Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chìa này mở khóa kia

Phiên bản Dịch · 2339 chữ

Năm 805 sau Công nguyên, Đường Hiến Tông Lý Thuần lên ngôi, vì ông dùng những quyết sách đúng đắn của những người như Lý Giáng, thêm vào đó "hai luật thuế" của nhà Đường cũng làm tăng thêm nguồn thu cho ngân khố, cấm quân trung ương từng bước mạnh dần lên, do đó trong cuộc đấu tranh bình định phiên trấn cát cứ cũng giành được không ít thắng lợi, xoay chuyển được cục diện vốn rất bị động trước đây.

Thời kỳ đầu mới lên ngôi, có rất nhiều phiên trấn kháng mệnh. Tây Xuyên Tiết độ sứ Vi Cao bị bệnh chết, Lưu Tịch tự lập mình làm người thay thế, đuổi Tiết độ sứ mới mà nhà Đường bổ nhiệm, cuối cùng cũng buộc được Đường Hiến Tông phải công nhận ông ta là Tiết độ sứ Tây Xuyên. Năm 806 sau Công nguyên, Lưu Tịch được đằng chân lân đằng đầu không để ý đến ý kiến của nhà Đường, phát binh tấn công chiếm địa bàn Đông Xuyên. Các công khanh cho rằng cách làm trước đây vào thời Đường Đức Tông là phái Trung sứ đi tìm hiểu tình hình, nếu thấy ông ta thực sự có tài năng, có thể trọng dụng được (các Trung sứ thường nhận hối lộ, nói toàn điều hay) thì dùng. Nếu không làm theo lệ cũ đó mà phái quân đi trấn áp Tây Xuyên, giữa đường phải đi qua Thục đạo rất nguy hiểm, gian nan thì khó mà giành được thắng lợi.

Tể tướng Đỗ Hoàng Thường vẫn kiên quyết chủ trương dùng binh cho rằng: "Nếu bệ hạ muốn chấn chỉnh kỷ cương, thiết lập quyền uy thì phải dùng pháp luật để xử lý Lưu Tịch, Lưu Tịch cũng chỉ là một kẻ thư sinh ngu dại, trừ hắn dễ như nhổ cỏ vậy".

Vốn là Đường Hiến Tông cũng không thể nhịn được Lưu Tịch nữa nên đồng ý ngay với cách nghĩ của Đỗ Hoàng Thường, lệnh cho Cao Sủng Văn dẫn quân đi diệt Lưu Tịch. Sự việc quả nhiên rất thuận lợi Lưu Tịch bị giải ngay đến kinh đô để chịu phạt, từ đó Tây Xuyên yên ổn.

Sau khi Đường Hiến Tông bình định được Tây Xuyên, ngay lập tức dùng vũ lực nhanh chóng tấn công tiêu diệt trấn Hạ Tuy (thuộc huyện Tịnh Biên, Thiểm Tây ngày nay), bắt được Trấn Hải (Trấn Giang ngày nay) Tiết độ sứ Lý Kỳ vốn không nghe lệnh triều đình. Vì thế mà uy tín của nhà Đường ngày càng được tăng lên. Thế nhưng việc đó tuy làm tăng thêm lòng tin vào việc Đường Hiến Tông dẹp yên được phiên trấn nhưng lại làm ông phát sinh tư tưởng khinh địch.

Tháng 3 năm 809 sau Công nguyên, Thành Đức Tiết độ sứ Vương Sĩ Chân chết, con trai ông ta là phó đại sứ Vương Thừa Tông tự cho mình là người thế chức. Đường Hiến Tông đã thừa thế tiêu diệt được 3 trấn muốn có thêm những thành tích mới, trừ bỏ tập quán cha truyền con nối hàng chục năm của các cường trấn ở Hà Bắc, dẹp yên Thành Đức nhưng Lý Giáng kiên quyết không đồng ý.

Lý Giáng phân tích với Đường Hiến Tông rằng, phương châm dùng vũ lực nhanh chóng bình định Tây Xuyên, Trấn Hải và Hạ Tuy của bệ hạ là đúng đắn. Vì Lưu Tịch là một thư sinh ngu dại, binh lực của Hạ Tuy yếu, lòng dân không theo Lý Kỳ. Hơn nữa xung quanh 3 trấn đó đều là những tiết trấn và châu quận chịu sự khống chế của triều đình, tình thế cô lập nên dùng vũ lực để giải quyết thì ngay lập tức có thể làm tan rã. Nhưng tình hình ở Hà Bắc thì lại không như vậy. Nội bộ quân Thành Đức rất đoàn kết và đã thành truyền thống, phía ngoài thì có quan hệ mật thiết với các trấn ở xung quanh. Để con cháu họ có thể thế chức Tiết độ sứ của ông cha thì họ đương nhiên sẽ đồng tâm hiệp lực với nhau để chống lại triều đình. Nếu cũng dùng vũ lực đối với Thành Đức như 3 trấn kia thì vừa tổn binh hao của lại khiến cho các nước lân cận thừa cơ tấn công, vậy là nền thái bình vừa mới khởi sắc đã tan biến trong một sớm một chiều.

Đường Hiến Tông cảm thấy những điều Lý Giáng phân tích cũng có lý nhưng lại nghĩ đến việc cha truyền con nối ở Thành Đức không thể giải quyết nhanh chóng như 3 trấn trước thì vẫn cảm thấy không thoải mái. Mà chính sách thay đổi nhiều, trước thì cứng rắn sau lại mềm yếu thì có vẻ mất phong thái của một hoàng đế.

Lúc đó Hoài Tây Tiết độ sứ Ngô Thiếu Thành cũng mắc bệnh nặng nhưng chưa chết. Lý Giáng lại phản đối thái độ với Thành Đức một lần nữa, ông nói với Đường Hiến Tông: Ngô Thiếu Thành một khi đã bệnh thì không thể dậy được. Mà xung quanh trấn Hoài Tây đều là châu huyện của nước ta, các trấn gần đó chẳng có trấn nào có thể trợ giúp được, triều đình nên nhanh chóng chỉnh đốn quân đội xuất kích, không thể bỏ lỡ cơ hội. Nhưng cần phải chú ý một điều là không bao giờ được dùng binh đối với Thành Đức lúc này, vì nếu không thì không thể công hạ được Thành Đức mà còn ảnh hưởng đến việc giành thắng lợi ở Hoài Tây, hai phía đều xảy ra chiến trận tất sẽ gặp khó khăn.

Không ngờ Đường Hiến Tông lại cho rằng đã đánh được Hoài Tây, có thể giành được thắng lợi ở 3 trấn như Tây Xuyên... thì sao lại không đánh Thành Đức! Vì thế đã nghe theo sự xúi giục của hoạn quan mà không nghe lời khuyên của Lý Giáng, Bạch Cư Dị,... hạ lệnh dùng binh với Thành Đức năm 809. Kết quả là sau mười tháng, huy động gần 20 vạn binh, tiêu tốn hơn 700 vạn xâu tiền, hao binh tổn tướng, dân chúng cũng bị liên luỵ chẳng đạt được cái gì mà còn lỡ mất cơ hội kịp thời dùng binh đối với Hoài Tây.

Lúc đó, Ngụy Bác Tiết độ sứ Điền Quý An chết, phu nhân của ông ta Nguyên Thị đã lập con trai là Điền Hoài Gián làm phó Tiết độ sứ, Nha Nội binh mã sứ Điền Hoằng Chính làm Đô Tri binh mã sứ. Đường Hiến Tông và một số công khanh cho rằng Điền Thị không công nhận triều đình, tự tiện phong cho con cháu của mình nên cần phải trấn áp. Lý Giáng vội đưa ra sách lược của mình đối với Điền Hoài Gián: "Ngụy Bác cũng là một trấn mạnh của Hà Bắc, lực lượng của nó vẫn mạnh như ở Thành Đức. Nhưng ta hoàn toàn có thể trừ bỏ được Điền Hoài Gián. Có điều đối với việc trừ bỏ Điền Hoài Gián không bao giờ được dùng binh. Điền Hoài Gián chỉ là một thằng nhãi vắt mũi chưa sạch, chuyện chính trị, quân sự cũng chưa thể tự mình giải quyết nên rất dễ bị người khác cướp mất. Các tướng không phục thì tất sẽ sinh ra oán hận, phu nhân của Điền Quý An nếu không bị giết thì cũng bị bắt giam. Thế nên người lãnh đạo mới không phải là họ hàng Điền gia thì chỉ có thể tìm một chỗ dựa vững chắc. Mà chỗ dựa vững chắc lớn nhất, cứng rắn nhất chỉ có thể là triều đình. Do đó, đối với Ngụy Bác, phải bình định nhưng không cần và cũng không thể dùng binh mà bọn họ cũng sẽ tự động quy phục triều đình.

Đường Hiến Tông tuy không hoàn toàn nghe theo nhưng cũng "tạm thời chờ đợi". Sự việc quả đúng như Lý Giáng dự liệu, những người nhà Điền Thì cướp đoạt quyền hành chính trị, quân đội, tự tiện nắm quyền sinh sát nên đã làm cho các tướng sĩ nổi giận. Mọi người lại ủng hộ cho Điền Hưng (tức Điền Hoằng Chính). Điền Hưng liền yêu cầu phải tuân theo pháp lệnh của triều đình trình báo mọi chuyện, giết chết bọn Tướng Sĩ Tắc, giải Điền Hoài Gián đến trước phủ, thỉnh cầu triều đình bổ nhiệm quan sứ Ngụy Bác.

Đường Hiến Tông thấy việc quả không nằm ngoài dự đoán của Lý Giáng, không dùng binh mà vẫn dẹp yên được. Một mặt trọng thưởng cho Lý Giáng, mặt khác sai trung sứ đến Ngụy Bác an ủi, quan sát động tĩnh. Lý Giáng lại vội khuyên Hiến Tông. "Bọn Điền Hưng có sẵn đất đai, quân lính lại ngồi đợi chiếu mệnh, hà tất không nên đợi trung sứ đem theo tướng sĩ biểu dương trở về rồi mới trao chức quan cho họ? Kế này cho đến nay không nên dùng như cũ nữa mà chủ động trao chức quan, nhanh chóng bổ nhiệm Điền Hưng làm Ngụy Bác Tiết độ sứ như vậy thì Ngụy Bác đã hoàn toàn trở thành một trấn mạnh lại biết nghe theo triều đình". Đường Hiến Tông cuối cùng cũng nghe theo kế của Lý Giáng khiến Điền Hưng rất cảm kích, các tướng sĩ cũng ủng hộ nhiệt liệt. Không lâu sau, Điền Hưng chủ động xin đánh, tấn công trấn Hoài Tây đã dám chống lại triều đình, góp sức vào việc bình định Hoài Tây cho nhà Đường.

Nhà lý luận chiến lược nổi tiếng của Mỹ, ông Anderli đã từng nói: "Chiến lược không phải là một nguyên tắc đơn nhất, bất biến. Chiến lược là một phương pháp tư duy,... mỗi một tình huống đều thích ứng với một chiến lược đặc thù của nó". Trong cuốn Tôn Tử binh pháp hư thực cũng nói: "Phu binh giống như nước... Nước vì có đất mới chảy, lính vì có địch mới giành thắng lợi. Quân địch không như thế thường, nước không chảy như cũ, người có thể dành thắng lợi ngay cả khi địch biến hóa thì có thể gọi là thần". Cũng có nghĩa là phương án chế định phải tùy cơ ứng biến, căn cứ vào đặc điểm hoàn cảnh, tình hình của địch để linh hoạt ứng phó, không được cứng nhắc mà phải định ra biện pháp thích hợp cho từng nơi, không hạn chế trong một kiểu. Đây cũng chính là cái kế thần "chìa này mở khoá khác" mà chúng ta đã nói. Đường Hiến Tông không phân tích cụ thể tình hình của quân Thành Đức, làm theo cách dùng vũ lực như khi bình định ba trấn kia nên đã mất công không mà lại còn làm ảnh hưởng đến chiến dịch Hoài Tây. Lý Giáng biết căn cứ vào tình hình cụ thể từng trấn, đưa ra những biện pháp ứng phó có tính chính xác, tuy đi ngược với thông lệ, quy tắc nhưng lại như dự đoán làm chơi ăn thật.

Trong kinh doanh cũng nên "chìa này mở khóa khác" căn cứ vào tình huống khác nhau về hoàn cảnh, đối tượng mà dùng những cách tuyên truyền khác nhau, hoặc nghĩ ra cách đóng gói, chất lượng sản phẩm, giá cả khác nhau... để luôn giữ được vị trí nổi bật trong hoàn cảnh không ngừng biến đổi và những đối tượng, đối thủ khác nhau.

Nhà nghiên cứu về màu sắc của Mỹ Louis Ahn, có một lần được mời đến để thiết kế hai loại bao bì cho một công ty bánh kẹo. Một loại kẹo chuẩn bị bán cho tầng lớp bình dân, giá là 1,95 đô la; loại kia là bán cho tầng lớp trên với giá 3,5 đô la.

Tuy ông ta rất nổi tiếng nhưng mọi người đều cho rằng cách thiết kế của ông ta rất "hoang đường, ly kỳ". Vì ông định thêm một chút màu đỏ tươi vào chiếc hộp kim loại, phía ngoài buộc một sợi dây màu xanh da trời, giá thành bao bì lên đến 50 xu (cho loại kẹo giá rẻ), trong khi đó thì với loại kẹo giá những 3,5 đô la thì lại chỉ có một hộp giấy màu phấn hồng phía ngoài buộc một sợi dây màu hồng giá chỉ có 9 xu.

Có điều lạ là loại kẹo giá rẻ bán rất chạy trong tầng lớp bình dân và loại giá cao cũng rất được ưa chuộng trong giới thượng lưu. Và giới thượng lưu chẳng chú ý gì đến loại kẹo rẻ tiền, còn tầng lớp bình dân cũng chỉ thích loại kẹo có hộp kim loại.

Mọi người hỏi ông nguyên do thiết kế như vậy và hiệu quả tốt đẹp của nó. Ông nói. "Những người ăn kẹo loại đắt tiền không chú trọng bao bì vì sớm muộn gì họ cũng vứt vỏ hộp đó vào thùng rác; còn những người mua kẹo rẻ tiền thì lại rất coi trọng bao bì và thường mua làm quà tặng, họ hy vọng những cô gái đã nhận quà sẽ trân trọng món quà hơn, nếu hộp đẹp chắc còn có thể giữ lại làm hộp đựng đồ trang sức. Ngoài ra, giới thượng lưu thích biểu lộ cảm tình luôn thích những màu sắc dịu dàng, nhẹ nhàng còn những người nghèo ít có sự giáo dục thì lại rất thích những màu sắc sặc sỡ. Bao bì của hai loại kẹo đó không căn cứ vào giá cả cao thấp để thiết kế mà hoàn toàn dựa vào hai phong cách, nhu cầu, thị hiếu khác nhau để thiết kế.

Bạn đang đọc Mưu Trí Thời Tần Hán của Đường Nhạn Sinh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 18

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.