Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 9

Phiên bản Dịch · 5352 chữ

Lật đật tới cúng thí thất thứ nhì cho bà Kế hiền. Cô Ba Ngọc lên trước một bữa, cô bày rước thầy chùa, cô lãnh đi chợ, cô biểu mời làng xóm, cô lo sắp đạt hết thảy cho em. Thượng Tứ cầm bánh xe(#1) đi qua Ông Văn mà rước vợ, vì vợ có nghén năm sáu tháng rồi, cậu không muốn đi xe ngựa.

Vợ chồng ông Hội đồng bằng lòng để cho con theo chồng về lo cúng tuần cho mẹ chồng. Nhưng mà khi cô Ba Mạnh ra đi thì ông Hội đồng kêu mà dặn rằng: “Hễ cúng tuần cho chị xong rồi con phải về, chớ đừng có ở miết ở bển đa, nghe hôn”.

Thượng Tứ đã quyết cãi sửa thói cũ, không thèm chơi bời xài phá nữa để tử tế với vợ mà lo lập thân. Mà ông Hội đồng không hiểu ý của rể, ông cố chấp lời giao kết lúc bình thường, ông không dung chế cho người trong khi nguy biến, ông muốn được phần ông, ông không kể phần rể, ông làm như vậy chẳng khác nào rể toan bước chưn vào đường phải, mà ông giăng tay ngăn cản, buộc nó phải đi trong đường quấy hoài.

Thượng Tứ nghe cha vợ dặn vợ phải về thì cậu lấy làm buồn, song buồn thì để bụng chớ cậu không dám thổ lộ ra như ngày trước nữa.

Rước vợ về nhà rồi, tối lại thừa lúc người trong nhà ngủ im lìm, Thượng Tứ ở trong buồng vặn đèn lên cho tỏ và nói với vợ rằng: “Hồi trước tôi khờ dại lắm. Tôi ham chơi bời xài phí, tôi hủy bạc mình, tôi làm buồn thầy má bên nhà, mà tôi lại làm sầu não cho má bên nây nữa. Bây giờ tôi nghĩ lại, thiệt tôi ăn năn biết chừng nào. Đã biết tôi chơi bời mấy tháng tốn hao hết mấy ngàn đồng bạc; song tôi ăn năn đây là ăn năn sự lỗi đạo làm chồng, làm rể, làm con, chớ không phải tại tốn hao đó mà tôi ăn năn, bởi vì nhờ có tốn hao đó tôi mới biết khôn, tôi mới thoát ra khỏi con đường quấy được. Tôi đã ăn năn cái lỗi cũ rồi, tôi đã có lạy thầy má mà xin dung thứ. Chẳng hiểu vì cớ nào thầy cứ ghét tôi hoài, nói thế nào thầy cũng không chịu cho mình về ở bên nây. Mình nghĩ đó mà coi, nhà cửa vườn đất của tôi như vầy, nếu tôi về bển mà ở, thì công cuộc bên nây bỏ cho ai? Còn nếu tôi ở bên nây, thì vợ chồng cách bứt nhau đã khó lòng, mà trong nhà không có đàn bà thì lấy ai coi sóc. Tôi buồn quá. Nếu mình thương tôi, mình không phiền tôi nữa, thì mình phải tính thế nào đặng về bên nây ở mà xem sóc việc nhà giùm cho tôi. Đã biết đạo làm con thì tùng quyền cha mẹ, nhưng mà gái có chồng cũng có đạo vợ chồng. Việc ở bên nây hay là ở bển, quyền quyết định tại nơi mình. Nếu mình muốn về bên nây thì cha mẹ cản sao được”.

Cô Ba Mạng nghe chồng nói như vậy thì cô ứa nước mắt mà đáp rằng: “Nhà cửa như vầy mình bỏ đi về bển mà ở sao được. Tôi cũng biết lắm chớ. Phận tôi thì tôi ở đâu cũng được hết. Theo lẽ thì tôi phải về ở bên nây đặng lo trông nhà trông cửa, chớ nhà mà không có đàn bà thì hư hao chịu sao cho nổi. Ngặt vì tánh ý thầy khó lắm. Thầy nói như rựa chém xuống đất. Việc gì cũng vậy, thầy nhứt định một lần mà thôi, ai cãi cũng không được. Thầy nói bởi vì thầy không có con trai nên hồi gả tôi, thầy có giao bắt rể, bây giờ dầu thế nào thầy cũng không chịu cho tôi về ở bên nây. Thầy nói như vậy, tôi biết làm sao. Mà tôi nghĩ, nếu tôi về bên nây thiệt cũng khó cho thầy má lắm, bởi vì trong nhà có một mình tôi, nếu tôi đi rồi làm sao”.

Thượng Tứ nghe vợ nói như vậy, cậu ngồi buồn hiu. Cậu ngó trân ngọn đèn một hồi rồi cậu nói rằng:

- Tôi biết mình còn phiền tôi lắm, mình chưa hết giận tôi đâu.

- Không, tôi có phiền giận chi đâu.

- Mình nói như vậy đó đủ chỉ rõ là mình không thiệt tình. Cách tôi ở với mình hồi năm ngoái đó, làm sao mà mình không phiền được. Mà mình phiền đáng lắm, tôi có dám trách mình đâu, nên mình sợ mà phải giấu.

- Thiệt a, chẳng phải bây giờ mà thôi, năm ngoái lúc mình đánh chưởi đuổi xô tôi đó, tôi cũng không giận mình nữa. Tôi tủi phận riêng cho tôi vô duyên thiểu phước mà thôi.

- Nếu mình không giận tôi, mà sao bây giờ tôi ăn năn rồi, tôi nhứt định lo sắp việc nhà không thèm chơi bời nữa, mà mình cũng không muốn về ở bên nây với tôi?

- Tôi muốn sao được. Tại thầy má, chớ phải tại tôi đâu. Thầy má không cho, tôi đâu dám cãi.

- Nếu vậy thì tình vợ chồng không có nghĩa gì hết!

- Vậy chớ đạo cha con tôi trái được hay sao?

- Xin mình nói dứt một lần. Vì thầy má không cho, nên mình không dám trái ý cha mẹ mà theo chồng phải hôn?

Câu hỏi thiệt là rõ ràng, mà vì sự rõ ràng ấy làm cho cô Ba Mạnh bối rối, nên cô không dám trả lời vội. Cô ngồi ngẫm nghĩ một chút, rồi cô cúi mặt mà đáp rằng: “Xin mình nghĩ lại mà thương giùm phận tôi. Không phải tôi không muốn theo mình về bên nây. Tại thầy không bằng lòng, tôi biết làm sao. Phận tôi thiệt là khổ quá. Thầy biểu tôi ở bển, mình muốn tôi về bên nây; tôi ở giữa, tôi không biết liệu làm sao cho vừa ý hai bên hết được. Mà thôi, mình đừng có buồn. Tuy thầy không chịu cho tôi về bên nây, song thầy có hứa cho tôi với mình qua lại. Được như vậy thì cũng chẳng hại chi lắm. Tuy tôi ở bển, song lâu lâu tôi cũng chạy qua thăm bên nây, chớ phải thầy má cấm tuyệt không cho tới lui hay sao mà ngại”.

Thượng Tứ thở dài đáp rằng:

- Vợ chồng mà phải phân rẽ mỗi người ở một nơi, lâu lâu mới đợc hiệp nhau một vài ngày, chẳng khác nào một người khách, thì có bàn tính với nhau được việc gì được. Tôi muốn có mình ở bên nây đặng hiệp với tôi mà làm - Mình tính làm việc gỉ?

- Tôi tỏ thiệt với mình, từ hồi nhỏ cho tới chừng cưới vợ, tôi ăn no rồi tính chơi cho vui, tôi muốn có tiền nhiều mà xài chớ không kể tới ai, tôi không thèm để ý vào việc gì hết. Từ hôm má mất tới nay, tôi chán ngán việc đời, tôi không thèm chơi bời nữa. Tôi ở nhà tôi nói chuyện với mấy người tá điền, rồi tôi đi dạo xóm tôi thấy bề ăn ở của mấy người ở trong đất nữa, thì tôi xốn xang trong lòng, tôi thương xót phận con nhà nghèo quá. Người giàu ở không ăn chơi sung sướng, mà lúa thóc bạc tiền có thêm hoài, không biết làm giống gì cho hết. Còn người nghèo là từ đầu năm chí cuối, chai tay nám mặt, mà ăn ở cực khổ, áo quần lang thang, già cả lụm cụm cũng chưa được nghỉ ngơi, con nít lớn lên thì không thể đi học. Tôi thấy như vậy tôi khó chịu quá. Tôi muốn tính từ rày sắp lên tôi không thâu tiền thổ cư của mấy người ở trong đất nữa. Còn mấy người mướn ruộng thì mùa tới đây tôi biểu họ đong phân nửa lúa ruộng mà thôi, còn phân nửa thì tôi cho họ đặng họ khá một chút, chớ để họ nghèo quá tôi nghiệp. Tôi tính như vậy đó, mình nghĩ thử coi được hay không?

Cô Ba Mạnh tánh tình hiền hậu, thuở nay cô ở với tá điền tá thổ thiệt là tử tế, cô chẳng hề khinh khi ai, chẳng hề hiếp đáp ai, chẳng hề khổ khắc ai; nhưng mà con nhà giàu, chỉ lo làm ra tiền chớ không ưa làm thất lợi, tuy cô không chịu độc ác, song cô cũng không biết cứu giúp, bởi vậy cô nghe chồng nói bỏ tiền đất, bớt lúa ruộng, thì cô chưng hửng, nhướng mắt ngó chồng mà đáp rằng:

- Mình tính như vậy sao được? Ở trong đất thì phải đóng tiền đất, ai có đất mà cho thiên hạ ở không bao giờ? Còn cho mướn ruộng, hễ người ta cho sao thì mình cho vậy, mình không tăng lúa ruộng là may, chớ sao lại bớt?

- Người ta làm sao tự ý họ, mình bắt chước họ làm chi. Tôi thấy người ở trong xóm họ nghèo cực tôi thương quá.

- Như ai nghèo thì mình cho họ đôi ba đồng bạc, hoặc năm mười giạ lúa mà thôi chớ.

- Cứu giúp như vậy cũng được; nhưng mà cho đôi ba đồng bạc hoặc năm mười giạ lúa, bất quá đỡ vớt họ trong ít ngày mà thôi, chớ làm sao cho họ bớt nghèo được.

- Trời ơi, ai làm sao cho họ hết nghèo cho được! Họ phải làm ăn thì họ mới hết nghèo chớ.

- Ở xứ mình, hễ nghèo thì có thế nào mà hết nghèo được. Mình nghĩ đó mà coi, làm ruộng tới mùa gặt đập được chừng 500 giạ lúa, phải đong lúa ruộng hơn ba trăm giạ, phải trả lúa trâu, lúa cấy, lúa gặt, lúa đập, lúa đất mạ, rồi còn giống gì đâu mà ăn?

- Tại họ nghèo thì họ phải chịu, chớ biết làm sao. Mà mình thương tá điền tá thổ của mình mình làm như vậy, mình chắc họ hết nghèo hay không? Tôi sợ mình tử tế quá, rồi họ dễ ngươi, họ không làm ăn, càng hại hơn nữa. Huống chi không phải nội tá điền của mình đây nghèo mà thôi. Thiên hạ nghèo xứ nầy qua xứ kia, mình làm sao mà làm cho hết thảy đều hết nghèo được?

- Mình thấy người ta nghèo khổ trước mắt mình đây, mình chịu không được, thì mình giúp cho họ, chớ lo cho hết thảy thiên hạ sao được? Nếu mình nói “thiên ha nghèo khổ nghèo lắm, tôi không có sức mà giúp hết thảy được, nên tôi không thèm cứu giúp ai hết”, thì té ra có một người nào được nhờ mình đâu? Không phải vậy, ở đời hễ mình có thế làm phải được chút nào thì mình làm chút nấy, chớ không nên nói: “Tôi không làm phải nhiều được, bởi vậy tôi không làm phải ít”.

- Mình làm theo mình tính đó, tôi sợ trong vài năm, họ không hết nghèo, mà mình phải nghèo theo họ.

- Dầu nghèo tôi cũng vui. Mà có sao đâu mà nghèo? Tiền đất thâu mỗi năm chừng một trăm, bỏ số đó cũng không hại gì bao nhiêu. Còn lúa ruộng của tôi gần bảy ngàn giạ, nếu tôi cho tá điền phân nửa thì tôi cũng còn phân nửa là ba ngàn rưỡi giạ xài không hết. Huống chi bây giờ tôi nhứt định không thèm chơi bời nữa, nội huê lợi miếng vườn cũng đủ ăn xài trong nhà, có chuyện gì mà phải tới nghèo?

- Không được. Mình bày chuyện trái đời quá, tuy tôi không dám cản mình, song tôi không dám dự vào.

- Tôi muốn trong việc gì cũng vậy, phải đồng vợ đồng chồng mới vui.

- Không. Mình làm sao thì làm, tôi không biết tới.

Thượng Tứ thấy vợ không hiệp ý thì cậu ngồi buồn hiu, hết muốn nói chuyện nữa, không thể bàn tính việc gì được.

Đi chơi bời thì ai nấy không vui lòng, nói đi chơi phải hư nhà hại thân. Muốn hòa hiệp với vợ, thì vợ không bằng lòng, nói không dám cãi lịnh cha mẹ. Tính ở phải với người nghèo khổ, thì vợ lại không chịu dự, nói làm như vậy là trái đời. Làm người có tiền sẵn mà không được xài đồng tiền, có vợ sẵn mà không được ở với vợ, muốn làm phải cũng không được làm, thế thì cái thân khốn nạn nầy trời sanh ra để giữ tiền bạc, phải chịu quạnh hiu, phải chìu phong tục cho đến mãn đời mãn kiếp hay sao?

Đám cúng tuần xong rồi, cô Ba Mạnh trở về cha mẹ, cô Ba Ngọc cũng trở về nhà chồng. Thượng Tứ ở một mình, cậu buồn bực chịu không nổi. Tuy mỗi ngày hoặc cậu xuống nhà thầy Ban biện, hoặc thầy Ban biện lên nhà cậu mà nói chuyện chơi, song thầy Ban biện là người làm quan, thầy chẳng nói chuyện chi khác hơn là thúc thuế, đi tuần, xét sổ công nho, bắt giải trộm cướp, là những chuyện không thích hiệp với trí ý của cậu, bởi vậy không giải buồn bực cho cậu được. Chớ chi cậu tuổi lớn, ngơ tai danh lợi, ưa thú thanh nhàn, trên đường đời ai dại khôn cực sướng mặc ai, cậu ẩn thân trong tòa nhà ngói, cậu an phận với thớt vườn dừa nầy, thì không đến nỗi gọi mình là vô phước. Ngặt vì cậu còn đương buổi thanh niên, tánh cường, huyết nhiệt, trí còn hăng hái, tình còn dồi dào, mà biểu cậu mỗi ngày nằm co trong nhà mà chờ hai bữa cơm, mỗi đêm phải chong đèn trong buồng mà ngồi nghe dế gáy, thì có thế nào cậu chịu cho kham. Thói nhà giàu là như vậy hay sao? Thú vợ chồng là vầy hay sao?

Thượng Tứ luôn buồn lòng trách phận, bỗng tiếp được một bức thơ của thầy Huỳnh văn Khả, là anh em bạn học ngày trước, gởi cho hay rằng thầy được cấp bằng làm ký lục tại Tòa bố Gia Ðịnh mấy tháng rồi, mà mời cậu ngày mùng 10 lên chung vui với thầy, vì ngày ấy là ngày thầy cưới vợ. Ấy là một dịp tốt cho Thượng Tứ đi thăm một người bạn thiết và giải buồn chút đỉnh nữa, bởi vậy đọc thơ rồi thì cậu liền nhứt định cậu sẽ đi.

Đến ngày mùng chín, cậu căn dặn thằng Ngộ với con Mang ở nhà coi nhà, và cậu mượn Hương hộ Huy với ông Ba Nở tối ngủ giùm, ngày xem xét, rồi cậu sắp áo quần vào hoa ly lên xe mà đi Gia Định. Vì trong thơ thầy Ký Khả không có nói nhà thầy ở chỗ nào, bởi vậy lên tới Gia Định, Thượng Tứ phải ghé Tòa bố mà hỏi thăm. Bếp hầu thấy cậu bận y phục tử tế, đi xe hơi rột rạt, nên lật đật chỉ nhà thầy Ký Khả ở dãy phố ngó qua lăng Ông, căn thứ ba.

Thượng Tứ vô nhà, thầy Ký Khả hết sức mừng rỡ. Cha mẹ bà con thầy Ký ở Gò Công đã lên đủ rồi, mà cuộc đám cưới cũng đã sắp đặt sẵn sàng rồi hết. Thượng Tứ hỏi thăm thầy Ký coi cưới con ai ở đâu, thầy Ký đáp rằng: “Tôi cưới con gái ông Phán Hương ở trong Xóm gà. Ông gia tôi biết tôi nghèo, nên không đòi vật gì hết. Tôi cũng không nhóm họ. Chiều nay 3 giờ, đàng trai vô làm lễ rồi ở luôn trỏng, đến tối ông gia tôi đãi tiệc. Tôi ở phố chật hẹp quá rước dâu không tiện, nên tôi ở luôn bên vợ 3 bữa, rồi vợ chồng mới dắt nhau về ngoài nầy”.

Thầy Ký Khả nói tự nhiên mà Thượng Tứ ngồi ngơ ngẩn, vì thuở nay cậu trầm trồ cô Thái Thị Thiên Kim, lúc mẹ tính đi nói vợ cho cậu, thì cậu có đòi cưới cô nọ, cậu không dè ngày nay anh em bạn của cậu lại được cái hạnh phước làm chồng người cậu đã mớ ước. Cậu thương thấy Ký Khả lắm, bởi vậy cậu mới nghe tin thì cậu ngơ ngẩn, nhưng mà cậu nghĩ lại, anh em của cậu được cái hạnh phước ấy còn tốt hơn là người khác được, nên cậu cười mà nói rằng: “Toa có phước lắm. Mỏa mừng cho toa vì mỏa nghe nói con gái của ông Phán Hương thiệt là đứng đán. Đời nầy cưới vợ chẳng cần lựa con nhà giàu, miễn là được người đồng tâm hiệp ý thì quí hơn. Mỏa có đi trước cái đường đó rồi mỏa thạo hơn toa, nên mỏa nói đây không phải là nói dóc đâu”.

Thầy Ký Khả là người chơn chất thiệt thà, nghe Thượng Tứ nói mấy lời ấy mà không hiểu cậu uất về việc vợ chồng, thầy lại nói rằng:

- Tôi mới lên làm việc trên nầy mấy tháng nay, tôi không biết con vợ tôi. Anh cũng hiểu phận tôi nghèo, tôi không đèo bồng chỗ giàu có sang trọng. Ông gia tôi ổng thấy tôi ổng thương, nên ổng kêu ổng gả. Còn anh có vợ chỗ nào rồi hay chưa?

- Mỏa cưới vợ hồi năm ngoái lận mà. Thôi học về ít tháng thì mỏa cưới.

- Sao anh không cho tôi hay? Anh cưới vợ ở đâu?

- Cưới bên chợ Ông Văn, cũng ở trong hạt Mỹ Tho. Mà cưới rồi cũng như chưa, bởi vì nhà ai nấy ở.

- Ủa! Sao vậy?

- Ông gia mỏa buộc mỏa phải về bển mà ở. Bà già mỏa mất rồi, mỏa biết bỏ nhà cho ai mà về bển được. Ổng nhứt định không cho vợ mỏa về bên nây, bởi vậy mỏa ở có một mình, buồn quá.

- Bác gái cũng mất rồi nữa sao?

- Phải, mất hơn một tháng nay.

Hai anh em nói chuyện mới tới đó, kế ông thân của thầy Ký xen vô mời Thượng Tứ đi họ giùm qua đàn gái, bởi vì bà con ở xa lên không được nên họ đàng trai coi thưa thớt lắm. Thượng Tứ lên đây đã sẵn lòng ở chung vui với thầy Ký cho đến cùng, mà nghe thầy Ký cưới con ông Phán Hương, thì cậu lại càng muốn ở đi họ hơn nữa, bởi vậy nghe mời thì cậu chịu lời liền.

Đến ba giờ chiều, Thượng Tứ mời chàng rể và ông sui bà sui lên xe của cậu mà đi qua đàng gái; còn sáu bảy người đi họ thì lên hai xe lô-ca-xông đã mướn sẵn cho đàn ông một cái, đàn bà một cái.

Qua tới đàng gái, Thượng Tứ ngồi chim bỉm, không muốn nói chuyện với ai hết, chỉ trông nàng dâu ra làm lễ đặng coi năm nay dung nhan có khác hơn năm trước hay không. Cách chẳng bao lâu nàng dâu bận áo rộng xanh trong buồng bước ra hiệp với chàng rể mà làm lễ ông bà rồi chào họ và ra mắt bà con bên chồng.

Thượng Tứ ngồi nhìn gương mặt rỡ như hoa vừa mới nở, tướng đi đứng yểu điệu mà có vẻ nghiêm trang, sánh với cô Hai hẩu thì nhan sắc cô Thiên Kim có phần hơn, mà lại có nét ôn hòa từ thiện nữa.

Làm lễ xong rồi, nàng dâu cởi áo rộng và mặc một mớ áo chẹt đi đãi khách. Cô sai trai dọn chế nước, cô mời họ đàn bà ăn trầu, cô đứng nói chuyện với chồng, cô đi coi chặt nước đá, cử chỉ nào cũng tự nhiên, câu nói nào cũng thanh nhã. Có lẽ thầy Ký Khả được vợ vừa thông thạo, vừa xinh đẹp thì thầy phỉ tình đắc ý, nên thầy đi vô đi ra miệng chúm chím cười hoài, mà một lát lại nói chuyện nhỏ nhỏ với vợ không ai nghe rọ nói chuyện gì, duy thấy chồng nói mà ngó vợ rất hữu tình, vợ gặt đầu mà cười rất hữu duyên.

Thượng Tứ liếc thấy anh em bạn của cậu say sưa với hạnh phước, thì cậu mừng thầm trong lòng mừng cho bạn có vợ được vui thú với chồng, mà cũng mừng cho ai có chồng khỏi tủi thầm duyên phận. Tuy mừng thì mừng, nhưng mà cậu thấy đám cưới nầy, rồi cậu nhớ đám cưới của cậu hồi năm ngoái, thì cậu khó chịu nhiều ít trong lòng. Thầy Ký Khả là con nhà nghèo mà vợ thầy cũng con nhà nghèo, sao bữa cưới, vợ chồng lại hân hoan như vầy? Còn mình là con nhà giàu mà vợ mình cũng là con nhà giàu, sao ngày mình cưới vợ mình không vui, mà coi bộ mình cũng không vui chút nào hết? Rõ ràng lời người ta nói “vợ chồng vui là bởi tâm đầu ý hiệp, chớ không phải tại ruộng rộng bạc nhiều” là lời nói trúng lắm mà.

Tiệc đám cưới mãn rồi, Thượng Tứ từ thầy Ký Khả mà về. Thầy Ký Khả đưa cậu ra xe; lúc bắt tay từ biệt nhau, cậu nói với bạn một lần nữa rằng: “Toa cưới vợ như vầy mỏa mừng cho toa lắm. Như vầy là hạnh phước, chớ không phải kiếm chỗ giàu có sang trọng mới gọi là hạnh phước được đâu”.

Khi ra đi, Thượng Tứ tính lên mừng bạn rồi ra Sài Gòn ở chơi ít bữa, mà chừng trở ra Sài Gòn cậu không muốn ở, nên tuy trời đã tối rồi, song cậu chạy thẳng về nhà.

Hồi ở nhà trường mới ra, Thượng Tứ liến xáo nóng nảy bao nhiêu, bây giờ cậu thấy thế cuộc, cậu hiểu nhơn tình, nên cậu trầm tĩnh ôn hòa cũng bấy nhiêu. Chuyện gì đáng nói cậu mới nói, chuyện gì đáng cười cậu mới cười. Từ ngày cậu đi đám cưới trên Gia Định rồi, thì cậu lại càng ít nói hơn nữa. Ở trong nhà nhiều khi đến hai ba giờ đồng hồ mà cậu không nghe cậu nói một tiếng chi với con Mang hoặc thằng Ngộ. Mỗi bữa cậu cứ nằm trên võng mà coi sách hoặc coi nhựt trình. Sớm mới cậu thường đi dạo một vòng trong vườn. Buổi chiều thì cậu đi vòng trong xóm, gặp con nít cậu thường cho xu hoặc bạc cắc, thấy người lớn cậu hay hỏi thăm công cuộc làm ăn. Vì cử chỉ cậu đổi khác xưa, nên ngày trước không ai được nói chuyện với cậu, mà bây giờ từ già chí trẻ ai cũng thân cậu, ai cũng kính yêu cậu hết thảy.

Cậu hết mong rước vợ về nữa được, nên cậu lo sắp đạt việc nhà. Cậu giao con Mang quản suất dưới nhà sau, coi cơm nước, coi gạo củi, giữ dầu hôi nước mắm, lo đi chợ mua ăn. Cậu giao cho thằng Ngộ xem xét cây trái trong vườn, coi mướn làm cỏ vét mương, coi bán dừa cau chuối mít. Cậu lại nói với Hương hộ Huy cho thằng con út, 12 tuổi, tên thằng Lạc, ở với cậu đặng cậu sai vặt như quét nhà, lau ghế, chế nước, đốt đèn, cậu hứa mỗi tháng cậu sẽ thưởng công cho nó ba đồng bạc.

Ngày 12 tháng 5 tới ngày làm tuần bá nhựt cho bà Kế hiền Lý Thị Nho. Cô Ba Mạnh gần ngày khai hoa, cô ột ệch quá, nên cô qua không đặng. Thượng Tứ cậy chị ruột với chị dâu lo lắng giùm cuộc cúng quảy.

Đêm vào đám, thầy chùa ngồi tụng kinh Kim cang Bác nhã trước bàn thờ, Hương chức trong xóm ngồi uống nước nói chuyện phía ngoài cửa. Thượng Tứ cúng rồi bước vô nhà trong thấy hai vợ chồng thầy Ban biện với cô Ba Ngọc đương ngồi trên bộ ván, cậu bèn ngồi lại đó mà chơi.

Cô Ban biện ngó thấy Thượng Tứ thì cô nói rằng: “Con Tư nằm chỗ nằm nơi rồi thế nào cũng phải rước nó về bên nây, chớ ở bển luôn hay sao? Vợ chồng mà ở một người một nơi vậy sao được”.

Thầy Ban biện đáp rằng: “Bác Hội đồng kỳ quá. Nói hết sức mà bác cũng không chịu, ai biết làm sao bây giờ”.

Thượng Tứ châu mày nói rằng: “Tại ông gia tôi mà cũng tại vợ tôi nữa. Nếu nó biết đạo vợ chồng, gái có chồng đi theo chồng, thì ai làm sao mà cản nó được. Tôi biết nó không có thương tôi. Nó cứ nói tại hồi trước có lời giao, bây giờ ông gia tôi không cho nó về bên nây, nên nó là con, nó không dám cãi. Anh chị cũng hiểu, hồi trước má tôi giao kết, thì có dè cuộc lỡ dở như vầy đâu. Bây giờ rủi má tôi mất, nhà cửa minh mông, ai cũng biết tôi không thế nào bỏ đi đâu được, mà nó làm ngặt không chịu về bên nây, tức thị là nó không thương tôi chớ gì. Thôi, tôi không cần nữa. Nó muốn ở bển nó ở. Tôi ở một mình tôi cũng được. Vậy chớ mấy tháng nay không có nó đó, tôi lại chết chóc gì”.

Cô Ba Ngọc cười mà nói rằng:

- Em giận em nói lẫy như vậy, chớ chị biết con Tư nó thương em lắm. Ngặt vì một bên thì chồng, một bên thì cha, có lẽ nào nó bỏ bụng cha mà theo ý chồng. Em nói em cũng phải xét lại cho nó chớ.

- Vậy mà chị còn binh nó nữa!

- Không phải chị binh. Nói phải quấy cho em nghe chớ binh giống gì. Em để đó em coi, không lẽ bác Hội đồng lột da mà sống đời. Để chừng bác trăm tuổi già rồi coi con Tư nó về bên nây hay không mà.

Cô Ban biện nghe nói như vậy bèn hớt mà đáp rằng:

- Dữ hôn! Vợ chồng còn nhỏ mà cách bức nhau, nói như cô vậy thì đợi biết mấy mươi năm nữa mới sum hiệp.

- Đây đó mà xa xắc gì! Qua lại với nhau cũng được mà. Mấy tháng nay không có cỏn, mà thằng Tư nó sắp đặt trong nhà coi cũng xong quá.

- Coi chớ nhà không có đàn bà, không ai xem xét trong ngoài, nghĩ cũng khó lắm chớ. Phần chú Tư nó còn nhỏ, chú ở một mình chú cũng buồn.

Thượng Tứ bèn nói rằng: “Chị Hai nói phải. Tôi buồn thiệt, mà dầu vợ tôi về bên nây đi nữa, sợ tôi cũng không hết buồn được, bởi vì vợ chồng tôi không giống ý nhau. Thà là nó ở bển, tôi ở bên nây một mình tôi muốn làm việc gì tự ý tôi”.

Cô Ban biện cười mà nói rằng: “Bộ chú nầy muốn cưới vợ bé hay sao, nên chú nói như vậy?” Thượng Tứ chưng hửng, cậu ngó ngay chị dâu mà hỏi rằng: “Vợ bé đâu mà cưới? Không, tôi không có tính việc đó đâu. Cưới vợ bé làm chi? Một vợ đó đủ mà làm cho tôi ngán rồi, cưới thêm nữa chịu sao nổi. Cái đời của tôi hư rồi, bây giờ tôi không còn biết cái gì là vui nữa hết. Các sự mơ ước của tôi mấy năm trước đã tiêu tan, đã rời rã hết rồi. Bây giờ sở thích của tôi là sớm mới dạo vườn, buổi chiều dạo xóm, tối nằm coi sách mà thôi”.

Thầy Ban biện cười mà nói rằng: “Em còn nhỏ tuổi mà em nói chuyện nghe như ông già. Phải, mấy tháng nay qua thấy em không chơi bời nữa thì qua cũng mừng. Nhưng mà ở đời cái gì cũng vừa vừa vậy thôi, thái quá không nên, mà bất cập cũng không tốt. Em cũng phải đi chơi chút đỉnh mà giải khuây, miễn là mình đừng có chơi mấy việc hư thì thôi chớ”.

Thượng Tứ ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Ở đời nầy có việc nào là việc hư, còn việc nào là việc nên. Có nhiều người nhơ nhuốc mà thiên hạ áp xưng tụng, còn nhiều kẻ thanh cao mà thiên hạ lại khinh khi. Có nhiều việc mình cho là phải, mà họ cho là bậy, thế thì dầu làm việc gì, dầu chơi cách nào, hễ thích chí thì thôi, cần gì phải dò miệng thiên hạ. Như hôm trước tôi tính chuyện giúp đỡ nhà nghèo mà vợ tôi nó nói làm như vậy là trái đời. Anh nghĩ đó mà coi, giúp nhà nghèo mà gọi là trái đời, thì còn giống gì nữa mà nói”.

Hai vợ chồng thầy Ban biện với cô Ba Ngọc không rõ việc của Thượng Tứ đã tính, mà cũng không hiểu ý Thượng Tứ chán đời, nên nghe em nói như vậy thì cười với nhau rồi bỏ nói qua chuyện khác.

Có đám làm tuần, bà con chòm xóm tụ lại đông, thì Thượng Tứ giải khuây được chút đỉnh. Chừng mãn đám rồi, ai về nhà nấy thì cậu lại buồn hiu.

Một buổi chiều, vừa lúc mặt trời chen lặn, cậu đi xóm về, còn đứng ngoải cửa ngõ mà ngó mông. Mấy đám mạ ở giữa lộ đã gần đúng lứa rồi, nên phơi màu xanh lè, lại gió thổi đùa ngọn coi như sóng giợn. Xa xa, thấy có một người đầu đội nón lá, vai vác cái cày, lùa cặp trâu đi trong ruộng, người vác nặng đi cáng náng, trâu lội nước văng túa sua.

Người buồn mà thấy cảnh không vui thì trong lòng càng thêm buồn, bởi vậy Thượng Tứ đứng tiu hiu, dạ ngậm ngùi, trí viễn vọng. Cậu nhớ chuyện nầy qua chuyện nọ, rồi nhớ hôm trước chị dâu nói cậu muốn có vợ bé, thì cậu mỉm cười. Cưới vợ bé làm gì? Mình đã dại quá, hồi cưới vợ mình không kén chọn, chớ chi hồi đó mình lựa người như con ông Phán Hương hay là con ông Giáo Chuột mà cưới, thì bây giờ có đâu mà buồn như vầy.

Thiệt, từ khi vợ chồng phân rẽ, Thượng Tứ chẳng hề có tính kiếm vợ bé bao giờ, mà bây giờ cậu cũng không có tính tới việc đó. Lúc cậu mê mẩn cô Hai Hẩu thì cậu có tính để vợ rồi sẽ cưới cô. Ấy là cậu đương giận vợ, nên cậu muốn đổi vợ, chớ không phải muốn hai vợ. Bây giờ vợ cậu đã gần ngày khai hoa, mà cậu lại biết cái lỗi trước là lỗi của cậu, bởi vậy cậu không dám tính bỏ vợ nữa, thế thì cưới vợ bé sao được. Mà tuy là cậu không tính cưới vợ bé, song câu chuyện vợ bé đã chạm vào trí cậu rồi. Nếu lúc nầy mà có người như cô Thiên Kim hoặc cô Hai Hẩu vẩn vơ trước mắt cậu, thì cũng chưa ắt cậu giữ vẹn lòng son cùng vợ lớn cậu được.

Bạn đang đọc Con Nhà Giàu của Hồ Biểu Chánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.