Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Những Bức Thư Tâm Tình - P1

Phiên bản Dịch · 4250 chữ

Điều tốt đẹp nhất trên thế giới này chính là sự kết hợp giữa học tập và cảm hứng.

Wanda Landowska

1.Cảm ơn mẹ!

Tôi muốn được nói lời cám ơn tủ sách Sống Đẹp của các bạn vì chưa từng có cuốn sách nào lại làm tôi rơi nước mắt nhiều đến thế. Thật sự tôi có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong hầu hết các câu chuyện được kể ở đây.

Tôi hiện là học sinh lớp mười hai. Trong suốt bốn năm qua, tôi là một thành viên trong ban nhạc lễ hội của trường, nơi tôi gắn bó với nhiều bạn bè, thầy cô và phụ huynh. Trong suốt thời gian ấy, mẹ luôn bên tôi, luôn giúp đỡ tôi mọi việc mà không một lời than phiền. Thế mà, tôi chưa một lần biết nói “cảm ơn mẹ”. Không gì có thể sánh được vớẹ, nhưng tiếc thay, phải mất những mười bảy năm tôi mới nhận ra được điều đó.

Nếu muốn dùng một biệt danh để đặt cho mẹ, thì không gì chính xác cho bằng tên gọi “Tài xế”. Mỗi buổi hòa nhạc, mỗi cuộc thi tài, mỗi trận đá banh, mẹ đều chở tôi đến tận nơi và bao giờ cũng ngồi lại xem cho đến phút cuối với nụ cười tươi tắn trên môi.Mỗi khi bận việc không thể dự được, mẹ lại đứng chờ sẵn ở trường để đón tôi về. Tôi thật không tài nào hiểu được tại sao hằng đêm mẹ vẫn thích lái xe đến trường đón tôi vào lúc 10g30, để rồi chỉ nghe tôi xin hai mươi đôla và đi chơi với bạn chứ không về nhà cùng mẹ. Để kiếm tiền nuôi tôi, mẹ không hề quản công bán đủ thứ hàng, từ những lục lạc đeo cổ bò, chăn màn, cho đến những ấm đệm ngồi và những tờ phiếu mua hàng, miễn là tôi được sống sung sướng.

Giờ đây tôi đã là một học sinh lớp mười hai và đã có xe hơi riêng nên mẹ không cần đưa tôi đi đá banh hay tới các buổi hòa nhạc nữa. Nhưng mẹ vẫn thường đến xem tôi thi đấu hoặc chơi nhạc.

Gần đây, ban nhạc của tôi được mời đến Sở Giáo dục chơi nhân lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ngành Giáo dục Thực nghiệm(1). Khi xe buýt về gần đến cột cờ phía trước trường học, tôi chợt xúc động và thấy trống trải một cách kỳ lạ. Tôi đi loanh quanh bãi giữ xe để tìm mẹ mà chẳng thấy đâu. Tôi phải gặp mẹ để nói với mẹ rằng tôi sắp đi chơi nên không về với mẹ ngay được. Rồi tôi chợt nhớ ra giờ này mẹ đang ở nhà, và chắc đã ngủ say. Tôi chưa bao giờ mong mẹ đến đón tôi, mãi cho đến tận hôm nay, khi không thấy mẹ đứng chờ sẵn ở bãi giữ xe như mọi lần nữa.

Tối ấy, khi về đến nhà, tôi liền đánh thức mẹ dậy và nghẹn ngào nói với mẹ rằng tôi yêu và nhớ mẹ vô cùng, rằng tôi biết mẹ đã vất vả biết bao khi lái xe đưa đón tôi trong suốt bao nhiêu năm qua. Tôi nói rằng mỗi khi được mẹ ôm hôn, tôi vui sướng vô cùng vì biết rằng mẹ yêu tôi biết chừng nào. Mẹ chẳng nói gì cả, chỉ nhìn tôi, cười hạnh phúc mà nước mắt tuôn rơi.

Cảm ơn các bạn! Cám ơn những cuốn sách tuyệt vời đã dạy cho tôi biết lòng biết ơn và tình yêu thương với những người thân yêu nhất trên đời. Và con cũng cám ơn mẹ, mẹ của con!

Thân ái,

Rebecca Kross

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện chị tôi đã viết về người bạn trai của chị. Chị Jodi của tôi đã trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội khi phải đối mặt với một thực tại nghiệt ngã: người bạn trai gắn bó lâu nay với chị đang hấp hối vì một khối u não không thể phẫu thuật được. Jodi đã giúp Tim chống chọi lại căn bệnh ung thư với tất cả khả năng của mình, nhưng bất hạnh thay, vào ngày lễ Tình nhân năm 1997, Tim đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Jodi.

Nhưng chính trong nỗi đau tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi ấy, Jodi lại tìm thấy ý nghĩa mới mẻ về sự sống và cái chết. Câu chuyện của chị đã để lại trong tôi nỗi xúc động sâu sắc. Từng chữ từng lời chị viết có một sức lôi cuốn rất kỳ lạ, thế nên tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn, cũng như nhiều bạn đọc trẻ tuổi khác nữa.

Thân mến,

Kristi Vesterby

2. Anh vẫn luôn bên em

Khi một người thân qua đời, ta hãy nhớ mãi chứ đừng cố quên họ để vượt qua nỗi đau.Như thế ta sẽ cảm thấy người ấy vẫn như đang sống bên ta, cùng ta yêu thương và vượt qua thử thách.

Suốt mùa hè năm ấy, mỗi khi Tim đau đầu và chóng mặt, tôi đã có chút lo lắng, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng đó là những triệu chứng nghiêm trọng cả. Giờ đây nhớ lại, tôi tự hỏi liệu lúc ấy Tim có biết sức khỏe của mình đang gặp những dấu hiệu bất thường không. Chúng tôi hẹn hò với nhau được hơn một năm và đã thành một đôi thắm thiết. Lúc bấy giờ, trong mắt chúng tôi, cuộc đời chỉ toàn màu hồng.Chúng tôi tin rằng cả hai sẽ mãi mãi hạnh phúc bên nhau trong khoảng trời riêng. Khi các triệu chứng đau đầu và chóng mặt của Tim xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, tôi cũng như Tim đều biết sức khỏe của anh có vấn đề, nhưng tôi không thể hình dung được vấn đề đó là gì.

Đến mùa thi đấu bóng rổ, dấu hiệu bệnh tật của Tim đã rõ ràng hơn. Năm học cuối cùng ấy, Tim được chơi trong đội tuyển của trường như vẫn hằng ao ước.Khi cùng với bạn bè ngồi trên khán đài cổ vũ cho Tim, tôi cứ tự hỏi cái gì đang hành hạ thể xác anh. Trong trận đấu hôm đó, anh chơi một cách chật vật khi vừa di chuyển vừa đập banh trên sân, hoặc khi đảo người phòng thủ. Trong những lần tập luyện, số lần đánh bóng hỏng cũng ngày càng nhiều hơn. Vì thế khi bác Ann, mẹ Tim, bảo anh đến gặp bác sĩ để kiểm tra, Tim đã vâng lời ngay. Bệnh viện thị trấn Olivia không đủ trang thiết bị nên Tim phải chờ cho đến khi bệnh viện nhập được máy “MRI-Mobile” thì mới có lịch hẹn chụp não. Kết quả chụp phim cho thấy có một khối u đang lớn dần lên ở đáy vỏ não của Tim, và từ đó cuộc sống của chúng tôi không còn bình yên như trước nữa.

Tôi cùng gia đình Tim hồi hộp chờ bác sĩ chuyên khoa ung thư thần kinh đến để giải thích một số ý nghĩa phức tạp của tấm phim X-quang trong một phòng khám nhỏ. Thời gian chờ đợi sao mà dài đằng đẵng và nặng trĩu âu lo, nên tôi và Tim đã cố xua tan không khí ngột ngạt ấy những câu chuyện chẳng đâu vào đâu về bóng đá và lịch sử. Cuối cùng vị bác sĩ ấy cũng đến, và bước vào căn phòng đầy hơi người trong nỗi vui mừng của chúng tôi. Sau khi tự giới thiệu về mình, ông bắt đầu nói những điều mà chúng tôi đã biết, rằng Tim có một khối u đang chèn lên cuống não. Ông còn nói thêm rằng không thể giải phẫu khối u đó được, nhưng lúc ấy tôi không mấy lưu tâm về điều này. Khi ông bác sĩ tiếp tục dùng cả mớ các thuật ngữ y khoa rối rắm để giải thích thêm cho rõ, thì tôi không còn muốn nghe nữa và quay sang nhìn Tim. Anh ngồi phía trước tôi, làm ra vẻ lắng nghe từng lời bác sĩ nói, nhưng mắt cứ nhìn chăm chắm vào khoảng không như mất hồn. Tim không thích màu mắt của mình, cái màu mà anh vẫn gọi là “xanh ve-nâu-vàng- cam”. Tôi thường phải an ủi Tim, rằng dù không có màu sắc rõ ràng, nhưng trên khuôn mặt anh, tôi yêu nhất là đôi mắt, vì nhờ hai cửa sổ tâm hồn ấy, tôi đã thật sự nhận ra được tình yêu tha thiết anh dành cho tôi. Khi nhìn ai đó, anh luôn dành cho họ một ánh mắt trìu mến, âncần, tự hào và khích lệ. Thế mà giờ đây, đôi mắt đẹp ấy lại trở nên vô hồn.

Tôi sực tỉnh khi nghe bác Ann cất tiếng hỏi bác sĩ câu gì không rõ. Vị bác sĩ trình bày một số cách điều trị có thể làm teo khối u lại để gia đình Tim lựa chọn. Tôi tự hỏi sao ông không đưa ra một cách điều trị hiệu quả nhất luôn cho rồi. Khi suy nghĩ này còn đang lởn vởn trong đầu tôi thì mẹ Tim, không thể giấu được nỗi lo sợ, lạc giọng hỏi xem Tim còn sống được bao lâu nữa. Câu hỏi của mẹ anh xoáy vào lòng tôi đau thắt khiến tôi sửng sốt nhìn bác ấy. Sao bác ấy lại có thể hỏi một câu như thế cơ chứ? Tim sẽ không chết, và bác ấy thậm chí cũng không nên nghĩ là anh có thể chết. Không chút cảm xúc, vị bác sĩ trả lời gọn lỏn, “Khoảng một năm cho đến một năm rưỡi, nếu được điều trị.”

Những lời ông ta nói ra như cái gọng kìm siết chặt lấy cổ tôi, khiến tôi muốn nghẹt thở. Căn phòng vốn đã quá nhỏ ấy dường như lại càng hẹp thêm. Tôi cần không khí, và muốn chạy ngay đi, không chỉ để thoát ra khỏi căn phòng ngột ngạt này, mà còn để trốn chạy cả cái nghịch cảnh này trước khi ngã gục. Tinh thần tôi bấn loạn và kinh hãi với ý nghĩ tôi sắp mất đi một người mà tôi rất đỗi yêu thương.

Tim vẫn ngồi bất động. Im lặng bao trùm khắp căn phòng, đến nỗi tôi có thể nghe được nhịp tim mình đang vang lên thình thịch cùng với tiếng hít thở nặng nề. Tôi chẳng nghe thấy những gì ông bác sĩ nói nữa, và cũng chẳng biết ông ta đã rời phòng từ khi nào. Bác Ann đến ngồi bên Tim và vòng tay ôm lấy đứa con trai yêu dấu. Ai nấy đều khóc, trừ Tim. Anh ngẩng lên nhìn mọi người và mỉm cười nói, “Con sẽ không chết đâu.” Vậy là anh đã tuyên chiến với căn bệnh quái ác này.

Tôi bối rối đến nỗi không biết nên làm gì. Chỉ là bạn gái của anh thôi nên tôi không biết liệu mình có được phép sát cánh bên anh trong cuộc chiến này hay không. Ngay khi tôi nghĩ đây chính là lúc nên để Tim ở lại cùng với gia đình thì bác Ann chợt buông Tim ra, và anh ra hiệu cho tôi lại gần bên anh. Tôi ngồi lên đầu gối anh, âu yếm ôm lấy cổ anh, và nhắm mắt tì trán mình vào trán anh. Khi mở mắt ra nhìn vào đôi mắt anh, lần đầu tiên tôi bắt gặp một nỗi buồn mênh mang không lời nào diễn tả nổi. Nước mắt trào lên bờ mi anh và từng giọt từng giọt chầm chậm lăntrên má.

Dũng cảm hệt như một chiến binh, Tim nói rằng anh sẽ đánh bại những khó khăn trong cuộc đấu tranh giành lấy sự sống này. Anh tin rằng việc tìm các phương cách chữa trị chỉ là một thách thức cần vượt qua để chiến thắng căn bệnh ung thưđang lăm le cướp đi mạng sống quý giá của anh mà thôi.

Quả thật, Tim giống như một người anh hùng đang quyết tâm chiến đấu đến cùng. Tất cả những người mắc trọng bệnh như anh đều cần phải được trân trọng, vì họ không thể chọn lựa một cách chữa trị nào cho thật hiệu quả. Nhưng hãy làm bất cứ điều gì để chống chọi với căn bệnh vì các bạn còn gì để mất đâu k chứ? Xin đừng bỏ cuộc, vì điều đó có nghĩa là thất bại, là chấp nhận cái chết một cách hèn nhát. Vì thế, ngoài sự quan tâm săn sóc, tôi còn khuyến khích Tim phải luôn vững tâm chiến đấu và phải chiến thắng. Về sau, tôi nhận ra rằng, đáng ra mình không nên xem đó là một cuộc chiến và không có ai là người thất trận cả. Giá như lúc đó tôi có thể hiểu ra được điều ấy!

Người ta thử điều trị cho Tim bằng nhiều cách mà theo họ cách nào cũng có vẻ là hiệu quả nhất, đến nỗi anh chẳng thể nào đủ sức chịu đựng nữa. Mỗi ngày Tim phải nuốt hơn bảy mươi viên thuốc: nào là sụn cá mập, thảo dược, rồi nào là beta, turbo,... Vì người ta bảo những thứ thuốc ấy đều có tác dụng ngăn chặn khối u phát triển. Anh còn bị ép uống nước ép cà rốt, hết ly này đến ly khác, dù cho chất nước sền sệt màu cam ấy có mùi hăng hắc khó ngửi và để lại một dư vị khó chịu trong cổ họng. Họ còn thử nghiệm một số kỹ thuật tiên tiến như chụp ảnh dương bản, rồi dùng thiết bị chữa trị bằng cảm ứng từ này nọ. Điều ấy có nghĩa là mỗi ngày lại thêm một cách chữa trị mới, nhưng chẳng thấy một kết quả nào khả quan.

Giới y học cổ truyền phương Đông cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại căn bệnh của Tim, dù chẳng mấy ai tin tưởng ngành này sẽ đem lại một kết quả nào đó. Phương pháp giải phẫu không được xét đến vì vị trí của khối u không cho phép, thế nên các bác sĩ lại nghiên cứu những cách chữa trị khác để lựa chọn cách nào là tối ưu. Nhóm bác sĩ của Đại học Duke chuyên khoa về u não cung cấp một tài liệu nghiên cứu phương pháp xạ trị áp sát liều cao. Theo cách này, các bác sĩ sẽ dùng nguồn phóng xạ chiếu trực tiếp vào đáy cuống não của Tim hai lần mỗi ngày trong nhiều tháng liền. Khối u có teo lại phân nửa, nhưng không biến mất hoàn toàn. Quả thật cái khối u đó vẫn đang thách thức ngành y khoa hiện đại. Không còn cách nào khác, các bác sĩ lại thử dùng đến phương pháp hoá trị, nhưng chúng tôi đã chẳng còn chút hy vọng nào.

Tôi luôn ở bên cạnh Tim trong suốt thời gian điều trị, sẵn sàng đi cùng anh đến bất kỳ bệnh viện nào. Tôi không biết ba mẹ Tim (hay ba mẹ tôi) có bằng lòng không, nhưng chừng ư những gì tôi làm đã tiếp thêm sức mạnh và giúp Tim hạnh phúc hơn, nên các bậc phụ huynh cũng không tỏ ý phàn nàn gì cả. Vì vậy, lần khám bệnh nào của Tim, tôi cũng đi theo. Chuyến đi chơi nào của gia đình anh, tôi cũng đều có mặt. Thời gian tôi ở bên nhà anh có phần vượt quá giới hạn thông thường, nhưng tôi không chút nề hà hay e ngại. Từ vị thế “bạn gái”, chẳng mấy chốc tôi đã trở thành “người nhà” của Tim. Yêu Tim, tôi cũng yêu gia đình anh, và tình cảm ấy cho đến tận bây giờ vẫn không hề thay đổi.

Trong những tháng cuối đời, sức khỏe Tim suy sụp nhanh chóng. Trong dáng vẻ tiều tụy chỉ còn da bọc xương, thật không thể tưởng tượng được chỉ vài tháng trước đây thôi anh là một thanh niên cao lớn và vô cùng năng động. Nhìn Tim suốt ngày ngồi gập người trên chiếc ghế dựa trong phòng khách, tôi xót xa vì không biết làm cách nào giúp anh thấy dễ chịu hơn một chút. Anh phải dùng thuốc giảm đau nên hầu như suốt ngày tôi chỉ ngồi bên cạnh để trông chừng anh ngủ. Biết rằng nên để anh yên bình trong giấc ngủ say, nhưng những khi buồn quá tôi lại đánh thức anh dậy để trò chuyện, mà nào có nói được gì đâu.

Tôi thật sự đau lòng khi phải nhìn thấy một người trẻ trung, tương lai đầy hứa hẹn như anh lại biến thành một ông già tám mươi lụ khụ chỉ trong vòng có mấy tháng. Tôi nghĩ rằng, dù mắt không nhìn thấy, chân không thể tự bước đi và trí nhớ thì suy giảm, nhưng Tim không thể mất đi khả năng cười đùa. Làm cho anh cười là điều duy nhất tôi có thể giúp anh trong cảnh ngộ vô vọng này. Sau một khóa điều dưỡng ngắn hạn, tôi nhanh chóng học được cách chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thấy trách nhiệm quan trọng nhất của mình là giúp Tim luôn giữ được nụ cười, vì quả thật người ta khó mà bình tĩnh một khi chẳng còn tự chăm sóc bản thân được nữa. Làm sao Tim có thể chịu đựng cảnh một thanh niên mới mười chín tuổi như mình mà phải nhờ bạn gái đưa vào phòng tắm? Thế nên tôi cứ tìm cách bông đùa và trêu ghẹo anh, cốt làm cho anh cười. Tôi biết rằng cách chăm sóc tốt nhất là hãy cứ xem anh như một người mạnh khỏe. Tôi muốn giúp anh cảm thấy bình yên, dù rằng tôi chẳng thể có được cái cảm giác đó. Một ngày nọ, sau giấc nghỉ trưa thường lệ, tôi để ý thấy Tim mơ màng nhìn lên góc trần nhà bên phải của phòng khách. Trên gương mặt như đang bị thôi miên của anh thấp thoáng một nụ cười hạnh phúc. Phải mất mấy giây tôi mới nhớ ra là mắt Tim đã lòa vì khối u trong não anh đang dần dần chèn ép giây thần kinh thị giác. Vậy Tim có thể nhìn thấy gì nhỉ?

“Tim ơi, anh đang nhìn gì vậy?” tôi hỏi cho có hỏi.

“Anh nhìn thấy ánh sáng trên kia rồi em à,” anh trả lời mà không quay lại.

Mắt tôi nhòa lệ, nhưng cố nén tiếng khóc. Thực ra trong thâm tâm tôi đã đoán được anh nhìn thấy gì, nhưng tôi muốn anh trả lời rõ ràng hơn. Tôi hỏi tiếp, “Sao em chẳng thấy gì hết. Nó trông thế nào hả anh?”

“Đẹp lắm em à. Nhưng em không nhìn thấy được đâu.”

“Nói cho em nghe đi anh,” vừa tò mò vừa sợ hãi, tôi năn nỉ Tim.

Tim vẫn không rời mắt khỏi cái góc trần nhà ấy. Ngập ngừng giây lát, cuối cùng anh cũng nói được những gì khó nói, “Anh sẽ lên đó... sớm thôi, em à.” Lúc ấy, tôi không thể cầm được nước mắt nữa. Vì Tim không thể thấy tôi khóc nên tôi cứ để mặc cho nước mắt tuôn trào ướt đẫm cả mặt. Rồi tôi tằng hắng, cố nuốt cục nghẹn đang chẹn trong cổ, hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra để bình tĩnh lại. Đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để tôi cùng Tim đối diện với cái chết. Tôi có rất nhiều điều cần phải nói với Tim, vì anh và vì tôi nữa. Níu giữ chỉ khiến anh kéo dài đau đớn, thế nên tôi nói rằng anh cứ thanh thản ra đi bất cứ khi nào anh đã sẵn sàng. Và hứa với anh rằng tôi sẽ vui sống sau khi anh đã rời xa tôi.

“Em yêu anh nhiều lắm,” tôi nói, “và anh không thể tưởng tượng được em sẽ nhớừng nào đâu. Sẽ rất khó khăn khi phải sống quãng đời còn lại mà không có anh, nhưng em tin chắc có một ngày ta sẽ được gặp lại nhau.” Cuối cùng, Tim thôi không nhìn ánh sáng trên Thiên đường nữa, mà vươn người sang và đưa taycho tôi nắm. Một nụ cười yếu ớt nhưng mãn nguyện bừng sáng trên gương mặt thanh thản của anh. Tim nói, “Điều này cũng còn tùy ở em nữa đó.” Câu nói đùa này có nghĩa rằng tốt hơn cả tôi nên giữ bình tĩnh khi anh ra đi, nếu không thì tôi khó mà gặp lại anh ở cõi vĩnh hằng được. Đến giờ phút ấy, anh vẫn đủ tỉnh táo để nói những câu dí dỏm thông minh. Tôi nửa cười nửa khóc nhưng đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Tưởng rằng khó mà nói ra những gì cần phải nói, nhưng kết quả thật đáng mừng, vì Tim và tôi đã chia sẻ với nhau một trải nghiệm thật thiêng liêng. Đó là lần duy nhất tôi có cảm giác mình được đến gần Thiên đường và mãi mãi không bao giờ tôi quên.

Tối ngày 13 tháng Hai ấy, tôi rời nhà Tim trong tâm trạng não nề. Từ khi yêu nhau, để chiều ý tôi, bao giờ Tim cũng hôn tạm biệt tôi trước. Anh ngồi yên, mắt nhắm hờ, chúm môi chờ tôi cúi xuống, hôn và chúc tôi ngủ ngon. Trái với lệ thường, đêm ấy, trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, Tim nói lảm nhảm những gì không rõ khi tôi chuẩn bị ra về. Lúc cúi xuống hôn tạm biệt anh, tôi nghe hơi thở anh có phần nặng nề khó nhọc hơn bình thường, và tôi không được anh hôn đáp trả. Khi mặc áo khoác và mang giày vào, tôi chợt nhớ mai đã là ngày lễ Tình nhân. Trước khi ra cửa, tôi có nói với Tim rằng, món quà tuyệt nhất tôi muốn nhận là một tâm hồn thanh thản.Khi khép cửa lại, tôi tự hỏi không biết anh có nghe được những gì tôi nói hay không.

Sáng hôm sau, tôi đến nhà Tim, tay cầm một chùm bong bóng màu đỏ và trắng. Tuy anh không thể nhìn thấy món quà tôi mang đến, nhưng tôi vẫn muốn tặng anh một niềm vui nho nhỏ. Tôi thấy Tim đang lả người trên cái giường đặc biệt dành cho người hấp hối, ngực phập phồng theo mỗi nhịp thở. Chẳng hiểu sao tôi lại cho rằng anh sẽ không ra đi nếu không có tôi bên cạnh. Cả buổi sáng ấy tôi lặng lẽ nằm bên Tim, nắm chặt bàn tay anh. Khoảng 12g30, Tim trút hơi thở cuối cùng. Tôi không biết chính xác giây phút anh lìa đời, chỉ nhớ rằng khi tôi mở mắt ra thì anh đã đi rồi. Mẹ anh nức nở, “Thế là Tim ơi, từ nay con sẽ không còn bị co giật, không còn bị đau đầu nữa. Giờ thì con có thể tự do chạy nhảy, bay lượn! Mẹ yêu con nhiều lắm, Tim ơi!”

Tôi không nói được những lời ủi an và cũng không biết nói lời vĩnh biệt. Tôi chỉ thì thầm, “Hẹn gặp lại anh, Tim nhé.”

Dù cuộc đời Tim đã chấm dứt vào ngày 14 tháng Hai năm 1997, nhưng anh vẫn như còn sống bên tôi mãi. Tim giúp tôi trở thành con người lạc quan khi dạy cho tôi điều quan trọng nhất trong cuộc sống là biết tìm thấy hạnh phúc ở chung quanh mình. Tôi nhớ lại tất cả những giây phút hai chúng tôi còn vui vẻ bên nhau để nhận ra sự bất tử của anh: những chuyến đi câu chẳng được con cá nào; những lúc vừa ăn bỏng ngô vừa chơi bài không biết chán ở nhà tôi, và thỉnh thoảng hai đứa lại phá lên cười làm ba mẹ giật cả mình; những lần trêu chọc nhau khi anh ồ ề hát theo những ca khúc của Prince phát ra từ chiếc radio; và những giấc ngủ trưa trên chiếc trường kỷ mà nhịp đập trái tim anh đã thay cho lời ru dịu êm. Tôi nhớ... và tôi nhớ...

Tôi biết mình sẽ lại yêu, nhưng người ấy không thể thay thế được Tim. Và Tim vẫn sẽ cùng tôi đi nốt quãng đời còn lại. Anh sẽ bên tôi trong ngày lễ tốt nghiệp đại học. Anh sẽ bên tôi trong hôn lễ của tôi tại nhà thờ. Anh sẽ bên tôi khi tôi dạy cho bé con đầu lòng của mình chơi bóng ném. Và cuối cùng, hai chúng tôi nhất định sẽ gặp lại nhau khi tôi rời khỏi thế giới này.

Jodi Vesterby

Bạn đang đọc Đây là mùa của tình yêu của Jack Canfield
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 7

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.