Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

THỀM ĐÁ GIỮA BIỂN

Phiên bản Dịch · 4811 chữ

Sau bản tin hôm đó, tụi nó ít khi gặp được chú Thanh. Mà cho dù gặp được, chúng cũng chả biết nên nói gì. Lúc tụi nó hỏi thăm thì chú cũng chỉ nói là tụi nó cứ lo làm việc của mình đi, chuyện này chú tự lo được. Nhưng nhìn vẻ mặt căng thẳng của chú, Mạnh cũng thấy cắn rứt lương tâm. Vậy mà hôm trước nó còn hầm hầm giận chuyện bị trừ lương.

Nhưng tụi nó cũng phải nhanh chóng quên chuyện đó vì bây giờ chúng phải ngập đầu lo công việc trên đảo lẫn ngoài đảo. Chưa kể mớ bài thu hoạch dồn lại cả tuần. Tối thứ sáu, cả lũ tập trung trên Đá Lửa. Mạnh uống một ngụm rồi đặt ly đá chanh lên ghế. Nó xoay xoay bản đồ khu vực núi:

‘Có ai thích leo núi không, mình sắp được đi leo núi đó!’

Đức liền xung phong giơ tay trước, trong miệng còn cồm cộm một miếng mận:

‘Tui nè! Ê mà núi nào vậy?’

Mạnh lườm Đức với bộ mặt khó coi:

‘Phanxipang, đi hông?’

Đức nuốt cái ực mớ hỗn độn trong miệng:

‘CÁI GÌ!’

Mạnh lắc đầu với Đức, nó bật mô hình của núi Phan xi păng lên trên bàn kèm hình chụp một con hươu trên sườn núi. Băng chỉnh lại mấy chỗ đánh dấu trên mô hình, phóng to lên khu vực sườn núi lên. Sau khi Băng đã đánh dấu những chỗ vệ tinh thu hình được, Mạnh chỉ vào mô hình ba chiều của dãy núi:

‘Tạm thời mai dẹp vụ khảo sát hàng tuần đi! Có thể phải tốn cả ngày để tóm cổ mấy con vật này. Theo kế hoạch thì…tụi mình có một con vật thích chơi mấy trò mạo hiểm đó. Coi đi thì biết.’

Mạnh mở đoạn phim ra coi lại. Cả một bầy hươu nhảy lóc chóc qua vách đá. Đây là loài vật ưa sống nơi núi cao, vách đá dốc, vô cùng khó tiếp cận. Chưa kể thời điểm này là lúc lạnh nhất trong năm trên núi, băng tuyết phủ khắp nơi. Vụ này coi bộ khó nhai hơn cả vụ lũ dơi nữa.

Trong lúc cả lũ đang căng não ra nghĩ cách tóm cổ mấy con vật đó thì Đức lại ngồi nhai mận răng rắc. Khi cả đám nhìn Đức, nó mới ngừng nhai và đẩy dĩa mận ra giữa bàn. Có vẻ như nó thấy hơi tội lỗi khi ăn một mình. Mạnh nhìn nó và lên giọng:

‘Mày rảnh quá ha!’

‘Thì tui chưa ăn tối mà!’

‘Ăn cái gì hông có cấm! Làm ơn nhai nhỏ lại cho em nói cái anh hai!’

Mạnh thò tay lấy một quả ăn ngấu nghiến. Tụi nó trố mắt dòm lại Mạnh. Nó làm thinh một cách hiển nhiên:

‘Nhìn cái gì! Nó mời thì tui ăn!’

Cả nhóm cười hinh hích. Giỡn xong, Mạnh mò lại coi vị trí đó nằm ở đâu trên ngọn núi. Trong khi đó, Đức nhìn qua nhìn lại mô hình ngọn núi một cách háo hức:

‘Quao, vậy có cần đồ nghề leo núi chuyên nghiệp không?’

Mạnh tỉnh lụi:

‘Đáng tiếc là…không! Toàn bộ những điểm đánh dấu đều nằm rải rác quanh cái núi Phanxipang cao chót vót đó. Chỉ có mấy thằng leo núi luyện tập lâu ngày trở nên trâu bò rồi mới chịu nổi. Không khí trên đó thì…loãng!’

‘Chính xác hơn là lượng oxi ít hơn nên có thể sẽ gây khó chịu cho tụi mình nếu lên đó mà không chuẩn bị trước!’ Băng thêm vào.

‘Băng nói đúng đó! Ngoài không khí loãng thì còn kể đến nhiệt độ. Bây giờ đang là tháng mười hai, nhiệt độ xấp xỉ trên dưới 0. Tới đó mà không thành đá cục là may lắm rồi!’

Bỗng nhiên Băng với Mạnh cùng lên tiếng:

‘Vì vậy tụi mình nên tăng thêm khả năng thích ứng trước khi lên đó!’

Tụi nó nhìn nhau hơi ngạc nhiên. Băng nhường lời cho Mạnh vì nó là nhóm trưởng. Nó tiếp tục:

‘Còn nữa…’

Mạnh phóng to địa hình núi ở và đẩy nó lên trên tường cho dễ nhìn. Sau đó, nó chỉ chỏ:

‘Địa hình ở đây nếu nói là hiểm trở thì là nói giảm rất nhiều rồi. Nói đúng nghĩa đen: nguy cơ loãng xương…’ Nó nhấn mạnh ‘…rất là cao. Hầu hết địa hình là sườn đá dốc phủ tuyết nên vô cùng trơn. Nếu nhè lúc đang bám trên vách mà tay run một cái vì lạnh là hiểu rồi há!’

Chợt nhớ ra gì đó, Đức lên tiếng:

‘Nhưng bộ đồ vẫn hỗ trợ được chúng ta mà phải không?’ Tinh bẽn lẽn hỏi.

Mạnh liếc qua chỗ Tinh nhắc nhở:

‘Được, nhưng không nên ỷ vào mấy thứ đồ công nghệ nhiều quá.’

‘Vậy mai mình làm gì?’ Đức hỏi với dáng bộ hơi thất vọng.

Băng mở sơ đồ Đá Lửa ra, phóng lớn một vách đá ngoài khơi rồi bảo:

‘Tụi mình sẽ lên vách đá này tập leo núi và tiện thể gắn thẻ luôn!’

‘Gắn thẻ? Cho con gì vậy?’ Đức tò mò.

‘Hải âu xám!’ Mạnh liếc Đức ‘Ngoài đó có mỗi mấy con chim đó thôi chứ còn con gì nữa đâu!’

Sớm hôm sau, chúng chuẩn bị leo lên mấy vách đá dựng đứng ngoài biển. Trước khi đi, cả lũ kiểm tra lại mấy thứ đồ nghề: cuộn dây, găng tay, mấy chai nước, cái cặp kiêm áo giáp bảo vệ như mọi khi và một bịch cá tươi.

Đức cầm bịch cá lên hỏi:

‘Cái này để làm gì vậy?’

Mạnh nhe răng cười:

‘Có gì đói đem ra nướng ăn!’

Vừa nói xong, nó liền cau mặt lại:

‘Cho chim ăn!’

Đức không tin lắm, nó cầm bịch cá hỏi lại Băng cho chắc cú:

‘Ê, tụi mình đem cái này theo làm gì vậy?’

Nhỏ cố nhịn cười rồi nhắc lại y chang vậy:

‘Bạn Mạnh nói rồi đó. Cho chim ăn!’

Thay vì nhảy ào ào qua mấy cành cây như mọi khi thì lần này cả đám lội bộ dưới đất. Hầu như mỗi lần lại đây làm việc thì chúng lại chia ra mỗi người đi một nơi trên đảo để khảo sát, hiếm có khi nào cả đám đi chung với nhau trừ lúc nghỉ trưa và tối lúc, khi mà cả lũ đã về khu căn cứ. Vì thế, chúng tận dụng thời gian đi bộ ra bờ biển để nói chuyện.

Đức khoanh tay, quay người đi ngược lại với ba đứa kia hỏi:

‘Ê Tinh, sao tui thấy hai chị em bạn vui quá ha. Cùng là chị em, mà lại là sinh đôi nữa chứ. Vậy sao tui thấy sao hai người khác xa nhau vậy?’

Tinh lắc đầu và nói nhỏ nhẹ:

‘Mình cũng không rõ nữa.’

Mạnh lườm Đức, phán ngay:

‘Sinh đôi đâu nhất thiết phải giống nhau. Hai người mặt đã giống nhau rồi còn giống nhau về tính tình nữa thì đố ai phân biệt nổi. Còn mày nữa, đi lùi đi, lát vấp cục đá là té * nha con.’

‘Theo mình biết thì mã gen không quy định tính cách mà là do cuộc sống xung quanh.’

Mạnh với Đức xém bật cười khi nghe Băng nói vậy. Mạnh kéo hơi ra:

‘Ờ hờ…’

Nó cười cười rồi nói tiếp:

‘Mà kể ra cũng hay thiệt nha Tinh, bạn hiền bao nhiêu thì con nhỏ chị của bạn dữ bấy nhiêu!’

Tinh hơi xuống sắc khi nghe vậy. Quên mất, dù gì con nhỏ đanh đá kia cũng là chị của Tinh. Mạnh liền xuống giọng:

‘Tui nói vậy thôi chứ hổng có gì đâu, bạn đừng có buồn!’

‘Không sao đâu!’ Con nhỏ làm bộ tươi tỉnh.

Dưới ánh nắng ban mai, tự nhiên Mạnh thấy cô đẹp lạ lùng. Nó liền đi sát cạnh Băng, buột miệng hỏi:

‘Ê, nhà bạn có giàu hông vậy?’

Không phải tự nhiên mà Mạnh lại hỏi như vậy. Thật ra là nó tò mò chuyện này lâu rồi, chính xác là từ lúc nó mới quen Băng. Nhưng mới biết nhau mà hỏi thì thấy cũng kì nên thôi.

‘Bạn hỏi làm chi vậy?’ Băng ngạc nhiên.

Đức bỗng ở đâu xộc ngang:

‘Ừa, ông hỏi làm gì vậy? Có ý đồ gì hả?’

Mạnh nghiến hai hàm răng vào nhau trèo trẹo:

‘Chuyện đó có mắc mớ gì tới mày hông?’

Rồi nó quay qua Băng liếc cô từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nói:

‘Thôi được, nói thiệt bạn đừng buồn nha! Tại tui thấy bạn ra dáng tiểu thư nhà giàu quá. Lẽ ra ba má bạn phải cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa chứ sao lại để đến đây làm cái việc khảo sát, thu thập mẫu vật mỗi ngày vậy? Tui với thằng Đức đứa kia làm cái việc này còn được chứ bạn thì…’

Nó kết thúc câu nói bằng vẻ lắc đầu không tin nổi. Băng hồn nhiên nhìn nó bảo:

‘Thì mình thích công việc này mà!’

‘Vậy ba mẹ bạn cho bạn đến đây làm luôn? Hổng có bị mắng hả?’ Nó hỏi kĩ hơn.

Băng gật đầu:

‘Ừ!’

Kế đó, Mạnh nhe răng nanh hỏi với nụ cười nham hiểm:

‘Ủa, hổng có sợ bị đen da hả? Thủng tầng ozon rồi tia cực tím chiếu xuống dễ bị đen lắm đó!’

‘Không. Mình ở đây hai năm rồi nhưng có thấy gì đâu. Nhưng sao bạn hỏi vậy?’

Mạnh như đứng trơ ra, câu trả lời này nằm ngoài dự tính của nó. Nó nhăn mặt ngó Đức, Đức cũng chỉ nhún vai cho qua. Mạnh bật cười rồi bảo:

‘Đây, đưa tay ra.’

Rồi nó đưa cánh tay cháy nắng của mình lên so rồi bảo:

‘Thấy chưa! Bị phơi nắng thành vậy đó!’

Nó cười khì khì rồi bỏ tay xuống. Đức liền chỉ vô tay Mạnh, nhe hàm răng khỉ ra chọc:

‘Xạo bà cố! Cái này là nó ở dơ thì có!’

‘Có mà mày ở dơ thì có! Giỏi đưa tay lên coi biết liền!’

‘Đây, sợ ông hả!’

Đức vừa đưa tay lên, Mạnh liền đập tay nó xuống:

‘Mày mới ở dơ thì có, tay còn đen hơn tao!’

‘Ông mới ở dơ đó!’

Thấy tụi nó cãi lộn ỏm tỏi lên, Băng bụm miệng cười rồi tách ra đi lại nói chuyện với Tinh. Ngó thấy vậy, Mạnh liền đi qua đó, bất thần đặt tay lên vai Tinh khiến cho con nhỏ hết hồn:

‘Còn bạn! Tinh, sợ đen da hông?’

Nói xong, nó với Đức cười khì khì. Thấy Tinh ấp úng không biết nói gì, Mạnh bảo ngay:

‘Nói giỡn thôi, khỏi trả lời!’

Sau khoảng hai tiếng đi bộ xuyên rừng, chúng đã tới được rừng sú vẹt. Bên kia rừng sú chính là lâu đài của loài hải âu xám, một vách đá dựng đứng nằm ngoài biển. Mạnh ngó một vòng khu rừng rồi nhe răng cười động viên:

‘Xắn ống quần lên chuẩn bị chống lầy thôi bà con! Hà hà!’

Không phải tự nhiên mà nó lại nói vậy. Khu vực này toàn là đất bùn ngập mặn, chỉ cần đạp nhẹ lên là chân lún ngay xuống vũng bùn nhớp nháp. Tụi nó phải bám chặt vào các thân cây sú vẹt mà đi từng đoạn một.

Sú vẹt là loài cây ưa mặn, chúng có bộ rễ thân khá lớn. Rễ cắm chặt xuống bùn và hình thành các khoảng không nhỏ ở bên trong. Cá thòi lòi, còng biển và một số loài sâu bọ hay tận dụng những nơi đó làm nhà.

Đức bám lấy rễ cây, lê chân ra khỏi vũng bùn một một cách vất vả, nó cằn nhằn:

‘Thằng Mạnh này, sao không nhảy lên mấy cành cây cho lẹ. Mắc gì bắt cả đám phải lội qua đây chứ?’

Mạnh chôn chân trong vũng bùn, rướn người ra sau, vung vẩy ngón tay lên về phía Đức, cười khoái chí:

‘Vậy nó mới vui.’

‘Sình không, có gì đâu mà vui. Ông muốn hành người ta thì nói đại đi!’

Vừa lúc Băng với Tinh lội tới chỗ mình, Đức hỏi ngay:

‘Hai bạn thấy có gì vui hông?’

Băng thì không muốn mích lòng ai nên nhẹ nhàng nói:

‘Mình thấy cũng đâu có sao!’

Tinh chỉ cười rồi lội nhanh qua chỗ Đức và không có ý kiến gì cả. Mạnh liền đập tay đắc thắng:

‘Thấy chưa, có ai nói gì đâu, có mình mày nhiều chuyện nãy giờ!’

Nó chỉ tay xuống chân mình bảo:

‘Mà mày coi đi, mới đi bộ thôi mà lún dữ vậy rồi. Nhảy nhót trên cây lỡ hụt chân cái chắc nguyên người lãnh đủ luôn đó!’

Trong lúc cả lũ phải đi qua cái nơi lầy lội này một cách khó khăn thì lũ còng biển lại khá thảnh thơi. Chúng bò lạch cạch trên bãi sình, moi moi đất kiếm ăn, hễ nghe tiếng động lạ là chúng rúc ngay vào mớ rễ cây. Mấy con cá thòi lòi thì có vẻ gan hơn, chúng nhan nhản lội qua lội lại hai ba con như để chứng minh khả năng đi lại trên cạn tuyệt vời của mình.

Mạnh nhìn lên cành cây, cười khẩy:

‘Hớ, ở đây mà cũng có mặt mấy con này nữa hả!’

Xui cho bọn thòi lòi là lũ nhông đất cũng có mặt ở đây, chúng đi theo đàn khoảng chừng chục con. Hầu như nơi nào trên đảo cũng có mặt lũ choi choi này. Chúng nhảy tưng tưng trên các cành sú vẹt và canh me con cá thòi lòi nào bất cẩn. Chỉ cần nhắm được con mồi thích hợp, cả đàn nhông đất khoảng sẽ nhảy xuống vồ lấy ngay lập tức.

‘Qua… sao lựa chỗ gì mà cao quá vậy ba? Leo tới nơi chắc tới trưa luôn quá…’

Đức há hốc miệng ngay khi thấy nguyên một vách đá dựng đứng trước mặt mình, chỉ cần đi thêm một quãng ngắn qua cồn cát là tới.

Mạnh chỉ ngón cái vào Băng:

‘Tao lựa hồi nào, chị Băng lựa đó! Tập leo lên vách đá này tiện thể gắn chíp cho mấy con chim luôn. Bữa trước có mấy con bay lạc ra khỏi khu đảo này bị tàu đánh cá phát hiện đó.’

Cả lũ thanh thủ ra ngoài biển rửa sạch tay chân. Lầy lội nãy giờ, đứa nào đứa nấy cũng dính đầy bùn đất.

Cồn cát dưới chân chúng khá mịn, có màu trắng lấp lánh. Nhưng cồn cát này chỉ lộ ra khi nước triều xuống thấp, như lúc này chẳng hạn. Tới khi nước triều lên thì con đường độc nhất dẫn ra vách đá sẽ bị nước biển cắt đứt hoàn toàn. Mỗi lần nước dâng lên và rút xuống như thế, trên cồn cát lại xuất hiện các vỏ sò đủ màu sắc, chúng cứ như một món quà do đại dương để lại vậy.

Đức nhặt một cái vỏ ốc lên bảo:

‘Ê, mấy cái cũng đẹp lắm đó, lụm vài cái đem về chơi hông?’

Mạnh làm bộ mặt cau có, nghiến răng kẽo kẹt:

‘Mày rảnh quá ha!’

‘Ê, tui hổng phải thằng duy nhất rảnh nha!’

Đức cười khì khì rồi chỉ tay về phía Băng với Tinh, tụi nó cũng đang lụm mấy cái vỏ ốc lên ngắm nhìn với vẻ thích thú. Trời ạ, đúng là con gái. Mạnh ráng nuốt một hơi vô bụng và bảo cả đám:

‘Thôi, lấy đồ nghề ra chuẩn bị đi. Ở đó mà sưu tập vỏ sò với vỏ hến!’

Nhìn cái bản mặt quạu quọ của Mạnh, tụi nó chỉ còn biết ráng mà nhịn cười rồi bắt đầu lôi đồ nghề ra khỏi ba lô. Cả đám cột dây, kiểm tra khóa an toàn, móc đầu dây trên người mình vào cọng dây bảo hiểm và kéo dài ra một đoạn để giữ khoảng cách. Chúng đeo ba lô lên trở lại, bám chặt tay vào vách đá và bắt đầu leo lên.

Mạnh dẫn đầu đi trước, cứ leo được một quãng là nó lại ghim một cái chốt vào vách đá. Vừa leo lên, nó vừa nhắc:

‘Bám chắc vô và di chuyển cùng lúc cho kịp!’

‘Rồi, cả đám biết rồi, cần gì ông nhắc!’ Đức thở dài.

Mạnh dừng lại, thả lỏng cọng dây đang siết chặt quanh eo nó:

‘Ý tao đang nói mày đó, leo lẹ lên, tay chân làm gì mà uể oải vậy. Mày leo chậm là cả đám chậm theo đó!’

‘Vậy sao không thả mỗi người sợi riêng đi, tự nhiên bắt cả đám móc chung vô sợi dây!’

‘Cột chung vậy lỡ có một đứa té thì kéo cả đám xuống theo luôn chết chùm cả đám cho vui!’ Dọa cả đám xong, nó liền cười khì khì trong bụng.

Đức thì chả sao nhưng Tinh bất chợt ngước đầu nhìn xuống dưới với bộ mặt lo lắng.

‘Ý bạn Mạnh là nếu lỡ có ai trong bốn đứa mình xảy chân cũng còn ba người kia giữ lại!’ Băng vội giải thích.

Đức lại nói hùa theo Mạnh:

‘Ủa, tui tưởng có gì rớt xuống thì người ta dễ hốt xác hơn chứ!’

Mạnh liền chỉ ngón tay xuống bảo:

‘Ờ nó có lí!’

Và chúng phá ra cười khinh khích. Rất may là Băng với Tinh đã quen với cách nói chuyện của hai đứa này nên cũng chẳng sao. Chứ nếu là là người khác chắc phải nhanh chóng tháo dây, leo ngược trở xuống từ lâu rồi. Vài cơn gió nhẹ thổi qua, điều này tương đối dễ sợ khi đang treo mình trên vách đá chênh vênh như thế.

Tuy nhiên đây lại là nơi làm tổ khá thú vị và ưa thích của loài hải âu xám. Có thể nói nơi này là một pháo đài bất khả xâm phạm, rất thích hợp để bảo vệ lũ chim con. Cách duy nhất để lên được mấy cái tổ nằm chênh vênh trên vách đá này là đường bay hoặc bám vào vách đá mà leo lên. Vì vậy những con vật săn mồi hay những kẻ trộm trứng háu ăn đều rất khó tiếp cận chỗ này. Cho nên hải âu bố mẹ có thể yên tâm ra ngoài bắt cá, chúng không cần phải lo lắng quá nhiều cho lũ con của mình.

Nhưng thứ gì cũng có hai mặt cả. Đây sẽ là nơi an toàn tuyệt đối nếu như lũ chim con chịu ngồi yên trong tổ. Bố mẹ của chúng làm tổ sát bên trong các vách đá để đảm bảo sẽ không có con nào trượt chân rơi xuống dưới biển. Nhưng thỉnh thoảng có vài con nghịch ngợm bò ra khỏi tổ và rơi khỏi mép đá.

Chẳng hạn như lúc này, một con chim đang ngóng người ra khỏi tổ và cố nhoài ra vách đá. Mạnh lấy chân đá đá nó vô trong tổ lại và ngồi tạm nghỉ trên phiến đá. Mấy đứa kia cũng tranh thủ ngồi xuống lấy lại sức, tụi nó hơi đuối khi phải di chuyển liên tục từ bãi lầy dưới kia lên đây.

Vừa đặt mông xuống, Đức liền lên giọng:

‘Trời ơi coi thằng Mạnh ác hông! Đá con người ta vậy à!’

Mạnh chỉ trừng mắt nhìn một cái, lôi chai nước ra nhấp môi. Đức quệt mồ hôi:

‘Làm gì cũng phải nhẹ nhàng chứ! Đá đá lỡ đạp bẹp lép nó sao?’

‘Hờ! Vậy mày muốn tao làm sao hả?’ Mạnh cười thách thức.

‘Dĩ nhiên là không làm như ông rồi! Con người ta dễ thương như vậy mà đá đá!’

Đúng lúc đó, một con chim non khác lon ton ra khỏi tổ. Mạnh chỉ ngay vô đó ra ý thách thức. Đức liền hăng hái đưa tay nẫng cục lông trắng lên:

‘Coi nè…’

Bỗng nhiên Băng cản Đức lại:

‘Đức, đừng bắt nó!’

Cả Tinh cũng xua tay cản nó lại. Biết trước sẽ có chuyện xảy ra, Mạnh lập tức ngồi né ra một khoảng. Nhưng đã quá muộn, con chim non đã nằm lọt thỏm trong tay Đức. Nó liền quay qua hỏi ngạc nhiên:

‘Ủa, sao vậy?’

Con chim rụt cổ lại và bắt đầu lên cơn nôn ọe. Ngay lập tức, con vật rướn cổ lên và bắn ra một thứ chất nhớt từ cổ họng. Thế là Đức lãnh trọn ngay tại chỗ, vẻ mặt hăng hái ban đầu biến mất, thay vào đó là bộ dạng nhăn nhó như khỉ. Bây giờ Đức cẩn thận cầm con vật đặt nó trở vào tổ như thể nó sắp sửa phát nổ tới nơi vậy. Sau đó, nó cố quẹt quẹt lau sạch thứ nhớt dính trên mặt mình xuống với giọng khó chịu:

‘Trời ơi! Cái gì kinh vậy?’

Mạnh cố nhịn cười để khỏi bị sặc nước. Trong khi đó, Đức đang ra sức lau cái thứ dính dớp đó khỏi mặt nó. Lẽ ra Mạnh đã muốn nói với Đức về việc này. Nhưng nghĩ lại thì tốt nhất là khỏi nói để cho nó chừa cái tật táy máy.

‘Là dầu cá chứ là cái gì nữa!’ Mạnh cười.

‘Dầu cá? Sao trong bụng chim lại có dầu cá chứ?’

Mạnh quay mặt qua Đức, tay còn cầm chai nước và mồm há hốc. Nó chỉ vô giáp tay của Đức:

‘Tao nói thiệt hổng hiểu mày đeo cái này làm gì nữa?’

Đức liếc bộ mặt hung thần của Mạnh rồi lại nhìn cái vòng tay của mình. Rồi như sực nhớ ra gì đó, nó cười cười:

‘Ủa, à! Quên, quên, làm gì dữ vậy!’

‘Mày thì có nhớ cái gì đâu mà đòi quên!’

Mấy con chim nhỏ dễ thương này coi vậy chứ thương không có dễ. Thức ăn chủ yếu mà bố mẹ chúng mang về là cá. Lũ chim non chỉ tiêu thụ phần thịt và giữ lại phần dầu lỏng sệt trong bao tử như một thứ vũ khí phòng vệ. Chúng sẵn sàng phun thứ dầu lỏng đó ra để đẩy lui bất kì kẻ nào dám bén mảng đến gần tổ.

Sau một hồi nghỉ ngơi, chúng tiếp tục leo lên. Trên tay chúng bắt đầu xuất hiện mấy vết chai nhỏ và có cảm giác hơi rát do không mang găng tay. Găng tay có thể bảo vệ được tay chúng nhưng làm cho các ngón tay kém linh hoạt hơn khi bám vào vách đá đầy hơi nước ở đây. Dù vậy việc này cũng không quá khó chịu mấy nếu chỉ thỉnh thoảng làm việc này.

Một cơn gió mạnh bất chợt thổi qua. Chúng tạm ngừng leo và bấu chặt vào vách đá. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đó, Mạnh hơi rùng mình khi nhìn xuống vách đá cheo leo bên dưới.

Bỗng nhiên có tiếng đá nứt gãy và Tinh trượt chân rơi xuống. Mạnh liền rời tay ra khỏi gờ đá và nhảy né qua Đức với Băng. Một tay, nó bám chặt vào gờ đá trong khi tay kia chụp lấy tay Tinh.

‘Bạn không sao chứ Tinh?’ Giọng Băng lo lắng.

‘Hở?’

Mạnh bất ngờ nhìn qua bên trái, Băng cũng đang nắm chặt lại tay kia của Tinh. Băng cũng hơi bất ngờ khi thấy Mạnh. Nhưng tạm bỏ qua chuyện đó, chúng nhanh chóng kéo Tinh lên vì sợi dây bảo hiểm trên người cô đang căng hết cỡ. Mạnh lo lắng:

‘Bạn leo tiếp được không?’

Sau khi đã có chỗ đặt chân chắc chắn trên gờ đá, Tinh thở dốc lấy lại hơi. Trông Tinh có vẻ mệt mỏi, hình như Tinh dễ mất sức hơn so với tụi nó. Con nhỏ thở hổn hển và cố tỏ ra cương quyết:

‘Mình…mình không sao! Mấy bạn cứ leo tiếp đi, mình theo kịp được mà!’

Canh đúng lúc đó, Đức quơ tay đập vô vách đá bộp bộp:

‘Ê, xí lát! Cho hỏi chuyện gì vừa mới xảy ra vậy? Làm gì mà tụi bay phối hợp ăn ý quá vậy? Người thì chụp tay trái, người thì nắm tay phải kéo Tinh lên!’

Lòng bàn tay phải Mạnh có cảm giác hơi ngứa nhưng vẫn bám chặt mỏm đá. Nó lập tức giơ tay còn lại cuộn nắm đấm lên:

‘Ăn ý cái đầu mày đó, thằng ông nội! Người ta trượt chân xuống hổng phụ kéo lên thì thôi còn ở đó nói!’

‘Trời, tui chưa kịp làm gì thì ông nhảy qua rồi. Làm tui còn tưởng con gì bay qua người tui nữa. Hai tay Tinh bị hai người chụp rồi thì kêu tui chụp chỗ nào nữa. Hổng lẽ kêu tui nắm đầu người ta kéo lên!’

Cả đám phì cười, còn Mạnh xua tay lạnh lùng:

‘Được rồi, leo tiếp đi!’

Mạnh chĩa hai đầu ngón tay ra đo đo:

‘Một, hai, ba, bốn…Còn khoảng chừng hai mươi mét nữa là tới rồi đó! Lẹ đi!’

‘Chắc hông ba?’ Đức làm bộ nghi ngờ.

‘Ai biết! Đo đại!’ Mạnh nhe răng trả lời cho có.

Nó chọc cho cả đám phì cười. Việc đó cũng làm cho Tinh lấy lại tinh thần nhanh chóng.

Vài phút sau, chúng cũng lên tới đỉnh. Đức nhảy tưng tưng quanh thần không hô de, de và đập tay mấy đứa bạn mình. Băng với Tinh cũng đưa tay ra đập để cho có chút ăn mừng thắng lợi. Người mà Đức đập tay cuối cùng là Mạnh. Hiển nhiên là Mạnh đâu có thích mấy trò vớ vẩn đó nên Đức chụp tay Mạnh lên mặc cho nó có đồng ý hay không và đánh bốp một cái.

‘A…!’ Mạnh nhăn mặt khi bị Đức đánh vào tay.

‘Tui đánh có cái làm gì la ghê vậy!’

Giờ thì Mạnh đã biết tại sao khi nãy nó cảm thấy ngứa ngứa ở lòng bàn tay phải. Chắc là do bị vách đá cứa vào, tệ thật. Đã vậy còn bị thằng Đức đánh bốp một cái.

‘Chết, xin lỗi, tui hổng biết!’

Mạnh thả ba lô xuống lấy chai nước ra và xối lên chỗ chảy máu. Sau đó, nó lấy băng keo cầm máu dán lên. Một phút sau, nó tháo lớp băng keo ra, miệng vết thương đã được bịt kín. Mạnh vừa ngước đầu lên thì thấy cả đám chụm lại xem Mạnh có sao không.

‘Bạn có sao không?’

Băng hỏi thăm, Tinh cũng lo lắng đứng sát bên cạnh Mạnh. Đức còn điên hơn, ngồi ngay bên cạnh nó dòm, nhe răng cười.

Mạnh nổi quạu:

‘Trời ơi! Có vết xước thôi, hông có chết đâu mà lo. Lấy đồ nghề ra gắn thẻ cho mấy con chim chóc đi!’

Thẻ đây là một mảnh vi mạch theo dõi hành trình rất nhỏ và mảnh, được gắn bằng cách bấm cơ thể của con vật. Sau khi bấm lên, phần chỉ kim loại tự động luồn qua lớp da rồi kích hoạt thẻ. Theo đó, thông tin về đường đi, tầm hoạt động của con vật sẽ được gửi lại về khu trung tâm trên đảo.

Nhưng để gắn được thẻ theo dõi lên người lũ hải âu trưởng thành cần chút kiên nhẫn. Chúng cột dây kim loại vào một con cá chết rồi kiếm một chỗ ngồi chờ. Chỉ cần con nào đáp xuống là tụi nó ập vào bắt lấy, bấm thẻ ngay vào cẳng chân. Cách này cũng hao hao việc câu cá, cột mồi vào lưỡi câu rồi đợi.

‘Người ta ngồi bên bờ sông câu cá, còn tụi mình thì ngồi đây câu chim!’

Trong lúc cả đám cười hinh hích, Đức chợt thì thào:

‘Ê, mà lỡ mình giật dây lại tụi nó bỏ mồi bay luôn thì sao?’

Mạnh giơ ống thuốc mê trên giáp tay ra dọa:

‘Thì đây!’

Dù lũ hải âu phản kháng khá dữ khi bị tóm lại nhưng tụi nó cũng bấm được hơn chục thẻ mà không cần phải bắn thuốc mê. Về tới nhà, Mạnh thấy mệt lả người, không có bộ áo bảo vệ hỗ trợ đúng là mỏi người kinh thiệt. Nhưng thôi, dù sao đây cũng là buổi tập, tới chừng hôm lên Phan xi păng sẽ xài tới cái ba lô kiêm áo giáp. Khi đó chắc chắn sẽ đỡ mất sức hơn.

Bạn đang đọc Buổi Đầu Của Bình Minh của kietvanl
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 18

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.