Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 09

Phiên bản Dịch · 2610 chữ

Chương 9

Tổ 3 của lớp trưởng Xuyến Chi ngồi ở hai dãy bàn trên cùng bên phải, gần cửa ra vào. Lúc này một cái bàn đã được kéo ra sát cửa, quay mặt vào trong, đối diện với "sân khấu", để ban giám khảo ngồi quan sát.

Thằng Bá, thằng Đặng Đạo và nhỏ Vành Khuyên phải xuống ngồi chung với Xuyến Chi, Tú Anh và thằng Phước ở bàn sau. Sáu đứa chen chúc một ghế, gặp lúc bình thường tụi nó đã cằn nhằn điếc tai cả lớp rồi nhưng vì cuộc thi hoạt cảnh lịch sử sắp bắt đầu, tụi nó chẳng còn tâm trí đâu mà khiếu nại lôi thôi.

Chờ cả lớp ổn định đâu đó xong xuôi, cô Trinh từ tốn nói:

- Cô tin rằng cả tuần nay, các em đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi. Các em chắc chắn đã xem sách, đã nghiên cứu tài liệu, kiến thức về lịch sử dĩ nhiên đã được củng cố và nâng lên rất nhiều...

Cô ngừng lại một chút rồi thong thả tiếp:

- Bây giờ nếu một tổ diễn hoạt cảnh lịch sử, chắc chắn không tổ này thì tổ khác đã có thể nói ra vanh vách đó là sự kiện nào!

Cô Trinh lại ngừng lại. Và sau khi đưa mắt nhìn khắp lớp một lượt, cô nghiêm giọng tuyên bố:

- Vì vậy, để cuộc thi tăng phần hấp dẫn, ban giám khảo gồm cô, cô Nga và em Hạnh đã thống nhất thế này: Tổ 1 diễn thì tổ 2 giải đáp, tổ 2 diễn thì tổ 3 giải đáp, cứ thế lần lượt đến tổ cuối cùng. Khi nào tổ được chỉ định không giải đáp được thì các tổ khác được quyền giơ tay trả lời thay, các em đồng ý không?

Cả lớp nhao nhao:

- Đồng ý! Đồng ý, cô!

Cô Trinh mỉm cười:

- Nếu các em không có ý kiến gì thì mời tổ 5 lên "sân khấu"!

Lời mời của cô khiến tổ 5 ngơ ngác. Minh Vương liếm môi:

- Tổ 1 lên trước chứ cô!

- Không! - Cô Nga hắng giọng đáp thay - Tổ 1 là tổ giải đáp trước chứ không phải diễn trước!

Nghe ban giám khảo nói vậy, Minh Vương không khiếu nại nữa. Nó quay sang bàn thằng Lâm, đưa tay ngoắt:

- Các bạn qua hết bên này đi!

Lâm, Quới Lương và nhỏ Bội Linh lục đục đứng lên khỏi ghế và nối đuôi bước qua bàn Minh Vương, Hải Ngọc và Đỗ Lễ.

Đỗ Lễ lôi ra từ trong ngăn bàn một chiếc mão, một đôi hia và một chiếc áo rộng thùng thình, phủ giấy màu sặc sỡ đưa cho Minh Vương.

Bất chấp các tổ khác tò mò quay đầu nhìn, Minh Vương mặc áo, đội mão, đi hia rồi dẫn đầu cả tổ khệnh khạng tiến lên bảng.

Hải quắn vỗ tay reo:

- A, Tần Thủy Hoàng!

Thằng Quang gân cổ:

- Giống hệt Bàng Thái sư!

- Im lặng! Im lặng nào! - Cô Trinh gõ tay xuống bàn.

Tổ 5 tiến lên ngang chiếc bàn ban giám khảo ngồi thì Lâm và Quới Lương thình lình vọt ra ngoài hành lang.

Cả lớp ngạc nhiên chưa biết hai đứa này đi đâu thì đã thấy chúng từ ngoài thò đầu vào, đứa cửa trước đứa cửa sau, hò reo ỏm tỏi.

Tiểu Long quay sang Quý ròm:

- Tụi nó làm gì thế hở mày?

Quý ròm nhíu mày:

- Chắc tụi nó giả làm quân giặc!

Quý ròm nói đúng phóc. Ở trên bảng, vừa nghe tiếng hò reo như sấm của Lâm và Quới Lương, Minh Vương và những đứa còn lại tỏ vẻ bồn chồn, lo lắng tợn.

Minh Vương đứng giữa, đầu quay bốn phía nhìn dáo dác. Tụi Đỗ Lễ, Hải Ngọc và Bội Linh cũng thấp tha thấp thỏm không yên.

Ở bên ngoài, Lâm và Quới Lương, hai đứa trong băng "tứ quậy" ngoác mồm hò hét liên tục. Chưa bao giờ được "quậy" một cách hợp pháp như thế, hai đứa tha hồ rống hết cỡ. Nếu ban giám khảo không quy định hoạt cảnh của mỗi tổ chỉ được kéo dài tối đa mười phút, chắc hai thằng này sẽ hò reo đến tối.

Tụi Minh Vương bốn đứa sau khi dòm quanh quất liền chụm đầu lại bàn bạc. Minh Vương nói gì đó, Đỗ Lễ mấp máy môi đáp lại. Chả rõ Đỗ Lễ nói gì, chỉ thấy sau đó Minh Vương cởi áo, mão, hia đưa cho Đỗ Lễ mặc. Xong, Đỗ Lễ dẫn Hải Ngọc đi một ngả, Minh Vương dẫn Bội Linh đi một ngả khác.

Bốn đứa đi hai ngả nhưng đều vòng trở về chỗ ngồi của tổ 5 ở cuối lớp.

Thấy tổ mình rút đi hết, Lâm và Quới Lương lật đật chạy trở vô lớp, lần về chỗ cũ.

Đợi tổ 5 ổn định xong xuôi, cô Trinh nhìn về phía tổ 1:

- Các em ở tổ 1 đã xem kỹ hoạt cảnh vừa rồi chưa?

- Dạ, rồi ạ!

- Thế các em có biết hoạt cảnh của tổ 5 diễn tả sự kiện gì không?

- Thưa cô biết ạ! - Tần đứng lên - Đó là chuyện Lê Lai cứu chúa, thưa cô!

- Đúng rồi! - Cô Trinh gật đầu - Thế cứu chúa là cứu ai?

- Dạ, cứu Lê Lợi ạ!

Thấy tổ trưởng của mình trả lời ngắn gọn quá, chả bõ công "dùi mài kinh sử" cả tuần nay, Dưỡng đứng dậy, hùng hồn:

- Thưa cô, năm 1419 sau khi đánh lấy đồn Nga Lạc ở Thanh Hóa, giết được tướng nhà Minh là Nguyễn Sao, vì quân mã còn ít, Bình định vương Lê Lợi lui quân về cố thủ ở Chí Linh. Quân Minh liền đem quân tới vây đánh. Trong cơn nguy cấp, Lê Lai liều mình vì nước, xin mặc áo ngự bào giả làm Lê Lợi để đánh lừa quân giặc. Giặc trúng kế, tưởng Lê Lai là Bình định vương thật, xúm nhau vây đánh và sau khi giết được ông, giặc liền rút quân, nhờ vậy Lê Lợi mới chạy thoát ạ!

Cô Trinh gật gù:

- Giỏi lắm! Các em nhớ sử như thế thật đáng khen!

Được cô khen, Dưỡng nở từng khúc ruột. Nó đưa mắt nhìn quanh, sung sướng và hãnh diện.

Thấy vậy, Quang không chịu thua. Nó giơ tay:

- Thưa cô, do chuyện này dân gian mới có câu "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" đấy ạ!

Cô Trinh đưa mắt nhìn Quang:

- Thế em có hiểu câu đó có ý nghĩa gì không?

Quang nhanh nhẩu:

- Thưa cô, hiểu ạ! 22 tháng 8 âm lịch là giỗ Lê Lợi, và dân ta làm giỗ Lê Lai ngay trước ngày giỗ Lê Lợi để ghi nhớ công ơn của người anh hùng vì nước quên mình ạ!

- Hay lắm! - Cô Trinh vừa nói vừa vẫy tay - Thôi, các em ngồi xuống đi! Cô cho tổ l điểm mười!

Quang mãn nguyện ngồi xuống. Mẩu chuyện Lê Lai cứu chúa này chính tổ nó đã định dựng thành hoạt cảnh chứ đâu! Dù cuối cùng tổ trưởng Tần quyết định chọn mẩu chuyện Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, sáu đứa tụi nó vẫn nhớ vanh vách những chi tiết quanh ông Lê Lai này.

Nhưng Quang không có nhiều thời gian để tận hưởng nỗi hoan hỉ của mình. Nó còn đang mơ màng thì Tần đã giục:

- Chuẩn bị lên kìa mày!

Quang sực nhớ tới nhiệm vụ trước mắt, vội ngả người ra băng ghế.

Nó đang đóng vai Nguyễn Tri Phương. Ngày 19-11-1873, đại úy Francis Garnier vâng lệnh Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là thiếu tướng hải quân Dupré đem quân đánh úp thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương đang trông coi việc binh ở Bắc kỳ, nghe tiếng đại bác bắn phá liền cùng con mình là phò mã Nguyễn Lâm lên thành trấn giữ cửa Đông và cửa Nam. Được gần một giờ đồng hồ thì thành vỡ, phò mã Nguyễn Lâm tử trận tại chỗ còn Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Quân Pháp đem ông xuống tàu cứu chữa nhưng ông một mực không chịu ăn uống, không chịu uống thuốc, không chịu để giặc băng bó, quyết nhịn đói chịu đau mà chết theo thành.

Tấm gương trung liệt, một lòng vì nước đó của Nguyễn Tri Phương rốt cuộc đã bị thằng Quang làm cho méo mó đến thảm hại.

Nó nằm trên chiếc ghế dài, được hai con nhỏ An Dung và Việt Hà cùng tổ khiêng đặt giữa lớp. Nguyễn Tri Phương thật dù đau đến rứt thịt chắc cũng chẳng mở miệng kêu la một tiếng. Còn Quang thì rên như bộng, chốc chốc lại co giật, giãy giụa cứ như người bị động kinh.

Khi hai tên "giặc Pháp" Tần và Dưỡng dẫn "cô y tá" Hiền Hòa đến xức thuốc, Quang chân đá tay gạt hệt như Võ Tòng đang đả hổ, đến nỗi nhỏ Hiền Hòa lỡ dại đứng sát chiếc "băng ca" bị Quang tung một cước, không kịp tránh, té lăn ra đất khiến cả lớp cười ồ.

Nhưng dù vậy, tụi bạn trong lớp đều biết tỏng đó là cảnh Nguyễn Tri Phương không thèm để kẻ thù săn sóc, cứu chữa.

Do đó, khi cô Trinh vừa hỏi "Các em ở tổ 2 đã xem kỹ hoạt cảnh vừa rồi chưa?", nhỏ Lan Kiều tổ trưởng tổ 2 đã đứng lên đáp ngay, không cần đợi cô hỏi tiếp "Thế các em có biết hoạt cảnh của tổ 1 diễn tả sự kiện gì không?":

- Thưa cô, đó là cảnh Nguyễn Tri Phương bị sa vào tay giặc Pháp, thà nhịn đói chịu đau mà chết ạ!

Cô Nga hỏi:

- Thế lúc đó Nguyễn Tri Phương đang giữ thành nào?

- Thưa cô, thành Hà Nội ạ!

- Nguyễn Tri Phương cùng ai giữ thành?

- Thưa cô, phò mã Nguyễn Lâm ạ!

- Phò mã Nguyễn Lâm là ai?

Nhỏ Lan Kiều vẫn không nao núng:

- Thưa, là con của Nguyễn Tri Phương!

Cô Nga có vẻ muốn thử tài tổ trưởng tổ 2 đến cùng. Cô mỉm cười:

- Con của Nguyễn Tri Phương sao lại gọi là phò mã?

Tới đây thì Lan Kiều chết đứng. Tổ nó đã đọc đi đọc lại mẩu chuyện này nhiều lần, nhưng khổ nỗi chẳng đứa nào buồn thắc mắc tại sao Nguyễn Lâm được gọi là phò mã.

Lan Kiều đưa mắt nhìn các thành viên tổ mình. Nhưng đáp lại ánh mắt cầu cứu của nó là cái khịt mũi của Quốc Ân, cái ngó lơ của Lệ Hằng và sự làm thinh của Quỳnh Như, Chí Mỹ.

Chỉ có Hải quắn là hùng hổ. Nó giơ tay:

- Thưa cô, sở dĩ Nguyễn Lâm được gọi là phò mã vì Nguyễn Lâm lấy công chúa ạ!

Hải quắn là đứa không sợ trời sợ đất. "Hễ phò mã dứt khoát là chồng của công chúa!", nó nghĩ vậy và mở miệng đáp bừa. Không ngờ cô Nga gật đầu:

- Đúng rồi! Em giỏi lắm!

Hải quắn làm cả lớp ngạc nhiên quá đỗi. Nhưng Hải quắn chỉ có thể làm mọi người ngạc nhiên đến thế. Đến khi cô Nga hỏi tiếp:

- Thế em có biết Nguyễn Lâm lấy công chúa nào không?

Thì nó có muốn đáp bừa cũng chẳng biết đường nào mà đáp.

- Dạ không ạ! - Hải quắn xụi lơ.

Cô Nga nhìn khắp lớp:

- Tổ nào có thể trả lời được câu hỏi này?

Cô Nga nhắc lại câu hỏi đến hai lần, cả lớp vẫn im ru. Chỉ có thằng Lâm ngứa miệng bô bô:

- Cô hỏi phò mã Trần Thế Mỹ trong phim Bao Thanh Thiên tụi em may ra mới biết, chứ phò mã Nguyễn Lâm thì tụi em chịu thua ạ!

Cô Nga quay sang nhỏ Hạnh:

- Em có thể nói cho các bạn biết không?

Nhỏ Hạnh hắng giọng:

- Thưa cô, Nguyễn Lâm là con thứ hai của Nguyễn Tri Phương, được vua Tự Đức gả em gái là công chúa Đồng Xuân đồng thời phong làm Phò mã Đô úy nên được gọi là phò mã Nguyễn Lâm ạ!

Cô Nga quay xuống lớp:

- Các em thấy chưa! Học sử, hễ thấy sự kiện hay chi tiết nào kỳ lạ hay bất thường, các em nên tra cứu, tìm hiểu đến nơi đến chốn như vậy mới được...

- A!

Cô Nga đang nói nửa chừng, thằng Cung ở tổ 4 bỗng buột miệng "a" lên một tiếng khiến cả lớp giật mình quay đầu dòm.

Cô Nga nhìn Cung:

- Gì vậy em?

Cung lóng ngóng đứng lên khỏi ghế và đưa tay gãi đầu:

- Thưa cô, nhà em ở trên đường Nguyễn Tri Phương, bây giờ nhớ lại em mới hiểu tại sao đường Nguyễn Lâm nằm kế đường Nguyễn Tri Phương. Trước nay em đâu có biết ông Nguyễn Lâm này là ai, thì ra ổng là con của ông Nguyễn Tri Phương!

Thấy Cung thật thà thú nhận sự kém hiểu biết của mình, Lâm bất giác nổi máu hiếu thắng. Nó "xì" một tiếng, lên mặt:

- Chuyện đó ai mà chẳng biết! Đường Nguyễn Tri Phương nằm kế hai con đường Nguyễn Lâm và Nguyễn Kim, tất nhiên họ là ba cha con rồi! Khi nãy bạn Hạnh nói Nguyễn Lâm là con thứ hai của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Kim đương nhiên là con thứ nhất!

Trong lớp hầu như không đứa nào biết lai lịch của ông Nguyễn Kim lạ hoắc này. Nghe Lâm thao thao, tụi nó phục lăn, mặt mày đứa nào đứa nấy thoắt lộ vẻ ngẩn ngơ. Thấy vậy, Lâm quay đầu nhìn bốn phía, mặt hiu hiu tự đắc.

Nhưng cô Nga đã làm Lâm cụt hứng ngay tút xuỵt. Cô nói:

- Em Lâm nhầm rồi! Nguyễn Tri Phương sống ở triều Nguyễn, còn Nguyễn Kim sống ở triều Hậu Lê, làm sao họ là hai cha con được!

Lời phản bác của cô Nga làm Lâm tẽn tò. Không kịp đợi cô giáo ra hiệu, nó lật đật ngồi xuống để che giấu sự ngượng ngập giữa những tràng cười ngặt nghẽo nổ ra chung quanh.

- Các em giữ trật tự đi! - Cô Trinh gõ tay xuống bàn - Chuyện đó chẳng có gì đáng cười. Cô hy vọng sau mỗi lần nhầm lẫn như vậy, các em sẽ nhớ kỹ hơn!

Cô ngừng lại, quay sang trao đổi với cô Nga một hồi rồi dõng dạc tuyên bố:

- Tổ 2 tuy không giải thích được tại sao Nguyễn Lâm được gọi là phò mã, nhưng về cơ bản đã nói đúng tên sự kiện tổ 1 vừa trình bày, do đó ban giám khảo quyết định cho tổ 2 điểm mười!

Phán quyết của cô Trinh khiến vẻ mặt căng thẳng, lo âu của các thành viên tổ 2 lập tức tươi lên roi rói. Sáu đứa vỗ tay rào rào. Hải quắn đập bàn, nịnh nọt:

- Ban giám khảo thật là anh minh, sáng suốt, không hổ là trời xanh...

- Thôi, thôi, đủ rồi! - Cô Trinh giơ tay ra hiệu im lặng - Bây giờ tới lượt các em đấy! Chuẩn bị bước lên đi!

Bạn đang đọc Kính vạn hoa - Tập 21 - Tướng quân của Nguyễn Nhật Ánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 22

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.