Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Tả Ao - Bậc thầy phong thủy

Tiểu thuyết gốc · 1481 chữ

Chương 1 : Câu chuyện gia đình

Ông tổ tôi tên Vũ Đức Huyền, tự Địa Tiên, sinh ra ở vùng Sơn Nam[1], về sau do loạn lạc mà gia đình phiêu bạt và đến định cư tại Hà Tĩnh. Ông tổ Vũ Đức Huyền xuất thân bần hàn, mẹ của ông lại bị mù lòa từ khi ông còn nhỏ. Ông là một người con có hiếu, nhưng gia đình quá nỗi cực khổ. Để có tiền mua thuốc chữa mắt cho mẹ, ông đi ở không công cho một vị thầy lang bên Trung Quốc sang hành nghề bốc thuốc chữa bệnh.

Thấy ông là người con hiếu thảo, hiền lành, hành xử khôn khéo lại khôi ngô nhanh nhẹn, vị thầy lang kia đã đưa ông theo sang Trung Quốc làm người giúp việc và hứa khi ông trở lại cố hương sẽ cho ông một khoản tiền đủ lớn để chăm sóc mẹ già. Vì mong muốn mẹ già có cuộc sống an nhàn lúc tuổi già, ông quyết định tạm xa nơi cố hương.

Vốn tư chất thông minh lại cần cù chịu khó, ông đã học được nghề cắt thuốc chữa bệnh mù mắt. Có một hôm, sau khi lên núi hái thuốc, đang trên đường về ông đã cứu và chữa khỏi đôi mắt cho một thầy địa lí. Thầy địa lí này vốn là người ở vùng khác, đến đây để xem phong thủy cho một vị huyện lệnh. Trên đường về nhà gặp sơn tặc, chúng không những cướp hết của cải mà còn hủy đi đôi mắt của ông, vì sợ ông tiết lộ vị trí của chúng. Sau khi được cứu giúp và chữa trị cho đôi mắt, thầy địa lí thấy ông khôi ngô, sáng dạ liền xin phép vị thầy lang được đưa ông đi để đền đáp công ơn.

Ông thầy địa lý tên Sở Hạnh Thiên, nổi tiếng khắp hai miền Triết - Giang thời bấy giờ. Sau một thời gian theo học, ông tổ Vũ Đức Huyền như cá gặp nước chẳng mấy chốc đã nắm bắt được những tinh hoa của bộ môn phong thủy, về dương trạch (chuyên về nhà cửa, dinh thự, chỗ ở cho người sống) và về âm trạch (định vị, an táng người chết dựa trên la bàn). Cả đời Hạnh Thiên ngao du thiên hạ, bốn bể là nhà để chọn được mảnh đất tốt nhất cho gia chủ. Thấy Đức Huyền là người nhân hậu lại có ơn cứu mạng, vì vậy Sở Hạnh Thiên đã hết lòng truyền dạy kiến thức về thuật phong thủy cho ông.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, Đức Huyền rời Đại Việt đã tròn mười năm, lo lắng cho mẹ già cao tuổi mà không có ai phụng dưỡng, ông xin phép thầy về cố hương để báo đáp công ơn sinh thành của mẹ. Thầy Hạnh Thiên đồng ý cho ông về quê cũ đồng thời cũng dùng một phép thử, xem Địa Tiên đã nắm bắt được nội dung của nghề phong thủy đến đâu. Hạnh Thiên chôn 100 đồng xu xuống cát, yêu cầu Địa Tiên phải dùng hương cắm xuống đất để tìm 100 đồng xu đó. Đức Huyền nhanh chóng cắm trúng vị trí của 99 đồng xu và 1 đồng xu chỉ lệch sang vài tấc. Thấy vậy, thầy Hạnh Thiên phải thốt lên: “Từ nay nghề phải truyền sang nước Nam rồi”. Để hạn chế điều này ông đã ra một điều kiện với Địa Tiên rằng: “Những kiến thức mà Địa Tiên học được về phong thủy không được truyền lại cho con cháu. Nếu làm trái, gia tộc con cháu sẽ gánh phải hậu họa khôn lường”. Địa Tiên đồng ý, xin nghe theo lời dặn của sư phụ, từ biệt nơi xứ người về với quê cha đất tổ, với người mẹ hiền đang ngày đêm mong chờ con.

Sau mười năm bôn ba xứ người, học được những tinh hoa về y học và phong thủy học từ nơi được coi là cội nguồn của các kiến thức đó, ông đã chữa được mắt cho mẹ, đồng thời hành nghề địa lí, lấy vợ sinh con ổn định sự nghiệp, nhưng lúc nào cũng canh cánh trong lòng về lời dặn của sư phụ khi từ biệt. Nhờ tài năng thiên bẩm, chẳng mấy chốc danh tiếng của ông đã vang xa khắp một dải miền ven biển từ Yên Bang đến Thuận Hóa, được mọi người phong “Thánh địa lý”.

Danh tiếng của ông được nhiều người biết đến xuất phát từ một lần ông đến làng Hành Thiện ở Nam Định, thấy làng có hình con cá chép đang bơi ra biển lớn, phù sa mỗi ngày lại một bồi thêm làm làng phát hưng trù phú. Chỉ hiềm một nỗi, con cá chép này lại không có mắt nên không thể phát khoa danh. Người làng nghe thế, vội vàng giữ Vũ Huyền lại mời ông ăn cơm, hậu đãi trà rượu. Thấy dân làng an cư lạc nghiệp, sống hiền hậu, phúc đức, siêng năng chịu khó, nên đã chỉ cho dân làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đó dân làng phát khoa danh, nhất là họ Đặng.

Mặc dù trong suốt cuộc đời mình, ngài Tả Ao đã giúp nhiều vùng đất được hưng thịnh, nhiều gia đình phát lộc, nhiều hiền nhân phát tài, nhưng đối với cá nhân ông dẫu có dày công tầm cứu long mạch đến đâu thì cuối cùng, cũng không thể cải biến được mệnh Trời.

Cuốn “Nam Hải dị nhân” kể rằng, khi ngài Tả Ao học địa lý thành tài, trước khi chia tay thầy để trở về cố hương, ông đã được thầy căn dặn: Về đến nước Nam, nhớ đừng lên núi Hồng Lĩnh. Nhưng một lần qua Hồng Lĩnh, ông tò mò bèn trèo lên xem thử, thì ra đó là huyệt “Cửu long tranh châu” (chín rồng tranh ngọc), chính là huyệt đế vương vô cùng quý hiếm. Ông bèn đưa mộ cha về an táng trên núi.

Ít lâu sau, vợ ông sinh được một con trai. Cùng lúc ấy các thầy thiên văn phương Bắc phát hiện thấy có nhiều vì tinh tú cùng chầu về nước Nam. Nhà Minh thấy vậy, vội truyền lệnh cho các thầy địa lý phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ tru di tam tộc. Thầy dạy của Tả Ao biết rằng chỉ có học trò mình mới làm được điều này, bèn sai con trai sang “đoái công chuộc tội”.

Con trai ông thầy sau khi điều tra kỹ lưỡng đã yểm phá huyệt đạo, rồi bắt con trai cả của Tả Ao mang về Bắc quốc, khi ông nhận ra thì đã quá muộn màng.

Đến lúc thân mẫu qua đời, Tả Ao đã lặn lội tìm thế đất Hàm Rồng ở mãi ngoài hải đảo để an táng mẹ. Đến ngày giờ đã định thì bỗng nhiên sóng to gió lớn nổi lên, đến khi trời yên bể lặng ở đó nổi lên một bãi bồi. Tả Ao biết ý Trời không thuận, bèn than rằng: “500 năm rồng mới há miệng trong một lần một khắc, Trời đã không cho thì đúng là số rồi

Từ ngày trở về cố hương, thấm thoát cũng đã mấy chục năm. Cụ Đức Huyền giờ đây cũng đã sắp về với đất mẹ. Nghe theo lời di huấn của sư phụ, cụ không truyền lại thuật phong thủy cho con cháu. Nhưng vì tiếc rằng thuật phong thủy Đại Việt lụi bại, cụ đã viết cuốn Địa lý Tả Ao[2] (vì thế sau này thường gọi là cụ Tả Ao) gồm ba phần: Bát Đại Hoàng Tuyền, Long Thượng Bát Sát và Thủy Pháp. Cuốn sách là những tinh hoa về thuật phong thủy: khí và hình, thế sông và núi, xem đất làm nhà, táng mộ người chết, xây dựng cung điện,...

[1] Một địa danh cũ có từ thời Hậu Lê : xứ Sơn Nam gồm các phần đất của các tỉnh phía nam đồng bằng bắc bộ như Hưng Yên, Hà Nam , Nam Định , Ninh Bình

[2] Tả Ao hay Tả Ao tiên sinh, là nhân vật làm nghề địa lý phong thuỷ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông được cho là tác giả của một số cuốn sách Hán Nôm cổ truyền bá thuật phong thủy của Việt Nam. Trong dân gian tương truyền nhiều giai thoại cổ về hành trạng thuật phong thủy của ông ở các làng xã Việt Nam thời xưa. Tả Ao có quê ở làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Bạn đang đọc An Nam Đạo Mộ Ký sáng tác bởi ThạchPhật
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi ThạchPhật
Thời gian
Cập nhật
Lượt đọc 24

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.