Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 07

Phiên bản Dịch · 3297 chữ

Chương 7.

Hôm đó, Quý ròm quả có ghé vô nhà ông Sáu Cảnh thật.

Nó ghé vô chẳng có mục đích gì. Quý ròm chỉ đi chơi loăng quăng thế thôi. Năm ngoái, nó giúp ông trừ tà ma ngay tại căn nhà này. Và nó khám phá ra kẻ ném đá lên nhà ông hằng đêm là hai thằng nhóc ở quán nước bên cạnh. Chẳng có ma quỷ nào cả.

Ông Sáu Cảnh tất nhiên không biết sự thật này. Quý ròm đã không nói, vì lúc đó có hai con nhỏ hái điều thuê đêm đêm vẫn tá túc trong căn nhà trống của ông. Ngoài vườn điều vẫn có các căn lều cho bọn trẻ làm thuê ngủ lại. Nhưng ngoài đó gió *g lộng. Con em lại đang ốm nên con chị phải đưa nó vào ngủ trong nhà ông Sau Cảnh để tránh gió. Quý ròm sợ nói huỵch toẹt mọi chuyện, ông Sáu Cảnh sẽ điên lên đuổi hai chị em con nhỏ kia ra khỏi nhà.

Lần đó, sau khi Quý ròm dẹp yên bọn “quỷ một giò”, ông Sáu Cảnh đã xách cặp gà và quảy nguyên buồng chuối chín đến tận nhà chú Năm Chiểu để tạ ơn Quý ròm – “thầy pháp cao tay ấn nhất nước, từng tốt nghiệp hạng ưu trên núi Tà Lơn”. Ông nói mà mắt rưng rưng: “Nếu ngài không trừ được “bọn họ”, không biết chừng nào tôi mới bán được căn nhà này”.

Chuyện đó xảy ra vào mùa hè năm ngoái, Quý ròm đinh ninh căn nhà đã đổi chủ. Cho nên lúc đun đầu xe vô sân nhà ông Sáu Cảnh, Quý ròm không nghĩ nó sẽ **ng đầu “thân chủ” của nó trong đó.

Ông Sáu Cảnh nhận ra ngay “ngài pháp sư”. Ông liền chạy ra hiên, rối rít:

- Ô, “ngài” mới về chơi! Mời “ngài” quá bộ vô trong này!

Nghe tiếng máy nổ ầm ầm, trong nhà lại lố nhố người. Quý ròm phát hoảng. Nó kéo tay “thân chủ” tới góc sân, bỏ nhỏ:

- Bác Sáu! Bác đừng kêu cháu là “ngài” này, “ngài” nọ nữa. Cách xưng hô như thế chỉ dành cho lúc… lúc… “hữu sự” thôi. Gọi lung tung nó… mất thiêng. Lúc bình thường, cứ “bác bác, cháu cháu” là được rồi.

Quý ròm nói như năn nỉ. Nhưng với ông Sáu Cảnh, đó là “mệnh lệnh” của “ngài”. Ông hoảng hốt đổi giọng ngay:

- Ủa, vậy hả cháu! Hóa ra nghề này cũng phép tắc ghê mà bác không biết.

Bữa đó, nghe ông Sáu Cảnh nói, Quý ròm mới biết căn nhà này ông không rao bán nữa mà cho người ta thuê đặt máy xay xát.

- Cháu đi đâu đây? – Ông Sáu Cảnh hỏi.

- Dạ, cháu đi chơi. Còn bác?

- Bữa nay bác đi thu tiền nhà.

Quý ròm hỏi cho có hỏi. Rồi nó quên ngay ông Sáu Cảnh. Nó thô lố mắt chăm chú nhìn chiếc máy Honda đặt chính giữa nhà. Chung quanh là các bà các cô quang gánh giăng đầy, chờ tới lượt. Quan sát một hồi, Quý ròm thấy điều khiển chiếc mày này chẳng có gì khó. Giật cho máy nổ. Rồi đổ thóc vào chiếc phễu bự chẳng phía trên. Gao ra một đầu, trấu ra một đầu. Muốn gạo thành tấm hay trấu thành cám, đã có dãy nút điều chỉnh tự động.

Tự nhiên Quý ròm thấy tay chân ngứa ngáy quá sức. Từ bé nó đã mê máy móc. Nó mê trò loay hoay tháo ra, lắp vào. Nó đã chế tạo nhiều thứ máy móc con con. Nhưng chưa bao giờ nó vận hành chiếc máy to đùng như chiếc máy xay xát này.

- Bác Sáu này.

- Gì hả cháu?

- Người đang điều khiển máy là ai vậy?

- Ông chủ máy đó, cháu.

Quý ròm liếm môi, hồi hộp quá nên giọng đột nhiên khào khào:

- Bác nói ổng cho cháu… đứng máy một lát được không?

- Để bác nói ổng. – Ông Sáu Cảnh sốt sắng – Dễ thôi mà.

Có lẽ ông chủ máy đã được ông chủ nhà cho biết Quý ròm là “nhân vật” nào nên nhiệt tình không để đâu cho hết. Ông lập tức tắt máy rồi bắt đầu diễn lại từng thao tác, vừa thực hành vừa giảng giải tỉ mỉ.

Quý ròm đứng nghe, gật đầu lia lịa:

Và năm phút sau nó đã trở thành người đứng máy trẻ tuổi.

Ông chủ máy đứng coi quý ròm điều khiển máy xay xát một hồi, nức nở khen:

- Cháu làm thuần thục lắm. Chỉ có lực tay hơi yếu nên khi khởi động cháu phải cẩn thận, kẻo dây Cu-roa bật ngược trở lại trúng mặt thì đau lắm.

Ông chủ máy khe, Quý ròm sướng một. Nhưng khi ông nói tiếp, Quý ròm sướng mười:

- Nếu cháu thích, mỗi ngày cháu ghé đây đứng máy giùm chú. Làm có tiền công đàng hoàng.

Quý ròm nở từng khúc ruột. Người lâng lâng, nó không kịp nghĩ xem ông chủ máy đề nghị như vậy là muốn làm vui lòng ông chủ nhà hay vì tay nghề của nó thuần thục thật. Xưa nay, Quý ròm chưa làm gì ra tiền, trừ lần nó tổ chức ảo thuật có bán vé để kiếm tiền giúp Tiểu Long mua gấu bông cho em. Nhà Quý ròm không khá giả gì, nhưng cũng không đến nỗi khó khăn, cần gì nó có thể xin tiền ba mẹ. Ba mẹ Quý ròm cũng chẳng muốn nó đi làm kiếm tiền. Ba mẹ nó chỉ muốn nó tập trung vào chuyện học hành. “Con vẫn thấy những học sinh đi làm thêm vào dịp hè”, Quý ròm so bì. “Con ơi, đó là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chứ chẳng có bậc làm cha làm mẹ nào muốn con cái đi làm trong cái tuổi còn đi học cả”, mẹ nó nói “Nhiệm vụ của người lớn là kiếm tiền, nhiệm vụ của trẻ con là học tập. Con muốn đi làm kiếm tiền thì đợi chừngnào con lớn lên đã”.

Bây giờ Quý ròm vẫn nhớ những lời mẹ nó nói. Nhưng nó vẫn khoái làm gì đó ra tiền. Quý ròm muốn làm ra tiền không phải vì nó thực sự cần tiền, mà vì nó tin rằng đó là dấu hiệu của tính tự lập. Nó muốn trưởng thành. Nó không muốn nó là trẻ con hoài hoài. Vì vậy mà nghe ông chủ máy đề nghị, nó phải kềm chế lắm mới không nhảy cẫng lên.

Quý ròm nôn nao quá. Nó định xay một vài thúng thóc nữa thôi, rồi chạy vù về nhà. Nó phải khoe ngay chuyện này với Tiểu Long. Nó mỉm cười khi hình dung ra bộ dạng hào hứng của thằng mập. Thế nào Tiểu Long cũng reo ầm: “Tuyệt quá mày! Mày cho tao đi theo với nhé!”. Dĩ nhiên rồi. Nó đã định bụng sáng mai nó sẽ kéo thằng mập đi làm. Thằng mập sẽ phụ trách khởi động máy và giúp khách hàng bưng thóc đổ vô phễu. Còn nó là “nhà kỹ thuật”, nó sẽ phụ trách phần việc quan trọng là điều khiển các nút tự động.

Quý ròm sướng quá. Nó trở thành chú bé mơ mộng hồi nào không hay. Nó thấy mồn một cảnh nhỏ Hạnh tròn mắt thán phục khi nó và Tiểu Long xòe cả xấp tiền ra trước mắt nhỏ bạn, vênh váo khoe: “Tụi này đi làm thêm trong dịp hè đấy!”.

- Ê, gạo văng ra ngoài kìa, chú bé!

Một tiếng kêu lớn cắt ngang giấc mơ tuyệt đẹp của Quý ròm.

Nó ngoảnh lại, thấy gạo đang bắn ra từ một chỗ nào đó dọc lườn máy.

Quý ròm nhìn quanh, tính cầu cứu ông chủ máy, nhưng ông đã bỏ đi đâu mất. Cả ông Sáu Cảnh cũng không còn đứng ở chỗ cũ.

Quý ròm lo lắng nhướn cổ dòm, thấy chỗ lườn máy có một chiếc nắp cao su tròn, nhỏ bằng lỗ đáo. Chiếc nắp hiện nay đang bung ra một nửa, gạo từ chỗ đó văng ra tung tóe.

Quý ròm tính chạy lại, nhưng nó lại đang bận hứng gạo tuôn ra từ ống xả.

- Ê, nhóc kia! – Thấy một con nhỏ đang quanh quẩn gần đó, Quý ròm quát giật – Sao mày trơ mắt ra dòm mà không giúp tao một tay hả?

Con bé trạc mười ba, mười bốn tuổi, mặt mày nâu bóng, tóc cháy nắng, đuôi tóc vàng khè và xác xơ như mớ rơm khô. Nghe Quý ròm hò hét ghê quá, nó giật mình ngước lên, bối rối:

- Em có biết làm sao đâu!

Quý ròm nóng tiết:

- Sao mày ngốc thế! Bịt chiếc nắp cao su lại!

- Làm sao bịt?

- Trời ơi là trời! Lấy ngón tay bịt lại chứ làm sao! Bộ mày không có ngón tay hả?

Con nhỏ “à” lên một tiếng mà hấp tấp làm theo lời Quý ròm. Nó lấy ngón tay trỏ đè lên chiếc nắp cao su, nhưng hơi gió bên trong thốc ra quá mạnh, chiếc nắp rung bần bật nhưng vẫn không sao đóng kín lại được.

Thấy gạo vẫn tiếp tục bắn ra, Quý ròm tức muốn xịt khói lỗ tai:

- Sao mày không lấy ngón tay cái bịt lại. Ngón trỏ yếu xìu mà bịt cái cóc khô gì!

Con nhỏ tuân lời Quý ròm răm rắp. Quả nhiên, từ khi nó đè ngón tay cái lên, chiếc nắp cao su bị ép xuống và gạo không còn bắn ra nữa.

Quý ròm khoái chí:

- Thấy chưa! Tao nói có bao giờ sai đâu!

- Ờ, anh tài ghê.

Con nhỏ tấm tắc. Nhưng mải lo khen Quý ròm, ngón tay của nó không còn giữ chặt như cũ. Chiếc nắp cao su lại bật lên và gạo lại bắn ra vèo vèo.

- Thật tao chưa thấy đứa nào hậu đậu như mày! – Quý ròm lừ mắt, nạt.

Con nhỏ sợ quá, lại ấn mạnh ngón tay.

- Ấn mạnh nữa! – Quý ròm thét chằm chặp – Nữa! Nữa! Mạnh hết sức vào!

Con nhỏ ấn mạnh hết sức.

Nó nghiến răng nghiến lợi ấn lấy ấn để, mặt đỏ phừng phừng.

“Bục” một tiếng, chiếc nắp cao su bị ngón tay con nhỏ đẩy lọt vô bên trong. Cả ngón tay nó cũng lọt theo luôn.

Ngay lúc đó, con nhỏ chẳng có cảm giác gì khác lạ. Nó chỉ nghe một tiếng “sực”, không đau đớn.

Nó rút tay ra, bối rối chùi lên vạt áo, và nhìn Quý ròm bẽn lẽn nói như xin lỗi:

-Em lỡ ấn mạnh quá…

Nhưng Quý ròm không trả lời. Nó giương mắt nhìn con nhỏ, quai hàm đờ ra, mặt xám ngoét. Cứ như thể nó vừa tròng vô mặt một chiếc mặt nạ màu đất.

Tưởng Quý ròm chưa hết giận, con nhỏ sợ run:

-Anh… anh…

Con nhỏ lắp bắp. Quý ròm cũng lắp bắp:

- Máu… máu…

Con nhỏ ngơ ngác:

- Gì hả anh?

Quý ròm rên lên, nó kinh hoảng đến mức không biết làm gì:

- Mày… mày… nhìn… nhìn… chiếc áo mày kìa!

Cùng lúc đó cả chục cái miệng bật la thất thanh:

- Ối, máu! Máu ở đâu nhiều thế!

- Ối chao! Coi ngón tay con bé kìa!

Và cả chục bóng người ùa chạy lại phía con nhỏ.

Bấy giờ con nhỏ mới nhìn thấy chiếc áo của nó đỏ lòm những máu. Nó vừa mới quẹt tay lên áo. Ngón tay cái của nó bị cánh quạt trong đường ống cắt đứt gần phần nửa, như muốn rời ra, từ chỗ đó máu không ngừng tuôn ra.

- Ối… ối…

Con nhỏ khiếp quá, ú ớ được hai tiếng rồi òa ra khóc. Đến bây giờ nó mới thấy đau.

- Đưa nó đi bệnh viện ngay!

Một người nào đó quát lên. Nghe giọng quen quen, Quý ròm ngoảnh lại thấy ông chủ máy vừa về tới. Nó mừng quýnh:

-Chú coi máy giùm cháu nha. Để cháu đưa cô bé đến bệnh viện.

Một người phụ nữ cùng Quý ròm đưa con nhỏ đến bệnh viện cạnh nhà bưu điện.

- Cháu ở đây nhé. Cô phải về nhà máy coi mấy thúng thóc. – Người phụ nữ nói, khi ông bác sĩ ra tới.

&& o0o ==

Khi người phụ nữ bỏ đi, Quý ròm ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường bệnh, lo lắng nhìn ông bác sĩ đang săm soi ngón tay con nhỏ. Lòng nó lúc này đang tràn ngập hối hận. Nếu nó không bắt con nhỏ bịt chiếc nắp cao su, không gục con nhỏ ấn mạnh ngón tay lên chiếc nắp, ngón tay con nhỏ đã không sắp đứt lìa.

- Đau không, cháu? – Ông bác sĩ hỏi.

- Dạ đau.

- Cháu ráng chịu đựng một chút nhé. – Ông bác sĩ cầm lên cây kẹp kim loại, dịu giọng trấn an – Chú sẽ gắp mấy mẩu xương vỡ ra. Chỉ đau một tẹo thôi.

Quý ròm muốn gai cả người khi nghe âm thanh lanh canh của những mẩu xương vụn rơi xuống chiếc khay nhôm đặt ngay đầu giường.

- Cháu tên gì? – Ông bác sĩ hỏi, cố tình làm cho con nhỏ lãng đi cảm giác nơi đầu ngón tay.

- Cháu tên Gái.

- Nhà cháu ở đâu?

- Dạ, ớ phía ngoài cầu Sắt.

- Cháu học lớp mấy rồi?

- Dạ, cháu học lớp tám. Hết hè này cháu lên lớp chín.

Ông bác sĩ tiếp tục hỏi. Và nhỏ Gái tiếp tục trả lời. Trên nền những tiếng động lanh canh mỗi lúc một thưa thớt.

Bỗng nhiên, ông bác sĩ nói:

- Chú đã gắp hết xương vụn ra rồi. Nhưng nếu muốn mau lành, cháu phải cưa ngón tay này.

- Không, không! – Nhỏ Gái giãy đùng đùng, suýt chút nữa nó đã ngồi bật dậy – Cháu không chịu đâu.

- Thôi, không cưa cũng được. – Ông bác sĩ thở dài – Nhưng nếu để như thế vết thương sẽ lâu lành lắm.

- Chừng nào lành cũng được. – Nhỏ Gái rối rít – Cưa ngón tay đi thì xấu lắm! Cháu không muốn cưa ngón tay chút nào!

Hôm đó, Quý ròm đưa nhỏ Gái về nhà.

Hai đứa đi bộ lếch thếch dọc đường quốc lộ.

Thấy nhỏ Gái cứ chốc chốc lại đưa ngón tay quấn cục băng to sụ lên mắt nghiêng ngó, Quý ròm bứt rứt quá xá.

- Cho tao xin lỗi mày nha, Gái. – Nó lí nhí buột miệng.

- Anh có lỗi gì đâu!

- Lỗi tại tao mà. Tại tao kêu mày ấn mạnh ngón tay lên chiếc nắp.

- Lỗi tại em. Nếu em không bất cẩn…

Quý ròm giành:

- Tại tao.

- Tại em.

Thấy nhỏ Gái quyết không chịu thua, Quý ròm dàn hòa:

-Thôi, thì tại cả tao lẫn mày.

Lần này, nhỏ Gái không nói gì. Một lát, nó như chợt nhớ ra:

- Ủa, sao anh biết tên em?

- Mày còn nhỏ mà sao đãng trí quá vậy! – Quý ròm cười khì – Khi nãy mày chẳng khai tên với ông bác sĩ là gì!

- Ờ há. – Nhỏ Gái chớp mắt – Thế còn anh?

- Tao sao?

- Anh tên gì?

- Tao tên Quý.

- Anh ở xóm Dưới hả?

- Không, tao ở thành phố. Nghỉ hè, ta về đây chơi với thằng Lượm và thằng Tắc Kè Bông ở xóm Trên. Mày biết hai đứa đó không?

- Dạ không.

Nhỏ Gái khẽ đáp, giọng bất chợt nghẹn đi.

Quý ròm nhìn sững nhỏ Gái. Mặc dù con nhỏ cố tình cúi đầu xuống, Quý ròm vẫn nhìn thấy những giọt nước mặt đang lăn dài trên má nó.

- Mày sao thế? – Quý ròm lo lắng hỏi.

- Dạ không có gì.

- Không có gì sao mày khóc? – Quý ròm nhìn xuống ngón tay quấn băng của nhỏ Gái, giọng thắc thỏm – Mày đau lắm phải không?

- Dạ không.

- Mày đừng giấu tao! Không đau sao mày lại khóc?

Thấy nhỏ Gái sụt sịt thay cho câu trả lời, Quý ròm gãi gáy chóp mũi, đoán mò:

- Hay mày sợ lát về tới nhà, thấy ngón tay mày thế này, ba mẹ mày sẽ mắng mày?

- Ba em mất lâu rồi.

- Thì mẹ mày la mày?

- Mẹ em không bao giờ la em. Mẹ em bị liệt nửa người, mấy năm nay chỉ nằm một chỗ.

- Thế mày là con một à?

- Em có một anh trai.

- À. – Quý ròm cố kềm một tiếng reo – Thế ra mày sợ anh mày!

Nhỏ Gái rầu rĩ:

- Em chỉ lo em không làm được việc nhà. Ngón tay em thế này…

Nói tới đây nhỏ Gái lại thút thít. Quý ròm nhìn nước da rám nắng và mái tóc vàng heo của nhỏ bạn, lòng bất giác chùng xuống. Ờ, con gái thôn quê thường trăm công nghìn việc. Gia cảnh nhỏ Gái như vậy, chắc nó phải làm việc quần quật đầu tắt mặt tối. Tội nghiệp nó ghê!

- Em đừng lo! – Quý ròm khẳng khái nói, xúc động quá nó chuyển từ “mày tao” sang “anh em” lúc nào chẳng hay – Anh sẽ giúp em!

Đôi môi nhỏ Gái vẽ thành hình chữ O:

- Anh giúp em á?

- Ừ.

- Anh sẽ quét nhà, xách nước, sẽ xắt chuối, nấu cám heo giùm em á?

- Ừ, anh sẽ làm tất. Làm cho đến khi nào ngón tay em lành hẳn mới thôi.

Quý ròm làm nhỏ Gái cảm động quá.

Trên đường dẫn về xóm nhà ngói lúc này có hai đứa trẻ đang cảm động.

Nhỏ Gái cảm động nhưng vẫn tỉnh táo. Nó nhìn Quý ròm từ đầu đến chân:

- Anh có làm được không đó?

Quý ròm cố chịu đựng cái nhìn ngờ vực của nhỏ bạn. Nó biết nhỏ Gái chê nó gầy khẳng gầy kheo. Nó biết nhỏ Gái nghĩ bụng “Ốm nhách như thế thì làm được gì!”.

Quý ròm nhột nhạt quá. Nó tưởng như ánh mắt nhỏ Gái đang cù khắp người nó. Nhưng Quý ròm vẫn làm mặt tỉnh, nó không muốn nhỏ Gái thất vọng:

-Em không biết đó thôi. Xưa nay anh toàn làm việc nhà.

Rồi sợ nhỏ Gái không tin, Quý ròm lim dim mắt nói thêm:

- Nhà anh đông người lắm. Nhưng bà anh, ba anh, mẹ anh, anh trai anh, em gái anh, chẳng ai phải làm gì cả. Anh giành làm hết, từ việc nhỏ đến việc lớn.

Nhỏ Gái nhìn Quý ròm bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Nó chỉ không hiểu tại sao Quý ròm lại nhắm mắt khi khoe thành tích của mình. Nhỏ Gái không biết thằng ròm là chúa ba hoa. Quý ròm sợ mở mắt khi đang bịa chuyện. Tại lúc đó, mắt nó láo liên trông rất gian. Nhìn anh mắt đó, người nghe sẽ biết ngay Quý ròm chuyên đùn mọi việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, cho bà nó, ba nó, mẹ nó, anh trai nó, và em gái nó, chứ không phải là ngược lại.

Bạn đang đọc Kính vạn hoa - Tập 46 - Người giúp việc khác thường của Nguyễn Nhật Ánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 17

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.