Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 45-46

Phiên bản Dịch · 9811 chữ

Chương 45

Như đã báo trước, từ " trở đi, đường rất khó đi. Thực tế, nó không còn là một con đường nữa. Càng vào sâu, rừng càng rậm, càng đồ sộ. Những quãng dốc càng dựng đứng và mặt đất càng chi chít những bụi cây thấp. Bầu trời hầu như bị khuất hẳn, tưởng như đã sẩm tối. Chỗ nào cũng thấy mạng nhện ken dày và đang ra sức đẩy lùi sự xâm lấn của con người vào lãnh thổ của nó. Thế mà hai người lính, súng khoác vai, vẫn coi như không, dễ dàng băng qua những khe hở giữa vòm lá ken dày. Họ thoăn thoắt luồn dưới những cành lá thấp, leo lên những tảng đá, nhảy qua hố, nhanh lạ lùng, hầu như không mắc phải gai.

Tôi lật đật bám theo họ, cố không rời mắt khỏi họ. Họ thậm chí không hề ngoái lại xem tôi có theo kịp không. Cứ như là họ thử sức tôi, xem tôi chịu đựng được đến đâu vậy. Thậm chí tôi có cảm giác như họ đang cáu giận tôi - không biết vì lý do gì. Họ không nói một lời, không chỉ riêng với tôi mà cả giữa họ với nhau nữa. Họ hoàn toàn tập trung vào việc tiến bước. Không một lời trao đổi, họ luân phiên dẫn đầu. Những nòng đen bắt tréo trên lưng họ lắc qua lắc lại trước mặt tôi, đều đặn như một chiếc âm thoa kế, dần dà khiến tôi đâm buồn ngủ. Đầu óc tôi bắt đầu lãng đãng như trượt trên băng, tới một nơi nào khác. Nhưng vì phải tập trung để theo kịp nhịp bước thoăn thoắt không ngừng của họ, nên tôi vẫn cắm cúi đi, mồ hôi túa ra.

"Bọn anh đi quá nhanh đối với chú em, phải không?" cuối cùng, anh lính to con cũng ngoái lại, hỏi. Anh ta không hề thở gấp.

"Không sao," tôi đáp, "em theo được mà."

"Chú em trẻ và coi bộ rất khỏe đấy," anh cao bình luận, không quay đầu lại.

"Bọn anh quá thuộc đường nên đôi khi tăng tốc quá đà," anh to con giải thích. "Vậy nếu bọn anh đi quá nhanh, chú em cứ bảo anh, đừng e ngại, hiểu không? Chỉ cần nóiếng, bọn anh sẽ hãm chậm lại. Nhưng hãy thông cảm, bọn anh không muốn đi chậm dưới mức cần thiết. Chú em hiểu ý anh chứ?"

"Nếu em theo không kịp, em sẽ nói để các anh biết," tôi nói, cố không thở dốc để họ khỏi biết là mình đã mệt lử. "Còn xa không?"

"Không, không xa lắm đâu," anh cao trả lời.

"Gần đến rồi," anh to con nói thêm.

Tôi không chắc là mình có tin anh ta hay không. Như họ đã nói, ở đây, thời gian không phải là một nhân tố đáng kể.

Cứ thế, chúng tôi tiếp tục đi một hồi, không nói không rằng, với một nhịp độ đỡ gấp gáp hơn trước. Có vẻ như họ thôi không thử sức tôi nữa.

"Rừng này có rắn độc không?" tôi hỏi. Từ đầu đến giờ, điều đó vẫn khiến tôi lo sợ.

"Rắn độc ư?" anh cao đeo kính nói, vẫn không ngoái lại. Anh không bao giờ quay đầu lại khi nói chuyện, lúc nào cũng nhìn thẳng phía trước như thể đề phòng một bất trắc ghê gớm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. "Anh chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ấy."

"Có thể có," anh to con nói và quay lại nhìn tôi. "Anh chưa thấy con nào, nhưng có thể có một số. Mà dù có đi nữa, thì cũng chả quan trọng gì."

"Bọn anh muốn nói là rừng không nhăm nhe hãm hại chú em đâu," anh cao xuề xòa nói thêm.

"Cho nên chú em khỏi phải lo chuyện rắn độc," anh to con nói. "Yên tâm rồi chứ?"

"Vâng," tôi đáp.

"Không gì ở đây: rắn độc, nấm độc, nhện độc hay sâu độc, sẽ làm tổn thương đến chú em," anh cao nói, vẫn không quay đầu lại.

"Không gì?" tôi hỏi. Tôi không hình dung được cụ thể những gì anh nói. Hẳn là vì tôi đã mệt.

"Không một thứ gì, vật gì," anh nói. "Không một vật gì ở đây sẽ gây tổn thương cho chú em. Thực tế, chúng ta đang ở chỗ sâu nhất của rừng. Không kẻ nào, vật nào - kể cả chính chú em - có thể gây tổn thương cho chú em."

Tôi cố hiểu cho ra anh định nói gì. Nhưng biết bao thứ - nào là kiệt sức, nào là mồ hôi, nào là buồn ngủ bởi sự lặp đi lặp lại đơn điệu của hành trình xuyên rừng - khiến đầu óc tôi không thể suy nghĩ mạch lạc.

"Hồi bọn anh còn là lính, họ bắt bọn anh tập đâm lê, rạch toang bụng quân địch," anh to con đáp. "Chú em biết cách tốt nhất để đâm ai bằng lưỡi lê là như thế nào không?"

"Không," tôi đáp.

"Này nhé, trước hết xọc mũi lê vào sâu trong bụng kẻ địch, rồi vặn xoắn sang bên cạnh. Như vậy sẽ cứa nát ruột thành từng mảnh và hắn sẽ chết một cái chết khủng khiếp: từ từ, đau đớn. Nhưng nếu chỉ đâm mà không vặn xoắn, kẻ địch sẽ có thể vùng dậy và chính hắn sẽ băm nát ruột anh. Ấy, cái thế giới chúng ta đang sống nó như thế đấy."

Ruột. Oshima có lần nói với tôi ruột là một ẩn dụ về mê cung. Đầu tôi đầy ắp những ý nghĩ các kiểu, xoắn xuýt vào nhau, rối tung, không sao tách bạch nổi.

"Chú em có biết tại sao người ta lại làm những điều tàn như thế với người khác không?" anh lính cao kều hỏi.

"Em không biết," tôi đáp.

"Anh đây cũng chịu không sao hiểu nổi," anh nói. "Anh bất cần kẻ địch là ai: lính Tàu, Nga hay Mỹ. Anh không bao giờ muốn băm ruột họ. Nhưng cái thế giới mà chúng ta đang sống nó là như thế và chính vì vậy mà bọn anh đã đào ngũ. Xin đừng hiểu lầm anh, hai đứa anh đây không phải là những kẻ hèn nhát. Thực ra, bọn anh là những người lính xuất sắc. Có điều bọn anh không chịu nổi cơn xoáy lốc bạo lực ấy. Anh cũng không nghĩ chú em là một kẻ hèn nhát."

"Em thực sự không biết," tôi thành thật trả lời. "Nhưng em luôn cố gắng để trở nên mạnh hơn."

"Điều đó rất quan trọng," anh to con nói, lại quay về phía tôi. "Rất quan trọng đấy - làm hết sức mình để trở nên mạnh hơn."

"Anh có thể nói chú em khá mạnh đấy," anh cao kều nói. "Hầu hết thiếu niên ở tuổi chú em ắt không thể băng rừng theo bọn anh tới tận đây."

"Phải, thế là oách đấy," anh to con chen vào.

Hai anh dừng lại ở một điểm. Anh lính cao kều bỏ kính ra, xoa cánh mũi vài cái, rồi lại đeo kính vào. Không anh nào thở dốc hoặc đổ mồ hôi.

"Khát không?" anh cao hỏi.

"Hơi thôi," tôi đáp. Thực ra, tôi khát muốn chết - tôi đã vứt bi-đông cùng với chiếc ba lô. Anh tháo chiếc bi-đông đeo ngang lưng đưa cho tôi. Tôi uống vài ngụm nước âm ấm trong đó, cảm thấy nó ngấm đên từng lỗ chân lông trên cơ thể. Tôi lau sạch miệng bi-đông rồi đưa trả anh

"Cám ơn," tôi nói.

Anh lính cao lặng lẽ gật đầu.

"Chúng ta đã tới đỉnh," anh lính to con nói.

"Chúng ta sẽ đi thẳng một mạch xuống đáy, chú em phải chú ý đừng để sẩy chân đấy," anh lính cao cảnh báo.

Tôi thận trọng theo họ xuống con dốc trơn tuột xảo trá. Đến nửa đường, chúng tôi quành một góc rộng, xuyên qua một lùm cây và đột nhiên một thế giới khác mở ra bên dưới chúng tôi. Hai anh lính dừng bước vào quay lại nhìn tôi. Họ lặng thinh nhưng mắt họ nói nhiều. Đến nơi rồi, chúng nói với tôi. Đây là nơi chú em sắp bước chân vào. Tôi đứng đó với họ và ngắm nhìn cái thế giới ấy.

Đó là một thung lũng, một thứ lòng chảo được khoét gọn ghẽ nương theo những đường viền tự nhiên của dải đất. Tôi không biết bao nhiêu người có thể sống ở đây, nhưng chắc là không nhiều vì con thung không lớn lắm. Có vài đường phố với những ngôi nhà đây đó hai bên. Phố nhỏ, nhà cũng nhỏ. Không thấy ai ngoài đường. Tất cả các nhà đều không có gì đặc sắc, dựng lên cốt để che mưa nắng chứ không nhằm làm đẹp. Toàn bộ nơi này không đủ lớn để có thể gọi là một thị trấn. Không có cửa hàng, biển báo hay panô quảng cáo gì cả. Chỉ là một dúm nhà, tất cả đều cùng một cỡ, một dạng, tình cờ tụ lại thành một cộng đồng nhỏ. Không nhà nào có vườn và đường phố chẳng có lấy một bóng cây. Dường như vì bốn bề đã có rừng bao quanh nên chả cần có thêm cây cối làm gì.

Một làn gió nhẹ thổi qua rừng làm rung những lá cây quanh tôi. Cái tiếng lào xào vô danh ấy tạo nên những gợn sóng lăn tăn trên những nếp cuộn của tâm trí tôi. Tôi đặt tay lên một thân cây và nhắm mắt lại. Những gợn sóng kia như là một tín hiệu, một thứ báo hiệu nào đó, nhưng nó thuộc một ngôn ngữ lạ lẫm mà tôi không giải mã nổi. Tôi bỏ cuộc, mở mắt ra và lại đăm đăm nhìn cái thế giới mới toanh trứoc mặt. Đứng ở lưng chừng dốc, cùng với hai người lính ngó xuống thung lũng, tôi cảm thấy những gợn sóng nọ chuyển động trong tôi. Những tín hiệu ấy tự cấu tạo lại, những ẩn dụ biến đổi và tôi trôi đi, trôi xa khỏi bản thân. Tôi thành một bướm dập dờn dọc theo đường biên của tạo hóa. Bên kia đường biên của thế giới, có một khoảng không gian ở đó trống rỗng và thực chất hầu như gối lên nhau, ở đó quá khứ và tương lai họp thành một đường vòng liên tục, bất tận. Và bay lượn quanh đó là những tín hiệu chưa ai từng giải mã, những hòa thanh chưa ai từng nghe thấy.

Tôi cố thở bình thường trở lại. Tâm trí tôi chưa trấn tĩnh hoàn toàn, nhưng ít nhất thì tôi cũng không sợ nữa.

Không một lời, hai người lính lại bắt đầu đi và tôi lặng lẽ theo sau. "Thị trấn" mỗi lúc một gần. Tôi nhìn thấy một dòng suối nhỏ có kè đá chảy dọc theo một con đường. Làn nước đẹp, trong vắt, tiếng róc rách thật dễ chịu. Mọi thứ ở đây đều đơn sơ và ấm cúng. Lác đác những cột ảnh chăng dây nối liền nhau, có nghĩa vùng này chắc có điện. Điện ở nơi thẳm cùng này ư?

Xung quanh khu này là một hàng rào cây xanh cao vút. Bầu trời vẫn đầy mây xám. Hai anh lính và tôi đi dọc phố nhưng không gặp một ai. Tất cả hoàn toàn tĩnh lặng, không một tiếng động. Có lẽ mọi người đều đóng kín cửa, ở trong nhà, nín thở chờ chúng tôi đi khỏi.

Hai người bạn đường đưa tôi đến một ngôi nhà. Lạ thay, nó giống hệt căn nhà gỗ của Oshima, cả về kích thước lẫn hình dáng. Như thể cái nọ được dùng làm mẫu cho cái kia vậy. Có một hàng hiên bên ngoài với một chiếc ghế. Mái bằng với một ống khói thò lên. Trong phòng ngủ, một chiếc giường một đơn sơ sắp xếp gọn gàng tinh tươm. Điểm khác biệt duy nhất: phòng ngủ và phòng khách riêng biệt, có toa-lét trong nhà và có điện. Lại có cả một tủ lạnh nhỏ trong bếp, đời cổ. Một ngọn đèn ròng xuống từ trên trần. Và một chiếc tivi nữa. Một chiếc tivi?

"Tạm thời, chú em phải ở đây đến khi nào ổn định," anh lính to con nói. "Sẽ không lâu đâu. Tạm thời thôi."

"Một nhân tố không đáng kể," anh kia gật đầu nhấn mạnh thêm.

"Điện ở đây lấy từ nguồn nào vậy?"

Hai anh nhìn nhau.

"Từ một trạm phong điện nhỏ ở sâu nữa trong rừng, chỗ ấy lúc nào cũng có gió," anh cao giải thích. "Chúng ta phải có điện chứ, phải không nào?" "Không có điện thì không dùng được tủ lạnh," anh to con nói. "Không chạy được tủ lạnh thì không giữ thức ăn được lâu."

"Không có nó, ta vẫn khắc phục được bằng cách nào đó," anh cao nói, "nhưng có nó thì vẫn tiện hơn."

"Nếu chú em đói, cứ mở tủ lạnh ra, có gì ăn nấy," anh to con nói. "Nhưng anh sợ là cũng chẳng nhiều nhặn gì."

"Ở đây không có thịt, cá, cà phê hoặc rượu," anh cao nói. "Thoạt đầu cũng gay, nhưng rồi sẽ quen dần."

"Nhưng lại có trứng, sữa và phó mát. Cần phải có prôtêin chứ, phải không?"

"Ở đây, người ta không làm những thứ ấy," anh cao giải thích, nên phải kiếm ở nơi khác. "Đem một thứ gì đó đến trao đổ

"Nơi khác?"

"Phải," anh cao gật đầu. "Ở đây chúng ta đâu có cách biệt khỏi thế giới. Vẫn có một nơi khác. Có thể phải mất một thời gian nữa, nhưng rồi chú em sẽ hiểu."

"Chiều nay, sẽ có người đến làm bữa tối cho chú em," anh lính to con nói. "Từ giờ đến lúc đó, nếu buồn thì bật tivi lên mà xem."

"Có show gì trên tivi không?"

"Anh cũng không biết có những gì," anh cao đáp, hơi lúng túng. Anh nghiêng nghiêng đầu nhìn bạn mình.

Anh to con cũng nghiêng nghiêng đầu, băn khoăn ra mặt. "Nói thật với chú em, anh chả biết gì mấy về tivi. Anh chả bao giờ xem cả."

"Họ đặt tivi ở đây là dành những ai mới đến," anh cao nói.

"Nhưng chắc phải có chương trình gì đó cho chú em xem chứ."

"Thôi hẵng cứ nghỉ một lúc đã," anh cao nói. "Bọn anh phải trở về vị trí đây."

"Cám ơn các anh đã đưa em tới đây."

"Không có gì. Chú em khỏe chân hơn nhiều so với những người khác mà bọn anh đã đưa đến đây. Khối người không theo kịp. Thậm chí có một số bọn anh phải cõng trên lưng. Với chú là nhẹ nhàng nhất đấy."

"Nếu anh nhớ không lầm," anh cao nói, "thì chú đã nói là chú muốn gặp ai đó ở đây."

"Đúng thế

"Anh dám chắc không bao lâu chú em sẽ gặp được thôi, bất kể người ấy là ai," anh vừa nói vừa gật đầu liền mấy cái để nhấn mạnh. "Cái thế giới này nhỏ xíu ấy mà."

"Anh hy vọng chú em sẽ sớm quen với nó," anh lính to con nói.

"Một khi đã quen, thì mọi sự sẽ dễ dàng thôi," anh lính cao nói thêm.

"Em thành thật cảm tạ."

Hai anh lính đứng nghiêm chào, khoác súng lên vai rồi quay đi, thoăn thoắt bước trên con đường trở về vị trí của mình. Họ phải canh gác cửa vào cả ngày lẫn đêm.

Tôi vào bếp và kiểm tra xem trong tủ lạnh có những gì . Có cà chua, cà rốt, củ cải đỏ, một khoanh phó-mát và một bình sứ lớn đầy sữa. Cả bơ nữa. Trên giá có một ổ bánh mì, tôi bẻ một miếng ăn thử. Hơi rắn nhưng không tồi.

Bếp có một bồn rửa và một vòi nước. Tôi vặn vòi và nước chảy ra, trong mát. Chắc là được bơm từ một cái giếng vì ở đây có điện mà. Tôi hứng đầy một cốc và uống.

Tôi đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Trời vẫn đầy mây xám, tuy nhiên không có vẻ gì là sắp mưa. Tôi đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ hồi lâu nhưng vẫn không thấy bóng người nào khác. Như thể một thị trấn chết vậy. Hoặc giả vì một lý do nào đó, mọi người đang cố tránh tôi.

Tôi rời cửa sổ và ngồi xuống một cái ghế gỗ cứng lưng thẳng. Có tất cả ba chiếc ghế và một bàn ăn vuông đã được đánh véc-ni nhiều lần. Trên tường không treo gì cả - không tranh, không ảnh, lịch cũng không. Chỉ trơ tường trắng. ột ngọn đèn đơn rủ xuống từ trần nhà, với một cái chao thủy tinh đơn giản đã bạc phếch vì sức nóng.

Căn phòng được quét dọn lau chùi sạch sẽ. Tôi lướt ngón tay trên mặt bàn và bậu cửa sổ - không một chút bụi. Cửa sổ cũng bóng loáng. Bát đĩa, xoong nồi trong bếp không mới, nhưng rõ ràng đã được giữ gìn cẩn thận và rất sạch. Cạnh bàn bếp có hai bếp điện cũ. Tôi bật thử một cái, dây xoắn đỏ liền.

Chiếc tivi màu cũ kỹ - tôi đoán khoảng mười lăm đến hai mươi năm tuổi - được lồng khít vào một tủ gỗ nặng nề. Không có điều khiển từ xa. Nó giống như một thứ đồ nhặt về từ bãi rác. Cũng có thể nói vậy về tất cả các đồ điện khác trong nhà. Không phải là chúng bẩn thỉu hay không dùng được, mà chỉ vì nom chúng cũ kỹ và lỗi thời.

Tôi bật tivi. Đài đang phát một phim cũ - Giai điệu hạnh phúc [15]. Hồi tôi học cấp một, thầy giáo đã đưa cả lớp đi xem phim này ở một rạp chiếu bóng màn ảnh rộng. Trong nhà, không có người lớn nào quan tâm đưa tôi đi xem phim hay coi kịch, nên đó là một trong số những phim hiếm hoi tôi được xem hồi bé. Trên màn ảnh nhỏ lúc này là đoạn người cha nghiêm khắc và cứng nhắc, Đại úy von Trapp, đang đi công tác ở Viên và ở nhà, cô gia sư Maria đưa bọn trẻ lên núi chơi. Tất cả ngồi trên bãi cỏ, Maria đệm ghi-ta cho bọn trẻ hát mấy ca khúc hồn nhiên. Đó là một đoạn rất nổi tiếng. Tôi ngồi ngây trước tivi, dán mắt vào màn ảnh. Hệt như khi xem lần đầu, tôi lại tự hỏi liệu mọi sự sẽ xoay ra thế nào nếu như tôi có một người như cô Maria ở bên. Khỏi phải nói, chẳng có ai như thế xuất hiện trong đời tôi.

Tôi quay trở về thực tại. Tại sao đúng lúc này, tôi lại vớ phải phim Giai điệu hạnh phúc? Có thể những người ở đây đã bắt được tín hiệu từ một trạm vệ tinh. Hay chỉ là một băng video họ dùng để phát vào chương trình này. Tôi đoán đó là băng video vì khi tôi chuyển kênh thì các k khác chẳng có gì, ngoại trừ tiếng lạo xạo vô cớ và những chấm li ti trên nền trắng tĩnh tại gợi lên hình ảnh một cơn bão cát dữ dội.

Tôi tắt tivi ở đoạn họ đang hát bài Edelweiss. Im lặng trở lại trong căn phòng. Tôi thấy khát và vào bếp uống một ít sữa từ chiếc bình sứ. Sữa đậm đặc và tươi mát, vị ngon gấp trăm lần những bịch sữa ta thường mua ở những cửa hàng phục vụ 24/24. Trong khi nốc hết cốc này đến cốc khác, tôi chợt nhớ đến một cảnh trong phim Sống bừa bãi của Francois Truffaut kh Antoine bỏ nhà đi và một sáng sớm, bụng đói meo, đã lấy trộm một chai sữa do người giao hàng đặt trước cửa một nhà nào đó rồi vừa chạy trốn vừa uống. Chai sữa khá to, phải mất một lúc mới uống hết được. Một cảnh buồn não lòng - mặc dù thật khó mà tin rằng một cảnh uống sữa đơn thuần lại có thể buồn đến thế. Đó là một bộ khác trong số phim ít ỏi mà tôi được xem hồi còn bé. Hồi đó, tôi học lớp năm và cái tên phim làm tôi chú ý, nên tôi đi tàu một mình đến tận Ikebukuro để xem rồi lại đi tàu về. Vừa ra khỏi rạp, tôi liền mua sữa, uống ừng ực. Tôi không sao đừng được.

Sau khi uống ngần nấy sữa, giờ tôi đâm buồn ngủ. Một cơn buồn ngủ choáng ngợp, gần như lộn mửa, xâm chiếm tôi. Ý nghĩ của tôi chậm lại rồi dừng hẳn như con tàu vào ga. Tôi không thể nghĩ gì được nữa, tựa hồ cái cốt lõi của cơ thể tôi đã đông lại. Tôi vào phòng ngủ, lóng ngóng cởi quần, cởi giày, rồi gieo mình xuống giường, vùi mặt vào gối và nhắm mắt lại. Gối thơm mùi nắng, một mùi quý giá. Tôi hít lấy hít để và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Khi tôi tỉnh dậy, xung quanh đã tối mịt. Tôi mở mắt ra và cố nghĩ xem mình đang ở đâu. Hai người lính dẫn mình qua rừng đến một thị trấn nhỏ bên một bờ suối, phải không nhỉ? Trí nhớ tôi từ từ trở lại. Mắt nhìn rõ dần. Tôi nghe thấy một giai điệu quen quen. Edelweiss. Trong bếp, có tiếng xoong nồi khẽ lách cách, thân thuộc. Ánh điện lọt vào phòng ngủ qua kheẻ một vạch vàng, bụi bặm, cổ lỗ.

Tôi định ra khỏi giường nhưng toàn thân tôi tê cứng. Tôi hít một hơi thật sâu và nhìn lên trần nhà. Tôi nghe thấy tiếng bát đĩa, tiếng một người nào đó bận rộn chạy đi chạy lại trên sàn nhà bếp, chắc là làm bữa cho tôi. Cuối cùng, tôi cũng đứng dậy được. Phải mất một lúc tôi mới chật vật mặc được quần, xỏ được chân vào tất và giày. Tôi lặng lẽ xoay quả đấm, mở cửa.

Một cô gái đang đun nấu trong bếp. Quay lưng về phía tôi, cô đang cúi trên một cái nồi, dùng thìa nếm thức ăn, nhưng khi nghe thấy tiếng cửa mở, cô ngẩng lên và quay đầu lại. Chính là cô. Cô gái đã đến phòng tôi ở thư viện, ngồi ngắm bức tranh trên tường, Miss Saeki năm mười lăm tuổi. Cô vẫn mặc bộ đồ ấy, chiếc áo váy xanh nhạt dài tay. Điều khác duy nhất là hôm nay, cô cặp tóc ra sau gáy. Cô khẽ mỉm cười với tôi và nụ cười nồng nàn ấy khiến tôi ngập tràn một nỗi xúc động mãnh liệt đến mức tưởng như cả thế giới bỗng lộn tùng phèo. Như thể mọi vật cụ thể vỡ tan ròi lại chắp lại nguyên vẹn. Nhưng cô gái không phải ảo ảnh, chắc chắn không phải là ma. Cô là một cô gái đang sống, đang hít thở,một con người mà ta có thể chạm vào, đang đứng trong một căn bếp thật vào lúc chạng vạng hoàng hôn, nấu cho tôi bữa ăn thật. Cặp vú nhỏ của cô nhô lên dưới làn áo, cái cổ trắng mịn như sứ vừa ra lò. Tất cả đều thật.

"Ồ, anh dậy rồi đấy à?" cô hỏi.

Tôi không thốt nên lời. Tôi còn đang cố định thần lại.

"Anh ngủ tốt thật đấy," cô nói và quay lại tiếp tục nếm món ăn. "Nếu anh không dậy, thì em sẽ cứ dọn bữa lên bàn rồi về."

"Tôi không chủ định ngủ nhiều thế," cuối cùng tôi cũng mở được miệng.

"Anh đã đi xuyên suốt khu rừng, vậy chắc là đói lắm," cô nói.

"Tôi không biết. Nhưng chắc thế."

"Tôi muốn vươn tay ra xem có thể thực sự chạm vào cô được không. Nhưng tôi không dám, chỉ đứng đực ra đấy, nhìn cô như muốn nuốt chửng. Tôi lắng nghe tiếng cô lăng xăng đi tới đi lui trong bếp.

Cô múc món hầm nóng sốt ra một cái đĩa trắng mộc mạc, đem đặt trên bàn. Ngoài ra còn có một bát nộm cà chua và rau xanh, và một ổ bánh mì lớn. Mùi thơm củ khoai tây và cà rốt trong món hầm khiến tôi nao nao nhớ. Tôi hít nó vào thật sâu và nhận ra rằng mình đang đói muốn chết. Tôi cần phải ăn đã. Trong khi tôi ăn bằng cặp thìa, dĩa cũ kỹ, cô gái ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, theo dõi với vẻ mặt nghiêm túc, tựa hồ quan sát tôi ăn là một phần trọng yếu trong nhiệm vụ của cô vậy. Thi thoảng, cô đưa tay vuốt tóc ra đằng sau.

"Họ bảo em là anh mười lăm tuổi," cô nói.

"Đúng," tôi vừa đáp vừa phết bơ lên một lát bánh mì. "Tôi vừa tròn mười lăm".

"Em cũng mười lăm," cô nói.

Tôi gật đầu. Điều đó thì tôi đã biết, suýt nữa tôi buột miệng nói thế. Nhưng hãy còn quá sớm. Tôi cắn một miếng nữa.

"Em sẽ nấu ăn cho anh một thời gian," cô nói. "Cả quét dọn, lau chùi, giặt giũ nữa. Quần áo ở trong tủ trong buồng ngủ ấy, anh cứ thoải mái dùng. Đồ thay ra, anh cứ để ở làn, em sẽ lo."

"Ai giao cho cô công việc này?

Cô đăm đăm nhìn tôi không trả lời. Có vẻ như câu hỏi của tôi đi chệch hướng và bị hút thỏm vào một khoảng không vô danh.

"Cô tên gì?" tôi hỏi, thử một chiến thuật khác.

Cô lắc đầu. "Em không có tên. Mọi người ở đây không ai có tên cả."

"Nhưng nếu cô không cso tên, tôi biết gọi cô thế nào đây?"

"Không cần phải gọi em," cô nói. "Hễ anh cần là em sẽ đến ngay."

"Tôi đồ rằng ở đây cả tôi cũng không cần đến tên của mình nữa?"

Cô gật đầu. "Anh là anh, chứ không phải là ai khác. Anh là anh, đúng không nào?"

"Có lẽ thế," tôi nói.

Nhưng tôi không dám chắc lắm. Có thật tôi là tôi không?

Suốt từ nãy, cô cứ nhìn tôi không chớp mắt.

"Cô có nhớ thư viện ấy không?" tôi hỏi thẳng.

"Thư viện nào?" cô lắc đầu. "Không... Cách đây khá xa, có một thư viện, nhưng ngay đây thì không."

"Vùng này có một thư viện?"

"Vâng, nhưng trong đó chẳng có sách gì cả."

"Không có sách thì có gì?"

Cô nghiêng nghiêng đầả lời. Một lần nữa, câu hỏi của tôi đi lạc và mất tiêu.

"Cô đã đến đấy bao giờ chưa?"

"Đã lâu lắm rồi," cô nói.

"Nhưng đó không phải là nơi để đọc sách ư?"

Cô gật đầu. "Ở đấy không có cuốn sách nào."

Tôi lặng lẽ ăn một lúc. Món hầm, món nộm, bánh mì. Cô cũng chẳng nói gì, chỉ nghiêm trang quan sát tôi.

"Thức ăn thế nào?" Cô hỏi vậy khi tôi ăn xong.

"Rất ngon."

"Mặc dù không có thịt hay cá?"

Tôi chỉ cái đĩa sạch trơn. "Cô thấy không, tôi chả để sót tí gì."

"Em nấu đấy."

"Rất ngon," tôi nhắc lại. Tôi nói thành thực mà.

Ngồi đây với cô mà tôi cảm thấy đau nhói như có một lưỡi dao giá băng đâm vào ngực. Nhưng kỳ lạ thay, tôi lại biết ơn nỗi đau ghê gớm ấy vì nó chứng tỏ rằng tôi tồn tại. Nỗi đau giá băng ấy là cái neo neo tôi lại đây. Cô gái đứng dậy đun nước, pha trà. Trong khi tôi ngồi uống trà tại bàn, cô mang bát đĩa bẩn vào bếp và bắt đầu rửa. Tôi ngắm nhìn cô làm mọi việc đó. Tôi muốn nói một điều gì đó, nhưng dường như lời lẽ khước từ chức năng của nó khi tôi ở bên cô. Hoặc giả ý nghĩa liên kết các chữ vớin hau đã biến mất? Tôi nhìn trân trân vào hai bàn tay mình và nghĩ đến cây sơn thù du ngoài cửa sổ, lấp lánh dưới ánh trăng. Cái lưỡi dao đâm vào tim tôi chính là ở đó.

"Rồi tôi có gặp lại cô nữa không?" tôi hỏi.

"Tất nhiên là có chứ," cô đáp. "Như em đã nói, hễ anh cần là em sẽ đến ngay."

"Cô sẽ không đột ngột biến mất chứ?"

Cô lặng thinh, chỉ nhìn tôi với một vẻ kỳ lạ trên gương mặt như muốn nói: Anh nghĩ em biến đi đâu mới được chứ?

"Tôi đã gặp cô trước đây," tôi đánh bạo nói. "Ở một vùng đất khác, trong một thư viện khác."

"Nếu anh nói thế thì là thế," cô vừa nói vừa đưa tay lên xem cặp tóc còn chặt không. Giọng cô hoàn toàn vô cảm, như thể cô muốn tỏ cho tôi biết là cô không hề quan tâm đến chuyện ấy.

"Tôi nghĩ mình đến đây là để gặp cô một lần nữa. Cô và một người đàn bà khác."

Cô ngước lên nhìn tôi và nghiêm trang gật đầu. "Xuyên suốt khu rừng sâu để tới đây."

"Đúng. Tôi nhất định phải gặp lại cô và người phụ nữ kia."

"Và anh đã gặp em."

Tôi gật đầu.

"Như em đã nói với anh," cô nói, "hễ anh cần là em sẽ đến ngay."

Rửa ráy xong, cô để nồi xoong, bát đĩa lên giá rồi khoác cái túi bạt lên vai.

"Sáng mai, em sẽ trở lại," cô nói. "Hy vọng anh sẽ sớm quen với nơi này."

Tôi đứng ở cửa, nhìn cô đi khuất vào màn đêm. Tôi lại một mình trong căn nhà nhỏ, bên trong một vòng tròn khép kín. Ở đây, thời gian không phải là một nhân tố. Ở đây, không ai có tên. Cô sẽ đến khi nào tôi cần. Cô mười lăm tuổi. Mãi mãi mười lăm, tôi nghĩ. Nhưng điều gì sẽ đến với tôi? Ở đây, liệu rồi tôi có vĩnh viễn dừng lại ở tuổi mười lăm? Phải chăng ở đây, tuổi tác cũng không phải là một nhân tố?

Tôi đứng ở cửa hồi lâu sau khi cô đi khuất, lơ đãng nhìn quanh cảnh bên ngoài. Trời vắng trăng sao. Ở một số ngôi nhà khác, đèn đã bật, hắt sáng qua cửa sổ. Cũng cái ánh sáng vàng khè cổ lỗ như trong căn phòng này. Nhưng tôi vẫn không nhìn thấy người nào. Chỉ thấy sáng đèn thôi. Bên ngoài, bóng tối mỗi lúc một lan rộng. Xa nữa, đen hơn cả bóng đên, chỏm núi sừng sững nhô lên và khu rừng bao quanh thị trấn này như một bức trường thành.

Chương 46

Sau khi Nakata chết, Hoshino không thể rời khỏi căn hộ. Với phiến đá cửa vào còn ở đó, một điều gì đó có thể xảy ra và khi nó xảy ra, gã muốn có mặt để xử lý kịp thời. Giờ đây, gã phải kế thừa nhiệm vụ canh chừng phiến đá của Nakata. Gã bật điều hòa nhiệt độ trong phòng Nakata ở mức thấp nhất có thể và mở quạt gió hết cỡ, đóng thật chặt các cửa sổ. Không khí trong phòng có cái mật độ đặc biệt chỉ thấy ở nơi có xác chết.

"Ông không lạnh quá đấy chứ?" gã nói với Nakata. Đương nhiên là ông lão chẳng có ý kiến thuận, nghịch gì.

Hoshino ngồi phịch xuống chiếc sofa trong phòng khác, để mặc cho thời gian trôi qua. Gã chẳng thiết nghe nhạc hay đọc sách. Hoàng hôn xuống, căn phòng tối dần, nhưng gã cũng chẳng buồn đứng dậy bật đèn. Gã cảm thấy hoàn toàn kiệt lực và một khi đã yên vị trên sofa, gã không đủ ý chí để đứng lên nữa. Thời gian chầm chậm đến và chầm chậm qua, đủng đỉnh đến nỗi đôi khi gã ngỡ như nó đi lộn lại.

Khi ông nội mình mất, gã nghĩ, đó là một cú nặng nề, nhưng không như thế này. Ông đã trải qua bao ngày đau bệnh và mọi người đều biết kết cục ấy chỉ là vấn đề thời gian. Cho nên khi ông chết, mọi người đã được chuẩn bị. Có hay không có được cơ may tự rèn luyện mình để đón nhận điều tất yếu là cả một sự khác nhau lớn. Nhưng đó không phải là điểm khác duy nhất, Hoshino kết luận. Cái chết của Nakata còn có một cái gì buộc phải suy nghĩ thật sâu.

Chợt thấy đói, gã vào bếp hâm một ít cơm rang bằng lò vi sóng và ăn hết một nửa cùng với bia. Sau đó, gã trở lại xem Nakata thế nào. Ngộ nhỡ ông ấy sống lại thì sao? gã nghĩ. Nhưng không, ông già vẫn chết thẳng cẳng. Căn phòng giống như một nhà đông lạnh, lạnh đến mức có thể bảo quản kem trong đó.

Đây là lần đầu tiên Hoshino qua đêm trong cùng nhà với một xác chết và gã không thể yên tâm được. Không phải là mình sợ, gã tự nhủ. Điều đó không làm mình sởn gai ốc. Mình chỉ không biết nên ứng xử thế nào với một người chết bên cạnh thôi. Sự trôi chảy của thời gian đối với người chết khác xa đối với người sống. Cả âm thanh cũng vậy. Vì thế mình không thể trấn tĩnh được, gã kết luận. Nhưng mình có thể làm gì được? Ông Nakata đã đi sang thế giới của người chết, mà mình thì còn ở cõi của người sống. Cố nhiên là có một khoảng trống ngăn cách. Gã đứng dậy khỏi sofa và đến ngồi cạnh phiến đá. Gã bắt đầu đưa tay vuốt nhẹ mặt đá như nựng một con mèo.

"Tớ phải làm gì" gã nói với phiến đá. "Tớ muốn bàn giao ông Nakata cho ai đó lo liệu, nhưng tớ không thể làm thế chừng nào chưa lo xong với cậu. Cậu có kế gì mách cho tớ không?"

Nhưng đá chẳng trả lời. Lúc này, nó chỉ là một phiến đá, và Hoshino hiểu thế nào. Gã có hỏi đến rã họng cũng chẳng thể moi được một lời giải đáp. Mặc dù thế, gã vẫn ngồi đó xoa mặt đá. Gã hỏi tiếp mấy câu, trình bày lý lẽ và cố hết sức tranh thủ sự cảm thông. Tuy biết là vô ích, nhưng gã không nghĩ ra cách nào khác. Ông Nakata đã ngồi nói chuyện với phiến đá suốt, vật thì tại sao lại không nhỉ?

Tuy nhiên, nói với một phiến đá, xin nó rủ lòng thương - nghe mới lâm ly làm sao, gã nghĩ thầm. Chả trách có cái thành ngữ trái tim đá.

Gã đứng dậy, toan mở tivi xem tin thời sự song nghĩ thế nào lại thôi và lại ngồi xuống bên cạnh phiến đá. Bây giờ, im lặng là tốt nhất, gã quyết định. Cần phải lắng tai nghe cho kỹ, chờ xem cái gì sắp xảy đến. "Nhưng chờ đợi lại không phải là điểm mạnh của tớ," Hoshino nói với phiến đá. Xét cho cùng, tớ thuộc loại nôn nóng và đã nhiều lần phải trả giá vì thế. Bao giờ cũng hấp ấp, nhanh nhẩu đoảng và làm hỏng việc. Mày cứ ngúng ngoắng như con mèo cái động đực, dạo xưa ông nội tớ thường bảo tớ thế. Nhưng giờ tớ phải ngồi im và chờ đợi. Hãy kiên nhẫn nào!

Tất cả đều im ắng, ngoại trừ tiếng ro ro của máy điều hòa nhiệt độ mở hết cỡ ở phòng bên. Đồng hồ chỉ chín giờ, rồi mười giờ, mà chẳng thấy có gì xảy đến. Thời gian qua, đêm sâu thêm, vẫn chẳng có gì khác. Hoshino mang mền ra phòng khách, nằm xuống sofa, đắp mền lên người. Gã nghĩ tốt nhất là cứ ở gần kề phiến đá, kể cả trong khi ngủ, phòng khi có chuyện gì xảy đến. Gã tắt đèn và nhắm mắt lại.

"Này, phiến đá! Tớ đi ngủ đây," gã gọi to. "Mai chúng mình sẽ lại nóiiếp. Hôm nay là một ngày dài, tớ cần chợp mắt một tí."

Chà, nói ngày dài còn là nhẹ, chưa lột tả được hết, gã nghĩ.

"Ông nội," gã gọi to hơn. "Ông Nakata! Ông có nghe thấy cháu không?" Không có trả lời.

Hoshino thở dài, nhắm mắt lại, chỉnh lại chiếc gối rồi ngủ thiếp đi. Gã ngủ một mạch đến hết đêm, chẳng mộng mị gì cả. Ở phòng bên, Nakata tiếp tục giấc ngủ như đá của mình, hẳn cũng không mộng mị gì.

Bảy giờ sáng hôm sau, vừa trở dậy, Hoshino sang ngay xem Nakata ra sao. Máy điều hòa nhiệt độ vẫn ro ro chạy hết công suất, thổi khí lạnh vào phòng. Vào giữa căn phòng lạnh giá ấy, Nakata vẫn chết cứng. Thậm chí, so với đêm trước, cái chết dường như còn túm chặt lão hơn. Da lão đã sạm màu tro, đôi mắt nhắm nghiền đờ đẫn một cách trịnh trọng. Chẳng có chuyện lão sống lại, đột ngột ngồi dậy và nói, Xin lỗi, cậu Hoshino. Nakata này chỉ ngủ thôi. Xin thứ lỗi. Cậu khỏi lo, lão sẽ mang nó đi đây - rồi quay sang xử lý với phiến đá. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nakata đã chết hẳn rồi, sự thật là vậy.

Bắt đầu thấy rét run, Hoshino vội bước ra khỏi phòng và đóng cửa lại rồi vào bếp, chế cà phê, uống liền hai tách, ăn mấy lát bánh mì nướng với bơ và mứt. Ăn xong, gã ngồi trong bếp, hút vài điếu thuốc và nhìn qua cửa sổ ra ngoài. Mây đã bay đi từ lúc nào trong đêm, để lại một bầu trời đầy nắng hạ. Phiến đá vẫn ở chỗ mọi khi, bên cạnh sofa. Nó không ngủ, nên không thức giấc, chỉ nằm đó thôi, cả đêm không động đậy. Gã bê thử và nhấc nó lên ngon ơ.

"Này," Hoshino cất giọng vui vẻ nói, "tớ đây mà. Bạn cũ Hoshino đây mà, nhớ chứ? Có vẻ như hôm nay chỉ có mình cậu với tớ."

Phiến đá chẳng nói chẳng rằng - điều đó cũng không quá bất ngờ.

"À, được thôi. Cậu không nhớ cũng chả sao. Chúng ta có ối thì giờ để làm quen với nhau, đâu cần phải vội."

Gã ngồi xuống cạnh phiến đá, bắt đầu xoa nó và tự hỏi: trò chuyện với một phiến đá thì nên nói về cái gì nhỉ? Bởi đây là lần đầu tiên có dịp nói chuyện với một hòn đá, nên gã không thể nghĩ ra một đề tài nào phù hợp. Tốt nhất là nên tránh bất kỳ cái gì phức tạp vào cái giờ sáng sớm này, gã nghĩ. Ngày còn dài, lo gì chả có ý tứ nảy ra trong đầu.

Gã nghĩ một thôi và chọn đề tài ưa thích: gái. Gã điểm lại từng em đã cùng gã chung chăn gối. Nếu chỉ kể những em gã còn nhớ tên thì chả được bao nhiêu. Gã đếm nhẩm trên đầu ngón tay: tất cả có sáu. Nếu cộng cả những em không biết tên thì phong phú hơn nhiều, gã nghĩ, nhưng hãy tạm ngưng ở mức đó đã.

"Tớ nghĩ kể với một phiến đá về những mẻng đã ngủ với tớ thì chả ích gì," gã nói. "Và tớ đồ rằng cậu cũng không khoái mới sáng ra đã phải nghe tớ khoe chiến tích. Nhưng tớ chưa nghĩ ra chuyện gì khác, Ô-kê? Biết đâu một đề tài nhẹ nhàng tươi mát để đổi món lại tốt cho cậu. Cung cấp thông tin mà."

Hoshino kể một số đoạn với những chi tiết cụ thể nhất mà gã có thể nhớ. Lần đầu tiên là khi gã còn là học sinh trung học, giao du với một băng chơi môtô và vướng vài chuyện rắc rối. Cô gái hơn gã ba tuổi, làm ở một quán bar ở Gifu. Họ sống với nhau một thời gian. Cô gái rất nghiêm túc trong mối quan hệ ấy, cô nói cô không thể sống thiếu gã. Thậm chí cô còn gọi điện thoại nói chuyện với bố mẹ mình, gã nhớ lại, nhưng ông bà chả khoái gì chuyện ấy. Sự tình đâm ra quá căng, cho nên tốt nghiệp trung học một cái là mình xung vào Lực l Tự vệ liền. Ngay sau đó, mình được đưa đi đóng quân ở một căn cứ thuộc tỉnh Yamanashi và mối quan hệ ấy chấm dứt. Mình chẳng bao giờ gặp lại cô ta nữa.

"Có lẽ cái nét độc đáo của tớ là lười nhác," Hoshino giải thích với phiến đá. "Và khi nào sự tình trở nên phiền phức là tớ đánh bài chuồn. Không phải nói khoác chứ tớ nhanh chân lắm. Tớ chả bao giờ theo cái gì đến cùng cả. Có lẽ vấn đề của tớ là ở chỗ ấy."

Gã gặp cô bồ thứ hai ở gần căn cứ tại Yamanashi. Vào một hôm nghỉ phép, thấy cô hỏng xe giữa đường, gã đã giúp cô thay lốp chiếc Suzuki Alto. Cô hơn gã một tuổi và đang theo học ở một trường nữ y tá.

"Cô ta thật dễ thương," Hoshino kể với phiến đá. "Vú to, con người rất nồng nhiệt. Chà, cô ta mới máu làm sao! Hồi ấy, tớ mới mười chín và ngày nào chúng tớ cũng ở trên giường với nhau. Vấn đề là cô ta ghen không thể tưởng tượng nổi. Hễ ngày nghỉ nào không thấy tớ đến là y như rằng cô ta tra khảo tớ tới số, hỏi đủ thứ: đi đâu, làm gì, đi với ai... Tớ nói thật, cô ta cũng không thỏa mãn. Vì thế nên chúng tớ chia tay. Hai đứa đi lại với nhau được độ một năm. Không biết cậu thấy thế nào, chứ tớ thì không chịu nổi ai hỏi vặn vẹo mình. Tớ cảm tôi hấy như không thở được và đâm chán. Thế là tớ chạy làng. Cái hay của LLTV là anh có thể nằm lì không thò mặt ra khỏi căn cứ cho đến khi mọi sự êm xuôi. Và cô ta chẳng làm gì được. Muốn bỏ một em mà không bị lôi thôi gì, tốt nhất là xung vào LLTV. Cậu nên ghi nhớ điều đó. Nhưng ngoài cái ấy ra cũng cực lắm: nào đào hầm đào hố, nào đắp bao cát, đủ tội."

Càng kể, Hoshino càng nhận ra đời mình thật vô bổ biết bao. Bốn trong sáu cô gái đã đi lại với gã đều tốt cả. (Hai cô còn lại, xét một cách khách quan, thì hơi có vấn đề, gã nhận định). Hầu hết đều đối xử với gã khá tốt. Không có em nào đổ quán xiêu đình, nhưng mỗi em xinh theo kiểu riêng của mình và sẵn sàng chiều gã bất cứ lúc nào gã thích. Không bao giờ phàn nàn khi gã bỏ qua thao tác khai mào và huỵch luôn vào cuộc. Họ nấu ăn cho gã vào những ngày nghỉ, mua quà tặng gã vào dịp sinh nhật, cho gã vay tiền khi gã cháy túi mà chưa tới kỳ phát lương (gã không nhớ là mình có trả sòng phẳng hay không) và không bao giờ đòi hỏi gã phải đáp trả lại. Tất cả những ân cần ấy, thế mà mình rõ là thằng vô ơn, gã kết luận. Mình cứ coi mọi sự là đương nhiên.

Cũng phải công nhận rằng gã không lừa dối một ai trong số đó. Nhưng một khi em bắt đầu phàn nàn, cố giành phần thắng khi tranh luận, ghen tuông ra mặt, khuyên gã để dành tiền, quá khích động khi thấy tháng hoặc chỉ hơi tỏ ra lo lắng về tương lai, là gã "gút-bai" liền. Gã luôn cho rằng điều quan trọng nhất khi quan hệ với một cô gái là tránh mọi tình huống phức tạp, cho nên chỉ cần một con sóng nhỏ làm chao thuyền là gã biến ngay, tìm một em khác và bắt đầu lại từ đầu. Gã chắc mọi người ai cũng làm như thế.

"Nếu tớ là con gái," gã nói tiếp với phiến đá, "và đi chơi với một thằng cha ích kỷ như tớ đây, hẳn tớ sẽ mất kiên nhẫn. Giờ đây, khi nhìn lại, tớ dám chắc thế. Tớ không hiểu làm sao họ có thể chịu được tớ lâu đến thé. Thật lạ lùng. (Gã châm một điếu Marlboro và từ từ nhả khói, một tay vuốt ve phiến đá). Tớ nói đúng không? Tớ không đẹp trai, cũng chẳng phải là kiện tướng trên giường. Không nhiều tiền, không thông minh, không thuộc loại tai to mặt lớn. Đầy nhược điểm. Con trai một nông dân nghèo ở miền quê, cựu binh quèn trong LLTV chuyển ngành làm lái xe. Nhưng nghĩ lại, tớ thấy mình thực sự may mắn với phụ nữ. Tớ không thành công lắm, nhưng bao giờ cũng có một bạn gái. Một em nào đó cho tớ ngủ cùng, cho tớ ăn, cho tớ vay tiền. Nhưng cậu biết gì không? Những điều tốt lành không kéo dài mãi mãi. Thời gian qua đi, tớ càng cảm thấy thấm thía điều đó. Như thể có ai đang bảo, Này Hoshino, rồi sẽ có ngày mày phải trả giá đấy."

Gã vừa kể những cuộc phiêu lưui của mình vừa vuốt ve phiến đá. Quá quen tay với động tác đó rồi, gã không muốn dừng lại nữa. Đến trưa, tiếng kẻng ở một trường học vang lên và gã vào bếp nấu một bát udon với một ít hành và đập thêm quả trứng. Ăn trưa xong, gã lại nghe Tam tấu Archduke.

"Này, phiến đá," gã gọi ngay sau khi hết chương một, nhạc hay đấy chứ, nhỉ? "Cậu thấy không, nó làm cho trái tim mình mở ra."

Phiến đá lặng thinh.

Gã không biết là phiến đá có nghe hay không (dù là nghe gã hay nghe nhạc), nhưng gã cứ dấn tới nói tiếp. "Như sáng nay tớ đã nói, tớ đã làm một số điều gớm ghiếc trong đời. Tớ là thằng rất ích kỷ. Và bây giờ đã quá muộn để tẩy rửa hết, cậu hiểu không? Nhưng khi tớ nghe bản nhạc này, thì như thể ông Beethoven đang ở ngay đây nói chuyện với tớ, bảo tớ thế này, Thôi này Hoshino, đừng băn khoăn về chuyện ấy nữa. Đời là thế mà. Ta cũng đã từng làm một số điều khá gớm ghiếc. Chẳng thể thay đổi được gì đâu. Sự thể cứ xảy ra. Chỉ cần cháu kiên trì làm tốt hơn thôi. Trên thực tế, người như Beethoven chắc chẳng nói như thế đâu. Nhưng tớ cứ có cảm giác đó khi nghe nhạc của ông, tựa hồ như nó nói thế với tớ. Cậu có cảm thấy thế không?"

Phiến đá vẫn câm lặng.

"Dù sao đi nữa, đó chỉ là ý kiến cá nhân của tớ," Hoshino nói. "Tớ sẽ im miệng để chúng mình cùng nghe."

Lúc hai giờ, gã nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một con mèo đen béo múp ngồi trên lan can ngoài hiên nhìn vào căn hộ. Chán ngán, gã mở cửa sổ, gọi với ra: "Này mèo con, hôm nay đẹp trời phết nhỉ?"

"Vâng, quả vậy, hôm nay đúng là một ngày đẹp trời, thưa cậu Hoshino," mèo đá

"Lạ chưa kìa," Hoshino lắc đầu, nói.

Cái thằng tên là Quạ

Cái thằng tên là Quạ trễ nải lượn những vòng rộng bên trên khu rừng. Sau mỗi vòng, nó lại bay đến một chỗ khác và thận trọng bắt đầu một vòng mới giống hệt như trước. Những vòng đó nối nhau vẽ trong không khí những đường vô hình để rồi biến mất ngay sau đó. Như một chiếc máy bay trinh sát, nó thám sát khu rừng bên dưới, tìm một người nào đó mà nó chưa định vị được. Như một đại dương bao la, khu rừng lượn sóng bên dưới nó và trải ra đến tận chân trời với những cành lá chằng chịt đan thành một tấm áo choàng vô danh. Trời phủ đầy mây xám, ắng gió và cũng chẳng có nắng. Vào lúc này, cái thằng tên là Quạ hẳn là con chim cô độc nhất trên thế giới, nhưng nó không rảnh rang để nghĩ về điều đó.

Cuối cùng, nó phát hiện ra một chỗ hổng giữa biển cây phía dưới và lao xuống đó tới một khoảng đất trống. Ánh sáng lấp lánh trên một vạt đất xanh rờn cỏ. Ở một góc của khoảng đất trống đó, có một tảng đá tròn và một người đàn ông mặc một bộ đồ thể dục màu đỏ tươi, đội một chiếc mũ lụa đen đang ngồi trên đó. Ông ta đi ủng leo núi đế dày và một chiếc túi vải kaki đặt dưới đất bên cạnh ông. Một kiểu trang phục kỳ lạ, nhưng thằng cu tên Quạ bất cần. Đó chính là người nó đang tìm. Ông ta ăn mặc thế nào chẳng mấy quan trọng.

Nghe tiếng vỗ cánh đột ngột, người đàn ông ngẩng lên và thấy Quạ đáp xuống một cành to.

"Xin chào," ông ta vui vẻ nói.

Cái thằng tên là Quạ không trả lời. Đậu trên cành cây, nó thản nhiên nhìn người đàn ông không chớp mắt, thỉnh thoảng lại nghiêng đầu sang một bên.

"Ta biết con là ai," người đàn ông nói. (Ông ta bỏ mũ ra rồi lại đội vào). "Ta đã linh cảm là chẳng bao lâu con sẽ đến thôi." Ông ta hắng giọng, cau mày và nhổ xuống đất rồi lấy ủng di bãi nước bọt đó.

"Ta đang nghỉ ngơi và cảm thấy buồn chán vì chả có ai để trò chuyện. Sao con không lại đây? Chúng ta có thể chuyện gẫu một chút cho vui. Thế nào? Ta chưa từng gặp con, nhưng thế không có nghãi là chúng ta hoàn toàn xa lạ với nhau."

Thằng cu tên là Quạ vẫn ngậm miệng, khép chặt đôi cánh vào người. Người đàn ông đọi mũ lụa khẽ lắc đầu. "À, ta hiểu. Con không nói được, phải không? Không sao. Ta sẽ nói cho cả hai, nếu con không phiền. Ta biết con sắp làm gì, cho dù con không nói nửa lời. Con không muốn ta đi sâu thêm, phải không? Cái đó rõ rành rành, ta có thể đoán thấy. Con không muốn ta đi sâu thêm nữa, nhưng đó lại đích thị là điều ta muốn làm. Bởi vì đây là một cơ hội vàng ta không thể để tuột - cơ hội ngàn năm có một."

Ông ta vỗ mạnh vào ống ủng leo núi ở chỗ ngang mắt cá chân.

"Nói cho nhanh nhé, con không thể ngăn ta đâu. COn không đủ sức. Nói cho con biết nhé, khi ta thổi cây sáo của ta, điều gì sẽ xảy ra? Con sẽ không thể đến gần ta. Đó là ma lực nơi cây sáo của ta. Có thể con không biết, chứ đây là thứ sáo duy nhất, không phải sáo thường. Và thực tế, ta có mấy cây trong cái túi này."

Ông ta với tay ra, thận trọng vỗ vỗ cái túi vải, rồi lại ngước nhìn thằng cu tên là Quạ vẫn đậu trên cành. "Ta làm cây sáo này bằng những hồn mèo mà ta thu thập được. Moi hồn chúng ra ngay khi chúng còn sống và luyện thành sáo này. Dĩ nhiên, moi hồn chúng ra như vậy, ta cũng thấy ái ngại, nhưng ta không đng được. Cây sáo này vượt ra ngoài mọi ti về thiện/ác, yêu/ghét của thế gian. Làm những cây sáo này, từ lâu, đã là nghiệp của ta và ta luôn luôn nghiêm chỉnh hoàn thành vai trò của mình. Ta không có điều gì phải xấu hổ. Ta có vợ, có con và số sáo ta đã làm ra là trên mức vừa đủ. Cho nên ta sẽ không làm thêm nữa. Nói riêng với con, ta định gộp tất cả những sáo ta đã làm để tạo thành một cây sáo lớn hơn nhiều, có uy lực hơn nhiều: một cây sáo siêu cường tự thân nó là một hệ thống. Ngay bây giờ, ta đang đi tới một nơi mà ở đó ta có thể chế tạo cây sáo đó. Không phải ta quyết định cây sáo này sẽ phục vụ cho cái thiện hay cái ác, và cũng không phải là con. Mọi sự tùy thuộc vào việc ta ở nơi nào và lúc nào. Theo nghĩa đó, ta là người tuyệt đối không có thành kiến, cũng như lịch sử hay thời tiết, hoàn toàn không thiên vị. Chính vì thế, ta có thể biến thành một hệ thống."

Ông ta bỏ mũ ra, xoa dúm tóc thưa thớt trên đỉnh đầu, đội mũ tở lại, chỉnh nhanh vành mũ.

"Một khi ta thổi cây sáo này, ta có thể rũ bỏ con dễ như trở bàn tay. Có điều là ta không muốn thổi nó ngay lúc này. Phải vận dụng rất nhiều công lực và ta không muốn phí tí sức nào. Sau này, ta còn cần đến nó. Nhưng dù ta có thổi sáo hay không, con cũng không thể ngăn được ta. Nói thế là rõ ràng chứ."

Người đàn ông hắng giọng một lần nữa và xoa cái bụng bệu. "Con có biết cõi minh phủ là gì không? Đó là vùng trung lập giữa sống và chết. Một nơi buồn thảm, u ám. Nói cách khác, đó là nơi ta đang ở: khu rừng này. Ta đã chết ở ngay nhà mình, nhưng đã không đi sang thế giới bên kia. Ta là một linh hồn lang thang và một linh hồn lang thang thì không có hình thù. Ta khoác cái hình dạng này chỉ là tạm thời thôi. Vì thế con không thể làm gì được ta. Con hiểu chứ? Ngay cả nếu ta đổ máu tràn khắp chỗ này, thì đó cũng không phải là máu thật. Ngay cả nếu ta đau đớn ghê gớm, thì đó cũng chỉ là đau đớn giả. Kẻ duy nhất có thể tiêu diệt ta bây giờ là kẻ có đủ quyền lực để làm thế. Đáng buồn thay, con lại không đáp ứng tiêu chuẩn ấy. Con chẳng là cái gì hơn một ảo ảnh chưa đủ độ chíường thường bậc trung. Cho dù con quyết tâm đến đâu đi nữa, thì việc loại bỏ ta cũng là bất khả đối với những kẻ như con. (Ông ta nhìn thằng cu tên là Quạ và cười toét miệng). Thế nào? Có muốn thử không?

Như thể đó là hiệu lênh nó chờ đợi, cái thằng tên là Quạ xòe cánh, nhảy khỏi cành và lao thẳng đến ông ta. Nó giương móng quắp lấy ngực ông ta, ngửa đầu ra sau và vung mỏ như một cái cuốc chim nhằm ngực phải ông ta mà bổ tới tấp, vừa tấn công vừa đập cánh ầm ầm. Người đàn ông không hề chống cự, thậm chí không giơ một ngón tay phản đối. Không kêu, mà trái lại còn cười lớn. Mũ ông rơi xuống đất và con ngươi phải mau chóng nát bấy và lòng thòng lòi ra khỏi hố mắt. Bây giờ, thằng cu tên là Quạ ráo riết tấn công con mắt bên kia. Khi cả hai mắt chỉ còn là hai cái hốc trống không, nó chuyển ngay sang mổ túibụi vào mặt ông ta. Chẳng mấy chốc, mặt ông ta đã bị rách bươm, những mảng da bay tứ tung, máu trào ra, chỉ còn là một cục thịt đỏ lòm. Sau đó, Quạ tấn công đỉnh đầu ông ta, nơi tóc thưa nhất. Và ông ta vẫn tiếp tục cười rộ. Đòn càng ác hiểm, ông ta càng cười lớn, như thể tình tếh quá khôi hài khiến ông ta không nhịn được cười.

Ông ta không lúc nào rời mắt (lúc này chỉ còn là hai hốc trống) khỏi Quạ và thi thoảng, giữa hai nhịp cười, còn đế được vào vài câu: "Thấy không? Ta đã bảo mà. Đừng làm ta cười thế. Tha hồ cho con cố hết sức cũng không đả thương được ta đâu. Con không đủ khả năng ấy. Con chỉ là một ảo ảnh vật vờ, một tiếng vang mơ hồ. Bất kể con làm gì cũng vô ích thôi. Hiểu không?"

Cái thằng tên là Quạ bèn mổ vào cái mồm đang tuôn ra những lời ấy. Đôi cánh lớn của nó không ngừng đập, dăm chiếc lông đen bóng rụng ra, xoáy lộn trong không trung như những mảnh hồn. Quạ lấy mỏ cắp lấy lưỡi ông ta, tận lực kéo. Cái lưỡi dài và to tướng bị kéo ra từ cuống họng, nó giãy giụa như một con nhuyễn thể khổng lồ, thốt ra những lời tăm tối. Tuy nhiên, mất lưỡi, ông ta không cười đ7;c nữa. Có vẻ như cũng không thở được nữa, nhưng ông ta vẫn ôm bụng cười ngặt nghẽo, toàn thân rung lên theo những nhịp cười không ra tiếng. Cái thằng tên là Quạ lắng nghe và tiếng cười vô thanh ấy - rỗng huếch và đầy điềm gở như gió thổi trên một sa mạc xa xăm - cứ vang mãi trong tai nó, không dứt. Quả vậy, nghe như một tiếng sáo từ bên kia thế giới.

Bạn đang đọc Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 17

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.