùng non nước, trải hết mọi nỗi khổ đau đến vui sướng, mượn nước hồ để nuôi dưỡng tâm sự, tẩy rửa nhân sinh. Nếu như có duyên, còn có thể nhìn thấy bóng dáng xinh đẹp của họ trên hồ Côn Minh trong xanh như ngọc bích, dù cho cách biệt thời đại, nhưng phong thái vẫn như xưa.

Từ trong giấc mộng tinh khiết, trong veo lên trên bờ, lại say đắm bởi Trường Lang[6] khúc khuỷu quanh co trước mắt. Trái tim của một người hóa ra lại là nơi mềm yếu nhất trên thế gian, một chiếc lá rụng, một giọt mưa thu đều ấp ủ những giả tưởng vô tận, nuôi dưỡng những cảm xúc ướt át. Kiến trúc cổ kính, đoan trang và thanh nhã này là một con đường cổ thông với văn minh lịch sử, bạn chỉ cần đi dọc hành lang là có thể thỏa thích xuyên qua phong cảnh nghìn năm, từ thời Minh, Thanh cho tới Đường, Tống, lại đến Ngụy, Tấn, thậm chí còn có thể đến những niên đại xa hơn nữa.

[6] Hành lang dài 728m nổi tiếng của Di Hòa Viên, trên phần vòm mái và cột kèo có nhiều hình vẽ tinh xảo.

Bởi vì trên nóc hành lang và cột trụ là những hình vẽ và hoa văn rực rỡ mỹ lệ, ngoài hoa điểu muông thú, non nước nhân vật ra, còn chất chứa vô vàn câu chuyện lịch sử, truyền thuyết thần thoại. Hành lang đầy tranh vẽ như một bộ sách lịch sử, bạn đắm mình vào những điền cổ, hoàn toàn quên mất mình đang ở triều đại nào, có thể bước chân ra ngoài được hay không? Nét vẽ phác họa tình tiết, màu sắc điểm tô tang thương, các họa sư cung đình đã rót vào đó biết bao tình cảm mới có thể đem lại sức sống hừng hực cho những bức tranh này. Chúng có thể sống lại trong bất cứ ảo giác nào, diễn lại những ngày tháng đa sắc màu của quá vãng. Những câu chuyện đã từng xảy ra chìm trong mực nước, rồi sinh sôi theo năm tháng, để người đời sau có thể thấu hiểu tinh thần, bản tính và phong cốt của người Trung Quốc.

Ký ức là một vầng trăng sáng treo lơ lửng trên tầng không, là nước hồ lặng chìm sâu dưới lòng hồ, nó sẽ ẩn mình, nhưng lại không bỏ trôn. Dạo chơi trong khu hồ cảnh phía sau Di Hòa Viên, dõi mắt trông xa con đường Tô Châu mô phỏng các thị trấn sông nước Giang Nam ở hai bên bờ, tưởng tượng ra sự ngưỡng mộ đối với sông nước Giang Nam, sự khát khao đời sống phố thị của đế vương năm xưa. Cái thú chơi nhàn dật giàu có hoa lệ này khiến người ta không khỏi tiếc nuối trong lòng.

Một hoàng đế nắm giữ thiên hạ, nhưng lại chưa từng được nếm trải đời sống an nhàn tự tại của bình dân bách tính, há chẳng phải sự giàu có của cuộc sống không thể lấp đầy những nghèo nàn của tâm hồn hay sao? Ngài đã tu sửa khí thế huy hoàng của vườn cảnh hoàng gia thành sự thanh nhã, tú mỹ của vườn cảnh Giang Nam, là vì muốn vứt bỏ vương quyền nặng nề, đổi lấy hạnh phúc bình dị. Nhưng vận mệnh có thể sáng tạo, chứ thực sự khó có thể sửa đổi, dùng sự giàu sang để đổi lấy sự giàu sang, thì chỉ là sự giàu sang thêm gấp bội; dùng sự trống rỗng để thay thế sự trống rỗng, lại càng là trống rỗng gấp bội. Một khi đã rơi vào vòng luân hồi của sinh mệnh, cho dù là bậc trí giả cũng thật khó mà tỉnh táo bước ra.

Trên con đường nhân sinh, có người thấu hiểu từ rất sớm, có người lại giác ngộ quá muộn, đến phút chót, tất cả đều sẽ quay về điểm cuối cùng. Người cảm tính sẽ nói, có bắt đầu rồi mới có kết thúc; người phóng khoáng sẽ nói, có kết cục rồi mới có bắt đầu. Cho dù bạn thuộc về kiểu người nào, đều có thể coi là đã hiểu rõ cuộc hành trình của mình, mỗi một con đường đều tràn ngập hy vọng, chỉ đợi bạn đến theo đuổi nó, để bạn đi xa hơn. Bạn mượn ngọn gió của núi Vạn Thọ để chuyển tải khí độ tiêu sái, mượn nước hồ Côn Minh để thấm đẫm nhu tình, mượn những hình vẽ của Trường Lang để tư tưởng thêm phong phú. Bước ra khỏi Di Hòa Viên, là một khởi đầu thực sự, hay chỉ là một kết thúc tạm thời?

Bạn hãy nhìn xem, thời gian vẫn còn đó, thứ trôi qua chỉ là những nhân vật xoay chuyển trong thời gian mà thôi.

Đi xuyên Trường Thành

Trường Thành là một con rồng khổng lồ ngủ say trên đại địa Hoa Hạ, là một đấng vương giả sừng sững trên núi xanh vạn cổ, là một dòng sông chảy ngang thời gian và không gian lịch sử. Nó kéo dài và vắt ngang thiên hạ từ xưa đến nay, rong ruổi trời mây vạn dặm, tạo thành bá chủ một thời, gánh đỡ cho vô số anh hùng nhiệt huyết. Con rồng khổng lồ khí thế nuốt non sông năm xưa nay chỉ còn là một cụ già lụ khụ chứa đựng ký ức dân tộc, trở nên sâu lắng mà trầm ngâm.

Một tòa Trường Thành đã mất đi sự sắc sảo của mình, tòa Trường Thành đã dập tắt chiến tranh, tòa Trường Thành đã ngừng gào thét, chúng ta còn có thể tìm kiếm ý chí chiến đấu dâng cao, thuốc súng phun trào, và cả nền văn minh giàu có trên những nếp nhăn tang thương của nó không?

Đương nhiên có thể. Bạn nhìn nó giống như một con rồng lớn vút bay, ở trên cao vòi vọi cúi nhìn chúng sinh, ngạo nghễ nhìn hoàng thành. Bạn thấy nó tựa con chim ưng sải cánh, dùng khí lượng tuyệt thế rẽ đôi tầng mây, hít nhả mây khói. Đây là Trường Thành mà con cháu của Viêm Hoàng[7] đã dùng máu nóng để dựng nên, đây là Trường Thành mà trai gái Trung Hoa dùng xương thịt đắp nên, nó có thể ngủ say, nhưng tuyệt đối không chết; nó có thể nín thinh, nhưng tuyệt đối không tê liệt.

[7] Người Trung Quốc coi mình là con cháu của Viêm đế và Hoàng đế.

Bạn là một người lữ hành tìm mộng hiện đại, từng bước lại gần nó, không cần ngựa quý gươm báu, không cần dây dài cung cong, chỉ đẩy bức tường thành kiên cố này ra là có thể đến được phong cảnh của bờ bên kia. Nó sẽ kể tường tận cho bạn nghe những chuyện ẩn giấu sau bức màn của năm tháng, vô số câu chuyện vương giả phong lưu, giáo vàng ngựa sắt, đuổi hươu giữa đồng; vô số câu chuyện chém lưng anh hùng, ngang dọc biên cương, máu biếc cát vàng; thậm chí còn ẩn chứa xiết bao câu chuyện nhi nữ tình trường, đoạn trường tâm can, xui người rơi lệ…

Chỉ có bước ra khỏi mảnh trời đáy giếng cỏn con nhỏ hẹp của đời người, mới có thể nhìn thấy phong cảnh tận cùng mênh mông. Trèo lên trên Trường Thành là để có được một phần hoài bão nhìn xa trông rộng; chân giẫm lên đại địa là để giữ gìn một phần vững chắc bình yên. Khi bạn đi trên những bậc thang lát bằng đá, sờ vào bức tường thành còn hơi ấm, xa trông thấy Phong Hỏa Đài[8] mịt mùng sương khói, suy tư như sóng biển dạt dào, cuồn cuộn không dứt.

[8] Thời xưa, người ta đốt lửa trên những đài cao để truyền những tin tức quan trọng, trên các công trình quân sự quan trọng, người ta xây ụ đài cao, mỗi khi có kẻ địch xâm lấn thì ban ngày bắn pháo hoa, ban đêm đốt lửa để báo động.

Tần Thủy Hoàng là người khai thiên lập địa, xây dựng Trường Thành trên lãnh thổ đại quốc mênh mông, dùng một bức tường thành để vạch ra giới hạn giữa hai vùng văn minh lễ nghi và man di, dùng bức tường thành dầy nặng để củng cố giấc mộng đế vương của ngài. Và truyền thuyết rung động lòng người về nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành được viết nên để nhấn mạnh rằng, muốn tạo ra một tòa Trường Thành kéo dài vạn dặm, tất yếu phải cần chịu tổn thất và hy sinh trong suốt quá trình, đúng sai công tội đã tự có lịch sử chứng giám. Xưa nay, kẻ muốn làm đại sự ắt không câu nệ tiểu tiết, khi đeo roi chịu tội, quất ngựa vung roi, mới có thể thu phục lãnh thổ rộng lớn hơn nữa. Tần Thủy Hoàng dựa vào tài trí và mưu lược hơn người, sự sắc bén và bạo ngược của mình để thống nhất đất nước, còn Trường Thành vạn cổ đã dựng nên một tấm bia bất hủ trên mảnh đất màu mỡ Đại Tần.

Một tòa Trường Thành vượt qua trùng trùng núi cao, từ đây vô vàn quân vương lỗi lạc ra đời, anh hùng các lộ đua nhau nổi dậy, tranh giành giang sơn. Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ[9], cho đến Thành Cát Tư Hãn bắn rơi chim điêu, có ai là không phải giành lấy giang sơn trên lưng ngựa? Sau này giang sơn của Đại Minh lại bị Đại Thanh cướp mất, Trường Thành khi đó đã không địch nổi gót ngựa của quân đội Bát Kỳ do Nô Nhĩ Cáp Xích thống lĩnh. Trường Thành sụp đổ, lại đúc nên biết bao nam nhi nhiệt huyết, những anh hùng đó tựa như vì sao buổi sớm nạm trên bầu trời lịch sử, như ký ức khắc trên vách Trường Thành.

[9] Tần Hoàng tức Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, Hán Vũ tức Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Đường Tông tức Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Tống Tổ tức Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn, được coi là các vị vua có công lao và sự nghiệp hiển hách trong lịch sử Trung Quốc.

Năm đó, hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh giết Viên Sùng Hoán, thậm chí bị người đời sau nói là tự hủy Trường Thành, sự thực có phải là như thế hay không? Sự thay triều đổi đại cũng giống như ngày đêm giao nhau, khi đó giang sơn của Sùng Trinh chuyển sang buổi đêm, đối mặt với sự sụp đổ trong nay mai, ai là thực sự đang chìm trong giấc ngủ say, cần gió mây của thời đại đánh thức nó. Sau khi ngưng kết vẫn còn tan rã, sau Niết Bàn lại càng cần tuổi trẻ nhiệt huyết hơn, chúng ta hãy dùng những suy nghĩ tỉnh thức, lý tính để nhìn nhận sự huy hoàng, không hề hối hận đời này, kiếp này của nó.

Vẫn nói “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” - chưa đến Trường Thành thì chưa phải là hảo hán, khi bạn đứng trên trường thành, nhìn núi non nhấp nhô, rồng lớn cuộn vòng, lẽ nào bạn thực sự trở thành anh hùng rồi sao? Thời thái bình thịnh trị này, thực sự khiến người ta trân trọng, giữa thời loạn thế, muốn lên Trường Thành, cần phải trải qua biết bao chém giết máu tanh, đao kiếm tàn sát, cũng chưa chắc đã có thể đứng vững nơi đây, nhìn một dải đại địa Thần Châu[10] hào hùng. Bây giờ, bạn không chỉ có thể sải bước leo cao trên Trường Thành, mà còn có thể cao đàm khoát luận về lịch sử, thậm chí có thể hét lớn với non sông bao la, bạn là anh hùng, bởi vì bạn đã lên tới Trường Thành, bạn đã giẫm lên thân của con rồng khổng lồ, cúi trông càn khôn sáng rỡ.

[10] Thần Châu: Một cách gọi khác của Trung Hoa.

Đúng thế, bạn đương nhiên cũng là anh hùng, làm anh hùng vị tất đã phải đổ máu hy sinh? Đây là một thời đại có thể cởi bỏ chiến bào, say đắm trong việc du ngoạn lãnh thổ của tổ quốc. Quay đầu nhìn lại quá khứ, năm đó, ba nước Tần, Triệu, Yên tu sửa Trường Thành ở phương Bắc là để chống lại sự xâm lược của Hung Nô, rợ Hồ. Còn Trường Thành ngày nay là địa điểm bảo tồn ký ức của dân tộc có từ lâu đời, là sợi dây nối liền văn minh tiến bộ, nó đo lường lịch sử bằng độ dài của rồng, sừng sững ở phương Đông bằng tinh thần của rồng. Cho nên, bạn có thể thoải mái hát vang, tiếng vọng của núi rừng là tiếng vỗ tay, tiếng sóng ì oạp của Hoàng Hà chính là tiếng hoan hô vang dội.

Một tòa Vạn Lý Trường Thành chính là một bộ sử văn hóa, bạn đến với hai bàn tay không, nhưng có thể nặng trĩu tay khi ra về. Thế nhưng Trường Thành lại là một bộ sách không có chữ, đặt trên chiếc bàn rộng lớn miền Đông Trung Quốc, để những người ngắm cảnh phải đọc nó bằng cả tâm hồn. Tường thành, khe ngắm bắn, Phong Hỏa Đài mà bạn chạm vào được chính là văn hóa, những kiến trúc vững chãi, bố cục tinh xảo đó và cả điêu khắc trang trí, tranh vẽ đều là nghệ thuật. Còn có thể phiêu lãng trong gió, ngâm thơ “Tần thời minh nguyệt Hán thời quan” (Trăng sáng thời Tần, quan ải thời Hán), bức tranh thủy mặc treo tít trên tầng mây, đều đang kể cho bạn sự tráng lệ và trang nghiêm của chốn quan ải hiểm yếu cổ xưa này, cùng với sự huy hoàng và hùng vĩ của đại địa Thần Châu này. Lịch sử là một tấm gương sáng, những câu chuyện có mơ hồ phức tạp hơn nữa cũng được soi sáng tỏ, cặn kẽ, và lịch sử đã soi tỏ hết thảy sự biến ảo khôn lường suốt dọc đường Trường Thành.

Nhân sinh là một sự thách thức, mà Vạn Lý Trường Thành sẽ khích lệ khí phách cương trực và khí khái anh hùng trong tim bạn. Con rồng khổng lồ này, vì ngủ say quá lâu nên năm tháng đã đẽo khắc quá nhiều dấu ấn trên cơ thể nó. Khi nhìn từ xa, bạn sẽ thấy nó nguy nga tráng lệ, ngang ngược cheo leo; khi lại gần, bạn sẽ thấy nó vảy bong tróc, tang thương chất chồng. Cho dù Trường Thành vắt qua rất nhiều tỉnh thành, nhưng Bắc Kinh trong tâm thức của người đời mới là thành phố gần với Trường Thành nhất. Đây là thành phố sinh ra các bậc đế vương, đời đời anh hùng nối tiếp, cô đặc những chuyện xưa tinh hoa nhất của lịch sử Trung Quốc.

Đến nay đoạn Trường Thành Bát Đạt Lĩnh còn được người đời sau không ngừng xây mới, tu sửa những dấu tích bị thời gian ăn mòn. Chỉ là sau khi tu bổ, còn có thể phục hồi lại dáng vẻ trước đây không? Trường Thành được xây dựng qua nhiều triều đại khác nhau, muốn khôi phục nguyên dạng, trừ phi thời gian quay ngược mà thôi. Trong lịch sử có những câu chuyện tương tự nhau, nhưng không cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào. Hoài cổ là một phẩm chất đẹp của cuộc đời, sáng tạo cái mới lại là sự phi thường của tinh thần. Trường Thành đã không hề chùn bước trong việc bảo vệ trai gái Hoa Hạ, đến nay, nó cũng xứng đáng được hưởng thụ sự tôn vinh tối cao của dân tộc Trung Hoa. Nó là tượng trưng cho vương giả, tượng trưng cho anh hùng, là niềm kiêu hãnh của dân tộc Trung Hoa, cũng là sự tự hào của người Trung Quốc.

Trường Thành như một dòng sông ngưng đọng, sự im lìm của nó không phải là lạc hậu, không phải là bảo thủ, càng không phải là khép kín, mà là một sự kiên nhẫn sâu xa, lặng lẽ bảo vệ nền văn minh cổ xưa. Nên biết rằng vô thanh thắng hữu thanh, chỗ không lưu danh thì sẽ tự lưu danh. Nên biết rằng, chốn im lìm còn rung động hơn cả chốn huyên náo, nơi không vô danh sẽ tự nổi danh. Mà kênh đào Đại Vận Hà Kinh Hàng[11] từ nơi xa xôi nhìn nó, ngươc lại lại bị thời gian lạnh nhạt, đã không còn thấy cảnh tượng phồn hoa trăm thuyền nghìn tàu thuở nào. Cùng là quân vương, khí thế khi Tần Thủy Hoàng ra sức quét sạch thế lực sáu nước vượt xa tội ác hoang dâm vô độ của Tùy Dạng Đế, thế nhưng, công trình to lớn Đại Vận Hà do Tùy Dạng Đế khai thác lại không hề thua kém Tần Thủy Hoàng về độ dài của thời gian tu sửa. Cho dù động cơ khác nhau, nhưng sự phồn vinh đỉnh thịnh mà hai công trình đem lại cho hậu thế là như nhau.

[11] Đại Vận Hà Kinh Hàng: Con sông nhân tạo nối liền Hàng Châu với Bắc Kinh.

Đôi khi, giữa sai và đúng, thịnh và suy là một giới hạn mơ hồ. Thiên hạ mênh mông như một ván cờ, hễ sảy chân là thua thảm hại. Có bao nhiêu tan vỡ trong toàn vẹn, thì sẽ có bấy nhiêu mạnh mẽ trong yếu mềm. Khi Tùy Dạng Đế mơ đến sự thanh tú của bờ nước Giang Nam, hoa mai dưới trăng lạnh, thì Tần Thủy Hoàng lại hoài niệm đến hào tình chốn đại mạc biên cương, vạn dặm trời mây. Cho dù thắng làm vua, thua làm giặc, tất cả rồi cũng đều tan tác thành khói bụi mịt mù, vạch những dấu chấm nông sâu không đều trên bầu trời lịch sử.

Trên bức tường không chữ này bạn có thể sờ thấy những gì? Xuyên qua cái lạnh lẽo của đá tảng để chạm vào sự ấm áp của đế vương? Xuyên qua đường vân của gạch cổ để tái diễn lại lịch sử đã qua? Đại khái có rất nhiều thanh âm đang căn vặn, liệu Trường Thành vĩ đại hùng hồn này cũng có một ngày không thoát khỏi lời nguyền của số phận, oanh liệt đổ ập xuống trong gió mây lịch sử không? Chúng ta hãy bình thản, lý trí đối diện với chìm nổi thăng trầm, thuận theo lẽ tự nhiên. Phải tin rằng, trên thế gian này còn rất nhiều linh hồn bất tử, ví như những anh hùng bị khóa chặt trong tháng năm đó, ví như con rồng khổng lồ uốn khúc trên đỉnh núi xanh này.

Há chẳng biết, sau khi nếm mật nằm gai, lại có thể chỉ kiếm hỏi giang sơn, hâm rượu luận anh hùng hay sao?

Bạn đang đọc Năm Tháng Tĩnh Lặng Kiếp Này Bình Yên của Bạch Lạc Mai
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 10

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.